Chỉ là nắm tro
“Chỉ là nắm tro” không phải là một bài
kinh trong kho tàng Phật điển, mà nó là một thực tế. Thực tế ấy tôi đã chạm mắt,
đã sờ mó được. Từ đó tôi có một cảm nhận riêng, xin được chia sẻ với tất cả các
bạn đồng tu nắm tro này.
Vì là nữ nên Hòa thượng sắp xếp ở thiền viện ni
tức Linh Chiếu. Cụ lớn tuổi nên không nhập chúng, mà ở cái thất trong khuôn
viên thiền viện do Hòa Thượng cất cho. Vì thế chúng tôi xem cụ như một thiền
sinh ni của viện. Cụ rất siêng tu, không bao giờ lơi lỏng, tự lực lo cho mình mọi
việc, ít làm phiền đến chư Ni. Năm 91 tuổi cụ vẫn tự quét nhà, rửa chén, giăng
mùng, không phải nhọc nhằn ai, sáng suốt minh mẫn và rất dễ thương. Đến 92 tuổi
cụ mất, ra đi hết sức nhẹ nhàng, không giật mình giật mẩy, không làm kinh động
đến đại chúng.
Khi được tin cụ yếu, tôi sang thăm. Cụ nhìn tôi
quá đổi hiền lành rồi khép nhẹ đôi mắt, đi hồi nào tôi không hay. Thiền viện lo
hết chuyện hậu sự. Hỏa táng xong, buổi chiều tôi cùng chư ni đi lấy cốt. Phần
xương cho vào hủ đem về nhập tháp Liên Hoa tại Thường Chiếu, còn lại phần tro
quý cô hốt vô bao ni lông đem đến cầu Long Sơn – Bà Rịa.
Tại đây tôi được chư huynh đệ chỉ cho dãy núi
Long Sơn thật trầm mặc nằm sâu lắng bên trong. Dòng sông trước mắt cũng trôi chảy
yên ả quá chừng, làm như không có chuyện gì phải buồn phải vui. Sạch và trong
văng vắt. Tôi thật bất ngờ về một miền đất gần gũi với mình. Ở đó có một dòng
sông tinh khiết, yên tĩnh, như không hề bận tâm tới chuyện phố thị rộn ràng bên
ngoài.
Huynh đệ chia nhau nắm tro sau cùng của người
pháp lữ cao niên rải xuống dòng sông. Nắng chiều óng ánh chiếu xuống màu áo
lam, màu xám tro, màu sông nước, màu trái tim huynh đệ lần chia tay. Đẹp
và cảm động vô cùng. Khi tôi bốc nắm tro rải xuống, bụi tro bay bay trong hư
không, từ từ tan loãng rồi hòa vào sông nước. Về đến thiền viện, ngồi lặng lẽ
trong phòng, tôi như ngộ ra một điều: đời người chỉ là nắm tro.
Thật ra chuyện này chúng ta ai cũng biết. Tôi
cũng biết. Nhưng mãi đến khi chính bản thân mình cầm nắm tro của bà cụ, mà trước
đó mình ngồi một bên, còn nhìn, còn nói, còn cười gọi tên…bây giờ lại là nắm
tro, cũng do chính tay mình đem gởi xuống dòng sông. Bỗng dưng tôi cảm nhận sâu
sắc về một đời người, chung cuộc của chiếc thân tứ đại, ai cũng như ai, chỉ là
nắm tro. Đã là nắm tro thì không có nắm tro nào sang hơn nắm tro nào, không có nắm
tro nào vinh quang hơn nắm tro nào, không có nắm tro nào ti tiện hơn nắm tro
nào. Tự nhiên bao nhiêu muộn phiền, toan tính trong lòng rớt xuống. Bởi vì
mình đã là nắm tro thì không có lý do gì đi phiền não các nắm tro khác.
Chúng ta ít nhiều đã đánh mất cả một quãng đời
của mình trong phiền lụy, khổ đau. Cuối cùng tứ đại này không mang theo được vì
nó chỉ là nắm tro, chỉ mang theo nghiệp mà thôi. Sao ta không tự hỏi vì
cái gì mà ta tạo nghiệp, vì ai mà ta tạo nghiệp? Vì nắm tro mà tạo nghiệp! Có
vô lý không. Phải chi vì vàng vì ngọc mình tạo nghiệp cũng được đi, nhưng vì nắm
tro mà tạo nghiệp thì oan uổng quá. Tạo nghiệp để mưu cầu hạnh phúc, không ngờ
lại chuốt quả khổ đau. Bởi vì ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau nằm ở chỗ
nào, chúng ta không biết được.
Chẳng hạn trời đang nóng mình thèm ăn kem. Ăn
được một cây kem thật tuyệt vời, có thể gọi là hạnh phúc. Ăn thêm một cây nữa,
cũng còn hạnh phúc. Thêm một cây nữa thì… hết hạnh phúc, bởi vì nó sắp nôn ra
đây nè. Nếu ăn kem là hạnh phúc thì càng ăn càng hạnh phúc, ăn một cây hạnh
phúc chỉ có một, ăn hai cây hạnh phúc nhân đôi, ăn ba cây hạnh phúc nhân ba. Tại
sao ăn ba cây lại hết hạnh phúc? Thì ra chúng ta đã hiểu lầm về hạnh phúc. Hạnh
phúc là gì? Là vừa lòng. Tạm định nghĩa ngắn gọn như vậy đi. Mình cho rằng
cái gì vừa lòng, thích thú, thỏa mãn là hạnh phúc, mà không biết rằng cơ thể
chúng ta, tâm tư chúng ta không bao giờ thỏa mãn được hết. Khi tham là cứ muốn
thêm, mà sự tiếp nhận của thân tứ đại có chừng mực. Đến lúc nó không tiếp nhận
được nữa, mà nghiệp tham vẫn lôi kéo, thế là có sự xung đột giữa thân và tâm.
Như vậy là mất hạnh phúc.
Phật dạy các pháp chỉ là duyên sinh thôi, chứ
không có cái gọi là chân thật trong đó. Chúng ta luôn mongmuốn mình sống thì phải
được vừa lòng hoài, nhưng các duyên không biết chuyện ấy. Nó cứ đến cứ đi,cứ họp
cứ tan theo cách của nó. Mình không vừa lòng thì thôi, nó không chìu mình. Cho
nên rốt lại hạnh phúc không có thật. Nó chỉ là ảo giác của cảm thọ.
Cảm thọ có ba:
Một là thọ khổ. Khi gặp những cảnh trái ý, nghịch
lòng chúng ta không thích, gọi là thọ khổ. Hai là thọ lạc. Gặp những cảnh vừa ý
thuận lòng, chúng ta thích thú sung sướng, gọi là thọ lạc. Ba là thọ không khổ
không lạc. Khi gặp cảnh bình thường, chúng ta cũng thấy bình thường, gọi là thọ
không khổ không lạc.
Trong ba cái thọ này, có một số người thích thọ
bình thường. Tại sao? Vì họ bảo có vui thì có khổ. Do sợ khổ nên không dám nhận
vui, Lo xa như thế. Thì ra vì né cái khổ mà tránh cả cái vui, chớ không phải giác
ngộ cái vui tạm bợ của thế gian vốn không thật. Do đó mà chọn thọ bình thường.
Nhưng Phật nói rõ thế này: Ba cái thọ đó đều vô thường, ngay cả thọ bình thường
cũng không thường. Tóm lại, có thọ là có khổ. Chẳng hạn bây giờ mình không buồn
cũng không vui, nhưng có chuyện buồn tới mình sẽ buồn. Chúng ta chọn cái bình
thường, nhưng ngoại duyên không mãi bình thường được, nó luôn thay đổi.
Ngoại duyên đến từ bên ngoài, chúng ta không thể
chủ động được. Trong toàn bộ đời sống, con người chỉ chủ động một phần, còn lại
phần lớn là bị động bởi các duyên bên ngoài. Như thời tiết tốt chúng ta thấy
bình thường, dễ chịu, nhưng nếu nước lụt lên thì sao? Khổ liền. Các tỉnh miền
Trung, miền Tây Nam bộ lụt hoài, dân mình cứ phải sống theo con nước, hoàn toàn
không thể chủ động được. Đâu có ai muốn lụt, nhưng nước vẫn cứ dâng. Đó là
duyên bên ngoài. Đến duyên bên trong lục phủ ngũ tạng của chúng ta cũng thế. Có
ai muốn bệnh đâu, mà sao vẫn cứ bệnh. Già có bệnh của già, trẻ có bệnh của trẻ.Ngày
nay trẻ đã bệnh ké những bệnh của người già. Như vậy thân của mình mà mình nói
nó không nghe, biểu đừng bệnh mà vẫn cứ bệnh. Rõ ràng chúng ta mất quyền tự chủ
đối với thân tứ đại này rồi. Cho nên Phật bảo thân này không phải của mình.
Đã không phải của mình, tại sao người ta nặng
nhẹ một chút mình lại nổi sùng? Chúng ta khổ vì chúng ta lầm. Đơn giản vậy
thôi. Hàng xóm mích lòng nhau là vì hiểu lầm. Phật nói thân này là duyên sinh,
do bốn chất đất nước gió lửa hợp thành, đó là phần thân, còn phần tâm là do
nghiệp dẫn. Chúng ta tạo nghiệp, rồi nghiệp quay trở lại lưu dẫn chúng ta thọ
sanh. Cho nên đời quá khứ chúng ta tạo nghiệp gì nhiều, đời sau sanh ra rất
quen thuộc với nghiệp ấy. Thương ai nhiều, ghét ai nhiều, nhắc ai nhiều thì đời
sau được gặp lại thôi. Nếu đời quá khứ ta đã là người tu, đời này sanh ra
thấy chùa muốn tu ngay. Đời quá khứ là ca sĩ, đời này nghe nhạc là hát. Hát rất
hay mà không cần ai chỉ vẽ, vì đã huân tập rồi. Nhiều thiên tài xuất hiện dưới
dạng thần đồng, người ta bảo là thiên tư, thật ra nó là dòng nghiệp được nối tiếp
từ đời trước.Tuy nhiên, đạo Phật bảo nghiệp cũng không thật, có thể thay đổi được.
Bởi vì nó do duyên tạo tác, luôn thay đổi sinh diệt. Nếu thật thì nó còn hoài
và không thể sửa đổi. Song nó luôn biến dịch nên chúng ta cóthể thay đổi được.
Khi mê chúng ta tạo nghiệp xấu, nhưng tỉnh rồi không tạo nghiệp xấu nữa, mà tạo
nghiệp thiện. Ví dụ chúng ta mê nên có tham sân si, nếu sáng suốt tỉnh táo ta sẽ
không thèm tham sân si nữa. Điều đó có người đã làm được, như các bậc thánh
nhân, cao tăng xưa cũng như nay. Nhờ thế chúng sanh mới có thể tu thành Phật.
Có người thấy tiền thích, có người thấy tiền không
thích vì họ không có nhu cầu. Nhu cầu thường không nhất định, do quan niệm và sở
thích của mỗi người mà phát sinh. Muốn bớt tham thì bớt nhu cầu. Muốn không
tham thì không có nhu cầu. Vậy thôi. Cho nên tham tiền hay không tham tiền,
chúng ta làm được,nếu muốn. Giữa hai nghiệp thiện và ác, mình muốn làm ác cũng
được, muốn làm thiện cũng được. Làm ác thì nghiệp ác dẫn đi trong đường
ác. Làm lành thì nghiệp thiện dẫn đi trong đường lành. Tất cả đều do
chúng ta quyết định.
Có người thắc mắc, khi chết rồi đi về đâu ai mà
biết được? Về vấn đề này, chúng ta có thể lý giải sự có mặt của nghiệp
qua những gì mình thấy biết trong đời hiện tại. Như một gia đình, cha mẹ sanh
ra ba đứa con. Chúng được chăm sóc như nhau, mà ba đứa không đứa nào giống đứa
nào. Chúng khác nhau trên mặt mày, trên tánh tình. Tại sao cùng cha cùng mẹ,
cùng sống trong một môi trường, cùng nhận sự yêu thương chăm sóc như nhau mà lại
khác nhau? Nhiều đứa bé mới hai ba tuổi đã thể hiện những đường nét riêng của
nó. Đường nét riêng này ở đâu ra? Đâu có chuyện khơi khơi mà ra, chứng tỏ nó có
chủng tử nghiệp từ đời trước.
Thêm điều này nữa, chúng ta vừa thấy người nào
đó thì mến liền, mặc dù chưa nói chuyện với nhau lần nào. Người ấy có thể dễ mến
với mình, nhưng chưa hẳn dễ mến với người khác. Cũng thế, trong trường hợp đối
nghịch. Vừa thấy người đó lần đầu, bỗng nhiên ta dị ứng ngay, thì biết oan nghiệp
tới rồi. Cho nên lúc ra đi, tâm mình bình an không vấn vương việc gì, không sợ
hãi việc gì, không lưu niệm việc gì thì đi thanh thản, theo phước duyên thọ
thân sau tốt đẹp. Ngược lại, trước lúc ra đi chúng ta sợ hãi, hoảng loạn, lo
nghĩ đến con cháu thì thọ thân sau trong sự trói buộc của nghiệp lực đời
trước.
Người Phật tử hiểu đạo rất sợ tạo nghiệp. Thân
này không giữ được vì nó là nắm tro, nhưng nghiệp sẽ quyết định cho vận mệnh
nhiều đời của mình. Chúng ta không đầu tư vào chuyện chăm chút nắm tro, mà lo
chuyển hóa tu tập ba nghiệp của mình. Hơn thua nhau từng tiếng là tạo nghiệp bất
thiện. Từ đó lưu vào tâm thức những hình ảnh căm tức sân hận, nguyện gặp lại để
trả thì rất nguy hiểm. Đó là một trở ngại trong tiến trình tái sinh, nếu chúng
ta chưa giải thoát được.
Ở đây mục đích của người tu thiền là giải thoát
sanh tử, nhưng chúng ta không dám đi quá xa với mức độ tu tập thực tế của mình,
chỉ mong quý Phật tử chuyển được nghiệp bất thiện thành nghiệp thiện, định tĩnh
trước phút lâm chung để có được hướng đi tốt. Sức mạnh của nghiệp rất đáng sợ.
Ví dụ người nữ có tật hay cằn nhằn. Thật ra họ không muốn cằn nhằn nhưng
khi đã thành nghiệp rồi, vừa gặp chuyện không hài lòng thì cằn nhằn. Cằn nhằn
mà không hay mình đang cằn nhằn. Cho nên mới nói bị nghiệp lôi, không kiềm chế
được. Cũng như bên nam có tật uống rượu. Uống quen không uống thấy buồn, thấy
thèm. Đặc biệt những lúc căng thẳng, bức xúc là đi kiếm rượu uống. Nhiều vị dư
biết uống rượu là uống chất độc mà đã ghiền rồi thì không cưỡng lại được.
Thế nên vị nào lỡ nghiền rượu mà muốn bỏ thì
xin đừng đi ngang quán rượu. Quán rượu đâu có tay mà kéo quý vị, nhưng cái nghiệp
nó sẽ kéo. Nghiệp là gì? Là thói quen. Thật đơn giản mà không đơn giản
chút nào. Tại sao? Như nghiệp uống rượu, nghiệp đánh bài, nghiệp hút thuốc… muốn
bỏ không phải làchuyện đơn giản.
Tại sao? Tại quen rồi, bỏ không được. Ai bắt
chúng ta phiền não? Ta không có câu trả lời vì ta không dám nhận lỗi về mình.
Bây giờ muốn giải trừ phiền não, nhất định phải truy nguyên cho ra nguồn gốc của
nó. Phiền não từ mình mà ra. Do si mê tăm tối nên ta tạo nghiệp, nghiệp quay trở
lại làm tăng trưởng vô minh. Cứ thế xoay vần gốc vô minh càng lớn, nghiệp lực
càng mạnh, chúng ta càng bị nó sai sử, chớ không ai bắt mình cả. Đối với
phiền não, nhà Phật gọi nó là giặc. Muốn trừ giặc, trước tiên ta phải phát hiện
nó thật sớm, sau đó kiên quyết đuổi sạch, không khoan nhượng mới yên ổn được. Vừa
nổi nóng lên ta phát hiện ngay, một tên giặc vừa ló đầu ra, dùng gươm trí tuệ
chém nhanh. Tự nói giận làm gì cho mệt, không thèm giận. Đó chính là tu tập, là
chuyển hóa nghiệp. Việc này cũng phải có lực, nhà Phật gọi là đạo lực. Muốn có đạo
lực mạnh phải liên tục huân tu, không đợi gặp cảnh mới tu.
Cái gan của chúng sanh lớn tợn lắm, rất sợ khổ
mà chuyên lao vào nhân khổ. Phật nói Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Nếu thấy
phiền não mệt quá thì đừng thèm phiền não. Thí dụ hồi xưa mình nóichuyện với
ai, bất đồng ý kiến là bắt đầu nổi sùng trong bụng, tức thiệt là tức. Bây giờ
thấy tức mệt quá mình không tức nữa. Vậy thôi. Ngoài cách đó ra không còn cách
nào hữu hiệu hơn. Có người bảo làm không được. Được chứ! Cứ không thèm tức thử
coi ai làm gì mình. Thật ra chúng ta không chịu buông cái sân giận mà lại đuổi
theo nó, chơi với nó, hòa nhập làm một với nó. Trong tâm cứ bám cứng theo đối tượng
làm nhân cho sự tức tối thì làm sao hết tức được.
Như có vị ngồi đây trong lòng đang buồn bực
chuyện riêng. Lẽ ra hôm nay không đi nghe pháp mà tại sùng bà hàng xóm
quá, đi cho khuây khỏa. Nếu chúng tôi chia sẻ với quí vị rằng đừng thèm sùng bà
hàng xóm đó nữa, bỏ đi. Quí vị đồng ý thực tập như vậy. Bà ta đâu có nhảy vô bụng
của quí vị cản lại điều ấy. Thành thử do ý chí, do quyết định sáng suốt, do sự
thực hành của chúng ta thôi.
Tất cả trạng thái tâm khổ đau là do ta tạo ra,
ta lầm chấp. Người kia có quyền thích ngọt, mình có quyền thích mặn, không thể
bắt buộc người kia thích giống mình. Cũng không vì người kia thích ngọt, mà
ghét người ta. Điều này vô lý. Tất cả các pháp do duyên sinh, không có duyên
nào giống duyên nào, chỉ giống nhau ở chỗ chúng đều là tướng sinh diệt. Tướng
sinh diệt thì không chân thật, có gì ta lấn cấn với nhau hoài, cuối cùng không
ai hơn ai, cũng không ai tồn tại.
Chỉ một thứ tồn tại gây khó cho mình, đó là
nghiệp ta đã tạo. Thế mà ta lại quên, cứ tạo hoài. Chính nghiệp tham sân si quyết
định cuộc đời tiếp tục của chúng ta. Trong một đời này mình khổ đã ngán rồi,
bây giờ gieo nhân để thọ thân nữa thì được khổ nữa. Một lần có thân là khổ, Phật
bảo bốn thứ khổ cơ bản của thân là sanh lão bệnh tử, không ai tránh khỏi. Đó là
chưa kể tới thành bại hơn thua trong cuộc đời. Thật ra cái chết không đáng sợ,
nhưng vì mình mê thân nên sợ chết. Sống thì khổ mà lại không muốn chết. Vậy chớ
sống để làm gì? Sống để khổ. Có lạ lùng chưa!
Trở lại vấn đề nắm tro. Khi đang sống đây, dù
chúng ta thành công vinh quang cách mấy, cũng không giữ được. Vì sự thành công ấy
phải gắn liền với chủ nhân, mà chủ nhân sẽ không còn nữa để nhận sự vinh quang
kia. Chủ nhân theo vô thường mà trở thành nắm tro. Tội gì vì một nắm tro mà ta
khổ triền miên như vậy. Sao không ngay đây thanh thản, hạnh phúc, bình an, để
khi trở về với cát bụi, ta chỉ còn lại sự thanh thản, bình an chớ không phải là
nghiệp thức mênh mang. Giả như còn nghiệp chúng ta cũng thọ nghiệp lành, tái
sanh vào cõi lành. Nếu hết nghiệp chúng ta không còn đi trong sanh tử, vĩnh viễn
thoát khỏi khổ đau.
Chúng ta cũng nên như thế, sống giữa trùng
trùng duyên sinh tương đối, thân này còn không giữ được huống là mọi việc chung
quanh. Cho nên người tỉnh ngộ sớm chừng nào thì khỏe chừng đó. Tỉnh ngộ chậm hoặc
không khéo tỉnh ngộ thì sẽ khổ đến nhắm mắt. Chẳng những khổ đến nhắm mắt mà
cho tới lúc tái sinh vẫn tiếp tục khổ. Chúng ta buông xuống hết những buồn phiền,
giận hờn, thương ghét để sống đúng trở lại bản vị của mình. Bên cạnh chùm
duyên sinh còn có tánh giác.
Tánh giác ấy chúng ta hiện có đủ, bình đẳng như
nhau và vĩnh cửu bất sanh bất diệt. Chúng ta luôn luôn nghe, luôn luôn thấy rõ
ràng, đó là tánh Phật thường biết nơi mỗi chúng sanh. Tánh này không ưu
tư,không lao lự toan tính, thường tại như vậy. Chỉ khi buông hết các duyên, ta
mới nhận ra mình có tánh giác hiện hữu. Bây giờ còn thân tứ đại cũng vui mà
không còn thân tứ đại cũng vui, sống cũng vui mà chết cũng vui.
Trong nhà Phật, người tu giỏi là người buông xả
giỏi. Buông tới lúc trong lòng trống rỗng, không còn gì để buông nữa thì sống
chết tự tại, vĩnh viễn an vui. Đó là những gì chúng ta cần chia sẻ với nhau.
Hạnh Chiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét