Văn chương trong trí nhớ:
Có một nỗi buồn như thế!
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại...
Nhưng không chết
Người trai khói lửa
Mà chết
Người em gái nhỏ hậu phương
Với nhiều người, đây là những câu thơ hay nhất trong Màu
tím hoa sim nói riêng và trong chặng đời thơ gập ghềnh sóng gió của Hữu
Loan nói chung. Hay về tứ, về hình ảnh, nhịp điệu... Những câu thơ có thể dùng
hai chữ "toàn bích" ngợi ca mà không sợ quá lời. Dẫu biết vậy, nhưng
không hiểu sao, tôi thì tôi lại thích nhất những câu dưới đây:
Một chiều rừng mưa
Ba người anh ở chiến trường Đông Bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Theo thứ tự câu chữ điểm hiện lên trước nhất là khoảng thời
gian chiều. Chiều thường gợi buồn. Nói vậy không có nghĩa là không có những buổi
chiều vui. Thi thoảng đó đây, chúng ta cũng bắt gặp những buổi chiều vui như Đi
giữa đường thơm của Huy Cận chẳng hạn. Song cảm giác hiu hắt, khiến lòng
người chùng xuống vẫn là âm hưởng chủ đạo mà chiều gợi nên trong thi ca từ xưa
đến nay. Lâu, dần thành mặc định. Chiều là một biểu tượng của nỗi buồn.
Nhắc đến chiều là gợi đến nỗi buồn. Dùng thời gian chiều làm xuất phát điểm cho
khổ thơ, có thể thấy Hữu Loan chủ tâm miêu tả nỗi buồn. Để đạt mục đích, nhà
thơ đã sử dụng thủ pháp tăng tốc kép, đặt những từ cùng thuộc một trường
nghĩa cạnh nhau liên tiếp để mở rộng tối đa biên độ nghĩa của từ trung tâm.
Trên trục cú đoạn học, sau khoảng thời gian chiều là cặp từ miêu tả không gian: rừng,
chiến trường Đông Bắc. Trong mối tương tác giữa thời gian và không
gian này, nỗi buồn hiện ra mỗi lúc một rõ nét. Rừng vốn gợi nét heo hút,
âm u. Vậy nên, nỗi buồn nơi rừng chiều cũng nhuốm màu sắc lạnh lẽo, cô đơn. Nỗi
cô đơn này hoàn toàn khác với nỗi cô đơn chốn thị thành. Nỗi cô đơn nơi thành
thị thường song hành với tâm trạng chán nản muốn lánh đời, lánh người. Còn nỗi
cô đơn nơi rừng già thường đi cùng với niềm khao khát nhập thế, hòa mình vào cộng
đồng. Khi không gian được mở rộng tối đa (chiến trường Đông Bắc) thì trong nỗi
buồn, nỗi cô đơn ấy còn phảng phất chút gì như sợ hãi, như ngậm ngùi. Cũng phải
thôi. Đây là thời chiến, thời mà mọi điều đều có thể xảy ra, thời mà con người
cảm nhận rõ nhất cái mong manh, bất trắc của số phận bản thân mình cũng như đồng
loại. Không sợ hãi sao được. Cảnh đã buồn lại càng thêm buồn khi cơn mưa ập xuống.
Cơn mưa làm cho bầu không khí ở chiến trường Đông Bắc-chiến trường nguy hiểm,
gian lao nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp-càng thêm lạnh lùng, ảm đạm. Và
bên cạnh cơn mưa của đất trời ấy còn một cơn mưa nữa cũng đang rơi âm thầm trên
chiến trường Đông Bắc: dòng lệ khóc người thân đi xa của ba người chiến sĩ.
Ba người anh ở chiến trường Đông Bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng.
Thời chiến tranh, chuyện thư sau đến trước, thư trước đến sau
là bình thường. Nhưng trong trường hợp này sự chậm trễ đã dẫn đến một nỗi đau
khôn kể xiết. Ba người anh trai nhận được một tin buồn và một tin vui. Còn chưa
nguôi nỗi đau trước sự ra đi vĩnh viễn của người em gái thì ba người chiến sĩ lại
nhận được tin em lấy chồng. Cái tin lẽ ra phải đem lại niềm vui khôn
tả cho những người anh trai thì giờ như muối chà sát vào nỗi đau mất người thân
của họ. Tin vui thoáng thành vô nghĩa. Giá tin vui đến trước thì họ còn được hưởng
chút niềm vui ít ỏi. Đằng này tin buồn đến trước, tin vui đến sau. Thủ pháp
tăng tốc kép lại một lần nữa được nhà thơ sử dụng. Chỉ khác ở chỗ đây là tăng tốc
tương phản. Lấy niềm vui để tả, để nhân niềm đau. Vậy là bên cạnh nỗi buồn
chung của mọi người khi gặp thời chiến tranh, ba người chiến sĩ còn có nỗi buồn
riêng từ nỗi đau mất người thân. Nỗi buồn theo họ đi trong suốt những chiều
hành quân, trong những năm tháng chiến đấu. Dù sau này khi đất nước giải phóng,
nỗi buồn thời chiến chuyển thành niềm vui chiến thắng thì nỗi buồn mất người
thân vẫn mãi là vị đắng chát trong lòng họ.
Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn, Hữu Loan đã nói được nhiều điều. Bốn
câu thơ đã giúp người đọc nhiều thế hệ cảm nhận được phần nào tâm hồn những người
cùng thế hệ với ông. Họ đã sống như thế và trải qua những nỗi buồn như thế.
ĐOÀN MINH TÂM
Theo http://quyennt0412.violet.vn/
Theo http://quyennt0412.violet.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét