Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Đời lên tiếng và thơ lên đường

 Đời lên tiếng và thơ lên đường
(Đọc Tổ quốc nhìn từ biển, tập thơ của 
Nguyễn Việt Chiến, Nxb Phụ nữ, 2015)

Vẫn xác tín rằng mỗi thi sĩ bao giờ cũng thuộc về một điệu thức thơ nhất định tương hợp với bản thể trong mình, cho nên tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy dường như có “hai” Nguyễn Việt Chiến trong Tổ quốc nhìn từ biển. Một người thơ bi tráng đến độ, và một người thơ trữ tình thẳm sâu. Tác giả đang tự vấn, đồng thời, đặt ra cho người đọc những câu hỏi.
Khúc bi tráng - sự truy vấn của phẩm tính trung nghĩa
Mỗi người thơ có tiếng nói tự thân của mình, tùy theo vấn đề đang ngự trị trong tâm trí và tâm cảm. Khi số phận cá nhân bị thử thách, cái tôi cá thể sẽ lên tiếng, thơ sẽ tìm về để đối diện và nâng đỡ người viết. Và cũng như thế, khi vận mệnh cộng đồng - dân tộc bị thử thách, phẩm tính trung nghĩa sẽ lên tiếng, thơ sẽ đòi hỏi truy vấn người viết như một sự thôi thúc tự thân. Vậy nên, khi bạn lựa chọn cho thơ mình lối nhỏ dẫn vào vườn nhà, không có nghĩa người khác không được/nên lựa chọn cho thơ họ con đường ra phía cánh đồng quê hương. Lựa chọn thế nào không chỉ là do bẩm năng của mỗi tác giả, mà hơn nữa còn do thái độ và tâm thế của tác giả trước những cảnh huống của đời sống vốn bất định bất toàn đến khôn cùng.
Nguyễn Việt Chiến trong suốt chiều dài nghiệp viết của mình luôn kiên tâm trên hành trình đã lựa chọn khi nung nấu quan niệm: nỗi đau lớn sinh ra bài thơ lớn. Từ ý hướng ấy, ông dành phần nhiều tâm sức cho những đề tài lớn của đất nước và thời đại, và được biết đến như là nhà thơ của những bài thơ vạm vỡ, khí khái về Tổ quốc. Việc Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2016 cho tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định một giá trị thơ ca, mà còn như là sự ghi dấu trang trọng cho thành tựu của một dòng thơ mà không có nhiều nhà thơ đương thời có thể theo đuổi và thành công.
Tập thơ, đúng như tín hiệu từ nhan đề, bao trùm trong hình tượng Tổ quốc. Đất Tổ quốc chập chờn bóng giặc. Biển Tổ quốc chưa bao giờ yên ả. Đất nước là những người nằm trong đất, là hồn những văn nhân tiến sĩ hóa thân trong văn bia đêm đêm về nói chuyện văn hiến thăng trầm. Tổ quốc là tiếng mẹ, là cây lúa, là sóng mặn. Cha là Đất nước, mẹ là Quê hương... Tất cả chuỗi hình tượng đó ngầm gắn kết với nhau trong một cảm thức về sự nghèo khó, vất vả và những giằng co chao đảo của lịch sử tồn vong dân tộc. Tổ quốc trong tâm thức Nguyễn Việt Chiến là mẹ với tất cả mẫu tính khi nó mang chứa đức hi sinh, sự bao dung, nỗi đau, hạnh phúc, và tác giả trong tư cách một công dân luôn thấy mình là con với sự sám hối, đức hiếu nghĩa, lòng biết ơn, niềm tự hào, ý thức sinh tử.
Có thể, khởi nguồn đơn giản là những yêu thương: Tổ quốc là tiếng trẻ/ Đánh vần trên non cao/ Qua mưa ngàn, lũ quét/ Mắt đỏ hoe đồng dao (Tổ quốc là tiếng mẹ). Nhưng sâu thẳm, đó là những đau thương: Anh đã hóa cánh chim muôn dặm sóng/ Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ/ Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển/ Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa (Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra). Yêu thương và đau thương thường được nhà thơ quyện hòa khi kết nối quá khứ với hiện tại: Người mở đất đã đi về phía biển/ Nắng Hoàng Sa còn đau đáu cát vàng/ Người giữ đất đến từ ngàn năm trước/ Gió Trường Sa thổi từ thuở hồng hoang (Tổ quốc bên bờ biển cả). Nhưng rồi, bất luận những nỗ lực lí giải và thức nhận, nhà thơ hiểu rằng không ai có thể hiểu và nói về đất nước như lịch sử của chính nó: Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm/ người chép sử ngàn năm là bùn đất/ kiên trì và nhẫn nại/ máu của người là mực viết thời gian(Đất nước). Sở dĩ đây được coi như một trong những bài thơ hay nhất trong dòng thơ về đề tài đất nước của Nguyễn Việt Chiến có lẽ bởi sự nung nấu nhiệt thành để vươn đến tính hình tượng thẩm mỹ của nó. Nhà thơ không nói về Tổ quốc, mà nghĩ về Tổ quốc.

Đúng theo tinh thần của những người viết dấn thân và nhập cuộc khi thơ họ không bao giờ vắng mặt hay từ nan, Nguyễn Việt Chiến nhiệt thành cất lên tiếng nói từ sự thôi thúc của lương tâm, từ mệnh lệnh của tinh thần trách nhiệm, từ sự truy vấn của phẩm tính trung nghĩa. Nó như ba thanh điệu để hợp âm thành khúc bi tráng. Đó không phải thứ bi tráng mang tính võ biền, phô trương, mà bi tráng từ trong tâm thức, xuất phát từ nhận thức sâu sắc về xung đột giữa cái hiện diễn và lẽ phải. Như nhà thơ Jaroslav Seifert đã phân tích, một nền văn hóa chỉ hoàn chỉnh và trưởng thành khi trong đó có vị trí cho sự bi tráng, ta hiểu và cảm được cái bi tráng, và nhất là, ta có khả năng bi tráng (trong diễn từ Nobel văn học năm 1984). Hiểu theo nghĩa đó, bi tráng buộc/giúp con người phải hoàn thiện mình và lớn lên. Đứng trước những cảnh huống lịch sử của đất nước và dân tộc, thơ Nguyễn Việt Chiến đã vượt qua sự do dự nửa vời để dứt khoát lựa chọn thái độ, vượt qua sự thờ ơ hay sợ hãi để lên tiếng, và đặc biệt, vượt qua sự vị kỷ để nhận về trách nhiệm của kẻ dự phần. Đặt sang một bên những đòi hỏi về thẩm mỹ, trước hết, đó là một lựa chọn đáng trọng.
Khúc trữ tình - tiếng vọng trả lời của lòng yêu thương   

Ở một thái cực đối ứng chứ không đối lập, ẩn dưới sự bi tráng nhiệt thành, Nguyễn Việt Chiến lại lặn vào thẳm sâu trữ tình. Nhà thơ vẫn hồi âm những tiếng vọng đời sống, nhưng không phải bằng cách nói trực diện mạnh mẽ mà bằng sự da diết xoáy sâu vào tâm can. Ta gặp ở đây một cõi lòng với tất cả thành thật rung cảm nhân sinh từ trong bản vị. Đáng nói là, những rung cảm ấy thường trực trạng thái vượt lên mọi cô lẻ nhỏ bé của cá thể, tỏa lan níu giằng lấy cộng đồng của mình.

Dù trong danh vị nào đi nữa, nhà báo hay nhà thơ, Nguyễn Việt Chiến luôn ý thức về tư cách và chức phận của một con - người - công - dân. Lúc nào, ở đâu, trước những khuyết thiếu và góc tối của đời sống, Nguyễn Việt Chiến cũng đặt mình vào trách nhiệm tự nhiên tự nguyện của lòng yêu thương. Gặp được những điều đẹp đẽ ấm sáng, Nguyễn Việt Chiến luôn luôn hạnh phúc đón nhận như một bản năng. Ấy là cái nao lòng khi bức tranh xuân vụt hiện hồn tre trúc: Hội xuân hồn nhiên đến/ Như những đứa trẻ làng/ Cưỡi trâu trong giấy điệp/ Từ miền tre trúc sang (Về Cổ Loa). Ấy là thoáng mỉm lòng cảm nhận sự an hòa trong bảo tàng chiến tranh: Ở bảo tàng này/ xe tăng và đại bác là tù binh của trẻ em/ máy bay và tên lửa là tù binh của mùa xuân/ những tù binh tự nguyện (Bên bảo tàng chiến tranh). Ấy là sự nhức nhối lặng người trước tử sinh của những thân phận mà bản thân nhà thơ chưa quen biết. Đây những em bé ở Sen Đai - Nhật Bản sau thảm họa sóng thần. Kia những hành khách xấu số trên chuyến bay nghiệt ngã và định mệnh của chiếc MH17 bị bắn rơi. Ai cũng xót xa máu thịt, ai cũng mong manh hơi thở, bởi đều là thân kiếp hạn độ của con người mà thôi. Tiếng vĩ cầm cất lên trên mùa hoa anh đào/ khi ba mươi đứa trẻ ở một ngôi trường nhỏ/ sáu ngày sau thảm họa sóng thần/ vẫn chờ mẹ cha đến đón/ có tiếng vĩ cầm nào đến được với các con không? (Tiếng vĩ cầm ở Sen Đai). Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét/ Những đám mây nhuộm đỏ máu con người/ Cứ bay mãi trong vòm trời phẫn nộ/ Giữa hồn người đang sống chẳng yên nguôi (Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét).
Chất trữ tình, ngược lại với cái sục sôi và quyết liệt của sự bi tráng, nó lặng lẽ ẩn tàng những giá trị đã được cất nén, đem đến cho thơ Nguyễn Việt Chiến sự cân bằng và sâu lắng. Trầm sâu bên trong cái dáng vẻ đầy sức mạnh và khí chất đầy thôi thúc của sự bi tráng, chất trữ tình trong thơ Nguyễn Việt Chiến mang sắc điệu tĩnh lặng của suy tư. Dù sao đi chăng nữa, tôi vẫn cho rằng, đây mới đích thực là bẩm tính thi sĩ trong con người thơ này. Có điều, tất nhiên, thi sĩ thì ai cũng trữ tình. Nhưng cái khác làm nên chất trữ tình Nguyễn Việt Chiến là ở chỗ, ông luôn đặt cái bản thể của mình trong cái chung của thời cuộc, của đời sống, một cách tự nhiên tự nguyện và tha thiết nhất.
Nếu như bi tráng là tầm cao của ý chí thì trữ tình là tầm sâu của yêu thương. Một thái cực như là sự truy vấn thì thái cực kia như là câu trả lời. Bằng cách nhập thân để phân thân như thế, sự hòa kết trong cảm thức của tác giả đem lại cho Tổ quốc nhìn từ biển tính song trùng độc đáo mà chúng ta ít thấy trong thơ Việt Nam đương đại. Dĩ nhiên, tôi hiểu, Nguyễn Việt Chiến ý thức rất rõ rằng lối đi của mình cũng chỉ là một trong rất nhiều lựa chọn của đường thơ. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ông đã xác quyết lựa chọn:
Thưa mẹ
hôm nay bàn chuyện thơ đi
về đâu
trong con vẫn còn một chuyến tàu
ba mươi năm trước chưa trở về
phải chăng vì thế
những câu thơ bây giờ
vẫn phải lên đường làm
một cuộc ra đi
(Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ)
Hẳn nhà thơ đồng ý rằng, lựa chọn ấy với ông giống như câu trả lời, nhưng nó lại chính là câu hỏi với người đọc. Thơ đã cất tiếng hỏi. Ta có lên đường?
Làm thế nào để thực sự quyện hòa tư tưởng và tình cảm nhằm làm cho bài thơ trở thành một chỉnh thể nghệ thuật giàu sức thuyết phục? Đó dường như là đòi hỏi vẫn còn tiếp tục thách thức Nguyễn Việt Chiến. Có thể thấy, một số bài thơ trong Tổ quốc nhìn từ biển vẫn còn hơi lên gân trong giọng điệu, có những câu chữ còn dễ dãi khiến cho tính diễn giải lấn át tính hình tượng. Có lẽ tác giả hiểu rõ điều đó, nhưng phải chăng ông cũng rất hiểu rằng, trong sáng tạo, quá chỉn chu cầu toàn không hẳn lúc nào cũng là điều hay... 
 Phạm Văn Vũ
Theo http://vannghequandoi.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...