Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Nguyễn Lương Vỵ: Người thơ hát âm

Nguyễn Lương Vỵ: Người thơ hát âm
Một Người Thơ, hát âm giữa đôi bờ sinh tử.
Sao gọi Hát Âm? Xin nghe đoạn thơ trong bài Âm Nhạc của Nguyễn Lương Vỵ viết năm 1970:
…Âm nhập cốt
Âm binh phiêu hốt tiếng tru
Ta tru một kiếp cho mù mắt
Mù lệ đề thơ để nhớ đời… 
(Tập San Văn Chương 1973, Sài Gòn - Âm Vang Và Sắc Màu, 1991). 
Phải chăng, Âm nhập cốt, để rồi, Ta tru một kiếp cho mù mắt/ Mù lệ đề thơ để nhớ đời đã vận vào mệnh-chữ Nguyễn Lương Vỵ (NLV) cho thơ rền tiếng hú âm?
Một Người Thơ, vẽ chân dung của mình: 
...Vẽ chân dung mộng ảo mà chơi
Mắt môi nắng quái cái luân hồi... 
...Chân dung ảo thơ rền thạch động
Nước khua rằm rụng xuống hai vai... 
...Vẽ chiêm bao chào cái chân dung… 
(Hòa Âm tr.13) 
Một Người Thơ, tờ tợ hình ảnh một hiệp sĩ, hứng nghịch cảnh: 
Này cái lạnh ta thề sẽ buốt
Suốt xương da để vẽ môi cười
Mắt vời vợi lời kia trong suốt
Để ta cuồng khóc hận khôn nguôi… 
(Hòa Âm, tr.13) 
Một Người Thơ, với niềm tin duy nhất là Thơ, tận hiến trong cô độc, cảm xúc Thơ, cho dẫu chết, vẫn thơ mộng quá, một con quỷ đọc thơ, một bóng ma nhặt bóng chiều tà: 
Chết tươi làm con quỷ xướng thi
Chết héo làm con ma lầm lì
Quỷ xướng thi, kinh kỳ rụng xuống
Ma ta lầm lũi lượm tà huy 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.74) 
Nếu con ma lầm lì, mỗi hoàng hôn được có trên tay một chút nắng tàn đem về vẽ chiêm bao để nhận diện mình, thì, tôi cũng muốn được cái lầm lì ấy của một bóng, ma. 
Vẽ ra một chân dung như vậy, thật quá đậm, hình lẫn bóng. 
Tôi đã đọc những thi phẩm: Âm Vang Và Sắc Mầu - Phương Ý - Hòa Âm Âm Âm Âm… - Huyết Âm - Tinh Âm, của nhà thơ NLV. Điều cảm nhận đầu tiên của tôi là cái khí nhất quán các tập thơ, một mạch chảy của một dòng sông, nhưng ở mỗi thi phẩm lại thể hiện mỗi lực chảy khác nhau. Từ ý tưởng, ngôn từ, nhạc thơ, và trên hết, là cảm xúc thực của tác giả, phát ra một lực mạnh mẽ truyền đến người đọc. Và bây giờ, trong tay tôi, tập thơ mới nhất, Bốn Câu Thất Huyền Âm (2011.) 
Với một chữ huyền đã khiến u buồn, nghe như mình lọt vào không khí những tiếng đàn trầm. Nghe thôi, muốn tìm ở đâu đưa đến những âm thanh ấy thì hình như chạm vào ảo mờ của bóng sáng tối. Và có phải, giữa vườn hoa chập chùng, tôi chỉ tìm được lối đi bằng tiếng rơi của cánh hoa? 
Vâng, tôi đang lắng đi theo tiếng rơi ấy. 
Đó là điều làm tôi muốn viết thêm về NLV, bằng cách lồng vào bài viết cho Huyết Âm từ năm 2009 (đã đăng trên web Da Mầu). Tôi muốn những ý nghĩ của tôi xuyên suốt một sợi chỉ cảm xúc, vì rung động từ những thi phẩm của NLV như những mắc xích nối nhau. Phải để nó phơi một mạch như thế này thì mới nhận được hết những bổng trầm của cảm xúc. Nên tôi cũng xin lỗi những ai đã đọc bài tôi viết về Huyết Âm trước đây, bây giờ lại thấy khác đi, thì cũng vì điều tôi đã nói ở trên. Và, cũng vì Thất Huyền Âm trong khu vườn Bốn Câu mênh mông của nhà thơ.
Viết về Huyết Âm, tôi chỉ nói đến cảm xúc của người đọc thơ, hôm nay, tôi lại muốn nói hơn một
điều, không, hai điều, mà cũng không chắc được, vì, cho đến lúc này, ngoài cái đồng điệu văn chương ra, tôi còn nương tựa vào đó một nghĩa bạn hiền, một đạo bạn bè. Cứ theo cảm xúc ấy mà đi...
Hồi 17 tuổi, tôi đã chép vào cuốn sổ ghi chép của mình, những câu thơ từ một tạp chí, nó làm tôi quá thích, chẳng hiểu sao mà hình ảnh và những chuyển động trong 4 câu thơ hòa quyện vào cùng một không gian một cách nhịp nhàng đến thế: 
Biển đắp một toà sương
Lạnh đôi bờ vú nhỏ
Nàng tắm trong tịch dương
Núi gầm lên khóc nhớ… 
Giữa cái cô liêu của tịch dương và tiếng gầm vô thanh hạt lệ núi cùng đôi bờ lạnh, nhỏ, khói sương kia có một nhịp tương giao rất đỗi quạnh hiu, và cũng quá thơ mộng trong 20 âm, ẩn hiện bóng chiều tàn.
Mãi đến 40 năm sau, tôi mới gặp được người viết, NLV (viết bài thơ nầy vào năm 16 tuổi). Gặp được, là nhờ cái cười vô vi, cái vẫy gọi hý lộng cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan (NTN).
VÀ NGUYỄN TÔN NHAN
…Ba người ngồi đó, một mái hiên tây, tôi nghe NLV dạ thưa chào hỏi, tôi nghe đôi mắt NTN cười sau cặp kính trắng, tôi nghe tôi im lặng, chưa nguôi nỗi ngạc nhiên giữa nắng vàng Calif. lại đang vẽ một cách mong manh cái dáng mảnh khảnh, lãng đãng của NTN. Tôi nhìn anh, và tôi vẫn thấy ở đó, cái điệu ơ hờ như là bất cứ thứ gì bám trên màu áo bụi bụi kia cũng đều bị hụt hẫng. Anh nói lẫn trong tiếng cười: “Khánh Minh đấy Vỵ, xem tôi nói có đúng không. Rồi ông sẽ thấy những gì tôi nói đều không sai.” Giới thiệu hai bên như vậy.Tôi nghe họ cười, rất trẻ (thơ?) khiến một lúc tôi có cảm giác như mình là bà chị, của một người hơn tôi bốn tuổi, của một người thua tôi 6 tháng. NTN khuấy ly cà phê đá bằng những tiếng lanh canh thật to của cái muỗng dài, rồi hớp một hơi, đặt xuống bàn, kêu, dở muốn ói! 
Không khí buổi gặp gỡ ấy hình như im lặng nhiều hơn. Tôi thì có một nỗi xôn xao, trong buổi trưa ở phố Bolsa này, lại thấy lênh đênh dạt tới một vạt nắng ấm Sài Gòn ngày cũ. Ba người ngồi đó trong tiết xuân mát lạnh. Ca dao bảo: Ba cây chụm lại nên hòn núi cao; còn ba bóng cô đơn đang ngồi gần nhau thì làm nên cái gì đây? Nếu tôi đem câu này mà hỏi anh NTN vào lúc đó thì chắc chắn tôi sẽ nghe một câu trả lời lẫn tiếng cười ha hả sảng khoái: Thành cái bếp chứ cái gì!!! Mà hình như anh Nhan có nói thế thật, ở một lúc khác sau đó, để chọc tôi, sao anh không thấy là nó sẽ thành ngọn núi cao như ca dao đã bảo thế? 
Cái im, lặng đến nỗi tôi cảm thấy như chúng tôi đang lọt vào một cõi trời đất nào khác, mà NTN thì muốn rống lên một tiếng: Lòng như trời trống mênh mông… rỗng rang chẳng một vọng âm (NTN), NLV thì muốn thả một làn khói vào phổi mà Tri ân tiếng nói giữa trần gian, mà nghe Trong mịt mùng của một trái tim đã khô/ Những niềm trời vẫn còn long lanh giọt lệ (NLV), còn tôi thì mềm lòng: Dạ thưa trời đất cùng ta cõi này, một vòng sinh tử đang quay… 
Tôi cũng cảm nhận được cái không lời giữa họ, hai nhà thơ, đồng thời với tôi, mà tôi quý mến, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Lương Vỵ; một người thì xem mọi điều trong cõi đời nầy như trò bông đùa, hóa giải mọi nỗi thống thiết thành tiếng cười, mà khi nghe thì người ta cảm thấy cả tiếng vỡ của một hạt bụi. Một người thì tận thấu những nỗi đau của kiếp người bằng cái trầm thống của máu thịt tủy xương, mà khi nghe ta cảm ứng được âm vang lồng lộng tiếng rơi của từng hạt lệ. Tôi chợt hiểu ra, tận cùng, họ gặp nhau trong cái bóng của niềm cô độc riêng tây. Bởi vậy mà họ nói với nhau bằng nỗi tri kỷ im lặng, bằng nỗi long lanh của bọt bia trắng như mép một con sóng đang vỡ ra trên bờ cát im, trong đêm trăng sáng. Đó là Nguyễn Tôn Nhan và Nguyễn Lương Vỵ mà tôi thấy trong những ngày ngắn ngủi ở Little Saigon này, cộng thêm một tôi, một cái bóng của niềm thơ cô độc nữa. 
Đó là buổi đầu tôi gặp NLV (còn thơ NLV thì tôi đã gặp từ hồi tôi 17 tuổi rồi), một nhịp của số mệnh để có một tình bạn cho tôi chỗ dựa tin cậy trong những chia xẻ đồng điệu của văn chương.
Mà phải tường tận điều này để đừng đớn đau: Vừa mới hợp là vừa mới tan / Tuyệt bi âm. Sấm dậy tro than (Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.18) 
Biết thế, mà vẫn nghe quá đỗi bi thương của tiếng tro than sấm dậy ấy, khi gần hai năm sau, nghe tin NTN: Thiết tha anh đến mép viền vô vi/ Thõng tay chẳng đem chút gì… cho dẫu đối với anh Mai kia cõi ấy dịu dàng lặng câm...(NTN), nhưng, với tôi và NLV ở lại, thì, bây giờ đúng là đang ngơ ngác lặng câm cõi này. Anh không đem theo chút gì, nên dường như anh đã để lại cho hai người bạn nơi mái hiên tây ngày nào một chỗ mênh mông lạnh. Anh có nghe Vỵ thất thanh gọi Nguyễn Tôn Nhan không? Và anh có nghe những giọt nước mắt giả vờ của tôi trước cái đùa ly biệt của anh? 
Trong cuộc điện đàm viễn liên, một tháng trước khi anh đột ngột ra đi, anh nói có viết tặng tôi một bài thơ cuối năm, giờ đọc lại tôi thấy lời lẽ trong bài thơ ấy, y như là anh đã linh cảm được cái chết. 
Từ buổi NTN Ba La Yết Đế tới rồi/ Ngó lui còn một em ngồi bên kia, và không biết bao giờ thì anh Vậy thì anh cũng xin về? 
Trong khi chờ đợi NTN quyết định xin về, những lần ngồi nói chuyện với nhau, không thể nào mà hai chúng tôi không ít nhất là, rất nhiều lần, nhắc NTN. NLV vẫn đốt thuốc nhìn trời khuya nói chuyện với người bạn tri âm của mình. Một tối, Vỵ gọi phone cho tôi,“Tui nhớ Nhan quá, nghe dùm tui câu thơ vừa viết cho Nhan”. Nỗi nhớ cũng lây hay sao?! Tối đó tôi nằm mơ, thấy NTN nói, anh chỉ cho tôi “ngôi nhà” của anh. Sau khi đi qua một con đường đất có tiếng xe ngựa chạy lóc cóc, nhà anh có ba ngọn đèn sáng, anh nói anh ở với ông Mai Xuân Thưởng và gần nhà ba tôi (ba tôi mất trước anh Nhan 4 tháng.) Sáng dậy, tôi gọi phone cho Vỵ, hỏi,“Ông Mai Xuân Thưởng là ai? Đêm qua, KM nằm mơ thấy anh Nhan, nói ở chung nhà ông ta.” Vỵ nói,“Đừng nói tào lao nữ sĩ ơi! Có nhớ thì mần thơ đi!” Tôi tìm tài liệu biết được ông là một nghĩa sĩ chống Pháp, lúc đó tôi mới biết tới Mai Xuân Thưởng mà tôi nghe anh Nhan nói trong giấc mơ đêm qua... 
Ôi, Nguyễn Tôn Nhan, anh đi vô hạn/ anh về vô biên...(NLV)
MỘT THÂN MỘT BÓNG NGUYỄN LƯƠNG VỴ
Máu đá hòa với máu ta
Nở ra một đoá kỳ hoa
Tỉnh ra thấy mây đầu núi
Chó bay sủa trắng chiều tà… 
(Âm Vang Và Sắc Màu, tr.29)
Thời gian?! Đàn lỗi nhịp khôn kham
Không gian?! Mây trắng nhớ vân am
Còn một mình một thân một bóng
Con Ma Ta vừa mới hội đàm… 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.16)
Ma ta lầm lũi gom tiếng nói
Ngần sương dấu hỏi dấu than bay… 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr. 83) 
Từ con Người-Ma chênh vênh giữa buổi tiệc-máu-xương trong Huyết Âm đến bóng ma lầm lũi gom nhặt tiếng nói, về cùng người thưa thốt, có phải là băng qua giấc mộng tử sinh dằng dặc để có non xanh một quỷ xướng thi? Cái không khí Con Ma Ta vừa mới hội đàm…, làm ưng ức nhịp hiện tiền và con Người-Ma đi ra từ nước mắt, hạt máu làm tôi thấy sợ cái màu trắng của núi xương… 
Cho là tôi chủ quan, cũng không hề gì, khi nói thơ NLV, nhất là ở Huyết Âm, luôn gây ra cảm xúc đau lẫn sợ, bởi tôi cảm thấy được, dù là trong sầu bi hay đôi khi trong phẫn nộ, dù là với những lời thơ đẹp hay với những lời thơ thô xì tàn nhẫn bông đùa, thì NLV cũng đã viết ra từ phản hồi âm vang của huyết lệ. Tôi cũng cho rằng, khi đã sống trọn vẹn, sống thực với cảm xúc của mình thì sẽ thấy được, nghe được Âm Vang và Sắc Màu của tâm linh, và sẽ phổ được nó vào hồn cốt của chữ nghĩa, một chữ-nghĩa-nguyễn-lương-vỵ: 
...Thơ biếc máu để nuôi hoài chút lửa… ...Vuốt mắt sắc tím hát/ Nghe âm hoa trong veo/ Nghe âm đá cuốn theo…,
…Nghe hết cái không nghe… ...Gió vô sắc nhưng rằm kia quá mượt/ Thơ u hồn đắp nấm gọi tinh âm…, ... Xác chữ hồn âm ngân ánh lửa…, ... Âm ngún cháy xanh lời mở cửa… ... Rú máu sông đồng vọng bóng quê nhà… 
(Trích rải rác trong thi tập Hòa Âm Âm Âm Âm…) 
Trong Bốn Câu Thất Huyền Âm, tôi càng thấy rõ rằng tôi đã cảm nhận đúng ngay từ những câu mở đầu trong bài viết về thi phẩm Huyết Âm trước đây, vẫn khí thơ: 
Vậy nhé! Xé câu thơ đứt ruột
Vẫn chưa bưa cái buốt giang hà
Vẫn hận mãi một lời đã vuột
Vẫn trông vời hồn cốt trôi xa … 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.50.) 
Nếu Huyết Âm là âm vang vết roi bi thương của cảm xúc, thì Bốn Câu Thất Huyền Âm là nhịp búng từng tiếng trầm, những tiếng đàn được gảy ra từ một tâm khí thơ đầy nội lực, khi nghe, nếu không đủ sức thẩm âm thì sẽ khó mà nghe cho thấu, nhìn cho ra cái điệp trùng mênh mông của cõi miền hư không tịch mịch ấy. Khi đã nghe thấu, nhìn ra, thì, tất cả lại được ném vào cái phiêu bồng của nhớ quên… 
Gió cứ đi và sấm cứ rền
Cho chiều câm bầm huyết gọi tên
Cho ta cắn nát màu ưu hận
Nhai nuốt ngon lành chuyện nhớ quên… 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.62.) 
Thấy như mình đang đi một mình trên đường đầy gió, tiếng gió rau ráu chuyện buồn đau nhân sinh, và những sợi tóc nhỏ quay lại thảng thốt…
Thơ NLV, luôn là như thế, ngoài hình gợi, nhạc gọi, ý lay, còn mở ra một không gian chập chùng muôn chiều, thổi tràn một khí lạnh, bắt người ta phải liên tưởng… 
Khí lạnh ấy là âm vang của nỗi bi thương tự tại: Chân dung ảo thơ rền thạch động/ Nước khua rằm rụng xuống hai vai… (Hòa Âm, tr.13.) Những ảo, rền, khua, rụng, kéo người ta cảm thấy như hai vai của chính mình đang chạm vào từng hạt rằm của con trăng vắng bóng.
Khí lạnh ấy là âm thang cao nhất của cô độc: Độc tấu với bóng mình/ Ngực rêm rêm mộ địa (Hòa Âm, tr. 31). Hỏi ai đã từng cảm thấy nhịp đập con tim là tiếng rêm của huyệt mộ?
Mà cũng lạ, thức ngàn năm một hạt sương câm, thì Thơ mới bắt đầu chín tới, khi gỡ khỏi cái vòng Kim-Cô-Thiên-Địa ư? 
Giọt sương thức ngàn năm
Ta ngồi câm tuyệt đối
Khi thiên địa xa xăm
Thơ bắt đầu chín tới… 
(Hòa Âm, tr.34) 
Hú một mình vì khô nước mắt
Cô liêu. Trời đất ác vô cùng 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, bài 15.) 
Ác hay là…? Ngẫm ra, Người Thơ có được một đặc ân khi mang số phận cô độc để bước vào hành trình Thơ hun hút, thử hỏi nếu đầy tiếng xôn xao thì làm sao nghe được tiếng khô của hạt lệ? 
Nếu coi hành trình đến với Thơ là một cuộc hành hương thì Người Thơ dường như đã chạm ngõ được cái nguyên vẹn, tinh khôi, và mới mẻ được nuôi dưỡng từ những con chữ kỳ diệu ấy: 
Năm mươi năm theo em
Từ khi trong mầm khí
Con trăng non rên rỉ
Con suối khát nguồn xưa… 
(Hòa Âm, tr.27) 
Ngàn câu thơ chết yểu
Xanh hết suối hồn ta… 
(Hòa Âm, tr.28) 
Rất mát lạnh câu thơ chín tới
Nhịp bàn chân. Chuông ngân vời vợi
Vỗ bàn tay vũ trụ vần xoay
Lời vô ngôn mà sao mắt cay?! 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.66.) 
Có phải một mình trong hang động im vắng của cõi Thơ, cái tịch mịch làm người ta nghe được mọi âm vang của cõi tồn sinh - như người xưa đã nói - mà Người Thơ đã hoà âm được cảm xúc của mình với tiếng vang của thời gian, tiếng rền của một hạt bụi?
Và cả tiếng chân của đứa con gái bé nhỏ yểu mệnh về từ âm tuyết lạnh, để thấu được tủy chiều, để nghe trời ứa mật, đá khóc? Nếu thế, thì cái-một-mình quả là một hồn ai nghiêng xuống rất bầu bạn, trong đêm. 
Xin nghe tiếng máu chảy mềm của người cha khiến nước mắt, xương tủy chờ con quặn đau đến thành tiếng hú: 
Chờ con về trong âm huyệt tuyết
Nhai tiếng chuông rền trong xương ta... 
...Chờ con về trong âm huyệt tuyết
Lạnh trầm ngân
Búng huyết
Thơ Ca 
...Con về chưa mà tuyết vẫn rơi
Ngàn bông lau
Huyệt tuyết
Hú dài… 
(Hòa Âm tr.175) 
Tôi cũng chưa được đọc ở đâu những lời thơ nói về niềm thương cảm người Mẹ như vầy: 
Con về bên Mẹ nghe huyết âm
Nghe tuỷ xương réo rắt mưa dầm…
Chắp tay hứng trọn huyết âm Mẹ
Lô hỏa thuần thanh âm huyết hoa 
(Huyết Âm, tr.59.) 
Cũng hiểu được, khi biết NLV đã rút từ đâu ra những con chữ để có được nỗi niềm thương và đau dữ dội thấm thía như thế: Róc huyết âm/ Đá khóc/...Róc con âm/ con chữ lạnh thấu tủy xương… 
Vậy nhé! Xé câu thơ trắng tủy
Để còn nghe rền rĩ mưa âm
Âm đỏ ngực một bầy ngựa hí
Thây ma trôi. Thế kỷ tím bầm...
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.52)
Tủy của Thơ. Mưa của Âm, tận hiến đến thế. Hình ảnh nằm trong câu 4 của đoạn thơ trên là của thế kỷ chúng ta đó ư, nhà thơ? Tại sao chúng ta để nó hằn dấu bầm tím của vết thương vậy? Hỏi và đã biết cái nguyên do đau lòng…
Ôi cái thế kỷ!
Mẹ huyền vi/ Rung huyết/ Đón tinh Cha (Huyết Âm, tr.16). Rung huyết, hình ảnh rúng động thiêng liêng của giây phút sáng tạo. Để rồi đưa đến cái bất ngờ chua chát, bi phẫn: A!/ Gái huyền/ Đẻ đái/ Cái Người-Ma (Huyết Âm, tr.17), làm tôi liên tưởng một cách rất buồn về thế giới chúng ta đang sống. Nơi người ta coi thường sinh mạng con người, coi nhẹ cái nghèo, cái đói, cái bất hạnh của người khác. Hình ảnh Người-Ma này theo hoài trong Huyết Âm như một ám ảnh, ở những trạng thái mà đôi khi không biết nghiêng về Ma hay Người… Cái bóng Người-Ma đeo đẳng như một cặp song sinh: Bóng Ta chìm bóng Ma/ Bóng Ma chìm bóng Ta. Cũng không biết được cả hai có bắt tay thỏa hiệp không. Hoặc giả, cười ngạo hay bất lực trước nó?
Nếu ở Hòa Âm, dòng suối lặng lẽ gửi âm vang tiếng reo sâu thẳm, thì đến Huyết Âm, cuộn lên những dòng khinh bạc, quyết liệt.
Trọn đời thống thiết Người-Ma
Bẻ đốt xương nghe cái rắc...
...Mây đùn tủy óc phôi pha…
(Huyết Âm, tr.24)
..Mồ-Ma-Người-Ngợm quá ể
Vỗ tay xương máu tiệc tùng
(Huyết Âm, tr.32)
Nuốt ực hết bi âm rền vang của máu và lệ - nơi chúng ta đang hít thở - nơi mà Ta-Người đối ẩm Ta-Ma, nơi mà nhân tính con người thúc thủ trước những cuộc tiệc-tùng-xương-máu. Thôi đành lui về Chi bằng độc ẩm huyết âm…, thấm nó vào trong thịt xương mình, để biết yêu quí và trân trọng máu lệ của chúng sinh. Cho nên, không phải tình cờ, cái bước lui về là bước đánh động vào cuộc tiệc-tùng-xương-máu kia…
Từ “Độc tấu với bóng mình” ở Hòa Âm đến “Độc ẩm huyết âm” ở Huyết Âm, có phải là chặng đường dài của cốt tủy hòa thanh, đi qua Mỗi chữ mỗi kiếp cháy sáng rực?... để nghe Vết thương ta ủ trong tiền kiếp/ Mỗi chữ oan khiên hóa núi ngồi…(Huyết Âm, tr. 34)
Để mà khóc cười với ngàn kiếp thâm u có lẽ phải có nội lực của, chữ hóa núi.
Và có phải khi dùng lời như trẻ thơ thì mới hóa giải được cái đau phận kiếp, trong khổ thơ bốn câu, nghe như là đồng dao này?:
Hồn âm cứ nhấn
Xác chữ cứ nhai
Sai cái không sai
Đúng cái không đúng
Sống không để bụng
Chết không mang theo
Huyết âm trong veo…
(Huyết Âm, tr.99)
Như thể một anh mõ làng đi trong đêm vắng, trên những con đường xóm thôn đang ngủ mà rao những lời nhắc nhở, tối lửa tắt đèn…
Tôi tin với nội lực đã tấu lên được những âm vang bi thương nơi lòng người như thế sẽ lan ra, tỏa khắp, để cùng nhau chấm dứt cái cảnh núi xương, sông máu, biển lệ này.
Đọc thơ NLV, cho dù chưa thể “lên thêm một tầng lầu nữa” để “tận cái nhìn nghìn dặm” như nhà thơ Lý Đợi đã trích hai câu thơ của Vương Chi Hoán “Dục cùng thiên lý mục/ Cánh thướng nhất tằng lâu” trong bài bạt thi tập Huyết Âm, nhưng với tôi, tôi cũng đã bắt được nhịp từ bản giao hưởng huyết lệ ấy. Làm sao mình biết hạt lệ mặn thế nào khi mình không-biết-khóc? Bằng cách đó tôi đọc Huyết Âm. (Có thể rồi, tôi sẽ thấy được cái nghìn dặm của Huyết Âm, nhưng chắc gì vào lúc ấy, có được cái cảm như bây giờ?) Bằng cách đó, tôi chia sẻ được chuỗi ÂM thống thiết trong thơ NLV.
Tôi tin NLV tiếp tục đi mãi trong cuộc hành trình rất riêng, rất độc sáng của mình, cho dù, Mần thơ/ Quả thật/ Đại tào lao như anh đã viết tinh nghịch, tếu như vậy, để tôi, và những người đồng điệu sẽ còn nghe được nữa cái “Tịch Mịch như Nguyên Thủy Nguyên Sơ” trong những bước trở về cùng Thi Ca như Người Thơ đã giải bày.
Và cũng như thế, tôi đi đến Thất Huyền Âm hôm nay, với những nhịp lắng theo dấu những tiếng trầm trầm từ Bốn Câu âm âm vô biên…
Đọc lại và hiệu đính 5/2014, nhân sinh nhật lần thứ 62 của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.
Mùa Đông, 2011
Nguyễn Thị Khánh Minh
Theo http://nguyenluongvy.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...