“Kinh Tuyến đen” không đơn thuần chỉ là tập thơ mang màu
sắc Hậu hiện đại phá vỡ kết cấu ngôn ngữ truyền thống như một cố gắng tìm tòi
theo dòng Tân hình thức, mà còn có khả năng biểu đạt khá đa dạng những biến
thái của xã hội công nghiệp chưa hoàn thiện nhưng đã có biểu hiện suy
thoái.
Một trong những đặc trưng của chủ nghĩa Hậu hiện đại là tính
hoài nghi cộng đồng với những khái niệm không phải bắt nguồn từ nhận thức lý
tính mà mang tính đột biến, quy chiếu từ những góc nhìn hiện sinh làm biến dạng
hiện thực thành thứ hiện thực hư vô hoặc hiện thực cực thực. “Kinh
Tuyến đen “ tuy cũng xuất phát từ nguồn nguyên liệu hiện thực nhưng cái hiện
thực được phơi bày trước mắt chỉ là thứ ảo giác. Hiện thực được ẩn tàng dưới lớp
vỏ phi lý của loại tư duy phi logic, lối suy tưởng ngược. Vì thế không thể tìm
thấy sự dễ dãi trong ngôn ngữ biểu đạt. Trong mỗi câu thơ, Vĩnh Phúc đều đặt
vào đó một ý tưởng, một triết lý nhân sinh. Các chất liệu cấu thành thơ ở đây vừa
mang tính bình dân lại vừa siêu hình, bí hiểm. Nó cũng là một dạng cấu trúc
ngôn ngữ đặc trưng đại diện cho một trường phái thơ ít nhiều mang tính nổi loạn.
Những hiện tượng đời sống cùng vấn nạn nhân sinh trong một cộng
đồng xã hội thiếu vắng điểm tựa tinh thần, mù mờ về văn hóa, khủng hoảng nhân
cách, được hình tượng hóa bằng ngôn ngữ thơ thông qua những lát cắt bất chợt của
một cây bút từng trải. Yếu tố triết luận, cho dù đôi lúc thái quá vẫn là cái nền
khá vững chắc hỗ trợ cho những ý tưởng đột xuất. Cách tư duy của Vĩnh Phúc thường
là đi từ khái quát rồi đến cụ thể, từ vĩ mô đến vi mô mang tính chiêm nghiệm. Đặc
điểm hiện sinh trong thời Tiền công nghiệp Việt Nam nhưng lại là Hậu công nghiệp
của thế giới văn minh luôn có một khoảng cách. Sự không tương thích về những định
chế dường như đang tạo nên những giá trị khập khiễng, thiếu bền vững, là nguyên
nhân của sự mất ổn định. Công thức đi từ khái quát đến cụ thể, từ số phận cộng
đồng đến thân phận con người luôn được quán xuyến trong toàn bộ tập thơ. Về mặt
logic hình thức, Vĩnh Phúc không diễn đạt theo theo phong cách cổ điển dựa vào
trình tự đoạn mạch mà kết cấu thường bị phá vỡ, câu văn đảo ngược, ý tưởng thật
lồng trong ý tưởng giả, trật tự cú pháp đổi chiều, gây nên hiệu ứng thẩm mỹ
khác nhau trong tư duy đối tượng tiếp nhận.
Đọc “Kinh Tuyến đen” phải biết gạt bỏ lớp sương khói lờ
mờ phủ lên những dòng chữ phi lý, bí hiểm. Khách thể và chủ thể, ý thức và vô
thức, thời gian phi tuyến và hữu tuyến, hiện thực và ảo giác luôn là những đại
lượng biến động vô thường nhưng tựu trung đều có cùng một hằng số văn hóa.
Chúng là những vòng tròn đồng tâm tạo nên những quỹ đạo lồng vào nhau chi phối
các giá trị, điều tiết mọi quan hệ.
Các phạm trù không gian, thời gian, lịch sử, đạo đức, văn
hóa, tình yêu, hôn nhân trong quan niệm nhân sinh của Vĩnh Phúc đôi khi chỉ là
những ý niệm giả tưởng. Con người Hậu hiện đại có vẻ như đang bị đột biến gene,
tiến hóa thêm vài bậc về sinh học nhưng lại thụt lùi vài bậc về văn hóa, đạo đức.
Nói cách khác, trong “Kinh Tuyến đen”, con người không còn là cá thể đơn lập
thuần túy mà não trạng đã bị lập trình, tình yêu không còn thiêng liêng trong
niềm đam mê vô vị lợi. Nền văn hóa thứ cấp cùng với thứ ngụy thuyết được rêu
rao như là chân lý Thượng Đế đã biến con người thành những kẻ hoài nghi vĩ đại. Vậy mà cái không gian hiện sinh nửa thiên đàng nửa địa ngục ấy, bằng phép phù
thủy, vẫn còn đủ sức mê hoặc những kẻ cuồng tín hoặc nhẹ dạ cả tin. Không còn
nghi ngờ gì nữa, “Kinh tuyến đen” là một cách nói mà ở đấy, người đọc có
thể tìm thấy phiên bản không mấy “nghiêm chỉnh” của mình có khi chỉ qua một cái
hắt xì hơi hay nụ cười nhòe nhoẹt của cô gái điếm sau một đêm ế khách.
Để thích ứng với hoàn cảnh, con người mặc nhiên hình thành
quán tính mặc kệ sự biến động của dòng đời. Anh ta cần một không gian ảo, một
trạng thái quán tưởng vô định hình mà cái phông của nó là thiên nhiên trong dạng
thức nguyên thủy (cánh đồng, cơn giông, hạt mưa…) để tư duy về ý nghĩa của tình
yêu, xem tình yêu là nơi trú ẩn an toàn cuối cùng:
mặc kệ những những mưu đồ lũng đoạn
mặc kệ ngụy tín ngụy biện
tôi vác tôi đi, về quê, chân trần, lòng chân thật
vệt nắng xiên ngang vườn ổi
lưng áo mẹ mồ hôi, cánh tay trần em thắp trắng
tham nhũng ở rất xa, tham quyền như mây lặng
chú ve không nhả điệu sầu của bất cập…
Ký ức về cuộc chiến hai mươi năm trong “Bên ni một cuộc
chiến” cũng nằm trong mạch tư duy trên. Hình ảnh bà mẹ thời hậu chiến cần mẫn
ngồi khâu những vết thương “vá vào chiều những tàn tích khúm núm” không xuất
phát từ hiện thực khốc liệt của máu và nước mắt mà được đẩy lên ở cấp độ tư tưởng.
Mọi vết thương thời gian có thể chữa lành, nhưng vết thương tâm hồn hằn vào ký ức
bởi giấc mộng phiêu lưu của những kẻ máu lạnh đẩy đồng loại vào những cuộc chiến
huynh đệ tương tàn, hủy diệt cả một nền văn hóa thì khó mà hàn gắn được. Hình ảnh
đứa cháu ngồi theo quán tính chiến tranh mà người bà không thể nào sửa được là
một trạng thái bệnh lý được khái quát thành triết lý.
Trong “Lạc”, “Ao nhà”, “Nỗi buồn đất đá”…người đọc nhận
ra trạng thái tâm lý con người biến dạng đáng kể dưới áp lực cuộc sống pha tạp
đủ màu sắc. Thời đại tiền công nghiệp xuất hiện muộn song hành cùng với thể chế
trái quy luật tự nó sinh ra những hệ lụy. Ở đây các mối tương quan ở cả hai
thái cực được xem như cân bằng. Thói kiêu ngạo giai cấp, tập tính quen dùng giảo
ngữ, trò chơi quỷ biện đang trở thành thời thượng. Người ta có thể ngụy tạo ra
đủ thứ giá trị, kể cả đạo đức, trừ lương tâm, nên những mặt hàng như nịt ngực
hoặc băng vệ sinh phụ nữ được đặt bên cạnh những tuyên ngôn bịp bợm không có gì
là nghịch lý. Thế giới đang bị phân rã, tâm hồn bị đánh tráo, những mảnh vỡ của
trật tự đan xen, va chạm, chèn ép nhau trong sự vận động hỗn loạn là dự cảm cho
một sự đổ vỡ trên quy mô lớn. Thân phận con chim sẻ nâu bị cầm tù trong không
gian ô nhiễm chính là sự bế tắc của những công dân hạng hai, hạng ba suốt
đời bị lường gạt bởi những triết thuyết của một vài kẻ bệnh hoạn. Với “Nỗi
buồn đất đá”, “Dốc mài sắc đỉnh gió mù nhọn hoắt”, tác giả bắt đầu bằng
một sa mạc cát và kết thúc là nỗi cô đơn hoang tưởng. Đây là trạng thái siêu thực
của một thế giới hỗn độn, khô cứng, chết chóc. Tất cả những điềm gở đó đều lắng
đọng trong tiếng gà gáy báo hiệu một bình minh đau đớn. Tình yêu đi xuyên qua đất
đá làm đất đá chuyển động. Đây có vẻ như là hiện tượng đóng băng tâm lý, con
người mất niềm tin, nhìn thấy ảo ảnh trong cái nền siêu thực.
Quy luật của tình yêu cùng cách diễn đạt nó được Vĩnh Phúc lặp
đi lặp lại với tần số cao. Hình ảnh bước nhảy của người thiếu nữ qua động tác nhón
chân như là sự thăng hoa của quá trình vận động tâm lý. Cái nhón chân cũng
là điều kiện cần để thay đổi lịch sử. Một khi cú nhảy thành công (với người
con gái điều này hoàn toàn không khó), mọi bí mật cuộc sống được hé mở. Khúc valse
luân vũ chính là nhịp điệu hài hòa, là năng lượng cuộc sống mà nguồn nuôi
dưỡng nó chính là vẻ đẹp thanh xuân của giai nhân.
Thơ nghiêng về triết luận, quan điểm hiện sinh của tác giả biểu
hiện khá rõ trong mạch tư duy về cái cô đơn, sự vô nghĩa của cuộc sống nhưng vẫn
khao khát tình yêu như là cứu cánh của kiếp nhân sinh. Yếu tố Hậu hiện đại
trong phần lớn các bài trong “Kinh Tuyến đen”, nổi lên như là phương tiện
chuyển tải tư tưởng nghệ thuật thông qua đặc trưng ảo hóa, số hóa hệ thống ngôn
từ. Từ ngữ ở đây không chỉ mang nội hàm cổ điển mà nó còn tiếp nhận những chức
năng mới, khơi dòng chảy tâm lý, định dạng những khái niệm mở rộng trường ngữ
nghĩa. Cùng một từ “rỗng“, tác giả liệt kê hàng loạt trạng thái: không gian rỗng,
thời gian rỗng, một đám nhân quần rỗng, và cuối cùng là tâm hồn rỗng. Đó chính
là những dạng thức khác nhau của sự vô cảm, bế tắc trong một xã hội mòn mỏi bởi
căn bệnh trầm kha, vô phương cứu chữa. Ở đấy, lớp trẻ, những chủ nhân ông tương
lai sống không lý tưởng bởi đã bị nhồi nhét quá nhiều thứ lý thuyết bánh vẽ.
Hình ảnh” mẹ ngồi nhai ký ức đồng trưa” và “Gió nam chạy trên bãi tha ma
hoang phế” càng khẳng định bức phác thảo nhợt nhạt, u buồn “ngày rỗng buồn
lên mặt trống rỗng” là sự suy kiệt của tư duy, thoái hóa tình yêu, tha ma
hóa đạo đức.
Đi tìm ý nghĩa cuộc sống luôn là khát vọng thường trực trong
tâm tưởng. Bất chợt nhìn thấy bóng khói lam chiều, nhà thơ liên hệ ngay đến bản
chất thế giới với hàng loạt quy luật đối nghịch nhau trong sự vận hành vĩnh cửu.
“Khói lam chiều“, “cánh cò nhúc nhắc” gợi nhớ về khung cảnh thanh
bình của thời xa vắng, đồng hiện cùng nhịp điệu nhốn nháo thời hậu chiến với những
xung đột ý thức hệ, những lý thuyết chắp vá lởm chởm, đang ngắc ngoải thở dài
thở dài. Ở môi trường hỗn tạp ấy, tư tưởng thối rữa, văn chương ba xu, tình yêu
chụp giật là động lực làm nhân cách nhanh chóng suy tàn:
khói lam chiều, khói lam chiều
chân đi mấy dặm quan hà nghi ngút
buồn con măt, khói lam về đâu
mưa ướt mái hiên, mưa đồng rơm rạ…
chân mây khóc
thành lệ của đất, nóng
nước mắt người, bụi cay
(Bóng khói em)
Với cái nhìn hoài nghi, lại được ẩn dụ nhiều tầng qua các hiện
tượng như mây, mưa, sương, khói…,Vĩnh Phúc luôn biểu đạt một thứ hình ảnh phi
truyền thống, phi tự nhiên. Có thể đó là hiệu ứng của trạng thái cảm xúc siêu
thực, chơi vơi trong màn sương khói mông lung:
Hoàng hôn phi, lộ thiên khúc nhạc sầu
Bỏ đi. Chân trời mẹ ngân ngấn đáy mắt con
Đó là thứ mùa thu phá phách, phi nhân sinh, đầy huyễn tưởng
nhưng biết đâu lại “tiệm cận” được cái “Đạo” của thượng đế chăng? Vì lẽ đó,
trong “Em ơi, mùa thu Hà Nội”, dưới con mắt kẻ lãng du, tác giả nhìn
được tâm hồn người đất kinh kỳ chỉ qua một thoáng hồ Tây:
Hà Nội, ngày cứ phi, Hồ Tây mưa lao đao
Áo căng buồm chạy trắng một vai đầy
Anh lộ thiên, phím tình kêu, ngần ngại
Hà Nội, rứt ruột anh, mộng du xanh…
Cuộc chữ chưa bày trăm năm đã cạn
Heo may gầy, tóc xõa ngọn gầy hao
Rõ ràng đó là một Hà Nội được “siêu thực hóa” qua cách đảo trật
tự chữ nghĩa, cú pháp, tạo được chiều sâu suy ngẫm bởi sự kết hợp cả các động
thái nghe, nhìn, cảm trong một không gian thu lãng đãng, huyền ảo.
Tuy nhiên đôi khi hình ảnh chỉ mang tính biểu tượng. Tác giả
dùng thứ dơ bẩn để tẩy rửa dơ bẩn. Một ẩn ức tâm trạng được mã hóa dưới dạng
“tro”. Hiện thực biến dạng thành loại vật chất trần trụi mang hình hài đạo đức,
tín ngưỡng:
chữ trinh được cứu vớt khi bụi tro rửa mặt
ta bảo em sạch trong…
(Khi bụi tro rửa mặt)
Đến “Tháng bảy hoa hậu”, yếu tố triết luận trong mạch cảm
hứng hiện sinh làm câu thơ không còn giữ được tính chính xác ngữ nghĩa. Nó đã
chuyển hóa, nhảy múa trước sức nặng của đồng tiền. Cả một xã hội lên cơn co giật
bởi những cuộc đấu xảo người đẹp thật giả lẫn lộn:
những phiên bản trợn trừng
tháng bảy, mưa lõa thể, màu trời biến sắc…
nhan sắc đánh bóng mạ kền
nhân ái ngụy trang
lên ngôi hoàn vũ
Ở cấp độ sâu hơn, trong không gian hiện sinh, tác giả cảm nhận
về sự “rơi” qua những dạng thức khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là trạng
thái tâm lý được hình tượng hóa bằng âm thanh. Con sóng rơi, người điên rơi,
quy luật tự nhiên bị đảo lộn:
hồn nhiên em nói lời đạo đức trên cái váy
ngắn cũn cỡn
trong quá khứ có thì tương lai. Phật hiện
ma quỷ mặc áo gấm, búp bê nhựa
hát tụng ca vô lý những điều có lý
“Rơi” thực chất là thứ triết lý đổ vỡ về mặt hiện thực phi lý
nhưng lại được nhận thức như là chân lý.
Man mác, lãng đãng như sương mù lởn vởn trên đỉnh núi một sớm
đầu xuân là đặc trưng của loạt bài thuộc loại “Gió Vu Lan”, “Khúc xuân thổi
hoang vu chi lạ“, “Cỏ non năm mới”... Ở đấy, chất ảo lấn lướt chất thực, tâm lý
phản ứng với khung cảnh thiên nhiên:
gió bò dốc tháp ảo tưởng
chốn vắng tư duy…
tôi đuổi theo ngọn gió gõ
boong boong chuông chùa mùa Vu Lan trong suốt
(Gió Vu Lan)
Trong chốn vắng cô liêu ấy, người ta thông cảm hoàn cảnh bê bối
của chàng nghệ sĩ lãng du không thể tự nuôi sống mình bằng sáng tạo nghệ thuật.
Người tình bỏ đi, anh ta bơ vơ trong chính căn phòng ổ chuột của mình:
mắt em xua gã đàn ông tôi khỏi bậc thềm
tay em xô thằng nghệ sĩ tôi nhào xuống vực
đàn với địch, văn với vẻ, bày trò
đói rách
tôi ôm đàn khúc xuân thổi hoang vu chi lạ
gãy canh
cạn đời…
(Khúc xuân thổi hoang vu chi lạ)
Trong cái nhếch nhác đến tận cùng, người nghệ sĩ nhìn thảm “cỏ
non năm mới” như là bức phác thỏa nghịch lý hoặc khúc biến tấu nhạt nhẽo. Ngay
cả ngày tết người ta cũng phải núp sau mặt nạ để che đi sự thật không mấy tốt đẹp.
Khả năng tự đánh mất nhân cách của con người bởi những cơn mê
sảng là hiện thực. Khi trật tự thế giới bị đảo ngược, con sâu tượng trưng cho sự
tha hóa của nhân tính chẳng khác gì con sâu trong “Biến dạng” của Franz Kafka.
Những cặp phạm trù đối lập trong mối tương quan hiện sinh thực chất chỉ là những
giả thuyết không bền vững. Con sâu cũng là quán tính, là thứ nhân cách giả tạo
trong đời sống cộng sinh. Hình ảnh lũ kiến vong thân bên ly cà phê úp ngược
chính là một dạng thức vật chất được cách điệu thành thứ tư tưởng bạc nhược:
dòng đời chảy dưới mây trôi
buồn đôi môi
chú gà trống gáy vỡ mặt trời…
ly cà phê đáy cạn
đủ cho lũ kiến vong thân
khoái lạc khép mình khói thuốc bạc nhược
này chú sâu
chú vẫn đi tìm nhân tính đó ư?
Thái độ hoài nghi là đặc trưng phong cách của “Kinh tuyến đen“. “Bình minh và vết sẹo” là giấc mơ của một kẻ hoang tưởng. Anh ta
mơ thấy bầy quạ xâm chiếm thế giới loài người. Giấc mơ kéo theo vô số hình ảnh
chết chóc trong nghi thức tang lễ cộng đồng. Ma quỷ và ảo giác biến con người
thành những kẻ tâm thần. Những xung đột gây nên ấn tượng khủng khiếp đến
nỗi hằn thành vết sẹo trên bình minh…
“Chú gà trống gáy vỡ mặt trời”, đó chính là thông điệp của
cuộc sống được trình bày dưới dạng Hậu hiện đại. “Kinh tuyến đen” là vô hướng,
vô định hình, nhưng nội hàm của nó có giá trị nhận thức trong một tổng thể nghệ
thuật giầu tính khám phá.
Chí Linh, 12/ 10/ 2009
Đặng Văn Sinh
Đặng Văn Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét