Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Mây vẫn còn bay

Mây vẫn còn bay 
Ngọc Tuyền bước dọc theo bờ biển Santa Monica* chầm chậm đi về hướng vắng người, để lại những dấu ấn rời rạc của bàn chân trên nền cát trắng. Những cơn sóng từ ngoài xa xô dạt vào bờ mang theo chút hơi mát lạnh của biển khơi, những hàng Queen Palms quanh bờ biển cao thẳng tắp, ngất ngưỡng, ngã nghiêng theo chiều gió lộng, bầu trời xanh thẳm với nhiều mây trắng đang lững lờ bay ngang. Nhìn sóng nước, biển khơi, mây trời… Tuyền chợt thấy lòng bâng khuâng xúc cảm, nàng nhận thấy phong cảnh nơi đây gần giống như bờ biển Nha Trang ngày nào. Ôi, Nha Trang, Nha Trang! Cái tên nghe sao thân thiết quá! Nha Trang không phải là quê của Tuyền, là quê hương của chàng. Dù Tuyền chỉ đến đó vài lần nhưng nàng thương mến nó vô cùng vì đó là vùng trời ngọt ngào trong ký ức.
Mới đó mà đã mấy mươi năm rồi, thời gian trôi nhanh quá. Kỷ niệm ngày xưa tưởng đã xóa mờ theo cơn sóng trùng dương trôi xa ngoài muôn trùng hải lý, tưởng đã nhạt phai như mái tóc xanh ngày nào giờ đã nhuốm màu sương bụi trắng, tưởng đã lịm tắt theo tuổi xuân tàn úa của Tuyền…nhưng sao vẫn còn đây những trăn trở mãi không nguôi. Kỷ niệm ơi, sao nhớ nhung chất ngất, sao lưu luyến vô vàn, sao nỗi buồn cứ mãi dâng ngập trong hồn. Nha Trang ơi! Nơi ấy bây giờ ra sao? Có gì thay đổi không? Có còn những đôi tình nhân ngồi bên nhau trên bờ biển ngắm mây bay, ngắm ánh tà huy nhạt nhòa trong chiều vắng? Hoặc ngắm trăng treo giữa đỉnh trời rộng mà mơ ước chuyện tương lai như tôi và chàng ngày ấy không?
Lần đó là lần thứ hai Tuyền ra Nha Trang thăm Bác Năm. Lúc nhỏ Tuyền đã đi với ông Nội một lần nhưng cô không nhớ gì cả, lần nầy Tuyền nhất định sẽ đi thăm hết các thắng cảnh của Nha Trang cho thỏa lòng mơ ước về một vùng biển xanh bát ngát.
Chiều hôm ấy Tuyền lang thang một mình ra bờ biển để ngắm hoàng hôn trên biển. Tuyền ngây ngất đê mê trong khung cảnh tuyệt vời đó. Ráng chiều đỏ rực phản chiếu trên mặt biển chập chờn, lung linh màu hổ phách, những đợt sóng xô đuổi nhau làm nước văng tung tóe lấp lánh như những hạt kim cương đang khiêu vũ. Không khí trong lành, mát mẻ, biển mênh mông, ngút ngàn xa thẳm, bờ cát mịn thoai thoải chạy dài quyến rũ. Xa xa cầu Xóm Bóng mờ mờ qua làn khói sóng, thấp thoáng những cánh buồm trắng của thuyền đánh cá, thuyền chài, thuyền câu lênh đênh ngoài khơi đang rủ nhau về bến. Tuyền cảm thấy mình ngập chìm trong tuyệt tác của thiên nhiên, không bút họa nào diễn tả hết nét đẹp của biển Nha Trang lúc hoàng hôn buông xuống.
Tuyền đi dần xuống mé biển, một cơn gió mạnh chợt thổi qua làm chiếc khăn choàng cổ bằng tơ của Tuyền vụt tung bay ra mặt nước. Không kịp suy nghĩ Tuyền lao theo chiếc khăn định lấy lại vì sợ bị mất. Thình lình một bàn tay cứng rắn nắm cô lại và la lớn:
– Cô làm gì thế? Coi chừng té xuống biển đó.
Tuyền trả lời ngay mà không quay nhìn lại:
– Tôi phải lấy lại cái khăn choàng.
 Được rồi, cô đứng đây để tôi lấy giúp cô.
Lúc bấy giờ Tuyền quay nhìn lại thì ra là một thanh niên, cô nói:
– Vâng, nhờ ông giúp giùm tôi.
Người thanh niên bước mấy bước tới mặt nước chộp được chiếc khăn đưa đến cho Tuyền, cô vui mừng cảm tạ:
– Cám ơn ông nhiều lắm. Đây là quà của anh họ tôi bên Pháp gửi về nên tôi rất quý nó.
Người thanh niên đưa tay sờ lên càm mình rồi khôi hài:
– Tôi đâu có râu mà sao cô kêu tôi bằng “ông” ?
– Dạ, đó là phép lịch sự mà. Nhưng nếu ông không thích thì tôi sẽ gọi bằng…anh vậy.
Anh ta cười:
– Như thế sẽ dễ nghe hơn và tôi cũng không buồn vì nghĩ mình đã thành…ông lão rồi.
Tuyền cũng cười theo anh và nhìn anh kỹ hơn. Đó là một thanh niên khoảng 24-25 tuổi, da ngâm ngâm, cao gầy, tóc cắt ngắn, trán rộng. Anh có đôi mắt thật đẹp mang một nét buồn u ẩn, mênh mông xa vắng, dễ thu hút người đối diện.
Anh hỏi Tuyền:
– Cô làm gì ở đây một mình vậy? Nhà cô gần đây không?
– Tôi thích một mình đi ngắm cảnh trời chiều trên biển. Tôi ra đây thăm bác tôi thôi. Quê tôi ở tận miền Tây, chắc anh là dân ở đây?
Anh gật đầu:
– Vâng! Cha mẹ tôi ở tại thành phố nầy, nhưng tôi đi lính hiện đang đóng quân ở Long Xuyên. Tôi tên Thuần Phong, xin được biết tên cô và cô ở tỉnh nào?
– Dạ tôi tên Ngọc Tuyền, tôi ở tỉnh Phong Dinh.
– Ồ! Phong Dinh là Cần Thơ mà. Tôi ở gần cô lắm, chúng ta cùng ở vùng 4 đó.
– Tôi biết Long Xuyên tức là tỉnh An Giang. Tôi có học trường Thoại Ngọc Hầu hai năm trước khi về trường Đoàn Thị Điểm.
Anh reo lên:
– Thì ra mình có…họ hàng với nhau.
– Cái anh nầy, ai họ hàng với anh chứ.
– Thì mình ở hai tỉnh kế nhau, giờ gặp mặt ở đây coi như mình cũng có duyên .
– Anh nói …có duyên gì?
Anh cười phì:
– Kết bạn bè cũng là duyên đó cô.
Tuyền nhún vai:
– Sao anh biết tôi sẽ chịu kết bạn với anh?
Anh vẫn cười:
– Tôi nghĩ một cô gái có gương mặt hiền lành như cô chắc không hẹp lượng mà chê bỏ một người bạn như tôi đâu.
– Anh tự tin như vậy sao?
– Tôi không tự tin nhưng tôi…tin cô.
Tuyền chỉ biết lắc đầu nhìn anh. Anh nói:
– Tôi là lính đánh giặc, ít có thì giờ nên làm gì cũng vội vã, lúc nào cũng vội vàng. Mong cô thông cảm. À, nhà bác cô ở đường nào?
– Dạ, đường Phan Bội Châu số…
Phong bỗng tỏ ra thân mật với Tuyền:
– Trời sắp tối rồi, để tôi đưa cô về nhé!
– Thôi khỏi, cám ơn anh.
– Vậy để ngày mai tôi đến thăm Tuyền.
Tuyền lắc đầu:
– Ý, không được đâu, bác tôi không thích. Tôi cũng không muốn bị rầy.
Phong nhìn chăm chăm vàoTuyền rồi nói:
– Cô đã bao nhiêu tuổi rồi mà bác ấy khó khăn với cô như thế?
Tuyền phân trần:
– Các cụ là vậy mà. Thôi anh về đi, dù sao tôi cũng rất cám ơn anh.
– Vâng! Chào cô.
Nói xong anh quay gót bước đi. Tuyền cũng lửng thửng theo lối cũ trở về.
Đêm dần xuống, không gian nhạt nhòa, chập choạng, gió ngoài khơi thổi về mang chút nồng nàn của mùi biển mặn. Hàng lá bên đường trổi giọng rì rào, xào xạt hòa cùng tiếng sóng ru buồn của biển, âm vang như một cung nhạc tình cổ điển. Tuyền chợt thấy lòng lâng lâng cảm xúc, không biết có phải vì bãi biển chiều nay thơ mộng quá hay vì đôi mắt u ẩn buồn của chàng trai xa lạ lần đầu tiên gặp gỡ?
Hôm sau Phong đến nhà Tuyền thật sớm. May mắn cho Tuyền vì cả nhà Bác Năm vừa đi vắng chỉ có bà vú ở nhà thôi. Phong khẩn khoản muốn được làm hướng dẫn viên đưa Tuyền đi xem phong cảnh của quê hương chàng. Sau một lúc đắn đo và vì nóng lòng muốn chiêm ngưỡng thắng cảnh của miền thùy dương cát trắng nầy nên cuối cùng Tuyền đã nhận lời Phong. Phong đưa Tuyền đi khắp nơi bằng xe Honda, qua từng con đường, từng khu phố và các thắng cảnh. Nào là cầu Xóm Bóng, cầu Hara, đồi Lasan, tháp bà Ponagar, bồn binh Quang Trung, cảng cá… đặc biệt là pho tượng Phật trắng nổi bật trên một đỉnh cao. Phong cho biết ở đây còn có Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân, Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân và Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Anh luôn miệng giới thiệu, giải thích cho Tuyền nghe về nguồn gốc, về đặc điểm của từng nơi, từng chỗ. Sau cùng chàng đưa Tuyền đến một bãi biển có nhiều hòn đá lỏm chỏm, quang cảnh ở đây êm đềm, trầm mặc. Họ ngồi trên mỏm đá nhìn biển khơi đang dậy từng cơn sóng nhỏ. Phong kể cho Tuyền nghe về tuổi trẻ, về cuộc đời của chàng. Phong đã lớn lên và sống êm đềm bên bờ biển Nha Trang với những hàng dừa xanh biếc, với gió biển lồng lộng bốn mùa, với những con sóng nhấp nhô quen thuộc. Chàng có một gia đình hạnh phúc: cha là công chức, mẹ hiền thục đảm đang, hai anh em trai và một chị gái. Tuyền cũng cho Phong biết nàng có một cuộc sống thật bình yên, trầm lặng bên bờ sông Hậu, dù cha mất sớm, mẹ một thân nuôi bốn người con gồm một anh trai, một em gái và một em trai nhỏ.
Phong cho biết hai ngày nữa anh phải trở về đơn vị. Thật trùng hợp vì ngày đó Tuyền cũng phải về nhà. Phong nói:
– Tôi có nhờ một người bạn Không Quân gửi tôi đi về Sàigòn bằng máy bay quân sự. Nếu Tuyền đồng ý tôi sẽ nhờ xin thêm một chỗ để cô cùng đi cho đỡ vất vả.
Tuyền mừng rỡ:
– Ố, nếu được như vậy thì tốt quá vì Tuyền cũng ngại đi xe đò đường xa lắm. Nhưng liệu có xin được chỗ không anh?
Phong gật đầu:
– Tôi nghĩ có lẽ được thôi. Chiều mai tôi trả lời cho Tuyền biết nhé!
Trời đang vào buổi trưa nhưng không gian mát dịu, gió thổi về từ ngoài khơi lồng lộng, trên cao mây trắng bồng bềnh bay ngang hờ hững. Phong ngước nhìn thật lâu những áng mây trôi trên trời với vẻ mặt say mê, anh nói:
– Tôi rất thích những áng mây kia, tôi muốn được bay như chúng để đi khắp cùng trời cuối đất. Tôi ngưỡng mộ chúng vì chúng rất an nhiên tự tại, không vướng bận ưu phiền, không quan tâm những gì xảy ra chung quanh. Chúng có thể bay đến bất cứ nơi nào chúng muốn, còn chúng ta …nhiều lúc tôi cảm thấy như mình bị đóng trong một cái khung nhỏ hẹp, muốn vùng vẩy, muốn thoát ra những ràng buột đó nhưng đành bất lực. Tuy nhiên tôi vẫn biết tôi còn trách nhiệm, bổn phận của người trai thời loạn nên không thể làm gì hơn.
Tuyền nhìn Phong thông cảm:
– Tâm sự của anh mới nghe qua có vẻ phức tạp nhưng thật sự không có gì khó hiểu. Tôi cũng biết tuổi trẻ của chúng ta có nhiều hoài vọng, ước mơ, muốn bay nhảy trong thế giới mộng tưởng của mình. Nhưng hoàn cảnh của những người trai như anh, những người trai trót sinh ra trong cuộc chiến nầy chỉ có một con đường đi mà thôi, đó là…
– Là tiến lên phía trước, hô to “xung phong” và bóp cò súng phải không cô?
– Anh nầy thật là…
– Thôi bỏ qua chuyện đó đi. Chúng ta nói chuyện khác vui hơn. Tuyền định học ngành nào khi vào Đại Học?
Tuyền nhìn Phong nhỏ giọng:
– Thật lòng Tuyền muốn học về Báo Chí. Nếu là con trai Tuyền muốn làm Phóng Viên Chiến Trường, nhưng tiếc thay Tuyền chỉ là con gái. Có lẽ Tuyền sẽ thi vào Đại Học Sư Phạm cho an phận một đời thôi.
– Sao Tuyền bi quan và chán nản như vậy? Phải phấn đấu để đạt được mộng tưởng chứ. Hoàn cảnh của cô khác hơn tôi mà.
– Nhưng có nhiều lúc “lực bất tòng tâm” anh ạ!
Cả hai cùng cười, sau đó họ lặng yên không nói gì nữa. Phong nhìn mặt biển xanh đang nhấp nhô từng cơn sóng bạc ngoài xa bỗng dưng anh cao hứng cất tiếng hát nho nhỏ. Giọng trầm ấm, tha thiết lẫn nồng nàn, Tuyền nhắm mắt lại để tâm hồn hòa theo lời hát của Phong:
“ Nha Trang ngày về.
Mình tôi trên bãi khuya.
Tôi đi vào thương nhớ.
Tôi đi tìm cơn gió.
Tôi xây lại mộng mơ năm nào.
Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau…”
Phong đã dứt bài hát mà Tuyền vẫn còn nhắm mắt, còn đang thả hồn theo giọng ca buồn vời vợi của chàng. Phong nhìn Tuyền mỉm cười nói:
– Thôi mở mắt ra đi cô bé. Đang giữa trưa nắng mà mộng du hay sao?
Tuyền mở mắt ra bẻn lẻn:
– Tại anh hát hay quá nên Tuyền nhắm mắt để thưởng thức. Đó cũng là thói quen của Tuyền.
Phong nhìn mái tóc Tuyền đang tung bay trong gió rồi mỉm cười giải thích:
– Tôi rất thích bài hát đó. Mỗi lần về lại Nha Trang tôi thường nghêu ngao hát chớ không phải là tâm sự của tôi đâu, bởi vì…tôi không có người yêu.
Tuyền nhìn vào mắt Phong trề môi:
– Hỏng dám tin đâu. Cở tuổi anh mà chưa có bồ thì chỉ có ma tin anh.
– Tôi nói thật mà. Có một lần đổ vỡ nhưng lâu rồi, tôi đã quên mất. Bây giờ tôi đang đi tìm đây, không biết “ai đó” có cho tôi cơ hội không?
Tuyền quay mặt lầm bầm:
– Anh nầy kỳ chưa. Ăn thua gì đến tôi chứ?
Nhìn vẻ thẹn thùng của Tuyền, Phong lắc đầu mỉm cười.
Rồi sực nhớ ra Tuyền bảo Phong:
– Thôi anh cho Tuyền về, sợ đi lâu quá bác biết không tốt. À, anh nhớ xin chỗ máy bay cho Tuyền về Sàigòn với nhé!
– Chuyện đó tôi lo được, Tuyền yên tâm đi.
Hai người chia tay trở về nhà. Trời vẫn đẹp, nắng chan hoà nhảy múa trên cỏ cây hoa lá, ngoài kia đàn chim hải âu xoãi cánh bay lượn là đà trên sóng nước. Tuyền thấy lòng hân hoan như nhìn thấy mùa Xuân vừa chợt đến.
Hai hôm sau Tuyền từ giã gia đình bác Năm để trở về Sàigòn trên chuyến bay quân sự cùng Phong. Bắt đầu từ giây phút đó Tuyền và Phong trở nên thân thiết như bạn bè lâu ngày. Phong chăm sóc, lo lắng cho Tuyền thật chu đáo khiến cô vô cùng cảm động.
Đến Sàigòn Phong đưa Tuyền tới một tiệm ăn trước khi ra bến xe. Tuyền như đứa trẻ con không ý kiến, không phản kháng, riu ríu theo Phong ra xa cảng Miền Tây để mua hai vé xe: một về Cần Thơ cho Tuyền, một về An Giang cho Phong. Rồi họ từ giã nhau mỗi người đi mỗi ngã. Phong hứa sẽ đến thăm Tuyền khi có dịp.
Tuyền về nhà hai hôm sau nàng nhận được một điện tín của Phong:
“ Anh về đến nơi bình yên nhưng có lệnh đi hành quân. Khi nào trở về anh sẽ báo tin cho Tuyền rõ. Đừng lo cho anh, ráng học hành và giữ gìn sức khỏe. Anh Phong.”
Tuyền chợt nghe xao xuyến trong lòng. Bỗng dưng anh thành quen thuộc, gần gủi với nàng vậy sao? Không ai nói lời nào tha thiết mà hình như họ đã thiết tha với nhau rồi. Ôi! Chuyện đời khó đoán! Là “tiếng sét ái tình” chăng? Không đâu, sao lại nhanh như thế. Tuyền thắc mắc trong lòng, không tìm ra câu giải đáp.
Rồi mùa nhập học đến, Tuyền không được vui vẻ như những năm trước vì bạn bè tản mác khắp các phân khoa, chỉ còn được ba đứa bạn thân cùng chung lớp. Bù đắp vào sự buồn tẻ đó thỉnh thoảng Tuyền nhận được thư Phong với những lời thân ái, thiết tha, trìu mến. Tuyền chấp nhận Phong như một người bạn chân thành, một người bạn tri âm. Phong đi hành quân liên tục, hết nơi nầy đến nơi khác, lặn lội trong khói lửa, súng đạn ngập trời, hiểm nguy không lường. Tuyền thấy thương mến và cảm phục anh cũng như những người lính Việt Nam Cộng Hòa ngày đêm chiến đấu cho lý tưởng tự do dân tộc, đang bảo tồn, gìn giữ từng ngọn cây, tấc đất, con sông, bờ suối của quê cha đất tổ.
Tuyền có một người chú đang làm việc tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4. Tuyền tìm đến chú để hỏi thăm về Sư Đoàn 9 Bộ Binh của Phong. Chú Bảo cười nói với Tuyền:
– Chú đã nói rồi, đừng dại dột như cô của cháu, lấy chồng lính rồi khóc ngày, khóc đêm mỗi khi chồng đi đánh trận. Cháu mới quen mà đã lo lắng cho người ta như vậy, nếu sau nầy thành chồng vợ thì còn khổ tâm hơn.
– Chú nói gì kỳ vậy? Cháu hỏi cho biết thôi, anh ấy không phải là bồ của cháu đâu.
Chú Bảo cười lớn:
– Chú của cháu đã qua thời kỳ đó rồi, cháu không qua mắt được chú đâu. Thôi được rồi, chú sẽ nói sơ sơ về Sư Đoàn 9 Bộ Binh cho cháu nghe nhé!
“Sư Đoàn 9BB được thành lập vào đầu năm 1962 ở Qui Nhơn thuộc vùng 2 và năm 63 thì di chuyển về Sa Đéc vùng 4. Sư Đoàn 9BB chịu trách nhiệm trong khu vực các tỉnh: Vĩnh Long, Vĩnh Bình, An Giang, Sa Đéc. Các Trung Đoàn 14, 15, 16 chiến đấu rất anh dũng, kiên cường trên các trận địa. Chiến thắng mang lại vẻ vang cho Sư Đoàn 9 BB là những cuộc hành quân Phi Long, đặc biệt tại vùng Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt nằm sát biên giới Miên-Việt. Sư Đoàn 9BB là một trong những đơn vị đem quân đánh tận ổ Cộng Quân ngay trên xứ Chùa Tháp (Kampuchia). Từ sau năm 1970 Sư Đoàn trở thành lực lượng cơ động nồng cốt của Quân Đoàn 4, sẵn sàng yểm trợ bất cứ nơi nào trong lãnh thổ Quân Khu 4. Sư Đoàn được mệnh danh là Sư Đoàn Mũi Thép ( huy hiệu của Sư Đoàn là số 9 với hai màu xanh, đỏ và hình mũi tên)…và còn nhiều chiến công khác chú không nhớ hết. Đó, cháu có thấy hãnh diện vì bạn trai mình đang phục vụ cho Sư Đoàn 9 BB không?”
– Chú chọc cháu rồi. Cám ơn chú nhiều lắm. Từ hôm nay cháu có thể khoe với bạn bè là mình biết ít nhiều về Sư Đoàn 9BB.
Tuyền chào chú ra về lòng thấy hân hoan và hãnh diện vì Phong.
Một buổi chiều cuối Đông, không gian u buồn hiu hắt, mây xám giăng giăng trên bầu trời, lá vàng rơi ngập lối đi, từng cơn gió nhẹ lướt qua làm môi khô se sắt, làm tâm hồn của cô gái đôi mươi thấy cô đơn giá lạnh. Tuyền chợt nhớ đến Phong, vậy mà đã hơn một năm quen nhau rồi, nàng nhớ đến đôi mắt buồn mênh mông xa vắng của anh, nhớ đến giọng ca trầm trầm nồng ấm, nhớ đến nụ cười thân ái và cái nhìn dịu dàng anh dành cho Tuyền.
Chợt có bóng người thấp thoáng ngoài cổng,Tuyền bước ra xem, nàng bỗng giật mình kinh ngạc vì Phong đang đứng sừng sững trước mặt nàng. Không giấu được nỗi vui mừng Tuyền reo lên:
– A, anh Phong. Sao anh tìm được nhà Tuyền? Sao anh về đây được vậy?
Phong mỉm cười:
– Cho anh vào nhà trước đã. Anh đang mỏi chân quá rồi đây.
Vào nhà, Phong nhìn quanh và nói:
– Anh về đây công tác vài ngày. Không có ai ở nhà sao em?
– Dạ, mẹ em đi chùa tụng kinh tới khuya mới về, hai em của em thì tới nhà bạn chơi, anh trai em đi lính ở xa. À, về đây anh ở đâu? Anh ăn cơm chưa? Để em dọn cơm cho anh ăn nhé!
Phong gật đầu:
– Vậy cũng tốt, anh đang đói đây. Anh định sau khi gặp em sẽ ra tiệm cơm ăn. Anh sẽ ở tạm trong Câu Lạc Bộ Sĩ Quan.
Tuyền dọn cơm cho Phong. Bữa cơm đơn sơ, đạm bạc chỉ có tô canh chua cá lóc và một dĩa tôm rim mặn, nhưng Phong ăn một cách ngon lành. Tuyền nhìn Phong ái ngại:
– Em không biết anh đến nên không làm món ngon đãi anh.
– Như vầy là quý lắm rồi em. Anh là lính mà, ăn gì cũng được. Vả lại đồ ăn em làm rất ngon đối với anh.
Tuyền cảm thấy như mình là một người vợ đang lo bữa cơm cho chồng, nghĩ như vậy nên nàng thẹn thùng, đỏ mặt. Phong nhìn thấy nên hỏi:
– Em làm sao vậy?
– Không có gì đâu anh.
Phong cười, tiếp tục ăn, nét mặt vô cùng hớn hở, chắc không phải vì bữa cơm mà vì một nguyên do nào khác.
Sau bữa cơm Phong bảo Tuyền:
– Mẹ em đi chùa về khuya vậy em đi với anh tới Câu Lạc Bộ Sĩ Quan, anh cất hành lý rồi mình ra Hội Quán phía trước uống cà phê, nghe nhạc. Sẵn đó mình nói chuyện với nhau, được không em?
– Nhưng…em chưa xin phép mẹ.
Phong gãi đầu ra chiều suy nghĩ rồi chậm rãi nói:
– Tuyền à, anh biết em ngại đi chơi với anh. Em có biết tại sao một đứa con trai phải tốn nhiều tâm huyết, dành bao nhiêu sự lo lắng, quan tâm đến một người con gái không? Một người lính như anh chắc không có nhiều thì giờ làm như vậy với bất cứ ai đâu, chỉ có với người anh thật lòng yêu mến, quý trọng mới như vậy thôi, em có hiểu không Tuyền?
Vừa nói Phong vừa tiến đến nắm chặt tay Tuyền và hôn lên trán nàng khiến Tuyền bàng hoàng, ngỡ ngàng…tay nàng run lên trong tay Phong, mặt nàng nóng bừng bừng vì đây là lần đầu có người con trai tỏ tình đường đột với nàng như vậy. Qua phút giây xúc động Phong nói nhẹ như hơi thở:
– Anh yêu em Tuyền ạ! Chắc em cũng thừa biết điều đó rồi. Với hơn một năm quen biết, tìm hiểu nhau chắc không gọi là hấp tấp phải không em? Những cuộc tình thời chinh chiến là vậy, chúng ta không có nhiều thời gian gần gủi nhau nhưng chúng ta cảm nhận được sự chân thành của đối phương là đủ.
Tuyền không biết nói gì, chỉ mở to mắt nhìn anh ngơ ngác. Phong ôm Tuyền vào lòng và cười nói:
– Làm gì mà ngơ ngẩn vậy cô bé.
Tuyền nép đầu vào ngực Phong, lòng ngập tràn hạnh phúc.Từ giây phút nầy Tuyền biết mình đã có một người trong tim và sẽ cùng chia xẻ vui, buồn với người đó trong suốt đoạn đường tương lai.
Phong đưa Tuyền về Câu Lạc Bộ, sau khi chàng cất hành lý họ cùng ra Hội Quán tìm nước uống và nghe ca nhạc. Ở đây lúc nào cũng đông khách, đó là những người lính chiến, những cặp tình nhân trẻ đến để tâm sự, để tìm khuây khỏa nỗi buồn, niềm đau khi chiến tranh đang bao trùm sông núi. Phong và Tuyền ngồi ở một bàn trong góc phòng mờ khuất. Tuyền nhìn khuôn mặt đậm màu sương gió của Phong mờ mờ, lung linh dưới ánh đèn, đôi mắt chàng buồn diệu vợi làm tê tái hồn cô. Phong đưa tay vuốt nhẹ những sợi tóc lòa xoà trên vầng trán ngây thơ dễ thương của Tuyền và hỏi:
– Nghĩ ngợi gì vậy cô bé? Có muốn ra nhảy với anh một bản không?
– Dạ…cũng được.
Phong dìu Tuyền ra sàn nhảy trong ánh sáng mờ nhạt của đèn, trong điệu nhạc rưng rưng sầu hòa cùng giọng ca lê thê buốt giá của người ca sĩ nghe buồn như cơn gió chiều lướt trên sông vắng:
“ Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa. Cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ…
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau, ôi sao nghìn trùng mãi xa nhau, hay ta còn hẹn nhau kiếp nào? Em ở đâu? Anh ở đâu? Có nghe mưa sầu buồn đen mắt sâu…”**
Vòng tay Phong ôm chặt lấy Tuyền, nàng nghe hơi thở nhè nhẹ của chàng trên tóc mình, Tuyền ngước nhìn Phong, đôi mắt chàng như chất chứa một trời sầu muôn thuở, đôi mắt nầy sẽ làm nàng nhung nhớ mãi không vơi. Lời Phong nhẹ như gió:
– Tại sao cuộc tình nào cũng lắm đau thương thế? Anh mơ ước một mối tình trọn vẹn bên người anh yêu mến.
Nói xong Phong cúi xuống hôn nhẹ lên môi Tuyền, nàng quay mặt thẹn thùng nhưng ứa lệ vì cảm động. Tuyền biết rằng từ nay những giọt nước mắt nầy sẽ còn tuôn chảy nữa.
Phong đưa Tuyền về, đêm xuống lâu rồi đường khuya im lìm hiu hắt, sương giăng mờ trên thành phố. Đêm bao trùm vạn vật, đêm ru giấc bình yên cho muôn người trừ hai kẻ yêu nhau đang lang thang dưới trời Đông giá lạnh. Đêm nay Tuyền biết rằng mẹ đang lo lắng và giận dữ đứa con gái lần đầu ngỗ nghịch nhưng Tuyền đã chuẩn bị tâm tư và chờ đợi sự trừng phạt, dạy dỗ của mẹ. Tuyền biết rằng nếu nàng không đi với Phong đêm nay thì sẽ không có dịp nào đi cùng chàng được. Vì mai đây Phong sẽ trở về đơn vị, sẽ lao mình vào cuộc chiến, sẽ lăn vào những trận đánh kinh hồn…và biết đâu Tuyền sẽ không còn cơ hội gặp lại chàng nữa. Nghĩ đến điều nầy Tuyền chợt muốn khóc, chợt thấy thương chàng thật nhiều và trân quý từng giây từng phút bên chàng.
Phong choàng vai Tuyền bước chậm qua các ngã đường vắng lạnh nhưng lòng ấm áp, tim ngọt ngào hương vị tình yêu. Gió khuya vi vu vờn trên vai, trên áo, trên mái tóc còn vương mùi khói trận của Phong. Vầng trăng hạ tuần đã lên tự bao giờ, vầng trăng nằm bơ vơ cô độc cuối trời xa như báo hiệu giây phút bên nhau sắp hết, Tuyền nhìn Phong thầm nghĩ: “ đêm nay anh đưa em về rồi mai đây đường đời mình em một bóng, ai sẽ đưa em về? Phong ơi! Em sợ lắm, sợ một ngày sẽ mất anh, xa anh vĩnh viễn.”
Hai hôm sau Tuyền đưa Phong ra bến xe để anh về Long Xuyên. Cả hai ngậm ngùi quyến luyến, những lời tha thiết tạ từ kể sao cho hết trong giờ phút chia tay. Trước khi đi Phong đưa tay chỉ vầng mây bay lờ lững trên bầu trời và hứa với Tuyền:
– Mỗi khi nhớ anh em hãy nhìn những đám mây kia. Ngày nào nếu “mây vẫn còn bay” là anh vẫn còn yêu em, hãy tin tưởng ở anh.
* * *
Thời gian thầm lặng trôi qua, tình yêu của Phong-Tuyền vẫn nồng đậm qua những trang thư trao gửi. Đến năm 1972 chiến trường trở nên sôi động, Phong đi hành quân đánh trận liên miên. Miền Trung ngập tràn khói lửa, tình thế cấp bách, hiểm nguy. Quê hương, sông núi đang oằn oại tang thương bởi đạn pháo, bởi xe tăng, bởi biển người từ Bắc phương tràn xuống. Tuyền nghe tin Trung Đoàn của Phong được tăng phái cho lực lượng giải tỏa An Lộc và đơn vị của chàng là một trong những đơn vị tiếp tay với đoàn quân tử thủ An Lộc của Tướng Lê Văn Hưng. Đó là những ngày tháng kinh hoàng, chấn động trong lịch sử, một mùa Hè ngập trời rực đỏ bởi lửa, máu, xác bạn, xác thù, xác đồng bào chủng tộc…
Tuyền hoảng hốt, bàng hoàng, lo lắng vì trên các đài phát thanh, báo chí luôn đưa tin về những trận đánh ngoài đó thật kinh hồn, khốc liệt. Bao nhiêu người gục ngã, bao nhiêu chiến sĩ hy sinh. Các đơn vị của QLVNCH vẫn tiếp tục chiến đấu, kẻ đứng lên, người ngã xuống nhưng họ vẫn oai phong, kiên cường không khuất phục. Cuối cùng An Lộc được giải toả, cổ thành Quãng Trị cờ vàng bay phất phới trong nắng chói chang của mùa Hè. Nhưng rồi Tuyền không được tin tức gì của Phong cả. Nàng tự trách mình quá sơ sót khi không hỏi Phong về địa chỉ nhà chàng ở Nha Trang, không quen biết một người bạn thân nào của chàng trong đơn vị. Giờ đây nàng không thể dò thăm tin của Phong được, nàng chỉ biết chàng thuộc Sư Đoàn 9BB Trung Đoàn 15, đóng quân ở Long Xuyên, thế thôi. Tuyền đau đớn, xót xa ân hận, nàng chạy đi khắp nơi, hỏi thăm nhiều chỗ nhưng vẫn không có ai biết gì về Phong cả. Tuyền chỉ còn biết ngồi nhà cầu nguyện bình an cho chàng và chờ đợi.
Hơn một tháng trôi qua, Phong vẫn bặt vô âm tín. Một lần nữa Tuyền lấy cớ ra Nha Trang thăm Bác Năm nhưng mục đích chính là tìm gia đình Phong để biết tin của chàng. Tuyền nhớ có lần Phong nói nhà chàng trên đường Độc Lập nhưng nàng không biết số nhà. Sau hơn nửa ngày cố gắng dò hỏi, Tuyền không tìm được gia đình chàng, không ai biết gì về họ cả. Buồn bã, tuyệt vọng Tuyền lang thang ra bờ biển, nơi ngày xưa Phong và nàng ngồi bên nhau tâm sự. Cảnh vật vẫn như cũ không có gì thay đổi mà người xưa đã trôi dạt phương nào? Vẫn còn đó hàng dừa xanh nghiêng mình theo chiều gió, bờ cát mịn thoai thoải chạy dài, những mỏm đá cheo leo đợi chờ con sóng…và trên cao mây vẫn còn bay và sẽ còn bay mãi đến ngàn năm nhưng anh đã về đâu? Ở đâu? Anh đã quên lời hứa ngày nào rồi sao? Anh nỡ bỏ em lại một mình với bao nhung nhớ, đắng cay, đau khổ sao anh? Tuyền nhắm mắt lại… trước mắt nàng là cả một vùng trời đen tối, nàng ngồi bơ vơ trên gộp đá và có cảm giác như Phong đang ngồi bên nàng, đang vuốt tóc nàng và đâu đây mơ hồ trong hơi gió âm thanh bài hát ngày nào như còn vang vọng lại:
“…Đêm xưa biển nầy.
Người yêu trong cánh tay.
Đêm nay còn cát trắng.
Đêm nay còn tiếng sóng.
Đêm nay còn trăng soi.
Nhưng rồi chỉ còn tôi trên bãi khuya khóc người tình…” **
Tuyền tuyệt vọng, tan nát cõi lòng khi nghĩ đến Phong, chàng đã tham gia trận đánh oai hùng nhưng bi thương đẫm máu đó chắc khó có hy vọng còn sống sót. Không biết xác thân chàng đã bị vùi chôn dưới những đống gạch điêu tàn đổ nát, hoặc trôi dạt trên dòng sông nào hay bị vùi lấp nơi ven rừng hóc núi hoang vu? Tuyền thù ghét chiến tranh, oán hận những người xâm lăng gây tang tóc, chia rẻ những mối tình đôi mươi nồng thắm như Tuyền-Phong và không biết bao nhiêu cặp tình nhân trẻ khác. Thượng Đế ơi! Chúng tôi có tội tình gì? Chúng tôi đã làm gì mà cả một thế hệ phải nhận lãnh hết phần đau thương thua thiệt nầy chứ?
Tuyền thờ thẩn ra về, nàng bước đi như người mộng du, như loài ốc vô hồn, đôi chân tê buốt nặng nề, chếnh choáng, xiêu vẹo, nước mắt rơi lả tả. Sau lưng nàng gió vẫn vi vu thổi buồn qua mấy hàng cây, sóng biển vẫn rầm rì vỗ về ghềnh đá, mặt biển vẫn xanh màu mơ ước, và trên cao mây trắng vẫn bồng bềnh bay về một phương nào xa xôi vô định…Tuyền biết rằng nàng sẽ không còn gặp lại Phong nữa vì tình yêu của chàng cũng như áng mây kia, cứ bay xa, bay mãi, sẽ không bao giờ quay về chốn cũ…
*Biển Santa Monica, một thắng cảnh ở Nam California.
* *Nửa Hồn Thương Đau – Phạm Đình Chương.
** *Nha Trang Ngày Về – Phạm Duy.
Vi Vân 
Theo https://dongsongcu.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...