Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

Đà Lạt năm xưa

Đà Lạt năm xưa
1/ Lời nói đầu
Năm 1993, kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, cuốn sách Đà Lạt năm xưa đã được Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng và Công ty Văn hóa Tổng hợp Lâm Đồng xuất bản.
Rất tiếc, lúc bấy giờ, chúng tôi chưa có điều kiện để viết một số chương.
Sau những chuyến đi điền dã ở xã Lát (huyện Lạc Dương), xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt) và tiếp xúc với một số quý vị cao niên đã sống ở Đà Lạt, sau chuyến đi đến Thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 2001 để thu thập thêm tư liệu về Đà Lạt, chúng tôi nhận thấy có thể sửa chữa, bổ sung cuốn sách Đà Lạt năm xưa và biên soạn thêm 3 chương:
* Trên quê hương người Lạch
* Thám hiểm thượng lưu sông Đồng Nai
* Thực vật trên cao nguyên Lang Bi-an.
Về một vài địa danh ở địa phương, chúng tôi viết bằng tiếng Việt, ghi tiếng Pháp trong dấu ngoặc đơn thay vì viết bằng tiếng Pháp. Ví dụ: Pren (Prenn), Đa Tăn-la (Datanla), Đrăn (Dran),... thay vì Prenn, Datanla, Dran,...
Về các danh từ riêng tiếng Pháp, chúng tôi giữ nguyên tiếng Pháp và ghi thêm sau từ đầu tiên phiên âm tiếng Việt trong dấu ngoặc đơn để giúp bạn đọc đọc dễ dàng hơn các từ tiếng Pháp và không đọc tiếng Pháp theo cách đọc tiếng Anh.
Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn:
* Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thu thập tư liệu về Đà Lạt và hỗ trợ cho chúng tôi để cuốn sách Đà Lạt năm xưa được xuất bản;
* Ban lãnh đạo và thủ thư Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, các thư viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi;
* Ông Pangting Uôk đã đọc bản thảo chương Trên quê hương người Lạch;
* TS. Phó Đức Đĩnh đã đọc bản thảo chương Thực vật trên cao nguyênLang Bi-an;
* Các tác giả chúng tôi đã sử dụng tư liệu;
* Bạn đọc, bạn hữu đã góp ý, giới thiệu tư liệu để chúng tôi hoàn chỉnh dần tập sách này.
Đà Lạt 2001
Tác giả
2/ Thay lời tựa
Ba giờ rưỡi chiều ngày 21-6-1893, bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lang Bi-an, tạo một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển Đà Lạt, góp phần biến Đà Lạt từ một vùng đất hoang sơ của người Lạch thành một thành phố nổi tiếng có tên trong nhiều quyển từ điển bách khoa trên thế giới.
Một trăm năm đã trôi qua kể từ ngày đáng ghi nhớ này, nhưng hình ảnh của bác sĩ Yersin, của Đà Lạt năm xưa vẫn sống mãi trong tâm tư, tình cảm người Đà Lạt. Tìm hiểu về Đà Lạt năm xưa là niềm thích thú của không ít người Đà Lạt và du khách một lần đặt chân lên thành phố trên cao nguyên này.
Có hai ngả đường có thể đưa người đọc trở về với Đà Lạt những ngày qua: tư liệu sống do các cụ già người Lạch và người Kinh kể lại và tư  liệu viết trong sách báo. Chúng tôi rất tiếc không đủ điều kiện để đi theo ngả đường thứ nhất.
Trong nửa đầu thế kỷ XX, các Tạp chí Đông Dương (Revue Indochinoise), Đông Dương (Indochine), Tạp chí Đông Dương Pháp lý và Kinh tế (Revue Indochinoise Juridique et Économique), Hoạ báo Châu Á Mới (L’ Asie Nouvelle Illustrée), Tập san của Hội Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des Études Indochinoises),... đã đăng nhiều bài viết về Đà Lạt và bác sĩ Yersin. Étienne Tardif, Pierre Bouvard và F. Millet cũng biên soạn một vài tác phẩm về Đà Lạt. Các tác giả này đã cung cấp một số tư liệu bổ ích cho công tác nghiên cứu lịch sử xây dựng thành phố Đà Lạt từ năm 1893 đến năm 1944.
Với mục đích giới thiệu tư liệu, trong tập sách nhỏ này, chúng tôi chỉ tóm tắt, lược dịch những tư liệu chính. Các tư liệu có một số chi tiết không đồng nhất, thiếu chính xác (độ cao các đỉnh núi, dân tộc ít người,...). Với tinh thần tôn trọng nguyên văn, chúng tôi vẫn dịch theo ý của tác giả.
Về các địa danh, chúng tôi dùng từ địa phương. Trong trường hợp chưa tìm được từ địa phương, chúng tôi ghi địa danh theo nguyên tác.
Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thư viện Khoa học Xã hội, Khoa học Tổng hợp, Viện Bảo tàng Lịch sử, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Lâm Đồng, Ban Khoa học và Kỹ thuật, Liên hiệp Khoa học - Sản xuất thành phố Đà Lạt, chúng tôi đã tìm được một số tư liệu có liên quan đến Đà Lạt từ năm 1893 đến năm 1944 nhưng chắc hẳn còn nhiều tư liệu chưa tìm thấy. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, phê bình chân thành của bạn đọc.
Đà Lạt, Xuân Quý Dậu
(2003)
TÁC GIẢ
3/ Trên quê hương người Lạch
CAO NGUYÊN LANG BI-AN
Ở chân trời hướng Bắc, dãy núi Lang Bi-an sừng sững hiện ra, tạo hậu cảnh cho thành phố Đà Lạt với hai đỉnh núi cao 2.167m và 2.154m. Dưới chân núi là xã Lát và huyện lỵ huyện Lạc Dương.
Năm 1899, bác sĩ Étienne Tardif (Ê-chiên-nơ Tạc-đíp) đã leo lên dãy núi Lang Bi-an và viết về cao nguyên Lang Bi-an:
“Cao nguyên Lang Bi-an là một vùng rộng lớn trải ra xung quanh giao điểm của 106o kinh Đông và 12o vĩ Bắc, có hình dáng một hình en-líp mà đường trục lớn Bắc - Nam dài 18km và đường trục nhỏ Đông - Tây dài từ 10 đến 12km.
Độ cao thay đổi từ 1.300 đến 1.550 và 1.600m.
Đỉnh núi cao nhất của dãy Lang Bi-an án ngữ cao nguyên Lang Bi-an về hướng Bắc. Về các hướng khác, những chỏm núi dài và cao bao bọc cao nguyên Lang Bi-an.
Khi nhìn thấy cao nguyên Lang Bi-an, điều đập mạnh vào mắt tôi trước tiên là địa hình. Cả một vùng rộng lớn gồm nhiều ngọn đồi nằm kề bên nhau, nối tiếp nhau, chế ngự lẫn nhau, sườn đồi này dốc thẳng đứng, sườn đồi kia nằm thoai thoải trên mặt đất. Những thung lũng rộng và sâu nhiều hay ít chia cắt núi đồi dợn sóng, len vào giữa là con đường nối liền Đăng Kia (Dankir, Dankia) với Đà Lạt.
Cả vùng đồi núi này đều phủ một lớp cỏ ngắn vào mùa khô, cao và dày vào mùa mưa.
Trong thung lũng mọc nhiều loài thực vật khác nhau, lau sậy và trên vài sườn đồi có những đám thông và tùng.
Dòng nước chảy theo nhiều lối, có khi là những dòng suối nước chảy xiết, có khi là những ao hồ sâu ẩn mình dưới một lớp thảo mộc rậm rạp.
... Tôi nhận thấy gió trên cao nguyên thổi vào tháng 6 từ Bắc sang Đông và thổi dữ dội từ Đông sang Tây vào tháng 11, trong mùa lạnh. Hình dáng mấp mô của cao nguyên thật là lạ lùng! Tôi leo lên một trong năm đỉnh núi. Một cảnh quan kỳ diệu hiện ra trước mắt tôi. 150 đồi núi xanh rờn giống như một thúng cam khổng lồ.
Cuối cùng, không thể nào quên một nét đẹp thật mê hồn trên cao nguyên bao la này: Ăn Krô-ét (Ankroët) với rừng thông mênh mông và thác nước kỳ lạ cao 15m, nước tuôn xối xả. Rất tiếc, vị trí nơi đây quá hẹp không cho phép xây dựng những công trình quan trọng.”
Theo các nhà địa chất, núi Lang Bi-an hình thành do vận động tạo sơn nhưng theo truyền thuyết của người Lạch (Lat, Lạt, Làc, M’ Lates,...) và người Srê (Xrê, Sré), núi Lang Bi-an do một con heo rừng tạo nên. Truyện cổ kể rằng:
Khởi thủy có địa ngục (Bờ-rạ Ting, Brating hay Brah Ting). Ở địa ngục, K’Bùng tạo ra tất cả: đất, đá, động vật, con người, những nhân vật đầu tiên được tôn là thần thánh.
Thế rồi K’Bùng và những nhân vật do K’Bùng tạo nên đi ra khỏi địa ngục để làm nên trời và đất.
K’Bùng lấy một cái búa nhỏ rèn thành trái đất, lấy một cái búa ngắn rèn thành trời. Trời đất cưới nhau sinh ra con đàn cháu đống về sau.
K’Bùng lấy từ địa ngục lên một trái bầu đựng đất màu mỡ và bảy gùi lớn đựng đất khô khan, đất màu mỡ cho lúa, đất khô khan chỉ là đất. K’Bùng và cộng sự không những tạo ra mặt trời, trăng, sao mà còn làm ra lục lạc cho ngựa, chuông cho trâu,...
K’Bùng tạo ra con kiến, con rắn, con chim sẻ trắng. K’Bùng cột một sợi chỉ vào chân con chim rồi cho bay đi khắp nơi để đánh dấu đất. Chim dừng lại trên một ngọn núi K’Bùng muốn tạo ra. K’Bùng đánh dấu nơi này và tạo ra đỉnh núi Lang Bi-an. K’Bùng tạo ra con heo rừng giúp K’Bùng đắp đất. Heo rừng dùng mõm ủi đất nhiều và khéo đến nỗi Lang Bi-an trở thành một ngọn núi lớn. K’Bùng tạo nên người khổng lồ ép đất núi tạo ra thác và rắn nước.
K’Bùng mang từ địa ngục một gùi nhỏ đựng hạt chuối rừng, một gùi có nắp đựng hạt tre, một gùi có quai đựng hạt cỏ tranh. Ông cũng mang cả hạt của cây mây, cây dứa, các loài thực vật khác.
K’Bùng tạo ra con nai. Trở về mặt đất, ông mang đất sét đỏ tạo ra những con chim sẻ, con ó từ đất đá, con cọp từ bùn lầy, con heo từ lúa khô, con thỏ từ lúa đông lạnh.
K’Bùng tạo ra tất cả, tạo cả con người (K’Bung mon jo’h, mon chau sól).
Ngày xưa, cây tre không có mắt và chân tay con người chỉ là một khối cứng đơ, không cử động được, không khom lưng được. Con của K’Bùng rất mạnh đã điều chỉnh lại chân tay giúp con người đi lại được. [30, 21 - 22]
Người Chin (Chil, Cil, Cill) cũng có một truyền thuyết về công trình đắp núi Lang Bi-an và nguồn gốc của các dân tộc ở Việt Nam:
Thuở xưa, hai vị thần N’Thup -Thưr và Lãn Dữn đã rèn nên trái đất và dùng phép mầu tạo ra mặt trời, mặt trăng cùng những ngôi sao soi sáng trái đất cả ngày  đêm.
Lúc đầu trái đất còn mềm, sau khô cứng thành đất và đá. Ông bà N’Thup - Thưr và Lãn Dữn lấy đất nặn ra một người đàn ông và một người đàn bà, đặt tên là Ha Nghê và K’Nghe để cai quản trái đất. Hai người này kết duyên với nhau, sinh được một đôi trai gái, con trai đặt tên là Ha Đỏ, con gái tên là K’Dong. Lớn lên, hai người lấy nhau và sinh rất nhiều con cháu.
Ban đầu, tổ tiên loài người chưa biết làm nhà và sống trong hang đá. Cây cỏ, đất cát, nước nôi chưa xuất hiện, họ sống bằng một thứ thuốc đặc biệt và uống nước của con vẹt.
Một hôm, nghe thấy có những tiếng động lạ dưới một hòn đá, họ hè nhau lăn hòn đá sang một bên. Một con cua từ dưới hòn đá bò lên, theo sau là một dòng nước trong suốt chảy ra. Sau đó có rất nhiều vật lạ như lươn, cá, tôm,... cùng theo dòng nước bơi ra. Dòng nước ấy chảy suốt ngày đêm, năm này sang năm khác, không bao giờ ngừng. Nước chảy đến đâu đều xoi mòn đá tạo nên đất cát, đồng bằng và sông ngòi, hồ ao, biển cả. Từ ấy có mưa, cây cối mọc lên xanh tốt và muôn loài khác tự nhiên sinh ra.
Loài người rất sung sướng, họp nhau ca hát, nhảy múa bên dòng nước lạ. Về sau, họ biết trồng tỉa để có lương thực và biết nuôi súc vật để cúng tế thần linh.
Thời gian sau, loài người quá đông đúc, đất đai trồng tỉa không còn đủ nuôi sống tất cả, họ phải phân tán đi kiếm các vùng đất mới. Trước khi chia tay đi bốn phương trời, họ họp bàn cùng nhau làm một cái gì thật cao để con cháu dù đi xa đến đâu cũng trông thấy và có thể tìm đường về quê hương cũ. Mọi người đồng ý bắt chước loài mối tha đất đắp ụ để đắp một quả núi thật cao. Công trình đắp núi vô cùng vất vả, đất mềm càng lên cao càng bị lở, họ phải làm giàn giữ đất và đặt ra tục lệ mỗi khi người con gái đi lấy chồng phải nộp cho nhà trai một số chiêng. Chiêng này úp vào quả núi cho thêm vững chắc. Đắp núi xong, họ đặt tên là  Lang Bi-an rồi phiêu bạt khắp bốn phương trời.
Trong số những gia đình phân tán đi các nơi có sáu chị em gia đình nọ tên là K’Grup, K’Grum, K’Grăm, K’Grô, K’Pac, K’Nghê - K’Nga. Con cháu cô K’Grup sinh ra người Chăm, con cháu cô K’Grum sinh ra người Chu-ru, con cháu cô K’Grăm sinh ra người Chin, con cháu cô K’Grô sinh ra người Cơ-ho, con cháu cô K’Pac sinh ra người Mạ, còn con cháu cô K’Nghê - K’Nga đi xuống đồng bằng sinh ra người Kinh. Vì vậy, người Chăm, người Chu-ru, người Chin, người Mạ, người Cơ-ho và người Kinh đều là anh em.  
Về ý nghĩa địa danh Lang Bi-an, truyện cổ của người Chin cho biết về sự tích K’ Lang và Ha Biang, núi Voi và sông Đa Nhim:
Ngày xưa, ở buôn Kon Đố (xã Đưng K’ Nớ, huyện Lạc Dương) có một đôi vợ chồng: người chồng tên là Ha Biang, người vợ tên là K’ Lang.
Một năm nọ, toàn vùng bị hạn hán, Ha Biang lên đường đi kiện trời, nhưng khi đến núi Găng-reo ở huyện Đức Trọng hiện nay thì bị chết đói.
K’ Lang lần theo vết của cây con do Ha Biang đã bẻ đi tìm chồng. Nhìn thấy xác chồng, K’ Lang khóc lóc thảm thiết, vang xa khắp “tám núi, tám sông, tám rừng, tám suối” và bay đến tận trời.
Trời liền sai thần mưa trút nước xuống trần gian nhưng K’ Lang vẫn tiếp tục khóc cho đến chết. Tiếng khóc của K’ Lang làm xúc động con voi đầu đàn. Nó đến che mưa cho K’ Lang và Ha Biang, đứng khóc rồi chết theo Ha Biang và K’ Lang.
Nước mưa hòa cùng nước mắt của K’ Lang và con voi chảy thành sông gọi là sông Đa Nhim (da: nước; nhim: khóc). Các già làng đặt tên cho ngọn núi ở Kon Đố là Lang Biang và núi Găng-reo là núi Voi.
Người Lạch cũng có một truyện cổ về sự thành lập núi Lang Bi-an:
Ngày xưa, đất trên cao nguyên và vùng đồng bằng đều bằng phẳng, chưa có núi cao như bây giờ. Khi mùa lũ đến, nước biển và nước sông tràn ngập cả đất đai, cây xanh không mọc, đất đai bạc màu. Thần Nđu thấy vậy đã làm phép nâng đất cao thành cao nguyên. Nước biển vẫn tràn lên, thần Nđu liền tạo ra nhiều ngọn núi cao thấp nằm gần nhau làm bờ ngăn cản nước, trong đó có hai ngọn núi Lang Bi-an. Ngăn chặn được nước sông và nước biển, cây cỏ xanh tươi, đất đai màu mỡ, thần Nđu giao cho thần rừng tạo ra loài vật để cho cuộc sống thêm vui. [6, 89]
NGƯỜI LẠCH
Từ xa xưa, trên cao nguyên Lang Bi-an có hai tộc người Chin và Lạch cùng sinh sống, nhưng đông nhất là người Lạch.
Chin còn gọi là cau n’ho (cau: người; n’ho: ngo, thông) có tập quán du canh, du cư, phát rừng, làm rẫy (sa bri: ăn rừng).
Lạch có nghĩa là đồi cỏ:
Jùn ntúat bơh brê làc tus brê dơr
(Con nai chạy từ đồi cỏ vào trong rừng thưa).
Một số tư liệu dịch Lạch là rừng thưa (clairière) hay trảng cỏ (clairière herbacée).
Người Chăm gọi người Lạch, Chin, Srê là Cơ-ho (Cơ Ho, Kơho, K’ Ho) có nghĩa là người miền núi.
Người Lạch sử dụng ngôn ngữ Môn - Khơ-me như người Ba-na, Stiêng, M’ Nông và một số dân tộc ít người khác trên Tây Nguyên.
Gốc người Lạch có các họ: Cil (Chil), Krajan (Krazanh), Liêng Hot, Rơông, Pangting, Dagốt (Dagout), Mebla, Bonding (Bòn Đing), Bonyộ (Bòn Yộ), Lơmbiêng,... Riêng họ Cil còn chia nhiều nhánh: Cil Mup, Cil Damjong,...
Người Lạch có một số họ như người Chin: Cil, Krajan, Liêng Hot, Rơông; riêng họ Cil của người Chin có Cil Pam, Cil Yú,...
Tuy nhiên, người Lạch có các họ mà người Chin không có:  Dagout, Pangting, Rơglê, Mebla, Bonyộ, Bonding.
Ngược lại, có các họ chỉ có trong người Chin, người Lạch không có: Bondưng, Dơnggur, Konsa, Konsơ, Sơao, Sơnơr, Lơmu, Mbon, Bontô, Ntôl, Klong,...
K’ không phải là họ nhưng là một từ đặt trước tên của một nhân vật, có nghĩa như ông, bà, anh, chị trong tiếng Kinh. Ví dụ: K’ Mlơi có nghĩa là ông Mlơi.
Người Chin dùng từ K’ để phân biệt phái: K’ dùng để gọi phái nữ, Ha dùng để gọi phái nam. Người Lạch, người Srê dùng chung từ K’ cho cả nam lẫn nữ. [3, 165]
Trước năm 1954, người Lạch sinh sống trong 7 buôn: Bon Nơr, Bon Đêng (Bon Đing), Bon Dơng, Hàng Kròc (Rơhàng Kròc), Mang Ling và hai buôn Đang Ja. Năm 1954, thung lũng sông Đạ Đờng (Dạ Dờng, Da Deung, Đa Dâng) bị ngập lụt, Bon Dơng và một buôn Đang Ja được tập trung vào một địa điểm mới, trong khi đó vài gia đình chuyển sang Dơng Kriêng, Dà Mpào, Nrèng hay Pơnơr ở các huyện Đức Trọng và Lâm Hà ngày nay. [35, 3]
Làng người Lạch
Nhà dài

Trong một làng người Lạch
Buôn Prền

Hiện nay, người Lạch sống tập trung tại xã Lát (huyện Lạc Dương). Năm 1989, xã Lát có 395 hộ với 4.915 người Lạch. Xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt) có khoảng trên 300 người Lạch.
Ngày xưa, đa số người Lạch sống trên vùng đất thấp, màu mỡ, trong các buôn có nhiều nhà dài với nhiều gia đình cùng chung sống.
Buôn làng ít khi có hơn 20 nhà, mỗi nhà có 3 hay 4 hộ. Có hai loại nhà: nhà đắp đất và nhà dài 20 - 25m, cất trên cột cao 2m, không có cửa sổ và ống khói. Dưới sàn nhà, họ nuôi trâu, heo, gà,... Ngựa được nhốt trong chuồng giống như chiếc hộp khép kín để tránh cọp thỉnh thoảng đi kiếm mồi.
Mái nhà lợp một lớp tranh dày. Trên trần nhà, người Lạch cất thóc, bắp, dây mây, thịt trâu, heo, nai xông khói. Hạt giống được cất giữ trong những chiếc giỏ bằng mây.
Buôn làng là đơn vị hành chính quan trọng nhất. Người có quyền lực cao nhất trong buôn là trưởng buôn hay chủ làng(kuang bon) được chọn không phải do thể lực nhưng do sự hiểu biết về phong tục, tập quán và luật lệ. Ngoài ra còn có một hội đồng già làng gồm chủ nhà (pô hiu) và tộc trưởng (kumy). Hội đồng họp với sự tham gia của trưởng buôn để giải quyết những trường hợp nghiêm trọng. Vì lợi ích chung, nhiều buôn có thể hợp tác với nhau và chọn người đứng đầu liên minh (roklong).
Luật tục (nri) là những câu thơ ca truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong luật tục của người Lạch không có án tù và tử hình. Người Lạch tin rằng khi con người phạm lỗi là không hoà đồng với thiên nhiên và động đến thần linh. Để không bị thần linh nổi giận trừng phạt, người phạm lỗi phải hiến sinh và nộp phạt. [70, 389, 395, 415 - 416] 
Dừng chân
Thiếu nữ Lạch
Người Lạch có thân hình cân đối, nước da ngăm đen, tóc dài, mắt tinh. Họ luôn nhìn thẳng và hay cười. Họ cà răng, không dùng đũa nhưng ăn bốc và hay hút thuốc lá trong ống điếu.
Lỗ tai người phụ nữ đeo vòng bằng ngà voi hay thiếc lớn dần theo năm tháng, có khi nặng đến 500 gam. Cổ tay và cổ chân đeo vòng phát ra tiếng động khi bước đi. Đây là dấu hiệu của sự giàu sang.
Trẻ em đeo kiềng và vòng với những chiếc lục lạc.
Đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy làm bằng một mảnh vải quấn ngang thắt lưng.
Người Lạch rất trung thực, chất phác, giữ lời hứa, dũng cảm và hiếu khách.
“Jơi gloh cô tờm, hờm cô năc”
(Chủ đói để cho khách no).
Khi khách đến làng, họ mang chuối, cơm, gà, trứng,... đãi khách. Trưởng buôn đem ra một ché rượu, cắm một chiếc cần và mời khách uống. Chiếc cần được chuyền cho người này đến người khác. Trưởng buôn đôi lúc đổ thêm nước vào ché rượu, rượu ngày càng nhạt dần.
Họ rất ân hận khi không tiếp khách được chu đáo:
Trôêh  kòn prôm bềl bồ ờ te làng
Trôêh kòn prôm bềl bàng ờ te lă
Iêr kuang kră ờ te bôh
Rơpu kuang yôh ờ te pơntề”
(Khách đến nhà chiếu trải không đủ
Khách đến nhà không có chiếu quý để trải
Khách đến nhà không có gà trống để nướng
Không có trâu đực để làm thịt mời khách).
Tuy y học còn thô sơ nhưng người Lạch biết sử dụng cây thuốc để chữa bệnh. Trong một số trường hợp, họ phải cúng bái. Người phụ trách cúng bái là thầy cúng (gru) nam hay nữ phục vụ cho nhiều buôn. Thông qua các vị thần linh, thầy cúng xác định bệnh tình, cho biết tên thần linh gây bệnh và lễ vật phải cúng tế.
Cuối thế kỷ XIX, bác sĩ Étienne Tardif đã được dân làng mời đến thăm một người dân bị bệnh nặng ở Bon Dơng (Bandone) gần Đăng Gia trên cao nguyên Lang Bi-an kể lại:
“Khi đến nhà, tôi thấy trên chòi đầu và chân một con trâu vừa mới bị giết. Người ta cho tôi biết đây là con trâu thứ ba cúng thần linh từ khi bệnh bắt đầu. Vào trong nhà, khói lửa cúng thần linh xông lên khó chịu. Quanh ngọn lửa, dân làng ăn và uống rượu. Thỉnh thoảng, một người kéo một sợi dây cột vào mái nhà làm cho những chiếc bùa và lục lạc vang lên. Cùng lúc trống chiêng đánh lên và người trong nhà la hét để xua đuổi ma quỷ đang nhập vào xác người bệnh. Bệnh nhân bị sốt rét nặng nằm cạnh đống lửa.
Khi một người trong làng chết trong một thời gian ngắn do một căn bệnh không rõ, dân làng dời buôn sang nơi khác.” [50, 107 - 124]
Trong xã hội người Lạch, người phụ nữ sở hữu và thừa hưởng tài sản, đề khởi hôn lễ và truyền tên dòng họ gia đình cho con cái. Nam giới lo việc cày bừa, trồng trọt, thu hoạch, săn bắn, bắt cá và đan lát; người phụ nữ nấu cơm, chế biến rượu, dệt thổ cẩm và chăm sóc con cái. Vào mùa đông, săn bắn và bắt cá chiếm phần lớn thời gian của nam giới; vào mùa xuân và mùa hè, hoạt động chính là nông nghiệp.
Một ngày trong buôn diễn ra như sau:
Từ sáng sớm, người vợ thức dậy nấu cơm và dở cơm trưa.
Sau bữa ăn sáng, hai vợ chồng người nào việc nấy tùy theo mùa và ngày trong tháng.
Đến tối, người chồng trở về nhà, người vợ lại chuẩn bị cơm nước.
Sau bữa ăn tối, dân làng ca hát, kể chuyện cổ tích và trò chuyện đến khuya.
Thỉnh thoảng, các lễ hội, ma chay, hôn lễ làm thay đổi cuộc sống thường ngày.
Cũng như các tộc người Cơ-ho khác, người Lạch theo chế độ mẫu hệ, một vợ, một chồng. Họ cũng được phép đa thê nhưng rất hiếm, chỉ xảy ra trong các gia đình giàu có hay trưởng buôn. Hôn nhân giữa các thành viên trong cùng một dòng họ bị coi  là loạn luân và cấm triệt để.
Người phụ nữ kén chồng (kup bao: bắt chồng) trong những người cùng buôn hay buôn lân cận. Một thầy cúng đứng ra chủ lễ thành hôn, cầu nguyện thần linh gia hộ cho đôi lứa. Trong trường hợp không có thầy cúng thì mẹ của cô dâu chủ lễ. Gia đình cô dâu giết trâu, heo, gà và lấy máu động vật hiến sinh trộn với rượu bôi vào chân cô dâu, chú rể.
Sau đó, chú rể ở lại lao động trong nhà cô dâu, chịu sự lãnh đạo của người lớn tuổi nhất trong gia đình nhà vợ. Nếu người vợ chết, người chồng có thể trở về nhà cha mẹ nhưng con cái ở lại nhà mẹ.
Sự gian dâm là một trọng tội và bị phạt rất nặng. Kẻ có tội phải nộp phạt cho gia đình, trưởng buôn, già làng và giết sinh vật để tạ tội với thần linh.
Người Lạch cũng được phép ly dị nhưng phải có lý do và được trưởng buôn, già làng cho phép. Nếu vợ hay chồng bị tố cáo là tà dâm, bất lực, lười biếng hay mâu thuẫn không giải quyết được thì hai họ họp lại bàn bạc với sự tham dự của chức sắc trong buôn. Người chồng không được cưới vợ lẽ nếu không được phép của người vợ cả. Người vợ lẽ bị đối xử như người ở và người chồng phải ở trong gia đình người vợ cả.
Nếu vợ hay chồng trốn nhà ra đi, cha mẹ vợ hay chồng phải nộp phạt một con trâu.
Khi bà mẹ chuyển bụng, người cha mời bà đỡ (mọ boai) đến giúp và ở lại trong nhà ba ngày sau khi đứa bé ra đời. Người cha cúng một con gà, một ché rượu và trả cho bà mụ một cái kiềng, một vòng bạc và một chiếc chăn.
Nếu bà mẹ đẻ khó, một bà đỡ thứ hai được mời đến.
Nếu bà mẹ vẫn chưa đẻ được, người cha mời bà đỡ thứ ba (mọ boai giac). Bà đỡ này có nhiều kinh nghiệm nhưng rất hiếm, 5 hay 6 buôn mới có một người.
Trong trường hợp đẻ khó, gia đình phải cúng heo, dê, trâu và rượu.
Đại gia đình người Lạch rất thương yêu, chăm sóc trẻ em, không bao giờ bỏ rơi trẻ em. Trẻ mồ côi được gia đình bên mẹ nuôi nấng, thỉnh thoảng người hàng xóm nuôi, dạy dỗ và đối xử như con ruột.
Trẻ em rất được quý mến; con gái được chuộng hơn con trai vì nhờ con gái về sau sẽ có thêm chàng rể, tăng thêm người lao động trong gia đình.
Trẻ em được giáo dục về sự đối xử với cha mẹ, các thành viên trong gia đình và phong tục buôn làng, chuẩn bị cho các em trở thành người lớn. Con trai được dạy về nghề nông, săn bắn, bắt cá, trong khi con gái học những công việc hằng ngày của người phụ nữ: nấu ăn, dệt thổ cẩm và chăm sóc các em nhỏ.
Người con gái út ở lại trong gia đình để chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Tuy nhiên, nếu người chị cả sống với cha mẹ, người con gái út có thể rời khỏi gia đình. Nếu người chị cả mất trước khi cha mẹ từ trần, người con gái út phải trở về chăm sóc cha mẹ. Con cái không bao giờ không phụng dưỡng cha mẹ.
Người Lạch chia trường hợp chết thành hai loại: chết tự nhiên và chết vì tai ương (tai nạn, bất đắc kỳ tử hay khi lọt lòng mẹ) do thần linh gây ra. Như các tộc người khác trên Tây Nguyên, người Lạch sợ phải chết xa buôn làng.
Người chết được tắm rửa và mặc y phục đẹp nhất. Nếu chết vào buổi tối, một con trâu, một con heo và một con gà được hiến tế. Nếu chết vào sáng sớm, lễ hiến tế được tổ chức ngay. Nếu chết vào ban ngày, lễ hiến tế được tổ chức vào lúc hoàng hôn.
Trong dịp ma chay, bạn bè và người thân của người chết đến viếng thăm, mang theo trâu, heo, gà và những ché rượu để dân làng cùng hưởng. Người lớn uống rượu trước, sau đó đến thanh niên và cuối cùng là phụ nữ.
Lễ an táng được cử hành vào ngày thứ ba hay thứ tư sau ngày chết. Các ché rượu, ly chén được đập vỡ, bỏ vào một cái giỏ cùng với lễ vật và đặt gần mộ. Thân nhân người chết cũng đặt lên mộ một con gà, không giết gà nhưng để cho nó chết dần. Thân nhân tiếp tục mang thức ăn đến cho người chết trong vòng một năm, sau đó mới bỏ mả. Một số gia đình dựng nhà mồ trên mộ người thân.
     
Nhà mồ
Tài sản được chia cho nữ giới. Trong gia đình có ba người con gái thì người chị cả được hưởng 3/10 gia tài, người thứ hai 2/10 và cô gái út được nửa gia tài vì cô gái út chịu trách nhiệm trả tổn phí lễ tang và giữ gìn mồ mả. Nếu ba chị em cùng ở trong một nhà thì cùng chịu trách nhiệm về lễ tang, sự kế thừa và các khoản chi tiêu trong gia đình được phân chia đồng đều.Vợ chồng phải chịu tang trong một năm. Người chồng có thể cưới vợ khác sau thời kỳ chịu tang nếu gia đình vợ đồng ý hay người chồng lấy em gái vợ.
Từ xa xưa, người Lạch chọn khu rừng rồi hạ cây, phát rẫy (mir) và đến cuối mùa khô họ đốt rẫy.
Trên mặt đất còn nóng và đầy tro, họ nhanh chóng gieo hạt bắp, lúa rẫy, bí, bầu, đậu,.... Người đàn ông đi trước, tay cầm một hay hai cây gậy có đầu nhọn chọc xuống đất với khoảng cách đều nhau. Người phụ nữ đi theo sau, tra hạt vào lỗ.
Sau 1, 2, 3 hay 4 năm, tuỳ theo tình trạng cạn kiệt của đất, người Lạch bỏ rẫy đi phát tiếp một khu rừng khác. Nếu đất tốt, cây rừng mọc lại thì 15 hay 20 năm sau, họ trở về tiếp tục phát rẫy. Nạn đốt rừng đã khiến cho nhiều khu rừng trở thành những ngọn đồi trơ trụi.
Về sau, người Lạch học được từ người Chu-ru kỹ thuật trồng lúa nước. Trong các thung lũng, dọc các dòng suối, họ cày bừa, sạ lúa và đào mương dẫn nước vào ruộng. Họ biết tận dụng sức nước và gió để chế tạo những công cụ xua đuổi thú rừng phá hoại mùa màng.
Người Lạch nuôi heo, gà, trâu, ngựa,... Con trâu là động vật linh thiêng nhất dùng trong tế lễ. Đối với thần linh, con trâu hiến tế thay mặt cho con người. Sau khi cúng tế, thịt trâu được chia cho thân nhân trong gia đình và dân làng như một hình thức đoàn kết trong cộng đồng. Heo, gà cũng được dùng trong cúng tế nhưng giá trị kém hơn trâu.
Người Lạch nuôi heo và đem xuống vùng đồng bằng để đổi muối. Cao nguyên Lang Bi-an hoàn toàn thiếu muối và món quà họ ưa thích nhất là muối. [70, 399 - 405]
Nuôi ngựa là một đặc điểm độc đáo của người Lạch. Ngựa không những là phương tiện đi lại, chuyên chở thích hợp ở vùng đồi núi nhấp nhô mà còn là hàng hoá để buôn bán với các cư dân khác trong vùng. [13, 183]
Người Lạch đan chiếu, trang trí vải dệt thổ cẩm, đồ dùng (con dao, hộp đựng thuốc lá, ống điếu,...), đồ trang sức (vòng bạc,...) với những nét thẳng, hình thoi, ô vuông, chữ chi,...hoa văn đa dạng trình bày hình ảnh mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, vảy đồi mồi, cối giã gạo, mỏ chim, bó tranh lợp nhà, cánh con ruồi, răng con trâu, con dế,... [27, 1.072 - 1.074]
Vào mùa khô, khi công việc nhà nông tạm dừng, người Lạch tổ chức thành từng đoàn đi xuống vùng đồng bằng Phan Rang, Nha Trang để trao đổi hàng hoá. Họ đổi da thú vật, heo,...lấy vải, muối, sắt, ché, chiêng,... Những chuyến đi xuống vùng duyên hải kéo dài vài tuần.
Chân đạp đất, lưng nặng trĩu hàng hóa, họ leo đồi, tuột dốc, đi ngang qua những khu rừng và chống chọi với thú dữ bằng dáo, mác và cung tên.
Thác ghềnh, sông rộng không ngăn chặn được bước chân của họ. Họ chọn những khúc sông suối cạn để vượt qua. Gặp những khúc sông suối sâu, họ kết bè hay dùng thuyền độc mộc. Họ cũng biết dùng phà cột với sợi dây mây dài hơn trăm mét. Đôi khi họ hạ cây cao bắc cầu qua suối.
               Xà gạc và dao               
Một số hoa văn trang trí
Tài sản quý giá nhất là con trâu (rpu) dùng để cày bừa hay tế thần. Kế đến là ché (drap) và chiêng (cing).
Ché được xếp thành hàng dọc theo tường hay treo trên trần nhà. Các chiếc ché cổ giá rất cao, đổi được nhiều con trâu. Ché được xem là vật thiêng, vị thần hộ mạng. Nhiều lễ hội được tổ chức trong và sau khi mua bán ché, cũng như nhập ché vào nhà.
Giá trị của chiêng thay đổi tuỳ kích thước, hình dáng và nhất là nguồn gốc, tuổi tác, âm thanh. Giá trị hàng hoá được tính theo lưỡi cuốc, lưỡi rìu, chiều dài của sừng trâu, vòng ngực của con heo, thùng lúa, bắp, chăn, nồi niêu, ché, chiêng, đồ trang sức,...
Người Lạch tin vào thần linh. Vị thần cao nhất là Nđu. Truyện cổ kể rằng Nđu ăn cắp một hạt lúa từ địa ngục đem lên cho loài người nhưng lúa lại trở về tảng đá, nơi ngự trị của Mẹ Lúa (Me Kuê). Nđu mời Mẹ Lúa cùng đi nhưng bị chặn lối, Mẹ Lúa không lên được. Nđu ra lệnh cho con kiến đào đất để ăn cắp hạt lúa nằm dưới tảng đá. Bảy con kiến làm việc và mang được các giống lúa lên mặt đất. Sau đó, heo, vịt, gà, dê, trâu, rượu cũng lần lượt lên mặt đất. Nđu và Mẹ Lúa dạy con người biết trồng lúa và ăn cơm với thịt nai, heo, trâu, gà, cá.
Dưới thần Nđu có thần mặt trời (Yàng Tơngê), mặt trăng (Yàng Konghai), mặt đất (Yàng Tiêh), bầu trời (Yàng Trộ) và sấm sét (Yàng Dong Rong, Yàng Tơrnàih). Vô số thần linh ngự trị trong thiên nhiên: các ngọn núi, khu rừng, dòng suối, tảng đá, động vật như con cọp, các đồ vật trong buôn hay trong nhà: cổng buôn, dụng cụ, ché rượu,...
Ngoài các vị thần (Yàng) còn có ma quỷ (cạ, caạ) gây ra tai nạn, bệnh tật và chết chóc.
Hai vị thần quan trọng nhất là thần núi và thần nước. Thần cây cối giàu lòng từ thiện chịu trách nhiệm về lúa, bông vải và các vật liệu xây dựng.
Thần lúa (Yàng Kuê) giữ một vị trí đặc biệt vì là vị thần nuôi dưỡng con người. Thần lúa thường liên kết với thần đất (Kuê - Ú). Thần đất cũng được nhân cách hoá và sánh với người mẹ nên người Lạch thường gọi Mẹ Đất (Me Ú).
Trong lời khấn đọc bằng tiếng Chu-ru trong lễ nghi nông nghiệp còn nhắc đến thần Alăc -Alăn
“... tạo ra đất, trời, con người và muôn vật
tạo ra lợn nái, thóc lúa
tạo ra ché nhỏ
tạo ra ché lớn
tạo ra con bò
tạo ra con trâu
tạo ra chiêng lớn và con trâu nhỏ
tạo ra chiêng lớn và con trâu tơ”.
Người Lạch kiêng nhắc đến tên cúng cơm của cha mẹ, không nói khát nước vì sẽ không có nước để uống, không nói ruộng lúa tốt vì sẽ bị mất mùa, không được phá tổ kiến.
Trong một số trường hợp, nhà cửa cũng bị kiêng cữ, không cho người ngoài vào nhà trong 7 ngày sau khi nhà có người sinh nở, 3 hay 7 ngày sau khi cúng tế và một thời gian ngắn khi người bệnh uống thuốc. Kho thóc cũng bị cấm, người ngoài không được vào.
Mỗi buôn có một khu rừng thiêng (Yàng Bri) - nơi ngự trị của thần linh. Dân làng không được chặt cây vì thần linh sẽ trả thù bằng cách gây dịch bệnh, ốm đau hay chết.
Người Lạch tin có ngày tốt, ngày xấu. Ngày lẻ là ngày tốt, ngày chẵn là ngày xấu. Tre phải chặt trong ngày lẻ. Thời gian tốt nhất để gieo mạ là ngày thứ nhất hay ngày thứ ba của tuần trăng thượng huyền hay các ngày thứ 1, 3, 5, 7, 9 của tuần trăng hạ huyền. Những chuyến đi buôn cũng phải khởi hành vào ngày lẻ. Vào những ngày lẻ, nếu đi câu hay bắt cá, săn bắn sẽ thu được kết quả tốt hơn. Vào ngày cuối cùng của tháng âm lịch, không được ra đồng làm việc.
Tháng cũng có tháng tốt, tháng xấu. Tháng 5 là tháng tốt nhất để gieo trồng và tháng 8 là tháng xấu nhất trong nghề nông.
Người Lạch cũng hay đoán mộng:
Nếu nằm ngủ mơ thấy uống rượu có nghĩa là ngày mai trời sẽ mưa;
mơ thấy người chết: mất mùa; bắt gà: ngày mai sẽ bắt được nhiều cá; con trâu chết, nai bị giết: trong làng sẽ có người chết.
Một số giấc mơ có ý nghĩa trái ngược: nếu mơ thấy giàu sẽ nghèo, nếu mơ thấy mạnh khỏe sẽ mắc bệnh. [27, 1.191 - 1.193]
Lễ hội có liên quan đến chu kỳ nông nghiệp và đời sống cư dân. Lễ hội quan trọng nhất là lễ đón năm mới (lir bong). Thời gian tổ chức lễ hội thay đổi từ buôn này đến buôn khác, nhưng thường vào mùa xuân, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, kéo dài từ 4 đến 5 ngày.
Buổi sáng ngày đầu tiên, dân làng uống rượu rồi đâm trâu. Số lượng trâu là 3, 4 hay 5 con tuỳ theo buôn giàu hay nghèo. Đầu trâu và 4 chân được đặt trên chòi để cúng thần linh. Sau khi cạo lông trâu, dân làng xẻ thân trâu ra thành nhiều miếng và nướng trên đống lửa.
Lễ hội diễn ra trong tiếng trống chiêng vang rền.
Những ngày hôm sau cũng tiếp tục như ngày đầu tiên. Dân làng cũng không quên người chết, mang ra mộ thức ăn và rượu.
Từ khi sạ đến khi gặt lúa, người Lạch tiến hành nhiều lễ nghi.
Lễ sạ lúa (kuê ụ) đánh dấu thời kỳ cây lúa cùng sống với đất mẹ. Người ta dựng một cây nêu cao 1,1 - 1,3m làm bằng tre có đầu ngọn chẻ đôi, đặt ở mảnh đất đầu tiên cuối nguồn nước. Trên đầu cây nêu có treo các vật cúng: thịt gà, các câypơndàng và dêng rồ để gọi lúa về và tăng năng suất.
Con trâu rất được kính trọng vì rất cần thiết trong nông nghiệp. Con trâu được hiến sinh khi con cái muốn tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ và nhất là khi mắc bệnh nặng. Sau khi cày bừa, người Lạch cử hành lễ tôn vinh trâu tổ chức ở trước nhà vào buổi chiều.
Người ta rửa cổ trâu vì cổ trâu phải đeo ách. Con trâu được xức rượu cần và máu gà. Người chủ nhà khấn thần trâu chữa lành vết thương cho trâu, đàn trâu được khoẻ mạnh, không bị dịch bệnh và xin thần linh tha thứ cho con người phải bắt trâu làm việc.
Khi cây lúa ngậm sữa (kuê bôn), người Lạch lại tiến hành lễ nghi khác. Nhiều loại cây nêu được dựng lên để các thần linh chú ý.
Một ngày trước khi gặt, người Lạch cử hành lễ lúa chín (kuê dôm). Người ta gặt vài bông lúa, đặt trên ruộng và khoảnh đất đập lúa để báo với thần linh sẽ gặt lúa và thần linh không ngăn cản. Trong dịp này, người Lạch kiêng cữ không cho mang thịt nai đến và ăn thịt nai vì con nai phá lúa.
Trước khi đập lúa, người Lạch giết gà và đổ rượu lên mặt đất để giữ thần lúa ở lại.
Khi lúa đã đập xong và thóc chất thành đống, người Lạch cử hành lễ nghi mời thần linh ăn cháo (huê yàng sih dà pòr).
Sau đó là lễ đưa thần lúa về nhà (nỡu truê rơhae).
Lễ nghi nông nghiệp cuối cùng là lễ mừng lúa mới (pờ bộ  kuê). Lễ này rất đơn giản, người Lạch chỉ cúng hai quả trứng và khấn cầu thần lúa.  
   
Một số cây nêu
Lời cầu nguyện khi sạ lúa, khi lúa ngậm sữa và lễ hội ngày mùa được đọc bằng tiếng Chu-ru.
Ngoài những câu ca ngợi thần linh, người hành lễ nhắc đi nhắc lại những câu mời thần lúa:
“đến ăn
đến uống
đến hát
từ hôm nay đến mai sau
từ hôm nay đến mãi mãi”
và xin thần linh:
“Con cầu xin bình an
Con cầu xin mạnh giỏi
Con cầu xin tự do
cho mọi người và muôn loài.
Con cầu xin một trăm gùi thóc
một ngàn gùi thóc
một triệu gùi thóc
một tỷ gùi thóc
nhà con đầy thóc
Con cầu mong trụ kho sẽ gãy vì lúa nặng”
... “Mọi người sống trong nhà
và tất cả dân trong buôn
Xin Người cứu họ khỏi chết
cứu họ khỏi đói
cứu họ khỏi bệnh
cứu họ khỏi gặp điều xấu
Xin Người theo dõi chúng con
phù hộ chúng con”
... “Xin Người biến những người nghèo thành giàu
Xin Người cho những người yếu sức mạnh”.
Lời cầu nguyện khi đập lúa và nhập thóc vào kho được đọc bằng tiếng Lạch:
“Hỡi lúa trên trời cao
Hỡi lúa trên mặt trăng
Hỡi lúa trên các vì sao
Hỡi lúa của gió
Hỡi lúa trong các tia chớp
Con xin gọi về
Hỡi lúa bị gió thổi
Hỡi lúa bị ngâm nước mưa
Hỡi lúa bị chim ăn
Hỡi lúa bị chim sẻ mổ
Hỡi lúa bị chim cu gáy thu lượm
Con xin gọi về
Hỡi lúa đã bỏ đi vì cãi lộn với cha
Hỡi lúa đã bỏ đi vì gây gổ với mẹ
Hỡi lúa đã bỏ đi vì lưỡi dao và liềm con đã dùng khi gặt lúa
Hỡi lúa đã bỏ đi vì sợ các vị thần con đã mời về
Hỡi lúa đã bỏ đi vì sợ các vị thần đã đánh nhau trong bữa tiệc
Hỡi lúa mà dân làng khiếp sợ
Con xin gọi về”
... “Hỡi lúa Jrơi Dờng của buôn Tơl hồng
Hỡi lúa Bờng của buôn Kơnjàn
Hỡi lúa Suàn của buôn Bồng-dêng
Hỡi lúa Sêng của buôn Lạc-dờng
Con xin khấn cầu”
... “Nếu Người mệt, xin Người đến đây nghỉ ngơi
Nếu Người đói, xin Người ở mãi nơi đây
Nếu Người quá mệt vì đi xa, xin Người nghỉ ngơi nơi đây
Hỡi lúa!”
... “Hãy xuống đây để uống
Hãy xuống đây để ăn
Hãy xuống đây để nhảy múa
Hãy xuống đây để ca hát”
... “Nếu Người là một trăm, con xin Người đến đây
Nếu Người là bảy trăm, con xin Người đến đây
Nếu Người là năm trăm, con xin Người đến đây
Con xin mời, hỡi lúa phương Bắc
Con xin mời, hỡi lúa phương Nam
Cầu xin đầy gùi khi mặt trời mọc
Cầu xin lúa giã trong quả bầu lên men
Cầu xin rượu trong ché lên men và ruồi đẻ trứng”
...“Khi mặt trời mọc, xin Người đến đây ăn
Khi mặt trời lên cao, xin Người đến đây ăn
Khi mặt trời lặn, xin Người đến đây xum họp”
...“Xin Người ở lại với con
ở lại rất đông
ở lại đến khi sinh nở” [39, 3 - 77]
Cũng như người Cơ-ho khác, kho tàng văn học dân gian của người Lạch rất phong phú gồm có ca dao, tục ngữ, câu đố, truyện cổ và các ca khúc.
“Ngal ờ rồl ai yồt pơntài
Sre ờ bà ai dà pơ yuai
Rơpu ờ jè ai gai atòng”.
(Cày không ăn đất thì dùng dây cho dài
Ruộng không ướt phải cho nước vào
Trâu không đi thì lấy roi quất).
Nhiều câu tục ngữ dạy cách cư xử, đề cập đến phong tục, tập quán hay nhận xét về các hiện tượng thiên nhiên, các điều mê tín, dị đoan:
Nếu về đêm ngôi sao sáng, hôm sau trời sẽ nắng; nếu ngôi sao nhấp nháy, trời sẽ mưa.
Nếu trên đường đi anh thấy một con rắn, anh sẽ tìm thấy những gì anh muốn tìm.
Nếu con chó sinh ra 3 con chó con, đi săn nai rất tốt;
Nếu con chó sinh ra 2 con chó con, đi săn chuột rất tốt.
Thỉnh thoảng người Lạch nói ngược hay bóng gió. Ví dụ: Nếu một người nói đi kiếm củi trên núi có nghĩa là anh đi săn nai. Nếu người ấy nói: “Tre đã sẵn sàng, anh đốn đi!” có nghĩa là rượu đã sẵn sàng, mời anh uống.
Trong thời gian nhàn rỗi, người Lạch thường đố nhau:
Cây đuốc gì mạnh đến nỗi chiếu sáng cả vũ trụ?
Trả lời: Mặt trăng
Trái gì màu đỏ, người ta không thể sờ mó và cầm trong tay?
Ngọn lửa
Người nào môi mấp máy nhưng thân không động đậy?
Thầy cúng
Con rắn đi đêm đi ngày, đố là cái gì?
Dòng nước
Cô bé nho nhỏ nhưng ai cũng kêu đau?
Con muỗi
Mình còn sống mà đã lo đeo hòm?
Con sâu
Truyện cổ của người Lạch đôi khi rất dài, kể hết đêm này sang đêm khác. Truyện cổ có thể chia thành 5 loại:
- Truyện kể về nguồn gốc các đồ vật và vũ trụ;
- Sự tích các anh hùng huyền thoại;
- Truyện kể về các nhân vật có những hành động kỳ diệu;
- Truyện ma quỷ (caạ) hay truyện người hoá cọp (somri);
- Truyện loài vật.
Trong truyện cổ, loài vật cũng có cuộc sống như loài người. Chúng có nhà, buôn làng, đồng ruộng, nông cụ, sống theo bộ tộc với phong tục, tập quán, ngôn ngữ như con người. Chúng cũng giã gạo, sử dụng vũ khí, giáo, mác, dao găm, khiên, đánh chiêng, đánh trống,...[30, 184]
Người Lạch rất yêu thích âm nhạc. Họ cất lên tiếng hát khi giã gạo, kéo cưa, múa, sinh hoạt gia đình, giao lưu bè bạn,... với những câu hát ngắn, lặp đi lặp lại nhiều lần, diễn tả niềm vui, nỗi buồn, nạn đói,...
MỘT SỐ NHẠC CỤ
Nhạc cụ có nhiều loại: sáo 4 lỗ (kơwao), sáo pnung bòc dùng trong lễ tang, sáo bầu 4 lỗ (kơrkhuk, barê), khèn bầu (kơmbuôt, komboat) với 6 ống cắm vào một quả bầu tạo thành thùng cộng hưởng, đàn môi (gọch, toung), đàn dây (rơding) làm bằng tre, trống (sơgơr, sơnggơr) bịt 2 đầu bằng da nai hay trâu tơ,...
Chiêng đồng rất quý, trị giá bằng 8 hay 10 con trâu cái. 2, 3, 4 hay 6 người dùng nắm tay tấu chiêng, tạo ra những hòa âm: sol, la (tấu 2 chiêng); sol, la, si (tấu 3 chiêng); fa, sol, la, si (tấu 4 chiêng); si, ré, fa, sol, la, si (tấu 6 chiêng) [27, 1.078 - 1.080]
ĐẠ LẠCH
Theo một số cụ già người Lạch, suối Cam Ly chảy qua thành phố Đà Lạt có 3 đoạn mang 3 tên khác nhau:
- Từ thượng nguồn đến ao Pàng Đờng (Tơnau Pàng Dòng) ở vị trí hồ Than Thở ngày nay, dòng suối mang tên Dà Pàng Dòng (Pàng: ông; Dòng: lớn);
- Từ ao Pàng Đờng đến thác Liêng Tô Sra (nay là thác Cam Ly), dòng suối mang tên Đạ Lạch (Dà Làc);
- Từ thác Liêng Tô Sra đến sông Đạ Đờng, dòng suối mang tên ông Mlơi (K’ Mlơi).
Về sau, K’ Mlơi nói trại thành Cam Ly, Đạ Lạch thành Đà Lạt.
Đạ (dà) chỉ chất lỏng và có nhiều nghĩa:
- nước (Anh nhô dà: tôi uống nước);
- suối (Dà K’ Mlơi: suối Cam Ly);
- dòng nước (Dà Dờng: dòng nước lớn, sông);
- dầu (Dà ồs: dầu lửa);
- nhựa (Dà chi: nhựa cây);
-...
Trong nhật ký ngày 21-6-1893, bác sĩ Yersin (Y-e-xen) không ghi tên buôn Đạ Lạch, chỉ ghi tên buôn Đăng Kia. Đăng Kia là buôn lớn nhất trên cao nguyên Lang Bi-an lúc bấy giờ.
Trên bản đồ Đông Dương in trong hồi ký của Toàn quyền Paul Doumer (Pôn Đu-me), không thấy ghi Dalat nhưng có địa danh Dangkia. [29, 336]
Năm 1881, bác sĩ Paul Néis (Pôn Nê-ítx) đã lên cao nguyên Lang Bi-an và cho biết trong hai ngày 16-3-1881 và 7-4-1881 ông đã đến làng Lạch (village de Late).
Năm 1899, bác sĩ Tardif từ trên dãy núi Lang Bi-an đã nhìn thấy:
“Hình dáng mấp mô của cao nguyên thật là lạ lùng! Tôi leo lên một trong năm đỉnh núi. Một cảnh quan kỳ diệu hiện ra trước mắt tôi. 150 đồi núi xanh rờn giống như một thúng cam khổng lồ. Trong vùng núi đồi trùng điệp có vài làng mạc: ở phía Nam, Đà Lạt (Dalat); hơi chếch về hướng Tây, Đăng Gia (Dang Gia) và Ăn Krô-ét (Ankroet); dưới chân núi, Bờ Nơ (Beneur). Xa xa, về hướng Đông là dãy núi Nha Trang; về phía Nam, hoành sơn của thung lũng sông Đồng Nai; về phía Tây và Tây Nam, những đỉnh núi cao của Căm-pu-chia”.[50, 36]
Năm 1905, trong một dịp lên cao nguyên Lang Bi-an để thay đổi không khí, bà Gabrielle M. Vassal (Ga-bri-en-lơ M. Vát-xan) đã viết về cao nguyên:
“Vào khoảng giữa trưa, tôi thấy cao nguyên lần đầu tiên. Thật là một sự phát hiện bất ngờ, khác với những gì trước đây tôi đã từng nghĩ! Trên một vùng đất rộng là những ngọn đồi tròn, nhỏ, trơ trụi, mọc đầy cỏ thấp, cùng hình dáng và độ cao, quang cảnh giống như một vùng biển gợn sóng xanh. Ở giữa, những đỉnh núi Lang Bi-an cao vòi vọi như hòn đảo đá. Đăng Kia (Dankia) nằm ở dưới chân núi Lang Bi-an, ở phía bên kia cao nguyên. Cao nguyên bình yên và êm dịu quá! Chỉ có thông mọc trong những thung lũng giữa các ngọn đồi.
Xa xa, những mái nhà gỗ ở Đà Lạt (Dalat) nằm cách xa nhau trên đỉnh hay lưng chừng đồi lấp lánh dưới ánh mặt trời”. [69, 212]
Trong bản báo cáo về chuyến khảo sát bệnh sốt rét trên cao nguyên Lang Bi-an từ ngày 16-7 đến ngày 2-9-1905, bác sĩ Vassal công tác tại Viện Pasteur (Pa-xtơ) Nha Trang có nhắc đến các làng: Dalat, Dankia, Beneur, Ankroet, Numbor.
Hiện nay có những ý kiến khác nhau về buôn làng ở Đà Lạt.
* Trước thế kỷ XX, trên địa bàn Đà Lạt có nhiều buôn ở các vị trí sau:
BON
VỊ TRÍ HIỆN NAY
Yộ
Rhàng Bon Ỵô
Klir Towach
Dàgut
Rhàng Pàng Mly
Mang Linh
Mho Prềnn
Đồi trường Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt
Học viện Lục Quân
Khóm (ấp) Hồng Lạc
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, khóm (ấp) Mỹ Lộc
Chân thác Cam Ly
Sân bay Cam Ly
Dọc suối Prenn
* Đầu thế kỷ XX, ở Đà Lạt có nhiều buôn ở các địa điểm hiện nay là: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng,  gần thác Cam Ly, đường Phan Bội Châu,... buôn lớn nhất là Bon Yộä ở trên đồi Trường Cao đẳng Sư phạm hiện nay. Vì ở gần suối Đạ Lạch nên Bon Yộ còn gọi là Bon Đạ Lạch (Bon Dà Làc).
Cư dân buôn Đạ Lạch trồng lúa nước dọc theo suối Đạ Lạch. Năm 1919, Hồ Lớn (hồ Xuân Hương ngày nay) được xây dựng, ruộng lúa nằm trong lòng hồ, người Lạch ở buôn Đạ Lạch phải dời đến Bon Rơhàng Kròc (Rơhàng: buôn cũ; kròc: cam; plê kròc: trái cam; người Pháp phiên âm là Ankroet). Đến năm 1942, khi xây dựng đập Suối Vàng, người Lạch lại phải dời đến buôn Đơng Tiang Đe (Tiang: đuôi, đe: con chuột) ở trung tâm huyện Lạc Dương hiện nay.
Theo ý kiến này, Đà Lạt không những mang tên dòng suối Đạ Lạch nhưng còn mang tên buôn Đạ Lạch như  thành phố Buôn Ma Thuột (Buôn: làng; Ama: cha; Thuột: tên người con), Plây Cu (Plei: buôn làng; ku: đuôi) hay các thị trấn: Đạ M’Ri (dà: nước, suối,...; tam: trong; bri: rừng), Đắc Nông (Đắc Lắc), Đắc Sút, Đắc Tô (Công Tum),...
NGƯỜI KINH TRÊN CAO NGUYÊN LANG BI-AN
Ngày xưa, Lâm Đồng nói chung, cao nguyên Lang Bi-an nói riêng vẫn còn rất hoang vu.
Đại Nam nhất thống chí xuất bản dưới triều Nguyễn cho biết:
Di Dinh thổ phủ có 20 buôn: Phí Bà Nam, Băng Dựng, Giang Trang, Phi Chân, Phi Lộ, Băng Trang, Tầm Bạch, Thẩm Luật, Bàn Tấu, La Miên, Năm Luân, Giang Tre, Băng Bí Thuỷ, Băng Bí Hoả, Lưu Miên, Băng Trinh, Năng Duy, Phí Cố, Chân Dựng, Phi Chinh (1).
Đoạn Di Dinh thổ phủ trong Đại Nam nhất thống chí
Tư liệu có nhắc đến một dòng sông:”Tây hữu Dã Dương giang bất thâm nhi quảng, trung đa ngạc ngư” (Ở phía Tây có sông Dã Dương (2) không sâu mà rộng, trong đó có nhiều cá sấu).
Tư liệu còn giới thiệu về sinh hoạt cư dân ở hai bên bờ sông này: Ở phía Nam sông, người Hoa thỉnh thoảng có đi lại buôn bán. Ở phía Bắc sông, ít có ai đến. Năm Tự Đức thứ 19, triều đình có phái người đi thăm dò nhưng vì người Thượng sợ tránh, không dám dẫn đường nên phải trở về. [3]
Năm 1877, trong thời gian làm Dinh điền sứ tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Thông (1826 - 1894) - một sĩ phu yêu nước - đã tổ chức thám hiểm vùng đất giữa ba con sông: La Ngà, Đạ Hu-oai và Đồng Nai với dự định lập đồn điền khai khẩn vùng thượng du. Ông đã phái Nguyễn Văn Trị, Sĩ Văn Long, Dương Văn Long và Hoàng Phú đến sông Đạ Đờng để xem xét tình thế. Trong tờ sớ dâng lên vua Tự Đức ngày 11 tháng 8 năm Tự Đức thứ 30 (17-9-1877), ông viết:
“Ngày mùng 8 tháng 6 thì đến sông lớn Đạ Đưng, rộng khoảng năm sáu mươi trượng, nước đục ngầu, giữa có đảo dài. Người Man gọi nước là “đạ”, lớn là “đưng”, cũng như người Việt nói là “sông lớn”. Đạ Đưng, người Việt gọi là sông Dã Dương, hạ lưu là sông lớn Thần Quy. Từ sách Man Mê-pu đi đến sông Tô Sạ, dọc đường phần nhiều là núi cao, từ Côn Hiên đến sông Đạ Đưng đều là đất bằng, địa thế rộng rãi, khoảng khoát, có thể khám xét để lập đồn điền khẩn hoang.” [2, 197]
Cao nguyên Lang Bi-an là một vùng ma thiêng nước độc, người Kinh không dám định cư bên kia sông Krong Pha, chỉ dừng lại ở Xóm Gòn (gần Krong-pha, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận hiện nay) vì cọp beo, rắn rết và nhất là bệnh sốt rét rừng.
Ông Canivey (Ca-ni-vây) là một người Pháp đã sống trên cao nguyên Lang Bi-an để thu thuế.
Năm 1905, trong bữa ăn trưa ở nhà ông Canivey tại Đà Lạt, bà Gabrielle M. Vassal đã được nghe vợ chồng ông Canivey kể một câu chuyện về cọp xảy ra 4 năm về trước:
“Hôm ấy, cách nhà không xa, vợ chồng ông Canivey thấy một con cọp ở bìa rừng. Ông Canivey giơ súng lên bắn. Con cọp bị thương gầm thét chạy vào rừng. Một người lính Việt xách súng cùng ông đuổi theo. Xuyên qua cành cây, bà Canivey thấy con cọp dùng hai chân trước vồ vào vai của chồng bà và ngậm khẩu súng. Người lính tiến gần lại và nổ súng vào đầu con cọp. Con vật rống lên và ngã quỵ xuống đất. Bà Canivey chạy đến, thấy chồng bà máu me đầy mình. Ông đi bộ về nhà, nhưng lúc bấy giờ không có bác sĩ, ông phải nằm mê man mấy ngày liền. Bà vẫn còn hãi hùng khi nghe cọp gầm về đêm.” [69, 213 - 214]
Năm 1907, chồng bà Gabrielle - bác sĩ J.J.Vassal - cho biết:
“Người Kinh chưa định cư trên những vùng cao của dãy Trường Sơn. Ở Đà Lạt có một nhóm 60 đến 80 người Kinh, hầu hết là những người đi buôn chuyến. Họ sống trong những điều kiện rất khổ cực, mặc ít áo quần như ở vùng đồng bằng, bị lạnh, thiếu dinh dưỡng và không có gia đình. Từ Phan Rang hay Phan Thiết lên cao nguyên, với những gánh hàng hoá, họ đi ngang qua những làng mạc đầy nước độc, những vùng rất nguy hiểm và mắc phải bệnh sốt rét.” [51, 358]
Một số tư liệu viết về hồ Than Thở thường nhắc đến câu chuyện tưởng tượng Hoàng Tùng - Mai Nương:
Hoàng Tùng chia tay Mai Nương bên bờ hồ Than Thở, ra đi theo nghĩa quân Tây Sơn. Nghe tin Hoàng Tùng tử trận, Mai Nương nhảy xuống hồ tự vẫn. Mấy tháng sau, Hoàng Tùng trở về nhưng Mai Nương không còn nữa. Khi nghe tin triều đại Tây Sơn sụp đổ, Hoàng Tùng buồn bã nhảy xuống hồ chết theo Mai Nương. Do đó hồ này về sau gọi là hồ Than Thở.
Vào thời Tây Sơn, người Việt chưa định cư trên cao nguyên Lang Bi-an, ở vị trí của hồ Than Thở hiện nay chỉ có một cái ao nhỏ (Tơnau Pàng Dòng).
Năm 1920, người Pháp cho đắp đập chặn nước tạo thành hồ   cung cấp nước sinh hoạt cho một phần thành phố Đà Lạt.
Nhận thấy vùng này rất hoang vu, chỉ nghe tiếng gió rì rào qua kẽ lá tạo thành một khúc nhạc buồn, người Pháp mới đặt tên làLac des Soupirs.
Từ điển Petit Larousse xuất bản năm 1965, trang 983, định nghĩa chữ SOUPIR như sau:
SOUPIR: Respiration forte et prolongée, occasionnée par la douleur, une émotion.
Poét. Son doux et mélancolique: les soupirs du vent dans les bois.
Rendre le dernier soupir: mourir.
Mus. Pause qui équivaut à une noire.
Tạm dịch:
1. Sự thở mạnh và kéo dài khi đau đớn, xúc cảm.
2. Trong thơ, tiếng động êm dịu và du dương: tiếng gió thổi trong rừng.
3. Thở hơi cuối cùng: chết.
4. Trong âm nhạc, dấu nghỉ tương đương với nốt đen.
Như vậy, nghĩa thứ hai (tiếng gió thổi trong rừng) là đúng nhất. Nhưng Lac des Soupirs khi dịch sang tiếng Việt nếu dịch là hồ Rì Rào, hồ Gió thổi trong rừng không thuận nên đành dịch theo nghĩa thứ nhất: hồ Than Thở.
4/ Thám hiểm thượng lưu sông Đồng Nai
Sau khi có dịp nghiên cứu người miền núi quanh Bà Rịa, vào tháng 5 và tháng 6 năm 1880, bác sĩ hải quân Paul Néis (Pôn Nê-ítx) muốn tiếp tục nghiên cứu các dân tộc sống ở phía Đông và Đông Bắc Nam Kỳ. Viên thống đốc giao cho ông nhiệm vụ tìm hiểu thượng lưu dòng sông Đồng Nai càng xa càng tốt.
Bác sĩ Paul Néis kể lại:
“Ngày 1-11-1880, mùa khô bắt đầu, chúng tôi đến Bà Rịa và sáng ngày 5 chúng tôi lên đường về hướng Đông. Trong đoàn có 2 người lính Việt, 1 người Khơ-me làm thông dịch và 1 người Việt chuyên giao dịch mua bán với người Thượng, làm thông dịch viên và hướng dẫn trong những ngày đầu chuyến thám hiểm. Hành lý chất trong 2 chiếc xe bò gồm có 1 tá thùng nhỏ có thể khuân vác dễ dàng”.
Chiều hôm sau, đoàn đến Xuyên Mộc, làng người Kinh cuối cùng. Đoàn đi ngang qua núi Chứa Chan, chân núi Mây Tào. Sau 2 ngày đi trong cánh rừng ngập nước của nhiều phụ lưu sông La Ngà (Da - Laghna), đoàn đến Võ Đắt (Vo - duoc).
Ngày 29 tháng 11, đoàn đến bờ sông Đồng Nai, gần Culao - tho. Viên chánh tổng người Việt tên là Hên rất hiếu khách sai một người Thượng đến làng Kiên báo trước, nếu không dân làng sẽ bỏ chạy. Viên chánh tổng cũng giới thiệu những người khuân vác, giao cho ông lý trưởng và một viên chức làng Dong-ly tháp tùng đoàn. Ông cũng giới thiệu ông Thoi ở Biên Hòa làm thông dịch. Ông Thoi chưa bao giờ vượt sông Đồng Nai phía trên hợp lưu sông Đồng Nai và Đạ Hu-oai (Da - hué). Ông Thoi cho biết phía thượng lưu là vùng của bộ tộc La-canh-dong. Ông không thể tháp tùng đến đây, chỉ dám hứa sẽ hướng dẫn đoàn đến làng gần nhất.
Đoàn đi dọc hữu ngạn sông Đồng Nai trong hai ngày qua một khu rừng đẹp, trên con đường mòn do voi và tê giác vạch ra.
Người Thượng (Trao) ở làng Kiên tiếp đoàn rất tử tế. Họ làm ruộng và làm trung gian với các bộ tộc sống xa hơn.
Bác sĩ Paul Néis kể tiếp:
“Từ Culao-tho, sông Đồng Nai chảy siết, nhưng từ làng Kiên, thuyền bè lưu thông được. Dân làng cung cấp cho chúng tôi thuyền để đi ngược dòng. Họ cũng báo trước với làng lân cận - làng Tà Lài (Ta-lay). Các viên chức đón chúng tôi bằng thuyền độc mộc. Giữa hai làng, đồi núi nhấp nhô với một dãy đồi cao từ 30 đến 40m.
Tà Lài không xa hợp lưu sông Đạ Hu-oai. Các viên chức cho chúng tôi biết có thể đi từ làng này đến làng khác, nhưng khuyên chúng tôi đi về hướng Đông và đừng đi theo hữu ngạn sông Đồng Nai mà họ gọi là Đạ Đờng (Da-dong) vì dân trong vùng hung dữ, họ rất sợ.
Họ báo tin với làng Palate trên sông Đạ Hu-oai. Dân làng đón chúng tôi với một số thuyền độc mộc dư sức chở chúng tôi và hành lý. Làng Palate nằm trên phía hữu ngạn, người ta dựng cho chúng tôi một căn nhà khá tiện nghi bên kia sông.
Tại hợp lưu với sông Đạ Hu-oai, sông Đạ Đờng chảy siết và không thể đi bằng thuyền độc mộc; ngược lại, sông Đạ Hu-oai chảy chậm nhưng dòng sông cũng rộng như sông Đạ Đờng.
Từ Palate, chúng tôi muốn đi bằng đường bộ đến sông Đạ Đờng, nhưng ông Thoi nói dân làng từ chối dẫn chúng tôi theo hướng này, họ đề nghị chúng tôi đi ngược sông Đạ Hu-oai đến thượng nguồn; khi đến đây, chúng tôi sẽ tìm thấy một con đường dẫn đến Bình Thuận. Không có thể làm gì khác, chúng tôi chấp nhận hành trình này”.
Lúc 7 giờ tối ngày 15 tháng 12, vào giờ cơm, những người Thượng và các viên chức làng Dong-ly bỏ trốn, đoàn phải quay trở về Tà Lài. Sau đó, đoàn lại tiếp tục ngược dòng sông Đạ Hu-oai.
Sau 3 ngày, đoàn đến Baké trên sông Đạ M’Ri (Da-mré) - phụ lưu chính của sông Đạ Hu-oai. Vào lúc 11 giờ sáng hôm sau, đoàn vào 4 làng nhưng dân làng đã trốn chạy.
Khi đoàn đến buôn Đạ M’Ri, dân làng đón tiếp niềm nở và ông trưởng buôn hứa cung cấp người khuân vác. Đoàn cho ông Thoi và những người Thượng trở về Tà Lài.
Bác sĩ Paul Néis viết về những khó khăn và vùng thượng lưu các dòng sông Đạ Hu-oai, La Ngà, Đạ Đờng:
“Chúng tôi không có thông dịch, không ai biết tiếng Thượng và Van biết rất ít tiếng của người Mạ (Tioma). Trước ngày ông Thoi trở về Tà Lài, chúng tôi biết được các chỉ dẫn sau: sông Đạ Hu-oai bắt nguồn từ núi (gnom) Bous-toun, cách Đạ M’Ri vài cây số; suối Đạ M’Ri (phụ lưu chính) xuất phát từ núi Contran-yan-yut đi mất 8 ngày về hướng Bắc, và sông Đạ Đờng khởi nguồn từ núi Lang-bian hay Tang-rian.
... Khi đi ngang qua núi Thion-lay, vì một trận mưa đá, đồng hồ không chạy được nữa, chúng tôi không xác định được phương hướng; chúng tôi và những người trong đoàn bị sốt rét và vết loét do vắt cắn. Vì thế, khi người ta chỉ cho chúng tôi núi Lang-bian về phía Đông Bắc, chúng tôi chỉ có thể nghĩ đến sự trở về càng nhanh càng tốt.
Sau một ngày đi trong vùng có nhiều đồi và hai ngày đi trong rừng núi theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, chúng tôi đến gần núi Rung (đỉnh cao nhất trong dãy núi) và từ đây, chúng tôi nhìn thấy biển Đông”.
Ngày 3 tháng 12, đoàn đến Phan Thiết. Viên công sứ tỉnh Bình Thuận nói với bác sĩ Paul Néis rằng người Việt hiểu rõ Lang Bi-an và biết đó là đầu nguồn dòng sông chảy qua Biên Hòa, nhưng ông từ chối tạo điều kiện thuận lợi nếu bác sĩ Paul Néis muốn thám hiểm.
Ngày 3-1-1881, đoàn đến Phan Rí quá giang thuyền chở nước mắm về Sài Gòn. Sau 4 ngày lênh đênh trên biển cả, chiều ngày 8 tháng 1, thuyền cặp bến Sài Gòn.
Khi vừa trở về Sài Gòn, viên thống đốc cho biết có một người xưng là vua của Vương quốc Mạ xin giao thương và kiến nghị sẽ đến Sài Gòn. Vài hôm sau, vua Mạ đến cùng với 13 người Thượng, trong số đó bác sĩ Paul Néis đã quen với 2 người trưởng buôn. Paul Néis tìm hiểu và kết thân với họ trong ba tuần họ lưu lại Sài Gòn.
Vua Mạ khác những người đồng hành về hình dáng và đường nét, không phải thuộc dòng giống người Thượng nhưng gốc Thái Lan. Ông cho biết, khi đoàn của Paul Néis đến quê hương ông, ông lẩn tránh, ra lệnh cho trưởng buôn và dân làng Đạ M’Ri đón đoàn, cung cấp phương tiện để đi đến Bình Thuận. Ông đề nghị dẫn đường cho Paul Néis đến xứ sở ông, hứa sẽ dẫn Paul Néis đến thượng nguồn sông Đồng Nai và hai phụ lưu chính - La Ngà và Đạ Huoai - tạo điều kiện dễ dàng cho việc nghiên cứu dân cư trong vùng.
Viên thống đốc sai Albert Septans (An-be Xép-tăn) - trung uý thủy quân lục chiến, phụ trách địa chính - tháp tùng bác sĩ Paul Néis.
Bốn ngày sau, Albert Septans dùng thuyền tam bản đến Biên Hòa cùng với vua Mạ (Patao), những người Thượng đồng hành và một người Hoa quê quán đảo Hải Nam.
Người Hoa này nhận nhiệm vụ làm thông dịch và tìm hiểu tài nguyên để buôn bán với người Mạ.
Trưa ngày 11-2-1881, đoàn khởi hành. Tuy đoàn không có phong vũ biểu, chỉ có nhiệt kế, nhưng tại một số nơi, đoàn đã ghi chép được nhiều số đo về khí tượng và nhân trắc học (mesures anthropométriques) của người dân trong vùng. Hành trình của đoàn có thể ước đoán như sau :
NGẦY
ĐỊA ĐIỂM ĐẾN
(theo nguyên văn)
GHI CHÚ
20-2-1881
Voduoc
Võ Đắt, nay thuộc 
tỉnh Bình Thuận
22-2-1881
Krontouc
Dãy núi giữa Võ Đắt 
và Mê Pu
27-2-1881
Damré
Đạ M'Ri, nay thuộc huyện 
Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng
3-3-1881
Conheim
Công Hinh, tên cũ của 
Bảo Lộc ngày nay
5-3-1881
Cayon
K'Dòn, nay thuộc 
huyện Đức Trọng
11-3-1881
Crang
Krăng, nay thuộc 
huyện Đơn Dương
13-3-1881
Diom
Đi-ôm, nay thuộc 
huyện Đơn Dương
15-3-1881
Melone
M'Lọn, nay là thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương
16-3-1881
Late
Lạch, Đà Lạt ngày nay
22-3-1881
Pateing
Păng Tiêng, nay thuộc 
huyện Lạc Dương
7-4-1881
Late
Lạch, Đà Lạt ngày nay
Nghiên cứu về cao nguyên Lâm Viên và sông Đồng Nai, Paul Néis và Albert Septans ghi nhận trong báo cáo ngày 1-8-188:
“...Khi rời khỏi núi Tion-lay để đi về hướng Đông Bắc, chúng tôi đi ngang qua một dãy cao nguyên nhỏ không cao lắm, nhiều cây cối và cắt ngang qua nhiều dòng nước. Sau khoảng 11 ngày đường, chúng tôi gặp thoạt tiên một dãy núi khác đơn độc: Delmann và Miul (300m) đầy cây rừng và chạy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, tạo thành một dãy đồi mấp mô. Những ngọn đồi này tiếp giáp về hướng Đông Bắc với một cao nguyên thứ hai trống trải gồm một dãy đồi  hoàn hoàn trơ trụi, cao trung bình từ 30 đến 40m. Về hướng Bắc của cao nguyên, một ngọn núi có hình dáng đặc biệt, dễ nhìn thấy từ xa, trơ trụi về phía Tây, có rừng về phía Đông. Đây là núi Lang Bi-an (Lang-bian), đầu nguồn sông Đồng Nai mãi đến bây giờ vẫn chưa được biết đến.
Cao nguyên Lang Bi-an
... Sông Đồng Nai (Đạ Đờng (Da-dong) theo tiếng Thượng) do hai dòng suối nhỏ tạo nên: Đạ Lú (Da-lou) và Đạ M’Ri. Suối Đạ Lú bắt nguồn từ sườn phía Bắc núi Lang-bian, suối Đạ M’Ri từ sườn phía Nam. Hai dòng suối này chảy trên vùng đất sét, lòng sông nằm giữa hai bờ dốc hơi thẳng đứng, chiều sâu thay đổi, chiều rộng không đáng kể.
Ngay sau khi hai dòng nước này gặp nhau, dòng sông có chiều rộng trung bình từ 5 đến 6m, chiều sâu 70cm, đáy cát.
Sông Đồng Nai men theo những ngọn đồi nối liền Lang Bi-an với Tadoun-tadra, nghiêng theo hướng Tây Nam rồi gặp núi Bréang. Tại vùng buôn Lạch (Late), cách đầu nguồn 10km, có một thác nước cao 4-5m và nhiều thác ghềnh, chiều rộng trung bình 10m, độ sâu 1m, đáy đá. Giữa các làng Bờ Nơ (Bonor) và Ri Ông (Riom), dòng sông rộng 30-40m, đáy cát.
... Từ hợp lưu với sông Đạ Huoai, dòng sông vẫn chảy theo hướng Tây Nam, chiều rộng thay đổi từ 100 đến 120m; vài đảo nhỏ đầy cây cối, bờ sông cao 4-5m, đá lô nhô tại vài nơi.
... Từ núi Lang Bi-an đến hợp lưu, sông Đồng Nai dài khoảng 300km.
... Người Thượng sống trong từng làng gần như độc lập. Trong mỗi làng, cuộc sống là cuộc sống cộng đồng: họ cùng làm rẫy, chất hoa màu thu hoạch được vào trong kho và mỗi ngày lấy ra một lượng gạo cần thiết để tiêu dùng.
Có thể tập hợp các buôn lại theo bộ tộc khác nhau về ngôn ngữ, phong tục và tập quán. Bộ tộc quan trọng nhất chúng tôi gặp là bộ tộc Châu Mạ (Traos Tioma). Ngày xưa, họ sống trong một vương quốc hùng cường trải dài từ Nam Kỳ đến phía bên kia núi Lang Bi-an, và từ sông Đồng Nai đến dãy núi chạy dọc theo bờ biển miền Trung.
Patao - hậu duệ nối dõi vua Mạ - chỉ cầm quyền phía Nam xứ này; tuy nhiên, ông cũng có một số uy quyền đối với các bộ tộc người Thượng khác.
Phía Nam của vùng người Mạ là vùng người Thượng Biên Hòa ngày xưa thuộc Vương quốc Mạ, vùng thấp hơn nữa là vùng người Thượng Bà Rịa.
Về hướng Đông Bắc, người ta gặp người Thượng Rắc Lay (Lays), Lạch, Ê Đê (Rdé) mà chúng tôi chưa đến được. Trở về hướng Tây, chúng tôi đi ngang qua vùng của người Chộp, lân cận với người Stiêng dường như cũng là một trong những bộ tộc quan trọng nhất.
Người trong các bộ tộc đều sử dụng một ngôn ngữ duy nhất: tiếng Mạ, nhưng chia ra vô số tiếng địa phương thường hơi khác nhau. Vốn từ không nhiều, hầu hết là đơn âm. Hình như không có chữ viết, chúng tôi không tìm thấy một vết tích nào về văn bia.
... Chúng tôi đã thu thập được các truyền thuyết, trường ca thường hát vào buổi tối sau khi say sưa với rượu cần (rnom):
Ngày xưa, toàn vùng đến tận núi Krontouc đều ngập nước, phần đất không bị lụt lội là vùng đầm lầy không có người ở, núi non đều hoang vắng. Một hôm, từ phương Nam, một con rùa chở một người trên lưng bơi chậm chạp đến vùng này. Không tìm thấy đất để dừng chân, rùa tiến đến núi Krontouc. Con người bước xuống và từ đó sinh ra người Thượng. Về sau, rùa biến thành đá, hiện vẫn còn, cách Krontouc về hướng Đông hai ngày đường. Người Thượng đã cất một mái nhà tranh trên hòn đá và bảo vệ chu đáo. Patao hứa dẫn chúng tôi đến nơi này nhưng chúng tôi không thể đi được.
... Đỉnh núi hoa cương Lú Mu gần Đạ M’Ri ngày xưa là một hòn núi rất lớn. Đỉnh núi mọc đầy chuối quả ngon. Dân cư trong vùng đến hái quả, nhưng một con quỷ khổng lồ vồ họ và ăn thịt hàng trăm người. Không biết cách nào để chống trả, người Thượng vội đi kêu cứu người Khơ-me. Người Khơ-me đến và đào trong núi một lỗ sâu đến tận trung tâm, rồi chất bông và thuốc nổ, châm lửa đốt. Núi vỡ ra thành 7 mảnh nghiền nát con quỷ khổng lồ. Núi Chứa Chan, Da-bakna và những mô đất ở phía sau làng Dong-ly là những mảnh của núi này.
Sau khi nghe kể truyện, chúng tôi có dịp đến nơi nhưng nhận thấy các địa điểm này được coi như chốn linh thiêng, người Thượng không bao giờ dám đến gần.
Phía Tây núi Lang Bi-an có một ngọn núi đỉnh tròn gọi là Păng Dút (Pang-yout). Đây là ngôi mộ của người khổng lồ Păng Dút - nhân vật trong nhiều huyền thoại.
Ở Contran-yanyut - đầu nguồn sông La Ngà - có một cánh đồng rộng phì nhiêu, dân cư đông đúc. Một ngày kia, một con ó khổng lồ bay xuống và ăn thịt nhiều người. Người Thượng kêu gọi người Kinh đến để chống lại con ó. Người Kinh đầu đội trống đồng để tránh bị chim mổ và rèn một cây cung sắt rất to, nhưng đều bị con ó tàn sát. Păng Dút thu gom hết tất cả cây rừng, làm một cây cung và một mũi tên, bắn xuyên qua đầu con chim. Con ó rớt xuống, thân nó tạo thành Contran-yanyut, cung tên do Păng Dút ném đi tạo thành Thion-lay.” [43, 5 - 14; 44, 15 - 80]
5/ Bác sĩ Yersin đặt chân lên cao nguyên Lang Bi-an
Alexandre John Émile Yersin (A-le-xăn-đrơ Giôn Ê-mi-lơ Y-e-xen) sinh ngày 22-9-1863 tại một vùng quê miền núi ở Lavaux (La-vô), thuộc tổng Vaud (Vô), nước Thụy Sĩ.
Năm 1685, vua Louis (Lu-i) XIV hủy bỏ chỉ dụ Nantes (Năng-tơ), không còn đối xử bình đẳng với những người theo giáo phái Calvin (Can-ven) như trước. Tổ tiên bên ngoại của Yersin bị khủng bố phải rời quê cha đất tổ vùng Languedoc (Lăng-gơ-đốc) (miền Nam nước Pháp), di cư sang Thụy Sĩ.
Yersin là con út trong một gia đình có ba anh chị em. Cha của Yersin là giáo viên sinh học, thích nghiên cứu côn trùng học, từ trần ba tuần trước khi Yersin ra đời.
Năm 20 tuổi (1883), Yersin học ngành y tại Lausanne (Lô-dan-nơ) (Thụy Sĩ), sau đó tiếp tục học tại Marbourg (Mạc-bua) (Đức) và tốt nghiệp đại học Pa-ri (Pháp) với luận án Tiến sĩ y khoa về bệnh lao của thỏ.
Từ năm 1886, Yersin làm việc tại Viện Pasteur (Pa-xtơ) Pa-ri và cộng tác với bác sĩ Roux (Ru) tìm ra độc tố của vi khuẩn bệnh bạch hầu.
Năm 1889, Yersin được trở lại quốc tịch Pháp.
Yersin và mẹ năm 1868
Nhà của gia đình Yersin ở Thụy Sĩ
Nhà của Yersin ở Nha Trang
Yersin năm 1935
Mộ của Yersin ở Suối Dầu
Trong những năm miệt mài nghiên cứu tại Viện Pasteur, Yersin đã chứng tỏ một thiên tài hiếm có, một con người giàu nghị lực, thông minh, ham tìm tòi, học hỏi. Tương lai tươi sáng mở ra trước mắt Yersin, nhưng Yersin lại hướng về những chân trời mới, muốn tìm ra lối thoát khỏi cuộc sống hiện tại: “Tôi luôn luôn mơ ước thám hiểm, khám phá đất lạ; khi còn trẻ, ta luôn luôn tưởng tượng những điều kỳ lạ sẽ đến, không có gì là không thể không làm được”.
Thế rồi, vào năm 1890, Yersin bất ngờ tạm rời bỏ ngành vi trùng học, sống đời thủy thủ và nhà thám hiểm, mở đầu một quãng đời khác thường kéo dài hơn 50 năm.
Trước hết, Yersin nhận làm bác sĩ trên một con tàu của Hãng Vận tải đường biển đến Viễn Đông. Sau 6 tháng hoạt động trên tuyến đường Sài Gòn - Ma-ni-la (Phi-líp-pin), Yersin chuyển sang làm việc trên con tàu “Sài Gòn” chạy từ Sài Gòn đến Hải Phòng và ngược lại.
Những tháng đầu tiên trong nghề hàng hải đối với Yersin thật quyến rũ! Yersin chưa từng tiếp xúc với biển cả, nhưng trong thời thanh niên, Yersin đã quen với nước hồ Léman (Lê-măn). Khi thuyền lênh đênh trên đại dương, Yersin nhìn lên bầu trời và học cách xác định toạ độ; khi tàu cặp bến, Yersin tập sự dùng kính thiên văn. Trong những năm sau, Yersin say mê thiên văn học và về sau tìm hiểu cả điện khí quyển, quang phổ mặt trời.
Tàu chạy trên tuyến đường Sài Gòn - Hải Phòng, khi tiến lại gần bờ biển, lúc vượt sóng ra ngoài khơi xa. Dãy Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây hiện tra trước mắt Yersin gợi lại những kỷ niệm tuổi học trò. Ngày ấy, Yersin đã cùng các bạn leo lên sườn núi Valais (Va-le). Dãy Trường Sơn tuy không có những đường nét và màu sắc giống như dãy Alpes (An-pơ) nhưng có sức hấp dẫn kỳ lạ. Yersin muốn tìm lại những cảm giác thân thiết xa xưa khi khám phá được những điều bí ẩn, đặt chân lên miền đất lạ. [34, 71 - 78]
TRÊN ĐƯỜNG THÁM HIỂM
Ngay trong chuyến đầu tiên nhìn thấy Nha Trang, phong cảnh Nha Trang đã quyến rũ tâm hồn Yersin. Yersin dự định đi bằng đường bộ từ Nha Trang đến Sài Gòn bằng cách trước tiên đi về hướng Tây đến tận dãy Trường Sơn, sau đó đi theo hướng Tây Nam để đến Sài Gòn. Yersin tính sẽ thực hiện chuyến đi ngang qua vùng rừng núi hoàn toàn chưa được biết đến trong 10 ngày, đủ thời gian để lên tàu trước khi tàu nhổ neo về lại Hải Phòng.
Vào một ngày tháng 7 năm 1891, tàu cặp bến Nha Trang. Yersin liền đến gặp ông Lenormand (Lơ-noọc-măn), sĩ quan hàng hải, công sứ tỉnh Khánh Hoà, đang ở trong một mái nhà tranh trên bờ biển, gần một làng chài. Lenormand rất quan tâm đến ý định của Yersin, sẵn sàng giúp đỡ Yersin và nhờ các viên quan của thành Khánh Hoà tìm cho Yersin một người dẫn đường. Nhưng không một người dân nào ở đây có gan mạo hiểm lên đến dãy Trường Sơn, một vùng rừng núi được coi như bất khả xâm phạm! Lenormand khuyên Yersin thay đổi ý định, nên tiếp tục đi theo con đường cái quan đến Phan Rang, nơi ấy có thể có những đường mòn dẫn đến Trường Sơn. Trước đây, để tránh đàn áp tôn giáo, một linh mục truyền giáo ở Phan Rang đã trốn lên miền Thượng trong vùng rừng núi phía Tây.
Yersin cưỡi ngựa đi trên đường cái quan lúc đó chỉ là một con đường mòn và đến Phan Rang trong thời gian ngắn nhất. Linh mục truyền giáo chỉ nhớ mang máng về lần trốn lên xứ Thượng và khuyên Yersin tiếp tục cuộc hành trình đến Phan Rí, ở đó chắc chắn Yersin sẽ tìm được người dẫn đường lên vùng rừng núi.
Yersin tiếp tục đi đến Phan Rí. Viên quan địa phương tìm ngay cho Yersin một người biết rõ những nẻo đường tiến sâu vào dãy Trường Sơn. Không đợi đến ngày hôm sau, Yersin cùng một người hướng đạo khởi hành ngay từ giữa trưa.
Về đồ đạc, Yersin chỉ mang theo vài hộp thịt bò, bánh quy khô do người nấu bếp trên tàu tặng Yersin. Tháng 7  là tháng của gió mùa Tây Nam, những trận giông bão dữ dội giáng xuống núi rừng. Trước khi đến thung lũng, Yersin đã bị mắc mưa. Dưới cơn mưa tầm tã, Yersin và người hướng đạo lặn lội trên con đường mòn hiểm trở. Trời tối đen như mực, hai người gặp một túp lều tồi tàn của người Thượng cất trên lưng chừng đồi và rất sung sướng xin được ngủ qua đêm.
Ngày hôm sau, từ lúc bình minh, hai người lại tiếp tục đi trên con đường mòn thẳng đứng, trơn trợt, đầy vắt, leo lên một ngọn đèo cao khoảng 1.200m. Từ trên đỉnh đèo, Yersin nhìn thấy một thung lũng trồng lúa nước có nhiều buôn Thượng. Do trời mưa liên tục, cả vùng ngập nước, Yersin phải đi trên những chiếc cầu khỉ bắc cách mặt nước gần 1 mét.
Cuối cùng, hai người đi đến vùng Djiring (Di Linh ngày nay), có thể Yersin là một trong những người Pháp đầu tiên tiến sâu vào vùng này, vì thế sự hiện diện của Yersin đã gây cho dân làng không ít ngạc nhiên. Dân làng cho biết có thể tiếp tục cuộc hành trình đến Sài Gòn nhưng cần ít nhất từ 9 đến 10 ngày đường. Ngày kia, tàu lại nhổ neo ra miền Bắc, Yersin không thể đi tiếp nữa, phải ra bờ biển ngay. Yersin được biết Phan Thiết là một địa điểm gần nhất, chỉ cách một ngày đường.
Tối hôm sau, Yersin đến Phan Thiết. Tại trạm thu thuế, Yersin được tiếp đãi chân tình. Người trạm trưởng cho Yersin một đôi giày ống thay thế cho đôi giày cũ đã bị rách tả tơi từ khi lên đến đỉnh đèo. Yersin lên một chiếc thuyền buồm ra Nha Trang và đến trạm thu thuế Nha Trang ở Chụt.
Đêm hôm đó, tàu “Sài Gòn” cũng đến Nha Trang, Yersin kịp lên tàu đúng lúc tàu sắp nhổ neo lên đường đi Quy Nhơn.
Về đến Hải Phòng, Yersin phải chịu một trận sốt rét ngã nước kéo dài suốt thời gian tàu dừng lại ở cảng này.
Năm 1892, khởi hành từ Ninh Hoà, Yersin lên Đắc Lắc. Đến buôn M’ Goi, Yersin do dự trước hai nẻo đường: lên thung lũng sông Krong Kadoung rồi xuyên qua rừng núi đến thượng nguồn sông Đồng Nai hay xuôi dòng Krong Bung đến hợp lưu với sông Mê Công? Nếu trời không mưa sớm, Yersin sẽ chọn nẻo đường thứ nhất, nhưng trời mưa suốt ngày đêm, Yersin sợ hư máy kinh vĩ, áp kế, máy ảnh, vì thế Yersin quyết định xuôi dòng sông Krong Bung (còn gọi là Xrê Pốc (Sré Poc) hay Xê Băng Can (Sé Bang Kane) tuỳ địa phương).
Ngày 9-6-1892, Yersin đến Xtưng Treng (Stung Treng) trên bờ sông Mê Công. [50, 2 - 34]
Sau một thời gian ở Pa-ri, Yersin lại mong muốn tiếp tục thám hiểm, ông viết trong hồi ký:
“Khi ta trở về với đời sống văn minh, ta vội quên nhanh nỗi mệt nhọc, gian lao, thiếu thốn trong chuyến thám hiểm. Nhưng rồi ta lại nuối tiếc cuộc sống mạo hiểm đầy những trường hợp bất ngờ, và ít nhà thám hiểm nào lại bằng lòng với chuyến thám hiểm đầu tiên. Tôi không bị loại khỏi quy luật này. Vừa mới khỏi bệnh kiết lỵ mắc phải trong chuyến đi năm 1892, tôi tìm mọi cách xin được tiến hành một chuyến đi mới với nhiệm vụ khoa học.
Nhờ sự giúp đỡ của người thầy lỗi lạc của tôi là Pasteur (Pa-xtơ) và ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ngày 24-12-1892, tôi rời bến Marseille (Mạc-xây) đi Sài Gòn. Chuyến đi khảo sát chủ yếu thám hiểm một vùng ở Nam Trung Kỳ nằm giữa bờ biển và sông Mê Công, đầu nguồn của sông Đồng Nai và Xê Băng Can.
Vừa mới tới Sài Gòn, tôi đến trình diện với ông toàn quyền. Ông De Lanessan (Đơ La-nét-xăn) muốn chuyến đi của tôi đạt được kết quả thiết thực. Ông muốn tiếp tục ở Trung Kỳ những công việc ông đã bắt đầu thực hiện ở Bắc Kỳ và ông dự định xây dựng nhiều đường sá giúp cho giao thông được dễ dàng, cho phép tiến sâu vào nội địa, thương mại được thuận tiện và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Ông giao cho tôi nghiên cứu một dự án đường sá đi từ Sài Gòn tiến vào xứ Thượng; con đường này sẽ đi về phía Bắc để tới một địa điểm thuận tiện nhất trên bờ biển Trung Kỳ.
Tôi phải trình bày lại hiện trạng tài nguyên của xứ sở này, khả năng chăn nuôi, nghiên cứu lâm sản, tìm kiếm những khoáng sản có thể khai thác trong núi rừng.
Tôi chọn điểm xuất phát từ Biên Hoà. Từ đây, tôi ngược sông Đồng Nai để tiến sâu vào xứ Thượng. Vài kiều dân đã lập nghiệp gần thác Trị An, rất có lợi nếu con đường đi gần đồn điền hay xí nghiệp khai thác lâm sản.
Ông toàn quyền chỉ dẫn Trà Cú (Tra Cou) hay Tánh Linh (Tan Line) là một trong những điểm con đường phải đi ngang qua. Công việc đầu tiên phải làm là nghiên cứu một con đường nối liền Trị An với Trà Cú. Ông De Lanessan muốn đoạn đường này sẽ được thi công nhanh chóng. Để đi đến Trà Cú, ông cử thêm Vetzel (Vê-den), một trong những người kiểm lâm giỏi nhất ở Nam Kỳ và hơn nữa còn là một tay thợ săn voi và tê giác rất gan dạ.
Khi chúng tôi cùng nghiên cứu xong đoạn đường này, ông Vetzel sẽ bắt đầu tích cực thi công. Tôi cần nói rằng ông Vetzel còn là một người bạn đường khả ái, chúng tôi rất tâm đầu ý hợp. Chính vì thế tôi thực sự buồn khi phải xa Vetzel ở Trà Cú để một mình tiếp tục cuộc hành trình.
Về nhân viên người Việt, tôi có 4 người quê ở Sài Gòn: Bảy đã đi cùng tôi năm ngoái và 3 người phụ bếp.
Đồ dùng của tôi đựng trong khá nhiều thùng nhỏ. Tôi phải tự hạn chế, chỉ mang theo những gì thật cần thiết, bỏ các dụng cụ cồng kềnh vì tôi sẽ đi đến xứ sở không dùng tiền, chỉ trao đổi hàng hoá.
Máy kinh vĩ và 3 áp kế nhỏ loại bỏ túi giúp tôi xác định toạ độ địa điểm.
I. TỪ SÀI GÒN ĐẾN PHAN THIẾT
Ngày 24 tháng 2, tôi đi xe từ Sài Gòn đến Biên Hòa, còn những người Việt dùng thuyền tam bản chở hành lý ngược dòng sông.
Đến Biên Hoà, tôi gặp Vetzel đang chờ tôi. Chiếc thuyền máy của Ban Thanh tra giúp tôi vượt nhanh đoạn đường đến Trị An. Chúng tôi đến tận Tân Uyên, tiếp nhận hành lý rồi thuê một chiếc thuyền độc mộc nhỏ chở đến Trị An. Chúng tôi đến nơi vào buổi chiều ngày 26.
Gần Trị An, ông Bénédeck (Bê-nê-đéc) có lập một đồn điền cà phê, cà phê sắp đến thời kỳ thu hoạch.
Ngày 28 tháng 2, chúng tôi đi xe trâu từ Trị An đến Trà Cú. Chiếc xe toàn bằng gỗ, bánh xe có đường kính hơn 1,5 mét. Một chiếc mui nhỏ che hành khách và thùng hàng. Bánh xe cọ vào trục tạo ra một âm thanh đinh tai và đều đều vang đi rất xa. Điệu nhạc kinh khủng này không làm thú rừng hoảng sợ. Từ xe trâu, chúng tôi có thể bắn trúng nai, trâu rừng.
Con đường chỉ là một khoảng trống trong rừng. Xe lên dốc, xuống suối, leo lên trên rễ cây. Khoảng cách được tính theo trạm. Một trạm khoảng một giờ xe trâu đi (3-4km). Khi đến mỗi trạm, chúng tôi tháo ách và cho trâu uống nước.
Từ Trị An đến làng Thượng đầu tiên Vio-yang mất một ngày đường. Rừng bằng lăng rất đẹp. Người Việt đẽo thân cây dầu để cho dầu chảy ra rồi thỉnh thoảng dùng thìa gỗ múc dầu. Ở đây còn tìm thấy cây sao, vênh vênh,...
Cũng như các làng Thượng ở Nam Kỳ, Vio-yang có một nhà chính dài và nhiều căn nhà nhỏ khác nằm rải rác trên một khoảng đất rất rộng. Chủ làng - gọi là Tổng Man - ở trong căn nhà chính. Một nhà dài được dùng làm nơi ở chung cho nhiều gia đình.
Người Thượng ở Nam Kỳ có thân hình rất cân đối, nước da màu nâu đậm, tính tình hiền lành, nhút nhát, không thích sống xa quê hương. Họ trồng lúa rẫy, bắp và một ít thuốc lá. Khi thiếu gạo, họ ăn các loại củ tìm thấy trong rừng. Họ dùng cung tên săn mồi. Trên trần nhà, chúng tôi nhìn thấy nhiều hàm răng dưới của con nai được giữ gìn như chiến lợi phẩm trong những chuyến đi săn.
Từ Vio-yang đến Trà Cú, chúng tôi đi ngang qua các làng Túc Trưng (Tiouk Trem), Thao Vieuk và Võ Đắt. Từ làng này đến làng khác, đường đi không thẳng tắp mà quanh co. Gần Trà Cú, chúng tôi ra khỏi rừng và vượt qua một cánh đồng rộng ngập lụt vào mùa mưa. Dòng sông La Ngà chảy ngang qua cánh đồng.
Từ Trà Cú đến Tánh Linh, chúng tôi đi trong rừng mất 3 giờ. Tánh Linh là một làng Chăm gồm có một chục thôn nhỏ nằm giữa ruộng lúa. Cánh đồng Tánh Linh được giới hạn như sau: núi Ông về hướng Đông, núi Cà Tong về hướng Tây; sông La Ngà và dãy núi La Ngà về hướng Bắc, rừng ở hướng Nam. Một dòng suối lớn- suối Lạc - làm ngập cánh đồng vào mùa mưa.
Người Chăm ở Tánh Linh không nhiều, khoảng hơn một trăm người.
Cánh đồng Tánh Linh đầy thú rừng: nai, hươu, trâu, heo rừng. Đêm đêm chúng tôi nghe tiếng voi hú quanh trại. Một hôm, khi đi săn, chúng tôi gặp hai con voi cái chạy trốn ngang qua một vùng đầm lầy.
Tôi đề nghị với người chủ làng được chích thuốc cho toàn dân trong làng. Ông chấp nhận ngay và dân nhiều buôn Thượng quanh vùng đến xin được chích thuốc.
Ngày 18 tháng 3, Vetzel trở lại đường cũ về Sài Gòn, còn tôi tiếp tục đi đến Phan Thiết.
Đường mòn từ Tánh Linh đến Phan Thiết không đi ngang qua một làng mạc nào, phải mất một ngày rưỡi; những người khuân vác đi mất hai ngày. Chúng tôi ngủ trong rừng tại một vùng có nhiều cọp, phải đốt một vòng lửa chung quanh trại để cọp hoảng sợ tránh xa. Trên con đường vòng phía Nam núi Ông, chúng tôi chỉ cần lên một dốc cao 100m để đến một trong những hoành sơn của dãy núi. Sau đó, chúng tôi đến vùng bằng phẳng trong rừng thưa. Cách Phan Thiết 6 giờ đi bộ, người Việt khai thác gỗ để làm cột nhà.
Trước khi đến Phan Thiết, chúng tôi đi ngang qua làng Pu-la ít hiếu khách, rồi đến làng Pu-huê theo đạo Phật. Ở đây, chúng tôi được tiếp đãi rất ân cần. Cách nhà làng 5 phút, con sông Phan Thiết tạo nên một vũng nước khá sâu, dài khoảng 500m, trong đó sinh sống một loài cá sấu khổng lồ. Hình như nó đã ăn thịt nhiều người tắm nơi đây.
Phan Thiết là một cảng thương mại lớn nhất trên bờ biển Trung Kỳ, giữa Sài Gòn và Quy Nhơn. Phan Thiết sản xuất muối, nước mắm và cá khô. Người Thượng khắp vùng đến đây trao đổi hàng hoá. Điều chứng tỏ Phan Thiết là một trung tâm thương mại quan trọng là ở đây có 500 người Hoa đến lập nghiệp. Ở Phan Thiết có một phó công sứ, một nhà bưu điện và một trạm thu thuế.
II. TỪ PHAN RÍ ĐẾN TÁNH LINH
Từ Phan Thiết, tôi đi trên con đường cái quan đến Nha Trang để trình diện với công sứ Lenormand rồi trở về Phan Rí. Tôi dự định lại đi từ Phan Rí vào xứ Thượng để tìm con đường tốt nhất nối liền Phan Rí với Tánh Linh. Tôi dẫn theo một con voi của thành Khánh Hoà để chuyên chở đồ đạc và nhiều con ngựa.
Ở Phan Rí, các ông quan biết tôi có chích thuốc ngừa (1) xin tôi chích cho trẻ con trong vùng. Trong hai ngày, người Kinh và Chăm dẫn 1.200 em bé đến cho tôi chích thuốc.
Ngày 8 tháng 4, từ sáng sớm, chúng tôi khởi hành lên miền núi. Đoàn lữ hành của chúng tôi khiến cho dân chúng ven đường rất ngạc nhiên. Họ chưa bao giờ thấy một đoàn nào như vậy: 80 người khuân vác, 6 con ngựa, và nhất là voi!
Từ Phan Rí, tôi đến Ca-long Ma-đai (Kalon-Madai) ở chân núi. Đây là một làng Chăm ở Bình Thuận mà người Kinh và người Thượng thường lui tới để buôn bán và trao đổi hàng hóa.
Có 2 nẻo đường từ Ca-long lên cao nguyên: một nẻo đi ngang qua Ta-ly đến Ta-la (2 ngày đường) và một nẻo khác đến Lao Gu-an (Lao-Gouan) (1 ngày đường). Tôi đã biết con đường thứ nhất. Hai năm về trước, tôi đã đi trên con đường này trong chuyến lên miền Thượng đầu tiên. Lúc bấy giờ, thời tiết rất xấu. Tôi còn nhớ mãi tôi đã vượt hai ngọn đèo cao 900 và 1.200m  trong một cơn mưa tầm tã.Ở Ca-long có rất nhiều công. Vào lúc hoàng hôn, một khúc nhạc lạc điệu vang lên. Đây là thời điểm tốt nhất để bắn vài con công.
Chúng tôi thử đi trên nẻo đường khác.
Đường mòn từ Ca-long đến Lao Gu-an lúc nào cũng lên dốc, trong khi trên nẻo đường Ta-ly - Ta-la có nhiều đoạn lên xuống liên tục.
Đường dốc rất đứng. Người quản tượng không bao giờ thấy cảnh tượng như vậy bèn giao cho những người khuân vác mang hộ cả bành voi. Trong thực tế, đoạn đường dốc chỉ kéo dài 2 giờ rưỡi, nhưng rất đứng vì chúng tôi leo từ 50m lên 950m. Từ độ cao 600m, chúng tôi đi vào rừng thông.
Từ đỉnh núi, chúng tôi nhìn thấy chân trời bao la. Ở phía Đông Nam, một cánh đồng đầy bụi rậm giới hạn bởi những cồn cát trắng xoá, rồi Biển Đông một màu xanh nhạt hoà với màu xanh của bầu trời ở chân trời xa. Về phía Tây Bắc là cao nguyên miền Thượng với những rừng thông và bãi cỏ. Xa hơn nữa là dãy núi mờ nhạt.
Từ đỉnh đèo đến làng Lao Gu-an đi mất 5 phút. Làng có một loạt xóm nhỏ nằm giữa ruộng lúa. Mỗi gia đình sống trong một nhà sàn nhỏ.
Nhờ tiếp xúc thường xuyên với người Chăm ở chân núi, dân làng Lao Gu-an cũng như các làng nằm trên đỉnh núi giữa Phan Rí và Phan Rang (Lao Gu-an, K’Dòn, R’Lôm, Bô-kran, M’Lọn, Đi-ôm) không còn mang tính chất thuần tuý miền Thượng, nói cả hai thứ tiếng Mạ và Chăm.
Khách không được tiếp trong nhà của chủ làng mà trong nhà làng cất tại một nơi hơi cách xa làng. Dân làng mang đến cho chúng tôi nước, lửa, chiếu và quà tặng cho khách. Đặc biệt, quà gồm có gà, trứng, chuối và một ché rượu. Cũng như tại các nơi khác trên miền Thượng, chủ làng cử hành một nghi lễ tôn giáo trong khi khách uống rượu cần. Người Thượng không thờ Phật, thần linh chính của họ hình như là Yàng. Chủ làng đưa cho tôi một cái cần trúc để tôi cắm vào ché rượu. Trong thời gian tôi uống rượu, chủ làng quỳ cạnh tôi cầu nguyện Yàng phù hộ cho tôi. Người uống càng lâu thì những lời cầu nguyện càng dài. Sau đó, rượu được hút ra tách và chuyền cho nhau uống xoay vòng.
Nơi đây không có giàn cồng chiêng như ở phía Bắc. Tuy nhiên, trong những ngày trọng đại, hai người Thượng đeo mỗi người một cái chiêng trên vai trái, bàn tay trái giữ lấy chiêng và dùng bàn tay mặt đánh vào chiêng, nghiêng người về phía trước và lần lượt quay đầu sang hai bên. Một người Thượng ngồi trước một cái trống nhỏ hoà âm theo.
Ở Lao Gu-an, ông Tong Vit Ca đi theo tôi. Đây là một người Kinh có nhiệm vụ thu thuế người Thượng trong các tổng thuộc Phan Rí. Ông ta khuyên tôi đi vòng sang hướng Bắc thay vì đi thẳng theo con đường Tánh Linh và ông đi cùng tôi đến Ta-la.
Ngày 14 tháng 4, chúng tôi lên đường theo hướng Bắc, đi xuyên qua những khu rừng thông rất đẹp trong vài giờ. Gần làng Ya, chúng tôi phải vượt sông Đạ Đờng (Da Dong), một dòng sông rất rộng và là một trong hai nhánh sông thượng nguồn sông Đồng Nai. Chúng tôi dừng lại ở Ri-ông nằm sát bên sông Đạ Đờng. Giữa Lao Gu-an và Ri-ông phải mất một ngày đường. Chúng tôi đi qua các làng Ya, Con Ta-ét, Đa Huynh (Du-u-in) trên dòng Cam Ly (Da Kem-lê) và Ê-a.
Người Thượng ở Ri-ông thuần thục hơn người Thượng ở Lao Gu-an và chỉ nói tiếng Mạ. Kiến trúc cũng khác: không còn là nhà sàn, mái rơm thấp sát mặt đất, cửa không đặt ở hai bên hông mà bên cạnh nhà. Người Thượng làm nghề rèn; hầu như cả làng khai thác và rèn sắt, sản xuất được dao, rìu và các đồ dùng gia đình.
Khi uống rượu, người Thượng bắt đầu lấy một ít gạo lên men trong ché rượu rồi chà lên cột nhà khẩn cầu Yàng. Tiếng Thượng gọi nghi lễ này là kép-ca.
Người Thượng mê tín rất kỳ lạ: nếu trong cơn giông bão, người ta đặt cạnh quả xoài một miếng thịt bò hay heo, những thực phẩm này chắc chắn sẽ kéo sấm sét đến! Một ngày kia, tôi muốn thử nghiệm xem sao. Người Thượng sợ hãi chạy trốn. Tôi phải trấn an họ và hứa không làm như vậy nữa!
Cao nguyên chung quanh Ri-ông trơ trọi có vô số đàn nai. Tôi săn được rất nhiều thú rừng và chia thịt cho dân làng.
Từ Ri-ông, nếu chúng tôi tiếp tục đi về hướng Bắc, địa hình rất dốc, cao dần đến tận Lang Bi-an. Hai ông Néis (Nê-ítx) và Umann (Uy-man) đã biết đến ngọn núi này cao hơn 2.000m. Sông Đồng Nai bắt nguồn từ đây. Tôi dời chuyến thám sát Lang Bi-an sang thời gian sau, và hiện nay, Tong Vit Ca hướng dẫn tôi đi về hướng Tây Nam. Trên đường đi, tôi dừng lại vài ngày ở ba làng lớn: Kla Ka, Con Tan, La-ra nằm giữa cao nguyên trơ trụi đầy cỏ cao. Ở Kla Ka, dân làng đốt cháy đồng cỏ, tổ chức săn bắn để chào mừng tôi. Đây là một trong những cảnh tượng đẹp nhất tôi được xem.
Người Thượng đốt lửa tạo thành một vòng tròn lớn dài hàng kilômét. Lửa cháy dần vào bên trong, dồn thú rừng lại. Thỉnh thoảng, một chú nai, một con bò rừng, một con cọp nhảy qua bức tường lửa tìm cách trốn chạy, nhưng không thoát khỏi những viên đạn của tôi. Những con chó càng làm cho cuộc săn bắn thêm hăng say kỳ lạ.
Ở Con Tan, cả đoàn đều bị sốt rét mặc dầu đã uống thuốc phòng bệnh. Những người Việt đều mắc bệnh nặng nhưng tôi chỉ bị sốt nhẹ. Tôi chỉ bị sốt rét một lần trong suốt chuyến đi này.
Từ Con Tan đến La-ra, chúng tôi phải vượt sông Đồng Nai chảy trong một thung lũng hẹp và rất sâu. Cao nguyên ở độ cao 950m, sông Đồng Nai chảy ở độ cao 650m.
Ở La-ra, trong đêm tối, một con cọp  lẻn vào trong trại cố mang đi một người. Nhờ báo động kịp thời, người Thượng thoát nạn nhưng sợ quá nên bị câm trong vài tiếng đồng hồ.
Tong Vit Ca nói với tôi có thể xem mộ của một vua Chăm gần làng. Tôi yêu cầu ông ta dẫn tôi đến nơi. Chúng tôi đi cùng với 20 người Thượng. Mộ nằm ở một nơi nào đó trên một ngọn đồi nhỏ đầy cây cối cách làng 1 giờ đi bộ. Chúng tôi khảo sát ngọn đồi đủ mọi phía. Công việc thật không đơn giản vì  dây leo chằng chịt và vắt lúc nhúc trong khu rừng ẩm ướt. Sau 2 giờ tìm kiếm, người Thượng nói với tôi có lẽ ngôi mộ đã chìm vào lòng đất và tôi phải làm phù phép để ra lệnh cho ngôi mộ xuất hiện. Vì tôi không tin chắc lắm vào tài nghệ phù thuỷ của mình, tôi ra lệnh trở về làng cũ. Rất có thể ngôi mộ nổi tiếng này chỉ là một tảng đá có hình dạng kỳ lạ nhưng trí tưởng tượng của Tong Vit Ca đã biến hoá nó thành mộ của vua Chăm.
Ngày 25 tháng 4, tôi đến Ta-la, cảnh quan cao nguyên đã thay đổi. Rất nhiều ngọn đồi chia cắt cao nguyên thành những thung lũng nhỏ với ruộng nương hay thảm cỏ mịn, rậm rạp và rất tươi mặc dầu vào cuối mùa khô.
Đồi núi đầy thông cao từ 30 đến 50m trên cao nguyên ở độ cao 900m.
Làng mạc rất nhiều, bố trí thật ngoạn mục trên sườn đồi. Chánh tổng ở tại Ta-la. Nơi đây cũng có nhà chung cho khách. Dòng suối lớn Đa Rê-am (Da Ri-am) - một nhánh của sông La Ngà - chảy rất gần Ta-la, quanh đồi núi, cung cấp nước và giúp cho ruộng nương thêm màu mỡ.
Người Thượng ở vùng này rất giàu. Họ sở hữu những đàn trâu rất đông có hàng trăm con. Vào những dịp lễ lớn, người Thượng giết một số trâu. Đối với mỗi con trâu bị hạ, họ dựng cạnh lều một cây nêu bằng tre, cao 20m có những vật trang trí bằng mây kết thành băng dài. Trong vài làng, tôi đếm được 30 cây nêu. Từ xa, người ta tưởng như nhìn thấy một đoàn tàu bỏ neo trong hải cảng.
Tôi dừng lại vài ngày ở Ta-la. Nhân dịp này, tôi cưỡi ngựa chạy khắp vùng.
Trong một chuyến dạo chơi, người Thượng chỉ cho tôi một mỏ thiếc đẹp ở gần làng Ia Lone. Mỏ thiếc ở ngay dưới dòng thác, nước chảy làm cho thiếc lộ ra. Tôi lấy vài mẫu thiếc.
Tôi để Tong Vit Ca ở lại Ta-la rồi tiếp tục lên đường đi Phan Thiết. Yan là một làng quan trọng cuối cùng trên cao nguyên. Chúng tôi phải xuống thung lũng La Ngà và xuôi dòng đến gần Tánh Linh. Thung lũng La Ngà rất sâu. Đường đi chạy ngang qua một vùng rất mấp mô có một tộc người Mạ khác sinh sống. Làng mạc cũng khác, không còn nhìn thấy những căn nhà dài dùng cho cả làng ở chung. Mỗi gia đình có một nhà sàn vuông ngăn vách ở bên trong. Đây đó chúng tôi nhìn thấy các chuồng bồ câu cất trên một cây trụ, trên lớp mái nhỏ  là những hình hoa văn bằng sắt. Tôi tưởng như đang đi vào một làng người Gia-va vì người dân ở đây cũng thuộc chủng tộc Mã Lai, họ quấn xà-rông và khăn đóng trong khi người Thượng quấn khố ngang thắt lưng. Màu da của họ trắng hơn người Thượng, nét mặt cũng hoàn toàn khác. Đây là một bộ tộc sống lẻ loi, không hoà đồng với các bộ tộc lân cận.
Thung lũng La Ngà là xứ sở của voi. Tôi bận quan sát thiên văn không thể đi săn được nên giao cho Bếp - một người Việt - đi săn hộ tôi với khẩu súng ca-líp 8, vũ khí đặc biệt dành cho loài thú to lớn này mà ông Vetzel đã ân cần cho tôi mượn.
Con Rum (Droum) là buôn Thượng - Mã Lai đầu tiên chúng tôi gặp từ cao nguyên xuống. Buôn ở trên độ cao 650m.
Một ngày trước khi tôi đến, vào giữa trưa, cọp đã vồ mất hai người đang trên đường đi làm rẫy. Cọp ăn thịt và mang một tử thi vào rừng xé xác. Tôi đến tận nơi cách làng chỉ 10 phút. Xác tử thi còn nằm cạnh đường mòn có vài cành cây phủ lên. Không thể nào đuổi theo cọp trong một khu rừng dày đặc, tôi ít khi thấy nơi nào thảo mộc lại rậm rạp như ở đây.
Từ Con Rum đến Tố La phải vượt sông La Ngà. Người Thượng bắc một chiếc cầu tre dài 90m cho tôi cưỡi ngựa đi qua.
Vài năm trước, trong chuyến đi thám hiểm thượng nguồn sông La Ngà, ông Umann đã viếng Tố La. Có khoảng hơn một chục buôn Tố La cách nhau khá xa.
Ở La-ya tôi gặp lại Bếp. Tối hôm qua, anh ta bắn bị thương vào đầu hai con voi, nhưng những con vật này sau khi ngã xuống lại chồm dậy rồi lẩn trốn vào trong lùm tre. Tôi nghĩ rằng tốt hơn hết nên nhắm bắn vào vai voi, chắc chắn voi sẽ bị thương nặng và chết.
Pè Ton là làng Thượng - Mã Lai cuối cùng trong thung lũng La Ngà. Thung lũng mở rộng ra thành cánh đồng La Ngà. Tôi  lại đi ngang qua khúc sông này gần Bác Nui (Barth-Nui), và sau 3 giờ đi bộ, tôi trở về Tánh Linh với những người dân hiếu khách.
III. TỪ TÁNH LINH ĐẾN PHAN RANG
Trước khi đến Phan Rang bằng một con đường khác con đường vừa đi qua, tôi có ý định xuống thung lũng La Ngà, men theo hữu ngạn dòng sông để thử tìm xem con đường qua ngả này có tiện hơn không?
Tôi khởi hành vào ngày 22 tháng 5. Chuyến thám hiểm này có thể khó khăn vì mùa mưa đã đến. Chúng tôi qua sông ở Bác Nui, rồi theo con đường đi về hướng Tây. Đường mòn dẫn đến Blu rất tốt, nhưng từ làng này, hay nói đúng hơn từ Đạ Cai (Ba Kai) (gần Blu) đến Cao Cang không có con đường nào khác hơn là La Ngà. Cả cánh đồng đều bị ngập lụt. Tuy nhiên, dân làng cam đoan với tôi nếu đi vòng lên hướng Bắc sẽ qua khỏi cánh đồng và đến Cao Cang.
Tôi đi theo lộ trình của ông Néis và Umann đi ngang qua các làng Mê Pu (Mé P’hou), B’ Sar (Bassar), Gu Mo (Goumor)  trên sông Đạ Hu-oai (Da Oui), một trong những nhánh sông lớn của sông Đồng Nai.
Từ Gu Mo, tôi đi theo một con đường khác tiến về hướng Tây, rồi về hướng Nam. Tôi gặp những bộ tộc độc lập không đóng thuế cho ai cả. Khắp nơi, họ tiếp đãi tôi rất ân cần nhưng hành trình cực kỳ vất vả vì đường dốc và mới mở, vắt lại rất nhiều. Ở vài nơi, đi được 20 bước phải dừng lại một lần để bắt cả một tá con vắt. Thật đúng là một cực hình! Tôi đi ngang qua các làng: Mouur, Pron, Cone Hô, M’Srang, v.v...
Người Thượng dệt vải làm mền, khố, áo ngắn. Họ chỉ trồng lúa rẫy. Chủ làng tiếp khách, mời khách uống rượu và nghe nhạc cồng chiêng. Bảy người Thượng mỗi người cầm một cái cồng xếp hàng theo kiểu Ấn Độ rồi đi chậm chậm trong lều, dùng nắm tay phải đánh theo nhịp điệu. Hoà âm rất khéo và cảm động!
Ngày 20 tháng 5, dân làng cam đoan với tôi chiều nay sẽ đến Cao Cang. Chúng tôi còn đi qua các làng Chang Muong, Con Hine. Trong vài giờ, dưới cơn mưa, chúng tôi đi trong một khu rừng đầy vắt, và cuối cùng chúng tôi đến... Đạ Cai, nơi tôi đã khởi hành cách đây 4 ngày! Rõ ràng không có con đường nào khác con đường sông nối liền Đạ Cai với Cao Cang.
Tôi đành phải đi theo lối này.
Đạ Cai cách La Ngà khá xa, nhưng cánh đồng đã bị ngập lụt, chúng tôi có thể rời bến ở một địa điểm gần buôn và chèo thuyền đi giữa những đám cỏ cao trong vài giờ. Dòng sông uốn khúc quá nhiều nên phải mất một ngày chèo thuyền từ buôn này đến buôn khác.
Ông Néis đã thăm Cao Cang và mô tả tỉ mỉ Da Bakua, một tảng đá khổng lồ mà dân trong vùng tôn sùng như Thượng đế.
Ở Cao Cang, người Thượng không nói tiếng Mạ mà dùng một thổ ngữ rất gần với tiếng Khơ-me. Tôi nhận xét thấy từ Đạ Cai đến Cao Cang có những bộ tộc khác nhau.
Cao Cang nối liền với Dong Ly - một làng nằm gần hợp lưu sông La Ngà và Đồng Nai - bằng một con đường có thể đi xe trâu vào mùa khô, vào mùa này đường bị ngập nước.
Ngày 23 tháng 5, trong một ngày, tôi đi từ Cao Cang trở về Tánh Linh. Tôi chèo thuyền từ Cao Cang đến Võ Đắt (Vio Deuk), rồi đi bộ từ Võ Đắt đến Tánh Linh.
Từ chuyến thám hiểm này, tôi rút ra một kết luận là đi theo hữu ngạn sông La Ngà không có lợi, cả vùng là một cánh đồng ngập nước từ những trận mưa đầu mùa và có rất ít dân cư sinh sống.
Ngày 30 tháng 5, tôi trả về Phan Thiết con voi, các quản tượng và một người Việt, tất cả đều bị sốt rét nặng không còn giúp tôi được nữa. Tôi lại lên đường, tính men theo tả ngạn sông La Ngà lên tận Con Rum. Tôi muốn con đường đi qua đây thay vì vượt sông La Ngà hai  lần ở Bác Nui và Con Rum như tôi đã đi đến Tánh Linh theo hữu ngạn.
Từ Tánh Linh đến Ja Con phải mất nguyên một ngày đường. Chúng tôi đi vòng núi Ông, leo lên những hoành sơn cuối cùng ở hướng Bắc rồi đi vào vùng đồng bằng.
Ja Con nằm trong một thung lũng có núi Snoung bao bọc ở ba phía. Dòng suối chảy qua thung lũng là một nhánh sông Phan Thiết.
Từ Ja Con, chúng tôi vượt đèo đến Cà Dòn (Ca Yon). Trong vùng có rất nhiều voi. Một anh thợ săn người Việt bắn chết vài con voi rất đẹp.
Line Yan ở độ cao 430m. Đây  là một trong nhiều làng kiểu Thượng - Mã Lai nằm trong thung lũng tuyệt đẹp Da Ross, một dòng sông nhỏ nước chảy mạnh như thác nhập vào sông La Ngà cách đó khá xa.
Từ Line Yan đến Con Rum, đoạn đường đi thật vất vả. Chúng tôi phải vượt qua vô số đồi núi hiểm trở, không ngừng lên xuống dốc.
Tôi không dừng lại ở Con Rum, nơi tôi đã biết. Dân làng nói rằng từ hôm tôi đi cọp còn vồ mất hai người Thượng! Như vậy tất cả là năm người!
Từ Con Rum, tôi qua bên hữu ngạn sông La Ngà trên một chiếc cầu còn tốt mặc dầu nước sông dâng cao. Ý định của tôi là men theo hữu ngạn dòng sông lên thung lũng La Ngà. Tôi đi ngang qua nhiều làng mang tên Tố La, lên dốc xuống đèo, rồi lại xuống đèo lên dốc, cuối cùng đến Tia Lao có ghi trên bản đồ của Umann.
Tia Lao cao 300m là một điểm ngoạn mục. Tôi có thể ghi chính xác hình dáng toàn vùng và đánh dấu nhiều điểm quan trọng. Tôi đặc biệt chú ý một ngọn núi cao hình như hoàn toàn lẻ loi ở hướng Bắc. Đó là núi Tà Đung (Ta Doum). Dưới chân núi, sông Đồng Nai chảy theo hướng Đông Tây; xa hơn, dòng sông uốn khúc chuyển xuống hướng Nam. Vì thế tôi quyết định đến Tà Đung.
Ngày 9 tháng 6, tôi ngủ ở B’ Sar (Bassar), một làng trên cao nguyên gần Yane, chỉ cách Yane bằng một thung lũng nhỏ của sông Đa Rê-am (nhánh sông lớn của La Ngà). Cả vùng rất đông dân và giàu có. Đi trong một giờ, tôi gặp rất nhiều buôn làng. Đất đai thật thích hợp cho chăn nuôi!
Từ B’ Sar (Bassar) đến Bross, chúng tôi đi mất hai ngày đường trong một vùng tuyệt đẹp. Khắp nơi chúng tôi đều thấy buôn làng và nương rẫy. Bross nằm trong một thung lũng sâu có núi Tà Đung hùng vĩ án ngữ về hướng Bắc. Dòng sông Đồng Nai chảy qua thung lũng này.
Tôi có ý định leo núi Tà Đung. Nhìn từ xa, ngọn núi giống như một cái nón lá lớn chụp trên cao nguyên. Khi đến gần, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều đỉnh núi cao và thung lũng sâu, phía dưới những thác nước lạnh ngắt gầm vang. Chúng tôi có cảm tưởng như đang ở trong vùng núi Alpes (An-pơ).
Tôi bảo người Thượng ở Yane dẫn tôi lên đỉnh núi cao nhất. Chuyến leo núi mất 2 ngày. Không có đường, chúng tôi phải ngủ lại đêm trên núi, gần đỉnh núi ở độ cao 2.000m. Những con vắt nhỏ nhung nhúc ở chân núi không còn xuất hiện ở đây nữa. Lúc nào chúng tôi cũng thật khổ cực vì phải ở trong mây và mưa. Tôi lợi dụng ánh sáng của tia chớp để leo lên đỉnh núi cao nhất (2.100m). Nơi đây rừng rậm rạp đến nỗi để nhìn cho rõ tôi phải leo lên cây. Chân trời bao la nhưng khắp nơi màn mưa dày đặc ngăn cản không cho tôi xác định vị trí chính xác được.
Tôi xuống núi nhanh, trong cùng ngày tôi đến Con Tan, nơi tôi đã qua khi đi từ Phan Rí đến Tánh Linh.
Từ Con Tan đến Ri-ông, tôi đi theo một con đường khác con đường tôi đã đi tháng trước. Việc này giúp tôi ghi được nhiều làng mới trên bản đồ.
Cuối cùng, tôi để đồ đạc lại ở Ri-ông và cùng với bốn người khuân vác thám sát Lang Bi-an, ngọn núi cao ở thượng nguồn sông Đồng Nai.
Lang Bi-an ở phía Bắc Ri-ông cách hai ngày đường. Cao nguyên nhấp nhô và cao dần từ 900m đến 1.200m. Từ 15 đến 20km trước khi đến chân núi, tôi ra khỏi rừng và đứng trên một vùng hoàn toàn trơ trụi và đầy cỏ. Núi đồi nhấp nhô khiến tôi có ấn tượng như đang đi trên một đại dương xao động vì những ngọn sóng khổng lồ. Núi Lang Bi-an đứng sừng sững ở giữa như một hòn đảo và hình như càng xa dần khi tôi đến gần. Người ta dễ tính sai khoảng cách trên những cánh đồng bao la này. Dưới chỗ trũng, đất màu đen và đầy than bùn. Những đàn nai lớn để yên cho tôi đến gần vài trăm mét, rồi vụt chạy ra xa, ngoái cổ lại tò mò nhìn chúng tôi.
Dân cư trong vùng thưa thớt, vài làng người Lạch (M’ Lates) tập trung ở chân núi. Họ trồng lúa nước rất tốt. Chúng tôi qua sông Đồng Nai, chỉ là một con suối rộng 3 mét, và đến Đăng Gia (Lang Ya hay Dan Ya) có chánh tổng trú ngụ.
Người Lạch nói cả tiếng Chăm và tiếng Mạ. Phụ nữ có vành tai khoét một lỗ lớn và đặt vào đó những chiếc vòng to  treo lủng lẳng những sợi dây thiếc hình xoắn ốc rất nặng.
Tôi được tiếp trong nhà chung. Mỗi chức sắc trong làng mang đến một ché rượu. Trước mặt tôi có cả thảy 6 dãy ché. Rất may, họ không đòi hỏi tôi uống lần đầu hết tất cả.
Tôi chỉ ngủ lại đêm ở Đăng Kia, rồi trở về Ri-ông dưới một cơn mưa tầm tã. Trời mưa khiến cho sườn dốc rất trơn trợt và biến những dòng suối nhỏ thành những dòng sông thật sự, rất nguy hiểm khi vượt qua.
Trong thời gian tôi đi vắng, một con cọp cố vồ lấy một trong những con ngựa của tôi đứng ngay trong hàng rào của trại. Anh thợ săn người Việt mà tôi để lại ở Ri-ông tổ chức chiến đấu. Anh ta chỉ bắn bị thương con cọp. Con thú dữ này trong khi chạy trốn đã vồ hai người Thượng bị thương nặng...”
Rời Ri-ông, Yersin men theo thung lũng sông Đa Nhim và vượt sông Phan Rang.
Từ ngày 19 tháng 7, Yersin lên miền núi tỉnh Khánh Hoà và Đắc Lắc để hoà giải những vụ xung đột giữa các bộ tộc người Thượng.
Thống đốc Nam Kỳ mong muốn Yersin thực hiện một chuyến đi trong mùa mưa trên con đường Yersin đã đi qua trong mùa khô, nhân tiện nhận xét thêm về phần đất bị ngập lụt và tầm quan trọng của các dòng sông.
Ngày 8 tháng 9, Yersin rời Nha Trang và đi theo con đường cái quan đến Phan Rang. Một lần nữa, Yersin từ Phan Rang lên cao nguyên.
Yersin đi ngang qua các làng Đi-ôm, Bô Kran, K’ Dòn, Lao Gu-an, Ta-la, v.v...
Khắp nơi Yersin được tiếp đãi ân cần như trong chuyến đi vừa qua. Đồng lúa tươi tốt hứa hẹn được mùa lớn.
Đến Tánh Linh, Yersin thấy cả vùng bị ngập lụt. Nếu xây dựng một con đường từ Tánh Linh phải nâng mặt đường cao hơn mặt ruộng, rất tốn kém. Về sau, con đường từ Sài Gòn qua Tánh Linh đến bờ biển miền Trung không thực hiện được. Thay vào đó là con đường Sài Gòn - Phan Thiết đi ngang qua Túc Trưng - Long Khánh - Hàm Tân như hiện nay. [47, 166 - 205]
KHẢO SÁT ĐẦU TIÊN CAO NGUYÊN LANG BI-AN
Trong hai năm 1942 - 1943, tạp chí Đông Dương (Indochine) đã dành 9 số để đăng hồi ký của bác sĩ Yersin viết về những chuyến đi lên Tây Nguyên, Căm-pu-chia và Hạ Lào từ năm 1891 đến năm 1894: Nha Trang - Phan Rang - Phan Rí - Djiring - Phan Thiết (1891); Ninh Hòa - Đắc Lắc - Xtưng Treng (1892); Biên Hòa - Lang Bi-an - Phan Rang; Ninh Hòa - Đắc Lắc - Nha Trang- Tánh Linh - Biên Hòa (1893); Ninh Hòa - Đắc Lắc- Công Tum - Gia Lai - A-tôpơ - Đà Nẵng (1894).
Sau đây là bản dịch chương Khảo sát đầu tiên cao nguyên Lang Bi-an:
“Năm 1893, tôi thám hiểm miền Thượng ở phía Đông dãy Trường Sơn giữa hai vĩ tuyến của Phan Thiết và Nha Trang và cố gắng thiết lập một bản đồ.
Tôi mang theo một máy kinh vĩ và một áp kế giúp tôi tính toán các toạ độ địa lý để xác định các điểm đáng chú ý. Tôi lặn lội khắp vùng trong 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 7), ghi các dòng sông, vị trí những nơi có dân cư sinh sống, hình dáng những ngọn núi.
Chính trong lần khảo sát này, ngày 21-6-1893, tôi tiếp xúc lần đầu với cao nguyên Lang Bi-an. Lộ trình đi gần giống như lộ trình về sau được chọn để thiết lập một trong những con đường lên cao nguyên đi ngang qua Phi Nôm, Pren để đến Đà Lạt.
Vừa ra khỏi rừng thông, ấn tượng của tôi thật sâu sắc khi đứng trước một vùng cao nguyên mênh mông, hoang vắng và trơ trụi, gợi nhớ lại cảnh biển động vì một đợt sóng khổng lồ màu xanh dâng lên. Núi Lang Bi-an sừng sững ở chân trời phía Tây Bắc cao nguyên, làm tăng thêm vẻ đẹp của cảnh quan và tạo nên một hậu cảnh tuyệt mỹ.
Tôi đi ngang qua cao nguyên để đến làng Thượng Đăng Kia, tôi xuống cao nguyên Đrăn - Djiring ở phía dưới bằng một lộ trình khác đi ngang qua Ăn Krô-ét và một chuỗi làng mang tên chung là Ri-ông.
Yersin năm 1893
Về sau, tôi có dịp lên cao nguyên Lang Bi-an theo những con đường khác và đặc biệt biết được con đường nối liền các đỉnh núi từ Đrăn lên Đà Lạt qua Trạm Hành (Arbre Broyé), Cầu Đất (Entrerays), Trạm Bò (Le Bosquet) và cao nguyên Lang Bi-an nhỏ (Petit Lang Bian) mà viện Pasteur cách đây vài năm đã thiết lập một trạm thử nghiệm cây canh-ki-na”. [50, 42 - 43]
ĐÁP TỪ CỦA YERSIN
ĐỌC TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC YERSIN
Ngày 28-6-1935, trong buổi lễ khánh thành trường trung học Yersin và phát thưởng trọng thể cuối năm học 1934 - 1935, sau lời phát biểu của Paul Duvernoy (Pôn Đuy-vẹc-nôi) - học sinh lớp 2A’, Yersin đã đọc đáp từ sau:
“Tôi rất cảm động về cảm tình các em dành cho tôi. Các em hãy tin chắc rằng tôi rất quý mến các em.
Các em tập họp quanh tôi làm cho tôi trẻ lại và gợi nhớ đến thời xa xưa. Ngày ấy, là một học sinh trẻ tuổi, tôi thường táo bạo mơ mộng đến một tương lai đầy mạo hiểm mà hoàn cảnh cho phép tôi thực hiện.
Các em khiến tôi hồi tưởng lại sự phát hiện cao nguyên Lang Bi-an vào tháng 6 năm 1893 trong một chuyến đi khảo sát với mục đích thám hiểm vùng rừng núi Nam Trung Kỳ lúc bấy giờ hoàn toàn chưa ai biết đến.
Ấn tượng của tôi thật sống động khi vừa ra khỏi rừng thông, tôi đứng trên bờ của một cao nguyên mênh mông, trơ trụi và mấp mô có ba đỉnh núi Lang Bi-an chế ngự. Mặt đất nhấp nhô khiến tôi liên tưởng đến biển cả xao động vì một ngọn sóng khổng lồ như thường thấy trên bờ biển miền Trung vào lúc trời sắp giông bão.
Không khí mát mẻ làm cho tôi quên đi nỗi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy lên chạy xuống hết tốc lực trên những ngọn đồi xanh tươi như một cậu học trò nhỏ...”  [49, 11]
BÚT TÍCH CỦA YERSIN
Một năm sau khi Yersin qua đời, Tập san của Hội Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des Études Indochinoises), bộ XIX, số 1, xuất bản vào quý I năm 1944, có đăng nhiều bài viết về Yersin, đặc biệt hai trang in lại trang 117 và 118 nhật ký của Yersin viết về ngày 21 và 22 tháng 6 năm 1893:
Tạm dịch:
Tại đây người ta mang cho tôi 4 ché rượu  cần.
Khởi hành 9 giờ 15? BĐB
45 vượt suối Đạ Tam (Da Ntâme) chúng tôi đã đi dọc theo từ lâu
35 Buôn Tô-pô (2 xóm)
10h10 Buôn Kri-ang (người Lạch, Tau Hoach)
Dân cư: 660 người.
Đo đạc núi Mnin B 10 T 
Tại đây 3 ché rượu cần.
Khởi hành 11h35 ?? B Qua suối Đạ Tam nhiều lần.
0 giờ 15?  TB Qua một nhánh suối và đi vào thung lũng nhỏ.
1 giờ 15?  B
1 giờ 45   Pren
Khởi hành 2 giờ 25   TB, dốc!
3 giờ 30 Cao nguyên rộng lớn, mấp mô và trơ trụi
3 giờ 45 Qua một con lạch chảy về phía trái? TTB
55 Ngã rẽ?  TB
4 giờ 45 B20T rồi ngã rẽ. Đường Bờ Nơ (Boneur) đi về hướng Bắc; chúng tôi đi theo đường TTB đến Dơng (Deung)
5 giờ 55 Đơng?  B
Qua sông Đạ Đờng (Da Dong) ở đây rộng 6m, sâu 80m và nước chảy xiết.
Đường?  B và 6 giờ 15 Đăng Kia hay Đăng Gia. 4 ché rượu cần.
Tôi hỏi ông chánh tổng về những vùng ở phía Bắc núi Lang Bi-an mà tôi đã đo từ một điểm cách Đăng Kia về phía TTB (3km). Ông ta biết các buôn Krong Ea, Kadoung và các buôn Bih mà tôi đã nhắc tên. Ông ta còn nêu ra các buôn sau đây nằm ở phía Bắc Đăng Kia và Menom Damutte: Mane Trane, Jenne, Dlaé, Tiel Moup, Jenne Tran, Bome Taou, Tiel Deung, Damron, Tildot, Dousal, Picó, Passal, Dambaét, Lamenne, Partéan, Khout.
Khởi hành 6 giờ 10? N
qua sông Đạ Đờng (tả ngạn)
6 giờ 35 Đơng? N35T, mưa!
7 giờ 30 Ăn Krô-ét (An Kroette), 2 xóm. Dân cư: 630 người.
Nhà không cất trên trụ, mái nhà sát mặt đất. Khi đổ nước vào ché, người ta bắt đầu đổ một ít nước sôi, rồi cầu nguyện Yàng cho đến khi đổ xong nước lạnh. Chính tôi phải cắm cần trúc vào ché rượu...
6/ Đà Lạt thuở ban đầu
Trong chuyến công du Ấn Độ năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer (Pôn Đu-me) được chứng kiến những trạm nghỉ dưỡng (sanatorium) tổ chức tốt và nhận thấy binh sĩ đóng tại các địa điểm trên độ cao từ 1.000m lên đến 2.000m, có khí hậu giống như ở châu Âu, không bị mắc những bệnh ở vùng nhiệt đới. Doumer rất mong muốn tìm một hay nhiều nơi tương tự dành cho công chức và binh sĩ Pháp mệt mỏi, đau yếu vì khí hậu nhiệt đới, tránh được cái nóng nung người ở đồng bằng, tận hưởng những giây phút yên tĩnh trong không khí mát lành để hồi phục sức khỏe. Trong lá thư ngày 23-7-1897 gửi cho các khâm sứ, Doumer nêu ra bốn điều kiện cần thiết cho một nơi nghỉ dưỡng: độ cao tối thiểu 1.200 m, nguồn nước dồi dào, đất đai trồng trọt được, khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng. [29, 336]
Ở miền Bắc, hai địa điểm được giới thiệu nhưng không được chấp nhận: đỉnh núi Ba Vì và cao nguyên giữa sông Hồng và sông Đà. Đỉnh núi Ba Vì quá chật hẹp và độ ẩm quá cao; đường giao thông lên các cao nguyên giữa thung lũng sông Hồng và sông Đà không thuận lợi. [25, 305]
Vũng Tàu nằm trên bờ biển, cách Sài Gòn 10 giờ theo đường sông, là một bãi biển mát mẻ hơn vùng nội địa nhưng không thể dùng làm nơi nghỉ dưỡng. Vùng đầm lầy dài hàng chục cây số ở gần Vũng Tàu là môi trường truyền bệnh sốt rét.
Nam Kỳ và Căm-pu-chia không có những vùng núi cao trên 1.000 m. Gần Tây Ninh có một đỉnh núi cao 884m; giữa Châu Đốc và Hà Tiên cũng có vài đỉnh núi khác cao 400 hay 500m. [51, 340]
Nhận được thư riêng của Doumer, bác sĩ Alexandre Yersin gợi ý thành lập nơi nghỉ dưỡng  ở Đà Lạt - Đăng Kia. [11, II]
Từ tháng 10 năm 1897, Doumer cử một phái đoàn quân sự nghiên cứu tìm một con đường dễ dàng nhất đi từ Nha Trang lên cao nguyên Lang Bi-an. Phái đoàn đặt dưới sự chỉ huy của đại úy pháo binh Thouard (Tu-a), có trung úy thủy quân lục chiến Wolf làm phụ tá. Các thành viên khác của phái đoàn gồm có: Cunhac (Cuyn-hắc), phụ tá trắc địa viên; Abriac (A-bri-ắc), phụ trách vận chuyển hàng hoá, Missigbrott (Mít-xít-brốt), sĩ quan tuỳ tùng, rất tháo vát. Ngoài ra còn có hai hay ba dân binh và một người dẫn đường đã đi cùng với Yersin 4 năm về trước. Phái đoàn đi từ Sài Gòn đến Nha Trang và tiến vào thung lũng của sông Nha Trang. Sau một tháng khảo sát địa hình trong những điều kiện rất khó khăn và vất vả, đoàn người đến thung lũng sông Đa Nhim, gặp buôn Thượng La Pá (Loupah) gần Đrăn (Dran). Từ đây họ men theo hữu ngạn sông Đa Nhim đến Phi Nôm (Fimnom), ngược dòng suối Đạ Tam, vượt thác Pren (Prenn) và leo lên trên triền dốc cao phía Nam cao nguyên, đến Đà Lạt tại một địa điểm về sau xây cất quán Xa-voa (Auberge savoisienne) (1).
 Sau một thời gian dựng lều sống bên bờ suối Cam Ly, đoàn trú ngụ tạm thời ở Đăng Kia. Tại đây có một buôn lớn trong khi khắp vùng rất nghèo nàn và hoang vắng. Ở Măng Lin (Manline) có 2 hay 3 buôn người Lạch. Ở Đăng Kia, phái đoàn được thuận lợi là ở trung tâm của toàn vùng, rất tiện cho việc vẽ bản đồ và đổi vật dụng để lấy lương thực.
Thouard chứng minh không thể đi thẳng từ Nha Trang lên Lang Bi-an và phác thảo một con đường dài khoảng 122km đi từ Phan Rang, ngang qua Xóm Gòn, Đrăn, thung lũng sông Đa Nhim, Klong, Pren và đến Đà Lạt. Nhận thấy ở độ cao 1.000m, cao nguyên Lang Bi-an có nhiều nhánh của sông Đồng Nai, ông gợi ý xây dựng một con đường trực tiếp từ Sài Gòn lên Đà Lạt qua thung lũng sông Đồng Nai, tránh con đường đèo cao 800m lên Đrăn.
Sau 11 tháng khảo sát, vào tháng 9 năm 1898, phái đoàn trở về lại vùng biển, chỉ để Missigbrott ở lại, lập một vườn rau và chăn nuôi một ít gia súc. Đây là bước đầu của nông trại Đăng Kia. [19, 23]
Năm 1898, một trạm nông nghiệp và một trạm khí tượng được thiết lập ở Đăng Kia dưới sự quản lý của kỹ sư M. Jacquet (M. Giắc-kê), thanh tra nông nghiệp.
Trong báo cáo ngày 15-12-1901, kỹ sư A. D’André (A. Đăng-đrê), thanh tra nông nghiệp, trạm trưởng trạm nông nghiệp Lang Bi-an, cho biết trạm có diện tích 16,6706ha, trồng thử nghiệm nhiều loại cây:
Trạm nông nghiệp Lang Bi-an
- Cây ăn trái: pom, lê, đào, cam, chanh, ô-liu, nho, dâu tây,...- Rau: Măng tây, cà tím, xà lách, xà lách xon (cresson), bắp cải (các giống đỏ, Cabus, Joanet, Milan, Bruxelles, Quintal), cải bông, su hào, dưa leo, dưa chuột, hành tây, củ cải, cà rốt, củ dền, đậu xanh, đậu Hà Lan, cần, ngò tây, cà chua, a-ti-sô,...
- Cây lương thực: bắp, lúa mì, đại mạch, yến mạch, khoai lang, khoai tây,...
- Cây công nghiệp: chè.
Về hoa, A. D’André ghi nhận: “Năm nay, một số lượng tương đối lớn giống hoa được trồng thử. Tôi có thể kể: hoa hồng, cúc, cúc tím, dong riềng, bóng nước (balsamine), sen cạn (capucine), cô-cơ-li-cô, thược dược, mõm sói, bất tử, forget-me-not (myosotis), phong lữ (géranium), móng rồng (phlox), hoa tím (violette), cúc lá nhám (zinnia), cúc trắng (marguerite), cẩm chướng, cẩm nhung, á phiện, tư tưởng (pensée)...
Tôi theo dõi các giống hoa cho kết quả tốt nhất và ít tốn công chăm sóc. Nói chung, có thể nói hoa ở Pháp và các vùng ôn đới rất thích hợp trên Lang Bi-an. Hoa phát triển tối đa và đẹp rực rỡ. Hầu hết các giống hoa đều cho hạt tốt đã được thu hái và giữ làm giống”.
Trạm cũng trồng thử củ cải dành cho chăn nuôi, giống Mammouth (Mam-mút) và Dizette (Đi-dét-tơ), và nuôi 250 gia súc.
A. D’André nhận xét: “Gia súc tăng trưởng tốt nhờ cỏ trên cao nguyên. Các con vật đưa từ Phan Rang lên rất ốm yếu và mệt mỏi vì đường xa, nhưng hồi phục lại sau 3 tháng. 7 con bò giống Bretagne (Brơ-ta-nhơ) lớn nhanh nhưng phải cho ăn thêm cỏ khô, bắp, khoai. 3 con mang từ Pháp sang và 4 con ra đời trên cao nguyên. Đôi khi đàn bò sinh ra những con lai rất đẹp. Hiện có 12 con.
Đàn gia súc gần trạm nông nghiệp Lang-Bian
Gia súc trong trại cung cấp mỗi tháng khoảng 50 thước khối phân chuồng. Nhờ lượng phân này, có thể đủ bón cho cây trồng. Từ tháng 5 đến tháng 10, trạm nông nghiệp sản xuất được mỗi tuần 2 lần khoảng 150kg rau các loại, con số này có thể lên đến 267kg. Nông sản có thể được coi như dồi dào”. [24, 523-529]. Ngày 23-12-1900, tôi mang từ Phan Rang lên 10 con cừu, trong đó có một con cừu đực. Số cừu này là giống lai giữa cừu Ấn Độ và cừu Trung Hoa cho một loại len dài nhưng thô. Đàn cừu đã trải qua mùa khô và một phần của mùa mưa. Đến ngày 18 tháng 7 có tất cả 19 con. Rất tiếc một con cọp đã lẻn vào chuồng trong đêm tối và vồ mất 14 con. Tuy nhiên, 5 con sống sót còn hình dáng tốt và tôi nghĩ có khả năng nuôi cừu trên quy mô lớn vì, trừ tai họa này, không con thú nào mắc bệnh cả. Khí hậu và đồng cỏ hình như rất thích hợp.
Trạm khí tượng hoạt động tương đối đều đặn cho đến cuối năm 1908, trừ năm 1905 bị gián đoạn trong một thời gian. Ngừng hoạt động từ cuối năm 1908, trạm tiếp tục công việc từ tháng 6 năm 1909 đến cuối năm 1911. Vào thời kỳ này, đài thiên văn trung ương Phù Liễn có nhiệm vụ tập trung và thông báo những số liệu khí tượng ở Đông Dương báo tin trạm Đà Lạt ngừng hoạt động vì không được trợ cấp.
Tuy nhiên, những số liệu khí tượng thu được trong 14 năm đủ để xác định điều kiện khí hậu của cao nguyên Lang Bi-an.
NHIỆT ĐỘ TỐI CAO, TỐI THẤP TRUNG BÌNH 
HÀNG THÁNG TỪ NĂM 1898 ĐẾN NĂM 1911
Về nhiệt độ, đồ thị cho biết nhiệt độ tối cao khá đều, dao động giữa 270C và 300C trừ tháng 7 năm 1902, nhiệt độ lên đến 320C.
Từ 0oC vào tháng 1, nhiệt độ tối thấp giảm xuống còn -20C vào tháng 2 và lên cao khá đột ngột đến tháng 8 và tháng 9 (khoảng 90C), sau đó nhiệt độ giảm dần xuống còn 20C vào tháng 12.
Nhiệt độ trung bình hằng tháng thay đổi giữa 16,370C (tháng 1) và 19,570C (tháng 5). Từ mùa hè sang mùa đông, nhiệt độ chỉ cách nhau 3,20C. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 18,320C, gần giống như nhiệt độ trên bờ biển Địa Trung Hải vào mùa xuân. [26, 307-308]
Tháng 3 năm 1899, Doumer gửi điện tín cho bác sĩ Yersin báo tin ông sẽ đến Phan Rang trong vòng 48 giờ và sẽ cùng Yersin leo núi lên cao nguyên Lang Bi-an.
Lúc bấy giờ, con đường cái quan từ Nha Trang đến Phan Rang chỉ là một con đường mòn không có cầu bắc qua sông. Yersin liền cưỡi ngựa đi suốt ngày đêm, chỉ dừng lại ở các trạm đặt cách nhau từ 15 đến 20 km. Ngày 25-3-1899, Yersin đến Nại (gần Phan Rang) đúng lúc tầu Kersaint (Kẹc-xen)  cặp bến.
Doumer nghỉ trong giây lát ở tòa công sứ Phan Rang, sau đó cùng đoàn tùy tùng cưỡi ngựa đi ngay, định chiều hôm ấy đến chân núi, cách Phan Rang khoảng 40km.
Ngựa của Doumer phi nước đại. Nhờ giống ngựa tốt, Yersin đuổi kịp Doumer và đến Krong-pha khi trời chập choạng tối.
Paul Doumer
Yersin dựng lều, lấy ra hai cái giường xếp và vài lon đồ hộp. Mãi đến khuya, đoàn tuỳ tùng và hành lý mới đến nơi.
Sáng hôm sau, khi trời vừa sáng, đoàn người bắt đầu leo núi. Con đường đèo thật gập ghềnh và hiểm trở, mọi người phải dắt ngựa đi bộ. Họ đến Đrăn vào lúc 10 giờ. Trên cao nguyên, chưa có một người Việt nào sinh sống. Đrăn chỉ là một buôn Thượng mà dân cư đều bị bệnh sốt rét hoành hành. Sau khi tắm sông và vội vàng ăn trưa, họ lại lên đường đi tiếp chặng cuối.
Trước khi đến Trạm Hành (Arbre Broyé), đoàn người lại dắt ngựa trên đoạn đường đèo, nhưng từ Trạm Hành đường đi dễ dàng hơn, họ tiếp tục lên yên.
Thuyền độc mộc trên sông Đa Nhim ở Đrăn
Khi Doumer, đại úy Langlois (Lăn-gloa) và Yersin đến ven cao nguyên thì trời đã tối sẫm. Cả ba người bám sát nhau vì một lý do chính là trong đêm tối, chưa quen với địa hình, họ có thể bị lạc. Vào lúc 10 giờ, họ tới đồn lính ở vị trí Đà Lạt hiện nay. Đó là một mái nhà tranh đơn sơ. Ông Garnier (Gạc-ni-ê) - trưởng đồn - đang ngủ bỗng choàng dậy trước sự có mặt của khách lạ vì chưa được báo tin trước. Vào lúc 1 giờ khuya, đoàn tuỳ tùng đến. Viên công sứ Nha Trang nói với giọng hãi hùng: “Tôi nghe tiếng cọp gầm, tôi nhận ra tiếng cọp mà!”.
Từ sáng sớm, đoàn người khởi hành tiến đến Đăng Kia. Trời lạnh, trên đường đi họ gặp rất nhiều con cà tông (1).
Ở Đăng Kia, Doumer thanh tra trạm nông nghiệp và khí tượng, trình bày dự án thành lập nơi nghỉ dưỡng tương lai nằm trên đoạn đường xe lửa đi từ Sài Gòn, xuyên qua rừng núi đến Đà Lạt rồi xuống Quy Nhơn. Về sau, dự án không thực hiện được vì khi khảo sát thiết kế, các kỹ sư nhận thấy gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật hơn là thiết lập một đường xe lửa ven biển với một nhánh đường sắt phụ từ Phan Rang lên Đà Lạt. [50, 43-47].
Ngày 28-4-1899, Doumer giao cho đại uý Guynet (Guy-nê) nhiệm vụ làm một con đường dài 110 - 120km đi từ Nại (gần bãi biển Ninh Chữ) lên cao nguyên Lang Bi-an. Đoạn đầu bằng đất đi từ Phan Rang đến chân núi Trường Sơn, đoạn sau là một con đường có độ dốc 8% dành cho lừa tải hàng lên núi.
Phái đoàn thứ hai này gồm có 20 người Âu, trong đó có bác sĩ Étienne Tardif (Ê-chiên-nơ Tạc-đíp) và hai người có mặt trong phái đoàn Thouard: Cunhac, Abriac.
Ngày 8-6-1899, Tardif tháp tùng Guynet lên Lang Bi-an. Ông nhận thấy có một khoảng cách rất lớn về nhiệt độ giữa đồng bằng và miền núi.
ĐỊA ĐIỂM
NGÀY
GIỜ
NHIỆT ĐỘ (0C)
GHI CHÚ
Xóm gòn
Đi-ôm (Diom)
Độ cao 1.000m

Kri-ăn (Krian)
Độ cao 1.150m
Đà Lạt (cao nguyên Lang Bi-an), độ cao 1.550m

Đăng Kia (cao nguyên Lang Bi-an), độ cao 1.410m

Đà Lạt

Căn Rang (Karran), độ cao 1.000m

Xóm Gòn
9-6
10-6
11-6
-
-
12-6
-
-
-
13-6
-
14-6
-
15-6
-
-
16-6
-
-
Đêm
7 giờ chiều
5 giờ sáng
3 giờ chiều
7 giờ chiều
5 giờ sáng
Trưa
2 giờ chiều
7 giờ chiều
2 giờ rưỡi sáng
7 giờ chiều
Trưa
1 giờ
4 giờ rưỡi sáng
2 giờ chiều
3 giờ chiều
5 giờ sáng
Trưa
3 giờ
35
22
17

22
17
21
18
17
14
18
22
18
11
22

16.5

35,5


Mưa



Mưa



Sau một 
cơn mưa rào



Mưa

Mưa
Tardif mô tả Đà Lạt và Đăng Kia lúc bấy giờ như sau:
“Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lang Bi-an trên độ cao ít nhất là 1.500m. Đồn lính nằm trên lưng chừng đồi của một thung lũng rộng, nhìn xuống một vùng đất dốc thoai thoải ven bìa rừng thông. Một dòng suối có lưu lượng rất cao chảy dưới thung lũng. Nước suối trong mát, dễ uống và không có mùi vị.
Đồn lính Đà Lạt còn rất thô sơ. Trong đồn chỉ có vài người lính và thợ mộc.
... Đăng Kia ở phía Bắc Đà Lạt nằm trên độ cao 1.400m có 2 người Âu, khoảng 50 người Kinh và Thượng. Cách đó không xa là buôn Thượng với 40-50 hộ. Ông Canivey (Ca-ni-vây) và Missigbrott mỗi người ở trong một túp lều tranh cách nhau 800m. Họ lấy nước từ một con suối chảy vào sông Đồng Nai ở chân đồi”.
 Trước thế kỷ XX, Đăng Kia là buôn lớn nhất trên cao nguyên Lang Bi-an, trong khi Đà Lạt vẫn còn hoang sơ. Nhưng so sánh giữa Đà Lạt và Đăng Kia, Tardif đề nghị chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng và phân tích:
Điều kiện vệ sinh: Vị trí thuận lợi nhất để thành lập nơi nghỉ dưỡng là một địa điểm trống trải và dễ đến gần. Đó là trường hợp của Đà Lạt có thể đến một cách rất tự nhiên, trong khi phải đi quanh co thêm 13km mới đến Đăng Kia. Đà Lạt còn có một điểm thuận lợi nữa là đất đai dài liên tục với dốc thấp, trong khi Đăng Kia gồm một dãy đồi núi cách rời nhau bằng những thung lũng hẹp và lầy lội.
- Độ cao: Đà Lạt cao hơn Đăng Kia 100m. Có thể nói một cách chính xác rằng Đà Lạt ở trên cao và Đăng Kia nằm trong lòng chảo.
- Nước: Nếu trong tương lai, nơi nghỉ dưỡng trở thành trung tâm, chỉ cần xây dựng ở gần Đà Lạt một tháp nước là sẽ phân phối được nước cho mọi nhà; ở Đăng Kia, một công trình như vậy đòi hỏi rất nhiều khó khăn.
- Không khí: Về điểm này, Đà Lạt càng thuận lợi hơn Đăng Kia. Tôi chưa dám nói trước rằng nhờ độ cao, không khí Đà Lạt trong sạch hơn, nhưng chắc chắn là không khí Đà Lạt khô hơn.
Nằm gần đỉnh núi Lang Bi-an, trong mùa mưa Đăng Kia hứng hầu hết những trận mưa. Ở Đăng Kia, sương mù dày đặc hơn, gió và tia nắng mặt trời chỉ đến từ lúc 9 giờ hay 10 giờ sáng.
Cuối cùng, Đăng Kia không bao giờ có không khí rừng thông. Ngược lại, Đà Lạt nằm kề một rừng thông mênh mông tạo thành một hình bán nguyệt ở  Đông-Nam cao nguyên.
- Về thảo mộc, quanh Đăng Kia không có cây cối. Đồi núi chỉ phủ toàn một lớp cỏ xanh. Đà Lạt, trái lại, nằm cạnh một rừng thông và tùng, không khí đầy hương thơm nhựa thông trong lành.
Tính chất thổ nhưỡng ở Đà Lạt cũng tốt hơn ở Đăng Kia.
Nếu nơi nghỉ dưỡng đặt ở Đăng Kia, đây sẽ là một đồi núi mấp mô, ít đất bằng, không thuận tiện cho các phương tiện giao thông (xe hơi, xe điện, xe đạp) hoạt động. Về ban ngày, không có bóng cây, do đó không thể dạo chơi; ban đêm lại đầy sương mù. Giá thành nước cung cấp đến tận nhà rất cao. Vấn đề giải quyết nước thải bằng những phương pháp cơ học hay hóa học ở Đăng Kia rất tốn kém. Nếu nước thải chảy vào sông Đồng Nai sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong mùa khô. Ở Đà Lạt, với đất rộng, đồi núi thấp, một tháp nước và một hệ thống đường ống dẫn nước có thể cung cấp nước cho mọi gia đình. Nước thải cho chảy về Pren. Dưới thung lũng này có một dòng suối đầy nước, quanh năm chảy qua một vùng rộng lớn gần như hoang vu trước khi đổ vào sông Đa Nhim.
- Vật liệu xây dựng lại ở gần Đà Lạt và rất xa Đăng Kia.
- Về phương diện thẩm mỹ, Đà Lạt nằm ở một vị trí rất tuyệt diệu, chân trời lui về phía xa, tận dãy núi Lang Bi-an. Trái lại, từ lòng chảo Đăng Kia, chân trời bị những ngọn đồi xanh bao quanh, không có rừng, không có núi, chỉ nhìn thấy ánh mặt trời và đồi cỏ xanh”. [50, 1-50]
Do nhiều công nhân làm đường bị chết vì bệnh sốt rét, công luận lên tiếng phản đối trạm nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lang Bi-an. Đại uý Bernard (Bẹc-na) đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ về muỗi và bệnh sốt rét.
Vào năm 1905, người ta dự định không thành lập trạm nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lang Bi-an nữa nhưng tại một địa điểm trong thung lũng sông Đa Nhim, trên độ cao 1.000m, giữa các làng Thượng ở Đi-ôm (Diom, Châu Sơn ngày nay) và La-bui (Lebuoi, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương ngày nay).
Một ý kiến khác là thành lập nơi nghỉ dưỡng trên cao nguyên Di Linh vì gần Nam Kỳ và trên đường từ Sài Gòn lên Lang Bi-an qua Phan Thiết, nhưng tại đây bệnh sốt rét rất nghiêm trọng. Tất cả nhân viên của phái đoàn nghiên cứu đường sắt do kỹ sư Blim dẫn đầu đều bị bệnh nặng và phải bỏ dở công việc. 12 trong số 24 tù nhân người Kinh đưa lên Djiring đã bị chết trong vòng một tháng.
Cao nguyên Lang Bi-an có ưu điểm là muỗi a-nô-phen rất hiếm, nhiệt độ về đêm xuống thấp đủ để ngăn cản mầm bệnh sốt rét phát triển.
Ngày 5-1-1906, Hội đồng Quốc phòng Đông Dương họp ở Đà Lạt gồm có Toàn quyền, Đại tướng Voyron (Vôi-rông), Thống đốc Nam Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ quyết định chọn cao nguyên Lang Bi-an làm nơi nghỉ dưỡng vì hội đủ các điều kiện quân sự và vệ sinh. [51, 343 - 344, 350 - 359]
Lúc đầu, người ta chọn Đăng Kia, nhưng sau đó một địa điểm giữa Đà Lạt và Đăng Kia, và cuối cùng Đà Lạt .[48, 60]
Theo Nghị định ngày 1-11-1899 do Toàn quyền Paul Doumer ký, tỉnh Đồng Nai Thượng được thành lập bao gồm vùng thượng lưu sông Đồng Nai đến biên giới của Nam Kỳ và Căm-pu-chia. Tỉnh lỵ đặt tại Djiring và 2 trạm hành chánh (poste administratif) được thành lập ở Tánh Linh (Tân Linh) và trên cao nguyên Lang Bi-an. Ngoài các nhiệm vụ thường lệ, Ernest Outrey (Ẹc-nétx U-trây) - Công sứ tỉnh Đồng Nai Thượng - còn có nhiệm vụ đặc biệt giúp Sở Công chánh Đông Dương nghiên cứu và xây dựng con đường sắt ở Nam Trung Kỳ. [65, 1.422 - 1.423]
Từ năm 1898 đến năm 1900, các phái đoàn Odhéra (Ô-đê-ra), Garnier (Gạc-ni-ê) và Bernard (Bẹc-na) nghiên cứu con đường đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt (dài khoảng 300km) đã được Thouard gợi ý, đề nghị một con đường đi thẳng từ Đà Lạt đến Biên Hoà bằng cách dùng đoạn Đà Lạt - Phan Rang, sau đó đường tách ra từ Klong, vượt sông Đa Nhim, đi ngang qua Djiring và xuống thung lũng sông La Ngà để tiếp nối với con đường sắt ven biển về hướng Tánh Linh.
Phái đoàn Guynet (Guy-nê) (1899) và Buvigner (Buy-vi-nhê) (1900) lập đường Phan Rang - Xóm Gòn - Đrăn - Đà Lạt.
Năm 1901, tổ chức các cơ sở tiếp tế cho Đà Lạt qua ngã đường Phan Rang - Đà Lạt, lập các trạm dọc đường, xây dựng vài căn nhà gỗ dành cho toàn quyền, bệnh viện, công sứ và cảnh binh. Một viên thị trưởng được chỉ định.
Khi còn ở Hà Nội, Doumer đã lập một chương trình xây dựng Đà Lạt. Theo chương trình này, Đà Lạt là một thành phố toàn vẹn với các trụ sở hành chánh hoạt động về mùa hè, các trường trung học và doanh trại quân đội. Bản đồ phân lô đã bố trí các công trình kiến trúc từ dinh toàn quyền đến nhà ở của y tá, văn phòng công chánh, thuế vụ, thú y, thanh tra tài chánh, nông nghiệp,... Sở cảnh sát ở bên cạnh giải trí trường. Toà thị chánh rộng 306,88m2 với nhiều phòng. Nước được dự kiến cung cấp cho 10.000 dân, nguồn nước có thể thoả mãn trong tương lai cho 40.000 dân. Nước được lọc bằng phương pháp ozon hoá và có thể cả tia cực tím. Năng lượng thuỷ điện của các thác nước ở Ăn Krô-ét với nhà máy 2.760 mã lực sẽ cung cấp điện cho thành phố. [37, 255 - 256]
Năm 1902, Doumer về Pháp, dự án đồ sộ của ông ngưng lại, kinh phí bị cắt, những công trình xây dựng dở dang. Ở Đà Lạt chỉ còn vài nhân vật: một viên thị trưởng, một giám binh và một trưởng trạm nông nghiệp. Đà Lạt triền miên trong một giấc ngủ dài hơn 10 năm...
Trong thời gian này, các phái đoàn Beylié (Bây-li-ê) (1903), Pennequin (Pen-nơ-ken) (1904), bác sĩ Grall (Gran) (1904), Bizar (Bi-da) (1905), Garnier (1906), Cunhac (1907), Ducla (Đuy-cla) (Bộ Công chánh), bác sĩ Vassal (Viện Pasteur) vẫn nghiên cứu về Lang Bi-an và những con đường lên cao nguyên, kiến nghị xin tiếp tục xây dựng Đà Lạt, một địa điểm nghỉ dưỡng rất lý tưởng.
Năm 1905, Đà Lạt có khoảng 60 người Kinh.
Năm 1907, Hôtel du Lac (Khách sạn Hồ) được cất bằng gỗ là khách sạn đầu tiên ở Đà Lạt.
Năm 1908, P. Duclaux (P. Đuy-clô) đi ngựa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trên đường đi, ông rẽ từ Phan Rang lên Đà Lạt và đến Đà Lạt ngày 28-3-1908.
Ông nhận xét Đà Lạt lúc bấy giờ như sau:
“Đà Lạt! Tám hay mười mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn bằng ván thô sơ dành cho lữ khách, một vòi nước, quảng trường chợ, một nhà bưu điện đơn sơ. Trên một ngọn đồi, sau hàng rào và giữa rặng thông xanh, vài căn nhà gạch của trung tâm hành chánh Đà Lạt, vì chế độ cai trị ở đây thật đặc biệt: có một hội đồng và cả một viên thị trưởng. Ông Champoudry (Săm-pu-đry) - Thị trưởng Đà Lạt - nguyên Cố vấn Hội đồng thành phố Pa-ri bị thất cử được Doumer đem sang đây và coi như người sáng lập Đà Lạt. Còn cư dân? Vài chục người Việt bị đày, vài khách người Âu đi công tác hay trắc địa, những người thợ săn hay lữ khách hiếm hoi cùng đoàn tuỳ tùng. Tài nguyên? Gần như không có gì hết; không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả. Vốn là dược sĩ chuyên trách về vấn đề vệ sinh thành phố Pa-ri, ông thích thú thiết kế hệ thống thoát nước trong thành phố tương lai dựng lên trên sa mạc này và chờ đợi...
Trung tâm hành chánh của Đà Lạt không được nới rộng thêm chút nào, vẫn thuộc về tỉnh Phan Rang. Để tránh những sự tranh chấp về quyền hạn, ông Canivey (Ca-ni-vây) - Đại diện của Công sứ - sống với gia đình và thuộc hạ cách xa 3km, ngoài phạm vi của Champoudry. Nơi đây, ông đích thực là chủ nhân, cai quản một vùng Thượng rộng lớn, để lại cho đối thủ bất hạnh của ông vài chục người Việt thường ra vào trong một làng nhỏ.
Tôi mang đến cho ông Canivey một lá thư gửi từ Phan Rang và ông giữ tôi lại ăn cơm tối.
Không những là một người am hiểu miền Thượng, ông còn là một tay thiện xạ có lẽ một phần vì ham thích nhưng chắc chắn vì hoàn cảnh bắt buộc.
Ở đây không có thịt nào khác ngoài thịt rừng; về rau, chỉ có vài loại rau do người Thượng mang đến hay những người lính tự trồng trọt. Phải thường xuyên chống lại cọp và beo rất nhiều trong khắp vùng. Chuyện cọp là chuyện thường ngày, không phải là chuyện vui đùa bịa đặt mà là một thực tế đáng lo ngại. Chó, ngựa, nhiều người giúp việc, nhiều người bưu trạm đã bị cọp vồ; nhiều người Âu cũng cùng chung số phận.
Sau khi ăn tối ở đồn cảnh binh, ông Canivey cho bốn người cầm đuốc đưa tôi về vì đường đi rất nguy hiểm từ khi mặt trời lặn. Ông nói với tôi rằng tôi đã lầm khi đến đây một mình.
Những con chó rừng còn nguy hiểm hơn nữa. Đây là một loại chó cao gần bằng cái bàn, ốm nhom nhưng cực kỳ hung dữ. Chúng kéo đi hàng đàn và đuổi theo con mồi không biết mệt. Chúng tấn công cả cọp và thường chiến đấu đến cùng, dù phải bỏ thây vài mạng. Một lần, con chó của đại uý Lavit (La-vi) - một người thợ săn dũng cảm - bị một đàn chó rừng đuổi theo đến tận trại. Chúng chỉ chịu bỏ đi khi tất cả mọi người trong trại vội vàng chạy ra xua đuổi chúng. Tôi đã từng nghe nói về những con chó rừng ở Quy Nhơn, nhưng những con chó rừng ở đây còn dễ sợ hơn.
Tất nhiên, Đà Lạt thiếu những trò giải trí quyến rũ. Ở trong nhà gỗ và ngủ trên giường gỗ không hấp dẫn du khách chút nào! Không có cỏ cho ngựa và cám bán với giá cắt cổ”. [31, 4 - 5]
Năm 1909, trạm khí tượng được chuyển từ Đăng Kia về Đà Lạt.
Năm 1910, ngừng xây dựng đường sắt từ Phan Rang đến Xóm Gòn vì thiếu kinh phí.
Năm 1902, tiếp tục xây dựng đoạn đường từ Phan Rang đến Xóm Gòn.
Năm 1913, xây dựng đường Djiring đi Ma Lâm - Phan Thiết. [26, 306 - 307]
7/ Đà Lạt trên bước đường xây dựng
Đà Lạt đã được chọn làm nơi nghỉ dưỡng nhưng khó khăn về đường sá lên cao nguyên gần như không thể nào vượt được. Một thời gian sau, hai con đường dẫn đến Đà Lạt là Phan Thiết - Djiring, Phan Rang - Đrăn được hình thành tuy ngoằn ngoèo uốn khúc nhưng cũng giúp cho ô tô lên được cao nguyên Lang Bi-an.
Toàn quyền Albert Sarraut (An-be Xa-rô) chỉ thị phải hoàn thành trước cuối năm 1914 các công trình sau:
1. Đường từ Phan Thiết lên Djiring nối liền Đà Lạt với bờ biển phải có chiều rộng bình thường; nâng cấp nhà gỗ với mái hiên rộng (bungalow) ở Djiring và thành lập hãng vận chuyển công cộng bằng ô tô;
2. Cải tiến dần đường Djiring - Đà Lạt và Đà Lạt - Đá Bàn;
3. Đặt đường sắt giữa Tháp Chàm và Sài Gòn và đưa vào khai thác. [48, 62; 49, 494]
Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ đã gây khó khăn cho người Âu trở về quê hương nghỉ phép hằng năm. Họ muốn đến nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, một vùng có khí hậu trong lành gợi nhớ đến hình ảnh của cố hương: những đỉnh núi tròn của dãy Vosges (Vốtx-giơ), những đỉnh núi cao của dãy Pyrénées (Py-rê-nê), thác nước và rừng thông của vùng Alpes (An-pơ) và miền Trung nước Pháp..
Tháng 11-1915, Toàn quyền Roume (Ru-mơ) quyết định đánh thức Đà Lạt dậy sau một giấc ngủ dài. Hoàn cảnh đã thuận tiện. Hệ thống đường sá phát triển mạnh cho phép lên Lang Bi-an dễ dàng hơn.
Ngày 6-1-1916, tỉnh Lang Bi-an được thành lập bao gồm vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng và phần đất rừng thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước ngày nay. [44, 89 - 90]
Ngày 18 tháng 3 năm Duy Tân thứ 10 (20-4-1916), Hội đồng Nhiếp chính triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị trấn Đà Lạt. [67, 489 - 490]
Ngày 30-5-1916, Khâm sứ J.E.Charles (Sạc-lơ) ký Nghị định thành lập thị trấn Đà Lạt.
Năm 1916, Toàn quyền Roume quyết định xây dựng một khách sạn lớn ở Đà Lạt. Các viên toàn quyền kế tiếp cấp kinh phí, mở mang đường sá.
Số nhà gỗ tăng lên rất nhanh. Được đà vươn lên, Đà Lạt phát triển một cách đều đặn. Nhà máy điện đầu tiên thành lập năm 1918 cung cấp điện cho trung tâm thành phố.
Năm 1919, Labbé (Láp-bê) - kỹ sư công chánh - xây dựng hồ nước trên dòng suối Cam Ly.
Ngày 31-10-1920, Toàn quyền Long ra Nghị định thực hiện Dụ ngày 11-10-1920 của Triều đình Huế tách cao nguyên Lang Bi-an và vùng đất phụ thuộc tỉnh Lang Bi-an, thành lập khu tự trị (circonscription autonome) trên cao nguyên Lang Bi-an. Phần đất còn lại của tỉnh Lang Bi-an mang tên tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt ở Djiring. Trong khi chờ đợi xây dựng các cơ sở cần thiết ở Djiring, công sứ tỉnh Đồng Nai Thượng đặt trụ sở ở Đà Lạt.
Cùng ngày, Toàn quyền Long ra một nghị định khác ấn định khu tự trị trên cao nguyên Lang Bi-an tạo thành đất đai của thị xã Đà Lạt (commune de Dalat). Thị xã Đà Lạt là thị xã loại hai. Thị xã Đà Lạt gồm có vùng nội ô và ngoại ô. Vùng ngoại ô gồm làng mạc và đất đai nằm trên cao nguyên Lang Bi-an. [68, 910- 911]
Cùng ngày 31-10-1920, Toàn quyền Long ra Nghị định thành lập Sở Nghỉ dưỡng Lang Bian và Du lịch Nam Trung Kỳ. Nghị định nêu rõ:
“Giám đốc Sở Nghỉ dưỡng Lang Bian và Du lịch Nam Trung Kỳ là Đại biểu của Toàn quyền Đông Dương ở Đà Lạt và kiêm nhiệm chức vụ Thị trưởng Đà Lạt.
Đại biểu chịu trách nhiệm tổ chức khu tự trị trên cao nguyên Lang Bian và vùng phụ cận, đặc biệt là xây dựng nơi này thành một nơi nghỉ dưỡng và một trung tâm du lịch hấp dẫn. Giám đốc có sứ mạng góp phần tôn tạo cảnh quan và tài nguyên du lịch ở Nam Trung Kỳ, cũng như các bãi tắm có thể được thiết lập.
Đại biểu quản lý và kiểm tra các công trình xây dựng từ ngân sách của khu tự trị Lang Bian; có quyền hạn của một viên chức hành chính địa phương về các công trình thực hiện từ ngân sách, kể cả công trình xây dựng đường lên cao nguyên Lang Bian từ biên giới Nam Kỳ và Tháp Chàm (Tour - Cham).
Ông phải được tham khảo ý kiến về các điều kiện hoạt động, thời gian biểu và giá cả các dịch vụ vận tải đường bộ, đường sông và đường biển lên Lang Bian và đề nghị, nếu cần thiết, những sự thay đổi và cải tiến các dịch vụ.
Ông được quyền sử dụng bưu chính và viễn thông trong những điều kiện đã được quy định dành cho khâm sứ ghi trong bảng C và D của Nghị định ngày 17-4-1916, cũng như các công sứ, trưởng trạm hành chính và cảnh binh của tỉnh Đồng Nai Thượng, Khánh Hoà và Bình Thuận, hội đồng kỹ thuật công chánh và nhà ở dân dụng, nhân viên đường sắt tuyến đường Sài Gòn - Khánh Hoà và Đà Lạt, nhân viên và giám đốc các sở dưới quyền.
Công sứ ở Djiring, Phan Thiết và Nha Trang hợp tác với Đại biểu.
Một kỹ sư trưởng hay một kỹ sư, một kiến trúc sư hay một thanh tra chính hay thanh tra nhà ở dân dụng, do Tổng Thanh tra Công chính chỉ định với sự thoả thuận của Đại biểu Toàn quyền Đông Dương ở Đà Lạt, có nhiệm vụ nghiên cứu và theo dõi tất cả các vấn đề đòi hỏi thẩm quyền kỹ thuật đặc biệt và các vấn đề mà Đại biểu xét thấy cần thiết”.
Đường Phan Rang - Đà Lạt qua đèo Ngoạn Mục và Đrăn có thể đi lại được từ năm 1920. Vài ngôi nhà gạch được dựng lên: bưu điện, trường Nazareth (Na-da-rét), kho bạc v.v...
Năm 1920, nhà máy nước được xây dựng cung cấp đầy đủ nước uống. Nhiều khu phố mới được thành lập ở phía Nam, Đông Nam và Tây của Hồ Lớn. Người Việt sống tập trung ở phía Bắc suối Cam Ly và hướng Tây Bắc.
Ngày 16-8-1921, Toàn quyền René Robin (Rơ-nê Rô-ben) ký Nghị định thành lập khu bảo tồn rộng 8.000ha ở Trạm Bò (Le Bosquet) tại khu vực nằm giữa Đà Lạt - Đrăn - Phi Nôm (khu Tam Giác ngày nay).
Năm 1921, trạm xá Đà Lạt chỉ là một mái nhà tranh. Năm 1922, bệnh viện được xây dựng để phục vụ cho phụ nữ.
Năm 1922, khách sạn Langbian Palace được khánh thành.
Năm 1925, không kể người Âu, tù nhân, binh lính, nhân viên phục vụ cho người Âu và các khách sạn, dân số Đà Lạt là 2.242 người, trong đó có 159 người Hoa và 53 người dân tộc bản địa. Trong khu vực người Kinh có 18 cái giếng và 365 mái nhà tranh mà 9/10 không hợp vệ sinh. 24/47 học sinh bị đau mắt hột.
Thân cây dùng làm xe lu
trong đoạn đường 

Tháp Chàm - Xóm Gòn
Cầu trên đoạn đường 
Đrăn - Trạm Hành

Đà Lạt trước năm 1928
Đêm 28 rạng ngày 29-4-1931, “Chợ Cây” bị cháy.
Năm 1933, đường bộ nối liền Đà Lạt với Sài Gòn chỉ mất vài giờ qua đèo Blao được khai thông.
Ngày 23-5-1937, đường số 21 nối liền Đồng Nai Thượng với Đắc Lắc cũng được khai thông. 160 ô tô chạy trên đường này trong 3 tháng mùa khô. [63, 73]
Những công trình xây dựng đường xe lửa có răng cưa bắt đầu từ năm 1920 được hoàn thành và đường sắt nối đến Đà Lạt vào năm 1932. Nhà ga xây dựng xong năm 1938. Lúc bấy giờ, đi từ Hà Nội đến Đà Lạt chỉ mất 48 giờ nên số du khách từ miền Bắc đến nghỉ hè ở Đà Lạt rất đông. Các buồng trong khách sạn được khách đặt thuê từ nhiều tháng trước. [64, 81]
Đà Lạt đã có một hệ thống đường sá đủ để khẳng định sự trưởng thành. Nam Kỳ giàu có tiếp sức cho đà phát triển của Đà Lạt và cung cấp vốn sử dụng trong việc hình thành những khu phố đẹp. Các biệt thự ở đường Hoa Lay-ơn (Rue des Glaẹuls), Hoa Hồng (Rue des Roses) được xây dựng, cư xá Saint Benoỵt (Xen Bơ-noa) được thành lập. Về phía Tây Bắc và phía Nam thành phố, cư dân người Việt cũng xây dựng các ấp Hà Đông (1938), Nghệ Tĩnh (1940).
Những công trình đô thị được hoàn chỉnh. Một nhà máy điện mới được thành lập năm 1927. Nhà máy nước tăng cường hệ thống dẫn nước. Một kế hoạch mở rộng nhà máy nước được đặt ra trong năm 1937 mà giai đoạn đầu kéo dài 5 năm.
Đà Lạt trở thành một thành phố giáo dục quan trọng.
Ngày 16-9-1937, khai giảng các lớp đầu tiên của trường Petit Lycée (Pơ-tí Ly-xê). Công trình xây dựng trường Grand Lycée (Grăn Ly-xê) (1)  kéo dài từ năm 1929 đến năm 1941.
Từ năm 1934 đến năm 1936, trường Notre Dame du Langbian (Couvent des Oiseaux) được xây dựng.
Năm 1934, xây dựng chợ Đà Lạt rộng 900m2 (dài 16m, rộng 15m).
Từ năm 1935, Công ty Du lịch được thành lập với hơn 80 thành viên. Tháng 12-1936, Công ty xuất bản một tập sách giới thiệu du lịch ở Đà Lạt và vùng ven, viết bằng 3 thứ  tiếng: Pháp, Anh, Hà Lan,  in  rất đẹp và phổ biến rộng rãi khắp Viễn Đông. [63, 78]
Giờ ra chơi tại trường Petit Lycée
Trường trung học Yersin năm 1937
Trường Couvent des Oiseaux
Viện Pasteur Đà Lạt
Ngày 1-1-1936, Viện Pasteur (Pa-xtơ) Đà Lạt - viện Pasteur cuối cùng của các viện Pasteur ở Đông Dương - được khánh thành. Dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Souchard (Xu-sa), ngoài việc sản xuất vắc-xin, Viện Pasteur Đà Lạt còn có nhiệm vụ xét nghiệm nước và thực hiện các xét nghiệm khác về giải phẫu bệnh học, xác định sức khoẻ của người dân trên cao nguyên. Viện đã tiến hành kiểm nghiệm 1.838 mẫu (năm 1936), 5.572 mẫu (năm 1940). Trong số mẫu xét nghiệm vào năm 1936 có 200 mẫu bệnh sốt rét do những bệnh nhân từ vùng khác đến Đà Lạt.
Cuối năm 1937, xây dựng dinh toàn quyền (nay là dinh II).
Lục quân và hải quân thiết lập những trại nghỉ dưỡng. Doanh trại Courbet (Cua-bê) được quy hoạch năm 1930, một doanh trại quân đội rộng 24ha được thiết lập ở phía Đông thành phố vào năm 1937; về hướng Bắc, Trường thiếu sinh quân chiếm 38ha được xây dựng từ năm 1939.
Chùa Linh Sơn được xây dựng từ năm 1938 đến năm 1940 do sự đóng góp của các Phật tử, nhất là ông Nguyễn Văn Tiến và Võ Đình Dung, người đã nhận thầu hầu hết các công trình kiến trúc thời bấy giờ.
Nhà thờ được đặt móng từ năm 1931, đến đầu năm 1942 thì xây dựng xong.
Năm 1939 xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, liên lạc với nước ngoài bị gián đoạn, người Pháp phải ở lại Đông Dương trong thời gian lâu hơn khiến cho số người lên nghỉ mát ở Đà Lạt luôn luôn tăng lên. Từ năm 1942, Đà Lạt đã trở thành “thủ đô mùa hè”, Toàn quyền Decoux (Đơ-cu) thường làm việc ở Đà Lạt từ tháng 5 đến tháng 10 vào mùa nóng. [28, 461 - 462]
Vốn không sử dụng ở Nam Kỳ được đầu tư ở Đà Lạt. Khắp nơi, người ta bán đất, xây dựng các biệt thự. Số giấy phép xây dựng là 59 trong năm 1939, tăng lên 155 trong năm 1940, 257 trong năm 1941 và vượt quá con số 300 trong năm 1942. Số biệt thự là 530 trong năm 1940, tăng lên 728 vào cuối năm 1942.
Ngày 8-1-1941, Toàn quyền Decoux ký nghị định thành lập tỉnh Lang Bi-an (Lâm Viên), Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Lang Bi-an, tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng đặt tại Djiring.
Từ ngày 10-2-1941, thị xã Đà Lạt được phép thu nhiều loại thuế và lệ phí: rạp hát, rạp chiếu bóng, sòng bạc, khu vui chơi, giải trí,...; nhạc sĩ, ca sĩ; tổ chức lễ lạt, đốt pháo, lễ cưới, sinh nhật; gái mãi dâm; pa-nô, áp-phích, bảng hiệu; phân phối xăng, máy tự động, cân; xây dựng; nhà cửa, ruộng đất, ao hồ,...; lấn chiếm lề đường và khu vực công cộng; xe cộ, xe kéo, xe đạp, xe bò, xe ngựa; rác; chó, ngựa; động vật, xe cộ và các đồ vật bị bắt giữ trên đường phố,...
Rạp hát, rạp chiếu bóng, sòng bạc,... mỗi ngày phải trả:
3$ (trước giờ quy định đóng cửa)  người châu Âu
16$ (sau giờ quy định đóng cửa)
2$ (trước giờ quy định đóng cửa)  người châu Á
5$ (sau giờ quy định đóng cửa)
Rạp hát, rạp chiếu bóng lưu động, xiếc, đấu võ đài, gian hàng
hội chợ mỗi ngày phải trả 3$
Lễ lạt tổ chức trong chùa hay các cơ sở khác:
không đốt pháo nổ và pháo bông 1$ (mỗi ngày)
có đốt pháo nổ và pháo bông  3$ (mỗi ngày)
Đốt pháo từ 6 giờ đến 20 giờ mỗi ngày 1$
Quá 20 giờ giá gấp đôi
Cấm đốt pháo từ khuya đến 6 giờ sáng
Xe vận tải  5$ hàng quý
Chó của người Âu  2$  mỗi con hằng năm
Chó của người Đông Dương 0$50 mỗi con hằng năm.
Biệt điện mùa hè
Hồ lớn
Dinh Toàn Quyền
Cửa hàng Boy-Landry

TƯ NHÂN
CHO THUÊ
Xe kéo
Xe đạp
Xe bò, ngựa, trâu, lừa
Ngựa
3$
1$50
2$
2$
20$
4$
6$
5$
Tháng 10-1942, một nhà máy thủy điện được khởi công xây dựng ở Ăn Krô-ét (Ankroët) trên sông Đạ Đờng để cung cấp đủ điện cho thành phố.
Tháng 2-1943, nhà thầu Gross (Grốtx) bắt đầu xây dựng đường Pren (Prenn) mới thay thế cho đường Pren cũ.

ĐƯỜNG CŨ
ĐƯỜNG MỚI
Chiều dài
Số đoạn cong
Bán kính tối thiểu

Độ nghiêng tối đa
Bề rộng tối đa
Thời gian xe lên đèo
14km
134
Trên 30 đoạn cong có bán kính dưới 15m

8 - 10%
5.5 - 6m
35 phút
8.6km
79
18 đoạn cong có bán kính 40m, các đoạn cong khác có bán kính 50 - 1.000m
3 - 7%
Tối thiểu 7m
15 phút
Năm 1944, Trường Kiến trúc thuộc Trường Cao đẳng Đông Dương được chuyển từ Hà Nội vào Đà Lạt.
Cuối năm 1944, Sở Địa dư Đông Dương dời từ Gia Định lên Đà Lạt với nhiệm vụ: biên tập, vẽ và in bản đồ phục vụ cho 3 nước Đông Dương.
Dân số không ngừng tăng lên: 4.500 người Việt Nam năm 1935, 20.000 năm 1944; 470 người Pháp năm 1935, 1.130 năm 1944; 315 học sinh Pháp năm 1935, 1.118 năm 1944; số du khách tối đa cũng tăng từ 1.729 (4-1940) lên đến 2.610 (5-1944). [54, 1- 7]; [4, 283 - 288]
8/ Đường lên cao nguyên
ĐƯỜNG BỘ
Mãi đến năm 1933, con đường bộ nối liền Sài Gòn với Đà Lạt qua đèo Blao (Bảo Lộc ngày nay) và con đường sắt răng cưa từ Krong-pha lên Đà Lạt mới hoàn thành vào năm 1932. Trước năm 1920, muốn lên Đà Lạt, du khách đi xe lửa từ Sài Gòn đến Ma Lâm, rồi từ đây đi ô tô lên Djiring (Di Linh ngày nay) và Đà Lạt.
Tháng 10 năm 1914, chiếc ô tô đầu tiên từ Phan Thiết lên Đà Lạt chỉ mất một ngày đường. Đây là một kỷ lục mở đường cho giao thông đường bộ lên Lang Bi-an qua ngả Djiring.
Từ năm 1915, nhiều du khách lái xe từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Hãng ô tô Lang Bi-an S.C.A.L. - chi nhánh của Công quản đường sắt miền Nam - tổ chức những chuyến viếng thăm Đà Lạt. Le Chemineau (Lơ Sơ-mi-nô) có dịp lên Đà Lạt năm 1916 đã ghi lại  chuyến đi:
“Ga Ma Lâm cách Phan Thiết 16,5km nằm ở giao điểm giữa con đường sắt và đường bộ từ Phan Thiết lên Djiring.
Vào 1 giờ trưa, tại Ma Lâm với độ cao 30m cách mặt biển, không có được khí hậu của vùng núi Alpes (An-pơ) nên du khách muốn sớm được khởi hành. Sau khi xem xét xe và nói chuyện với hành khách mang quá nhiều hành lý trên tay, người tài xế cho chiếc xe hiệu Lorraine - Dietrich (Lo-re-nơ - Đi-ơ-trích) rồ máy. Đoạn đường dài 26km giữa Ma Lâm và Nơ Tung (Neutoung) không có gì hấp dẫn. Đây đó, khi xe chạy qua làng, chúng tôi nhìn thấy vài người Chăm. Sau 10km chạy giữa ruộng lúa, xe đến một vùng đầy bụi rậm, thỉnh thoảng một cánh rừng thưa hiện ra, nhưng thường là rừng tre - môi trường thường trực của bệnh sốt rét. Đoạn đường này có thể đi lại dễ dàng trong mùa khô, nhưng vào mùa mưa, rất xấu. Cuối năm 1915, nhiều chiếc xe bị sa lầy. Người ta đang trải đá và công việc này có lẽ sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
... Từ Nơ Tung đến Gia Bắc (Yabak), trên một đoạn đường dài 10km, độ cao chuyển từ 220 lên 800m. Thật là thích thú được rời khỏi cái nóng nung người ở Nơ Tung và ngay từ trăm mét đầu tiên, chúng tôi cảm thấy như đang đi vào một xứ sở khác. Qua khỏi những làng người Kinh, chúng tôi đi vào xứ Thượng. Chúng tôi nhìn thấy dưới thung lũng sâu buôn Lúc Hen (Louk-hel) những mái nhà sàn. Trên sườn đồi, những khoảng rừng trống là vết tích của những rẫy cũ mà nạn đốt rừng thay thế cho bón phân và cày xới. Những túp lều nhỏ dựng trên bốn cây cột cao dành cho người gác rẫy để xua đuổi heo rừng và voi.
Con đường uốn khúc quanh sườn đồi và càng ngày càng lên cao. Chúng tôi gặp vài toán người Thượng đi xuống Phan Thiết đổi muối. Họ dừng lại, chống gậy đỡ cái gùi, nhìn xe chạy ngang qua và cười vang.
Chúng tôi đến Gia Bắc. Trên đỉnh núi chỉ có một trạm dừng chân và căn trại của công chánh, không thấy được buôn Gia Bắc. Muốn nhìn thấy được vẻ đẹp quyến rũ của Gia Bắc, phải lội bùn đi dưới mưa, đẩy chiếc xe bị lầy, ngủ trên ván của lều trại để sáng hôm sau nhìn thấy mặt trời mọc trên biển xa, bầu trời không một áng mây, những tia nắng xuyên qua màn mưa và sương mù toả xuống cánh đồng bao la.
Chúng tôi không có may mắn được nhìn cảnh đẹp này, Djiring chỉ còn cách 45km, chúng tôi phải đến nơi trước khi trời tối.
Sau Gia Bắc, con đường mệt mỏi uốn lượn trên một vùng cao nguyên có nhiều công và có lẽ cả cọp nữa. Thỉnh thoảng, một cơn gió nhẹ từ Phan Rí thổi lên nhắc nhở chúng tôi hiện đang ở trên độ cao 800m so với đồng bằng. Xe lên dốc Xrê Pa (Srépa) vừa nới rộng và sửa chữa xong, rồi tiếp tục lên đèo Ha Lun (Haloun) cao 1.050m. Thông xuất hiện ngày càng nhiều và tại một vài nơi tạo nên cả một vùng xanh thẫm ven đường. Những dòng suối nước trong chảy từ những tảng đá xuống các thân cây tre dùng làm máng nước dành cho người Thượng đi đường.
Buôn Giăng Ca (Yankar) nằm chơ vơ gần đỉnh núi hiện ra sau một khúc quanh và liền sau đó là trạm cất bằng gỗ theo kiểu Thụy Sĩ.
Quả thật chúng tôi dường như đang ở Thụy Sĩ. Những cây thông xích lại gần nhau hơn tạo thành một khu rừng gần như bất tận. Đây đó những chiếc cầu gỗ thô sơ bắc qua thác nước reo vang trên ghềnh đá. Xe xuống vài dốc rồi lại leo lên nhiều dốc. Từ Giăng Ca ở cây số 71 và trên độ cao 820m, chúng tôi đến đèo Đa Trồm (Datroum) ở cây số 80 và trên độ cao 1.230m. Nếu được dừng lại 5 phút, bạn hãy leo lên trạm ven đường và sẽ nhìn thấy phong cảnh tuyệt vời của núi đồi trùng điệp trải dài đến tận núi Lang Bi-an, dưới chân núi là Đà Lạt. Qua khỏi đèo Đa Trồm, xe xuống một con dốc dài 5km và ở độ cao chỉ còn 1.000m. Chiều xuống dần. Cách Djiring 20km, xe chạy nhanh và sau khi qua khỏi ruộng lúa, buôn làng Klông Đi Um (Klondioum), Hăng Ti (Hanti), Klong Trao, chúng tôi nhìn thấy toà công sứ Djiring xinh đẹp nằm trên độ cao 1.000m.
Djiring là thủ phủ của một vùng Thượng đông dân có khí hậu ôn hoà. Rau cải mọc tốt, cả dâu tây, hoa tím, hoa hồng và nhiều loài hoa khác. Vùng này không thể so sánh với Đà Lạt về nghỉ dưỡng nhưng không ít hấp dẫn về nhiều phương diện. Mặc dầu có bệnh sốt rét xuất hiện, đây là một vùng có khí hậu mát lành hơn nhiều thành phố ven biển. Từ lâu, Djiring đã là một trung tâm nông nghiệp quan trọng, rau cải cho năng suất cao, cây cà phê cũng mang lại hiệu quả tốt. Hơn nữa, đồng cỏ cũng góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp. Thắng cảnh và thịt rừng càng làm cho Djiring hấp dẫn hơn.
Một căn nhà gỗ với mái hiên rộng (bungalow) cho phép du khách ngủ qua đêm.
Hãng S.A.C.L. không tổ chức cho chúng tôi thăm thác Bô Bla (Bobla) chỉ cách đó chừng 15 phút, còi ô tô giục giã chúng tôi tiếp tục lên đường.
Đường đi trước đây hướng từ Nam lên Bắc, đến Djiring đường chuyển sang Đông chếch 45o.
Chúng tôi đi ngang qua một cao nguyên có độ dốc thấp dần đến 780m ở Đa Lê  (Dalé) - một nhánh sông Đa Nhim - cách Djiring 20km. Buôn làng rất nhiều và đồng ruộng màu mỡ chứng tỏ đây là một trong những vùng giàu nhất xứ. Dọc theo con đường dài khoảng 20km có các buôn Kamigne, Kao-Bout, Rao-Rli, Caoquouil, Djirlagne, Bsout-bill và Tam Bố (Tambou). Từ Đa Lê đến Đa Nhim, sở thuỷ lâm đã thiết lập một trạm nghiên cứu và tiến hành một số thí nghiệm về trích nhựa thông. Bây giờ xe chạy hết tốc lực xuyên qua rừng thông mang dáng dấp một công viên xinh đẹp. Thình lình vài mương đất đỏ hiện ra, sau khi xe chạy xuống một cái dốc ngắn, chúng tôi gặp sông Đa Nhim ở cây số 130 trên đường Phan Thiết - Đà Lạt.
32km đường từ Djiring đến Đa Nhim rất tốt vào mùa khô; nhưng vài đoạn đường rất xấu vào mùa mưa, cần phải gia cố mặt đường.
Trước đây, người ta phải kết những chiếc xuồng độc mộc rộng 50cm đục từ thân cây tạo thành một chiếc cầu bắc qua sông Đa Nhim. Ngày nay, có một chiếc cầu gỗ do bàn tay khéo léo của người Thượng tạo nên.
Từ độ cao 840m, xe leo dần đến Phi Nôm (Fimnon) ở cây số 150 (độ cao 975m). Thung lũng Đa Nhim có độ chênh 135m trên một đoạn đường dài 20km. Độ chênh này rất cao đối với một dòng sông vì nhiều thác ghềnh, đặc biệt hai thác rất đẹp là Gu Ga (Gou-gah) ở cây số 136 và Liên Khàng.

Cầu Đại Ninh trước và sau năm 1915
Dòng sông Đa Nhim chảy nhanh đã gợi ý nghiên cứu một dự án thủy nông. Tưới nước cho một cánh đồng dài 20km, rộng 6km nằm ở tả ngạn (cây số 140) là một công tác dễ thực hiện nhờ nước sông Đa Nhim phía trên Liên Khàng hay suối Đạ Tam (Datam) có thể cung cấp nước cho từ 500 đến 600ha. Công trình được ước tính 25.000 đồng vào năm 1904 chắc sẽ được thực hiện trong tương lai.
Phi Nôm ở gần hợp lưu của Đạ Tam và Đa Nhim. Từ đây có một nhánh đường đi Xóm Gòn qua Đrăn (Dran). Từ Phi Nôm đến Klong (cây số 150), xe chạy ngang qua vài cánh đồng lúa và buôn làng. Từ Pren (Prenn), xe thực sự leo lên cao nguyên. Pren (cây số 165) nằm ở độ cao 1.125m trong khi Đà Lạt, còn cách xa 10km, ở độ cao 1.475m.
Xe men theo sườn đồi, chúng tôi lúc nhìn về hướng Nam, lúc nhìn về hướng Bắc. Một đoạn đèo hiện ra, chúng tôi tưởng là đoạn đèo cuối cùng, nhưng sau đó xe lại tiếp tục lên dốc.
Mọi người reo lên khi từ trên đỉnh đồi nhìn thấy những căn nhà gỗ nằm rải rác trên cao nguyên. Dưới thung lũng là căn nhà gỗ trước đây nhân viên của các phái đoàn nghiên cứu đã trú ngụ hiện dùng làm khách sạn. Xa xa, toà công sứ nằm chơ vơ trên đỉnh đồi cao nhất, bên cạnh đó và thấp hơn là căn nhà gỗ của viên chưởng lý theo đúng tôn ti trật tự. Bên phải chúng tôi là căn nhà của công chánh và bên trái là toà thị chính.
Trừ hướng Tây Bắc, cao nguyên Lang Bi-an ở độ cao trung bình 1.500m trải dài hàng trăm cây số vuông, dân cư rất thưa thớt chỉ sống ven hai bờ suối Cam Ly. Một làng người Việt được xây dựng sát bờ suối. Dân làng là những người thợ và người đi buôn, phần lớn là nhân viên địa chính cũ của các phái đoàn nghiên cứu.
Người Âu sống trong 8 căn nhà gỗ thông mà tên gọi gợi nhớ đến những tham vọng đầu tiên của những người xây dựng Đà Lạt, thủ phủ mùa hè của Đông Dương: toà thị chính, trường Viễn Đông, sở công chánh, bưu điện, cảnh binh, khách sạn, toà công sứ và chưởng lý. Về mùa đông, trời hơi lạnh và mặc dầu tường có hai lớp ván vẫn không ngăn nỗi tiếng động thỉnh thoảng gây khó chịu.
9 phòng của khách sạn đã có sẵn đồ gỗ dành cho du khách. Trường Viễn Đông, toà thị chính và sở công chánh sẽ được tạm thời dùng làm chi nhánh cho khách sạn. Sau khi hai căn nhà gỗ được xây dựng xong, Đà Lạt sẽ có 26 phòng ngủ vào cuối năm.
Mãi đến năm 1915, Đà Lạt chỉ có 3 người Âu: một viên cảnh binh kiêm luôn cả xây dựng đường sá, một chủ khách sạn không có khách và một viên hành chánh giữ nhiệm vụ thị trưởng của số dân đông đúc này!
... Đrăn nằm gần ở khoảng giữa đoạn đường từ Đà Lạt đến Xóm Gòn. Giữa Đà Lạt và Đrăn có hai ngả đường:
Một con đường đi trên cao nguyên đến Trạm Hành (Arbre Broyé), dài 28km có thể đi bằng xe. Từ Trạm Hành, không còn đường sá nữa, người ta phải đến Đrăn bằng một đường mòn dốc thẳng đứng dành cho người đi bộ và đi ngựa.
Một con đường khác dài hơn 20km từ Phi Nôm, ngược thung lũng sông Đa Nhim đến Đrăn. Con đường này vừa mới xây dựng xong dùng cho ô tô. Việc thiết lập đoạn đường từ Trạm Hành đến Đrăn tốn nhiều thời gian và rất tốn kém nên con đường qua Phi Nôm được sử dụng cho lưu thông trong một thời gian.
Một cánh đồng phì nhiêu trải dài giữa Phi Nôm và Đrăn. Nhiều buôn Thượng như M’Lọn (M’Long) và M’Răn (M’Ran) hiện ra dọc đường đi.
Rời khỏi Đrăn, chúng tôi vượt sông Đa Nhim trên một chiếc cầu gỗ thay thế cho chiếc phà cũ và một chiếc cầu Eiffel (Ép-phen) đã bị nước lũ cuốn trôi. Chúng tôi đi ngang qua làng Phú Thuận (La Mare aux Biches: đầm nai), nghe tiếng thác reo dưới hố sâu và đến đỉnh đèo Ngoạn Mục (Bellevue), chấm dứt tuyến đường bộ.
Trong khi chờ đợi chuẩn bị cho đoàn lữ hành, chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế dài trong một gian nhà thô sơ nhìn xuống cánh đồng Phan Rang và biển cả. Phong cảnh thật là ngoạn mục!
Đoạn đường từ đây đến ga Xóm Gòn sẽ đi kiệu. 40 thanh niên lực lưỡng bắt đầu xếp lên đòn cáng những vật dụng cá nhân: mền thay cho quần áo, túi gạo, gùi mây, nồi niêu, muối, thuốc lá v.v... Tất cả đã sẵn sàng và những người Thượng tiến bước trên con đường mòn. Trước đây, đoạn đường đèo từ Ngoạn Mục đến Đá Bàn đã được xây dựng để tiếp tế hàng hóa cho viên chức của các phái đoàn nghiên cứu. Người ta phải nuôi những con la bằng cỏ khô giá rất đắt nhập từ Pháp sang. Kiệt sức vì khí hậu, những con la chỉ còn đủ sức vận chuyển thực phẩm cho chính mình.
Sau vài lần dừng chân, chúng tôi nhìn thấy những mái nhà tôn của trại Đá Bàn. Từ đây, một con đường nhỏ dành cho xe thô sơ dài 6km dẫn đến Xóm Gòn, ga cuối cùng của tuyến đường sắt. Trong nhà ga khá đầy đủ tiện nghi, chúng tôi chờ đợi chuyến tàu chạy mỗi tuần hai chuyến và đến Phan Rang vào buổi chiều, ngày hôm sau chúng tôi đến Sài Gòn”. [37, 248 - 261]
ĐƯỜNG SẮT
Trong cùng thời gian bắt đầu xây dựng những tuyến đường sắt đầu tiên xuyên Đông Dương từ Sài Gòn đến Nha Trang, từ Đà Nẵng đến Đông Hà và từ Hà Nội đến Vinh, Toàn quyền Paul Doumer (Pôn Đu-me) chỉ thị tiến hành nghiên cứu tuyến đường sắt nối liền vùng đồng bằng ven biển lên cao nguyên Lang Bi-an.
Trong chương trình đường sắt năm 1898 với vốn vay 200 triệu đồng, tuyến đường Lang Bi-an là một trong những tuyến đầu tiên của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương.
Nhưng sau khi Doumer về Pháp, kế hoạch bị ngưng lại. Mãi đến năm 1908 và 1909, đoạn đường sắt dài 38km giữa Tháp Chàm (Tourcham) và Xóm Gòn mới được tiếp tục thi công.
Năm 1915, người ta bắt đầu đặt những thanh sắt và năm 1916, những chuyến xe lửa đầu tiên bắt đầu hoạt động mỗi tuần hai lần.
Năm 1917, đường sắt Tháp Chàm - Xóm Gòn được nối dài đến tận Krong-pha dưới chân dãy Trường Sơn. Từ đây, du khách đi kiệu lên Đà Lạt.
Từ năm 1909, đường bộ được vội vã xây dựng để nối liền Krong-pha với Ngoạn Mục, Đrăn với Phi Nôm. Tại đây, con đường mới gặp con đường cũ rất xấu từ Phan Thiết qua Djiring lên Đà Lạt.
Công trình bị tạm ngưng trong vài năm. Năm 1922, Toàn quyền Long giao cho Công ty Thầu khoán châu Á do kỹ sư Porte (Poọc-tơ) chỉ huy nghiên cứu và xây dựng một con đường sắt với những đoạn có răng cưa nối Krong-pha với Đà Lạt.
Công tác nghiên cứu rất vất vả, đường ngoằn ngoèo với nhiều đoạn cong có bán kính nhỏ, cầu, hầm phức tạp, xây dựng khó trong một vùng đầy sơn lam chướng khí.
Tuy nhiên, tuyến đường sắt cũng được đưa vào khai thác:
Từ Krong-pha đến Ngoạn Mục (10km) năm 1928;
Từ Ngoạn Mục đến Đrăn (5km) năm 1929;
Từ Đrăn đến Trạm Hành (13km) năm 1930;
Từ Trạm Hành đến Đà Lạt (23km) năm 1932.
Trên đoạn đường dài 84km, đường sắt Lang Bi-an chạy ngang qua nhiều vùng khác nhau:
Từ Tháp Chàm đến Đồng Mé (cây số 14), ruộng lúa, ngô, thuốc lá, bông vải, những cây gòn xinh tươi; những vết tích của một đồn điền rộng lớn trồng dứa gai (agave) bị bỏ hoang;
Từ Đồng Mé đến Tân Mỹ và Krong-pha (cây số 41), đất đai ít màu mỡ do sự tan rã của đá hoa cương, thảo mộc thường bị cháy hằng năm, dấu vết rừng già giữa những khu rừng thưa rộng lớn. Rồi con đường sắt men theo sườn phía Tây đi từ Krong-pha lên Ngoạn Mục (cây số 51), trước mặt là đường bộ trên sườn núi phía Đông. Đường sắt răng cưa dài 18km leo từ độ cao 180m lên 1.000m với độ nghiêng 12%, đi ngang qua một khu rừng rậm, trước tiên là rừng nhiệt đới, kế tiếp là rừng thông và tùng.
Từ Ngoạn Mục đến Đrăn (cây số 56), con đường đi ngang qua Lâm Tuyền, vùng trồng rau, và vượt sông Đa Nhim, phụ lưu của sông Đồng Nai. Trong tương lai, 10.000 lít nước sông Đa Nhim vào mùa nước cạn sẽ chạy vào trong những ống nước và chảy từ độ cao 800m xuống đồng bằng Krong-pha mang lại hai hiệu quả: cung cấp 80.000 mã lực và nước tưới từ 10.000 đến 20.000ha đất mới ở vùng đồng bằng duyên hải.
Từ Đrăn, xe lửa chạy trên đường răng cưa đến Trạm Hành (cây số 61), sau đó đến Trạm Bò (Bosquet) (cây số 72) trên con đường nối liền các đỉnh núi ngang qua sở trà Cầu Đất (Entrerays: giữa rẫy), gặp cao nguyên Lang Bi-an nhỏ và đến Đà Lạt (cây số 84).

Đường sắt răng cưa Krong-pha - Đà Lạt
Tuyến đường này có tổng cộng 16km đường răng cưa và 68km đường sắt thông thường; nhiều hầm (hầm giữa Cầu Đất và Trạm Hành dài 650m), nhiều cầu và tường, tốn kém khoảng 8 triệu đồng.
Rất tiếc, việc khai thác tuyến đường này quá khó khăn và vận chuyển kém. Chạy trên đường răng cưa với độ nghiêng 12%, một đầu máy xe lửa không kéo được quá 65 tấn khi lên dốc và 55 tấn khi xuống dốc.
Lúc đầu, xe lửa chở một số rất ít hành khách hạng sang lên Đà Lạt nghỉ dưỡng. Mười năm sau, tính chất hành khách thay đổi hẳn, phần lớn là người lao động Việt Nam sinh sống hai bên đường: trồng trọt trên những vườn rau ở Lâm Tuyền và Đrăn, vườn cam, canh-ki-na trồng thử nghiệm của Viện Pasteur (Pa-xtơ) ở Đrăn và cao nguyên Lang Bi-an nhỏ; vườn hoa ở Trạm Hành, Cầu Đất, Trạm Bò; sở trà của Công ty trồng trọt nhiệt đới ở Cầu Đất.
Trong khi số hành khách của ba hạng đầu chỉ là 1.850 trong năm 1936, 2.415 trong năm 1937; số hành khách của hạng tư tăng từ 49.000 trong năm 1936 lên đến 77.000 trong năm 1937.
Hoạt động xây dựng ở Đà Lạt đòi hỏi phải vận chuyển 8.800 tấn vật tư trong năm 1936, 12.700 tấn trong năm 1937. Xe lửa chở gạch từ Tháp Chàm và Đrăn, thiếc, xi măng, ống nước và máy móc từ Sài Gòn... Đà Lạt còn tiếp nhận từ vùng đồng bằng gạo, gia súc, đồ gỗ v.v...
Ngược lại, xe lửa chở xuống Sài Gòn gỗ, chè Cầu Đất (110 tấn trong năm 1936, 160 tấn trong năm 1937), cà phê Phi Nôm (20 tấn trong năm 1936, 50 tấn trong năm 1937) và nhất là rau và hoa.
Chính vùng Lang Bi-an, và nhất là thung lũng sông Đa Nhim, phải trở thành một trung tâm lớn trồng rau cải cung cấp rau cho phía Nam Đông Dương, trước hết là Sài Gòn và Chợ Lớn, sau đó là các thành phố khác, đến tận Mỹ Tho, Phnôm Penh, Qui Nhơn và Huế. Tàu biển lớn sẽ chở từ Sài Gòn xà lách, bắp cải, đậu xanh, cà rốt, hành của thung lũng Đa Nhim; dâu tây và trái cây châu Âu thích hợp với khí hậu Đà Lạt (đào, pom,...).
Kết quả thu được còn rất khiêm tốn và Lang Bi-an chỉ cung cấp cho Sài Gòn và Chợ Lớn 1/30 số lượng rau cải cần dùng. Tuy nhiên, những tiến bộ đạt được rất đáng khích lệ.Những cánh đồng trong thung lũng sông Đa Nhim, giữa Ngoạn Mục và Đrăn, giữa La Pá và Phi Nôm khá phì nhiêu, dễ tưới nước và gia súc sẽ cung cấp phân chuồng cần thiết. Không có vùng nào ở phía Nam Đông Dương có thể cạnh tranh nổi với Lang Bi-an.
Đồ thị sau đây chỉ rõ, trong 5 năm, Lang Bi-an sản xuất rau cải hằng năm tăng từ 300 tấn lên 1.200 tấn. Hầu hết số lượng này (chính xác hơn là 96 - 97%) được sản xuất từ Ngoạn Mục, Đrăn và chuyên chở đến Sài Gòn.
Từ năm 1936 đến năm 1937, số lượng hoa sản xuất tăng từ 70 đến 90 tấn, hầu hết được trồng ở Ngoạn Mục, Trạm Hành, Cầu Đất, Đà Lạt và chuyển về Sài Gòn.
Đường sắt Lang Bi-an vận chuyển rau hoa với giá rất hợp lý (20 đồng/tấn, 2 xu/kg). Mức thu của các nhà ga tăng 50% từ năm 1936 đến năm 1937 (90.000 đồng trong năm 1936 và 133.000 đồng trong năm 1937). [38, 8-9]
GIỜ XE LỬA CHẠY TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG SẮT
ĐÀ LẠT - THÁP CHÀM NĂM 1937
CHUYẾN
TÀU
1731
1732
CHUYẾN
TÀU
F.173
2.733
Hỗn hợp
Cây số

Hỗn hợp
2.736
F.714
Hành khách
Hỗn hợp



Ga

Hỗn hợp
Hành khách
hạng 1, 2, 4

1, 2, 4
hạng 3, 4


hạng 3, 4
hạng 1, 2, 4
hạng 1, 2, 4
4h19
-
9h30
0
Tháp Chàm
14h58
-
23h47
5.16
5h22
11.12
41
Krong-pha
13.34
22h42
22.49
-
6.28
12.20
51
Ngoạn Mục
12.21
21.41
-
-
7.40
13.37
66
Cầu Đất
11.13
20.34
-
-
8.33
14.30
84
Đà Lạt
10.15
19.36
-
GIÁ VÉ XE LỬA TỪ ĐÀ LẠT
ĐẾN CÁC THÀNH PHỐ KHÁC NĂM 1937

THÀNH PHỐ
HẠNG
THÀNH PHỐ
HẠNG

1
1
3
4
1
2
3
4
Hà Nội
  97đ00
  62đ00
  22đ88
   7đ91
Quy Nhơn
  31đ14
  20đ76
    2đ91
   2đ38
Vinh
  77.04
  51.36
  18.41
   6.29
Nha Trang
  17.40
  11.60
    3.48
    1.20
Huế
  55.02
  36.68
  12.89
   4.18
Sài Gòn
  18.00
  12.00
    6.24
    2.00
Đà Nẵng
  48.84
  32.56
  11.34
   3.56


đ: đồng Đông Dương
9/ Tên đường phố Đà Lạt
STT
TÊN CŨ 
(trước năm 1953)
TÊN MỚI (thay đổi về sau)
1
Abattoir (Lò sát sinh)
Lê Quý Đôn
2
Adran
Bá Đa Lộc, Hà Huy Tập (1)
3
Albert Sarraut
Thống Nhất, Yersin (5)
4
Ankroet
Ankroet
5
Annam
Hàm Nghi, 
Nguyễn Văn Trỗi (1)
6
Auger
Ya Gut
7
Babey
Nguyễn Du
8
Basse du Camly (Cam Ly Hạ)
Phạm Ngũ Lão
9
Bellevue 
(Ngoạn Mục) (cư xá)
Lam Sơn
10
Bourgery
Lý Thái Tổ, Gia Long,
Trần Quang Diệu (1)
11
Calmette
Calmette + Thi Sách + Ngô Quyền; Calmette   
Phạm Ngọc Thạch (1)
12
Canivey
Lê Lai
13
Carrières 
(hầm đá) (2)
Đào Duy Từ
14
Cassaigne
Mai Hắc Đế
15
Cầu Quẹo
Phan Đình Phùng
16
Champoudry
Phạm Phú Thứ, 
Lê Hồng Phong (1)
18
Clémenceau (ngã tư)
Ba Đình
19
Cunhac
Bà Triệu
20
Dankir
Đinh Tiên Hoàng + Nguyễn Công Trứ + Tôn Thất Thuyết +Nguyễn Hoàng (4) + Dankir
21
Darles
Triệu Việt Vương
22
De Gaulle 
(quảng trường)
Diên Hồng
23
De Lattre de Tassigny
Trình Minh Thế, 
Khởi nghĩa Bắc Sơn (1)
24
Đồng Khánh
Thành Thái, 
Nguyễn Chí Thanh (1)
25
Fernand Millet
Dã Tượng
26
Foch (Maréchal)
Duy Tân, 3 tháng 2 (1)
27
France
Pháp Quốc, Cộng Hòa, 
Lý Tự Trọng (1)
28
Gare (nhà ga)
Nguyễn Trãi
29
Gia Long
Lê Đại Hành
30
Glaieuls
Hoa Glaieul (lay-ơn), Ngô Đình Huân, Phạm Phú Quốc, Nguyễn Viết Xuân (1)
31
Graffeuil
Lê Thái Tổ, Hùng Vương (1)
32
Hà Văn Ký
Ký Con
33
Helgouach
Đoàn Thị Điểm
34
Henri Maitre
Yết Kiêu
35
Hôpital (bệnh viện)
Hải Thượng
36
Jardins (vườn rau)
La Sơn Phu tử
37
Jean O'Neil
Hùng Vương, 
Hoàng Văn Thụ (1)
38
Khải Định
Cường Để, 
Nguyễn Văn Cừ (1)
39
Lacaze
Nguyễn Thái Học
40
Lamartine
Bà Huyện Thanh Quan
41
Leclerc
Trần Quốc Toản
42
Léon Garnier
Phạm Hồng Thái
43
Lò Gạch
Hoàng Diệu
44
Long
Tự Đức, Hồ Tùng Mậu (1)
45
Long Mỹ (Quận công)
Thủ khoa Huân
46
Louat de Boart
Cô Giang + Phó Đức Chính
47
Marché (chợ) 
(quảng trường)
Khu Hòa Bình
48
Milice (cảnh binh)
Phan Thanh Giản, 
Nguyễn Thị Hồng Gấm (1)
49
Minh Mạng
Trương Công Định (1)
50
Missions (đoàn truyền giáo)
Nhà Chung
51
Mossard
Hàn Thuyên
52
Nhà Làng (dốc)
Nguyễn Biểu
53
Pages
Tô Hiến Thành
54
Pasteur
Hai Bà Trưng
55
Paul Doumer
Trần Hưng Đạo
56
Pétrus Ký
Trương Vĩnh Ký, 
Nam Kỳ Khởi nghĩa (1)
57
Pics (đỉnh núi) 
(cư xá) (3)
Bảo Long, Vạn Kiếp
58
Pierre Pasquier
Nguyễn Trường Tộ, 
Hồ Tùng Mậu (1)
59
Prenn
Nguyễn Tri Phương (6) + Đặng Thái Thân + Trần Nhân   Tôn
60
Prenn cũ
Tiền quân Thành, 
Khe Sanh (1)
61
René Robin
Quang Trung + 
Phan Chu Trinh
62
Robelin
Lê Thánh Tôn
63
Robinson
Huyền Trân Công chúa
64
Roses
Hoa Hồng, Ngô Đình Khôi, Huỳnh Thúc Kháng
65
Roume
Pasteur, Lê Hồng Phong (1)
66
Saigonnais
Tả quân Duyệt, Yên Thế (1)
68
Saint Nicolas 
(quảng trường)
Cộng Hòa
69
Schertzur
Trạng Trình
70
Surna
Trần Khánh Dư
71
Thouard
Võ Tánh, Bùi Thị Xuân (1)
72
Trại Hầm (dốc)
Hoàng Hoa Thám
73
Van Vollenhoven
Phan Bội Châu
74
Yersin
Trần Phú (1)
(1) đổi tên từ năm 1975.
(2) còn gọi là Dốc Nhà Bò.
(3) còn gọi là Decoux.
(4) Từ năm 1975, đường Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Hoàng đổi thành Xô viết Nghệ Tĩnh.
(5) đổi tên từ năm 1993.
(6) Từ năm 1975, đường Nguyễn Tri Phương đổi thành đường 3 tháng 4.
10/ Đà Lạt - Nơi nghỉ dưỡng
Với núi đồi xanh tươi gợi nhớ đến những dãy núi Alpes (An-pơ) và Vosges (Vốtx-giơ) ở châu Âu, không khí trong lành, khí hậu mát mẻ, cách bờ biển 80km theo đường chim bay, Đà Lạt đáp ứng được tất cả những yêu cầu của một nơi nghỉ dưỡng (sanatorium) trong vùng nhiệt đới dành cho những ai muốn tắm mình trong sự yên tĩnh, tìm  thấy sự cân bằng và niềm vui trong cuộc sống.
Đà Lạt còn rất thích hợp với trẻ em. Các bà mẹ rất vui lòng nhìn thấy thể lực con em mình phát triển nhanh và cường tráng, gương mặt hồng hào, mạnh khỏe.
Độ cao: Độ cao thích hợp là điều kiện tiên quyết để có được nhiệt độ trung bình, áp suất không khí dễ chịu và tránh được muỗi truyền bệnh sốt rét. Ở vùng vĩ độ thấp, chỉ những nơi có độ cao trên 1.400m mới có thể hội đủ những điều kiện này; dưới 1.400m bệnh sốt rét hoành hành còn dữ dội hơn ở vùng đồng bằng. Những nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng như Simla, Darjeeling (Ấn Độ), Baguio (Phi-líp-pin) đều ở độ cao 1.800 đến 2.200m.
 Đà Lạt rất may mắn nằm ở độ cao trung bình 1.500m, bốn mùa đều mát mẻ, nhiệt độ không bao giờ xuống quá thấp. Theo những số liệu khí tượng thu được từ năm 1898 đến năm 1911, điều kiện khí hậu ở Lang Bi-an rất giống vùng Địa Trung Hải, ngoại trừ lượng mưa nhiều hơn.
Nơi nghỉ dưỡng
Vĩ độ (0)
Độ cao
(m)
NHIỆT ĐỘ (0C)
Lượng mưa trung bình hằng năm
(mm)
Số ngày mưa
trung bình hằng năm
(ngày)
Độ ẩm
trung bình hằng năm
(%)
Tối cao
Tối thấp
 Trung bình hằng năm
Lang Bi-an
Đà Lạt
13
1.500
32
-2
18,3
1.692
143
69,8
Hi-ma-la-ya
Darjeeling
27
2.006
29
-3,3
12,2
3.055
149
82
Simla
31
2.148
34,6
-6,4
12,8
1.780
99
62
Xri Lan-ca
Newara Eliya
6,3
1.807
26,1
-4,5
15
2.512
195
83
Phi-líp-pin
Baguio
15
1.650
28,8
9
18
2.100
170
80
Bờ biển miền Trung
Nha Trang
13,7
0
37,6
16,4
26,7
666
72
70,9

Nhiệt độ: Đà Lạt có hai mùa rõ rệt:
Vào mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 5, nhiệt độ trung bình 18oC, bầu trời trong xanh gợi nhớ đến vùng Côte d’ Azur (Cô-tơ Đa-duya). Về đêm, trời lạnh khô, nhiệt độ khoảng 5oC.
Trong mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11, nhiệt độ trung bình 20oC, trời thường mưa về chiều, nhưng phần lớn buổi sáng trời đẹp và tươi mát.
Nếu so sánh nhiệt độ trung bình hằng năm với nhiệt độ trung bình mùa hè và mùa đông, chúng ta nhận thấy nhiệt độ ở đây rất đều. Điều này rất thích hợp cho người bệnh. Tuy nhiên, trong mùa khô, có một khoảng cách rất lớn giữa nhiệt độ tối cao ban ngày và nhiệt độ tối thấp ban đêm. Từ tháng 1 đến tháng 3, thỉnh thoảng trong một ngày, nhiệt độ tối cao là 30oC và nhiệt độ tối thấp là -2oC. Điều này có thể gây trở ngại cho người bệnh, nhưng không ảnh hưởng lớn đối với người khoẻ mạnh, họ ít cảm nhận sự khác biệt này. Cái lạnh về đêm không đáng sợ vì trời lạnh khô, rất dễ chịu.  
Áp suất không khí: Áp suất không khí luôn luôn thấp hơn bình thường, trung bình chỉ 644 mm, tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái. Không khí khô, chứa nhiều khí oxy và ít hơi nước, làm cho hô hấp dễ dàng, hồng huyết cầu tái sinh nhanh, người ta cảm thấy ăn uống ngon hơn và hoạt động trí óc không mệt mỏi.
Độ ẩm: Độ ẩm bao giờ cũng thấp hơn ở đồng bằng, cả vào mùa mưa, thay đổi 66-80%; trong khi vào mùa khô, độ ẩm dao động 50-60%. Buổi sáng khô hơn buổi chiều, nhưng trên cao nguyên rừng thông mọc thưa và gió thổi đều nên hơi nước thoát nhanh.
Chế độ gió: Những luồng không khí tương đối mạnh chuyển động thường xuyên trên cao nguyên Lang Bi-an. Theo chế độ gió mùa; gió thổi từ Tây và Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 10, từ Đông và Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 5 với tốc độ mạnh. Trong những tháng giao mùa, gió chuyển hướng liên tục trong một ngày. Không khí lúc nào cũng tươi mát và đặc biệt là ngào ngạt hương thông. Bão không bao giờ dữ dội như ở vùng ven biển. Nhiều căn nhà gỗ vẫn tồn tại trên 20 năm.
Chế độ mưa: Số ngày mưa nhiều hơn ở đồng bằng nhưng lượng mưa thấp hơn. Tùy theo năm, số ngày mưa từ 100 tới 185 ngày cho một lượng mưa trung bình 1.692mm. Nói một cách tổng quát, mưa bắt đầu từ cuối tháng 3 nhưng ngắn và rải rác, tăng lên vào tháng 5, giảm trong tháng 6, 7, rồi lại tăng cao vào tháng 9 và 10, cuối cùng chấm dứt vào cuối tháng 11.
Mùa mưa trên Lang Bi-an không trùng hợp với vùng ven biển. Từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 1, trong khi vùng ven biển miền Trung chịu những trận mưa bão dữ dội làm cho nước sông dâng tràn và cắt đứt nhiều đoạn đường giao thông thì Lang Bi-an vẫn bình yên.
Sương mù không kéo dài và tan khi mặt trời lên cao.
Tóm lại, về phương diện khí hậu, Lang Bi-an là nơi nghỉ dưỡng thích hợp hơn các nơi khác ở Đông Dương và là địa điểm lý tưởng nếu so sánh với những nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất ở Viễn Đông, hơn hẳn Nha Trang - nơi nghỉ mát tốt nhất trên bờ biển Đông.
ĐIỀU KIỆN SINH HOẠT
Điều kiện sinh hoạt ở Lang Bi-an đối với du khách cũng thuận tiện như khí hậu:
Nước uống: Nước chảy dễ dàng trên vùng đất sét. Dưới chân đồi là những dòng suối nhỏ đổ vào suối Cam Ly. Ở vùng ven Đà Lạt có rất nhiều nguồn nước trong sạch. Sử dụng những nguồn nước này và một phần suối Cam Ly (có lưu lượng 100 lít/giây) đủ cung cấp nhu cầu nước cho một thành phố lớn. Ở phía Tây Bắc Đà Lạt, nguồn nước khoáng có thể giúp người bệnh chóng bình phục.
Bệnh sốt rét: Nhiệt độ trung bình về đêm dưới 10oC là một bảo đảm tất nhiên cho muỗi không độc. Nhưng những người đã bị mắc bệnh sốt rét nặng từ đồng bằng lên cần phải hết sức thận trọng.
Tính chất đất: Đất trên cao nguyên do sự tan rã của đá huyền vũ (bazan) và đá hoa cương (granit) là một loại đất sét màu đỏ. Dưới thung lũng là vùng đầm lầy cần phải thoát nước.
Độ phì nhiêu của đất thấp và không đồng đều do nước mưa liên tục cuốn trôi đi lớp đất mùn. Tuy nhiên, Đà Lạt đủ khả năng tự cung cấp sữa và rau tươi như ở châu Âu. Nhờ khí hậu mát mẻ, những vườn rau phát triển tốt. Tại đây quanh năm có các loại rau trồng có nguồn gốc từ nước Pháp và cả dâu tây trong vài tháng. Cây ăn trái cũng rất phong phú. Đà Lạt là một cánh đồng hoa: hoa cẩm chướng và hoa hồng, hoa tím và hoa mi-mô-da... Những cánh đồng cỏ khai thác hợp lý đủ phục vụ cho chăn nuôi gia súc để chế biến sữa, kem, bơ và phó mát tươi. [61, 12; 23, 14 - 22]
11/ Đà Lạt - Thành phố du lịch
Mỗi thành phố đều có đặc điểm riêng: phong cảnh, khí hậu, ước mơ của những người xây dựng. Với rừng thông trùng điệp, thác nước, hồ, suối, khung cảnh yên tĩnh, Đà Lạt không những là một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn là một trung tâm du lịch nổi tiếng.
Vào những năm 1930, ở Đà Lạt, có thể dễ dàng thuê ô tô và ngựa, nhưng nhờ khí hậu mát mẻ, đi bộ là một thú vui lớn. Du khách dạo chơi trên những con đường mòn dưới rừng thông hay đi xa hơn ra ngoài vùng ven thành phố. Những ai thích leo núi, ngoài 5 đỉnh núi Lang Bi-an, có thể tự  vạch những lối đi băng rừng lên đến đỉnh non cao. Những người quan tâm đến kinh tế địa phương có thể viếng thăm các đồn điền chè và cà phê ở Cầu Đất, Djiring và trạm thử nghiệm cây canh-ki-na ở Đrăn. Sinh hoạt của người Thượng còn mang tính chất nguyên sơ và thuần phác cũng rất hấp dẫn.
Du khách đi bộ, lái xe hay cưỡi ngựa trên 3 tuyến đường vòng dài 3, 7 và 11km đi đến thác Cam Ly và ngang qua những khu rừng tuyệt đẹp khiến người ta liên tưởng đến rừng Fontainebleau (Phông-te-nơ-blô). Trên đường vòng 99 ngoạn cảnh  (đường vòng săn bắn hay đường vòng Lâm Viên) dài 20km, du khách gặp nhiều đàn nai quen thuộc với ô tô.

Đèo ngoạn mục
Du lịch bằng xe hơi theo tuyến đường Đà Lạt - Phi Nôm - Đrăn - Đà Lạt mất khoảng 2 giờ 45 phút. Trước hết, xe xuống đèo đến Phi Nôm, quẹo trái ngang qua đồn điền cà phê và đi dọc theo thung lũng phì nhiêu của sông Đa Nhim. Từ Đrăn, xe lên đèo đến Trạm Hành. Trên chặng đường này, du khách nhìn thấy đường sắt răng cưa chạy trên triền dốc.
Tuyến đường Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang là một trong những tuyến đường miền núi đẹp nhất ở Đông Dương. Trên chặng đường từ Ngoạn Mục ngang qua Trạm Hành (42km), xe đi mất hơn 1 giờ. Trên đèo Ngoạn Mục dài 20km, du khách say mê ngắm cảnh Trường Sơn từ hoành sơn cuối cùng của cao nguyên Lang Bi-an chạy đến tận Biển Đông. Đặc biệt, cách Ngoạn Mục 1km, một vọng lâu được xây cất giúp cho du khách ngắm phong cảnh tuyệt đẹp trải dài dưới tầm mắt.
Tuyến đường Đà Lạt - Buôn Ma Thuột có thể đi bằng xe trong mùa khô. Từ Đà Lạt, xe đi trên đường xuống Djiring, quẹo phải ở cây số 31 (thác Liên Khàng), đi tiếp con đường dẫn đến Buôn Ma Thuột. Sau khi đi được 148km, xe dừng bên hồ Lắc (Taklak) trong xanh. Sau một chặng đường dài 45km đi qua giữa vùng săn bắn, xe đến Buôn Ma Thuột, trung tâm của xứ Ê-đê.
Leo lên đỉnh đầu tiên trong 5 đỉnh núi Lang Bi-an tương đối dễ dàng. Du khách đi ô tô đến điểm đầu tiên (10,5km trên đường Đà Lạt - Đăng Kia). Từ sáng sớm, du khách dùng ngựa hay kiệu đi trong khoảng 1 giờ rưỡi đến một ki-ốt. Đoạn đường còn lại tuy ngắn nhưng rất dốc, phải đi bộ khoảng 45 phút. Đỉnh núi đầu tiên không phải là đỉnh cao nhất. Tuy nhiên, từ đây du khách có thể nhìn thấy phong cảnh tuyệt đẹp của vùng Đăng Kia và những hoành sơn đầu tiên của Đắc Lắc.
Tiếp tục đi trên con đường nối liền các đỉnh núi, du khách đi trong nửa giờ thì đến đỉnh núi thứ 2, rồi đỉnh núi thứ 3. Đây là một đỉnh núi cao 2.200m. Một đại dương sóng màu xanh lá cây nhấp nhô đến tận những khu rừng ở hướng Nam và Tây. Sườn đồi phía Bắc dốc đứng và rừng rậm hơn phía cao nguyên Lang Bi-an. Đây là giang sơn của những đàn nai, bò rừng, voi, heo rừng, cọp, và có thể cả tê giác. Các loài hoa phong lan và thực vật đặc biệt thu hút sự chú ý của những nhà sưu tầm.
Cuối cùng, sừng sững đỉnh núi thứ 4 và thứ 5 cao nhất trong dãy núi, phủ một lớp cây màu xanh thẫm. Từ bao đời nay, đây là những đỉnh núi thiêng của người Lạch. Họ không dám chặt phá cây cối. Không có lối đi, du khách phải dùng rìu và rựa tự mở lối đi. Leo núi trong 2 giờ đồng hồ thật vất vả nhưng bữa ăn trưa trên đỉnh núi cao, hít thở không khí trong lành và mát rượi khiến du khách quên đi nỗi gian truân vừa qua.
Mặt bằng của đỉnh núi không rộng (khoảng 15 x 30m), trúc và cây to che khuất tầm nhìn xa. Dưới chân, rừng rậm trải ra mọi phía. Vạn vật đều chìm trong sương mờ: vài cánh chim hiếm hoi, thực vật miền đất lạnh, hoa đỗ quyên... Trước khoảng không bao la, du khách cảm thấy cô đơn lạ lùng!
Leo núi Lang Bi-an tốt nhất nên thực hiện vào mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 3. Vào thời điểm khác, đỉnh núi thường phủ đầy mây mù.
Ở Đăng Kia (cách Đà Lạt 15km) có một nông trại nuôi bò và cừu cung cấp sữa, bơ và phó-mát cho các khách sạn và dân cư ở Đà Lạt.
Nông trại Đăng Kia
Giữa Đà Lạt và Đăng Kia, du khách gặp buôn Bờ Nơ (Beneur) của người Lạch nằm ở lưng chừng đồi. Những cây nêu cắm xung quanh nhà lợp tranh. Nghĩa trang với cây cối um tùm che kín đỉnh đồi bên cạnh.
Đối với du khách thích mạo hiểm, không chịu lùi bước trước khó khăn, Đắc Lắc rất hấp dẫn. Từ Đăng Kia, du khách đi vòng hoành sơn cuối cùng của dãy Lang Bi-an vào vùng Đắc Lắc. Một con đường rừng hẻo lánh đi ngang qua nhiều thác nước và vùng đất của các bộ tộc người Bí, Chin và Lạch. Sau ba ngày đường vượt qua nhiều nhánh sông rộng của sông Xrê Pốc, du khách đến Mébach, ven hồ Lắc. Hồ rất rộng, dài 3km, rộng 2km, nằm giữa vùng núi non hiểm trở rất ngoạn  mục. Xa xa, về hướng Tây, là Buôn Ma Thuột. Đắc Lắc cũng có nhiều thú rừng như Lang Bi-an nhưng đường đi khó hơn.
Đà Lạt và vùng ven có rất nhiều thác nước:
Thác Liên Khàng
Thác Ăn Crô - ét
Thác Bô Bla
Thác Pông gua
Thác Cam Ly chỉ cách bưu điện 2km là một thác nước rất đẹp có những con đường mòn và ki-ốt dưới rừng thông.
Thác Ăn Krô-ét (Ankroët) thứ nhất cách Đăng Kia 4km trên dòng sông Đạ Đờng là thác nước cao 18m nằm trong một vực sâu hoang vắng giữa rừng thông. Một ki-ốt được cất lên ở tả ngạn dòng sông, phía trên thác. Quanh thác, du khách nhìn thấy nhiều loài hoa phong lan. Người ta đã lập dự án sử dụng năng lượng của thác nước để thắp sáng trung tâm thành phố Đà Lạt và vận chuyển bằng đường sắt từ Krong-pha lên Đà Lạt.
Thác Ăn Krô-ét thứ hai cách Đăng Kia 6km. Ở hạ lưu sông Đạ Đờng còn nhiều thác nước khác nhưng ít ai đến tham quan vì đường sá khó khăn.
Thác Pren (Prenn) cách Đà Lạt 13km nằm ngay bên cạnh đường 20. Cũng có thể đi bộ mất 1 giờ rưỡi để đến thác Pren sau khi đi ngang qua nông trại Savoie (Xa-voa) của Grillet (Gri-dê).
Ven đường đến Djiring có thác Liên Khàng (cách Đà Lạt 31km) và thác Gu Ga (Gougah) đẹp hơn (cách Đà Lạt 38km).
Tiếp tục lên đường về hướng Djiring, cách Đà Lạt 46km, một con đường mòn dài 6km ô tô lưu thông được dẫn đến thác Pông Gua (Pongour). Đây là thác nước cao 30m hùng vĩ nhất trong vùng. Vào mùa mưa, tiếng nước va vào những tảng đá vang xa hơn 3km. Dòng nước chảy vào một hồ êm đềm dưới chân thác.
Ở phía Tây thác Pông Gua có thác Pôi (Poy), đường rất khó đi.
Thác K’Dòn (Queyon) còn hoang vu hơn, cao 45m. Đường đến thác cách đường Đà Lạt - Sài Gòn 12km ở cây số 58, nếu đi bộ phải mất 2 giờ đường rừng.
Thác Bô Bla (Bobla) cao 45m nằm trên dòng suối Đa Rê-am, cách Djiring 7km trên đường Đà Lạt - Djiring - Blao. Có những con đường mòn dẫn đến chân thác.
Trên đường 11 đi Phan Rang, nếu dừng lại ở cây số 14, du khách tìm thấy một con đường rừng dẫn đến thác Đạ Xa (Da Sarr).
Những người yêu thích thể thao tìm thấy ở Đà Lạt một môi trường thích hợp. Một trong những trung tâm thể thao hấp dẫn là Hồ Lớn. Tại đây, những ai yêu thích chèo thuyền và bơi lội rất thích thú trải qua những giây phút khó quên. Nhà thuỷ tạ với bục nhào đặc biệt được xây dựng cho những tay bơi. Mùa bơi lội lý tưởng nhất kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Trong thời gian này, nhiệt độ trong nước dao động giữa 20oC và 23oC. Dưới bầu trời Đà Lạt, tắm nắng rất tốt cho sức khoẻ và màu da. Những chiếc thuyền hai mái chèo tha hồ trôi trên mặt nước hồ dài 2km và rộng 300m.
Một địa điểm khác cũng hấp dẫn không kém là sân cù 9 lỗ với lối đi rất đa dạng. Trên sân cù có một câu lạc bộ đầy đủ tiện nghi. Những người chơi cù tranh cúp vào dịp Tết dương lịch và lễ Phục Sinh.
Đà Lạt còn có nhiều sân quần vợt. Những nhà thể thao thường lui tới nơi này trong mùa khô, tranh cúp hằng năm tổ chức vào dịp lễ Phục Sinh và tranh giải trong những dịp khác.
Từ tháng 9 đến tháng 12 là thời gian tranh giải bóng đá.
Những người thích cưỡi ngựa có thể thuê ngựa theo giờ. Loại ngựa địa phương tuy nhỏ con nhưng chạy rất dai sức, thích nghi với địa hình miền núi.
Thủy tạ
Đồi cù
Câu lạc bộ thể thao
Đà Lạt có 3 khách sạn lớn:
- Langbian Palace là một khách sạn lớn sang trọng, trang bị hiện đại, có 30 phòng;
- Hôtel du Parc;
- Khách sạn Desanti (Đơ-dăn-ti) gồm nhiều ngôi nhà nhỏ rải rác ven bờ hồ mà ngôi nhà lớn nhất mang tên Hôtel du Lac.
Ngoài ra, Đà Lạt còn có nhiều biệt thự, nhà nghỉ gia đình (pension de famille), 3 cư xá và 6 khách sạn khác (Bảng trang 167):
Khách sạn giảm giá cho những gia đình đông người và du khách ở lại Đà Lạt trong thời gian dài. Những biệt thự và ngôi nhà gỗ giữa vườn hoa nhỏ xinh xắn được cho thuê với giá phải chăng: từ 60 đến 200 đồng mỗi tháng. Giá thuê phòng tại Khách sạn Hồ là 5 đồng mỗi ngày, không kể rượu nho. Thời gian tối thiểu mỗi chuyến nghỉ dưỡng và du lịch ở Đà Lạt  là 20 ngày. Tiền xe và lưu trú mất khoảng 130 đồng cho 1 người và 240 đồng cho mỗi gia đình không con.

STT
TÊN CƯ XÁ
VÀ KHÁCH SẠN
VỊ TRÍ CŨ
VỊ TRÍ HIỆN NAY
1
Cité Bellevue 
(cư xá Ngoạn Mục)
Đường Canivey
Đường Lê Lai
2
Cité Decoux hay Cité des Pics (Đỉnh núi)
Gần hồ Đa Thành
Đường Vạn Kiếp
3
Cité Saint Benoit
Đường Chi Lăng
4
Hôtellerie provencale
Place du Marché 
(Quảng trường Chợ)
Khu Hòa Bình
5
Annam
Đường Helgouach
Đường 
Đoàn Thị Điểm
6
Saigon
Đường Minh Mạng
Đường 
 Trương Công Định
7
Bon Air
               -"-
                 -"-
8
Royal
               -"-
                 -"-
9
Võ Quang Tiềm
Đường Annam
Đường 
 Nguyễn Văn Trỗ
Về ẩm thực, Đà Lạt có 11 hiệu ăn, đa số tập trung tại Quảng trường Chợ.
STT
HIỆU ĂN
VỊ TRÍ CŨ
VỊ TRÍ HIỆN NAY
1
Au chat botté
Place du Marché (Quảng trường Chợ)
Khu Hòa Bình
2
Chic Shanghai
            -"-
           -"-
3
Dan Sanh
            -"-
           -"-
4
La Dauphinoise
            -"-
           -"-
5
La mascotte
            -"-
           -"-
6
Le cabaret
            -"-
           -"-
7
Le Mékong
            -"-
           -"-
8
Lila Dena
            -"-
           -"-
9
Au sans souci
Đại lộ Pierre Pasquier
Đường 
Hồ Tùng Mậu
10
La rotonde
Saint Benoit
Khu phố Chi Lăng
11
La Savoisienne
đầu đèo Pren
trên đồi Robin
Nhà hàng La rotonde
Thực đơn nhà hàng lanbian Palace ngày 2-11-1926
Đà Lạt về đêm cũng không đến nỗi buồn chán. Tại câu lạc bộ, du khách có thể ghi tên tham dự vui chơi, giải trí. Khách sạn Langbian Palace tổ chức những buổi dạ hội khiêu vũ.
Du khách ham thích khiêu vũ đến các vũ trường:

STT
TÊN VŨ TRƯỜNG
VỊ TRÍ CŨ
VỊ TRÍ HIỆN NAY
1
Au chat botté
Place du Marché
Khu Hòa Bình
2
La lune
           -"-
         -"-
3
La croix du Sud
Maréchal Foch
Đường 3 tháng 2
4
L' ambiance
Duc de Long Mỹ
Đường Thủ khoa Huân
5
Le cabaret
Général Leclerc
Đường 
Trần Quốc Toản
6
Night Club
Rue des Saigonnais
Đường Yên Thế
Đà Lạt  có 4 rạp chiếu bóng: 
STT
TÊN RẠP CHIẾU BÓNG
VỊ TRÍ CŨ
VỊ TRÍ HIỆN NAY
1
Eden
Đường Đồng Khánh
Đường 
 Nguyễn Chí Thanh
2
Langbian
Đường Cầu Quẹo
Đường 
Phan Đình Phùng
3
Annam
Đường Annam
Đường 
 Nguyễn Văn Trỗi
4
Le colibri
Đường Van Vollenhoven
Đường 
Phan Bội Châu
Rạp chiếu bóng Eden hàng tuần chiếu 2 chương trình phim khác nhau. [23, 40 - 53; 48, 19; 61, 11 - 14]
12/ Vùng quanh Đà Lạt - Nơi săn bắn lý tưởng
Vùng quanh Đà Lạt, trừ vùng dành cho muôn thú trú ẩn, là một trong những vùng đất săn bắn tuyệt vời nhất ở châu Á, có thể so sánh với một vài vùng ở Tây Phi.
Cao nguyên Di Linh nổi tiếng nằm trên độ cao 900 - 1.000m là vùng săn bắn có đường giao thông thuận tiện nhất ở Đông Dương và là thiên đường dành cho những tay thợ săn.
Thực vật rất phong phú và đa dạng góp phần tạo cho phong cảnh khác lạ, có khi mang dáng dấp phương Đông, có khi có thể so sánh với thắng cảnh ở châu Âu như vùng rừng núi Jura (Giuy-ra) hay Vosges (Vốtx-giơ), có khi gợi nhớ đến một vùng đất ở châu Phi: những cánh đồng, đồi núi bao la mọc đầy cỏ, xen vào giữa là những thân cây mảnh khảnh, hậu quả của những vụ đốt rừng hằng năm.
Đây là quê hương của cọp và bò rừng. Những loài thú nhỏ cũng rất phong phú. Trên đồi thông có thể gặp gà rừng. Dưới thung lũng, ven bờ suối, từ tháng 9 đến tháng 12, vịt trời xuất hiện. Trong thung lũng sông Đa Nhim, giữa Phi Nôm và Đrăn, những người thợ săn dễ bắt gặp những đàn gà rừng và công.
Trong những vùng yên tĩnh, người Thượng và những tay thợ săn có thể dùng mồi và súng săn hạ sát nhiều con cọp (Felis tigris) trong một ngày. Một con cọp lớn cao 1,05m và có chiều dài 1,9m.
Ở Lang Bi-an, dựa vào hình dáng của sừng, người ta phân biệt 2 loại bò rừng: Bos Gaurus và Bos Banteng.
Bò rừng Bos Gaurus là loại bò có bộ lông màu nâu đậm, từ bàn chân đến đầu gối màu trắng hay vàng đậm, đầu rất to. Con đực cao đến 2,05m, sừng dài 80 - 103cm.
Bò rừng Bos Banteng là một loại động vật đẹp, chân nhỏ, lông màu vàng hay màu hung đỏ với những vết trắng hay xám từ móng chân đến đầu gối, sừng dài 80 - 92cm. Bò rừng Bos Banteng chạy nhanh hơn bò rừng Bos Gaurusvà rất khó đến gần.
Ngoài cọp và bò rừng, những người thợ săn còn gặp voi, beo, gấu, nai, heo rừng và thỉnh thoảng tê giác.
Voi châu Á (Elephas indicus) nhỏ hơn voi châu Phi, không cao quá 3m, nhưng đầu lại to hơn. Những con voi có ngà nặng 10kg rất hiếm.
Gấu đeo vòng hay gấu Ma-lai-xi-a (Helarotos malayennus raffles) không cao quá 75cm, có bộ lông đen tuyền và rất rậm. Dưới cổ có một vòng màu da cam (gấu đực) và màu trắng (gấu cái). Hàm răng có những chiếc nanh rất mạnh dùng để moi tổ ong trong bọng cây.
Tê giác một sừng (Rhinoceros unicornis) cao 2m, có da dày, sừng dài không quá 30 - 45cm, là động vật hiếm.
Họ nai rất đông.
Nai Aristote (Cervus aristotelis) giống như nai ở châu Âu, gạc có 4 nhánh.
 Lều săn
 Cọp
 Bò rừng

Voi
SỪNG NAI VÀ BÒ RỪNG
Nai Eld (cà tông) (C. Eld Guth) cao 1,15m có bộ lông vàng xám (nai cái) hay nâu đậm (nai đực), cặp gạc cong giống như đàn lia. Những cặp gạc đẹp của nai cà tông ở Lang Bi-an dài 116cm.
Nai đực vùng đầm lầy (C. Porcinus annamiticus) cao 0,72m, có bộ lông ngắn và xám, màu nâu đậm, gạc dài 62cm. Nai cái có thân hình nhỏ, lông màu hung đỏ, đứng ở xa dễ nhầm với hươu.
Hươu sao
Hươu (C. Muntjac) là con vật rất dễ thương, cao khoảng 60cm, có bộ lông mịn màu hung đỏ. Hươu đực có gạc nhỏ dài 10 - 14cm.
Cheo (Trajule javanicus) là một loại động vật nhỏ, cao không quá 20cm, có bộ lông màu nâu hơi đỏ. Loại cheo, cả đực lẫn cái, đều không có gạc.
Heo rừng có 2 loại: một loại có ít lông, thường thấy ở độ cao 1.000m và một loại hai bên má có những vạch màu trắng, nặng 150kg hay hơn nữa.
Về các loài thú nhỏ, có thể kể: thỏ, gà gô sống cô đơn hay từng đôi, công, gà rừng, vịt trời.
Các loài chim cũng rất nhiều, hấp dẫn những nhà khoa học muốn sưu tầm chim.
Phong cảnh đẹp đẽ, nhiệt độ ôn hoà và muỗi tương đối ít giúp cho những chuyến đi săn thật thú vị.
Từ lâu, người Thượng đã biết đặt trên lối đi của thú rừng những cạm bẫy rất tinh vi và mạnh có thể giết chết cả voi và tê giác. Họ còn đào hàng loạt hố sâu vừa với kích thước của thú rừng, phía trên đặt những tấm cót tre phủ bằng lá cây khô để bẫy bò rừng và voi.
Họ biết dùng mũi tên tẩm thuốc độc để giết cọp, beo.
Trong những khu rừng nhỏ tiếp giáp với đồng cỏ, người Thượng dùng chó, dáo mác để săn nai và heo rừng.
Ở châu Phi, những tháng khô hạn kéo dài bắt buộc thú rừng tập trung về các ao hồ hay những vũng nước. Ở đây thật tốn công vô ích nếu rình thú rừng ở những nơi đọng nước. Tốt nhất phải nắm vững mùa săn. Mùa săn nai thích hợp nhất là từ tháng 2 đến tháng 5. Trong thời gian này, mưa rất ít và có gió mùa Đông Bắc, lửa đốt rẫy tạo nên những vùng đất trống dễ đi lại và nhìn xa.
Trong mùa nóng (từ tháng 6 đến tháng 10) và sau mùa mưa (từ tháng 11 đến tháng 1), người ta săn cọp và voi, nước chảy xiết và dâng tràn bắt buộc những người thợ săn băng rừng hay đổi hướng đi. Nai chỉ xuất hiện ở những vùng có thảm cỏ thấp, trong khi voi, bò rừng lại thích sống ở những nơi có cỏ cao, rậm rạp.
Vùng đất này thật tuyệt vời, nhưng trong mùa săn  tới sẽ không còn thú rừng nếu không đốt cỏ và thảm cỏ không mọc lại. [23, 54 - 61; 40, 31 - 33] 
13/ Thực vật trên cao nguyên Lang Bi-an
Du khách đến từ đồng bằng, quen với cây cỏ miền nhiệt đới, không khỏi ngạc nhiên trước cảnh rừng thông trùng điệp. Thông trên cao nguyên Lang Bi-an  phần lớn là thông 3 lá.
Tên khoa học đầu tiên của thông 3 lá (Pinus kesiya Royle ex Gordon) đã được hội nghị quốc tế công nhận là tên chính thức. Auguste Chevalier (Ô-guýtx-tơ  Sơ-va-li-ê) gọi thông 3 lá là Pinus langbianensis, nhiều tư liệu sử dụng tên Pinus khasya Royle. Khasya là tên một làng ở miền Bắc Ấn Độ, dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya).
Thông 3 lá mọc ở độ cao từ 1.000 đến 1.800m. Tuy nhiên, loài thông này cũng có thể mọc được ở độ cao thấp hơn từ 800 đến 1.000m trên cao nguyên Di Linh.
Thông 3 lá có diện tích lớn nhất trong số các loài thông ở nước ta, mọc ở Hà Giang, Sơn La, Gia Lai, Công Tum,... nhưng nhiều nhất là trên cao nguyên Lang Bi-an.
Cây cao 20 - 35m, nhưng đường kính thân cây ít khi vượt quá 70cm. Các cây thông 3 lá có đường kính trên 50cm rất hiếm, chỉ chiếm 2% quần cư, trong khi các cây có đường kính từ 10 đến 50cm chiếm tỷ lệ 98%. Lá nhỏ, đều như cây kim, màu xanh sẫm, chỉ có 1 gân nhỏ. 3 lá kim mọc cụm trong 1 bẹ. Trái hình chóp nón dài khoảng 5 - 10cm, rộng 4 - 5cm. Trái chín trên cây, phát tán những hạt trần nhỏ màu nâu nhạt có cánh dài nhờ gió có thể bay đi rất xa. Rễ có nấm cộng sinh, ưa đất tơi xốp, hơi chua (pH 4,5 - 5) có khả năng sống được trên đất nghèo dinh dưỡng.
Thông 2 lá
Thông 3 lá
Tiêu bản thông 2 lá dẹt 
và thông 5 lá
Thông đỏ
Mục đích kinh doanh chính đối với rừng thông 3 lá là gỗ (tăng trưởng bình quân 15m3/ha/năm). [8, 5 - 7]
Cách đây hàng nghìn năm, rừng kín lá rộng thường xanh bao phủ mặt đất, chưa có rừng thông. Vào kỷ Crê-ta, cuối kỷ đệ nhị, những cây thông đầu tiên xuất hiện ở châu Âu. Ở Đông Dương, không rõ thông xuất hiện trước hay đầu kỷ đệ tam.
M. Schmid nêu ra giả thuyết: “Những đại diện của các họ tùng loại khác (trong đó có họ thông) tuồng như xuất phát từ những yếu tố di cư đã theo các đỉnh núi nối tiếp từ Vân Nam đến Đà Lạt. Sự di cư ấy đã ngưng lại ở phía Tây Nam, theo châu thổ sông Cửu Long. Vì vậy các loại do quan hệ Hy Mã Trung Hoa chi phối không vào được quần sơn Cardamomes, dọc theo vịnh Thái Lan”. [10, 70]
Thông là cây ưa sáng hoàn toàn, có thể mọc trên đất tương đối phì nhiêu và sâu nhưng rất ít khi gặp thông nơi đây vì các loài thực vật khác tăng trưởng mạnh hơn lấn át. Ngược lại, trong những vùng đất xấu, thông không còn sợ các loài thực vật khác cạnh tranh nên mọc thành rừng.
Thông chỉ mọc được ở sườn dốc, không mọc được ở chỗ úng vì hệ rễ của thông phải có nấm cộng sinh mới sinh trưởng tốt được. Nấm cộng sinh ưa đất tơi xốp, thoáng ráo, thoát nước.
Ngày xưa, rừng rậm bao phủ Đà Lạt nhưng vì nạn phá rừng, đốt nương làm rẫy đã làm cho nhiều ngọn đồi trên cao nguyên trơ trụi. [25, 29 - 30]
Đà Lạt còn có thông 2 lá, thông 5 lá, thông 2 lá dẹt, thông đỏ với số lượng rất ít.
Thông 2 lá (Pinus merkusii) do Jungh (Gion) và de Vries (đơ Vri) phát hiện ở Sumatra (nước In-đô-nê-xi-a) vào cuối thế kỷ XIX. Merkus ( Mẹc-cuýtx) là tên của viên toàn quyền người Hà Lan.
Cây cao khoảng 30m, đường kính có thể đạt 1,5 - 1,6m, đôi khi tới 2m. Vỏ thân có vết nứt sâu và xù xì hơn thông 3 lá. Lá dài hơn lá thông 3 lá và màu xanh lợt hơn. 2 lá mọc chung trong 1 bẹ. Trái, hột lớn hơn thông 3 lá.
Thông 2 lá còn gọi là thông nhựa, được xếp vào loài thông có sản lượng nhựa cao nhất thế giới.
Thông 5 lá (Pinus dalatensis) được bà Y. de Ferré (Y. đơ Phe-rê) - Giám đốc Viện Khảo cứu Lâm học Toulouse (Tu-lu-dơ) ở Pháp chuyên về họ Thông - đặt tên và mô tả năm 1960.
Thông 2 lá dẹt ban đầu mang tên khoa học Pinus krempfii. M. Krempf (M. Krăm) là một nhà thực vật học người Đức đã thu mẫu vật thông 2 lá dẹt ở thượng nguồn Sông Mao (1.350m). Về sau, A. Chevalier lấy tên Ducamp (Đuy-căm) - người tổ chức Cục Lâm nghiệp ở Đông Dương - đặt cho loài thông này tên mới: Ducampopinus krempfii(Lec.) A. Chev.
Đây là loài thông cổ quý hiếm. Thông 2 lá dẹt cao khoảng 30m, đường kính có thể đạt 1,5 - 1,6m, đôi khi tới 2m. Lá dẹt.
Thông đỏ (Taxus baccata var. wallichiana (Zuce) Hooks) thuộc họ Thanh tùng (Taxaceae) là loài cây dược liệu quý hiếm. Lá được dùng để trị hen suyễn, viêm phế quản, nấc, chữa tiêu hóa không bình thường.
Taxol chiết xuất từ thông đỏ được dùng để chữa trị ung thư buồng trứng, vú, đầu, cổ,...  [7, 21]
Họ Hòa Thảo (Gramineae) và họ Lát (Cyperaceae)chiếm diện tích lớn nhưng không hấp dẫn. Họ Lan (Orchidaceae) rất đặc biệt về màu sắc và hình dáng. Có thể kể lan bò cạp (Renanthera Evrardii Guillaum.) với hàng trăm hoa dài hơn 10cm, huyết nhung (Renanthera Inschootiana Rolfe) màu đỏ như máu, tuyết ngọc (Coelogyne psectrantha Gagn.) trắng như tuyết, lan Ceratostylis teres nhỏ xíu với cánh hoa dài 2 hay 3mm, còn nhỏ hơn nữa là cánh hoa lan Oberonia dalatensis dài khoảng 2mm,...
Hoa lan trang trí là những loài hoa màu sắc rực rỡ, đẹp diệu kỳ được những người chơi hoa săn tìm. Nếu Phajus (hạc đỉnh, túy ông,...), Paphiopedilum (vệ hài, vân hài,...),Phalaenopsis (hồ điệp,...) mọc dưới đất thì nhiều loài hoa lan lại mọc chơi vơi trên cành cao của những cây to, thường khó leo: Dendrobium (kim điệp, long tu, thuỷ tiên, ý thảo,...), Bulbophyllum (lọng tán,...), Cirropetalum, Ceratostylis, Cymbidium (bạch lan, hồng lan, hoàng lan, thanh lan, hồng hoàng, bích ngọc,...).
3 loài hoa lan mang tên Đà Lạt: Dendrobium dalatense, Eria dalatensis, Oberonia dalatensis và 2 loài hoa mang tên Lang Bi-an: Dendrobium langbianense, Oberonia langbianensis. [14, 1023 - 1066; 32, 157 - 273]
Một loài thực vật đáng chú ý khác trên rừng cao là cây dương xỉ. Loại cây này rất đa dạng và phong phú, mọc dưới tán cây hay trong vùng đầm lầy, trên tảng đá hay vỏ cây, cộng sinh và tạo thành ổ dương xỉ với những chiếc lá dài.
Tại những nơi ẩm ướt, cây trường lệ (Drosera) có lá đầy lông  bắt các côn trùng nhỏ và cây bình nước(Nepenthes) có hình ống điếu. Khi côn trùng bị hấp dẫn chui vào bẫy, chìm vào một chất lỏng trong cây, nắp đậy lại, cây “ăn thịt” rất kỳ lạ!
Về đơn tử diệp có các cây thuộc họ Commelinaceae (Rau Trai), Amaryllideae (Lan Huệ),...
Về song tử diệp có nhiều cây trang trí thuộc nhiều họ. Cao nguyên không có những cây lớn thuộc họ Đậu (Leguminosae) tô điểm cho rừng nhiệt đới. Các cây nhỏ thuộc chi Cassia (muồng), Indigofera (chàm), Crotalaria (sục sạc),... mang những cánh hoa đẹp. Cây hoa mua thuộc họ Mua (Melastomaceae) với những đoá hoa màu tím nhạt thường nở vào đầu mùa mưa. [46, 22]
Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Lúc bấy giờ, Hà Lan chiếm độc quyền sản xuất quinin - phương thuốc duy nhất chữa bệnh sốt rét. Yersin gieo thử hạt canh-ki-na ở Suối Dầu và Đăng Kia. Ông gặp thất bại hoàn toàn ở Suối Dầu, nhưng ở Đăng Kia cần phải tốn nhiều công sức.
Năm 1917, Yersin  trồng canh-ki-na ở Hòn Bà - một ngọn núi gần Suối Dầu. Lúc đầu cây tăng trưởng tốt nhưng về sau chết dần vì đất đai không thích hợp.
Tháng 7 năm 1923, ông mang những cây canh-ki-na tốt nhất ở Hòn Bà về trồng ở Đrăn và Djiring.
Lo ngại cao độ quá thấp ở Đrăn và Djiring sẽ làm giống Cinchona legeriana bị thoái hóa nhanh, bác sĩ Alexandre Yersin và André Lambert (Ăn-đrê Lăm-be) lập một vườn ương hạt giống cây canh-ki-na trên cao nguyên Lang Bi-an nhỏ (Petit Langbian, Xuân Thọ ngày nay) ở độ cao khoảng 1.550m.
Từ năm 1925, những cây canh-ki-na mang từ Đrăn lên được trồng tại một nơi ẩm thấp nên đến năm 1930 phải dời đến một vị trí mới. Cây trồng với khoảng cách 5m x 5m thành 20 hàng, mỗi hàng 20 gốc. Đến tháng 6-1934, trừ vài cây bị nai gậm phá, tỷ lệ cây chết là 1%. 22% cây canh-ki-na bị bệnh nặng, khoảng 12% bị bệnh nhẹ, tỷ lệ này rất thấp nếu so sánh với những cây trồng ở nơi khác. Vết bệnh hầu hết xuất hiện ở gần cổ rễ cây sát mặt đất.
Để tuyển chọn giống, người ta chọn hạt giống của 10 cây tốt nhất trồng ở trạm Lang Hanh (Djiring) và gieo thành 10 lô khác nhau ở cả Djiring và Lang Bi-an nhỏ. Sau đó, cây con được trồng trong 10 khu vườn xen vào giữa những hàng cây muồng vàng (Crotalaria anagyroides) được cắt hằng năm để làm phân xanh. Mặc dầu trồng theo hướng Bắc - Nam, cây cũng chống chịu được gió khá tốt trong những năm đầu.
Trên những vườn cây trồng vào tháng 7 năm 1930 với khoảng cách 2m x 1m, người ta nhận thấy vào tháng 5 năm 1934, tỷ lệ cây chết rất thấp (10 -12%) và 7% cây bị mắc bệnh hay có triệu chứng khả nghi.
Những cây bị chết thường ở phía dưới vườn nằm trên sườn đồi rất dốc, trong khi cả vườn đều bằng phẳng.
Cây canh-ki-na mắc bệnh hầu hết đều ở giữa vườn, nơi đất xấu, cây tăng trưởng yếu. Trên vùng đất bằng, tỷ lệ cây chết không vượt quá 2 - 3%.
Những cây trồng từ năm 1930 được bón phân xanh vùi trong đất tăng trưởng rất chậm. Mãi đến tháng 5 năm 1934 vẫn chưa tỉa cành. Trồng với khoảng cách 1m x 2m, cây canh-ki-na phát triển thành hình cánh quạt, hệ rễ phát triển kém.
Tháng 6 năm 1934, người ta tỉa cành, loại bỏ những cành thấp, chỉ để lại một số lá nhỏ ở đầu ngọn. Sự tỉa cành rất cần thiết để tạo dáng nhưng phải cắt bỏ 50% cành. Nếu không kể khu đất cây canh-ki-na trồng từ năm 1925 đến năm 1930, cây canh-ki-na trên cao nguyên Lang Bi-an nhỏ tăng trưởng tốt hơn các cây khác cùng tuổi trồng ở các trạm thực nghiệm khác - trừ Lang Hanh - cây mọc khoẻ, thân tròn, vỏ láng. [60, 25 - 28]
14/ Đồ án quy hoạch đô thị Đà Lạt nửa đầu thế kỷ XX
Trong nửa đầu thế kỷ XX, Paul Champoudry (Pôn Săm-pu-đry) và các kiến trúc sư Ernest Hébrard (Ẹc-nétx Hê-bra), Pineau (Pi-nô), Mondet (Mong-đê) và Lagisquet (La-gi-xkê) đã thiết lập đồ án quy hoạch đô thị Đà Lạt.
Theo Pineau, trong các báo cáo ngày 12-3-1906, Paul Champoudry - Thị trưởng Đà Lạt - đề nghị dành vùng đồi ở phía Bắc cao nguyên Lang Bi-an, phía hữu ngạn suối Cam Ly cho khu vực quân sự và vùng đất phía Nam ở tả ngạn suối Cam Ly cho thành phố trong tương lai. Ở đây sẽ thiết lập khu công chánh và hành chánh, một trung tâm thương mại bên cạnh chợ và ở khu trung tâm phố, khách sạn và giải trí trường. Nhà ga ở gần vị trí của ga ngày nay và kế bên là nhà bưu điện. Đường sá tương đối rộng: đường chính rộng 20m, đường phụ rộng 16m và 12m. Về sau, đồ án này được thực hiện một phần lớn và tạo cơ sở cho thành phố ngày nay. [48, 61]
Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Tháng 8 năm 1923, công trình này được hoàn thành.
ĐỒ ÁN QUY HOẠCH ĐÔ THỊ ĐÀ LẠT CỦA KIẾN TRÚC SƯ ERNEST HÉBRARD 
1. Bể bơi
2. Bệnh viện Việt Nam
3. Bệnh viện Pháp
4. Câu lạc bộ thể thao
5. Chợ 
6. Chùa
7. Dinh Thị trưởng
8. Đài vô tuyến điện
9. Khách sạn
10. Ngân hàng
11. Nghĩa địa tạm thời
12. Nhà nghỉ mát
13. Nhà thờ
14. Phủ Cao ủy
15. Phủ Toàn quyền
16. Phủ Thủ hiến Nam Kỳ
17. Sân cù
18. Sân quần vợt
19. Suối cải tạo
20. Thủy tạ
21. Tòa Thị chính
22. Tổng kho tiểu công nghiệp
23. Trại bảo an
24. Trường học
25. Trường nam trung học
26. Trường nữ trung học
27. Văn phòng
28. Nhà bảo tàng
29. Viện điều dưỡng
Tác giả có một tầm nhìn rất lớn, dự kiến xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Theo bản đồ quy hoạch này, trên dòng suối Cam Ly có một chuỗi hồ: ngoài hồ Xuân Hương và hồ Than Thở như hiện nay, còn có 6 hồ nước khác mà hai hồ lớn nhất nằm ở khu vực Học viện lục quân (có nhà thủy tạ) và ở giữa đường Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ trước khi dòng suối chảy đến thác Cam Ly.
Tư tưởng chủ đạo của Hébrard là tập trung vùng dân cư xung quanh hồ. Ở phía Bắc thành phố là khu quân sự. Khu bệnh viện trải dài từ đường Phạm Ngọc Thạch đến đường Trần Bình Trọng. Khu Toàn quyền nằm ở vị trí Học viện lục quân ngày nay gồm có 7 toà nhà dành cho Phủ Toàn quyền và các bộ: kinh tế, công chánh, tài chánh, nông nghiệp, thuỷ lâm,... Khu hành chánh nằm dọc đường Trần Phú ngày nay với quảng trường, tháp đồng hồ, toà thị chính, kho bạc, nhà bưu điện, sở cảnh sát, thư viện, hội trường, rạp chiếu bóng, sở cứu hoả, bảo tàng dân tộc học, động, thực vật,...Khu vui chơi, giải trí ở khu vực giữa hồ và khách sạn Langbian Palace với hội trường, sòng bạc, quán cà phê, phòng đọc sách, sân quần vợt, vườn hoa,... Khu thể thao gồm có sân vận động, bể bơi nằm ở phía Bắc  hồ Xuân Hương. Hai vườn hoa được bố trí ven hồ, trong khu vực Nhà nghỉ công đoàn và gần góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Đinh Tiên Hoàng. Phía Nam hồ Than Thở là khu đất dành cho đồn điền của Ngân hàng kỹ nghệ Trung Hoa. Đường Đà Lạt - Sài Gòn đi qua ngả Khe Sanh. [33; 57, 7 - 14]
Mười năm sau, năm 1933, kiến trúc sư Pineau trình bày một công trình nghiên cứu chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt thực tiễn hơn Hébrard. Ông cố gắng duy trì vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt, dành một khu vực rộng lớn hình cánh quạt mà tâm điểm là Đà Lạt và tỏa ra đến tận các đỉnh núi Lang Bi-an cho khu bất kiến tạo (zone non oedificandi) và đề nghị thành lập Vườn quốc gia. Thành phố vây quanh hồ, từ Tây sang Đông Bắc tạo thành một đường vòng cung.
Năm 1940, kiến trúc sư Mondet thiết lập một đồ án quy hoạch và chỉnh trang Đà Lạt. Đồ án của ông trở về với quan niệm cũ của Hébrard là bố trí những vùng dân cư và hành chánh xung quanh hồ. Mặc dù về vài phương diện, nghiên cứu của Mondet rất đầy đủ nhưng đồ án không được duyệt.
Một con đường mòn in dấu chân người, một vùng đồi cỏ trải dài đến tận chân núi Lang Bi-an, đây đó vài mái nhà sàn, một sự im lặng ngự trị trên một vùng đất gần như hoang sơ... Đà Lạt như vậy đó vào cuối thế kỷ XIX.
Đến năm 1942, một thành phố xinh đẹp hiện ra với những đường phố rộng rãi, những biệt thự duyên dáng giữa những vườn hoa và thảm cỏ xanh tươi, mặt hồ phẳng lặng. Đà Lạt là một nơi nghỉ mát quan trọng nhất không những của Đông Dương mà cả Viễn Đông.
Rất tiếc, Đà Lạt vượt khỏi giới hạn và phát triển quá mức. Nhiều khu phố được hình thành một cách vội vã và không trật tự. Chánh quyền phải can thiệp. Thành phố cần có quy hoạch và chỉnh trang có uy lực về pháp lý.
Theo Nghị định ngày 2-9-1941, Toàn quyền Decoux (Đơ-cu) giao cho Nha Quy hoạch đô thị và Kiến trúc Đông Dương nghiên cứu và hoàn thành đồ án, đồng thời đề ra biện pháp bảo vệ trong thời gian chờ đợi công bố văn bản pháp quy.
Trong tờ trình ngày 8-12-1942, kiến trúc sư J. Lagisquet - Giám đốc Nha Quy hoạch đô thị và Kiến trúc Đông Dương đã đánh giá Đà Lạt: “Không ai có thể phủ nhận Đà Lạt chiếm một vị trí đặc biệt thuận lợi ở Viễn Đông, khí hậu, danh lam thắng cảnh, tiềm năng phát triển làm cho Đà Lạt thành một nơi được ưu đãi, không nơi nào có thể so sánh được. Đà Lạt có thể và phải trở thành một nơi nghỉ mát lớn ở Viễn Đông”.
Dựa theo ý của kiến trúc sư Pineau, Lagisquet thiết lập đồ án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt với những nét chính sau:
- Thành phố không còn giống như một đường thẳng kéo dài từ Đông sang Tây nhưng có chiều sâu hơn và tạo nên một thể thuần nhất.
- Không kéo dài Đà Lạt nhưng tập trung quanh hai trục chính.
- Đà Lạt được mở rộng về hướng Nam, Tây Bắc. Cảnh quan về hướng núi Lang Bi-an được bảo vệ dành cho khu du lịch, rừng núi, khu bất kiến tạo, những khoảng trống, những khu đất dành cho thể thao và trò chơi.
- Trung tâm thành phố ở phía Nam của Hồ Lớn, gồm có giải trí trường, chợ,...
- Khu nhà ở nằm ở phía Tây và phía Đông thành phố.
- Làng của người Việt được hình thành ở phía Tây Bắc, Đông Nam, trên đường dẫn đến Đrăn. Đà Lạt mang tính chất một thành phố - vườn, chung quanh nhà của nông dân hay thợ thủ công là một mảnh vườn.
- Ở ngoại ô thành phố, một vùng đất sang nhượng trải dài về phía Tây Bắc, Đông Nam thành phố và trong tỉnh Lang Bi-an dành cho các nông trại trồng rau, chăn nuôi và sản xuất sữa. 
Ngoài ra, Đà Lạt còn mang tính chất đặc biệt: thành phố giáo dục và trung tâm thanh niên. Vùng dành cho xây dựng các trường học được rải đều khắp thành phố tuỳ thời cơ thuận lợi. Những ngôi trường chính được đầu tư để phát triển. Những khoảng đất trống rộng lớn được dành cho sân vận động, sân cù, các trò chơi thể thao,... Sân bay cũ được dùng để cắm trại.
Lagisquet chia khu du lịch thành hai khu: vùng Tây Bắc là khu bảo tồn thực vật, không được khai thác, để giữ cảnh quan núi Lang  Bi-an; vùng lâm nghiệp cho phép chặt gỗ thường xuyên nhưng phải tôn trọng thắng cảnh và khai thác hợp lý. Khu du lịch, lâm nghiệp, thể thao chiếm 3/5 diện tích thành phố Đà Lạt (khoảng 200 km2).
Mặc dù Đà Lạt không phải là một thành phố công nghiệp vì đất đai và khoáng sản nghèo nàn, Lagisquet cũng đề ra một vùng công nghiệp gần đường giao thông và xa vùng trung tâm để tránh ô nhiễm môi trường.
ĐỒ ÁN CHỈNH TRANG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÀ LẠT CỦA KIẾN TRÚC SƯ J. LAGISQUET
1. Nhà liên kế và biệt thự song lập
2. Làng người Việt
3. Biệt thự
4. Tòa thị chính
5. Khu khách sạn
6. Ca-si-nô, câu lạc bộ
7. Văn phòng Chính phủ trung ương
8. Dinh Toàn quyền
9. Nhà Quản đạo
10. Khu Thương mại người Âu
11. Khu Thương mại người Việt
12. Chợ mới
13. Sở Địa dư
14. Cư xá Công chánh
15. Cư xá Bưu điện
16. Cư xá người Đông Dương
17. Trường học
18. Khu bệnh viện
19. Khu thể thao - sân vận động
20. Trại thanh niên
21. Trung tâm văn hóa
22. Bảo tàng Dân tộc học
23. Khu bất kiến tạo
24. Khoảng trống
TRUNG TÂM ĐÀ LẠT THEO ĐỒ ÁN CỦA KIẾN TRÚC SƯ J. LAGISQUET
Tiền cảnh: Giải trí trường, câu lạc bộ, vườn hoa
Trung cảnh: Văn phòng Chính phủ trung ương và bến đậu xe
Hậu cảnh: Trường trung học Yersin

Tiền cảnh: Văn phòng Chính phủ trung ương
Trung cảnh: Giải trí trường và câu lạc bộ; 
bên trái: dinh Toàn quyền và vườn hoa.
Hậu cảnh: Khách sạn mới, trung tâm văn hóa, 
khách sạn Langbian Palace, nhà thờ và chợ mới
Lagisquet nêu ra cách bố trí cụ thể:
Nước: Một hồ chứa nước ở thượng lưu suối Cam Ly cung cấp nước cho thành phố. Sau đó, nước được gạn sạch, khử trùng và lọc lại rồi bơm vào các bể chuyển tiếp phân phối cho toàn thành phố. Vấn đề cung cấp nước ở Đà Lạt rất phức tạp vì tính chất thành phố - vườn, phạm vi và địa hình của thành phố.
Điện: Nhà máy nhiệt điện hiện cung cấp điện cho khu dân cư thành phố. Sau khi nghiên cứu, những công trình cho phép sử dụng thủy năng đã được tiến hành ở Ăn Krô-ét. Theo dự đoán, hai nhà máy được kết hợp sẽ cung cấp điện cho thành phố đến năm 1970.
Tận dụng vật tư có trong nước, nhà máy Ăn Krô-ét cho phép trong vòng một năm rưỡi nâng công suất từ 800kW lên 1.500kW. Công suất thặng dư giúp một mặt mở rộng mạng lưới điện và mặt khác thiết lập hệ thống ô tô điện và những trạm bơm nước cho vùng trồng rau trong khi chờ đợi xây dựng đập Đa Nhim.
Đường sá giao thông: Về tổng thể, tôn trọng hệ thống giao thông hiện nay và tuỳ khả năng nâng cấp bằng cách tạo đường dốc thấp hơn, mở rộng đường cho phù hợp với phương tiện giao thông. Do đó, cần nới rộng các đường Bác sĩ Yersin (Y-e-xen), Paul Doumer (Pôn Đu-me), Jean O’Neil (Giăn Ô Nây), Albert Sarraut (An-be Xa-rô), Lamartine (La-mạc-ti-nơ) (nay là đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Thụ, Thống Nhất, Bà Huyện Thanh Quan).
Đường lớn nhất ở Đà Lạt là đường Bác sĩ  Yersin, có hai mặt đường rộng 9m cho xe ô tô, xen vào giữa là hàng cây rộng 3m, lề đường rộng 4,5m.
Đường Lamartine đi vòng quanh bờ hồ có một đường chính rộng 12m và hai đường phụ dành cho người cưỡi ngựa và đi xe đạp.
3 trục đường chính sau đây được nâng cấp để giúp cho giao thông dễ dàng:
1. Đường Graffeuil (Gráp-phơi), Doumer, Yersin, O’Neil (nay là đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ);
2. Đường Robin (Rô-ben), Albert Sarraut, Cam Ly Hạ (nay là đường Quang Trung, Thống Nhất, Phạm Ngũ Lão);
3. Đường Pasteur (Pa-xtơ) (nay là đường Hai Bà Trưng) dẫn đến ấp Đa Thành và Đăng Kia.
Hầu hết các ngã tư cũng được thay đổi.
Để phục vụ  cho các cư xá mới Cam Ly, Jean Decoux (Giăn Đơ-cu), Saint Benoit (Xen Bơ-noa), Lagisquet dự kiến mở những con đường mới với chiều rộng thay đổi tuỳ theo địa hình.
Lagisquet cũng dự kiến xây dựng những bãi xe ô tô chủ yếu ven hồ, gần giải trí trường và câu lạc bộ, chợ mới và khu thương mại.
Vườn hoa: Trước dinh Toàn quyền, Lagisquet thiết kế một công viên lớn kéo dài đến tận bờ hồ. Trước trung tâm văn hóa và thư viện có một lối đi với nhiều bậc cấp.
Trung tâm hành chính ở gần bờ hồ hướng về vườn hoa trên bờ Bắc.
Giữa khu giải trí trường và câu lạc bộ, phía sau giải trí trường, Lagisquet dự kiến thiết lập một vườn hoa dành cho thiếu nhi.
Vườn hoa cũng được bố trí trước nhà ga và hai bên bờ suối Cam Ly. [36, 5 - 13; 21, 51 - 52].
Theo https://www.maxreading.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...