Trong một bài tạp ghi viết cách đây khá lâu, tôi có ghi nhận
mối duyên nợ thắm thiết giữa nhà thơ và nhà chùa. Hầu hết các nhà sư đều thích
đọc thơ, làm thơ, in thơ. Hầu hết các nhà thơ, ngược lại, đều có quan hệ thắm
thiết với nhà chùa, nhất là vào những lúc nhà thơ gặp cảnh hoạn nạn. Cũng lạ.
Tôn giáo nào cũng tuyên xưng lòng thương yêu. Chùa chiền, giáo đường, thánh thất...
luôn luôn mở cửa chào đón những kẻ khốn cùng, những người bất hạnh. Một nhà thơ
đau khổ cũng tuyệt vọng, xót xa như bất cứ ai, nhiều khi người biết làm thơ ít
đau khổ hơn những người không biết làm thơ, vì nhà thơ có thể chia bớt nỗi đau
cho chữ nghĩa. Ðau mà khóc được thì mau vơi hơn nỗi đau thầm. Nhưng khi tìm một
nơi an trú, hình như các nhà thơ lại có những cách lựa chọn khác hơn người thường.
Lý do? Nói như ngôn ngữ nhà Phật, các nhà thơ thường có cái ngã lớn hơn người
thường. Dù trong cảnh hoạn nạn, các nhà thơ không thích những đôi mắt nhìn xuống
thương hại, không thích bị đối xử như một đứa trẻ mồ côi trong viện dục anh. Thử
tưởng tượng một nhà thơ như Alfred de Vigny (tác giả bài Cái chết của con chó
sói) hay Tản Ðà (người tự nhận là ông tiên bị giáng xuống trần) mà phải chịu đứng
yên cho các bà mệnh phụ ngắm nghía hình hài và xuýt xoa thương xót, chúng ta sẽ
thấy hình ảnh đó nghịch lý biết chừng nào. Thi sĩ có thể nghèo đến độ nhìn hoa
cúc vàng mà gan ruột cồn cào vì đói như Nguyễn Du, có thể chết dấm dúi trong một
chiếc thuyền rách như Ðỗ Phủ. Nhưng phải chịu thu vai bó gối cho thiên hạ nhìn
xuống thương hại, thì không. Nhất định không. Thi sĩ thích tìm nơi an trú nào ở
đó, anh ta vẫn có thể tiếp tục làm thi sĩ, ở đó không có những ánh mắt thương hại,
ở đó khỏi phải ngửng đầu lên mà cầu khấn. Nhìn quanh, hình như chỉ có chùa chiền
là nơi an trú thích hợp cho các nhà thơ.
Kể cũng đúng thôi. Vừa qua khỏi cổng chùa, thi sĩ đã gặp một
thi sĩ thực thụ (hay một chuẩn thi sĩ) là nhà sư trụ trì. Hai bên đều thầm nghĩ
thơ mình hay nhất, nhưng cách định giá chủ quan ấy không làm cho mối quan hệ
khó khăn nặng nề hơn, vì đã có một lối phân định ranh giới hợp lý: tôi thơ đời,
thầy thơ đạo. Trong thơ tôi nỗi thống khổ lên cao đến hết cung bậc. Trong thơ
thầy, nỗi đau chỉ là gió thoảng. Lối xác định rạch ròi ngay từ ban đầu giữa hai
thi sĩ không phải là ngẫu nhiên. Nó bắt nguồn từ Phật pháp. Khi Ðức Phật nhận
mình chỉ là người dẫn đường chứ không phải là đấng thiêng liêng cứu thế, và mỗi
người phải tự đốt đuốc soi tìm đường đi, thì nhà sư trụ trì không thể đứng trên
cao nhìn xuống cái thế gian nheo nhóc này mà thương xót được. Mỗi người đều tự
tạo nghiệp cho mình, và chỉ có mình chứ không có ai khác có thể cứu mình. Ðạo
Phật cũng không đòi hỏi mọi người phải chấp nhận những tín điều mình đưa ra như
những chân lý tuyệt đối bất khả tư nghị. Chính Ðức Phật cũng thường xuyên cảnh
giác Phật tử, khuyên họ không nên tin theo những điều chính mình cũng chưa hiểu
rõ, chưa thông suốt, kể cả những điều đã được người xưa truyền lại, ngay cả những
điều đã được ghi trong kinh sách. Tinh thần vô chấp của Ðạo Phật rất thích hợp
với khát vọng suy nghĩ và sáng tạo tự do của văn nghệ sĩ. Nhà thơ vào chùa thoải
mái, không bị ai chận cửa thu thẻ căn cước, khỏi phải rón rén bước đi vì kinh sợ
đấng thần linh, lỡ nói năng ba hoa quá lời cũng không sợ tội phạm thánh vì nhà
chùa không có thánh, và nếu không chịu được cuộc sống tu hành kham khổ phải rời
chùa, cũng không bị ai chê trách. Ðúng là chỗ an trú lý tưởng của các nhà thơ,
khi họ cần một chỗ trú. Vì thế Phạm Công Thiện là khách quí của khắp các chùa lớn
chùa nhỏ ở Việt Nam và ở hải ngoại. Nguyễn Tất Nhiên lái xe đến chùa trước khi
quyết định từ giã cõi đời. Và Bùi Giáng trong suốt cuộc chơi lớn với đời vẫn
xem chùa chiền là chỗ dừng nghỉ thoải mái.
Nói như thế, không có nghĩa là khi khổ đau các nhà thơ Việt
Nam chỉ tìm tới một địa chỉ: nhà chùa. Nói như thế không công bằng, khi ai
trong chúng ta cũng biết bài thơ tuyệt tác Eve Maria của Hàn Mặc Tử trong tập
Xuân Như Ý. Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: "Ðây là mùa xuân
trong tưởng tượng, một mùa xuân theo ý muốn của thi nhân, đầy rẫy những lời
kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng
ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ. Với Hàn Mặc Tử, thơ có một sự quan hệ phi
thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng đế mà cũng để nối người ta với Thượng
đế, để ban phước cho cả và thiên hạ". Rồi Hoài Thanh đưa ra nhận xét
chung: "Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo không có
gì giống như vậy". Hoài Thanh nói đúng. Hàn Mặc Tử là nhà thơ đầu tiên
mang không khí Phúc âm vào thi ca Việt Nam. Và cũng là lần đầu người đọc chứng
kiến một nhà thơ say sưa dâng trọn đời mình cho Ðức Tin:
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến
Lạy Bà là Ðấng tinh truyền thanh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế...
Giả dụ Hàn Mặc Tử sống cùng một thời một chỗ với một thi sĩ lớn
khác là Bùi Giáng. Trong khi Hàn Mặc Tử dọn mình tinh sạch để "dâng lời cảm
tạ phò nguy" lên Ðức Mẹ trong khung cảnh trang nghiêm thiêng liêng của
giáo đường, thì Bùi Giáng vung tay huơ chân đùa cợt với Thượng Ðế:
Hôm nay ông Thượng Ðế đề huề
Ngày mai cô độc mỏi mê linh hồn
Hôm nay Thượng Ðế ăn cơm
Ngày mai ông ăn cá cơn cơn cuộc tình
Hôm nay ông ăn nói đinh ninh
Ðàng hoàng rất mực tặng Na Quỳnh bài thơ...
Nhất định không ai cho Bùi Giáng được phạm thánh ở chỗ Hàn Mặc
Tử đang cầu nguyện, dù ông được mọi người cho rằng ông điên, khỏi phải chịu
trách nhiệm về những điều nói ra. Gọi Thượng Ðế bằng "ông" là một tội
lỗi không thể tha thứ được, chưa nói tới vụ bắt Thượng Ðế "ăn cơm, ăn cá,
cơn cơn cuộc tình" và sợ cô độc, y như Bùi Giáng vậy. Không ai có thể cao
hơn Ðấng Sáng Thế, kể cả các thi sĩ ngông cuồng tự xem mình là trích tiên như Lý
Bạch, Tản Ðà.
Không có thứ tài ba nào có thể ở ngoài sự xếp đặt của Ðấng
Sáng Thế, cho nên kiểu tự phong ngang xương mà đáng yêu của Bùi Giáng không có
chỗ trong giáo đường:
Làm thơ hay nhất trần đời
Cái điên cũng đến tuyệt vời cuồng điên
Cái khùng cũng vậy tuy nhiên
Cái tài hoa cũng muộn phiền lắm thay.
Bùi Giáng chỉ có thể đến nương náu nơi cửa chùa, vì Ðức Phật
chẳng những không cấm đoán mà còn khuyến khích cái quyền ngờ vực chân lý có sẵn.
Thơ Bùi Giáng bay lượn giữa thực và ảo, nghiêm chỉnh và bông đùa, phóng túng và
cổ điển nhờ ông tận hưởng được cái quyền tự do tìm kiếm chân lý và chọn kiểu sống
theo ý mình. Ngược lại, thơ Hàn Mặc Tử có giá trị trường cửu nhờ Ðức Tin nhiệt
thành của ông. Hai con đường vào thơ cũng là hai cách chọn chỗ an trú. Hai cách
chọn khởi điểm để sống trọn đời mình: biết ngờ, và biết tin.
Con đường vào thơ của Bùi Giáng dẫn tới cửa chùa
Nói cụ thể hơn, không có nhà xuất bản An Tiêm của Thanh Tuệ
thì bạn đọc không có cơ hội thấy hết được sự nghiệp thơ đồ sộ của Bùi Giáng.
"Cuộc chơi lớn" của Bùi Giáng không dễ tìm được một nhà xuất bản nào
chịu bỏ tiền ra in thơ cho ông, ngoài nhà An Tiêm. Có thể nói hầu hết những tác
phẩm quan trọng của Bùi Giáng (và cả Nguyễn Ðức Sơn) đều do anh Thanh Tuệ in,
dù nhà xuất bản biết không thể lấy lại vốn in đã bỏ ra. Dường như có một trùng
hợp may mắn cho văn chương miền Nam trước 1975: một nhà thơ lớn đẩy thơ vào một
cuộc chơi lớn, thì ngay lập tức cũng có một nhà xuất bản "chịu chơi"
có đôi mắt xanh sẵn sàng bỏ công bỏ sức ra in thành quả khác thường của cuộc
chơi ấy. Thời nào cũng vậy, bỏ tiền ra in thơ là một hành động đầy "thi vị".
Nhưng in thơ một cách trân trọng, trang nhã, mỹ thuật như anh Thanh Tuệ lúc đó
in cho Bùi Giáng, thì người đi tiếp cuộc hành trình của Bùi Giáng cũng phải có
tâm hồn của một nhà thơ lớn.
Phải, tôi tin chắc rằng anh Thanh Tuệ kiếp trước cũng là một
nhà thơ. Không, tôi lầm. Không cần phải đi ngược lên kiếp trước. Ngay trong kiếp
này, anh "đã là" một nhà thơ. Thi nghiệp của anh là An Tiêm. Mỗi quyển
sách anh in ra là một bài thơ, vì hầu hết đều rất đẹp. Rất trang nhã. An Tiêm
đã nâng tiêu chuẩn hình thức sách của miền Nam trước 1975 lên một mức cao hơn
trước đó rất nhiều, bắt buộc các nhà xuất bản khác phải chú trọng đến cách
trình bày bìa, cách chọn kiểu chữ, cách chọn màu giấy, cách bố trí trang...
Không phải là nói quá lời, nếu bảo An Tiêm là cái mốc cho trình độ của ngành xuất
bản ở miền Nam. Nói đến giá trị hình thức sách, phải nói đến phân ranh
"trước và sau An Tiêm".
Tôi chưa thấy ai mê sách đẹp cho bằng anh Thanh Tuệ. Rảnh lúc nào, anh dạo một vòng qua các hiệu sách. Anh dán mắt vào tủ kính trưng bày những cuốn mới xuất bản và vừa phát hành. Anh không quan tâm tới tên tác giả, và nội dung. Anh say sưa ngắm nghía cách nhà xuất bản chọn chữ cho nhan sách, màu bìa, phẩm chất giấy, cách bố cục hài hòa giữa màu sắc và hình ảnh... Cái đẹp của sách là cái nghiệp nặng làm trở ngại không ít cho cuộc đời tu hành của anh.
Mê sách đẹp và những tâm hồn rộng, cuộc chơi lớn, anh đứng đợi Bùi
Giáng vào lúc, vào chỗ thích hợp nhất, để hai người sóng vai thực hiện một cuộc
hành trình mới vào thơ. Anh Thanh Tuệ làm thơ theo cách của anh, chất liệu thơ
anh là những trang sách đẹp, và cái mới trong thơ anh là những quyết định in
thơ đầy táo bạo và thi vị.
Tôi chưa thấy ai mê sách đẹp cho bằng anh Thanh Tuệ. Rảnh lúc nào, anh dạo một vòng qua các hiệu sách. Anh dán mắt vào tủ kính trưng bày những cuốn mới xuất bản và vừa phát hành. Anh không quan tâm tới tên tác giả, và nội dung. Anh say sưa ngắm nghía cách nhà xuất bản chọn chữ cho nhan sách, màu bìa, phẩm chất giấy, cách bố cục hài hòa giữa màu sắc và hình ảnh... Cái đẹp của sách là cái nghiệp nặng làm trở ngại không ít cho cuộc đời tu hành của anh.
Hậu thế yên tâm thừa hưởng những thành quả của nghệ thuật, tưởng
nhớ và biết ơn những nghệ sĩ sáng tạo ra các thành quả ấy. Nhưng hậu thế cũng
thường bất công khi quên ơn những người có đôi mắt xanh biết trước mọi người những
viên ngọc nằm lẫn lộn trong đám cát bụi đất đá, những người bỏ công thu góp những
viên ngọc ấy rồi cặm cụi mài giũa, gắn kết lại thành những giá trị vĩnh cửu.
Với văn chương chữ nghĩa, họ là những người làm xuất bản như
anh Thanh Tuệ của nhà An Tiêm.
Nguyễn Mộng Giác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét