Nỗi buồn - Tristesse de Chopin
Frédéric
Chopin (1810 - 1849)
Frédéric Chopin (1810 - 1849), tên đầy đủ là Frédéric
François Chopin hay tên Fryderyk Franciszek Chopintheo nguyên gốc
Balan. Ông là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano vĩ đại Ba Lan và Thế Gới, người sáng
lập âm nhạc kinh điển, cũng là một trong sáu nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời:
Mendelssohn, Schumann, Liszt, Wagner và Verdi.
FRÉDÉRIC CHOPIN (1810 - 1849)
Thời niên thiếu của Frederic F. Chopin
Frédéric Chopin được gọi là “nhà thi sĩ” của cây đàn dương cầm.
Nghệ thuật âm nhạc của Chopin là trái tim của thời kỳ âm nhạc lãng mạn và nhờ
Chopin, đàn dương cầm đã đạt được thời kỳ vàng son rực rỡ.
Frédéric Chopin sinh ngày 1 tháng 3 (một số tài liệu ghi 22
tháng 2) năm 1810 tại Zelazowa Wola gần Warsaw, nước Ba Lan, là con thứ hai
trong bốn người của ông Nicholas Chopin, một người Pháp đã qua Ba Lan để dạy tiếng
Pháp cho các gia đình quyền quý. Mẹ của Chopin là người Ba Lan, một người có
giáo dục cao, thuộc gia đình quý tộc Skarbek nhưng đã bị sa sút và ông Nicholas
đã là phụ giáo cho gia đình này. Cậu bé Frederic đã tiếp thu được một nền giáo
dục căn bản tốt đẹp và đã được học âm nhạc với nhạc sĩ Joseph Elsner, vị sáng lập
và cũng là giám đốc của Nhạc Viện Warsaw mới được thành lập. Năm lên 7 tuổi,
Frederic đã sáng tác nhạc và nhạc bản đầu tiên đó đã được trình diễn nơi công cộng.
Năm sau, Frederic cũng đã biểu diễn âm nhạc trước công chúng bằng bản Concerto
của Adalbert Gyrowetz.
CĂN NHÀ NƠI SINH CHOPIN TẠI ŻELAZOWA WOLA - BA LAN
Năm 1826, Frédéric Chopin là sinh viên chính thức của Nhạc Viện
Warsaw nhờ đó đã học hỏi được căn bản về nhạc lý, hòa âm và đối điểm. Chopin
cũng làm quen với các nhạc phẩm của nhiều nhạc sĩ rồi từ đó đã sáng tác ra các
biến khúc (variations) từ những ảnh hưởng của nhạc bản Don Giovanni của
Wolfgang A. Mozart.
Nhạc phong của Chopin từ lúc đầu đã mang âm vẻ đặc biệt, khiến
cho vị giáo sư âm nhạc là ông Elsner không muốn ép buộc môn đệ đi vào khuôn mẫu
cổ điển và đã cho phép chàng nhạc sĩ trẻ tuổi này hoàn toàn tự do để phát triển
những nét nhạc đặc sắc cá nhân.
Chopin là một nhạc sĩ trẻ tuổi tài hoa và cũng sớm đa tình.
Trong các năm còn là sinh viên âm nhạc, Chopin đã say đắm cô ca sĩ trẻ trung
tên là Constantia Gladkowska, người đã gây nên trong nội tâm của chàng nhạc sĩ
“nước mắt và tiếng thở dài”, thứ lãng mạn phổ thông của thế kỷ 19. Chính trong
hoàn cảnh đam mê này, Chophin vào tuổi 19 đã viết nên phần Adagio của Concerto
cung Fa thứ vì nghĩ tới nàng ca sĩ trẻ đẹp đó.
Năm 1828, nhạc sĩ sáng tác kiêm dương cầm tên là Johan
Nepomuk Hummel, người thành phố Vienna, đã viếng thăm Warsaw và đã trình diễn
các nhạc kịch kiểu Ý (Italian opera). Chopin nhờ thế làm quen được với nền âm
nhạc của thế giới tây phương thời bấy giờ. Sau đó, Frédéric Chopin đã tới thăm
thành phố Berlin, được nghe các nhạc phẩm của George Frederick Handel và của
Felix Mendelssohn rồi lúc trở về Warsaw, lại được nghe Niccolo Paganini trình
diễn âm nhạc. Tới lúc này Chopin cảm thấy rất cần phải ra khỏi nước Ba Lan. Cha
của chàng xin chính phủ trợ cấp cho việc du học nhưng lời yêu cầu bị khước từ,
vì thế Chopin đã tự túc ra đi, tới thành phố Vienna để dàn xếp việc xuất bản một
số nhạc phẩm cũng như trình diễn âm nhạc tại vài địa điểm.
Ngày 11-8-1829 tại rạp hát Karntnerthor, Chopin đã biểu diễn
âm nhạc trước công chúng rồi lúc trở về Warsaw năm sau, lại ra mắt thính giả bằng
nhiều nhạc phẩm có tên là “Tùy hứng khúc” (fantasie) mang nhạc đề quốc gia
(national themes) cùng với một loạt các luyện khúc (etudes) đầu tiên. Sau đó,
Chopin đã du lịch qua nhiều thành phố như Breslau, Dresden và Prague, tới
Vienna rồi vì hoàn cảnh chính trị không ổn định, Chopin đã không sang được nước
Ý. Trong khi sống tại Vienna, Chopin đã sáng tác “nhạc khúc sinh động cung Si
thứ” (B minor Scherzo) và “nhạc khúc kể chuyện cung Sol thứ” (G minor Ballade).
Những tác phẩm này đã bộc lộ nơi Chopin các nét nhạc đặc sắc cá nhân trước khi
Chopin gặp Franz Liszt, Vincenzo Bellini và Hector Berlioz. Chopin chịu ảnh hưởng
âm nhạc của Hummel và của phong điệu dương cầm (piano style) từ nhà soạn nhạc
người Ái Nhĩ Lan John Field, là người đầu tiên đã dùng danh từ “nhạc khúc đêm”
(nocturne) cho các bản nhạc ngắn, trữ tình.
Frédéric Chopin là nhạc sĩ dương cầm đồng thời là nhạc sĩ
sáng tác ra các nhạc phẩm với đặc tính lãng mạn, tập trung vào một tượng ý
(motive) trong các dạo khúc (preludes) và luyện khúc (etudes). Chopin cũng nghiên
cứu kỹ càng về nhịp điệu, hòa âm, nhạc thức và các nét giai điệu của nhạc phổ
thông Ba Lan cùng các vũ điệu để viết ra các nhạc khúc Mazurka, luân khúc
(walzes), nhạc khúc Ba Lan (polonaises), nhạc điệu Bolero và Tarantella rồi do
cảm xúc, các biểu tượng âm nhạc được Chopin viết ra bằng các nhạc khúc đêm
(nocturne), nhạc khúc sinh động (scherzo), nhạc khúc kể chuyện (ballade), nhạc
khúc ứng tác (impromptu) và nhạc khúc tùy hứng (fantasie). Tất cả các thể nhạc
này đã phát triển vào thời kỳ đầu thế kỷ 19 là giai đoạn mà cây đàn dương cầm
trở nên một nhạc cụ ưu việt, dùng để độc tấu tại gia đình lẫn nơi thính đường.
Frédéric Chopin đã không viết các bản giao hưởng, các nhạc kịch
(opera), các bản tứ hòa (quartet) ngoài một bản hòa tấu ba đàn (trio) gồm dương
cầm, vĩ cầm và hồ cầm (cello). Ngoài 2 sônát và 2 concerto dành cho dương cầm đặc
sắc, Chopin nổi danh về những nhạc phẩm ngắn với kỹ thuật cao trong tầm tay của
các nhạc sĩ tài tử.
Frédéric Chopin cũng không phải là một nhạc trưởng hay một
giáo sư âm nhạc trong nhiều năm mặc dù do dạy đàn, ông đã kiếm được những món
tiền lớn. Trong cả cuộc đời, Frédéric Chopin đã trình diễn trước công chúng khoảng
30 lần với những đặc điểm trầm buồn, với sắc nhạc đi từ rất khẽ (pianissimo) tới
mạnh vừa (mezzo forte) và rất ít khi dùng sắc nhạc mạnh (forte).
Khi Chopin đang sống tại thành phố Vienna, chàng nhạc sĩ được
tin thủ đô Warsaw của Ba Lan đã bị quân đội Nga xâm lăng. Tin đau buồn này tới
với Chopin và làm chàng nhạc sĩ cảm xúc và sáng tác ra “Luyện Khúc Cách Mạng”
(the Revolutionary Etude).
Tháng 9 năm 1831, chàng nhạc sĩ tài danh này tới Paris và làm
quen với các văn nhân của thành phố hoa lệ này. Paris trong các năm của thập
niên 1830 là nơi quy tụ những nhân tài gồm các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc
sĩ…. như Victor Hugo, Honoré de Balzac, Bá Tước Alfred Victor Vigny, Alfonse de
Lamartine, Henrich Heine, Ferdinand Delacroix… Trong số các nghệ sĩ lừng danh
cũng có các nhạc sĩ như Liszt và Berlioz, Rossini và Meyerbeer. Qua sự giới thiệu
của nhạc sĩ Liszt, Chopin làm quen với bà Aurore Dudevant là một phụ nữ có đôi
mắt to, đen, u buồn và được giới văn chương biết đến qua bút hiệu George Sand.
Bà này còn là một nhà hoạt động chính trị, một người phản kháng vương quyền, chống
đối các tập tục và quy ước cổ điển của xã hội. Khi tình bạn bắt đầu, Chopin 28
tuổi còn nữ văn sĩ Geoge Sand 34 xuân xanh. Hai người thấy các điểm hợp với
nhau : nàng với tính tình ưa áp đảo, lãng mạn, thường hút thuốc lá luôn miệng
và mặc bộ âu phục nam, còn chàng lại có tính ủy mị, dễ bị chinh phục. George
Sand đã nhận thấy ở Chopin khả năng sáng tạo rất to lớn, rất kỳ diệu, đạt tới rất
dễ dàng. Tại Paris, Chopin đã dạy dương cầm cho một số mệnh phụ và đã nhận được
các món thù lao rộng rãi.
Trong thời kỳ sống tại Paris, Chopin đã nhận thấy mình không
đủ sức chịu đựng để tranh tài với các nhạc sĩ bậc thầy về diễn tấu (virtuoso)
như Franz Liszt và Sigismund Thalberg, vì vậy Chopin đã dồn thời gian vào việc
sáng tác âm nhạc. Chàng nhạc sĩ mảnh mai này đã đóng cửa, ở trong nhà nhiều
ngày để dạo đàn và viết ra các nhạc phẩm mà công chúng đều khen ngợi.
MỘT TRONG 2 TẤM ẢNH CHỤP CỦA CHOPIN,
NĂM 1849, CHỤP BỞI L.A.
BISSON
Mùa đông năm 1838-39, do tình bạn, George Sand đã đưa Chopin
đến sống tại đảo Majorca với hi vọng rằng nơi tĩnh dưỡng này sẽ sớm làm phục hồi
sức khỏe cho chàng nhạc sĩ yếu đuối. Nhưng thời tiết đã trở nên xấu và sức khỏe
của Chopin suy giảm, tuy thế nhạc sĩ thiên tài này đã sáng tác được 24 dạo khúc
(preludes) tại Valldemosa khiến cho nơi này về sau trở thành Viện Bảo Tàng
Chopin. Trong các năm trường từ 1839 tới 1846, Chopin đã trải qua các mùa hè tại
lâu đài Nohant của nữ văn sĩ, nơi thường quy tụ giới trí thức, tinh hoa của nước
Pháp thời đó. Đây cũng là thời kỳ mà Chopin đã sáng tác phong phú nhất trong
khi sức khỏe của chàng nhạc sĩ tài hoa này suy giảm dần, và rồi tình yêu đối với
George Sand trở thành xung đột, ghen tuông và đố kỵ. Các người con của George
Sand đã trở nên một vấn đề. Chopin đứng về phía Solange là người con gái của
George Sand, còn phía kia là nữ văn sĩ và người con trai Maurice, họ thường bất
đồng ý trong nhiều chuyện tranh cãi. Hai người tình nghệ sĩ đã cách ly nhau. Sự
việc này đã khiến cho Chopin mất đi nguồn cảm hứng và năng lực sáng tạo, cảm thấy
thất vọng và bị suy sụp tinh thần. Tình cảm giữa Frédéric Chopin và George Sand
chấm dứt vào năm 1847. Chopin trở về Paris.
Năm 1848, Frédéric Chopin sang nước Anh do lời mời của một
người học trò tên là Jane Stirling. Tại London, Chopin đã trình diễn âm nhạc
nhiều lần và vào ngày 15-5, đã biểu diễn trước Nữ Hoàng Victoria của nước Anh.
Sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi tại Tô Cách Lan, Chopin trở về London và vào
ngày 16-11-1848, đã biểu diễn các nhạc phẩm của mình tại Thính Đường Guildhall
để gây quỹ cứu trợ cho các người tị nạn Ba Lan. Sau đó Chopin quay trở về Paris
và sống nhờ sự giúp đỡ của gia đình Stirling.
BỨC TRANH VẼ LẠI NHỮNG PHÚT CUỐI CỦA CHOPIN
Frédéric Chopin chết vì bệnh lao phổi vào ngày 17-10-1849 tại
thành phố Paris. Theo lời yêu cầu của chàng nhạc sĩ lãng mạn này, bản nhạc Cầu
Hồn Requiem của Mozart đã được đàn lên trong buổi tang lễ. Đám tang của
Frédéric Chopin thật là rực rỡ. Các nhà quý tộc, các văn nghệ sĩ lừng danh đã đến
viếng thăm quan tài trong đó có cả Meyerbeer, Berlioz và Delacroix nhưng nữ văn
sĩ George Sand đã vắng mặt. Frédéric Chopin được chôn trong lòng đất Paris cùng
với nắm đất của xứ Ba Lan mà chàng nhạc sĩ đã mang theo khi rời quê hương.
Các tác phẩm chính của Frédéric Chopin.
Các tác phẩm của Chopin gồm phần âm nhạc dành cho dương cầm
và dàn nhạc, với 2 concerto dương cầm, phần nhạc thính phòng và một số bài hát,
nhưng quan trọng nhất là phần nhạc dương cầm gồm 4 bản nhạc khúc kể chuyện
(ballades), nhạc khúc tùy hứng cung Fa thứ (Fantasy in F minor, 1841), nhạc
khúc ru em (Berceuse,1844), nhạc khúc đưa đò (Barcarolle, 1846), 3 sônát
(sonatas), các dạo khúc, luyện khúc, nhạc khúc đêm, nhạc khúc sinh động, nhạc
khúc mazurka, nhạc khúc rondo, hành khúc và biến khúc.
MỘ CHOPIN Ở PARIS (PHÁP)
Các sáng tác của Chopin đều liên hệ chặt chẽ với cây đàn
dương cầm, đặc biệt nhờ vào sự tăng thêm các phím đàn. Chopin lại là nhạc sĩ rất
khéo léo, biết cách dùng bàn đạp (pedal) của đàn dương cầm để có được các cấp độ
về sắc nhạc (color) và tiếng vang (sonority) cũng như thí nghiệm nhiều về các
cách bấm phím mới (new fingerings), dùng hết khả năng của ngón cái hay ngón thứ
5 trên các phím đen, tận dụng cách trượt ngón từ phím đen xuống phím trắng hay
dùng kỹ thuật bắt chéo tay. Nhờ kỹ thuật ngón của Chopin, các bản đàn rất khó
biểu diễn trước kia, nay trở nên dễ dàng và do trí tưởng tượng sáng tạo về kỹ
thuật, các luyện khúc của Chopin đã làm cho các bài tập tầm thường biến thành
các nhạc phẩm mang chất lượng biểu diễn. Chopin còn cải tiến hòa âm với các nét
nhạc trữ tình, bay bổng, nhờ đó đã đứng ngang hàng với Liszt và Wagner là hai
nhạc sĩ đã nới rộng các quan niệm quy ước về cung điệu (tonality).
Chopin đã dùng kỹ thuật của đàn dương cầm để chuyển âm nhạc
thành một nghệ thuật rất nên thơ, một cách diễn tả trữ tình bằng âm thanh. Các
người Ba Lan luôn luôn suy tôn Chopin như một nhạc sĩ của đất nước Ba Lan. Miền
quê hương này đã được lý tưởng hóa trong trí tưởng tượng của chàng nhạc sĩ lãng
mạn với ước vọng về niềm hạnh phúc nơi quê mẹ, với lòng trông đợi hướng về đất
tổ của kẻ lưu vong. Các nhạc khúc Ba Lan của Chopin có thể được coi là cách bày
tỏ tinh thần quốc gia và lại là một nhạc thức đặc biệt, tới với nền âm nhạc tây
phương bằng tinh thần hiệp sĩ và anh hùng.
Frédéric Chopin là một nhạc sĩ lừng danh về các nhạc khúc
đêm, nhạc khúc ứng tác và dạo khúc (nocturnes, impromptus & preludes) với
cách xử dụng rất tài tình về hòa âm và chuyển cung bán âm (chromatic harmonies
& modulations). Các nhân vật danh tiếng như các nhà văn Balzac và Heine,
các nhạc sĩ tài danh như Liszt, Berlioz, Mendelssohn và Schumann đều ngưỡng mộ
Chopin. Nhạc sĩ Schumann đã gọi Frédéric Chopin là “một tinh thần thơ ca táo bạo
nhất và hãnh diện nhất của thời đại” (the boldest and proudest poetic spirit of
the time).
Các thời kỳ lịch sử của bộ môn Âm Nhạc được phân biệt bằng
các trường phái hay giai đoạn trong đó một đường hướng diễn tả âm thanh đã được
thịnh hành. Các nhà nghiên cứu đã dùng các danh từ như “cổ điển” và “lãng mạn”
để phân biệt về tác giả, tác phẩm và thời kỳ. Trong các năm từ 1770 tới 1800 và
đôi khi tới tận 1830, nét nhạc của các nhạc sĩ lừng danh như Hayden, Mozart,
Beethoven đã mang nhạc vẻ “cổ điển”. Danh từ này hàm chứa các ý nghĩa về sự
toàn hảo, tiêu chuẩn, dùng làm mẫu mực cho các sáng tác âm nhạc về sau. Việc
phân loại cũng đã được căn cứ vào số lượng nhạc âm (musical sound) bị giới hạn,
vào cách hòa âm căn bản, do cách xử dụng nhịp điệu (rhythm) và nhạc thức (form)
và do cả cách truyền cảm đi từ nhạc sĩ sáng tác qua nhạc sĩ trình diễn tới
thính giả.
Các nhạc sĩ sáng tác đã thí nghiệm, làm biến đổi và làm phát
triển cách diễn tả âm nhạc từ các nguyên tắc căn bản. Như thế, cách nhận thức về
mỹ thuật nói chung và về âm nhạc nói riêng đã thay đổi theo thời gian và trường
phái “lãng mạn” dần dần xuất hiện.
Vào đầu thế kỷ 19, tinh thần lãng mạn đã thể hiện qua cách nhận
thức về vẻ đẹp của các “khu vườn Anh” (English garden), tại nơi này không còn
cách trồng tỉa cân đối, cách xếp đặt công phu nữa. Nhiều người đã bắt đầu đánh giá
cao loại phong cảnh tự nhiên, mang vẻ hoang dã, phóng khoáng. Về kiến trúc, đường
nét cổ điển với cách đối xứng và phức tạp đã nhường chỗ cho tính bất quy tắc và
sự đổi mới về chi tiết. Cách thưởng thức nghệ thuật đã thay đổi từ năm 1764 với
sự xuất hiện của lối kiến trúc Gothic mới.
Cách nhận thức mới về nghệ thuật đã làm nẩy sinh ra một thế
giới xa xôi với thế giới “quen thuộc và mỗi ngày”, và trường phái lãng mạn đã
khác biệt với trường phái cổ điển về sự “xa lạ và xa vời” (strangeness and
remoteness). Do đó Walter Pater đã định nghĩa trường phái lãng mạn là “sự thêm
vào vẻ đẹp chất liệu xa lạ” (the addition of strangeness to beauty).
Một nét vẻ đặc biệt khác của trường phái lãng mạn
(romanticism) là tính không giới hạn (boundlessness). Nghệ thuật lãng mạn lùi về
quá khứ và hướng cả về tương lai, trải rộng tầm vóc phủ lên thế giới và lan ra
vũ trụ. Trong khi các quy tắc cổ điển chú trọng đến tính trật tự, sự cân bằng về
kiểm soát và sự hoàn hảo trong các giới hạn được hiểu rõ, thì trường phái lãng
mạn lại ca ngợi tính tự do, sự say đắm, các chuyển động để theo đuổi những gì đạt
tới được và không bao giờ đạt tới được. Nghệ thuật lãng mạn bị ám ảnh bởi tinh
thần mong đợi, ước vọng về một hoàn thành rất xa vời.
Trong các bộ môn nghệ thuật, âm Nhạc là thứ dễ diễn tả, dễ bộc
lộ nhất. Nhờ âm thanh và nhịp điệu, âm nhạc đã mô tả các cảm xúc, ấn tượng, làm
lộ ra những xúc động nội tâm. Âm Nhạc đã dùng thứ ngôn ngữ riêng để nói lên thứ
hình ảnh hiện thân của thế giới cũng như các cảm xúc trong cuộc đời của mọi người.
Âm nhạc được định nghĩa là một loại ngôn ngữ không phải là lời nói thông thường.
Các nhạc cụ vì vậy đã trở nên một phương tiện, một thứ xe chuyên chở tư tưởng
và tình cảm. Các nhạc sĩ lãng mạn đã khéo léo phối hợp âm nhạc với lời nói,
thành lời ca, hòa vào tiếng đàn như trong thể nhạc Lied, một loại bài hát đã được
sáng tác thành công vào thế kỷ 19 bởi Schubert, Schumann, Brahms và Hugo Wolf,
hay trong loại nhạc kịch trường (music drama) của Wagner. Ngoài ra còn có loại
nhạc chương trình (program music) phối hợp với thơ, với cách mô tả, cách tường
thuật, cách bắt chước các âm thanh tự nhiên và các âm thanh chuyển động, đã
dùng tới các hình ảnh tưởng tượng và được diễn tả ra bằng âm thanh.
Nhạc chương trình của thế kỷ 19 khởi đầu bằng bản “Giao Hưởng
Đồng Quê” (Pastoral Symphony) của Beethoven, kéo dài tới giữa thế kỷ với các nhạc
sĩ Mendelssohn, Schumann, Berlioz, Liszt rồi với các nhạc sĩ đại diện của cuối
thế kỷ là Debussy và Richard Strauss. Các nhạc sĩ của thời đại này đã cố gắng bằng
cách dùng âm thanh, liên kết một câu chuyện, một bài thơ, một hoạt cảnh với một
bản nhạc lãng mạn.
Thế kỷ 19 cũng gặp sự chuyển tiếp về thính giả và sự bảo trợ
âm nhạc. Loại thính giả đồng nhất, thường có văn hóa cao và số lượng hạn hẹp
như giới quý tộc, đã được thay thế bằng giới trung lưu đông đảo hơn nhưng không
đồng nhất, không có trình độ cao về thưởng thức âm nhạc. Các bảo trợ về âm nhạc
của các hầu tước, bá tước, các cung đình cũng bị nhường chỗ cho các hội hòa nhạc
(concert societies) và các đại hội âm nhạc (musical festivals). Nhạc sĩ sáng
tác vào thế kỷ 19 đã đứng trước một sân khấu rộng lớn hơn, phải cố gắng làm sao
cho nhạc phẩm của mình được nhiều người nghe và hiểu. Sự tương phản về tính phổ
thông của thời đại này đối với thời đại trước đã được thể hiện qua các sáng tạo
đồ sộ của Meyerbeer, Berlioz, Wagner, Strauss hay Mahler, hay qua các bản nhạc
dương cầm ngắn của Schubert, Mendelssohn và Chopin.
Trường phái lãng mạn của thế kỷ 19 còn có một nét đặc thù, đó
là sự khác biệt giữa các nhạc sĩ chuyên nghiệp và các nhạc sĩ tài tử. Các nhạc
sĩ độc tấu với tài nghệ xuất sắc đã xuất hiện như Paganini về vĩ cầm và Liszt về
dương cầm. Đã tăng thêm các tiêu chuẩn chuyên nghiệp khiến cho sang thế kỷ 20,
vai trò của nhạc trưởng trở nên rất quan trọng và nhạc trưởng đôi khi còn được
gọi là “nhà độc tài của dàn nhạc”.
Trường phái cổ điển và trường phái lãng mạn có thể được coi
là hai cực của nền nghệ thuật. Tinh thần cổ điển đi tìm kiếm sự trật tự, sự cân
đối, sự trong sáng của đề tài trong khi tinh thần lãng mạn lại đặt nặng sự xa lạ,
tính ngạc nhiên và tình cảm ngây ngất (ecstasy), nhìn cuộc đời với tính chủ
quan, khác hẳn yếu tố khách quan của tinh thần cổ điển. Chính vì thế nhà triết
học người Đức Friedrich Nietzsche trong các bài viết về nghệ thuật, đã so sánh
hai tinh thần cổ điển và lãng mạn bằng hình ảnh của Apollo, vị thần Hy Lạp của
ánh sáng và đo lường, tương phản với Dionysus, vị thần của lòng đam mê và tính
say sưa. Cả hai đặc tính trái ngược cổ điển và lãng mạn đã là hai xung lực căn
bản của bản chất con người.
Các cải tiến kỹ thuật vào thế kỷ 19 đã làm phát minh ra các
nhạc cụ mới, chẳng hạn như các kèn saxophone và tuba. Việc thêm các “van”
(valves) vào loại kèn đồng (brass instruments) đã cho phép kèn tù và (horn) thổi
được các giai điệu của Wagner và Tchaikovsky. Đàn dương cầm cũng nhờ các tiến bộ
khoa học mà có một khung căng dây đàn (frame) đúc bằng gang, các dây đàn cứng
cáp hơn và to dài hơn nên đã phát ra các âm thanh lộng lẫy hơn, sâu đậm hơn. Nhờ
cây đàn dương cầm với các âm thanh từ nhẹ (soft) tới mạnh (forte), Liszt đã
trình tấu các bản nhạc thuộc trường phái lãng mạn khác với các bản sônát của
Mozart vào thế kỷ trước.
Trong thế kỷ trước, nhạc sĩ sáng tác cũng là nhạc sĩ trình diễn.
Mozart và Beethoven đã trình bày các concerto của chính mình giống như Franz
Liszt diễn tấu nhạc phẩm “Tưởng Khúc Hungari” (Hungarian Rhapsodie) hay Niccolo
Paganini với các giai điệu vĩ cầm mang âm sắc quái dị. Sau đó, các nhạc sĩ
trình diễn tài ba dần dần diễn tấu các nhạc phẩm của nhiều nhạc sĩ sáng tác
khác.
Trong thời kỳ lãng mạn của thế kỷ 19, đàn dương cầm đã đóng một
vai trò quan trọng trong bộ môn âm nhạc. Tại châu Âu và châu Mỹ trong thế kỷ
này, cây đàn dương cầm trở nên nhạc cụ chính trong gia đình, đã hấp dẫn các nhạc
sĩ tài tử vì khả năng của đàn có thể diễn tả vừa giai điệu, vừa hòa âm, khác với
các loại nhạc cụ dây và gió.
Các bậc thầy về các nhạc bản dương cầm của thế kỷ 19 gồm
Schubert, Chopin và Liszt, Mendelssohn, Schumann và Brahms… những nhạc sĩ đại
tài này đã khai thác các nguồn vô tận của đàn dương cầm và diễn tả một cách xúc
tích vẻ lãng mạn và kịch tính của các nhạc phẩm trữ tình.
TƯỢNG ĐÀI
FRÉDÉRIC CHOPIN
TẠI CÔNG VIÊN HOÀNG GIA LAZIENKI - BA LAN
Phạm Văn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét