Cơn mưa ánh sáng trong thơ Lê Ngân Hằng
của Lê Ngân
Hằng, Nxb Hội Nhà văn, 2006)
Nhà thơ Lê Ngân Hằng đã xuất bản ba tập thơ: “Xe chở mùa”
(Nxb Hội Nhà văn, 2003), “Orient - Trên những vòm cây” (Nxb Hội Nhà văn, 2006),
“Harvest - mùa màng đọc lại nỗi đau” (Nxb Hội Nhà văn, 2013). Theo đánh giá của
tôi, nếu tập thơ “Xe chở mùa” tựa những đốm lửa được nhà thơ thắp lên để nhận
biết hướng đi, thì tập thơ “Orient - Trên những vòm cây” chính là chùm ánh sáng
của những ý tưởng mới lạ và cảm xúc mạnh mẽ, tạo những đột phá trong thi pháp,
đặc biệt là ngôn ngữ thơ. Trong bài viết này, tôi tập trung khảo sát tập thơ thứ
hai của chị. Chính tập thơ này đã hội tụ khá tập trung phong cách thơ Lê Ngân Hằng.
Có thể gọi tập thơ “Orient - Trên những vòm cây” của nhà thơ
Lê Ngân Hằng là một trường ca hiện đại, một giao hưởng thơ. Tập thơ được cấu
trúc gồm bốn phần.
Phần 1: từ một đến chín (Trong mắt côn trùng).
Phần 2: từ mười ba đến hai mươi (Nơi yên nghỉ và đàn bò).
Phần 3: Người đàn bà (Nhịp tiếng rên và những vòng tròn).
Phần 4: “Trên những vòm cây” (Nơi họ chỉ là một).
Cấu trúc này thể hiện trọn vẹn một hành trình, ra đi rồi trở về, đồng nghĩa với rũ bỏ - chết đi - phục sinh trong một thân xác mới, thắp lên ánh sáng mới. Từ phần 1 đến phần 3 gồm 30 đoạn thơ được đánh số. Dưới mỗi số thứ tự, tác giả có đặt tên cho từng đoạn thơ. Ví dụ: 13 (cánh); 14 (thừa); 15 (và)… Riêng phần 4 có 10 đoạn thơ, được đánh số từ 1 đến 10 như biểu đạt một thời kỳ mới, riêng biệt để đi đến kết thúc tác phẩm. Kết thúc phần 1 có ba đoạn thơ đứng độc lập kết hợp với những bức tranh phác chì của họa sỹ Lê Thiết Cương để gợi ấn tượng thị giác. Ví dụ đoạn số 11 khói (chữ khói không để trong dấu ngoặc đơn). Trong nội dung đoạn thơ này chỉ có duy nhất một cụm ký tự (…tỏa… !!!). Họa sỹ Lê Thiết Cương đã dành thời gian thiết kế công phu chi tiết tập thơ. Hình họa bìa sách, những dòng chữ to nhỏ khác nhau trong nội dung tập thơ, tranh minh họa từng trang… đều được họa sỹ sắp đặt tạo tương phản theo một ý tưởng riêng. Với cấu trúc ấy, văn bản thơ “Orien - Trên những vòm cây” gợi tôi liên tưởng tới con Búp bê Matryoshka (búp bê làm tổ) của Nga với nhiều lớp vỏ bọc đan lồng vào nhau, rồi được lần lượt mở ra theo từng phần, từng đoạn thơ. Dựa vào cấu trúc nội dung và cách thiết kế tập thơ, tôi sẽ khảo sát theo trình tự thời gian và tuyến tính chuyển dịch hình ảnh trong đó để minh định rõ hơn những ý tưởng mà nhà thơ Lê Ngân Hằng đã gửi vào tác phẩm.
Phần 1: từ một đến chín (Trong mắt côn trùng).
Phần 2: từ mười ba đến hai mươi (Nơi yên nghỉ và đàn bò).
Phần 3: Người đàn bà (Nhịp tiếng rên và những vòng tròn).
Phần 4: “Trên những vòm cây” (Nơi họ chỉ là một).
Cấu trúc này thể hiện trọn vẹn một hành trình, ra đi rồi trở về, đồng nghĩa với rũ bỏ - chết đi - phục sinh trong một thân xác mới, thắp lên ánh sáng mới. Từ phần 1 đến phần 3 gồm 30 đoạn thơ được đánh số. Dưới mỗi số thứ tự, tác giả có đặt tên cho từng đoạn thơ. Ví dụ: 13 (cánh); 14 (thừa); 15 (và)… Riêng phần 4 có 10 đoạn thơ, được đánh số từ 1 đến 10 như biểu đạt một thời kỳ mới, riêng biệt để đi đến kết thúc tác phẩm. Kết thúc phần 1 có ba đoạn thơ đứng độc lập kết hợp với những bức tranh phác chì của họa sỹ Lê Thiết Cương để gợi ấn tượng thị giác. Ví dụ đoạn số 11 khói (chữ khói không để trong dấu ngoặc đơn). Trong nội dung đoạn thơ này chỉ có duy nhất một cụm ký tự (…tỏa… !!!). Họa sỹ Lê Thiết Cương đã dành thời gian thiết kế công phu chi tiết tập thơ. Hình họa bìa sách, những dòng chữ to nhỏ khác nhau trong nội dung tập thơ, tranh minh họa từng trang… đều được họa sỹ sắp đặt tạo tương phản theo một ý tưởng riêng. Với cấu trúc ấy, văn bản thơ “Orien - Trên những vòm cây” gợi tôi liên tưởng tới con Búp bê Matryoshka (búp bê làm tổ) của Nga với nhiều lớp vỏ bọc đan lồng vào nhau, rồi được lần lượt mở ra theo từng phần, từng đoạn thơ. Dựa vào cấu trúc nội dung và cách thiết kế tập thơ, tôi sẽ khảo sát theo trình tự thời gian và tuyến tính chuyển dịch hình ảnh trong đó để minh định rõ hơn những ý tưởng mà nhà thơ Lê Ngân Hằng đã gửi vào tác phẩm.
Cảm nhận trực khởi của tôi khi đọc “Orient - Trên những vòm
cây” là mọi chuyển dịch trong đó đều phát ra ánh sáng. Ngay từ phần mở đầu tập
thơ, tác giả đã tạo cảm giác mạnh và lạ để hút người đọc vào những vòng xoáy bất
tận của những hình ảnh bất ngờ xuất hiện và chuyển động nhanh. Như vì sao, mắt
côn trùng, lá khô, chân hương cháy dở, ngọn thủy triều… Nơi những người
đàn bà ẩn dấu hương thơm/ Nơi người đàn ông chọn mùa hít thở (phần 1, đoạn
2). Trong tập thơ của Lê Ngân Hằng thường xuất hiện hình ảnh chủ đạo cùng những
hình ảnh phụ họa. Những hình ảnh chủ đạo chuyển động độc lập trong một từ trường
cảm xúc mạnh và nhất quán. Tôi cảm giác chúng ngụt cháy tựa những ngọn đuốc và
di chuyển giữa những hình ảnh phụ, như vô vàn ngọn nến nhỏ vừa được thắp sáng: Đêm
tối. Hoang mang. Mù lòa. Sợ hãi/ Quyết liệt. Nồng nàn. Khoái cảm. Hiến dâng. Tất
thảy (phần 3, đoạn 30). Trong không gian thơ Lê Ngân Hằng, tôi được thưởng
thức, chiêm nghiệm và hân hoan giữa một thi giới trong suốt và rực rỡ. Ánh sáng
đan lồng vào ánh sáng. Lúc lan tỏa nhu hòa, lúc đơn độc nhấp nháy, lúc rực rỡ
chói gắt… Tất cả đồng hiện làm nên một trận mưa ánh sáng trong “Orient - Trên
những vòm cây”.
Xuất hiện xuyên suốt tập thơ là nhân vật “Nàng” - cái “Tôi”
trữ tình - độc thoại. Nhân vật này luôn ẩn hiện, lúc tra vấn, lúc độc thoại, và
phát ra tín hiệu ánh sáng. Hãy nghe nhân vật “Nàng” xưng danh cùng bạn đọc: Bên
sông Ngân hằng đêm/ Đang bay lượn những linh hồn phiêu dạt/ Sống mà không cần
hình hài trọng lượng/ Đã nhận lấy số phận. Đây nữa là mục sinh quán, trú
quán trong “bản trích ngang” của chị: Vòng tay đất nâu những thứ quả cây
những hương thơm mùa những ngọn gió mùa/ tha hương da diết (phần 1, đoạn
1). Ngay tại đoạn 2 của phần 1, thơ Lê Ngân Hằng mở ra trước mắt bạn đọc một đời
sống khác lạ. Cái khác gây ấn tượng ở đây là điểm nhìn của nhà thơ “Nơi mọi thứ
bắt đầu kết thúc”. Từ đây, ánh sáng mở ra chậm rãi và tự tin như những cánh
hoa, như vệt sáng của con đom đóm trong đêm tối. Lần theo từng câu thơ, tôi cảm
nhận những đốm sáng riêng lẻ kia đang tụ lại cho chúng ta nhận biết hướng của
con đường phía trước: Trên đôi cánh côn trùng yếu ớt/ Trên cặp mắt côn
trùng lóe sáng/ Trên thân thể côn trùng trần trụi/ Co duỗi chuyển động/ Những
chuỗi chân bò đi rất chậm (3 - nó). Nhà thơ Lê Ngân Hằng đã khai mở
“Orient - Trên những vòm cây” bằng nghi lễ trang nghiêm và thành kính. Đoạn thơ
sau đây cho tôi liên tưởng tới vị thầy cả đang chầm chậm đặt tay lên cuốn kinh
thánh và bắt đầu cầu nguyện. Vị thầy cả-nhà thơ ấy đang thành tâm nhìn vào khoảng
không trước mặt, khấn nguyện bằng những giấc mơ thi sỹ của mình: Mơ! Đôi mắt
của côn trùng/ Rong chơi trong thế giới này/ Mơ! Thân xác của côn trùng/ đang
run rẩy dưới làn mưa ấm/ Mơ! Chân côn trùng chuyển động (3 - nó).
Rời không gian của thầy cả nhà thơ, tôi trở lại ranh giới
“Nơi mọi thứ bắt đầu kết thúc” để cảm nhận đầy đủ sự dồn nén, hội tụ cho cơn
mưa ánh sáng sắp vỡ òa. Trong đoạn 4 (trốn) của tập thơ, tôi được hình dung
nhân vật “Nàng” đang cùng vạn vật nén căng thành chiếc lò xo lớn, thành đám mây
khổng lồ chờ thời điểm bật dậy, bung mở, phân rã… Nỗi cô đơn của “Nàng” ở đây
không cô lẻ mà lan rộng, như chìm sâu xuống đáy của sự chờ đợi: Úp mặt
trong bóng tối tăm trong ngàn vạn lá xanh trong nắng chiều tà trong những cơn
mưa ngọt ngào, trong sự thức… Trong kìm nén tột cùng để được im lặng, Lê Ngân Hằng
luôn lắng nghe và cảm nhận mọi chuyển động bất tận của đời sống, cũng chính là
sự chuyển dịch tâm sinh lý, trạng thái của chị tìm về cõi lạ: Trong khi
đám lá cây nhảy múa/ Trong khi chồi hân hoan hé nở, những lá khô lặng lẽ về cội/
Trong khi những dòng sông ngầu đỏ/ Trong khi lời thì thầm đứt quãng/ Trong khi
vết thương nhức nhối/ Trong khi sự ghen tuông bùng phát/ Trong khi giấc mơ tắt
lịm. Tôi hình dung hình ảnh trong thế giới thơ Lê Ngân Hằng tại thời điểm này
giống như hình họa của những bức tranh trừu tượng. Họa sĩ không vẽ những
hình ảnh được trông thấy mà thể hiện những gì cảm thấy, được gợi ra.
Những hình ảnh quen thuộc đều bị bóp méo, uốn cong. Như nong kén, khung cửi,
con bướm, cây chuối, cái bánh đa, con mèo, tôm cá, con chữ, đàn kiến, hạt vừng
đen, gốc cây, ngõ nhỏ, bức tường, rêu, bàn ghế… Tất cả như đang căng tràn dãn nở
chờ đợi giờ phút được bùng nổ: Thúng mủng nong nia dần sàng… chum vại và…
cái giếng nước/ Há cái miệng tròn của chúng nói một điều gì đó về thôn quê (6 - vườn).
“Nàng” trong “Orient - Trên những vòm cây” đã hóa thân thành
mùa màng, cây cối xanh tốt, thành lũ bướm đập cánh, thành chim cất tiếng hót.
“Nàng” đã “tắm đẫm nỗi cô đơn trong mùa hạ” và ngủ quên: chỉ thức dậy trên
những ngọn cây khi mùa xuân đến/ … Đợi chờ cơn rạo rực nhú lên mùa trăng mới bắt
đầu (4 - trốn). Và, “Nàng” đã tự ví mình như con sâu di chuyển trong một
khu vườn. Khái niệm “tha hương” của loài sâu trong con mắt nhà thơ là rời khỏi
cái cây nó vừa trú ngụ. Lê Ngân Hằng hé lộ một phần bí mật của khu vườn ấy
trong câu thơ: Một hôm nàng thả mình rơi xuống đất mà chẳng ai biết lý do
thực sự (5 - miền).
Cũng từ thời điểm này, những hạt mưa ánh sáng chính thức được
“khai hỏa”. Mưa bắt đầu rơi lác đác từ đoạn thơ số 13 (cánh) khi “Nàng đã nhón
gót rời đi”. Rồi dồn dập, những câu thơ như nhịp thở gấp gáp sau đây cho tôi
liên tưởng tới tâm trạng của người mẹ lúc lâm bồn, hay hình ảnh con chim non lần
đầu run rẩy đứng lên thành tổ: Đầu tiên là linh cảm bắn ra những mũi tên
điện bủa vây mọi phía/ Tiếp đó là sự mơ hồ run rẩy/ Tiếp đó là sự ngạt thở cuống
quýt/ Tiếp đó là sự mù màu bởi luồng ánh sáng trở nên chói lòa rực rỡ…
Cơn mưa ánh sáng trong thơ Lê Ngân Hằng hiển lộ hình ảnh một
người đàn bà trong quyền thiêng làm mẹ, trong bổn phận làm vợ, làm người tình với
đầy ắp những âu lo, khắc khoải về hạnh phúc, khổ đau nhưng tuyệt đẹp và sáng rỡ.
Những câu thơ giàu linh cảm và tơ mảnh sau đây tái hiện đầy đủ vẻ đẹp linh ẩn
và rất đáng yêu của đời sống này: Không rung chuyển được/ Đôi cánh quá
trong mỏng của nàng/ Im lặng ngắn ngủi(15 – và).
Từ đoạn thơ thứ 19 (thế), thơ Lê Ngân Hằng như cơn mưa rào xối
xả trút “ánh sáng” xuống mặt đất. Khi “loài côn trùng thức dậy tấu bản nhạc
hành khúc không có đoạn kết”, thì những “hạt mưa chữ” trong “Orient - Trên những
vòm cây” ào ạt rơi xuống thắp sáng cả không gian mà trước đó còn u uẩn, mù mịt: Nơi
chiếc giường chỉ là vật dụng chứng kiến bóng đêm. Đã nhớ nhung. Đã tình tự. Đã
đắm mê. Đã đau. Đã khóc. Đã gục ngã. Đã khao khát. Đã đợi chờ. Đã hiến dâng. Đã
reo ca. Đã tìm. Đã đến. Đã từ biệt… (19 - thế); Những chân hương đã cháy đến
cùng mùi hương/… Rồi tất thảy tan biến vào yên tĩnh vòm cây đồng cỏ (20 - hương).
Hình ảnh người phụ nữ được nhà thơ khắc họa rõ nét nhất trong
phần 3 “Người đàn bà - Nhịp tiếng rên và những vòng tròn”. Người đàn bà trong
“Orient - Trên những vòm cây” là biểu tượng của lòng nhân ái, vị tha và cũng là
sức mạnh cứu rỗi mọi mất mát khổ đau trên thế gian. “Người đàn bà” trong thơ Lê
Ngân Hằng mang nội hàm của Đạo Mẫu, một tín ngưỡng bản địa thịnh hành ở vùng
châu thổ sông Hồng. Đây là tín ngưỡng dân gian vừa linh thiêng vừa dân giã.
Trong đoạn thơ thứ 21 (từ đoạn thơ này đến hết tập thơ tác giả không đặt tên),
những câu thơ có nhịp điệu gấp gáp quyến rũ và tuôn chảy, cho tôi liên tưởng tới
những câu Hát Văn (Chầu Văn, hay gọi Hát Bóng) trong nghi lễ hầu đồng ở các đền
Mẫu. Để tạo cảm giác mê hoặc dìu dặt đưa người đọc vào trạng thái mông lung,
huyền ảo, phải chăng nhà thơ đã vận dụng nghệ thuật dồn phách, đảo phách của
Hát Văn để thay đổi nhịp điệu những câu thơ sau: Nghe trong mình/ Người
đàn bà từng nhịp tiếng rên/ khát/ hạn hán/ nứt nẻ/ Xác xơ/ rời rã/ hoang thẳm/
buồn/ dốc thở/ đê mê/ cơn đau phù sa phù sa/ đôi bờ sông trào dâng ngầu đỏ/ đỡ
những con cá ngày sinh nở.
Khi được hỏi về thông điệp mà nhà thơ định gửi tới bạn đọc
thông qua “Orient - Trên những vòm cây”, nhà thơ Lê Ngân Hằng đã tâm sự: “Người
phụ nữ luôn rơi vào những mâu thuẫn, ràng buộc giữa thể xác và linh hồn, nguy
cơ bị tước đoạt dần cảm xúc trong xã hội thực dụng hiện đại là rất lớn. Giờ
đây, họ chịu nhiều áp lực hơn, nhiều biến động tinh thần hơn. Điều này xảy ra
cùng với đổ vỡ, bế tắc và thất vọng… Do vậy phụ nữ cần tự mình giải phóng về mặt
tinh thần. Chỉ có sự tự do đích thực trong ngõ ngách tinh thần thì người phụ nữ
mới thực sự bay lên và phát triển, mới có thể là chính mình.”(1)
Tôi đã nhận ra đôi cánh tự do bay bổng mang tinh thần giải
phóng trong tập thơ “Orient – Trên những vòm cây” của nhà thơ Lê Ngân Hằng. Bằng
cảm xúc căng tràn phóng dật, kết hợp với nhịp điệu tự do, buông thả, thơ Lê
Ngân Hằng mang đến bạn đọc cảm giác về sự yêu đương, ân ái bất tận như sự gieo
trồng, sinh sôi trên khắp thế gian. Nàng nguyện tìm linh hồn mình ở khắp mọi
nơi/ Đi qua những cây cầu đêm để đến nơi nghi lễ vũ hội nổi loạn yên tĩnh/
Trong cùng sâu âm u hang tối có thể bao bọc tiếng rên đứt quãng của nàng/ Khiến
cho những rãnh sâu hang sinh nở trắng trong vô tận kín đáo/ Khiến eo hông bờ
vai chuyển động nhịp điệu mùa màng phồn thực (đoạn 22).
Cuộc cách mạng giải phóng tính dục và nữ quyền hiện vẫn là vấn
đề được toàn nhân loại quan tâm. Từ năm 1932, Luce Irigaray, nhà nữ quyền đầu
tiên người Bỉ đã kêu gọi giải phóng những xung năng tính dục cho phụ nữ. Nói
khác đi, đó chính là cuộc giải phóng thiên tính nữ trong mỹ học tính dục. Jean
Lacroix (1900 - 1986), một triết gia người Pháp đã nói: “Ở đâu bản năng
nghèo nàn, nhân cách cũng nghèo nàn”.
Bản năng tự nhiên được biểu đạt trong thơ Lê Ngân Hằng mang mỹ
học tính dục có khởi nguyên từ thiên tính nữ. “Chừng nào cuộc đời còn đi lên
thì hạnh phúc và bản năng là đồng nhất” (Friedrich Nietzsche, 1844 – 1900, triết
gia người Đức). Bản năng đã tạo ra hấp lực cho mọi vẻ đẹp, mọi dịch chuyển đến
được đích của ước mơ, chân lý. Vẻ đẹp tính dục trong tập thơ “Orient - Trên những
vòm cây” một lần nữa khẳng định, dục tính là một trong những yếu tố quan trọng
tạo nên nền tảng và bản sắc của tác phẩm văn học. Cùng bầu vú này chàng đã
uống no nê đã run rẩy đã cuống cuồng lục tìm trong cơn đói khát… Tôi đã gặp câu
thơ ấy ẩn hiện trong nhiều trang thơ của Lê Ngân Hằng. Tôi nói ẩn hiện vì họa sỹ
Lê Thiết Cương đã sử dụng những ký tự này làm điểm nhấn trong những bức tranh,
những trang đồ họa của ông. Câu thơ này như những tia chớp, thi thoảng lại bất
ngờ xuất hiện trong cơn mưa ánh sáng của Lê Ngân Hằng. Tính dục thường được ví
như bữa tiệc của hoan lạc và vui thú nơi trần thế. Chiều kích tương giao tính dục
chỉ được hoàn thành trong chiều kích cứu độ. Nói cách khác, tình yêu, niềm ái
ân nam nữ chính là ân sủng của Thượng Đế ban cho con người được tham dự trước
vào cõi Thiên đàng, nơi hoa trái của ơn cứu độ. Theo quan niệm của Thiên Chúa
giáo “Chính trong sự tự do hoàn hảo thấm đậm ân sủng do Bí tích Hôn nhân đem lại,
tương giao tính dục được đưa từ cõi chết bước vào cõi sống, được nếm trước niềm
hoan lạc họ sẽ được tận hưởng đời sau”(2).
Trong phần ba của tập thơ này, nhà thơ Lê Ngân Hằng đã biểu đạt “ơn cứu độ” ấy
bằng bút pháp hiện đại, hậu-hiện-đại. Bản năng dục tính thường được nhà thơ thể
hiện trong cảm xúc chân thành, mãnh liệt. Và đặc biệt, bản năng được đặt trong
không gian thơ tràn đầy ánh sáng nên được người đọc cảm nhận về sự thiêng
liêng, phồn sinh mà không thấy bất kỳ sự dung tục nào: Người đàn bà và nhịp
tiếng rên mạnh hơn kinh nguyện (26). Mối tương giao trong ái ân đưa đến sự
trao hiến vĩnh cửu. Đặc biệt hơn, ngôn từ trong tình yêu và ái ân thường được
Lê Ngân Hằng biểu đạt gợi cảm và ám ảnh, nhằm thống trị ý chí và cảm xúc của bạn
đọc: Nghe trong mình/ Trong tiếng thở thoi thóp của khu vườn trồng một
loài hoa thức xuân đã chết/ Ai? Ai?/ Ai đã vô cảm mang linh hồn rực rỡ ấy đi?
Chôn sống nàng xuống miền đất khác(27).
“Orient - Trên những vòm cây” đưa bạn đọc tới một cõi khác, một
cảnh giới khác. Trước khi vào đoạn kết thứ 30 của phần ba tập thơ, nhà thơ Lê
Ngân Hằng để “cơn mưa ánh sáng” ấy dần tạnh. Chị đã viết về “Một dấu hỏi đề
trên bia mộ chôn cất những dấu hỏi?”: Người đàn bà và nhịp tiếng rên, có
phải nàng không? Tương tự như vậy, nhà thơ truy vấn những hình ảnh chủ đạo
xuất hiện từ đầu tập thơ: từ hơi thở dốc, đê mê, khô cháy, xác xơ, nứt nẻ, bùn,
khói… đến sông, vườn, hương, bão… có phải nàng không? Đến lúc này, tất cả chuyển
dịch đều ngừng lại và kết thúc để hoài thai một sinh linh mới: Tiếng khóc
sẽ cất lên Chữ Cái đầu tiên trong những chữ cái ghép O R I E N T…
Orient là một từ mang nghĩa Đông phương, ám chỉ bất kỳ thứ gì
thuộc về thế giới phương Đông. Orient trong tiếng Anh cũng như Orion trong tiếng
La-tinh đều mang nghĩa "mọc lên" để ám chỉ hướng Đông, hướng mặt trời
mọc. Như vậy, từ “Orient” trong tập thơ của nhà thơ Lê Ngân Hằng lại thêm những
hàm nghĩa khác. Đó là sự phục sinh, sống lại của cái đẹp, của chân lý cứu độ
trong “những vòm cây”. Hình ảnh “những vòm cây” ở đây được hiểu như một thế giới,
một cõi sống, cõi yêu của chị.
Phần 4 của tập thơ mang tên “Trên những vòm cây - Nơi họ chỉ
là một” gồm 10 đoạn thơ. Đây là những khúc vĩ thanh của bản trường ca này. Tôi
không gọi phần 4 này là cơn mưa ánh sáng tiếp theo, mà đây thực sự là một lễ hội
ánh sáng: Trong ánh sáng của ngày sắp rạng đang tuôn chảy mặt trời đầm
đìa/ Trên đỉnh lá lung linh… Trong lễ hội ấy, nhà thơ thắp lên rất nhiều ngọn nến
để cảm nhận và tận hưởng niềm hạnh phúc hân hoan trong thế giới “vòm cây” vừa
được tái sinh: Cơn khóc/ Cơn buồn/ Cơn hứng khởi/ Cơn đau đớn cười nói va
chạm mơ hồ/ Cơn nộ cuồng/ Cơn vẫy vùng/ Cơn giao phối (tác giả in đậm)/ Cơn
rống mùi thân thể/ Cơn thụ trứng/ Cơn sinh sản lửa (tác giả in đậm)/ Bùng
lên mặt đất tù đầy những cái cây vạm vỡ mang chùm rễ lớn… Đọc đến đây, tôi
hình dung một cái cây khổng lồ tỏa sáng đang hiện ra trước mắt mình. Trong đó hội
tụ đầy đủ cung bậc của đời sống: sinh-diệt, sắc-không, nếm trải-cứu độ… Trong
ánh sáng lộng lẫy ấy, bạn đọc được chứng kiến “một cậu bé” trần truồng mang
khuôn mặt “nhân loại lớn” ra đi tìm đến những chân trời khác: Đôi mắt đôi
bàn tay đôi bàn chân dương vật như một loài quả lạ/ sinh ra từ một loài hoa lạ
lúc liểng trên một vòm cây lạ/ lớn chín rụng trong một chuyển động lạ/ lượm hái
bởi một bàn tay lạ/ Trong một mùa lạ ngày lạ thời khắc lạ… Tôi cũng nhận thấy
“vòm cây” ấy có đường biên khá đậm nét và cách biệt với thế giới bên ngoài.
Phía bên ngoài đường biên của cơn mưa ánh sáng chính là những vực sâu, bóng tối
thẳm dày: Những cánh cửa mở tối và sâu như vực thẳm/ Như một cái hang
đầy nước và khí lạnh/ Đêm nào cũng chập chờn nguyện cầu một ngọn đèn một ngọn
đuốc/ Để rọi sáng để sưởi ấm để chảy đi. Vòm cây ánh sáng được Lê Ngân Hằng đặt
trên nền thẫm đen mờ mịt càng làm gia tăng sự tương phản, tạo thêm ấn tượng về
một cõi sống, cõi thơ tuyệt đẹp và huyền hoặc của chị.
“Orient - Trên những vòm cây” được Lê Ngân Hằng viết bằng bút
pháp hiện đại, có sử dụng một số thủ pháp của hậu hiện đại, như phân mảnh, hỗn
dung, xóa nhòa ranh giới giữa trung tâm và ngoại biên… Nhà thơ đã giữ được cảm
xúc mạnh, căng tràn từ đầu đến kết thúc tập thơ. Ngôn ngữ thơ khá tinh lọc cùng
nhịp điệu nhanh, hối thúc tạo cho tập thơ sự quyến rũ đặc biệt. Tập thơ ra đời
đã 10 năm và luôn nằm trên giá sách của những người yêu thơ. Tôi thường đọc tập
thơ này liền mạch, khó buông rời bởi “cơn mưa ánh sáng” ấy mê dụ và cuốn hút
tôi đi rất mạnh.
Tuy vậy, theo suy nghĩ của tôi vẫn có một hạn chế nhỏ trong tập
thơ này. Do nhà thơ mãi theo đuổi mạch cảm xúc, nên một số câu thơ hơi rậm lời,
cần tinh lọc hơn. Ví dụ: Có phải vì thế mà đến giờ nhập quan nơi khu vườn
yêu dấu xa xưa trở về trên đỉnh những vòm cây vẫn sáng hân hoan lời mời
gọi vẫn hân hoan lời chào quyến rũ vẫn hân hoan bất tận (phần
4, khúc thứ 10). Băn khoăn này không hề ảnh hưởng tới cảm nhận của tôi về vẻ đẹp
và sự quyến rũ của “Orient - Trên những vòm cây”, nhưng đó lại là một cản trở
không nhỏ khi tôi đọc tập thơ “Harvest - mùa màng đọc lại nỗi đau” xuất bản năm
2013 của chị. Ở tập thơ sau này, trừ một số bài thơ vẫn giữ được “phong độ” như
trong “Orient - Trên những vòm cây”, còn lại, tôi cảm nhận ngôn ngữ thơ của Lê
Ngân Hằng chưa được trau chuốt trong nguồn cảm xúc đủ chín và mạnh mẽ.
“Mỗi bài thơ luôn có một đời sống lạ kỳ và yên tĩnh. Nó đánh
thức điều gì đó còn khuất lấp, trong một khoảng đồng điệu mà yếu tố khách quan
không ngăn cản được.”(3). Tâm sự ấy của nhà thơ Lê Ngân Hằng cũng hé mở thêm một
cánh cửa để bạn đọc dễ dàng hơn khi tìm vào thế giới “vòm cây” khác lạ của chị.
Cơn mưa ánh sáng trong “Orient - Trên những vòm cây” của nhà
thơ Lê Ngân Hằng đã ngấm xuống cánh đồng thế gian, nơi đất đai luôn khô hạn và
bạc màu bởi cái ác, cái xấu xa, những thói hư tật xấu của con người… Tập thơ
như một lời nhắc nhở mọi người, hãy mở cửa tâm hồn mình ra để được chiếu sáng,
được yêu thương. “Orient- Trên những vòm cây” cũng nhắc tôi nhớ lời Thánh
Gio-an trong Thánh Kinh: “Ai yêu thương anh em mình thì ở trong ánh sáng”(4).
Ánh sáng trong thơ Lê Ngân Hằng không chỉ soi tỏ những giá trị nhân văn cao cả,
là “người dẫn đường” (chữ của LNH) đưa bạn đọc tới xứ đẹp, miền yêu thương, mà
còn hiển lộ một gương mặt thơ độc đáo thuộc thế hệ Đổi mới, cách tân thứ hai tại
Việt Nam sau 1975.
(1), (3) Báo điện tử Vnexpress, 9/3/2007.
(2), “Sách Lễ Rôma”, Ủy Ban Phụng Tự - HĐGMVN, 308.
(4) “Thánh kinh”, (1 Gio-an 2, 10).
3/2016
Mai Văn Phấn
Theo http://maivanphan.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét