Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Đoàn Giỏi - Cuộc trùng phùng đầy nước mắt ở đất phương Nam

Đoàn Giỏi - Cuộc trùng phùng 
đầy nước mắt ở đất phương Nam
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn kể lại với tư cách nhân chứng: "Khi xe bắt đầu vào phố Tân Hiệp đông vui, sầm uất, nhà văn Đoàn Giỏi luýnh quýnh, đây là lần đầu tiên ông về thăm quê sau 26 năm xa cách, tất cả những gì đang sống động trước mắt ông, đều đã đổi khác rất xa với những dấu ấn cũ. Xe chạy chậm dọc hết phố Tân Hiệp dài gần hai cây số, ông Đoàn Giỏi càng thêm khó xử. Xe phải đi qua lại ba lần, lúc qua một tiệm ăn lớn bề ngoài trông bình dân nhưng cũng là loại lớn nhất Tân Hiệp, ông Đoàn Giỏi bỗng reo: “Đây, đây…”, giọng ông run run: “Chính đây rồi…”.  Xe vừa đậu, ông Đoàn Giỏi hấp tấp mở cửa xe ra trước. Mấy người phục vụ trong tiệm ăn tưởng khách vào ăn, sốt sắng ra đón. Ông Đoàn Giỏi dường như không chú ý đến ai, cứ xăm xăm đi vào tiệm ăn chật khách, nhìn ngó lung liêng, khi thấy một người đàn ông thấp mập quãng ngoài 50 từ nhà trong bước ra tình cờ (và cũng chú ý tới ông khách lạ tướng mạo “oai phong”), ông Đoàn Giỏi không nói không rằng nhào tới ôm chầm lấy người đàn ông nọ. Người đàn ông sau tích tắc ngỡ ngàng bỗng reo toáng lên: “Cậu Mười…cậu Mười… Bây ơi vô gọi má ra, cậu Mười về…”
CUỘC TRÙNG PHÙNG ĐẦY NƯỚC MẮT Ở ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM
Vào khoảng năm 1980, nhà thơ Hoài Vũ khi đó phụ trách cơ quan thường trú tuần báo Văn Nghệ - Hội nhà Văn Việt Nam, có nhờ tôi lái xe đưa đoàn của Hội Nhà Văn gồm các anh Đoàn Giỏi, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Kiên đi các tỉnh Miền Tây. Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết mặt nhà văn Đoàn Giỏi, tác giả đất rừng Phương Nam, tôi đã đọc và thích từ hồi còn bé.

Chương trình đi của đoàn chủ yếu là gặp gỡ và làm việc với Hội Văn Nghệ của một số tỉnh đã được anh Hoài Vũ phổ biến trước, nhưng khi xe vừa qua thị xã Tân An, ông Đoàn Giỏi đang vui chuyện bỗng im lặng một cách bất thường, sau đó ông  Nguyễn Văn Bổng bảo tôi:
- Lát nữa qua Tân Hiệp, Tuân cho xe ghé vô một chút.
- Để làm gì hả anh? Tôi hỏi.
- Quê anh Đoàn Giỏi ở đó. Ông Bổng nói.
Nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy mặt ông Đoàn Giỏi, khuôn mặt đầy đặn sớm già của một bậc “ông” đã ở tuổi sáu mươi, hồi hộp như…trẻ con.
Khi xe bắt đầu vào phố Tân Hiệp đông vui, sầm uất, nhà văn Đoàn Giỏi luýnh quýnh, đây là lần đầu tiên ông về thăm quê sau 26 năm xa cách, tất cả những gì đang sống động trước mắt ông, đều đã đổi khác rất xa với những dấu ấn cũ. Xe chạy chậm dọc hết phố Tân Hiệp dài gần hai cây số, ông Đoàn Giỏi càng thêm khó xử. Xe phải đi qua lại ba lần, lúc qua một tiệm ăn lớn bề ngoài trông bình dân nhưng cũng là loại lớn nhất Tân Hiệp, ông Đoàn Giỏi bỗng reo:
- Đây, đây…giọng ông run run: chính đây rồi…
Xe vừa đậu, ông Đoàn Giỏi hấp tấp mở cửa xe ra trước. Mấy người phục vụ trong tiệm ăn tưởng khách vào ăn, sốt sắng ra đón. Ông Đoàn Giỏi dường như không chú ý đến ai, cứ xăm xăm đi vào tiệm ăn chật khách, nhìn ngó lung liêng, khi thấy một người đàn ông thấp mập quãng ngoài 50 từ nhà trong bước ra tình cờ (và cũng chú ý tới ông khách lạ tướng mạo “oai phong”), ông Đoàn Giỏi không nói không rằng nhào tới ôm chầm lấy người đàn ông nọ. Người đàn ông sau tích tắc ngỡ ngàng bỗng reo toáng lên
- Cậu Mười…cậu Mười… Bây ơi vô gọi má ra, cậu Mười về.
Trong tích tắc, tiệm ăn nhồn nhộn cả lên vì tin “cậu Mười” về. Chủ tiệm là ông Ba (xin lỗi nếu tôi nhớ nhầm tên) gọi mẹ, vợ và anh em, con cháu cả đoàn mấy chục người ra chào nhà văn Đoàn Giỏi. Và đối với họ, “cậu Mười” là vô giá… Tôi nhìn cảnh tíu tít của gia đình ông Ba quanh “cậu Mười” mà cũng cười theo, khóc theo.
Tất cả phố Tân Hiệp đều đã đổi thay theo thời gian và biến động xã hội, chỉ riêng khu nhà ngói rộng mênh mông của gia đình ông Đoàn Giỏi vẫn y nguyên như xưa, như mấy chục năm về trước, trong rêu phong hiu quạnh. Khu nhà như một ngôi chùa vắng chỉ có một bà dì tóc bạc phơ trông coi. Tất cả cùng nguyên vẹn, cùng cố gượng, bất biến với thời gian như chỉ chờ người thừa kế duy nhất: Cậu Mười về, rồi sau đó sụp đổ, rồi sau đó tan vào cát bụi.
Nhà văn Đoàn Giỏi đưa chúng tôi đi khắp chỗ trong nhà, nước mắt ròng ròng, vừa kể những kỷ niệm…Ông cứ như người tâm thần giữa nơi sinh ra ông và gắn bó một thời. thời ấu. Theo như những người của gia đình ông Ba kể lại, ngôi nhà này thuộc loại lớn và đẹp nhất của Tân Hiệp, gia đình ông Đoàn Giỏi cũng thuộc loại giàu nhất Tân Hiệp này…Và thời đó, ông Ba chính là người ở tâm phúc chuyên hầu hạ cậu Mười.
Chúng tôi buộc phải bỏ chương trình đi tiếp để ở lại ăn trưa nhà ông Ba. Bữa “ăn trưa” kéo dài tới sáu giờ tối như không khí của hội tiệc, vì gần như tất cả đại diện các gia đình gốc Tân Hiệp, những ông già bà cả và con cháu, những người từng biết hoặc nghe biết cậu Mười đều có mặt. Rượu uống tràn ly. Và tất cả cùng say. Ai nấy đều chúc tụng cậu Mười và kêu gọi ông trở về quê sống với bà con. Nhà vẫn còn, vườn vẫn còn…
Chúng tôi rời Tân Hiệp đi Cần Thơ khi trời đã tối sập. Tối hôm đó chúng tôi nghỉ ở khách sạn Long Xuyên, nhân lúc đứng riêng với nhà văn Đoàn Giỏi, tôi hỏi ông:
- Anh có tiếc thời vàng son…giàu có?
Ông vẫn còn ngà ngà say trong men rượu:
- Nếu có gì đáng tiếc, tôi chỉ tiếc mình đã không viết được nhiều và viết những tác phẩm xứng đáng cho quê mình.
- Anh có tính về quê ở hẳn không?
- Không. Ông nói dứt khoát và tâm sự: nói rằng không có suy nghĩ về quá khứ cũng không đúng hẳn, nhưng những gì thuộc về quá khứ hay để nó sống trong kỷ niệm. Dẫu mình có muốn thay đổi thì lịch sử cũng không lặp lại.
Nhà văn Đoàn Giỏi sau này qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh trong cảnh nghèo. Ông là một trong những nhà văn Nam Bộ nhiều tính cách con người Nam Bộ nhất mà tôi không thể nào quên.
NGUYỄN MẠNH TUẤN
Nguồn: Lethieunhon.com
Theo http://www.bichkhe.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...