Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Văn chương trong trí nhớ: Trăng với tuổi thơ

Văn chương trong trí nhớ: 
Trăng với tuổi thơ
Từ bao đời, trăng là người bạn thân thiết của tuổi thơ và cũng là nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân. Trong số đó có Trương Xương, một cây bút đã sáng tạo được nhiều áng thơ hay về trăng với tuổi ngọc.
Đây là bài “Câu trăng” của ông:
"Diều treo tiếng sáo vi vu 
Trong veo như thể mùa thu cất lời
Ao nhà sao lặn mây trôi
Cần câu trúc với em ngồi câu trăng”
“Câu trăng” là câu mùa thu, câu sự hồn nhiên của tuổi thơ yêu dấu vậy.
Cũng có lúc, trăng cùng các em dạo chơi. Nhưng “một sự cố” đã xảy ra. Và thế là trăng hiện lên trong không khí rộn ràng, ấm áp niềm vui con trẻ:
“Đang cùng em bé dạo chơi
Ông trăng bỗng tuột chân rơi xuống hồ
Cá cờ ngỡ bánh trung thu
Tung tăng như thể đèn cù quanh trăng”
(Trăng dưới hồ)
Trăng ở “ao”, ở “hồ” thì như ta đã thấy, đương nhiên là rất đẹp. Vậy trăng trên sông thì sao? Tác giả không miêu tả chi tiết mà chỉ gợi bằng một vài nét chấm phá ngây thơ, với tâm trạng “lo trăng vỡ”, để từ đó người đọc nhận ra vẻ đẹp huyền ảo cần được nâng niu, gìn giữ của trăng”:
"Ông trăng bơi dưới dòng sông 
Chín tầng mây cũng bồng bềnh trôi theo
Em đưa rất nhẹ mái chèo
Chỉ lo trăng vỡ… làm nghèo mất trăng”
(Trăng trôi)
Trăng làm ngây ngất tâm hồn con người từ thuở hồng hoang. Và bằng trí tưởng tượng bay bổng của mình, con người đã thêu dệt quanh trăng bao nhiêu huyền thoại đẹp, để bây giờ, qua tâm hồn thi sĩ, những câu chuyện lung linh ấy đã nên nhạc, nên vần:
“Ngỡ đi cắt cỏ chăn trâu
Ai ngờ trốn học chơi đâu vắng nhà
Thẩn thơ dưới gốc cây đa
Để con gấu đến tận nhà ăn trăng”
(Cuội và trăng)
Sự nhạy cảm của tâm hồn tác giả đã lấp lánh thành sự nhạy cảm của tâm hồn các em trong bài “Giàn mướp hứng trăng” hết sức tài hoa:
“Dưới trời cao rộng bao la
Cả giàn mướp ở trong nhà tốt tươi
Trái đung đưa níu bầu trời
Lá cùng hoa hứng trăng rơi xuống giàn”
Với người lớn, gọi tên trăng không phải bận lòng. Thế nhưng, với thiếu nhi, những điều đơn giản ấy cũng nảy sinh bao thắc mắc, băn khoăn:
“Trăng tròn vành vạnh không rơi…
Lúc như gần lắm, lúc vời vợi xa
Bố thường gọi chị Hằng Nga
Tại sao mẹ lại bảo là ông trăng?”
(Ông trăng - chị Hằng Nga)
Những câu hỏi “tại sao?” như vậy, xuất hiện thường xuyên trong ý nghĩ tuổi thơ. Ai đã từng là mẹ, là cha đều không ít lần đứng trước những câu hỏi đó.
Trong mỗi tuổi thơ cũng giống như hoa đào với mùa xuân. Mùa xuân đẹp bởi có hoa đào, tuổi thơ đẹp bởi có ánh trăng. Ánh trăng tuổi thơ mãi mãi là hành trang tinh thần để con người vững bước trên con đường muôn dặm của cuộc đời.
Trung thu 2006
TRẦN XUÂN TUYẾT
Theo http://quyennt0412.violet.vn/


1 nhận xét:

  1. Bài viết đã giới thiệu những vần thơ trăng độc đáo, thú vị của Trương Xương. Với con mắt nhìn của tuổi thơ , ông đã đem đến cho người đọc những cảm xúc vui tươi , hồn nhiên của tuổi thơ trước vầng trăng quê .

    Trả lờiXóa

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...