Tự nhiên những ngày tháng 10 (Âm lịch) tôi lại hãy nghĩ về
thôn quê, về cánh đồng, về vụ gặt. “Bao giờ cho đến tháng mười” với bao phấp phỏng
ngóng chờ, nhuốm bao nỗi niềm thân phận. Đó là lúc tiết trời hơi se se lạnh,
đông thì chưa tới, thu lại chưa qua. Thi thoảng có lúc phía bắc tràn về những
cơn gió lạnh. Và bếp củi bập bùng thôn dã đã được nhóm lên. Những gộc tre đánh
nỏ phơi khô cháy đượm. Cây tre làng dẻo dai, vít võng “có manh áo cộc tre nhường
cho con” (Nguyễn Duy). Mẹ tôi vẫn có thói quen vo gạo bằng cái rá đan bằng tre,
dần sàng, thúng mủng bằng tre. Mặc dù bây giờ đồ nhựa nhiều, lắm sắc màu lại rẻ.
Nhưng mẹ bảo: Hạt gạo vo bằng rá tre ăn thơm hơn, bùi hơn vì có cả vị tre, vị
quê thấm vào. Rồi mẹ lại bảo: Đồ nhựa là đồ tái sinh, nhuộm phẩm hóa học đó con
ạ. Tái sinh thì làm gì mà sạch được. Gần đây quê tôi cái chữ “sạch” được trân
trọng nâng niu. Rau sạch cho bữa cơm sau vụ gặt khi những giọt mồ hôi sạch giọt
giọt xuống dòng sông, bến quê gội đi những lấm láp ngày thường. Rồi giếng làng sạch
trong veo nhìn thấy đáy, vách giếng là những tảng đá ong mòn rêu - thứ rêu hút ẩm,
hút cặn, gạn đục khơi trong trả lại nguồn mạch ngọt lịm.
Thương nhớ đồng quê - tôi nhớ về cái chợ quê họp ở cuối làng.
Ở đó bán tất cả những sản vật do dân làng làm ra còn tươi roi rói. Mớ tép còn
liu riu nhảy, quả bầu mới cắt xuống từ giàn còn căng ứa nhựa. Gạo thơm mới giả
xong chảy rì rào giữa ngón tay người vốc lên, thả ra mịn màng tăm tắp. Hoa quả
chín nức vườn, vỏ xù xì thô rám nhưng lại chín ủ, chín rấm bởi tình người, bởi
thời gian bởi mạch sống của đất đai đầu rễ. Chầm chậm chín để thoang thoảng
hương và đầm đậm ngọt. Ngọt đầu lưỡi và ngọt thấm cả tấm lòng thơm thảo thuận với
lẽ tự nhiên chứ không phải kiểu chín tức thời, tức tưởi bắt mắt của hóa chất của
sự thúc đẩy thực dựng. Chợ quê bán một chào mười. Ăn một miếng trầu đầm đậm
chút vôi xua đi cái lạnh giá để rì rầm bao chuyện làng thôn trên, xóm dưới. Âu,
cũng là nhu cầu giao tiếp để được đong đầy chia sẻ hơn là mặc cả bán mua.
Muốn biết văn hóa làng ra chợ sẽ thấy: đặc sản ẩm thực của vùng quê cũng đơn giản, không cầu kỳ chứa bao nỗi phập phồng như bánh đa quê nhân vừng phải được nướng bằng củi than mới lách tách nổ, mới có vị bùi của “hạt gạo làng ta” Cũng gạo thôi mà làm ra bao thứ quà, thứ bánh. Nhưng tất cả rồi cũng quay về hơi ấm của lửa. Có lửa mới chín, có lửa mới nồng nàn và lan tỏa. Không hiểu sao lũ trẻ con làng quê rất thích vị nướng. Nướng trên đồng, khói thổi phù phù xúm xuýt quanh nhau.
Nướng bằng lửa rơm, những sợi rơm đã tuốt đi bao hạt vàng hạt ngọc, giờ
cho đám trẻ hơi lửa để làm chín con cá quả cắm một đầu vào cành tre tươi, thân
cá nứt ra, thịt cá trắng bóc và thơm ngậy - thơm cả làn gió đồng để khi đánh
trâu về tóc đứa nào cũng tỏa sệt mùi cá, mùi khói rơm rạ để tối lại ủ vào chăn
lại mơ giấc mơ đồng ruộng.
Muốn biết văn hóa làng ra chợ sẽ thấy: đặc sản ẩm thực của vùng quê cũng đơn giản, không cầu kỳ chứa bao nỗi phập phồng như bánh đa quê nhân vừng phải được nướng bằng củi than mới lách tách nổ, mới có vị bùi của “hạt gạo làng ta” Cũng gạo thôi mà làm ra bao thứ quà, thứ bánh. Nhưng tất cả rồi cũng quay về hơi ấm của lửa. Có lửa mới chín, có lửa mới nồng nàn và lan tỏa. Không hiểu sao lũ trẻ con làng quê rất thích vị nướng. Nướng trên đồng, khói thổi phù phù xúm xuýt quanh nhau.
Thương nhớ đồng quê - gặt xong mẹ lại thong thả lên chùa, lại
áo nâu sồng tay lần tràng hạt. Mẹ thả hồn phiêu diêu với tiếng mõ tụng
kinh với khói hương trầm thơm thoảng, với hoa huệ trắng thơm lặng. Chùa làng là
nơi cất giữ và siêu thoát cõi tâm linh, cõi người như thế cân bằng lại những ồn
ào vội vã của cuộc sống thường nhật ngoài kia. Nhưng lạ thay lại có một ngoài
kia nữa mở ra cánh đồng, con sông, bến ước... thì ra thiên nhiên chính là người
mẹ vĩ đại kiến tạo lên tất cả. Thương nhớ đồng quê - Tôi tìm lại chính
mình...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét