Vẻ đẹp của cái đạm
trong thơ Trần Nhân Tông
Thơ của Trần Nhân Tông có những bài là thơ kệ thuyết giảng về
thiền, có những bài mang cảm quan thiền mà các nhà nghiên cứu đang còn tranh
cãi xem có nên gọi là thơ thiền hay không, nhưng dù với bất cứ tên gọi nào đối
với thơ người cũng có thể nói như Nguyễn Huy Oánh “Nhân bả thi tâm ngộ Phật
tâm” nghĩa là nhân tấm lòng thơ mà hiểu tâm Phật, hiểu thiền, hoặc ngược lại từ
sự liễu ngộ về thiền mà cảm thụ được thơ Người.
Thơ Trần Nhân Tông chỉ còn lại hơn ba chục bài. Trong đó nếu
tạm gác lại những bài về thế tục, sáng tác khi ông ở cương vị một thi nhân - hoàng đế đang nắm trong tay vận mệnh cả giang sơn xã tắc, cả sự an nguy của dân
tộc, số bài được làm với cái tâm, cái tứ, cái nhìn, cái cảm của thi nhân - thiền
gia cũng chỉ chừng hai chục bài. Những bài ấy có lẽ được sáng tác trong thời
gian nhà vua đã hoàn thành trách nhiệm mà vua cha giao phó, lãnh đạo dân tộc
hai lần đánh bại kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất toàn cầu đương thời, và nếu chưa
hoàn toàn “ trút bỏ được chiếc dép rách” mà ngồi nơi chưa hoàn toàn “nệm cỏ giường
thiền” thì cũng đã giác ngộ, “hiểu rõ lẽ sắc không”. Trần Nhân Tông được coi là
nhà thơ Thiền tiêu biểu thời Trần, chắc chắn những bài thơ ấy phải thể hiện ít
hoặc nhiều, cảm quan, tư tưởng Thiền của Phật hoàng. Nhưng Thiền vốn “vô ngôn”,
đem những lời thế tục để giảng giải thế tất khó có thể chuyển tải được những ý
tưởng thâm thúy cao siêu, vi diệu của Thiền, như vậy hà tất phải nói gì! Tuy
nhiên chủ thuyết của Phật hoàng lại là “Hòa quang đồng nhất”, “Cư trần lạc đạo”,
và nếu như vậy thơ ca của Người cũng không hẳn là điều chúng nhân không thể cảm
nhận và thụ hưởng. Tôi tin rằng, người đọc dù thế tục hay thiền giả chắc chắn đều
cảm nhận được vẻ đẹp rất tinh tế, vừa cao siêu vừa gần gũi đến “quyến rũ” của
thơ Người. Và như vậy, sự chia sẻ những cảm nhận có thể cũng là một cách để
nhân lên niềm vui đạo “tùy duyên” khi con người đang ở cõi trần muôn vàn nhiêu
khê này chăng? Với ý nghĩ như vậy, tôi xin phép được chia sẻ đôi điều cảm nhận
của mình về thơ Phật hoàng.
Đọc thơ Trần Nhân Tông, tôi cảm nhận được một trong những vẻ đẹp của thơ Người là “cái đạm”. Thơ của Người là thi – họa, mỗi bài thơ như một bức tranh thủy mặc chấm phá, không có những cảnh náo nhiệt, những màu đậm gắt mà được vẽ bằng những gam màu nhạt, nhưng trong sáng. Có cái đạm một buổi chiều phủ Thiên Trường, có cái đạm một buổi chiều thu ở Vũ Lâm, một chiều thu ở Châu Lạng, một buổi cuối xuân ở sơn phòng, ở nhà thủy tạ chùa Phổ Minh, một buổi chớm xuân trên núi Bảo Đài, ngay cả một đêm xuân, một ngày xuân trong cung… Thơ của Trần Nhân Tông có nhiều khói sương mây gió, có ánh nắng tà, có trăng, hoa, chim nuông, núi sông, thuyền câu, chùa chiền, cây cỏ, thôn làng và có những “hình bóng” con người… Đấy là những khung cảnh có thật, hiện hữu, nhưng dường như trong cái nhìn của thi nhân, trong cái “sát na” ngắm nhìn đó, tất cả đều đã được chưng cất, thăng hoa để trở lên vĩnh hằng – cái sát na vĩnh hằng. Có thể kiểm nghiệm điều đó đối với từng cảnh thơ. Đó là buổi chiều thu ở Vũ Lâm còn một vệt nắng tà khiến có thể thấy lòng suối in bóng câu hoa, cảnh rõ và thật, nhưng rồi tiếng chuông chùa xa vắng trong những đám mây lặng hơi nước, cũng thật, nhưng vẫn khiến cho cảnh vật trở lên mơ hồ. Cái cảnh chiều thu Vũ Lâm vừa thực vừa mơ hồ đó sẽ là vĩnh cửu – một sát na vĩnh cửu trong tâm tưởng mà thi nhân gửi lại. Cái đạm của buổi chiều thu Châu Lạng lại có lá đỏ, có chim âu trắng, có tiếng chuông chùa, có thuyền câu nhưng bên cạnh đó vẫn là một cảnh chùa lạnh lẽo mờ trong khói sương. Chiều Châu Lạng nhiều xao động hơn chiều thu Vũ Lâm nhưng vẫn đẹp vì rất đạm. Có thể tìm những vẻ đẹp của cái đạm trong những bài thơ khác, Nguyệt, Sơn phòng mạn hứng…, nhưng tôi xin dừng lại để kiểm nghiệm cảm nghĩ của mình ở ba bài thơ sau đây: Thiên Trường vãn vọng, Đăng Bảo Đài Sơn và Tảo mai. Thứ nhất là hai bài Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường (Thiên Trường vãn vọng). Bài thơ đã có quá nhiều lời giải (gần như ai đến với thơ Trần Nhân Tông đều để ý trước tiên đến bài Thiên Trường vãn vọng), đến mức có thể viết thành một mục “Lịch sử vấn đề”. Nếu tóm tắt lại có thể tạm nêu thành hai loại kiến giải. Sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh(1) dường như cũng một cách lý giải với Nguyễn Kim Sơn và Trần Thị Mỹ Hòa, coi đó là bài thơ thể hiện ý tưởng thiền một cách “kín đáo ẩn tàng, không lộ liễu” (Minh Đức) và “ngộ được thiền ý trong đó không phải là đơn giản” (Nguyễn Kim Sơn và Mĩ Hà) (2); Lê Trí Viễn, Nguyễn Khắc Phi thì cho rằng bài thơ có cảm quan thiền, “nhuốm tư tưởng thiền”, nhưng chủ yếu là “chứa đựng tư tưởng lớn lao kỳ vĩ và có ý nghĩa hiện thực sâu rộng”. Có thể xem trên đây là hai xu hướng chính của cách hiểu bài Thiên Trường vãn vọng, người viết bài này chỉ muốn nêu một ý, đó là sở dĩ bài thơ đạt được đến vẻ đẹp lôi cuốn đến vậy chính là ở nét bút “đạm” của Nhân Tông. Bài thơ đúng ra không có màu xanh của đồng lúa, không có màu nắng rực rỡ, cũng không có màu lam của khói chiều, mà tất cả mọi màu sắc đều ở gam màu nhạt – “đạm”, có chăng chỉ có cánh cò trắng là hiển lộ, nhưng vì nó là màu trắng nên cũng là gam màu “đạm”. Bài thơ như một bức tranh mà nói như Gs. Nguyễn Khắc Phi “dựng lên được một không gian nghệ thuật mang tính lập thể”(3), có xa - thôn làng trong đường viền mờ như khói (trước thôn - sau thôn) dưới ánh chiều tà - và gần - cánh đồng, đàn trẻ trâu đang giong trâu về thong thả trong tiếng sáo; có cao là từng không với những cánh cò trắng bay và thấp là cánh đồng từng đôi cò đang hạ cánh.
Tứ thiền, cảm quan thiền ở đây là quan niệm về “có – không”; cái “có – không” cảm nhận được từ thị giác, nhưng “có – không” cũng có được cảm nhận qua ánh nắng chiều, cái khoảng thời gian đang ở biên độ mong manh giữa sáng và tối. Nhưng Thiên Trường là quê hương Trần Nhân Tông, ở đấy có hành cung Thiên Trường mang tên cung Trùng Hoa và một số cung điện khác. Cho nên “Cảnh chiều ở Thiên Trường” là một cảnh quan có thật”, đến cả cái vẻ thiền nhất là màu đạm nhòa khói sương của thôn làng cũng rất thật. Bởi lẽ thời điểm bấy giờ đã là chiều tà. Khói chiều, tôi nghĩ đây chính là khói chứ không phải là sương, bay lên từ những mái tranh lan tỏa khiến nó trở nên một mảng nhạt mờ viền quanh thôn xóm cũng là cảnh thật; thế rồi trẻ trâu, tiếng sáo, cánh cò và cả nắng chiều mơ hồ cũng đều là cảnh có thật, rất thật. Một làng quê có khói chiều, có trẻ em chăn trâu, buổi chiều giong trâu về trong tiếng sáo, có cánh cò, những đôi cò trắng sóng đôi đậu xuống cánh đồng tìm ăn(4) là hình tượng gợi lên sự no ấm thanh bình, là khoảnh khắc và cũng là vĩnh cửu. Bởi lẽ hình ảnh khói lam chiều, tiếng sáo trẻ trâu, cánh cò vẫn còn là những hình tượng đẹp trong thơ mới, trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đầu thế kỷ XX. Và tiếng sáo trẻ trâu buổi hoàng hôn cũng từng gợi trong Chủ Tịch Hồ Chí Minh một tứ thơ vui trong những ngày tù đầy gian khổ trên đất Trung Hoa: Mục đồng xuy địch dẫn ngưu quy (Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay – Hoàng hôn, Nhật ký trong tù). Cảnh chiều ở Thiên Trường quả đúng là một cảnh đồng quê thanh bình, an lạc lý tưởng không riêng chỉ của một thời xa xưa. Nhưng mặt khác trong con mắt thơ và Thiền của Trần Nhân Tông cảnh thực đã được thăng hoa, mang ý nghĩa của quan niệm thiền “ở đời vui đạo”. Và cũng bởi lẽ Thiên Trường, Lạng Châu đều là những nơi đã từng bị gót giày xâm lược của quân Nguyên tràn qua, tàn phá; đứng vững và trở lại được cảnh thanh bình hiện hữu mà tác giả đã được thấy quả là “nhờ phúc tổ tông”, cho nên niềm vui được nhân lên, sự trân trọng cái hạnh phúc hiện hữu được nhân lên, nhưng không hẳn trong niềm vui, hạnh phúc không còn thấp thoáng những dấu vết khổ đau, âu lo, đem lại những cảm xúc, suy tư trái chiều… Đúng như ý kiến của Gs, Nguyễn Khắc Phi: “Thiên Trường vãn vọng là một tuyệt tác, một trong những bài thơ tứ tuyệt Đường luật cô đọng nhất, một trong những bài thơ trữ tình hay nhất của văn học trung đại Việt Nam”.
Bài thứ hai là Đăng Bảo Đài Sơn. Nguyên văn bài thơ như sau:
Địa tịch đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận,
Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thủy lưu thủy.
Bách niên tâm ngữ tâm,
ỷ lan hoàng ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm.
Bản dịch:
Đất vắng lâu đài thêm cổ xưa,
Xuân sang vừa đó mới theo mùa.
Gần xa, thấp thoáng mây lồng núi,
Nắp rợp mơ hồ một ngõ hoa.
Nước đẩy nước trôi đời vạn sự,
Tâm nghe lòng nhủ một mình ta.
Nâng ngang sáo ngọc bên thềm vắng,
Đầy ngực trăng trong tỏa ánh ngà.
Bảo đài là một ngọn núi thuộc dãy Yên Tử, Đông Triều, nhà thơ đến vào lúc chớm xuân. Cảnh rất thực. Yên Tử thời Trần chắc chắn còn là miền đất hẻo lánh, núi rừng xa xôi; không rõ tòa đài này có từ bao giờ, có phải cũng là một hành cung đời Trần, vì đất quạnh nên trông có vẻ cổ kính hơn và vì thời tiết lúc đó mới đầu xuân, nhiều mây, nắng mưa bất chợt, cho nên núi và mây trở nên mờ ảo như xa lại như gần, còn ngõ hoa thì chỗ râm chỗ nắng. Bốn câu đầu bài thơ là cảnh núi Bảo Đài được vẽ toàn bằng màu nhạt, không một chi tiết nào tô đậm, không một nét màu tươi và chính vì thế mà tứ thơ trở nên sâu sắc, gợi những niên tưởng miên man xa vời. Bốn câu sau nhà thơ dành cho tâm tình. Một triết lý rất thiền và cũng rất thế tục: vạn sự ở đời cứ trôi chảy, như nước đẩy nước xuôi, ngoài ý muốn con người, chỉ có cái tâm, cái tâm nhà thơ là muôn thuở tự vấn, tự nhủ, đơn côi là tồn tại vĩnh hằng. Đó cũng là điều nhà thơ chấp nhận, hai câu cuối bài thơ biểu đạt trạng thái tâm cảnh ấy. Có những tâm sự gì nhà thơ gửi trong tiếng sáo ngọc khi ông tựa lan can, có chăng chỉ ánh trăng trong chan hòa tỏa đầy ngực ông là hiểu! Đăng Bảo Đài Sơn cũng là một bài thơ thể hiện sự quan sát và cách biểu đạt tinh tế của nhà thơ. Bài thơ không có một từ chỉ màu sắc nhưng màu sắc của cảnh quan vẫn như hiển hiện, trái lại những động từ chỉ hành động lưu, ngữ, hoành lại có thể chẳng tạo nên một hành động nào, thủy lưu thủy, cũng như tâm ngữ tâm, có tác động đến một đối tượng nào đâu, chỉ là mình với mình mà thôi. Ngay cả động tác “nâng ngang sáo ngọc” cũng chưa chắc đã tạo ra một âm thanh nào, bởi vì chưa chắc người cầm sáo đã đi đến hành động cuối cùng của động tác: thổi sáo! Bài thơ là sự hòa quyện và chuyển hóa tinh tế, nhuần nhuyễn giữa tĩnh và động, lại cũng đạt đến vẻ đẹp độc đáo của cái “đạm” trong bút pháp thơ.
Bài thứ ba là Tảo mai. Có biết bao nhà thơ phương Đông đã vịnh hoa mai như Nhân Tông vẫn đến với hoa mai bằng những rung cảm riêng vừa thâm trầm tinh tế, vừa sắc sảo nồng nàn:
Năm cánh hoa tròn nhị điểm vàng.
San hô, vảy bạc vẻ tân trang.
Cuối đông san sát cành khoe trắng,
Một thoáng xuân về đã rụng quang.
Móc ngọn chảy thơm tan giấc bướm,
Trắng đêm loáng nước khát chim rừng.
Hằng Nga ví biết hoa mai đẹp,
Đâu tiếc cung thiềm lạnh quế hương.
Mấy ngày ngại rét lười ra cửa,
Gió ấm đang về bên gốc mai.
Bóng ngả trên sông băng mới rạn,
Đầu cành e ấp vẻ xuân phơi.
Họa long, sáo ướt, mây quan ải,
Thúy vũ, ca chim trăng xóm đồi.
Tỉnh giấc bâng khuâng lòng bạn cũ,
Khôn đem hoa mộng tặng đưa ai (5).
(Tảo mai) Trong truyền thống thơ phương Đông, người ta thường khai thác ở cây mai vẻ cứng rắn, bất chấp gió sương, song Trần Nhân Tông chỉ cực tả vẻ đẹp bản nhiên của những cánh hoa mỏng mảnh, một vẻ đẹp tinh khiết mà linh động, hấp dẫn: cánh trắng điểm nhị vàng, óng ánh như bóng san hô chìm, như vẩy cá nổi; khi nở rộ thì trắng vườn, tỏa hương thơm dịu ngọt, khi hết còn lại vài búp thì e ấp đầu cành… Những bông hoa mai ấy rất thực nhưng dường như lại ảo. Suốt tháng cuối đông, hoa khoe sắc, thu hút cảm giác vạn vật, thách thức cả cây quế cung thiềm: thế mà chỉ qua vài hôm, mùa xuân chợt đến là màu trắng rạng rỡ ấy đó tan biến đi như một phép lạ. Những đóa hoa mai của Trần Nhân Tông gần gũi nhưng xa vời biết bao! Hương thơm của hoa làm chú bướm si mê phải giật mình tỉnh giấc; sắc hoa hòa ánh trăng loang loáng như nước làm cho con chim đang khát cháy cổ thêm buồn rầu; cành mai tươi đẹp rơi vào giấc mộng cố nhân khiến cho người tỉnh giấc càng bâng khuâng vì hoa chỉ là hoa trong mộng! Trần Nhân Tông thật đã viết những vần thơ độc đáo và tinh tế về hoa mai.
Các nhà am hiểu Thiền học có thể khen Tảo mai là bài thơ Thiền đặc sắc. Bởi lẽ ở đây “cái sắc” và “cái không” quyện vào nhau bao nhiêu thì cái ham muốn và cái được nhận, cái thực và cái mộng lại cách xa nhau bấy nhiêu. Dường như bài thơ là một lời chỉ dẫn cho đệ tử “cái vô thường” của vạn vật để từ đó biết hạn chế những dục vọng trong cuộc đời! Thế nhưng bằng những cảm xúc hoàn toàn thế tục, người đọc cũng không thể phủ nhận giá trị thẩm mỹ của những vần thơ này và cũng như tác giả vừa xúc động vừa bâng khuâng trước vẻ đẹp của những cành mai sớm ấy.
Nhà thơ, nhà lý luận văn học đời Thanh Viên Mai (1716 - 1798) của Trung Quốc sống sau Nhân Tông gần năm trăm năm cũng có hai câu thơ về hoa mai cấu tứ giống như thơ Trần Nhân Tông:
Chỉ liên hương tuyết mai thiên thụ,
Bất đắc tùy thân đời thượng thuyền.
(Tiếc thay thơm tuyết mai nghìn gốc,
Chẳng thể mang theo cùng xuống thuyền) (6).
Những câu thơ của Trần Nhân Tông hay hơn, gây được cảm xúc mạnh hơn, bởi ở cái Trần Nhân Tông cái tình sâu hơn do xuyên suốt cả quá khứ và hiện tại, do tính huyền ảo giữa mộng và thực, tạo nên tính bất klhả thi cao hơn, và có thể vị đậm ý vị thiền
Viên Mai khí bàn về thơ có nói: “Thơ nên đạm không nên nồng nhưng phải là cái đạm sau khi đã nồng”. Viên Mai không giải thích rõ thế nào là đạm và nồng, còn nhà triết học Pháp Francois Jullien(7) thì đưa cái đạm trở về với nguồn gốc triết học là Đạo. Ông cũng coi cái đạm (sách dịch là nhạt) là lý tưởng sáng tạo thơ ca. Ông dẫn ra bài thơ Lộc sài của Vương Duy mà các nhà bình luận Trung Hoa đều coi là tiêu biểu cho cái đẹp của cái nhạt: Không sơn bất kiến nhân,
Đãn văn nhân ngữ hưởng.
Phản ánh nhập thâm lâm,
Phục chiếu thanh đài thượng.
(Núi vắng chẳng thấy ai,
Chỉ nghe vọng tiếng người.
Ánh mặt trời lặn xuyên rừng sâu,
Còn dọi trở lại trên rêu xanh)
Ông dẫn lời một nhà bình luận Trung Hoa về bài thơ này: “thơ tôn vinh tầm cỡ ý nghĩa, còn tầm cỡ ý nghĩa tôn vinh cái gì xa chứ không gần, tôn vinh cái nhạt chứ không phải cái đậm (cái nổi): cái gì đậm mà gần thì dễ nhận ra trong khi cái gì nhạt và xa thì ta khó mà ý thức được”. Theo F.Jullien “Cái nhạt trong thơ sở dĩ có được là do nghĩa của thơ không xuất hiện (theo cách này hay cách khác), nó thể hiện qua hiện tượng và tình huống mà không bao giờ áp đặt cho ta. Không có gì lôi kéo sự chú ý cũng như hiện ra để ám lấy ta, tất cả những gì bắt đầu hình thành đều rút lui và biến hoá”. Như vậy có thể hiểu rằng người đọc thơ có thể nắm bắt được vẻ đẹp cái đạm của thơ chỉ bằng cách cảm nhận trực giác và có thể rất tự do.
Nhiều bài thơ của Nhân Tông đã đến cái vị “đạm” ấy, trong đó Thiên Trường vãn vọng, Đăng Bảo Đài Sơn là những bài tiêu biểu, còn Tảo mai không chỉ được miêu tả bằng riêng bút pháp đạm mà có sự kết hợp nhuần nhuyễn, bổ sung cho nhau giữa cái đạm và cái nồng (nghĩa là sự hiển lộ hay đúng hơn là mức độ nồng nàn) để tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ. Phải chăng nên coi Tảo mai đã đạt được vẻ đẹp của cái đạm sau khi đã nồng? Có điều đối với Nhân Tông, dường như mỗi bài thơ đều đã đạt được một vẻ đẹp “quyến rũ” riêng, ngay cả những bài thơ “nồng” như Xuân nhật yết Chiêu Lăng, Xuân hiểu… chắc gì đã thua kém những bài thơ “đạm”. Như vậy, dường như để tiếp cận được vẻ đẹp đến mức trở thành triết mỹ của thơ Trần Nhân Tông, người ta không nên và không thể chỉ chú mục vào một điểm, vào cái lý lẽ hiển nhiên mà phải để cho tâm tưởng phiêu diêu cùng sương khói đến cõi của cái đạm hoặc cái nồng trên nền cái đạm với một chút mơ hồ “bán vô bán hữu”. Thơ của Trần Nhân Tông có những bài là thơ kệ thuyết giảng về thiền, có những bài mang cảm quan thiền mà các nhà nghiên cứu đang còn tranh cãi xem có nên gọi là thơ thiền hay không, nhưng dù với bất cứ tên gọi nào đối với thơ người cũng có thể nói như Nguyễn Huy Oánh “Nhân bả thi tâm ngộ Phật tâm” nghĩa là nhân tấm lòng thơ mà hiểu tâm Phật, hiểu thiền, hoặc ngược lại từ sự liễu ngộ về thiền mà cảm thụ được thơ Người. Trần Nhân Tông quả là một nhà thơ có phong cách riêng, một nhà thơ lớn và tài hoa vào bậc nhất đời Trần.
Chú thích:
1. Xin xem bài Tìm lại chút hương non xanh mây tía trong Kỷ yếu.
2. Chuyển dẫn theo Nguyễn Khắc Phi trong bài Thiên Trường vãn vọng, một kiệt tác của Trần Nhân Tông trong Kỷ yếu.
3. Xem chú thích 2.
4. Có ý kiến cho rằng phải dịch câu Bạch lộ song song phi hạ điền là: “Từng đôi cò trắng bay trên cánh đồng (về tổ)”, bởi cò không ăn đêm, chiều tối chúng bay về tổ. Thoạt nghe có vẻ hữu lý, bởi vạc mới là loài chim ăn đêm, nhưng thực ra thời gian của bài thơ chưa phải là tối – đêm, hơn thế bản thân người viết bài này thuở bé khi “chạy tản cư” về thôn quê đã chứng kiến cảnh những con cò tìm ăn trên cánh đồng vào những buổi chiều, kể cả khi trời đã muộn.
5. Băng Thanh dịch.
6. Những ý kiến về Viên Mai trích trong bài đều theo Tùy Viên thi thoại, Nguyễn Đức Vân dịch, Nguyễn Phúc giới thiệu, tuyển chọn; Nxb. Giáo Dục Hà Nội, 1999.
7 Những ý kiến của F. Jullien đều trích từ chương Bàn về cái nhạt do Trương Thị An Na dịch, in trong Minh triết phương Đông, và triết học phương Tây; Nxb Đà Nẵng, 2004.
8. Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), câu này trích trong bài họa thơ Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), bài Cách ngạn Thiền lâm (Ngôi chùa bên kia sông).
Đọc thơ Trần Nhân Tông, tôi cảm nhận được một trong những vẻ đẹp của thơ Người là “cái đạm”. Thơ của Người là thi – họa, mỗi bài thơ như một bức tranh thủy mặc chấm phá, không có những cảnh náo nhiệt, những màu đậm gắt mà được vẽ bằng những gam màu nhạt, nhưng trong sáng. Có cái đạm một buổi chiều phủ Thiên Trường, có cái đạm một buổi chiều thu ở Vũ Lâm, một chiều thu ở Châu Lạng, một buổi cuối xuân ở sơn phòng, ở nhà thủy tạ chùa Phổ Minh, một buổi chớm xuân trên núi Bảo Đài, ngay cả một đêm xuân, một ngày xuân trong cung… Thơ của Trần Nhân Tông có nhiều khói sương mây gió, có ánh nắng tà, có trăng, hoa, chim nuông, núi sông, thuyền câu, chùa chiền, cây cỏ, thôn làng và có những “hình bóng” con người… Đấy là những khung cảnh có thật, hiện hữu, nhưng dường như trong cái nhìn của thi nhân, trong cái “sát na” ngắm nhìn đó, tất cả đều đã được chưng cất, thăng hoa để trở lên vĩnh hằng – cái sát na vĩnh hằng. Có thể kiểm nghiệm điều đó đối với từng cảnh thơ. Đó là buổi chiều thu ở Vũ Lâm còn một vệt nắng tà khiến có thể thấy lòng suối in bóng câu hoa, cảnh rõ và thật, nhưng rồi tiếng chuông chùa xa vắng trong những đám mây lặng hơi nước, cũng thật, nhưng vẫn khiến cho cảnh vật trở lên mơ hồ. Cái cảnh chiều thu Vũ Lâm vừa thực vừa mơ hồ đó sẽ là vĩnh cửu – một sát na vĩnh cửu trong tâm tưởng mà thi nhân gửi lại. Cái đạm của buổi chiều thu Châu Lạng lại có lá đỏ, có chim âu trắng, có tiếng chuông chùa, có thuyền câu nhưng bên cạnh đó vẫn là một cảnh chùa lạnh lẽo mờ trong khói sương. Chiều Châu Lạng nhiều xao động hơn chiều thu Vũ Lâm nhưng vẫn đẹp vì rất đạm. Có thể tìm những vẻ đẹp của cái đạm trong những bài thơ khác, Nguyệt, Sơn phòng mạn hứng…, nhưng tôi xin dừng lại để kiểm nghiệm cảm nghĩ của mình ở ba bài thơ sau đây: Thiên Trường vãn vọng, Đăng Bảo Đài Sơn và Tảo mai. Thứ nhất là hai bài Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường (Thiên Trường vãn vọng). Bài thơ đã có quá nhiều lời giải (gần như ai đến với thơ Trần Nhân Tông đều để ý trước tiên đến bài Thiên Trường vãn vọng), đến mức có thể viết thành một mục “Lịch sử vấn đề”. Nếu tóm tắt lại có thể tạm nêu thành hai loại kiến giải. Sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh(1) dường như cũng một cách lý giải với Nguyễn Kim Sơn và Trần Thị Mỹ Hòa, coi đó là bài thơ thể hiện ý tưởng thiền một cách “kín đáo ẩn tàng, không lộ liễu” (Minh Đức) và “ngộ được thiền ý trong đó không phải là đơn giản” (Nguyễn Kim Sơn và Mĩ Hà) (2); Lê Trí Viễn, Nguyễn Khắc Phi thì cho rằng bài thơ có cảm quan thiền, “nhuốm tư tưởng thiền”, nhưng chủ yếu là “chứa đựng tư tưởng lớn lao kỳ vĩ và có ý nghĩa hiện thực sâu rộng”. Có thể xem trên đây là hai xu hướng chính của cách hiểu bài Thiên Trường vãn vọng, người viết bài này chỉ muốn nêu một ý, đó là sở dĩ bài thơ đạt được đến vẻ đẹp lôi cuốn đến vậy chính là ở nét bút “đạm” của Nhân Tông. Bài thơ đúng ra không có màu xanh của đồng lúa, không có màu nắng rực rỡ, cũng không có màu lam của khói chiều, mà tất cả mọi màu sắc đều ở gam màu nhạt – “đạm”, có chăng chỉ có cánh cò trắng là hiển lộ, nhưng vì nó là màu trắng nên cũng là gam màu “đạm”. Bài thơ như một bức tranh mà nói như Gs. Nguyễn Khắc Phi “dựng lên được một không gian nghệ thuật mang tính lập thể”(3), có xa - thôn làng trong đường viền mờ như khói (trước thôn - sau thôn) dưới ánh chiều tà - và gần - cánh đồng, đàn trẻ trâu đang giong trâu về thong thả trong tiếng sáo; có cao là từng không với những cánh cò trắng bay và thấp là cánh đồng từng đôi cò đang hạ cánh.
Tứ thiền, cảm quan thiền ở đây là quan niệm về “có – không”; cái “có – không” cảm nhận được từ thị giác, nhưng “có – không” cũng có được cảm nhận qua ánh nắng chiều, cái khoảng thời gian đang ở biên độ mong manh giữa sáng và tối. Nhưng Thiên Trường là quê hương Trần Nhân Tông, ở đấy có hành cung Thiên Trường mang tên cung Trùng Hoa và một số cung điện khác. Cho nên “Cảnh chiều ở Thiên Trường” là một cảnh quan có thật”, đến cả cái vẻ thiền nhất là màu đạm nhòa khói sương của thôn làng cũng rất thật. Bởi lẽ thời điểm bấy giờ đã là chiều tà. Khói chiều, tôi nghĩ đây chính là khói chứ không phải là sương, bay lên từ những mái tranh lan tỏa khiến nó trở nên một mảng nhạt mờ viền quanh thôn xóm cũng là cảnh thật; thế rồi trẻ trâu, tiếng sáo, cánh cò và cả nắng chiều mơ hồ cũng đều là cảnh có thật, rất thật. Một làng quê có khói chiều, có trẻ em chăn trâu, buổi chiều giong trâu về trong tiếng sáo, có cánh cò, những đôi cò trắng sóng đôi đậu xuống cánh đồng tìm ăn(4) là hình tượng gợi lên sự no ấm thanh bình, là khoảnh khắc và cũng là vĩnh cửu. Bởi lẽ hình ảnh khói lam chiều, tiếng sáo trẻ trâu, cánh cò vẫn còn là những hình tượng đẹp trong thơ mới, trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đầu thế kỷ XX. Và tiếng sáo trẻ trâu buổi hoàng hôn cũng từng gợi trong Chủ Tịch Hồ Chí Minh một tứ thơ vui trong những ngày tù đầy gian khổ trên đất Trung Hoa: Mục đồng xuy địch dẫn ngưu quy (Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay – Hoàng hôn, Nhật ký trong tù). Cảnh chiều ở Thiên Trường quả đúng là một cảnh đồng quê thanh bình, an lạc lý tưởng không riêng chỉ của một thời xa xưa. Nhưng mặt khác trong con mắt thơ và Thiền của Trần Nhân Tông cảnh thực đã được thăng hoa, mang ý nghĩa của quan niệm thiền “ở đời vui đạo”. Và cũng bởi lẽ Thiên Trường, Lạng Châu đều là những nơi đã từng bị gót giày xâm lược của quân Nguyên tràn qua, tàn phá; đứng vững và trở lại được cảnh thanh bình hiện hữu mà tác giả đã được thấy quả là “nhờ phúc tổ tông”, cho nên niềm vui được nhân lên, sự trân trọng cái hạnh phúc hiện hữu được nhân lên, nhưng không hẳn trong niềm vui, hạnh phúc không còn thấp thoáng những dấu vết khổ đau, âu lo, đem lại những cảm xúc, suy tư trái chiều… Đúng như ý kiến của Gs, Nguyễn Khắc Phi: “Thiên Trường vãn vọng là một tuyệt tác, một trong những bài thơ tứ tuyệt Đường luật cô đọng nhất, một trong những bài thơ trữ tình hay nhất của văn học trung đại Việt Nam”.
Bài thứ hai là Đăng Bảo Đài Sơn. Nguyên văn bài thơ như sau:
Địa tịch đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận,
Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thủy lưu thủy.
Bách niên tâm ngữ tâm,
ỷ lan hoàng ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm.
Bản dịch:
Đất vắng lâu đài thêm cổ xưa,
Xuân sang vừa đó mới theo mùa.
Gần xa, thấp thoáng mây lồng núi,
Nắp rợp mơ hồ một ngõ hoa.
Nước đẩy nước trôi đời vạn sự,
Tâm nghe lòng nhủ một mình ta.
Nâng ngang sáo ngọc bên thềm vắng,
Đầy ngực trăng trong tỏa ánh ngà.
Bảo đài là một ngọn núi thuộc dãy Yên Tử, Đông Triều, nhà thơ đến vào lúc chớm xuân. Cảnh rất thực. Yên Tử thời Trần chắc chắn còn là miền đất hẻo lánh, núi rừng xa xôi; không rõ tòa đài này có từ bao giờ, có phải cũng là một hành cung đời Trần, vì đất quạnh nên trông có vẻ cổ kính hơn và vì thời tiết lúc đó mới đầu xuân, nhiều mây, nắng mưa bất chợt, cho nên núi và mây trở nên mờ ảo như xa lại như gần, còn ngõ hoa thì chỗ râm chỗ nắng. Bốn câu đầu bài thơ là cảnh núi Bảo Đài được vẽ toàn bằng màu nhạt, không một chi tiết nào tô đậm, không một nét màu tươi và chính vì thế mà tứ thơ trở nên sâu sắc, gợi những niên tưởng miên man xa vời. Bốn câu sau nhà thơ dành cho tâm tình. Một triết lý rất thiền và cũng rất thế tục: vạn sự ở đời cứ trôi chảy, như nước đẩy nước xuôi, ngoài ý muốn con người, chỉ có cái tâm, cái tâm nhà thơ là muôn thuở tự vấn, tự nhủ, đơn côi là tồn tại vĩnh hằng. Đó cũng là điều nhà thơ chấp nhận, hai câu cuối bài thơ biểu đạt trạng thái tâm cảnh ấy. Có những tâm sự gì nhà thơ gửi trong tiếng sáo ngọc khi ông tựa lan can, có chăng chỉ ánh trăng trong chan hòa tỏa đầy ngực ông là hiểu! Đăng Bảo Đài Sơn cũng là một bài thơ thể hiện sự quan sát và cách biểu đạt tinh tế của nhà thơ. Bài thơ không có một từ chỉ màu sắc nhưng màu sắc của cảnh quan vẫn như hiển hiện, trái lại những động từ chỉ hành động lưu, ngữ, hoành lại có thể chẳng tạo nên một hành động nào, thủy lưu thủy, cũng như tâm ngữ tâm, có tác động đến một đối tượng nào đâu, chỉ là mình với mình mà thôi. Ngay cả động tác “nâng ngang sáo ngọc” cũng chưa chắc đã tạo ra một âm thanh nào, bởi vì chưa chắc người cầm sáo đã đi đến hành động cuối cùng của động tác: thổi sáo! Bài thơ là sự hòa quyện và chuyển hóa tinh tế, nhuần nhuyễn giữa tĩnh và động, lại cũng đạt đến vẻ đẹp độc đáo của cái “đạm” trong bút pháp thơ.
Bài thứ ba là Tảo mai. Có biết bao nhà thơ phương Đông đã vịnh hoa mai như Nhân Tông vẫn đến với hoa mai bằng những rung cảm riêng vừa thâm trầm tinh tế, vừa sắc sảo nồng nàn:
Năm cánh hoa tròn nhị điểm vàng.
San hô, vảy bạc vẻ tân trang.
Cuối đông san sát cành khoe trắng,
Một thoáng xuân về đã rụng quang.
Móc ngọn chảy thơm tan giấc bướm,
Trắng đêm loáng nước khát chim rừng.
Hằng Nga ví biết hoa mai đẹp,
Đâu tiếc cung thiềm lạnh quế hương.
Mấy ngày ngại rét lười ra cửa,
Gió ấm đang về bên gốc mai.
Bóng ngả trên sông băng mới rạn,
Đầu cành e ấp vẻ xuân phơi.
Họa long, sáo ướt, mây quan ải,
Thúy vũ, ca chim trăng xóm đồi.
Tỉnh giấc bâng khuâng lòng bạn cũ,
Khôn đem hoa mộng tặng đưa ai (5).
(Tảo mai) Trong truyền thống thơ phương Đông, người ta thường khai thác ở cây mai vẻ cứng rắn, bất chấp gió sương, song Trần Nhân Tông chỉ cực tả vẻ đẹp bản nhiên của những cánh hoa mỏng mảnh, một vẻ đẹp tinh khiết mà linh động, hấp dẫn: cánh trắng điểm nhị vàng, óng ánh như bóng san hô chìm, như vẩy cá nổi; khi nở rộ thì trắng vườn, tỏa hương thơm dịu ngọt, khi hết còn lại vài búp thì e ấp đầu cành… Những bông hoa mai ấy rất thực nhưng dường như lại ảo. Suốt tháng cuối đông, hoa khoe sắc, thu hút cảm giác vạn vật, thách thức cả cây quế cung thiềm: thế mà chỉ qua vài hôm, mùa xuân chợt đến là màu trắng rạng rỡ ấy đó tan biến đi như một phép lạ. Những đóa hoa mai của Trần Nhân Tông gần gũi nhưng xa vời biết bao! Hương thơm của hoa làm chú bướm si mê phải giật mình tỉnh giấc; sắc hoa hòa ánh trăng loang loáng như nước làm cho con chim đang khát cháy cổ thêm buồn rầu; cành mai tươi đẹp rơi vào giấc mộng cố nhân khiến cho người tỉnh giấc càng bâng khuâng vì hoa chỉ là hoa trong mộng! Trần Nhân Tông thật đã viết những vần thơ độc đáo và tinh tế về hoa mai.
Các nhà am hiểu Thiền học có thể khen Tảo mai là bài thơ Thiền đặc sắc. Bởi lẽ ở đây “cái sắc” và “cái không” quyện vào nhau bao nhiêu thì cái ham muốn và cái được nhận, cái thực và cái mộng lại cách xa nhau bấy nhiêu. Dường như bài thơ là một lời chỉ dẫn cho đệ tử “cái vô thường” của vạn vật để từ đó biết hạn chế những dục vọng trong cuộc đời! Thế nhưng bằng những cảm xúc hoàn toàn thế tục, người đọc cũng không thể phủ nhận giá trị thẩm mỹ của những vần thơ này và cũng như tác giả vừa xúc động vừa bâng khuâng trước vẻ đẹp của những cành mai sớm ấy.
Nhà thơ, nhà lý luận văn học đời Thanh Viên Mai (1716 - 1798) của Trung Quốc sống sau Nhân Tông gần năm trăm năm cũng có hai câu thơ về hoa mai cấu tứ giống như thơ Trần Nhân Tông:
Chỉ liên hương tuyết mai thiên thụ,
Bất đắc tùy thân đời thượng thuyền.
(Tiếc thay thơm tuyết mai nghìn gốc,
Chẳng thể mang theo cùng xuống thuyền) (6).
Những câu thơ của Trần Nhân Tông hay hơn, gây được cảm xúc mạnh hơn, bởi ở cái Trần Nhân Tông cái tình sâu hơn do xuyên suốt cả quá khứ và hiện tại, do tính huyền ảo giữa mộng và thực, tạo nên tính bất klhả thi cao hơn, và có thể vị đậm ý vị thiền
Viên Mai khí bàn về thơ có nói: “Thơ nên đạm không nên nồng nhưng phải là cái đạm sau khi đã nồng”. Viên Mai không giải thích rõ thế nào là đạm và nồng, còn nhà triết học Pháp Francois Jullien(7) thì đưa cái đạm trở về với nguồn gốc triết học là Đạo. Ông cũng coi cái đạm (sách dịch là nhạt) là lý tưởng sáng tạo thơ ca. Ông dẫn ra bài thơ Lộc sài của Vương Duy mà các nhà bình luận Trung Hoa đều coi là tiêu biểu cho cái đẹp của cái nhạt: Không sơn bất kiến nhân,
Đãn văn nhân ngữ hưởng.
Phản ánh nhập thâm lâm,
Phục chiếu thanh đài thượng.
(Núi vắng chẳng thấy ai,
Chỉ nghe vọng tiếng người.
Ánh mặt trời lặn xuyên rừng sâu,
Còn dọi trở lại trên rêu xanh)
Ông dẫn lời một nhà bình luận Trung Hoa về bài thơ này: “thơ tôn vinh tầm cỡ ý nghĩa, còn tầm cỡ ý nghĩa tôn vinh cái gì xa chứ không gần, tôn vinh cái nhạt chứ không phải cái đậm (cái nổi): cái gì đậm mà gần thì dễ nhận ra trong khi cái gì nhạt và xa thì ta khó mà ý thức được”. Theo F.Jullien “Cái nhạt trong thơ sở dĩ có được là do nghĩa của thơ không xuất hiện (theo cách này hay cách khác), nó thể hiện qua hiện tượng và tình huống mà không bao giờ áp đặt cho ta. Không có gì lôi kéo sự chú ý cũng như hiện ra để ám lấy ta, tất cả những gì bắt đầu hình thành đều rút lui và biến hoá”. Như vậy có thể hiểu rằng người đọc thơ có thể nắm bắt được vẻ đẹp cái đạm của thơ chỉ bằng cách cảm nhận trực giác và có thể rất tự do.
Nhiều bài thơ của Nhân Tông đã đến cái vị “đạm” ấy, trong đó Thiên Trường vãn vọng, Đăng Bảo Đài Sơn là những bài tiêu biểu, còn Tảo mai không chỉ được miêu tả bằng riêng bút pháp đạm mà có sự kết hợp nhuần nhuyễn, bổ sung cho nhau giữa cái đạm và cái nồng (nghĩa là sự hiển lộ hay đúng hơn là mức độ nồng nàn) để tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ. Phải chăng nên coi Tảo mai đã đạt được vẻ đẹp của cái đạm sau khi đã nồng? Có điều đối với Nhân Tông, dường như mỗi bài thơ đều đã đạt được một vẻ đẹp “quyến rũ” riêng, ngay cả những bài thơ “nồng” như Xuân nhật yết Chiêu Lăng, Xuân hiểu… chắc gì đã thua kém những bài thơ “đạm”. Như vậy, dường như để tiếp cận được vẻ đẹp đến mức trở thành triết mỹ của thơ Trần Nhân Tông, người ta không nên và không thể chỉ chú mục vào một điểm, vào cái lý lẽ hiển nhiên mà phải để cho tâm tưởng phiêu diêu cùng sương khói đến cõi của cái đạm hoặc cái nồng trên nền cái đạm với một chút mơ hồ “bán vô bán hữu”. Thơ của Trần Nhân Tông có những bài là thơ kệ thuyết giảng về thiền, có những bài mang cảm quan thiền mà các nhà nghiên cứu đang còn tranh cãi xem có nên gọi là thơ thiền hay không, nhưng dù với bất cứ tên gọi nào đối với thơ người cũng có thể nói như Nguyễn Huy Oánh “Nhân bả thi tâm ngộ Phật tâm” nghĩa là nhân tấm lòng thơ mà hiểu tâm Phật, hiểu thiền, hoặc ngược lại từ sự liễu ngộ về thiền mà cảm thụ được thơ Người. Trần Nhân Tông quả là một nhà thơ có phong cách riêng, một nhà thơ lớn và tài hoa vào bậc nhất đời Trần.
Chú thích:
1. Xin xem bài Tìm lại chút hương non xanh mây tía trong Kỷ yếu.
2. Chuyển dẫn theo Nguyễn Khắc Phi trong bài Thiên Trường vãn vọng, một kiệt tác của Trần Nhân Tông trong Kỷ yếu.
3. Xem chú thích 2.
4. Có ý kiến cho rằng phải dịch câu Bạch lộ song song phi hạ điền là: “Từng đôi cò trắng bay trên cánh đồng (về tổ)”, bởi cò không ăn đêm, chiều tối chúng bay về tổ. Thoạt nghe có vẻ hữu lý, bởi vạc mới là loài chim ăn đêm, nhưng thực ra thời gian của bài thơ chưa phải là tối – đêm, hơn thế bản thân người viết bài này thuở bé khi “chạy tản cư” về thôn quê đã chứng kiến cảnh những con cò tìm ăn trên cánh đồng vào những buổi chiều, kể cả khi trời đã muộn.
5. Băng Thanh dịch.
6. Những ý kiến về Viên Mai trích trong bài đều theo Tùy Viên thi thoại, Nguyễn Đức Vân dịch, Nguyễn Phúc giới thiệu, tuyển chọn; Nxb. Giáo Dục Hà Nội, 1999.
7 Những ý kiến của F. Jullien đều trích từ chương Bàn về cái nhạt do Trương Thị An Na dịch, in trong Minh triết phương Đông, và triết học phương Tây; Nxb Đà Nẵng, 2004.
8. Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), câu này trích trong bài họa thơ Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), bài Cách ngạn Thiền lâm (Ngôi chùa bên kia sông).
Trần Thị Băng Thanh
Nguồn: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 71
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét