Nhìn ngược từ Âm nhạc
Âm nhạc là một trong những thành tố của văn hóa, có vai trò
vô cùng quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn và tình cảm cho con người. Trong
thời kỳ hội nhập, muốn trở thành công dân toàn cầu thì bản sắc văn hóa dân tộc
phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, trong nhiều năm gần đây, sân khấu ca nhạc
nước nhà có sự nhạt nhòa về màu sắc, đi lệch với những giá trị văn hóa mà ông
cha ta đã từng vun đắp. Điều nguy hại hơn, những hạn chế đó ngày càng tỏ ra chiếm
ưu thế trong việc dẫn dắt thẩm mỹ của công chúng nước nhà. Làm thế nào cho đời
sống âm nhạc nói chung và sân khấu ca nhạc nói riêng có bước đi phù hợp với đường
hướng phát triển văn hóa của Đảng, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mà vẫn
phát huy được sự sáng tạo trong nghệ thuật. Câu trả lời này thuộc về trách nhiệm
của các nhà quản lý và định hướng văn hóa cũng như trách nhiệm của nghệ sĩ đối
với nghệ thuật và công chúng.
Hệ giá trị văn hóa Việt Nam, đó là một cụm từ quen gọi -
nếu nó được đặt trong bối cảnh của cách nói chuyện dân dã. Trên phương diện
khoa học, thông qua cách tư duy được thể hiện bằng văn bản hay phát ngôn của
các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo... thì cụm từ đó hiển nhiên được nâng lên
thành một khái niệm - khái niệm rộng. Chính vì nội hàm của nó mênh mông không
giới hạn nên đã tạo ra một con đường rộng mở để các nhà nghiên cứu đưa ra những
giải thích, cắt nghĩa khác nhau về khái niệm này. Điều đó cũng đồng nghĩa với
việc, đến nay, chưa có sự thống nhất trong cách giải thích khái niệm về hệ giá
trị văn hóa Việt Nam. Theo đó, hệ giá trị này được thể hiện như thế nào,
và đặc biệt nó được xem xét trên phương diện hệ tư tưởng mới hay truyền thống,
quá khứ hay hiện đại, giá trị hay phi giá trị... đang là vấn đề mang tính thời
sự và chưa có lời giải thỏa đáng. Dẫu vậy, vẫn có một số cách tiếp cận, mà có lẽ
đặc trưng nhất là nhìn nhận nó trên phương diện của hệ giá trị bản sắc mang
tính truyền thống, rồi coi bản sắc dân tộc là lõi, là gốc để chỉ ra hệ giá trị
của văn hóa Việt Nam.
Nhìn nhận trên phương diện này, nhiều học giả như Đào Duy Anh
trong “Việt Nam văn hóa sử cương” chỉ ra các giá trị kết dệt nên hệ giá trị văn
hóa Việt Nam là: Có trí nhớ tốt, thiên về nghệ thuật trực giác; ham học, thích
văn chương; ít mộng tưởng, tính thực dụng cao; cần cù làm việc; giỏi chịu khổ;
chuộng hòa bình khi có ngộ sự biết hy sinh vì đại nghĩa; khả năng bắt chước và
dung hóa rất tài. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn Giàu trong cuốn “Giá trị tinh
thần của dân tộc Việt Nam” cũng nêu ra một số giá trị: Yêu nước, anh hùng,
cần cù, sáng tạo, lạc quan, thương người, đại nghĩa. Rồi một tác giả người Ý
Claude Falazzoli trong cuốn “Việt Nam giữa hai huyền thoại” đúc kết rồi cũng
đưa ra các giá trị: Ý thức giữ phẩm giá không để mất trong bất cứ hoàn cảnh
nào; có nết cần cù; lịch thiệp tế nhị; có sự tinh tế; tính dè dặt trong xét
đoán và quyết định; có tính thực dụng nhưng khéo léo và sáng suốt trong mọi
tình huống; tính lãng mạn và đa cảm1.
Đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, trong Nghị quyết Hội
nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), về Xây dựng một nền
văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc phải dựa trên những giá trị bền
vững được vun đắp theo suốt chiều dài của dân tộc. Những giá trị đó được Đảng
chỉ ra là: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết,
ý thức cộng đồng; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý; đức tính cần
cù sáng tạo trong lao động; ứng xử tinh tế, giản dị trong lối sống.
Như vậy, có thể chấp nhận một cách hiểu về hệ giá trị của một
nền văn hóa "bao gồm toàn bộ những giá trị mà chủ thể dân tộc của nền văn
hóa đó đã tích lũy được"2. Hệ giá trị văn hóa Việt Nam chính là
những giá trị văn hóa trên mọi lĩnh vực: văn hóa, chính trị, kinh tế... do con
người Việt Nam đúc kết lại trong quá khứ; nhiều giá trị liên kết với
nhau tạo thành hệ thống. Hệ thống giá trị văn hóa này lại điều chỉnh, chi phối
cách sống của con người đương đại. Trên phương diện lý thuyết, hệ thống cơ bản
là có tính ổn định tương đối, nhưng thực tế, nhiều khi hệ giá trị văn hóa Việt Nam cũng
có những thay đổi nhất định. Tác giả không bàn đến nội dung của những thay đổi
đó, mà chỉ quan tâm đến khả năng ước chế của nó đối với cuộc sống xã hội Việt
Nam hơn 10 năm trở lại đây, và điểm để soi xét cụ thể, đó là thông qua loại
hình nghệ thuật âm nhạc.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối,
khoảng hơn 10 năm sau đó, giới âm nhạc vẫn cần cù sáng tạo và vẫn còn giữ được
hình ảnh của văn nghệ sĩ như thời kỳ hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta ở thế
kỷ XX. Người nghệ sĩ được tôn trọng, vì họ vẫn hát lên những lời ca đồng vọng
cùng cộng cảm với tiếng lòng của nhân dân. Thế rồi, bước vào thời kỳ đổi mới,
làn gió của hội nhập văn hóa mang tính toàn cầu tất yếu đã đến, cùng với nó là
nền kinh tế thị trường cũng ào tới, tạo ra nhiều cơ hội mới cho những người làm
âm nhạc. Bắt đầu từ đây, nhiều người trong giới nhận thấy, âm nhạc không còn là
sản phẩm mang ý nghĩa như một thứ quà tặng, mà nó thực sự đã trở thành một loại
hàng hóa có lợi nhuận kinh tế cao. Đó là cách tư duy hoàn toàn đúng trong trào
lưu phát triển của xã hội, kể cả về phương diện kinh tế lẫn phương diện sáng tạo
nghệ thuật. Nhưng, nếu chủ nhân của nó chỉ chạy theo lợi nhuận của kinh tế,
không quan tâm đến những giá trị văn hóa thì tất yếu sẽ không có sự sáng tạo
nghệ thuật.
Thực tế nhiều năm gần đây, bức tranh đời sống âm nhạc nước
nhà đã có sự nhạt nhòa về màu sắc, thậm chí chẳng ít giá trị mang tính nhân văn
bị xáo trộn đáng kể. Sự xáo trộn các giá trị ấy được thể hiện rõ ở nhiều khía cạnh:
Một là, bình dân hóa một loại hình nghệ thuật, lẽ ra nó phải
được nhìn nhận và tôn trọng như một loại hình có tính dẫn dắt tâm hồn, tinh thần
con người. Bởi bình dân hóa, nên có lẽ trong lịch sử nước Việt Nam ta,
chưa bao giờ lại có nhiều nhạc sĩ và ca sĩ như bây giờ. Giới nhạc sĩ, số lượng
xuất hiện ngày càng nhiều, nhan nhản như nấm sau mưa. Giới ca sĩ cũng chẳng
kém, thậm chí còn nổi trội hơn. Một anh thợ cắt tóc hay một vận động viên thể
thao, hoặc là cô người mẫu... cho dù là ai, cho dù giọng hát khó nghe, nhưng nếu
có lòng "nhiệt tình" vẫn có thể trở thành ca sĩ "hạng sao".
Nhìn các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ có tên tuổi trong các chương trình ca nhạc hiện
nay, đa số họ không phải là những người được đào tạo từ các nhạc viện, học viện
âm nhạc. Câu hỏi được đặt ra là các trung tâm đào tạo âm nhạc có uy tín trong
nước, do nhà nước chu cấp kinh phí liệu còn có vai trò gì trong việc cung cấp
nguồn nhân lực cho sân khấu ca nhạc và đời sống âm nhạc hiện nay? Đó là điều
đáng phải suy nghĩ, và cũng là điều đáng buồn.
Hai là, bóc ngắn cắn dài, thiếu tính tự tôn dân tộc, dẫu
không phải là tất cả, nhưng đó là điều thường gặp đối với các nhạc sĩ và ca sĩ
trẻ Việt Nam những năm gần đây. Thời đại của công nghệ thông tin, dễ
cho người ta thấy nhiều mặt cả hay lẫn dở của một vấn đề. Những cái mà nước
ngoài họ mất công sáng tạo, xây dựng thương hiệu như đầu tóc, trang phục, tác
phẩm âm nhạc, thì chẳng mấy chốc đã thấy xuất hiện bản copy ở sân khấu ca nhạc
nước nhà. Từ giai điệu âm nhạc, đến cách phối khí... từ quần áo, đầu tóc, đến
điệu bộ đi lại, thậm chí cả cách đặt tên cũng phải cố gắng sao cho na ná, hoặc
giống với tên của bản nhạc, ca sĩ, hoặc nhóm nhạc nổi tiếng nước ngoài... Điều
này chứng tỏ sự yếu kém trong nghề, vì yếu kém nên phải mượn danh, mượn áo của
người khác để nổi tiếng. Đừng nghĩ trong thời hội nhập, làm như thế là có thể
trở thành công dân quốc tế, ca sĩ quốc tế, ngược lại, nó chỉ làm mài mòn đi bản
sắc của dân tộc mà thôi. Trong thời kỳ hội nhập, muốn trở thành công dân của thế
giới thì bản sắc văn hóa dân tộc phải được đặt lên hàng đầu, nói như cố nhà văn
Nguyễn Minh Châu: hãy đi đến cái tận cùng của ta, ta sẽ gặp nhân loại.
Ba là, ít quan tâm đến nghĩa tình đạo lý, ứng xử thiếu tinh tế,
đó cũng là sự lệch chuẩn đối với giá trị văn hóa truyền thống xưa. Trước kia, sự
nổi tiếng của ca sĩ ngoài chất giọng, phần nhiều là do học tập, rèn luyện mà
nên, bên cạnh đó không thể không có sự góp sức đáng kể của các nhạc sĩ. Bởi thế,
với nhạc sĩ thì ca sĩ luôn có thái độ tôn trọng và kính nể. Ngày nay đã khác,
đa số ca sĩ nổi tiếng phần lớn là do bàn tay gột nặn của các ông bầu. Không còn
tiêu chí “nhất thanh nhì sắc” như xưa, mà khâu hình thể đặc biệt được chú trọng
đặt lên hàng đầu. Nhìn và nghe cách thức ca sĩ thể hiện trên sân khấu ca nhạc,
dân gian đương đại đã hóm hỉnh đưa ra tiêu chí đánh giá mới về ca sĩ như sau:
nhất dáng, nhì da, thứ ba hở rốn, thứ bốn (là) lăn lộn, thứ năm mới đến giọng
hát. Quan hệ giữa ca sĩ với nhạc sĩ không mặn nồng như xưa, chủ yếu thông qua
các ông bầu. Nói cách khác, ca sĩ chỉ biết hát, mọi việc bên ngoài đã có người
chuyên trách lo liệu, còn nhạc sĩ là ai thậm chí không cần quan tâm.
Chỉ thiên về lợi nhuận kinh tế mà quên đi những giá trị về
văn hóa đã làm cho không ít ca sĩ có những ứng xử/ hành xử không đẹp. Việc sử dụng
một tác phẩm âm nhạc nhiều lần thông qua hát nhép, hát nhái, không chỉ thể hiện
sự lười biếng trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn cho thấy một thái độ ứng xử coi
thường người nghe, coi thường nhạc sĩ. Cao hơn, đó là biểu hiện nghiệp dư hóa của
một loại hình nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp.
Hãy thử hình dung một ca sĩ chỉ cần dùng một đến hai tác phẩm
biểu diễn trong một đêm mà số tiền thu được bằng lương cả năm của một người làm
công ăn lương nhà nước. Tất nhiên, với mức thù lao cao như vậy là cả một quá
trình nằm trong chiến lược phát triển ca sĩ, tìm kiếm thị trường của các ông bầu.
Vấn đề thu nhập cao của ca sĩ hiện nay đó là điều đáng mừng, nếu nó được đặt
trong mối tương quan về vật chất và tinh thần của cuộc sống xã hội hiện tại.
Nhưng, thực tế nó lại diễn ra theo chiều ngược lại, công lao động sáng tạo của
nhạc sĩ quá bèo bọt, công chúng lại không được hưởng những tác phẩm có chất lượng
nghệ thuật cao. Thế nên, trong những năm gần đây đã xảy ra không ít vụ kiện bản
quyền giữa nhạc sĩ và ca sĩ. Việc hát nhép, hát nhái, rồi trang phục phản cảm của
các ca sĩ trên sân khấu ca nhạc nhẹ có nguy cơ làm suy giảm tính nghệ thuật và
tính thẩm mỹ trong công chúng. Chẳng ít chương trình biểu diễn mang tính từ thiện,
nhiều ca sĩ trẻ chẳng ngại ngần, sẵn sàng ăn mặc phản cảm hoặc cố tình phô
trương những bộ đồ hiệu đắt tiền trước người dân đang có hoàn cảnh vô cùng khó
khăn. Nhận biết rõ được điều này, các cơ quan quản lý về nghệ thuật mà cụ thể
là Cục Nghệ thuật biểu diễn mấy năm trước đã ra những quy chế về biểu diễn nghệ
thuật và cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ. Đặc biệt Chính phủ ra Nghị định
79/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2003 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
hướng dẫn thi hành, càng thể hiện rõ quyết tâm làm trong sạch sân khấu ca nhạc
nước nhà. Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm lẻ tháng, vấn đề hát nhép, rồi trang phục
của ca sĩ chưa có chuyển biến bao nhiêu. Trong khi đó, không ít ca sĩ dùng nhiều
chiêu hạ sách như nói xấu, chê bai nhau trên diễn đàn, để gây sự tò mò của công
chúng thì có hiện tượng gia tăng... Nhìn nhận trên các phương diện: về nghề
nghiệp, đó là việc làm không nghiêm túc; về văn hóa, đó là cách ứng xử thiếu
tôn trọng công chúng và nhạc sĩ; và trên phương diện mỹ học, đó là việc làm
không đẹp trong nghề nghiệp...
Những mặt hạn chế của sân khấu ca nhạc nước nhà trong thời
gian qua như đã nêu ở trên, tất thảy ai cũng biết nó đang đi lệch/trệch với những
giá trị văn hóa mà ông cha ta đã từng vun đắp, và làm mờ dần bản sắc văn hóa
dân tộc trong thời hội nhập. Điều nguy hại hơn, những hạn chế đó ngày càng tỏ
ra chiếm ưu thế vượt trội trong việc dẫn dắt thẩm mỹ của công chúng nước nhà.
Đừng nghĩ đơn giản, bây giờ âm nhạc chỉ nặng về tính giải trí
mà quên đi các chức năng khác. Âm nhạc là một trong những thành tố của văn hóa,
nó cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bồi đắp tinh thần và nghị lực
cho con người. Thực tế, qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ
XX là một minh chứng hùng hồn cho vai trò và chức năng của âm nhạc.
Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, âm nhạc cách mạng cùng các loại hình nghệ thuật khác trên đất Bắc xã hội chủ nghĩa đã tạo nên sự phấn khích, cũng như sức mạnh tinh thần giúp bộ đội ta tả đột hữu xung trên nhiều mặt trận. Trong khi đó, ở chiến tuyến bên kia, những bài tình ca não nề (nhiều người thường gọi là nhạc vàng) của các nhạc sĩ Việt Nam cộng hòa - nếu được nhìn nhận một cách công bằng, cởi mở - cũng góp phần không nhỏ trong việc làm suy giảm tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền. Đó có lẽ cũng là một bài học đáng để suy nghĩ trước thực trạng của sân khấu ca nhạc nước nhà hiện nay, nhất là thời đoạn này chúng ta cần lấy lại tinh thần, tạo ra sức mạnh, sẵn sàng chống lại những manh động về quân sự của nước ngoài để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, âm nhạc cách mạng cùng các loại hình nghệ thuật khác trên đất Bắc xã hội chủ nghĩa đã tạo nên sự phấn khích, cũng như sức mạnh tinh thần giúp bộ đội ta tả đột hữu xung trên nhiều mặt trận. Trong khi đó, ở chiến tuyến bên kia, những bài tình ca não nề (nhiều người thường gọi là nhạc vàng) của các nhạc sĩ Việt Nam cộng hòa - nếu được nhìn nhận một cách công bằng, cởi mở - cũng góp phần không nhỏ trong việc làm suy giảm tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền. Đó có lẽ cũng là một bài học đáng để suy nghĩ trước thực trạng của sân khấu ca nhạc nước nhà hiện nay, nhất là thời đoạn này chúng ta cần lấy lại tinh thần, tạo ra sức mạnh, sẵn sàng chống lại những manh động về quân sự của nước ngoài để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Trên phương diện văn hóa, nhắc tới những mặt hạn chế ở trên,
đó cũng là một cách nhìn tích cực và phù hợp với đường hướng phát triển văn hóa
văn nghệ của Đảng. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng lộn xộn,
thiếu tính thẩm mỹ trên sân khấu ca nhạc nước nhà như hiện nay? Sẽ có nhiều
cách trả lời khác nhau, nào là: do ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa, do sự
chi phối mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là
vấn đề cơ chế quản lý thiếu tính đồng bộ, không bắt kịp với nhịp điệu phát triển
của cuộc sống đương đại. Nếu nhìn nhận một cách toàn diện thì điều đó cũng chẳng
sai. Vậy, trong thời gian tới với hướng đi nào, cơ chế nào để nắn chỉnh cho đời
sống âm nhạc nói chung và sân khấu ca nhạc nói riêng đi vào khuôn khổ mang đậm
tính nhân văn, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mà vẫn phát huy được sự sáng tạo
trong nghệ thuật. Câu trả lời này tất yếu sẽ thuộc về trách nhiệm của các nhà
quản lý và định hướng văn hóa.
[1] Xem Trần Ngọc Thêm, Sự chuyển
đổi hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số
320, tháng 2, năm 2011, tr.4-5.
2 Trần Ngọc Thêm, ... đd, tr.5
Nguyễn Đăng Nghị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét