Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Các giọng ca tiên phong của dòng nhạc Boléro Việt Nam

Các giọng ca tiên phong của 
dòng nhạc Boléro Việt Nam 
Thể theo yêu cầu của quý vị, Hoàng Oanh đã tổng hợp lại 8 phần viết cùng một chủ đề của tác giả Kiva (Một khán giả yêu Nhạc Vàng) vào mục ghi chú này, để quý vị có thể đọc được xuyên suốt toàn bộ bài viết CÁC GIỌNG CA TIÊN PHONG CỦA DÒNG NHẠC BOLÉRO VIỆT NAM (gồm 8 phần đã được trích đăng lần lượt trên các trang Facebook Hoàng Oanh trong những tháng vừa qua).
Đây là những nghệ sĩ tiên phong, tiêu biểu cho dòng nhạc Boléro Việt Nam. Những ca - nghệ sĩ còn lại sẽ đề cập đến trong các bài viết khác trong tương lai với nhiều chi tiết hơn.
Chân thành cảm ơn sự chú ý theo dõi và những đóng góp quý báu của quý vị.
Thân mến!.
Phần 1: LỜI MỞ ĐẦU
Như đã trình bày trong bài trước, Boléro khởi thủy là một thể điệu nhạc như Rumba, Habanera, Valse, Tango… nhưng sau khi vào Việt Nam, nó đã trở thành dòng nhạc đại chúng: Dòng nhạc Boléro Việt Nam.
Cũng xin nhắc lại, bài viết này chỉ giới hạn trong thời kỳ phôi thai của dòng nhạc Boléro Việt Nam, tức là những năm đầu của thập niên 60. Còn trước đó, vào thập niên 50 thì Boléro chưa thịnh hành, và nhạc Dân ca thường được các nhạc sĩ viết theo điệu Rumba với những ca sĩ nổi tiếng như: Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết, Thùy Hương - Thanh Thoại, Minh Diệu - Mạnh Phát… Phải qua đầu thập niên 60 thì Boléro mới nổi lên thành dòng để bây giờ chúng ta nghe nó khắp nơi nơi.
Nói về việc khai sinh ra một dòng nhạc, người ta thường nghĩ đó là công việc của các nhạc sĩ. Tôi cho rằng không hoàn toàn như thế. Dòng nhạc Boléro Việt Nam có dấu ấn rất đậm nét của các ca sĩ tiền bối Nhạc Vàng.
Đầu tiên, các ca sĩ Nhạc Vàng đầu thập niên 60 hát chậm lại. Từ Rumba đến Rumba Lente, kéo dài qua Boléro, tức là họ hát cho nhịp phách lơi ra. Mỗi bài hát, ca sĩ chọn cho mình một tempo (nhịp phách) thích hợp. Nhạc thì do nhạc sĩ đặt nhưng trình bày nhanh chậm là do ca sĩ chọn tempo. Dĩ nhiên, chọn tempo cũng phải trong giới hạn hợp lý của điệu nhạc. Nếu các ca sĩ thập niên 50 thường hát tempo khoảng 130 thì qua đầu thập niên 60, các ca sĩ Boléro hát tempo trung bình khoảng 80, có khi còn thấp hơn. Và như vậy, họ có đủ thời gian để đưa các luyến láy, ngân nga, nhấn vuốt rất đặc trưng của nhạc Boléro vào bài hát, điều mà các ca sĩ thế hệ trước (thập niên 50) chưa từng làm. Thử tưởng tượng hát Boléro mà không luyến láy, không ngân vuốt, không nhấn nhá từng chữ, từng lời theo kiểu Boléro thì sẽ không còn là Boléro nữa. Luyến láy thường không có trong note nhạc, mỗi giọng ca có cách luyến láy riêng. Chính các ca sĩ tiền bối đầu thập niên 60, bằng tài nghệ riêng đã tạo nên sắc thái đặc biệt cho dòng nhạc Boléro. Bản lĩnh của họ là đưa được hồn vào bài hát. “Hồn ai nấy giữ”, không ai lẩn vào ai. Đây là một trong những nét rất dễ thương của các ca sĩ trước 75.
Phần 2: CA SĨ THANH THÚY
Khởi đi từ giữa thập niên 50, nhưng phải qua tới đầu thập niên 60 thì Boléro Việt Nam mới bắt đầu rõ nét do số lượng bài Boléro nhiều hơn, số ca sĩ hát Boléro tăng lên, số khán thính giả yêu thích Boléro tăng cao.
Năm 1962, khi nhạc phẩm Nửa Đêm Ngoài Phố của nhạc sĩ Trúc Phương được ca sĩ Thanh Thúy đưa lên hàng đỉnh điểm thời đó, giống như chiếc pháo sáng châm ngòi cho sự bùng lên của một dòng nhạc mang sức sống mãnh liệt, bền bĩ: Dòng nhạc Boléro Việt Nam. Đi đâu cũng nghe người ta hát Nửa Đêm Ngoài Phố.
Cô Thanh Thúy với làn hơi thiên phú, chậm buồn, đặc biệt đậm chất liêu trai, rất thích hợp cho lối kể lể, tự sự của Boléro. Nhạc Boléro cũng là sở trường của nhạc sĩ Trúc Phương. Cả hai người: Thanh Thúy - Trúc Phương như một cặp bài trùng đã thổi một làn gió mát đến giới mê nhạc Việt Nam, với một loạt các ca khúc Boléro: Hai Lối Mộng, Đò Chiều, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Tàu Đêm Năm Cũ, Đêm Tâm Sự…
Lúc ấy, ca sĩ Thanh Thúy và ca sĩ Lệ Thanh rất nổi tiếng, vừa trong dĩa nhựa vừa trong phòng trà, nhưng Lệ Thanh nghỉ hát sớm, không để lại nhiều bài hát nên không gây ảnh hưởng nhiều.
Cô Thanh Thúy rất đẹp. Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn màu rực rỡ, chớp sáng huyền hoặc của các sân khấu phòng trà, vũ trường, đại nhạc hội, cô xuất hiện thướt tha trong tà áo dài thanh nhã, mái tóc dài phủ kín đôi bờ vai, nét mặt kiều diễm, dáng dấp đẹp như tranh. Cô cất tiếng hát trầm trầm, ngọt ngào, u hoài, buồn vời vợi, len lỏi vào tâm can những người ngồi bên dưới.
Ngồi bên dưới là những ai? Là những người lính tiền phương được về phép dăm ba ngày, là những tao nhân mặc khách của Saigon cũ, là những văn thi sĩ nức tiếng của Miền Nam đang lánh nạn chiến tranh, muốn tìm một chút bình yên, lãng mạn giữa kinh thành hoa lệ. Nhìn lên sân khấu, qua khói thuốc mờ mờ như màn sương lam lan tỏa trong không gian, bên cốc bia vàng óng sóng sánh bọt, tâm hồn lâng lâng, hứng khởi, nhìn cô chẳng khác nào nhân vật của Bồ Tùng Linh, vén bức rèm châu, hiện ra từ cõi xa xăm nào. Cô đã làm thổn thức bao trái tim si tình, tơ tưởng đến cô. Bởi thế đã có những bài báo, bài thơ, bài nhạc ca tụng cô không tiếc lời, xem cô như là tình yêu của thế hệ, đã có nhiều danh hiệu dành tặng cô: Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát khói sương, Tiếng hát lúc không giờ…
Phần 3: NỮ CA SĨ HOÀNG OANH
Cô Thanh Thúy không đơn độc trên con đường khai phá nhạc Boléro ở Miền Nam. Như là một định mệnh của âm nhạc Việt Nam, may mắn thay, chỉ một thời gian ngắn sau “hiện tượng” Nửa Đêm Ngoài Phố thì trong làng âm nhạc đã kịp thời xuất hiện thêm hai giọng hát xuất sắc, hiếm có của dòng nhạc Boléro Việt Nam: Hoàng Oanh - Phương Dung. Hãng dĩa Việt Nam đã nắm lấy cơ hội quá tốt nầy, đã tận tình khai thác. Họ đã sản xuất và phát hành rất nhiều dĩa nhạc với hai tiếng hát mới rất thành công.
Cô Hoàng Oanh đi lên từ các ban thiếu nhi của Đài phát thanh Saigon, Đài phát thanh Quân Đội từ thập niên 50. Cô đi hát từ rất sớm, trước cả những tên tuổi nổi danh vào cuối thập niên 50. Nhưng đến đầu thập niên 60, cô mới đủ tuổi, đủ độ chín, sẵn sàng để tung cánh chim bay vào bầu trời âm nhạc mộng mơ của tuổi xuân thì. Cho nên, dù tuổi đời của cô chưa phải là cao nhất trong các ca sĩ tiền bối nhưng tuổi nghề của cô rất dài. Cô góp tiếng trên các làn sóng phát thanh từ khi mới 5 tuổi, bước lên trình diễn trên sân khấu ca nhạc khi vừa 8 tuổi. Rồi cô vượt qua thời vỡ tiếng của tuổi dậy thì rất trơn tru. Từ các ban thiếu nhi, cô đi qua các ban người lớn một cách tự nhiên, dễ dàng, và cô hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Các tài danh khác khi khởi nghiệp thường đã là thiếu nữ hay sắp là thiếu nữ, nhưng cô khi ấy còn là một thiếu nhi.
Mãi đến nay, cô vẫn là một ngôi sao sáng trong các chương trình ca nhạc, đứng chung sân khấu với các thế hệ tiếp sau. Có được tuổi nghề dài như vậy, có lẽ đó cũng là mộng ước của hầu hết các ca sĩ ngày nay muốn có sự nghiệp lâu dài. Họ thầm ước ao 40 - 50 năm sau, khán giả vẫn còn hoan nghênh họ như đang hoan nghênh những ca sĩ tiền bối bây giờ.
Đầu thập niên 60, cô Hoàng Oanh vượt lên, chói sáng đặc biệt trong dòng nhạc Boléro. Các bản nhạc thâu dĩa đầu tiên của cô trong thời gian nầy vẫn luôn nằm trong danh sách các bản Nhạc Vàng được yêu thích cho đến hiện nay: Sầu Lẻ Bóng (Anh Bằng), Chuyến Tàu Hoàng Hôn (Minh Kỳ - Hoài Linh), Đôi Bóng (Lê Dinh - Anh Bằng), Ai Cho Tôi Tình Yêu (Trúc Phương), Sao Chưa Thấy Hồi Âm (Châu Kỳ), Truyện Tình Lan Và Điệp 1 (Mạc Phong Linh - Mai Thiết Lĩnh), Cánh Buồm Chuyển Bến (Hoài Linh - Minh Kỳ), Ngày Sau Sẽ Ra Sao (Vân Tùng)…
Cô Hoàng Oanh có lợi thế so với các ca sĩ khác vì cô là ca sĩ chủ lực của Đài phát thanh. Cô có mặt ở hầu hết các ban lớn của Đài, vừa ban nhạc vừa ban ngâm thơ. Ngày đó, Đài phát thanh giữ vai trò phổ biến âm nhạc rộng rãi nhất, hiệu quả nhất, vì Đài phát thanh phủ sóng toàn miền Nam (và ở miền Bắc, có những gia đình vẫn lén mở "đài địch" để nghe được các giọng hát Hoàng Oanh, Thanh Thúy, Nhật Trường...). Ở đâu trên đất nước nầy cũng nghe được dễ dàng, thường xuyên tiếng ca của cô. Vì thế, không lạ khi tiếng hát của cô trở nên quá quen thuộc với công chúng trước 75.
Tiếng hát quen thuộc nhưng chỉ là tiếng hát. Người yêu nhạc không được nhìn thấy cô vì cô không hát phòng trà, vũ trường, chỉ vài lần hiếm hoi xuất hiện trên sân khấu Đại nhạc hội. Đến nửa đầu thập niên 60 chưa có Đài truyền hình, người ta không thấy bóng dáng cô đâu. Nếu cô Thanh Thúy là tiếng hát liêu trai thì cô Hoàng Oanh là ca sĩ liêu trai, vì hình bóng của cô ẩn ẩn, hiện hiện. Phần lớn người hâm mộ chỉ nghe tiếng ca mà tưởng tượng ra cô thôi.
Giọng hát của cô có nhiều ảnh hưởng đối với thế hệ sau. Nhiều ca sĩ đàn em từng phát biểu với truyền thông rằng cô là thần tượng của họ: Hương Lan, Như Quỳnh, Tâm Đoan, Mai Thiên Vân, Hương Thủy, Hà Thanh Xuân, Bảo Khánh… Cách hát của cô, do vậy sẽ được lan tỏa và tiếp nối đến nhiều năm sau nầy.
Phần 4: CA SĨ PHƯƠNG DUNG
Cô Phương Dung quê ở Gò Công, cô có giọng hát cao, thanh, lảnh lót như tiếng nhạn. Và khi xuất hiện trên sân khấu ca nhạc, cô hay mặc chiếc áo dài màu trắng, cho nên thi sĩ Kiên Giang - Hà Huy Hà đã đặt cho cô biệt danh là “Con nhạn trắng Gò Công”.
Ở tuổi còn Trung học, cô tham dự cuộc thi “Tuyển Lựa Ca Sĩ” của Đài phát thanh Saigon. Cô bắt đầu đi hát từ giải trí trường Thị Nghè, trong chương trình văn nghệ của nhạc sĩ Khánh Băng. Đêm về, cô Phương Dung đi hát nhiều cho các nhà hàng, vũ trường của Saigon thời đó.
Theo cô Phương Dung kể lại với báo chí thì nhạc sĩ Mạnh Phát là người đã tập cho cô những bài hát đầu tiên.
Cô có giọng rung đặc biệt ở cuối câu hát khiến khán giả không thể nhầm lẫn cô với ca sĩ khác. Cô nổi lên cùng một thời, một lượt với cô Hoàng Oanh từ Hãng dĩa Việt Nam.
Bài hát đầu tiên cô Phương Dung thâu thanh vào dĩa nhựa là Đường Về Khuya của người nhạc sĩ đồng hương Gò Công là nhạc sĩ Lê Dinh (hợp soạn cùng Minh Kỳ) cho Hãng dĩa Việt Nam năm 1963.
Đa số những bài Boléro tình tứ của Hãng dĩa Việt Nam trong thời kỳ nầy đều do hai cô Phương Dung - Hoàng Oanh thu thanh. Cô Phương Dung nổi tiếng với các bài Boléro: Lẻ Bóng (Anh Bằng - Lê Dinh), Vọng Gác Đêm Sương (Mạnh Phát), Hoa Nở Về Đêm (Mạnh Phát)…
Cô là ca sĩ thường trực của nhiều phòng trà - vũ trường nổi tiếng. Thời đó, cô Phương Dung hát rất nhiều nơi, chạy show không biết mệt. Có đêm, cô hát đến 7 nơi. Ngoài ra, Phương Dung cũng tham gia vào nhiều ban Tân nhạc trên cả hai đài phát thanh Saigon và đài Quân Đội, cũng như trình diễn trên các sân khấu đại nhạc hội của đô thành Saigon.
Giọng ca vang lộng của cô có sức thu hút mãnh liệt. Trong thôn xóm, ruộng vườn miền Tây, sực nức hương đồng cỏ nội, tiếng hát cô thật gần gũi. Trên vọng gác đồn xa, tiếng ca cô như an ủi người lính xa nhà bớt lẻ loi trong sương đêm lạnh giá.
Có một điều đáng chú ý là trên con đường khai phá dòng nhạc Boléro, bài hát đưa cô lên đỉnh danh vọng là bài Nỗi Buồn Gác Trọ của Mạnh Phát và Hoài Linh năm 1964 lại là một bài theo thể điệu Habanera, chứ không phải là bài điệu Boléro. Cũng giống như trường hợp cô Hoàng Oanh, bài hát thuộc hàng nổi tiếng nhất của cô Hoàng Oanh là Về Đâu Mái Tóc Người Thương của nhạc sĩ Hoài Linh năm 1964 cũng lại là một bài thể điệu Habanera.
Giữa thập niên 60 là thời kỳ hoàng kim của tiếng ca Phương Dung, một tiếng ca mang đậm nét chất phác của miền Tây Nam Bộ.
Cô ký giao kèo độc quyền với Hãng dĩa Sóng Nhạc vào năm 1964. Thời gian sau đó, cô cộng tác với rất nhiều hãng dĩa và băng nhạc Cassette như: Tân Thanh, Trường Hải, Thanh Thúy, Shotgun’s, Thương Ca, Song Ngọc, Nhật Trường, Diễm Ca, Kim Đằng, Dư Âm, Họa Mi, Premier, Continental…
Cô là tiếng hát đã thâu thanh đầu tiên nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: Vòng Tay Giữ Trọn Ân Tình, Trăm Mến Ngàn Thương, Tím Cả Rừng Chiều, Ngày Cưới Em, Sao Vẫn Còn Thương, Nếu Ta Đừng Quen Nhau, Lá Úa Chiều Thu, Mùa Xuân Trên Cao, Khi Mình Còn Thương, Không Bao Giờ Quên Anh, Truyện Tình Lan Và Điệp 2, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Bảy Ngàn Đêm Góp Lại, Bóng Đêm và bài hát gắn liền với tên tuổi cô là Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh (Ý thơ: Hữu Loan)…
Phần 5: LỜI NHẬN ĐỊNH
Các giọng hát Boléro ngày xưa dạt dào cảm xúc, diễn tả Boléro qua nhiều khía cạnh khác nhau. Ba cô Thanh Thúy - Hoàng Oanh - Phương Dung mỗi người một vẻ, cùng hợp sức đẩy mạnh dòng Nhạc Vàng nói chung và nhạc Boléro nói riêng (khi ấy còn có tên là “nhạc thời trang”) thành một trào lưu mới. Ngoài ba cô, trong giai đoạn này còn có nhiều giọng ca rất hay: Nữ ca sĩ Tuyết Mai, Lệ Thanh, Minh Hiếu, Trúc Mai, Nhật Thiên Lan, Mỹ Thể, Hà Thanh (chuyên về nhạc Nguyễn Văn Đông nhiều hơn là nhạc Boléro)… Nhưng ba cô là ba giọng ca nổi bật nhất về nhạc Boléro được thính giả mến chuộng, được mời thu dĩa nhiều nhất, có sức thu hút mạnh và có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Có thể nói ba cô là những giọng ca tiên phong tiêu biểu, là thế hệ đầu tiên của nền Tân nhạc có công khai phá dòng nhạc Boléro Việt Nam.
Ngày xưa, người ta chỉ gọi đơn giản là "ca sĩ": Ca sĩ Thanh Thúy, ca sĩ Hoàng Oanh, ca sĩ Phương Dung, ca sĩ Trúc Mai, ca sĩ Minh Hiếu… Không có các danh hiệu “nữ hoàng”, “bà chúa”, cũng không gọi là “nhạc Boléro”, chỉ gọi chung là “nhạc thời trang”. Thời ấy, chẳng có ai được tôn vinh là “nữ hoàng Boléro” như một số người hiện nay ngộ nhận.
Âm nhạc cần có thời gian để thẩm thấu. Các giọng hát vàng của chúng ta cũng cần có thời gian để len lỏi, thấm đậm vào tâm tư người thưởng ngoạn, phải có một số bài khơi mạnh mạch cảm xúc, ngấm sâu vào cõi lòng người nghe thì mới có thể tạo dựng nên tên tuổi, mới có thể khẳng định vị trí của mình. Không thể nào chỉ qua một hai tác phẩm mà có thể nổi như cồn. Cô Thanh Thúy phải mất hơn 3 năm miệt mài ở các phòng trà mới đủ sức lực khua bước Nửa Đêm Ngoài Phố. Cô Hoàng Oanh phải tích lũy kinh nghiệm từ thuở các ban thiếu nhi mới tiến bước lên được Chuyến Tàu Hoàng Hôn. Cô Phương Dung phải gian nan khoảng ba năm trời từ giải trí trường Thị Nghè đến phòng trà, vũ trường mới tới được Những Đồi Hoa Sim. Chẳng có phép màu nào đâu, tất cả phải qua một quá trình. Nhưng khi họ đã ngồi vững rồi thì tầm ảnh hưởng của họ mạnh mẽ vô cùng.
Nửa đầu thập niên 60, giới âm nhạc chứng kiến thời kỳ ba cô Thanh Thúy - Hoàng Oanh - Phương Dung vẫy vùng trên thị trường dĩa nhựa. Chưa thống kê được trong khoảng thời gian này ba cô thâu bao nhiêu dĩa nhựa nhưng ước lượng số dĩa của ba cô thâu trước 75 tổng cộng gần cả ngàn bài. Bởi vì các nhạc sĩ, các hãng dĩa đã tin tưởng mới nhờ đến các cô là người đầu tiên giới thiệu các tác phẩm của mình đến người yêu nhạc, vì các cô là một bảo đảm doanh thu cho các dĩa hát thời đó, cho các tờ nhạc in rất phổ biến trong giới thanh niên và cả những người lớn tuổi. Nếu kể luôn số bài được ba cô “lăng xê” trên Đài phát thanh, trên các sân khấu ca nhạc trước 75 thì con số lên đến vài ngàn bài, mới thấy ảnh hưởng của các cô rất lớn, sức lan tỏa nhanh chóng và vô cùng hiệu quả. Chỉ trong vòng vài năm đầu của thập niên 60, ba cô đã dẫn đầu đoàn người lăn bánh chuyến xe nhạc vàng (dĩ nhiên trong đó có nhạc Boléro) chạy bon bon trên con đường đầy hoa gấm.
Điều đặc biệt là cho đến nay cả ba cô vẫn còn cất tiếng hát và được đông đảo khán giả khắp nơi ái mộ. Nửa thế kỷ không làm phai mờ công lao khai phá một dòng nhạc bất hủ trong lòng mến mộ của khán thính giả. Có nhiều bài nổi tiếng của ba cô vẫn được xem là kinh điển của dòng nhạc Boléro Việt Nam.
Khán thính giả của ba cô bây giờ có rất nhiều người đã lớn tuổi. Họ nghe Boléro từ khi các bạn trẻ hiện nay chưa sinh ra đời. Họ vẫn thường nghe và giữ thói quen xem các cô trên băng dĩa, xem ngày này qua ngày nọ không chán. Họ lặng lẽ tua đi tua lại, trầm ngâm thưởng thức từng chữ, từng lời. Họ cất giữ đĩa hát từ xưa đến nay, băng mới băng cũ, dĩa gốc hay dĩa lậu, miễn sao nghe được tiếng hát của thần tượng. Trong khi các bạn trẻ của thời công nghệ thông tin có thói quen nghe hay xem bằng phone, bằng máy vi tính, vào xem online, Youtube… Xem xong thì bấm like, có khi còn cố gắng bấm view nhiều lần để ủng hộ thần tượng (tự điển mới gọi là “cày view”). Số lượt views ghi dưới các bài hát trên Youtube vì vậy chưa phải là thước đo thật chính xác số lượt người nghe hay xem của từng bản nhạc, từng ca sĩ. Làm sao đếm được số khán giả thầm lặng nhưng rất trung thành với thần tượng? Các cô chắc cũng thấu hiểu điều này và trân trọng tình cảm khán giả của mình trong thầm lặng.
Rồi đến khoảng nửa sau của thập niên 60, làng Nhạc Vàng mới đón nhận thêm sự xuất hiện của nhiều tiếng hát xuất sắc mới tiếp nối theo sau đó như: Nữ ca sĩ Thanh Tuyền, Kim Loan, Phương Hồng Hạnh, Giao Linh, Ngọc Minh, Hương Lan, Thiên Trang, Trang Mỹ Dung, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Trúc Ly, Dạ Hương, Bạch Lan Hương, Xuân Sơn, Xuân Thu, Giáng Thu… hợp thành một lực lượng hùng hậu cho dòng nhạc Boléro Việt Nam trước 75.
Phần 6: DUY KHÁNH VÀ CÁC NAM CA SĨ
Sau nầy, người ta hay nhắc đến “Tứ trụ của Nhạc Vàng” gồm có Hùng Cường, Chế Linh, Duy Khánh và Nhật Trường.
Hùng Cường (1936 - 1996) là một tài năng hiếm có. Ông rất đa tài, hoạt động cùng lúc trên nhiều lãnh vực: Tân nhạc, cải lương, điện ảnh, thoại kịch… Riêng về Tân nhạc, ông là giọng Tenor (giọng cao) nổi tiếng ở Miền Nam. Trong các màn hợp ca của ban Đại hợp xướng Hoàng Thi Thơ, ông là người lĩnh xướng (soloist). Ông nổi lên từ cuối thập niên 50, bài hát được nhắc nhở nhiều nhất của ông trong thời kỳ này là Ông Lái Đò của Hiếu Nghĩa. Nhưng danh ca Hùng Cường đã chọn cho mình một hướng đi riêng, tách biệt, đó là dồn sức cho kích động nhạc, một thể loại mới của thuở bấy giờ. Ông cùng nữ ca sĩ Mai Lệ Huyền hợp thành một cặp song ca “sóng thần” khuấy động các sân khấu ca nhạc Miền Nam với một loạt bài kích động nhạc: Một Trăm Phần Trăm, Túp Lều Lý Tưởng, Thiên Duyên Tiền Định, Đám Cưới Nhà Binh, Thủy Thủ Và Biển Cả, Lính Mà Em…
Ông rất ít hát nhạc Boléro dù ông hát rất hay. Bài Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn qua giọng hát của ông làm người nghe khó quên. Vì thế, gọi ông là “một trụ” của nhạc kích động đúng hơn là “một trụ” của nhạc Boléro.
Chế Linh: Trong cuộc phỏng vấn mới đây với MC Nguyễn Ngọc Ngạn trong Paris By Night 119, Chế Linh có kể lại rằng: Lúc mới vào nghề ông gặp các “cao thủ” như Duy Khánh, Thanh Thúy… ông “chới với”. Thấy mình chưa đủ kinh nghiệm nên ông tạm thối lui, trở về nhà “nghiên cứu” thêm trong một thời gian khá lâu. Có lẽ vì vậy mà nửa đầu thập niên 60, khán giả chưa nghe tên tuổi Chế Linh. Qua nửa sau của thập niên 60, Chế Linh mới tái xuất và nổi tiếng. Khi ấy, dòng nhạc Boléro Việt Nam đã được định hình rõ ràng và đang rất thịnh hành. Con đường Boléro đã được khai phá sẵn, phong quang, thênh thang cho ông nhập đoàn tiếp bước. Ông và cô Thanh Tuyền hợp thành đôi song ca Nhạc Vàng được ưa chuộng ở thời điểm mà dòng nhạc nầy đã ăn sâu vào lòng người. Khoảng thời gian đầu của thập niên 60 là thời kỳ khai phá, đặt nền móng cho dòng nhạc Boléro thì Chế Linh chưa có mặt để làm “một trụ” cho Boléro Việt Nam.
“Tứ trụ” đến đây chỉ còn “nhị trụ” là Duy Khánh và Nhật Trường.
Duy Khánh (1936 - 2003): Ông là người Quảng Trị, năm 1955 ông đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Pháp Á tại Huế. Vào Saigon, ông theo nghiệp cầm ca, dần dần đến cuối thập niên 50 thì tên tuổi ông chói sáng. Thời đó, ông nổi tiếng với các bài hát mang âm hưởng Dân ca của Phạm Duy như: Tình Nghèo, Vợ Chồng Quê, Nhớ Người Thương Binh, Ngày Trở Về…
Giọng ông trầm, ấm, ngọt ngào và rất khỏe. Khi Boléro vượt đại dương vào Việt Nam thì ông là một trong những người đầu tiên chuyển Boléro vào lòng người mộ điệu. Các bài Boléro thâu dĩa của ông còn là mẫu mực cho các thế hệ sau: Trăng Tàn Trên Hè Phố (Phạm Thế Mỹ), Biệt Kinh Kỳ (Minh Kỳ - Hoài Linh), Chuyến Đi Về Sáng (Trần Thiện Thanh - Mạnh Phát)… Giọng hát ấp ủ tình yêu quê hương, lưu luyến bóng hình người em gái nhỏ của ông trong Tình Thắm Duyên Quê, Chiều Làng Em (Trúc Phương)… là những giai điệu Boléro đẹp rạng ngời.
Ngoài giọng ca, ông còn sáng tác một số bài hát đã làm say mê công chúng yêu nhạc, được nhắc nhở đến ngày nay như: Thương Về Miền Trung (1962), Sao Không Thấy Anh Về (1962), Bao Giờ Em Quên (1963), Nén Hương Yêu (hợp soạn với Châu Kỳ, 1964), Màu Tím Hoa Sim (hợp soạn với Trọng Khương, 1964), Ai Ra Xứ Huế (1964), Biết Trả Lời Sao (1965), Lối Về Đất Mẹ (1965), Mùa Chia Tay (1965)…
Bài Ai Ra Xứ Huế của ông cũng một thời gây tiếng vang rất lớn. Bài hát được cô Hoàng Oanh thu thanh cho Hãng dĩa Việt Nam. Sau đó, Hãng dĩa Sóng Nhạc mời cô Hoàng Oanh và ông thu dĩa lại bài này thêm một lần thứ hai. Hiếm có bài ca nào mà cả hai hãng dĩa lớn cùng thu thanh.
Ông hoạt động rất mạnh:
- Lập ban nhạc trên Đài phát thanh và Đài truyền hình: Ban Trường Sơn (Duy Khánh).
- Lập trung tâm thu thanh và phát hành băng nhạc: Trung tâm Trường Sơn.
- Lập nhà xuất bản phát hành bản nhạc rời: 1001 bài ca hay.
- Ông cũng mở lớp dạy nhạc trước 75 ở Saigon và sau nầy ở cả Hải Ngoại. Học trò ông rất nhiều: Băng Châu, Trường Vũ, Băng Tâm…
Tiếng hát ông gây ảnh hưởng mạnh cho các thế hệ sau, nhiều người theo cách hát của ông: Trường Vũ, Quang Lê… Nếu tôn vinh một người làm “chưởng môn” Boléro (nói cho vui theo kiểu MC Nguyễn Ngọc Ngạn) thì người đó nên là ca - nhạc sĩ Duy Khánh.
Phần 7: CA SĨ NHẬT TRƯỜNG
Nhật Trường - Trần Thiện Thanh (1942-2005):
Nhật Trường sinh trưởng ở vùng biển Phan Thiết, ông mê ca hát từ nhỏ và quyết chí thực hiện mơ ước theo đuổi âm nhạc của mình. Ngay những năm 60 đầu tiên, ông cùng Duy Khánh là hai tên tuổi nổi trội trong các sinh hoạt ca nhạc ở miền Nam. Ông có giọng ca rất truyền cảm, êm ái, lả lướt, có một chút điệu đà nhưng rất dễ thương, tràn đầy cảm xúc, nổi bật nhất là nét hào hoa trong chất giọng. Ông là một trong vài người có đóng góp lớn lao nhất cho dòng nhạc lính VNCH: Vừa là người hát, vừa là người viết nhạc cho lính rất hay. Khi hát thì lấy tên Nhật Trường, khi viết nhạc thì ký bút hiệu: Trần Thiện Thanh, Anh Chương và CH, Trần Thiện Thanh Toàn… Nhiều bài Boléro do ông sáng tác quá nổi tiếng và rất cảm động qua tiếng hát của ông: Tạ Từ Trong Đêm, Anh Về Với Em (1964), Từ Đó Em Buồn (1964), Đôi Ngã Đôi Ta (1964), Đồn Vắng Chiều Xuân (1964), Hàn Mặc Tử (1964), Không Bao Giờ Ngăn Cách (1964), Chuyện Tình T.T.Kh, Hai Sắc Hoa Tigôn, Biển Mặn…
Khắc sâu trong các tác phẩm nghệ thuật của ông chính là nét đa tình, lãng mạn, nhuộm chút phong sương của người lính VNCH, yêu đời lính, thương người em gái hậu phương, tình cảm trong sáng, không chút hận thù:
“Anh muốn em hiểu rằng đời lính chiến phong sương. Thì một lần về thăm bằng vạn ngày gần nhau. Em biết không những chiều khi sương thu giăng giăng. Anh nhớ xưa chúng mình hay đi trên đường vắng…” – Anh Về Với Em
Tình yêu trong nhạc ông rất nhân hậu, nhớ mà không oán, luyến tiếc mà không chua cay:
“Nhớ anh nhớ vô vàng, nhớ anh nhớ muôn ngàn. Nhớ anh đã bao lần mắt nhòe lệ đêm mơ. Lệ nhòe đêm mơ mong đợi người về lau khô. Nên từ đó em buồn…” – Từ Đó Em Buồn
Nhạc của ông đã làm nhiều người nghe cảm thấy yêu đời lính - nhiều gian khổ nhưng rất oai hùng.
Nhật Trường và Duy Khánh là hai giọng hát Boléro hàng đầu thuở đó và cả hai ông đều rất thành công trong việc chuyển tải chính tác phẩm của mình đến tai người ái mộ. Bản nhạc Người Yêu Của Lính (Slow Rock) của ông là bài hát gối đầu giường của người lính VNCH.
Tương tự Duy Khánh, ông thành lập:
- Ban nhạc Tiếng Hát Đôi Mươi trình diễn ở Đài phát thanh và Đài truyền hình.
- Ông cũng lập trung tâm thu thanh và phát hành băng nhạc, nhà xuất bản phát hành các tờ nhạc rời với tên: Tiếng Hát Đôi Mươi.
- Ông từng là đạo diễn dàn dựng, thực hiện một số nhạc cảnh, phim kịch về đời lính chiến cho Đài truyền hình từ các bài hát của ông như Trên Đỉnh Mùa Đông, Người Chết Trở Về… rất có tiếng vang, đóng với nữ ca sĩ Thanh Lan.
Sau 1975, ông bị nhà cầm quyền mới cấm hát giống trường hợp của ca sĩ Duy Khánh và Thái Thanh… 18 năm sau, ông mới được sang định cư ở Mỹ. Thời gian 18 năm ròng rã đã lấy mất của ông bao năng lực tuổi trẻ, làm hao mòn dòng cảm xúc của người nghệ sĩ. Đây là một thiệt thòi không nhỏ cho âm nhạc Việt Nam.
Như đã trình bày ở trên, trong thời kỳ “khai sơn phá thạch” vào nửa đầu thập niên 60, hàng ngũ nam ca sĩ hát Boléro không có “tứ trụ” mà chỉ có “nhị trụ” là Duy Khánh và Nhật Trường. Hai ông đã đứng mũi chịu sào, dẫn đầu phía nam ca sĩ, lèo lái con tàu Boléro vượt đến bến vinh quang. Nửa sau của thập niên 60 mới có thêm những tên tuổi nổi tiếng khác như Chế Linh, Trung Chỉnh, Giang Tử,… để nối tiếp dòng nhạc Boléro, càng củng cố thêm sức mạnh của Boléro trong lòng công chúng.
Nhìn chung, các nữ ca sĩ có sức thu hút mạnh mẽ về giọng ca hơn các nam ca sĩ, nên được mời thu dĩa, thu thanh nhiều hơn. Nhưng các nam ca sĩ có thêm thế mạnh về sáng tác nên tầm ảnh hưởng cũng rất sâu rộng.
Phần 8: LỜI KẾT
Những năm đầu thập niên 60, thời kỳ đặt nền móng cho nhạc Boléro Việt Nam, chúng ta có 5 ca sĩ tiêu biểu gồm: Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Phương Dung, Duy Khánh và Nhật Trường. Đây là thế hệ đầu tiên của dòng nhạc Boléro Việt Nam. Mỗi người một cách hát khác nhau nhưng 5 người họ dù có hát những bài Boléro thật buồn cũng không rên rỉ, rệu rã để có thể cho là ủy mị được. Giọng hát buồn của họ nói lên được cái thực tại của tình yêu nồng thắm, lãng mạn, tình tứ dù ở trong hoàn cảnh chiến tranh ly tán. Họ đã hát trong nỗi thống khổ của chiến tranh, hát trên tiếng réo của đạn bom, hát trên số phận bi thương của dân tộc. Đó là tiếng nói chân thực của những trái tim Việt Nam bị dằn xé vì cuộc chiến triền miên 20 năm (1954 - 1975).
Nhìn lại thuở ban đầu ấy, chúng ta có một lực lượng nhạc sĩ hùng hậu, cần có một đội ngũ ca sĩ hùng hậu truyền tải được hết tinh túy của dòng nhạc Boléro, mới có thể đẩy dòng nhạc nầy lên thành dòng nhạc chủ đạo trong thời kỳ hoàng kim của âm nhạc Việt Nam. May mắn là trong giai đoạn cần thiết đó đã có xuất hiện đúng lúc các nghệ sĩ tài hoa của Nhạc Vàng Boléro. Họ đã đưa Boléro đến với mọi người, lôi cuốn giới yêu nhạc miền Nam say mê theo nó. Đến nay, sau mấy mươi năm, muốn tìm một đội ngũ ca sĩ như vậy không phải dễ.
Bởi thế, việc khai phá dòng nhạc Boléro Việt Nam không phải chỉ một cá nhân mà làm được. Nó không đơn giản như khai phá một mảnh ruộng, một thửa vườn. Dòng nhạc đó đã có ảnh hưởng đến hàng triệu người qua nhiều thế hệ. Chọn ra những người tiêu biểu đầu tiên có công khai phá và có ảnh hưởng nhiều nhất cho dòng nhạc Boléro Việt Nam thì đó chính là:
- Các nhạc sĩ: Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trúc Phương, Hoài Linh, Minh Kỳ, Anh Bằng, Lê Dinh, Châu Kỳ, Mạnh Phát, Hoài An, Song Ngọc…
- Các nam ca - nhạc sĩ: Duy Khánh, Nhật Trường…
- Các nữ ca sĩ: Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Phương Dung…
Đây là những tiền bối nhạc Boléro đích thực, đúng nghĩa và xứng đáng nhất. Chúng ta vinh danh họ cho đúng người, đúng công lao. Tiếc rằng có một số người đã ra đi vĩnh viễn, còn với những người còn lại, một lời “công đạo” cũng sẽ an ủi họ rất nhiều. Hơn nữa, lịch sử đòi hỏi một sự chính danh, công chúng cũng trông mong có những phán xét đúng như lòng họ muốn.
Tôi viết ra đây một vài nhận xét nho nhỏ của một cá nhân yêu Nhạc Vàng góp nhặt được từ quãng thời gian “ròng rã buồn vui” theo dòng nhạc nổi trôi. Tôi muốn kết nối lại những mảnh hồi ức về thời kỳ phôi thai của dòng nhạc Boléro Việt Nam. Dĩ nhiên cần có nhiều ý kiến am tường của những nhà chuyên môn, của tầng lớp khán giả yêu nhạc để làm sáng tỏ một vấn đề chưa được nghiên cứu nhiều, đó là sự hình thành và phát triển của dòng nhạc Boléro Việt Nam.
Một khán giả yêu Nhạc Vàng
(Kính tặng các ca - nhạc sĩ tiên phong của dòng nhạc Boléro Việt Nam với lòng quý mến và biết ơn).
Mùa Xuân năm Đinh Dậu 2017
Kiva
Theo https://www.facebook.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...