Bốn mùa thay đổi muôn vật chuyển xoay, theo quan niệm người đời
thì mỗi lần Đông tàn Xuân đến trong lòng rộn rã lo mừng Xuân đón Xuân. Rồi bao
nhiêu tục lệ từ xưa truyền lại, nào là đưa ông táo, thiệp chúc Xuân, dựng nêu,
rước ông bà, chúc Tết, lì xì v.v... Bước vào cửa Thiền, xem thử các tăng sĩ có
quan niệm gì về ngày Xuân? Đây chúng ta hãy nghe Sơ tổ phái Trúc Lâm Yên Tử, Điều
Ngự Giác Hoàng, nói về Xuân:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất Xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng
Dịch:
Thuở bé chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.
Chúa Xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường Thiền ngắm cánh hồng.
Lúc còn thiếu niên ở trong ngôi vị sang cả của một ông Hoàng,
chưa thấm nhuần mùi đạo lý, mỗi lần Xuân về trăm hoa đua nở trong vườn ngự, làm
sao Ngài không lòa mắt trước những màu sắc lung linh, không bâng khuâng qua những
làn hương ngào ngạt. Sắc hương hương sắc quyện cả tâm hồn của ông Hoàng trẻ tuổi.
Thế rồi bao nhiêu tâm sự đều gởi gắm vào trăm hoa. Nhưng khi tìm thấy được đạo,
cổi bỏ mọi danh vọng tài sắc ở thế gian, cạo tóc mặc áo nhuộm, Ngài bước chân
vào cửa Thiền. Gia công tu tập Ngài đã khám phá được chân lý của vũ trụ, thấy
được mặt thật xưa nay của chính mình. Bây giờ Ngài không còn bị sắc hương lôi
cuốn, tâm hồn lóng trong tự tại, ngồi lặng lẽ trên giường Thiền nhìn chúng nở
tàn một cách an nhiên. Từ đây hoa nở hoa tàn không còn là một hình ảnh khiến tâm
hồn người tăng sĩ phải vui buồn theo nó. Dòng thời gian cuồn cuộn trôi, hiện tượng
trong không gian luôn luôn chuyển mình sanh diệt, song dưới con mắt một Thiền
sư đạt đạo vẫn thấy có một cái gì hiện hữu thoát ngoài luật sanh diệt của thời
gian không? Chúng ta hãy nghe lời nhắn nhủ của Thiền sư Giác Hải, một Thiền sư ở
đời Lý, cũng nói về Xuân:
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì
Dịch:
Xuân về hoa bướm gặp nhau đây,
Hoa bướm phải cần hợp lúc này,
Hoa bướm xưa nay đều là huyễn,
Giữ tâm bền chặt bướm hoa thây.
Con người và muôn vật đều bị cuốn phăng theo dòng thời gian bất
tận. Sự chết sống sanh diệt của người và vật đều ứng hợp theo thời tiết. Hoa nở,
bướm lượn tìm hương đều lệ thuộc hẳn vào mùa Xuân. Nếu chúng ta cứ bám víu vào
bản thân vào ngoại cảnh thì ôi thôi! Dòng luân hồi sanh tử lôi cuốn chúng ta
không biết đến đâu cho cùng. Chúng ta phải gan dạ nhìn thẳng vào lẽ thật của bản
thân của ngoại cảnh, mới thấy chúng là tướng trạng tạm bợ vô thường, là giả
hình bởi nhân duyên chung hợp. Quả thật là huyễn hóa không có một tí gì chắc thật.
Chỉ chân tâm của chính mình, mới là cái chân thật bất sanh bất diệt, mà lâu nay
chúng ta đã lững quên. Giờ đây, chúng ta phải quả quyết sống thật với nó, không
một phút giây nào lơi lỏng. Ấy là chúng ta đặt chân trên đường giải thoát, cổi
bỏ sợi dây sanh tử luân hồi. Đây là lời nhắn nhủ của Thiền sư Giác Hải bảo
chúng ta phải “hướng tâm trì”. Lại một hình ảnh xinh đẹp lạ thường của một mùa
Xuân bất tận, do Thiền sư Chân Không đáp lời hỏi của một thiền khách:
Xuân đến Xuân đi ngỡ Xuân hết,
Hoa nở hoa tàn chỉ là Xuân.
Nhìn thời gian sanh diệt, con người mãi lo âu và tiếc nuối.
Thấy Xuân đến lại nghĩ đến Xuân đi, rồi e sợ sẽ bơ vơ không còn tìm thấy mùa
Xuân đâu nữa. Tâm trạng khát khao lo sợ ấy dồn dập nung nấu con người. Khiến họ
khô héo chết mòn và hơ hải phập phồng cho một ngày mai. Ngày mai họ không còn
biết nó ra sao mời mịt tối tăm. Nhưng với Thiền sư, hôm nay và ngày mai đều là
vô nghĩa, chúng chỉ là những chiếc áo cũ mới thay đổi trên một thân người.
Nhưng đứa bé khi mặc một chiếc áo cũ thì xịu mặt xuống, được quàng chiếc áo mới
thì hí hửng lên. Đấy là chúng quên mình mà chỉ nhớ chiếc áo. Nếu khi chúng chỉ
một bề vui buồn theo chiếc áo. Với người lớn ắt không như thế, vì tự biết đời
mình đã đổi thay biết bao nhiêu lần chiếc áo. Khi thấy được lẽ thật, người ta sẽ
không còn bận rộn trong hình tướng giả dối ấy nữa. Vì thế Thiền sư Chân Không
đã kết luận cho chúng ta thấy bằng câu: “Hoa nở hoa tàn chỉ là Xuân.” Ấy là cái
đạo miên viễn vậy.
Bước sang những Thiền sư Trung Hoa, xem quan niệm các Ngài có
gì khác lạ. Đây chúng ta hãy nghe Thiền sư Cao Phong Diệu ngâm nga bốn câu thơ,
trước đại chúng trong ngày Tết Nguyên Đán
Bách niên nan ngộ tuế triều Xuân
Xá nữ sơ trang việt dạng tân
Duy hữu Đông thôn vương đại tả
Y tiền mãn diện thị ai trần
Dịch:
Trăm năm khó gặp một ngày Xuân,
Trang điểm cô em vui vẻ mừng,
Chỉ một làng Đông riêng chị ả,
Như xưa trên mặt phủ bụi hồng.
Mùa Xuân là mùa khí hậu ôn hòa ấm áp. Mỗi lần Xuân về trên
ngàn cây muôn cỏ đều khoác vào mình một chiếc áo mới. Sự điểm trang của cảnh vật
nhịp nhàng với sự điểm trang của con người. Những đứa bé gái nào là áo tím quần
hồng, lược cài trâm giắt, lũ lượt kéo đi thăm viếng chúc tụng nhau. Thật là một
cảnh nhộn nhịp xinh tươi của một ngày Xuân. Nhưng trong khi con người và vạn vật
đang phô diễn sắc hương, đang tưng bừng chúc tụng, thì bên làng Đông một chị
nàng đứng tuổi, vẫn trang nghiêm như tượng nữ thần, vẫn im lìm như hình thạch nữ
để mặc cho sương pha bụi phủ, không hề vướng chút đổi thay. Gương mặt của cô ta
vẫn bình thản an nhiên như tự thuở nào. Đây là một xảo thuật của Thiền sư khéo
trình bày cho chúng ta thấy, bên hình ảnh biến ảo đổi thay, lại có một cái thâm
trầm bất sanh bất diệt. Đến Thiền sư Tiếu Ẩn Hân, chúng ta sẽ thấy một hình ảnh
sáng rỡ ẩn trong hiện tượng mịt mù, diệu lý bất sanh bất diệt nằm gọn trong cảnh
vật sôi động sanh diệt. Hãy nghe Ngài ngâm bài kệ này trong dịp Xuân về:
Vạn tượng sum la bát nhã quang
Dẫn khứ lai cơ siêu đương niệm
Vô âm dương điạ lý toàn chương
Mộc kê báo hiểu đề thâm hạng
Thạch nữ nghinh Xuân xuất động phòng
Cộng hỷ long hồ đa đoan khí
Thiền phong thời tống ngự lê hương
Dịch:
Kim cang chánh thể hiện rỡ ràng
Cảnh vật muôn vàn bát nhã quang
Bặt lối lại qua đương niệm thoát
Âm dương đất trống lý toàn bày
Gáy sáng gà cây trong nẻo vắng
Mừng Xuân gái đá ra động phòng
Đáy hồ rồng vẫy vui vô hạn
Đưa tiễn gió Xuân một lò trầm
Trong muôn ngàn cảnh vật đã chứa sẵn thể Kim Cang Bát nhã rực
rỡ, chỉ cần dứt sạch mối manh lại qua sanh diệt thì chánh niệm hiện tiền vượt
ngoài mọi đối đãi. Chính chỗ âm dương chưa phân kia, là chân lý hiện bày. Đẹp đẽ
thay trên cảnh tượng ồn náo biến động đã ngầm chứa một cái bất động, như gà gỗ
gáy sáng, gái đá mừng Xuân. Rồng nhả hơi trên mặt hồ trong lặng để cùng tiếp
đón một mùa Xuân. Lò trầm phun khói quyện theo mây gió làm cuộc tiễn đưa người
khách Xuân vừa đến cửa. Thật là ảo ảnh lồng trong chân thường, chân thường hiện
bày trong ảo ảnh. Khiến chúng ta không còn lầm lẫn tìm kiếm chân lý ngoài sự vật
vô thường, không lầm bỏ vọng tưởng mà lấy chân như. Đó là quan niệm chân chánh
của Thiền sư nhìn vào cuộc đời vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét