“Ngồi buồn
nhớ chị Xuân Hương
Hồn
thơ còn hãy như nhường trêu ai?
(Giấc mộng con - Tản Đà)
A- KHÁI QUÁT
Trong lịch
sử thơ ca Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương lóe sáng như một vì sao rực rỡ giữa bầu
trời văn học. Nói đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương là nói đến “giọng cười” tinh
quái, độc đáo đầy thi vị! Yêu thơ Hồ Xuân Hương là yêu sự “khác biệt”, qua
nghệ thuật miêu tả - nói lái - chơi chữ không một nhà thơ nào có thể so sánh được.
Vì thế, người đời suy tôn là “Bà Chúa Thơ Nôm”!*
Hồ Xuân Hương (1772 - 1822)** sinh ra và lớn lên trong thời đại phong kiến “Lê
suy -Nguyễn sơ”, cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 - Nước nhà đầy biến loạn, dân
tình cơ cực, vua quan bất tài, xu nịnh…
Chính thời thế đã tạo thiên tài trong Văn học sử xuyên thấu thế kỷ! Giai đoạn
này đã sinh ra nhiều nhà thơ kiệt xuất như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện
Thanh Quan… Có thể nói, đây là thời đại hoàng kim nhất trong lịch sử văn học Việt
Nam!
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương khắc họa sắc nét nội tình xã hội nhiễu nhương thời đó
trong “Xuân Hương thi tập” và “Lưu Hương Ký” do Trần Thanh Mại công bố trên tạp
chí Văn Học số 10 - 1964!*** Nhưng người đời, đa phần đọc thơ bà thông qua các
bản dịch quốc ngữ (thường có dị bản), nên đã giảm đi phần nào sự độc đáo so với
nguyên gốc.****
Thơ Hồ Xuân Hương thoát khỏi cốt cách Đường thi sáo mòn, rặt hương vị Việt Nam
- Bà nhìn đời bằng cái nhìn phóng khoáng gần như đi trước thời đại! Bà dùng thơ
ca nói lên “thân phận” bi đát của “người phụ nữ”, bị sợi dây thòng lọng
Nho Giáo trói chặt. Thơ Bà toát lên cái thông minh, từng trải, thấm đẫm nổi đau
vị đời. Bà đả phá “hủ tục đa thê”, đòi quyền tự do kết hôn, bình đẳng trong xử
thế, lên án chế độ thống trị khắc khe, chà đạp nhân cách“phái yếu”gây nên bao
bi kịch trong gia đình và xã hội.
Trên đây là vài nét sơ lược về bối cảnh lịch sử, cuộc đời thơ ca Hồ Xuân Hương.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không có ý đi sâu vào mọi khía cạnh trong thơ
bà, vì đó là lĩnh vực chuyên môn của các nhà nguyên cứu văn học có uy tín. Bài
viết chỉ nhằm giới thiệu đặc thù về nghệ thuật miêu tả trực tiếp và miêu tả ẩn
dụ qua “GHẸO THƠ - TÁN LÁI - CHƠI CHỮ”, để nói lên “tiếng cười” đầy cá
tính mạnh mẽ trong thơ bà.
B- TIẾNG CƯỜI ĐỘC ĐÁO TRONG THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG
I- GHẸO THƠ (TRỰC TIẾP - ẨN DỤ)
Ghẹo thơ hay còn gọi là tán thơ (xướng - họa).Thời xưa, nam thanh nữ tú con nhà
có học, tán tỉnh nhau thường lấy thơ ca đối đáp bóng gió để nói lên lòng mình.
Giai thoại lưu truyền giữa nàng Xuân Hương bướng bỉnh và chàng Chiêu Hổ lém lỉnh,
nổi tiếng một thời trên văn đàn lúc ấy cũng dùng cách này.
Khởi đầu, Xuân Hương “ghẹo” Chiêu Hổ bằng cách xưng “chị”, lấy “hùm” đọ với “hổ”
ám chỉ cho “cái ấy” thật đáo để:
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này chị bảo cho mà biết,
Chốn
ấy hang hùm chớ mó tay.
(Trách Chiêu Hổ I - HXH)
Không ngờ, Chiêu Hổ đớp chát tài tình, miếng trả miếng đích đáng, Xuân Hương dù
có đanh đá cũng phải cứng miệng:
Này ông tỉnh! Này ông say!
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hầm ví
bằng không ai mó,
Sao
có hùm con bỗng trốc tay?
(Họa I - Chiêu Hổ)
Chợt nhớ món nợ vay, Nàng liền đổi chiến thuật, hậm họe lên giọng:
Sao nói rằng
năm lại có ba?
Trách người
quân tử hẹn sai ngoa.
Bao giờ
thong thả lên chơi nguyệt,
Nhớ hái cho
xin nắm lá đa.
(Trách Chiêu
Hổ II - HXH)
Chiêu Hổ chẳng hề nao núng, trân tráo họa lại tỉnh queo:
Rằng gián thì năm quí có ba,
Bởi người thục nữ tính
không ra!
Ừ, rồi thong thả
lên chơi nguyệt,
Cho cả cành đa lẫn
củ đa.
Vì sao, Chiêu Hổ lại chê Xuân Hương “tính không ra”? Nàng mới cao giọng “chị” đấy
mà! Theo tích xưa, trên cung trăng có thằng Cuội cũng là một tay nói dối, ranh
ma! Như thế, Xuân Hương ví Chiêu Hổ là Cuội, chơi xỏ cho bỏ ghét cái mặt “nhất
nam viết hữu” khinh khỉnh kia!
Ngày xưa, tiền của ta có hai loại: “sử tiền” còn gọi là “tiền gián”. Một
gián ăn 36 đồng kẽm. Một loại nữa là “cổ tiền” gọi là “tiền quí”. Một quí ăn 60
đồng kẽm. Vậy, năm tiền gián sẽ là 5 x 36 = 180 đồng kẽm tương đương 3 đồng quí
là: 3 x 60 = 180 đồng. Được thể, Chiêu Hổ mới cợt nhả cho “cả cành đa lẫn củ
đa” đầy hình tượng!
Keo
này, Chiêu Hổ hạ Xuân Hương một vố đau điếng, Nàng cụt hứng hậm hực bỏ đi,
nhưng cái tính ương ngạnh vẫn không chừa, vài ngày sau Xuân Hương lại có thơ
khiêu khích:
Những bấy lâu nay luống nhắn nhe
Nhắn nhe toan những sự
gùn ghè
Gùn ghè nhưng vẫn còn
chưa dám
Chưa dám cho nên phải
rụt rè!
(Trách Chiêu Hổ III- HXH)
Nghe vậy,
chàng Chiêu Hổ ngứa cựa đá thơ ngay:
Hỡi hỡi cô bay tố hão nhe
Hão nhe không được, gậy
ông ghè
Ông ghè chưa được
,ông ghè mãi
Ghè mãi rồi lâu cũng
phải rè!
(Họa III - CH)
Đúng là
“chơi dao có ngày đứt tay”, Hồ Xuân Hương đơ cả lưỡi thẹn thùng lui gót ngọc…
2- TÁN LÁI(ẨN DỤ):
Tán lái hay còn gọi là nói lái, chúng ta thường thấy có 3 cách chính:
a) Đổi âm sau giữ chữ đầu
và dấu thanh:
Ví dụ: “Đá môi hôn” là “đốn môi ha”; “Hộ khẩu” là “Hậu khổ”; “Cầu Bà Di”
là “Kì bà dâu” (C & K: đều đọc âm “cờ”)…
b) Đổi chữ trước ra sau và
hoán đổi vị trí dấu thanh:
Ví dụ: “Cây súng” là “sung cấy”; “Cối xay” là “xáy côi”…
c) Hoán đổi vị trí dấu
thanh giữ nguyên chữ:
Ví dụ: “Thủy điện” là “Thụy Điển”; “Lộc phước” là “Lốc phược”…
Trong 3 cách tán lái, người ta thường dùng cách (a) và (b) nhiều hơn cách (c).
Tán lái là lối nói bóng gió, một hình thức nghệ thuật độc
đáo, thuần túy Việt Nam mà Hồ Xuân Hương là sư tổ! Nó là sự kết tinh từ nguồn Văn
học Dân gian, đánh động não bộ “đổi âm vận thanh”, hình tượng cách nói ẩn ý để
đùa cợt giải khuây, xóa tan mệt nhọc lúc đồng áng…
Tán lái trong thơ HXH thường táo bạo, cay và độc! Nhưng đọc lên ta thấy thật dí
dõm, thâm thúy thể hiện nét dâm không (libido) mà óng mượt; nét tục không
thô lậu (rudeness) mà thanh tao - tạo thành một khối gắn kết trữ tình, lãng mạn
quyện chặt bố cục bài thơ, làm người đọc thích thú, rớt lại nụ cười đồng
cảm.
Hồ Xuân Hương là nhà thơ tiên phong đã đưa TÍNH DỤC
(sexology) vào Văn học Việt Nam trong giai đoạn lịch sử trung đại một cách tự
nhiên và độc đáo, nên thơ bà đọng mãi với thời gian! Tính dục cũng là một nhu cầu
hoàn toàn có thật trong cuộc sống, để nòi giống trường tồn và đất nước phát triển
thì không lý do gì lại nghiêng về tiếng nói “phái mạnh” mà chối bỏ, cấm kỵ tiếng
nói của “phái yếu”, thì văn hóa tính dục ấy chưa thể gọi là âm dương hợp nhất!
Vì vậy, bà đã dùng những thành tố (components) “lái tục”, thả đúng thì, đúng
lúc lồng vào liên tưởng, tô đậm màu sắc qua miêu tả trực tiếp - ẩn dụ, làm ý
thơ tỏa sang - tạo đòn tâm lý, chọc thẳng vào giới “ăn trên ngồi trước”
lòng dạ đầy giả dối, bà lột trần tuốt tuồn tuột!
Có lần lên chùa, thấy chùa vắng tanh cổng ngõ hờ hững, bên trong các chú
tiểu thì ngủ gục chẳng buồn tụng kinh, gõ mõ. Xuân Hương bỡn cợt, giễu mấy sư
thiếu đạo hạnh lại thích đi mây về gió:
Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi
thăm sư cụ đáo nơi neo.
Hoặc một
hôm, từ “Cổ Nguyệt đường” về thăm mẹ đi ngang cánh đồng thấy trai gái đang tát
nước vào ruộng, gặp lúc mùa hè nóng bức, nàng chợt liên tưởng, ngổ ngược xổ:
Đang
cơn nắng cực chửa mưa tè
Rủ
chị em ra tát nước khe.
(Tát
nước)
Hay:
Mừng
nay đại vũ xa gần khắp
Thử hỏi thôn làng đã sướng chưa
(Nắng cực gặp mưa)
Tán lái trong thơ HXH là một kho tư liệu giàu tính dân gian như người thật, vật
thật đọng nụ cười châm biếm, thâm thúy…
3- CHƠI CHỮ (TRỰC TIẾP - ẨN DỤ):
Nghệ thuật chơi chữ trong thơ Hồ Xuân Hương như lát cắt, lột tả cái ngụ ý bà muốn
nói. Hình thành một lối miêu tả song song (vừa trực tiếp - vừa ẩn dụ). Bà vận dụng
mọi giác quan cảm nhận, sáng tạo không theo lối mòn, ước lệ. Nếu nói Nguyễn Du
là “ông vua” ngự trị trên long sàn “Văn học bác cổ”, thì Hồ Xuân Hương là “bà
chúa” đang vi hành giữa “Văn học dân gian”. Bằng lối quan sát “từ ngoài vào
trong - từ trong ra ngoài”, kết dính với hương vị “TÍNH DỤC” đầy màu sắc, thơ
bà như có duyên ngầm xuyên suốt tác phẩm!
Đã qua rồi thời đại độc tôn, phiến diện nặng tư duy Nho giáo, cho rằng thơ Hồ
Xuân Hương là “dâm tục, lẳng lơ”. Có một thời, nhà văn Trương Tửu cũng đã từng
nhận định quá khích rằng, thơ HXH là“thiên tài hiếu dâm cực điểm”****** và nhóm
người hùa theo ông nhạo báng, dè bỉu tạo thành cái “án treo thơ dâm”, móc lơ lửng
giữa không gian và thời gian Văn học. Nhưng theo dòng chảy nghệ thuật, bằng cái
nhìn thuần túy khách quan, người ta đã xóa bỏ “cái án” khiên cưỡng không thời hạn
ấy, phục hồi nhân phẩm cho bà “đúng tâm đúng tầm” thẩm mỹ và ngày nay thơ bà
càng được các nhà nguyên cứu phê bình văn học, cũng như bạn đọc trong và ngoài
nước hết lòng yêu mến!
Chất trữ tình, lãng mạn trong thơ HXH cô - nén vào con chữ đơn giản mà ý thì
sâu lắng! Là tiếng nói chân thành của giới bình dân khốn cùng, đập vào ý thức hệ
ngàn năm phong kiến! Qua thơ, bà điểm mặt tầng lớp quan lại thối nát, văn nhân
bất tài, sư sãi hổ lốn… cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, trước những lằn roi thơ
táo bạo bà quất tím tái vào mặt…
Thơ Hồ Xuân Hương dẫn dắt người đọc như lạc vào một mê cung toàn tranh khỏa
thân. Đẹp từ đường nét, màu sắc, âm thanh bay bổng, hút hồn người xem như họ
đang chiêm ngưỡng tượng thần Vệ nữ:
Mùa hè hây hẩy gió nồm
đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược
trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long…
(Thiếu nữ
ngủ ngày)
Ở đây, chữ “hây hẩy gió” diễn tả trực tiếp ngọn gió đang vuốt ve
“mát” lâng lâng, đến độ lịm, ngủ say chẳng còn biết giữ ý tứ gì cả, nhưng
thật hồn nhiên, ngây thơ tựa một nàng tiên đang ngủ!
Cay đắng trước phận đời “Làm lẽ”, bà thả những con chữ rớt ra tự đáy lòng uất
nghẹn, đốt cháy cả thành trì tư tưởng “đa thê - tam tòng tứ đức”, giải phóng
cho “kiếp” phụ nữ bị lâm vào cảnh“chồng chung” như một thứ “nô dịch tình dục
không công” bởi quyền lực Nho giáo áp đặt do chính giới mày râu:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy
chồng chung
Năm thì mười họa chăng
hay chớ
Một tháng đôi lần có
cũng không
(Làm lẽ)
Tả “con ốc nhồi”, Bà bóc trần cái máu háu gái nham nhở của giới lắm tiền, nghèo
nhân cách như bán cả nỗi đau:
Quân tử có yêu thì bóc yếm
Xin
đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
(Vịnh
ốc nhồi)
Giễu
đám văn nhân thích phô trương mà cái tài thì một nhúm cỏn con, bà châm chọc thẳng
thừng, làm họ sượng cả mặt lẳng lặng tránh xa:
Năm ba thằng ngọng đứng xem chuông
Nó bảo nhau rằng ấy ái uông
(Vịnh cái
chuông)
Hoặc trịch thượng như làm thầy thiên hạ:
Khéo
khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ
(Mắng học trò dốt I )
Nghe xong, đám “khoe chữ” muốn độn thổ luôn!
Tả “Hang Cắc Cớ”, bà thường dùng định ngữ - bổ
ngữ nhấn mạnh cuối câu diễn tả hình ảnh, âm thanh sống động như thổi hồn vào sự
vật, phơi cả “nội y” hang Cắc Cớ mờ mờ ảo ảo:
Kẻ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm
Con đường vô ngạn,tối om om.
(Hang Cắc Cớ)
Gián tiếp đả phá tầng lớp quan lại ăn chơi, đàn điếm, tự cho mình là quân tử,
thanh cao, bà xé toạt cái quan niệm luân lý, cho rằng phụ nữ chỉ ở xó “phòng
the, bếp núc”, vậy mà, từ “chúa dấu vua yêu” cứ mãi đắm say “vừa leo vừa thở”:
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn
muốn trèo
(Đèo Ba Dội)
Tả cái quạt, thơ bà như có tiếng sóng vỗ đầy tính năng khêu gợi. Nghe qua
giới đàn ông cười híp cả mắt, lòng mát rời rợi nhưng gẫm kỹ… thì bị cái quạt của
bà gõ vào “sọ khỉ” đau nhói:
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn
thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt
gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
(Vịnh cái quạt II)
Ngay tình huống bị trượt té, ngã liểng xiểng trong sân trường trước bè bạn đang
giễu cợt, bà đứng dậy tỉnh bơ, chữa thẹn bằng khẩu khí ngang tàng rất xấc, khiến
đám bạn trai phải lạnh gáy, kiêng dè không dám hó hé:
Giơ tay vói
thử trời cao thấp (5)
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài
(Đọc thơ chữa thẹn)*****
C- KẾT
Những
động từ GHẸO - TÁN - CHƠI thường dùng để chỉ trạng thái hưng phấn của
đối tượng, hay đi kèm danh từ chỉ giới tính như “ghẹo gái - tán gái -
chơi gái”. Nhưng đọc thơ Hồ Xuân Hương, giới mày râu thời nào đọc qua
cũng «thấm đòn», vì giới tính đằng sau những động từ này như đã thay
đổi thông lệ cũ. Và phái mạnh, dường như thấy mình bị rớt «cái mạnh» trước
bãi phơi thơ lộ yếm châm biếm của bà, và họ mường tượng đang thấy chính bà
tủm tỉm phán trong thơ xanh rờn:
Ai ghẹo ai? Ai tán ai? Ai chơi ai? Xin mời đọc
thơ Hồ Xuân Hương thì… tự biết nhé!
Đã trải qua hơn 200 năm, thơ Hồ Xuân Hương từng nhận những thị phi «khen -
chê», nhưng giọng cười trong thơ bà vẫn hút hồn người đọc mê say và tiếng nói
trong thơ bà đã phần nào khẳng định vị trí của giới nữ ngày càng được tôn trọng,
nhất là trong xã hội hiện đại chúng ta đang sống, thì điều đó đã trở thành sự
thật vậy!
THAM KHẢO:
* Bà Chúa Thơ Nôm - Theo nguồn «Thân thế và
thơ ca Hồ Xuân Hương» của Lê Lâm - Nhà xb Cây Thông (1950).
- Nhà thơ Xuân Diệu trong «Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm» Tạp
chí Văn nghệ (1961) và «Ba thi hào dân tộc» NXB Văn học (1959).
** Theo tư liệu «Việt Nam văn học sử yếu» (1941)
& «Việt Nam thi văn hợp tuyển» (1942) của Dương Quảng Hàm - DoTrung
tâm Học Liệu,Bộ Giáo Dục (Sai Gòn) tái bản (1968).
- Thơ Nôm là thơ viết bằng chữ Nôm, như lối chữ Hán,
thường hay ghép hai - ba chữ Hán thành một chữ Nôm (chỉ ý, chỉ âm) ví dụ như
«quốc gia» là «nhà nước»; «giang san» là «non sông»…
- Tư liệu«Xuân Hương thi tập» của Thuần Phong (1958).
*** Tạp chí Văn học số 10 - 1964 của Trần Thanh Mại công bố tập
thơ «Lưu Hương ký» cho là của Hồ Xuân Hương, nhưng phong cách trong ấy các nhà
nguyên cứu cho rằng lắm khi không đồng nhất với «Thơ Nôm HXH»
đã được truyền tụng từ xưa.
- Tiểu luận «Hồ Xuân Hương - Bảy nổi ba chìm với nước non» của
Đỗ Ngọc Thạch (2010) - newvietart.com.
**** Tư liệu «Hồ Xuân Hương, thơ và đời» sđd trang 20,21 của
Nhóm Trí Thức Việt - NXB Văn học (2012)
****** Trích dẫn Thơ Hồ Xuân Hương trong bài viết dựa nguồn
«Thơ Hồ Xuân Hương» của tác giả Phạm Du Yên – NXB Thanh Niên (2007).
- «Giai thoại» trong «Thơ HXH» của Phạm Du Yên, sđd
trang 104,107.
- Tư liệu «Hồ Xuân Hương thơ chữ Hán - chữ Nôm & giai thoại»
của Bùi Hạnh Cẩn, NXB Văn hóa - Thông tin (1999).
****** Nguồn: «Kinh Thi Việt Nam» của Trương Tửu - Hàn Thuyên
XB (1940).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét