Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

Đà Lạt năm 1941

Đà Lạt năm 1941
15/ Đà Lạt năm 1941
Năm 1941, Pierre Andelle (Pi-e-rơ Ăn-đen-lơ) đã viết về không khí khẩn trương xây dựng Đà Lạt:
“Một cây mi-mô-da gần tôi toả hương thơm theo gió. Thông reo và không khí ngào ngạt hương nhựa thông. Trong một thung lũng nhỏ phía dưới, hoa mai anh đào màu hồng thắm nở rộ trên những cành cây trơ trụi. Xa hơn là hồ nước và Đồi Cù. Đỉnh núi Lang Bi-an xanh thẫm ngạo nghễ nhìn xuống những đồi núi yên lành.
Tháng giêng, mùa tuyệt diệu. Vào lúc bình minh và buổi chiều, trời lạnh nhưng khô và dễ chịu. Mặt trời vàng chiếu sáng, mỉm cười. Thật là trong lành! Ít người qua lại, dĩ nhiên. Chỉ vài tháng sau, vào tháng 4, người Sài Gòn mới lên Đà Lạt khi ở vùng châu thổ trời rất nóng nực, và đến tháng 12 người ở miền Bắc mới vào. Ít người nhưng thành phố không mang không khí của một thành phố chết.
- Tôi cần 7 tấn xi măng, người ta chỉ chuyển cho tôi 2 tấn!
- Tôi đòi hỏi 14 toa xe lửa, tôi chỉ nhận được 4 toa!
- Cần 18 tháng để hoàn thành công trình. Tôi sẽ hoàn tất một nửa công trình sớm hơn kế hoạch nếu tôi nhận được vật tư không theo kiểu nhỏ giọt!
- Hãy cho tôi phương tiện vận chuyển, sẽ giải quyết được phần còn lại!
Các nhà thầu khoán, toà công sứ, sở công chánh, các công ty lớn chỉ có một tiếng gọi: xi măng! toa xe lửa!
Hai năm qua, tôi đã xa thành phố, bây giờ tất cả đã đổi thay! Đà Lạt là một tổ mối khổng lồ. Người đào đất, người chẻ đá, người cưa gỗ hoạt động tấp nập trên 100 công trường. Ở đây, người ta san bằng một ngọn đồi để xây dựng sân vận động. Nơi kia khu cư xá Yersin sẽ xuất hiện. Gần ga, người ta đào móng để xây sở địa dư. Nhà máy thuỷ điện, đập nước, đường hầm, đường đi được xây dựng ở Ăn Krô-ét. Đường Pren mới chạy giữa rừng thông, trong một năm rưỡi nữa, ô tô sẽ lên dễ dàng hơn. Một đầm lầy cuối cùng được lấp đất. Và kia là khu cư xá Jean Decoux (Giăn Đơ-cu) với 30 biệt thự giản dị nhưng xinh xắn phô mình dưới ánh nắng mặt trời. Sáu tháng trước đây, trên vùng đất này chỉ là một ngọn đồi cằn cỗi mọc đầy cỏ dại”. [18]
Cư xá Decoux
MỘT GÓC ĐÀ LẠT
Tiền cảnh: đường Annam (Nguyễn Văn Trỗi ngày nay)
Hậu cảnh: nhà thờ Domaine de Marie (Mai Anh)
P. Munier (P. Muy-ni-ê) cũng viết trong tạp chí Đông Dương (Indochine), số 28, năm 1941, chuyên đề về Đà Lạt:
“Bên phải tôi, một lọ hoa lớn cắm hoa lay-ơn tuyệt đẹp. Bên trái tôi là những đoá hoa cẩm chướng xinh tươi như ở Pháp. Trong một lọ hoa khác là vài hoa địa lan màu vàng tôi vừa hái trong rừng. Trước cửa sổ, sáu cành hoa mi-mô-da đong đưa trước gió. Ba đóa hoa cẩm tú cầu (hortensia) như ba khối tròn màu xanh biếc đặt trên lò sưởi chờ cắm vào bình.
Đà Lạt như vậy đó! Trước hết, Đà Lạt là xứ sở của hoa, những luống hoa cuốn kèn (arum) và cúc trắng (marguerite), hoa giấy đỏ và hoa rạng đông leo lên tận các bao lơn... Đà Lạt cung cấp cho Sài Gòn và các nơi khác 90 tấn hoa mỗi năm.
Đà Lạt cũng là xứ sở của thông. Thật là kỳ diệu khi đi dạo trong rừng thông, hít thở mùi hương thơm ngát và trong lành! Không có bụi cây, không có dây leo, không có nhà tranh: một thảm cỏ lý tưởng với những cánh hoa màu vàng, xanh, tím, hoa cà... Qua rặng thông, du khách có thể nhìn thấy chân trời - chân trời xanh của rừng xa. Đà Lạt không phải là một thành phố, Đà Lạt là một bãi cỏ dợn sóng trên đó cây thông là loại cỏ khổng lồ được điểm bằng những cánh hoa màu đỏ như son - những mái nhà.
Đà Lạt cũng là xứ sở của rau. Địa phương sản xuất hằng năm 1.200 tấn rau. Sở trà Cầu Đất sản xuất 160 tấn chè, đồn điền cà phê Phi Nôm sản xuất 50 tấn cà phê. Ở vùng ven Đà Lạt có hai cơ sở nông nghiệp lớn: nông trại Đăng Kia gần thác Ăn Krô-ét và nông trại Cam Ly. Tại đây, góa phụ O’ Neil (Ô Nây) thiết lập một ườn trồng 20.000 cây cà phê Arabica không bị con xén tóc phá hại và cung cấp một loại cà phê thượng hạng. Nông trại còn trồng cam, chanh, bạch đàn và nuôi bò sữa Ayrshire thuần chủng.
Nông trại Cam Ly là một nông trại kiểu mẫu được hoàn toàn cơ giới hoá từ khâu vắt sữa, khử trùng đến khâu ướp lạnh, đóng chai nhờ một nhà máy thuỷ điện có hai tua-bin công suất 55 và 260 mã lực cung cấp điện cho thắp sáng và bơm nước.
Trên dòng suối Cam Ly, O’ Neil xây dựng một đập nước cao 15m, dày từ 54 đến 65m. Năm 1932, một cơn bão với những trận mưa như trút nước đã tàn phá đập nước hồ nhân tạo Đà Lạt. Chỉ trong vài giây, một khối lượng nước khổng lồ tràn vào thung lũng nhỏ hẹp Cam Ly, cuốn trôi cây cối, làng mạc. Những thân cây to lớn bị tróc gốc va mạnh vào đập nước của nông trại O’ Neil tạo một lỗ hổng. Chỉ trong giây lát, đập nước bị cuốn trôi, về sau không bao giờ được xây dựng lại...
Phái nữ cũng tìm thấy được những mỹ phẩm sản xuất ở Đà Lạt. Bà Ancel (Ăn-xen) chế tạo được nước hoa, kem, phấn, son,... Không có khả năng chưng cất, bà trở lại áp dụng phương pháp cũ: ướp hoa.
... Ở Đà Lạt, với khí hậu ôn đới thích hợp cho sinh hoạt trí thức, học sinh có thể học hết bậc trung học. Có hai trường Petit Lycée (Pơ-tí Ly-xê) và Grand Lycée (Grăn Ly-xê). Trường Petit Lycée khởi công năm 1927 nằm ở đầu thành phố và trường Grand Lycée ở cuối thành phố. Nằm trên một ngọn đồi, trường này đang được mở rộng vì sĩ số tăng lên hằng năm. Rất tiếc, công trình xây dựng phải dừng lại vì chiến tranh. Trong tương lai, nhất thiết phải xây dựng lại vì nhiều phụ huynh muốn gửi con đến Đà Lạt, nơi có khí hậu thuận lợi hơn ở Sài Gòn và Hà Nội.
Khoảng cách khá xa giữa hai trường Grand Lycée và trường Petit Lycée không phải là một trở ngại chính. Nhiều thành phố ở Pháp và Bắc Phi cũng có trường hợp tương tự. Học sinh học các lớp cao ăn ở tại trường Petit Lycée và đi xe buýt để đến học trường Grand Lycée.
Người ta nghĩ đến một lúc nào đó sẽ mở rộng trường Grand Lycée để học sinh nội trú, cả nam lẫn nữ, có thể ăn ở luôn tại trường. Vì nhiều lý do khác nhau, giải pháp này có thể bị bãi bỏ và sẽ có hai trường học: một trường dành cho nam sinh và một trường dành cho nữ sinh. [42, I - VI].
16/ Lâm Viên hành trình nhật ký
Tạp chí Nam Phong, số 9 và 10 ra tháng 3 và 4 năm 1918, có đăng bài Lâm Viên hành trình nhật ký của ông Đoàn Đình Duyệt. Đây có lẽ là bài báo đầu tiên của người Việt Nam viết về Đà Lạt. Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch toàn văn tư liệu chữ Hán này.

Tạp chí chúng tôi nhận được của ông Đoàn Đình Chi, viên chức giữ sổ sách Viện Hàn lâm, bản sao chép bài Lâm Viên hành trình nhật ký do Ngài Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công, kiêm Binh bộ sự vụ, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện, biên soạn.

Chuyến đi này thực hiện trong năm ngoái, vào ngày mồng 10 tháng 7 Nam lịch.

Khi ấy, Ngài Nam tước phụng chỉ đến tỉnh Lâm Viên mới thành lập để quan sát, đồng thời trù liệu xây cất hành cung. Lúc trở về, Ngài ghi chép tình hình các địa phương mà Ngài đã đi ngang qua, lập thành một bản trình tấu dâng lên Hoàng thượng [vua Khải Định], được Hoàng thượng châu phê: “Việc của cổ nhân, một viên chức há dám cẩu thả mà làm sao? Nhưng nay, Ninh Lãng có thể được coi là có lòng đối với nước nhà vậy. Hãy đem bản biên soạn này cùng lời châu phê chép lại phổ biến. Khâm thử!”.

Tạp chí chúng tôi nhận được nhật ký này, xin công bố để độc giả cùng xem.
Ngày mồng 8 tháng 7, bái nhận lệnh Hoàng thượng.

Ngày mồng 10, 5 giờ rưỡi sáng, lên xe lửa khởi hành từ Thuận Hoá. 9 giờ tới đồn Đà Nẵng, Quảng Nam.

Trưa ngày 11, nhổ neo rời bến đồn Đà Nẵng đi về phương Nam trong suốt 18 giờ liền.

Ngày 12, lúc 4 giờ sáng, đến đồn Qui Nhơn dừng nghỉ. 3 giờ chiều cùng ngày, rời bến đồn Qui Nhơn để đi xuống hải cảng Ba Ngòi thuộc tỉnh Khánh Hoà. Cảng này mới thiết lập, đã có tên theo quốc âm, thần không dám dịch trở lại chữ Hán, sau đây xin cứ y theo âm ấy mà gọi.
3 giờ sáng ngày 13 đến nơi, hành trình suốt 12 giờ. Tính ra, từ  Đà Nẵng đến Ba Ngòi, đi hết 30 giờ đường thủy. Trong mấy ngày đó, trời lặng sóng yên, suốt chuyến đi trên biển đều được yên ổn. Sáng hôm ấy, thần từ cảng Ba Ngòi lên đất liền, xem xét hình thế của cảng này: Từ bờ ngoằn ngoèo nhô ra biển một dãy núi, ba mặt cao ngất, ở giữa hình thành một cái vịnh sâu mà rộng. Tàu chiến có thể đậu trên một trăm chiếc. Trước vịnh duy nhất có một cửa ải, tàu chiến lớn có thể ra vào được. Quả là nơi trú đóng rất an toàn của tàu chiến, kín đáo như ao trời. Chốn này xưa kia vốn là một góc biển hoang vu, người không đặt chân đến. Nay Nhà nước bảo hộ tăng cường quản lý, thiết lập Nha Kiểm lâm, Nha Sen đầm, Tòa Điện báo, Cục Thương chánh và Nhà khách công. Trước bến đang xây dựng một cầu tàu bắc ngang ra đến giữa vịnh, dài chừng trên một ngàn thước, đúc bằng xuy mông [xi măng]. Từ bờ biển ra tới cầu có đắp một con đường đá trên đó có đường ray cho xe bánh nhỏ chạy thông ra đến đầu cầu. Kinh phí phải lên đến ức, triệu. Tương lai, nơi này sẽ là bến neo thuyền lớn nhất của xứ Trung Kỳ.
Buổi chiều, vào lúc 3 giờ 53 phút, từ Ba Ngòi lên xe lửa.

5 giờ 40 đến Cầu Bảo tức Phan Rang, thuộc phủ Ninh Thuận, lộ trình dài 47 ki-lô-mét, đi xe mất 1 giờ 47 phút. Lúc bấy giờ trời đã xế chiều, đến công quán dừng nghỉ. Ở đây là một bến đậu xe lớn, xe đi ba ngả: một ngả trở về hướng Bắc, đi Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hoà; một ngả theo hướng Nam đi về Sài Côn [Sài Gòn]; còn một ngả đi về phía Tây, đến Điếm Côn [Xóm Gòn], tức là tỉnh lộ đi Lâm Viên. Các khách buôn đa số đều dừng lại ở đây để chờ xe. Nhà nước hiện đang xây cất một lữ quán công cao ba tầng, lợp ngói. Người đến ăn ở có phòng riêng, trú ngụ rất an ổn. Lại có sở làm việc của quý quan bảo hộ và nhiều nhà lầu của quý điền chủ người Pháp. Cư dân thường dùng xe thồ do một ngựa kéo để chở thuê hành khách hoặc hàng hóa đưa lên xe lửa. Loại xe ngựa này có chừng 50 chiếc. Nơi đây quả là ngã tư hội tụ, tương lai hẳn sẽ ngày càng phồn thịnh.

Sáng ngày 14, từ Cầu Bảo đi Điếm Côn. 5 giờ rưỡi lên xe, 7 giờ 15 phút đến nơi, đường dài 40 ki-lô-mét, xe lửa đi mất 1 giờ 45 phút. Đây là điểm chót của đường xe lửa. Đến đây xuống xe, rồi hoặc đi kiệu hoặc cưỡi ngựa men theo đường sống núi mà lên. Độ 3 tiếng đồng hồ thì tới Eo Gió, tiếng Tây gọi là Biên-uy [Bellevue], lộ trình dài 12 ki-lô-mét. Từ đỉnh Eo Gió cao cách đồng bằng 1.045 thước tây. Hai bên đường cây cối rậm rạp, tuyệt nhiên không có dân cư. Khách buôn lên xuống tuy đông nhưng rất ít có chỗ để dừng lại nghỉ ngơi. Trong khoảng đường 12 ki-lô-mét chỉ có Trạm Côn là một trụ sở và một trụ sở của đốc công ở Đá Bàn. Chốn rừng rú u tịch, đường đá gồ ghề khó đi. Khiêng kiệu phải dùng người Thượng mới đi được. Hiện nay Nhà nước bảo hộ đang dựa theo thế núi mở một con đường xoắn ốc, xe điện có thể chạy được, đồng thời để vận tải hàng hoá. Nhân công và kinh phí tốn không biết là bao nhiêu. Tương lai sẽ là con đường lưu thông chính, mà đoạn lớn được thi công đại quy mô là như vậy.

Đến Eo Gió liền có xe điện của quý tòa Đa Lạc [Đà Lạt] xuống đón. Lên xe lúc 11 giờ trưa, đến 12 giờ 50 phút tới Đa Lạc, tức tỉnh lỵ tỉnh Lâm Viên, đường bộ dài 61 ki-lô-mét. Tính từ Eo Gió trở lên thì xe chạy nhanh được trên khoảng đường chừng 50 ki-lô-mét. Đường lúc này bằng phẳng, có chỗ như miền trung châu. Ven đường có độ năm, ba cái sách [xóm có rào] của người Thượng. Nhà lụp xụp, thô sơ. Đất trồng lúa mỗi nơi chỉ được độ một, hai khoảnh nhỏ, còn lại là đất trống mênh mông, nhìn ra thấy hoang vu  cả ngàn dặm tới tận cùng tầm mắt. Nếu di dân lập ấp, khai khẩn canh tác thì có thể có được hai, ba trăm thôn. Đó là đất đai ven hai bên đường, mắt có thể nhìn thấy được. Còn những nơi khác cách xa, bên sau non suối, chưa có thể khảo sát được.

Từ 50 ki-lô-mét trở lên xa hơn, lại phải men theo núi mà đi. Trên dưới đồi núi chập chùng, lối đi quanh co. Vùng đất này sản sinh rất nhiều thông, hai bên đường đi nhìn thấy toàn màu xanh, một màu xanh biếc thật đẹp mắt.  

Lúc đến Đa Lạc, viên chức huyện Lâm Viên dẫn dân trong hạt, độ một nửa là người Hán [người Hoa] và người Thượng, ra đón mời vào huyện nha ngừng nghỉ.

3 giờ chiều đến yết kiến quý Khâm sứ Đại thần tại trú dinh. Ngài Khâm sứ kính chúc Hoàng thượng vạn an, thần đáp lễ. Thần đã điện về cho Viện để tâu lên Hoàng thượng. Vào lúc này, quý Công sứ ở Lâm Viên cùng quý quan chức đều có mặt nơi đây. Cuộc tiếp xúc giữa đôi bên thật vui vẻ.

5 giờ chiều, trở về huyện lỵ nghỉ ngơi. Trời vào tiết đầu thu, miền trung châu chưa bớt nóng mà ở đây thì trời đã lạnh dần, có mưa phùn, mặc áo lông cừu thật thích hợp. Xem khí hậu thấy giống như đầu xuân. Theo lời quý quan trú ở đây thì vùng đất này tới mùa đông hàn thử biểu có lúc xuống một, hai độ, giống như khí hậu miền Nam châu Âu. Đôi khi cũng có mưa tuyết. Quả là điều kỳ lạ trên đất nước Lĩnh Nam vậy. Người của quý quốc thích khí hậu ôn hoà nên mùa hè thường đưa gia quyến lên đây nghỉ mát.

Chiều ngày 14 cho đến suốt ngày 15, ngoài trời mưa liên tục, không tiện đi xem phong cảnh.

Chiều ngày 16, bất kể trời mưa, lên xe kéo ra đi. Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc, rừng thông rậm rạp, ở giữa có chừng vài ngàn mẫu đều là núi bằng, đồi trọc cao thấp nhấp nhô. Từ các dinh thự, nhà cửa cho đến khách sạn, nhà ở của người dân, thảy đều xây cất trên đồi núi. Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo ngang dọc, xe điện có thể chạy được. Lại có những cánh đồng bằng bé nhỏ có thể cày cấy. Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy trên núi lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ.

Kiến trúc hiện đang có là Toà Công sứ, Nha Lục lộ, Nha Kiểm lâm, Nha Ngân khố, Phòng Điện báo, bệnh viện và cư xá cho binh lính đồn trú. Ngoài ra còn có những khách sạn xây cất theo kiểu phương Tây. Huyện nha của Lâm Viên cũng đặt ở đây. Vua Cao Man (Căm-pu-chia) có xây cất một nhà khách, mùa hè có khi đến đây nghỉ mát, lại còn mua một khu đất, định xây dựng một hai toà lâu đài, trang trí rất lộng lẫy. Đó là nghe quý Khâm sứ thuật lại và còn hướng dẫn đi xem khu đất ấy nữa. Quý quan đại thần của Nhà nước bảo hộ cũng trù tính xây thêm Phủ Toàn quyền và Toà Khâm sứ ở đây. Tương lai nơi này hẳn trở thành một đô hội lớn.

Hiện đang chọn một khu đất để xây hành cung, nơi đó là một ngọn núi, đỉnh núi bằng phẳng, rộng chừng trên 10 mẫu, nằm gần ngọn núi xây cất Phủ Toàn quyền. Trên núi ấy hiện đang có những cây thông già xanh tốt, mỗi cây cao 6, 7 thước tây, mọc thành hàng như do người trồng,  cảnh trí rất tự nhiên. Phía trước mặt có một con đường xe điện lưu thông được. Một dòng suối lượn quanh bao bọc từ bên phải ra đến phía sau núi. Thật là một địa điểm cao ráo quang đãng.

Cũng thuộc phạm vi Đa Lạc và cách Đa Lạc 2 ki-lô-mét rưỡi có suối Cẩm Lệ [Cam Ly] từ trong Đa Lạc chảy ra, quanh co như một con sông, đến chỗ Cẩm Lệ thì có một khối đá lớn chắn ngang, dưới chân khối đá có một cái hồ lớn, từ mép hồ lên tới đầu khối đá cao độ 30 thước tây. Mặt khối đá có hai khe hở, nước từ khe hở chảy vọt xuống như hai cầu vồng dài. Giữa hồ nhô lên một cái gò như  bãi trâu tắm. Quý quan đang xây một cái lầu tám góc, quanh lầu trồng những loài cây ra hoa, du khách đến đây ngồi nghỉ và hóng mát. Từ mặt tiền của lầu nhìn ra bốn phía, nước chảy vòng quanh, trăm hoa vây bọc. Bên kia bờ là một khối đá cao ngất, hai cầu vồng bắc ngang qua làn sóng bạc. Quả là chốn Bồng Lai tiên cảnh!

Lại cách Đa Lạc 14 ki-lô-mét là Lâm Viên, nơi đây có một vườn hoa và một chỗ nuôi thú. Trong vườn đất đai phì nhiêu, bốn mùa đều có rau đậu phương Tây tươi tốt, xứng đáng được gọi là Đàn Hương Sơn trên đại lục. Đàn Hương Sơn thuộc vùng biển Tây bán cầu, đi theo đường biển thì 7 ngày tới châu Mỹ. Bốn mùa cây cỏ đều ra hoa, kết quả, nổi tiếng thế giới.

Cách Lâm Viên phỏng chừng 5 - 6 ki-lô-mét còn có suối Đan Ki [Đăng Kia], tiếng Tây dịch là Ưng-kỳ-du-kiệt-từ [Ankroët]. Dòng suối ấy từ trong lòng đất chảy vọt ra. Từ hai khe đá, nước phun ra giao nhau rót xuống ngay giữa một thạch bàn.

Tục truyền tiên ngồi tắm trên thạch bàn đó. Dưới thạch bàn lại có một hang đá lớn, nước suối chảy qua thạch bàn, trút xuống hang đá ấy từ độ cao trên 40 thước tây. Nước suối chảy rẽ làm 5 mạch. Từ ngoài nhìn vào, nước từ trong thạch bàn trào vọt ra, trút từ trên cao xuống thành 5 dòng như  5 con rồng phun nước. Tục gọi đó là hồ tiên tắm, hình thế thật lạ kỳ.

Lại nghe nói gần Lâm Viên có một ngọn núi cao 2.200 thước tây là núi cao nhất Trung Kỳ. Đã mở một con đường nhỏ để tiện lên núi ngắm cảnh. Nếu đứng trên đỉnh núi này nhìn qua kính viễn vọng thì phía Tây thấy được nhà cửa của cư dân tỉnh Côn Tung [Kon Tum], phía Đông thấy tới biển. Đây cũng do quý Khâm sứ đại thần nói cho biết.

Từ tỉnh hạt Lâm Viên, phía Nam thông xuống Sài Côn [Sài Gòn]. Đã có một con đường bộ, đi chừng một ngày thì tới nơi. Nửa ngày đi xe điện được 80 ki-lô-mét, đến bến xe Ma Lâm (thuộc tỉnh Bình Thuận), nếu đáp xe lửa vào Nam chừng 150 ki-lô-mét thì tớiâ Sài Côn. Từ Ma Lâm lại có một con đường đi về tỉnh Bình Thuận, cũng đi bằng xe điện. Tới bến  xe Ma Lâm, lên xe lửa chạy theo hướng Đông Bắc độ trên 80 ki-lô-mét thì tới nơi. Thiết nghĩ, sau này khi kiến thiết xong hệ thống đường sá, đường bộ, đường thuỷ thông thương thì Lâm Viên sẽ là vùng đất rộng lớn, then chốt của Đông Dương. Tiếc rằng, lúc đến Đa Lạc trời mưa 4 ngày liên tiếp, ngày về thì vội gấp, nên chưa được đi theo quý Khâm sứ đại thần xem tất cả các thắng cảnh. Dường như nước non tươi đẹp vẫn còn đợi chờ khách hữu tình vậy.

Ngày 18, giã từ để trở về. Lại đi theo con đường lúc đến, xuống tới Điếm Côn, lên xe lửa trở lại Cầu Bảo. Quý quan Đại lý đem xe song mã đón về phủ Ninh Thuận dừng nghỉ.

Ngày 19, lại đáp xe lửa đi ngang qua Ba Ngòi và về nhanh đến Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đường từ Cầu Bảo tới Nha Trang trên 70 ki-lô-mét, xe lửa chạy trong 3 giờ rưỡi thì đến bãi đậu xe [ga] Nha Trang, đường sắt Nam Kỳ chạy suốt đến đây. Bấy giờ có quý Công sứ đi xe điện đến đón. Bãi đậu xe này cách Tòa Công sứ 5 ki-lô-mét và cách tỉnh thành 6 ki-lô-mét. Cũng vẫn đi xe điện đến quý toà, trao đổi bàn bạc, sau đó trở về tỉnh lỵ khám sát.

4 giờ chiều hôm ấy, lên xe điện từ tỉnh lỵ Khánh Hòa. 7 giờ tới phủ Ninh Hòa nghỉ lại. Phủ lỵ Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa, từ tỉnh thành tới phủ lỵ 60 ki-lô-mét.

Trên đường đi, nhìn thấy địa thế tỉnh này rộng mênh mông, khí hậu lại rất ôn hoà, bốn mùa đều trồng lúa được. Nhìn lướt qua, thấy ruộng lúa cao thấp xen nhau. Đất này trồng lúa không phân thời tiết nên ngoài đồng lúa có chỗ mới cấy, có chỗ đã thành cây con hoặc có chỗ đã trổ bông, trông so le cao thấp không đều. Tất cả đều rất tươi tốt. Tiếc rằng ở đây dân cư còn ít, thôn xóm thưa thớt. Tuy là một vùng đất trung châu mà phần lớn vẫn còn là đất trống. Hiện nay, quý quan lập một số đồn điền đã dần dần có hiệu quả. Nếu địa phương này khuyên được dân ta bắt chước tốt sáng kiến trên đây, mộ dân khai hoang lập ấp, mở mang việc cày cấy thì đất ruộng ngày càng mở rộng, dân số ngày càng đông, tương lai có thể thành một trấn lớn phồn vinh.

Ngày 20, 5 giờ sáng, từ phủ Ninh Hòa đi kiệu trong 10 tiếng đồng hồ thì đến Điều Kỳ [Diêu Trì] tức Đại Lãnh. Đây là chỗ giáp giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Thế núi rất cao, ngày xưa đường cái quan đi  băng ngang qua rặng núi. Đi từ Bắc vào Nam hoặc từ Nam ra Bắc, hành trình đều ngót một ngày. Đường đi lên xuống, thế rất hiểm trở. Xe ngựa, kiệu võng đều không qua được. Nay quý quan dựa theo thế núi mở một con đường quanh co men theo bờ biển. Hễ gặp đá lớn đều phải dùng thuốc nổ bộc phá mới khai thông được. Đã khai thông được phỏng chừng 5 ki-lô-mét, nay mới đang thi công một đoạn đường lớn. Tiếng bắn đá như tiếng súng nổ liên hồi. Lúc bấy giờ, phái đoàn đi dọc theo con đường ấy. Trước khi qua phải bảo người đốc công cho tạm ngưng công tác ở tuyến tiếp giáp mới có thể đi qua được. Xem công trình to tát như vậy, đến lúc xong chắc kinh phí sẽ lớn đến khoảng “60 - 70 vạn nguyên.

Con đường này mà xong thì từ Bắc Kỳ có thể đi xe điện thẳng vào Sài Côn, mọi sự đều nhanh chóng, lợi ích, có thể lường trước được vậy. Đi dọc hết đường núi, lại xuống đồng bằng, đến 7 giờ chiều thì đến phủ Tuy Hoà thuộc tỉnh Phú Yên, dừng lại nghỉ.

Ngày 21, từ phủ Tuy Hòa đi xe kéo cho đến 9 giờ sáng thì vừa gặp xe điện của quý tòa Công sứ Quy Nhơn lại đón. Thế rồi lên xe điện đi ngang tỉnh Phú Yên khám sát.

4 giờ chiều, từ Phú Yên lên xe. Từ đây cho tới Đà Nẵng đều đi bằng xe điện.

7 giờ chiều, về đến tòa Công sứ Qui Nhơn. Tòa Công sứ Bình Định đặt ở đây, cách tỉnh thành 20 ki-lô-mét. Trao đổi, bàn bạc ngay tại toà rồi nghỉ ngơi luôn ở đấy.

Từ Phú Yên ra Bình Định có hai đèo Cù Mông và Phú Khê. Ngày xưa, dọc theo đèo mà đi, đường hiểm trở, xe điện không qua được. Nay dưới núi có mở đường nên xe chạy bình thản.

Ngày 22, từ giã quý toà, đi đến tỉnh Bình Định khám sát.

4 giờ rưỡi chiều, đi cùng với quan tỉnh đến xem một đập đá mới đắp do Hội bảo nông của địa phương thuộc phủ An Nhơn, lưu vực sông Phương Mính, cách tỉnh thành 4 ki-lô-mét. Thấy cái đập xây bằng xi măng, chắn ngang lòng sông, dài chừng trên 100 thước tây, có 9 cửa thông nước sâu thẫm, uốn quanh theo thế nước. Chắn nước thì dùng những tấm ván đặt ngang để phân cấp, mỗi cấp đều có thước tấc nhất định, tuỳ lúc mà mở hoặc đóng, đã được định trước. Mỗi đầu đập ở hai bên bờ sông đều có xây một móng đá lớn đề phòng nước lũ đập mạnh làm lở bờ sông. Trên móng có xây một số ghế đá để cho người đi đường có thể ngồi quan sát. Quy cách trông khá tân kỳ.

Lúc 7 giờ có khoảng vài trăm người già, trẻ, đàn ông, đàn bà vây quanh để xem. Họ đều nói : “Từ khi xây đập đến nay, hai mùa thu hoạch đều tốt, dân chúng vui mừng”. Số là nhà nông tỉnh này rất coi trọng việc đê đập. Phàm xây đập ngang hay dọc, thời hạn lấy nước, xả nước nhiều hay ít đều có văn thư giao ước. Nếu bội ước ắt liều mạng tranh giành. Quản trị tỉnh hạt này phải nắm rõ quy lệ về đập. Phàm đắp thêm một đường xe chạy, mở một cái mương hoặc di chuyển bờ đập như đập dọc đổi thành ngang, ngang đổi thành dọc, chỗ ất dời sang chỗ giáp, chỗ giáp dời sang chỗ ất chẳng hạn, phải họp những người dùng chung đập và những người cùng khúc sông, chất vấn nhau cặn kẽ, thuận tình thì mới được, nếu không ắt sẽ gây trở ngại. Cái đập đá này nguyên trước kia do hai người đàn bà mua đất tư và mở một khúc sông riêng, lấy nước từ 7 cái đập ở sông Đại An chảy trực tiếp tới phủ lỵ An Giang và đắp đập trên sóng lưng một nền đá, đã trải qua mấy trăm năm rồi. Nay dân vùng đập này còn lập miếu thờ hai người đàn bà ấy. Vì vật liệu xây dựng chủ yếu là gốc rạ, tre, gỗ và đất cát, do đó thường bị mưa to, lũ xuyên phá, mỗi năm đều phải làm lại, nhà nông phải chịu phí tổn đến gần ba ngàn nguyên, nhưng cứ mỗi lần mưa lũ thì đập vỡ, lại bị mất mùa. Vài năm trước đây, nông hộ Nguyễn Cẩn tự đứng ra xin cùng nhau đóng góp xây đập bằng xi măng, kinh phí dự trù lên đến trên một vạn nguyên. Năm ngoái đập hoàn thành.

