Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Khoảng lặng sống động nơi bản nhạc tâm

Khoảng lặng sống động nơi bản nhạc tâm 
Tâm chúng sanh 
và tâm của bậc giác ngộ?
Tâm của một chúng sanh không tu tập là tâm bị vây kín bởi tư tưởng, hết tư tưởng này đến tư tưởng khác, người xưa gọi là tâm viên ý mã (tâm như khỉ, ý như ngựa). Đứng về mặt nhận thức mê lầm, người bình thường chỉ thấy tâm mình hiện diện tương tục bởi các tư tưởng cho nên họ nhìn nhận có một cái tôi đại diện cho các khởi tưởng này là tâm.
Tâm của các bậc giác ngộ thì luôn hiện diện trong khoảng lặng sống động. Tâm thanh tịnh dù có ứng hiện bao nhiêu tư tưởng, nhận biết bao nhiêu hình tướng đi nữa thì biểu hiện của tâm cũng là giải thoát hay như kinh Duy Ma Cật nói: “Tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh”. Hoặc: “Hay khéo phân biệt các tướng mà nơi nghĩa Đệ nhất chẳng động”. 
Tâm của bậc giác ngộ chỉ có một vị giải thoát; tuy nhiên, nói giải thoát không có nghĩa là phủ nhận tất cả các tư tưởng, và các hình tướng; mà ngay khi khởi tưởng, khi có hình tướng, thay vì chấp nó thật có mà bị dính mắc vào thế giới sanh tử; bậc giác ngộ nhận biết nó là sự biểu hiện từ tâm giải thoát và nó chính là tâm giải thoát. Họ biết được như vậy vì họ luôn luôn sống bằng sự yên tĩnh sống động, hay tĩnh thức.
Tâm thanh tịnh, tâm rỗng rang và sáng tỏ, tâm này là tâm nền tảng, nó có sẵn cho dù chúng ta có mê hay ngộ. Người kinh nghiệm được tâm này trong tu hành của mình là nhận biết xưa nay tâm vốn thanh tịnh. Cho nên câu nói nổi tiếng của Lục Tổ Huệ Năng là: “Xưa nay không một vật” nhằm chỉ cho chúng ta thôi dứt đi những che chướng bất tịnh trong cái thấy mà nhận ra xưa nay tâm vốn thanh tịnh.
Chúng ta cả đời sinh ra và lớn lên hết dính mắc chuyện này đến dính mắc chuyện khác, chúng ta luôn luôn khổ đau, bất toại nguyện, chúng ta luôn luôn muốn mình thay đổi để trở thành một cái gì đó tốt hơn. Đớn đau thay chúng ta không biết rằng ngay tại đây và bây giờ chúng ta đang sống trong sự ứng hiện của tâm giải thoát. Chỉ cần nhận ra điều này thì mọi phiền não đau khổ của cuộc đời sanh tử tiêu vong theo sự lầm chấp hư vọng, tưởng rằng các tướng là có thật.
Để cho dễ cảm nhận, chúng ta phân tích khoảng lặng trong một bản nhạc nhằm có sự tiếp cận, thông hiểu trong một bản nhạc; rồi từ đó so sánh với tâm để có thể nhận ra khoảng lặng sống động của tâm.
Như thế nào là khoảng lặng?
Trong một bản nhạc thông thường được biểu hiện bằng những nốt nhạc và nốt lặng. Một nốt nhạc được biểu hiện hai mặt: một là âm thanh cao hay thấp của nốt nhạc; hai là trường canh, là khoảng thời gian mà âm thanh đó kéo dài bao lâu.
Nốt lặng nhằm biểu hiện không có âm thanh và thời gian diễn ra không có âm thanh này.
Như vậy một bản nhạc được phủ kín bởi các nốt nhạc và cả nốt lặng. Nhưng khi chúng ta chịu quan sát chúng ta sẽ thấy: nếu một nốt nhạc hay nhiều nốt nhạc có thể hiện diện bất kỳ là có một khoảng không gian thinh lặng làm nền tảng luôn luôn hiện hữu để dung chứa sự hiện diện này. Giống như hư không luôn luôn có mặt làm chỗ cho các hình tướng hiện ra. Khoảng lặng mà chúng ta muốn nói ở đây không phải là nốt lặng mà là sự tĩnh lặng cùng khắp luôn luôn hiện diện để dung chứa mọi âm thanh.
Như vậy sự tĩnh lặng luôn luôn có mặt, vì nó luôn luôn có mặt cho nên khi không có biểu hiện của nốt nhạc thì tĩnh lặng hiện diện và sự hiện diện như nó đã có trước này bao lâu chỉ khi có một nốt nhạc khác chiếm chỗ;  và sự tĩnh lặng lại bị che khuất bởi âm thanh.
Thế nào là khoảng lặng sống động?
Tâm của chúng ta cũng diễn ra tương đồng như một bản nhạc. Tư tưởng là những nốt nhạc, sự tĩnh lặng của tâm hay tâm an định được coi là nốt lặng, khoảng lặng. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn ở đây. Sự thinh lặng ở khoảng lặng của một nốt nhạc là yên lặng chết. So với sự sống động của âm thanh thì khoảng lặng của một nốt nhạc là sự dừng dứt âm thanh.
Với tâm chúng ta, sự tĩnh lặng không phải là một sự dừng dứt tư tưởng không thôi, mà là một trạng thái dừng dứt tâm tạo tác, nhưng sáng tỏ, sống động. “Im lặng sấm sét” (Mặc như lôi). Cho nên tĩnh lặng khác với tỉnh lặng.
Một tĩnh lặng diễn tả sự diệt dứt của tư tưởng. Và một Tỉnh lặng khác: có sức sống, diễn tả cũng sự dừng dứt của tư tưởng nhưng trở về cái thấy sống động giải thoát. Đây là bước đầu của nhận biết mà Lục Tổ dạy “Nhất niệm tương ưng, niệm niệm tương ưng”. Chúng ta phải thể nghiệm một niệm này trong cái thấy của mình. Và niệm niệm thấy nó.
Khi đã nhận ra khoảng lặng sống động này rồi nếu an trú trong nó, tâm sẽ có khởi tưởng, tức là một nốt nhạc khác sẽ chiếm chỗ khoảng thinh lặng. Nhưng chúng ta đã nói ở trước rồi, với tâm thì có khác, tâm tỉnh lặng luôn luôn có sự sáng suốt sống động cho nên dù tư tưởng có khởi sanh bao nhiêu đi nữa với người sống được trong khoảng lặng sống động sẽ nhận thấy tư tưởng cũng không ngoài khoảng lặng sống động. Tất cả chỉ là một Tâm, tất cả chỉ là sự tĩnh lặng sống động. Tất cả không ngoài tỉnh lặng sống động.
Ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thayé (1813 - 1899) dạy về Cái Thấy và Thiền Định Đại Toàn Thiện:
“Sự nhận biết hiện tại thì trống rỗng, rộng mở và sáng tỏ; nó không phải là vật chất cụ thể, nhưng cũng không phải là không có gì cả.
Trống rỗng, nhưng hoàn toàn nhận biết, sáng tỏ, tỉnh thức.
Giống như, thật kỳ diệu, không bởi cố gắng để nó trở nên nhận biết, mà là nhận biết tự có, sự nhận biết liên tục hoạt động.”
Cuối cùng chúng ta tu hành chỉ là tu hành sự nhận biết này, chúng ta phải nhận biết nó nơi tâm chúng ta và hộ trì nó. Khi thực hành tịnh hóa tâm thức tương đối đủ bằng cách: ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, Trì chú, lễ lạy, cúng dường, bố thí, giữ giới… qua giai đoạn tịnh hóa tâm thức để tâm xao động tương tục khởi diệt tưởng chừng không có một khe hở giữa niệm trước và niệm sau, cho đến khi tâm tương đối được tịnh hóa, chúng ta quan sát sẽ nhận ra được khoảng lặng sống động này của tâm.
Bước kế tiếp phải thực tập để thường xuyên nhận ra cái thấy này. Tương tục trong nó. Tốt nhất là được dẫn dắt của một vị thầy, phải biết khả năng của mình trong đời sống cái gì là vượt trội, thuần thục nhất, chúng ta dấn thân vào để thực hành hạnh bồ tát trong sở trường đó. Đây là đem cái thấy đã nhận biết đi vào cuộc đời. Theo Đại Toàn Thiện là chúng ta thực hành: cái thấy, thiền định, hạnh và quả.
Tháng 11/2016 
Tánh Hải
Theo http://thientrithuc.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...