Toà tỉnh này đã cứu xét và ra thông tư, phàm người nào đã tham gia vào công trình đều được tưởng thưởng. Nay thần đến đây thấy đập quả thật kiên cố. Quy cách của nó rất tối tân so với các đập khác. Công cuộc cải tiến nông nghiệp của ta ở Trung Kỳ do dân khởi xướng bắt đầu từ cái đập này. Tỉnh hạt có vài chục cái đập. Nếu tất cả những nơi khác đều bắt chước đó mà làm, thật là lợi ích lâu dài.

Ngày 23, lúc 6 giờ sáng, lên xe rời tỉnh lỵ Bình Định. 12 giờ đến tỉnh Quảng Nghĩa. 4 giờ chiều lại từ Quảng Nghĩa đi tiếp. Đến 6 giờ ra tới toà Đại lý phủ Tam Kỳ, dừng lại nghỉ.

Ngày 24, lúc 6 giờ sáng, đi đến Bồng Miêu xem mỏ vàng. 11 giờ trở lại phủ Tam Kỳ. 2 giờ chiều, từ biệt phủ Tam Kỳ lên đường. 3 giờ tới tỉnh Quảng Nam.

Chiều ngày 25, từ Quảng Nam trở ra Đà Nẵng, nghỉ ở đây.

Sáng ngày 26, đáp xe lửa về đến An Cư, khám sát nhà nghỉ mát mới xây dựng. Đến 5 giờ chiều về tới kinh đô.

Ngày 27, vội vào triều bái, phục mệnh.

Chuyến đi này của thần là do vâng lệnh Hoàng thượng mà đi quan sát. Phàm vùng núi sông nào thần đã đến, đường sá nào thần đã đi qua, những gì mắt thấy tai nghe có liên quan đến chính sự hiện nay, cùng hành trình bằng đường thuỷ, đường bộ như thế nào, giờ giấc đi xe điện nhanh như bay ra sao thần đều chẳng dám không ghi chép từng ngày để làm thành một bản Lược khảo trong chuyến đi Nam. Còn như tìm hiểu cho tận cùng bờ cõi, khảo đính thư tịch và bản vẽ, do thần học vấn thấp kém, hiểu biết có chỗ không tới nơi, còn mong chờ có người thực hiện.

Thần cẩn chí.

 [7, 153 - 154, 202 - 205]

Người dịch: PHẠM PHÚ THÀNH

17/ Đà Lạt trăng mờ

Năm 1933, rung động trước khung cảnh nên thơ của Đà Lạt trong một đêm trăng, Hàn Mặc Tử đã sáng tác bài thơ Đà Lạt trăng mờ và Quách Tấn viết Đà Lạt đêm sương.

Bài thơ Đà Lạt trăng mờ đã được Hà Xuân Tế dịch sang tiếng Pháp, đăng trên tạp chí Đông Dương (Indochine) số 25, năm 1941, và Hải Linh phổ thơ thành nhạc hợp xướng.

Bài thơ Đà Lạt đêm sương đã in trong tập thơ Một tấm lòng, xuất bản năm 1939, được Hoài Thanh và Hoài Chân chọn giới thiệu trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam.

Chúng tôi xin giới thiệu hai tuyệt tác này, bản dịch bài thơ Đà Lạt trăng mờ của Hà Xuân Tế và bài Một nguồn cảm hứng, hai bài thơ của anh Quách Giao - thứ nam của thi sĩ Quách Tấn.
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt

Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu. 

Hàng thông lấp loáng đứng trong im

Cành lá in như đã lặng chìm

Hư thực làm sao phân biệt được

Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm. 

Cả trời say nhuộm một màu trăng

Và cả lòng tôi chẳng nói rằng

Không một tiếng gì nghe động chạm

Dẫu là tiếng vỡ của sao băng. 

[17, 65 - 66]
Déjà, la minute divine a commencé,

Le ciel semblait rêver dans un tableau plein de rêves...

La lune et les étoiles étaient noyées dans une brume blafarde.

Au loin, un poème s’ annonçait, s’ ébauchait...
Silence! je vous prie, ne parlez pas!

Ecoutons l’ eau qui murmure au fond du lac...

Ecoutons les feuilles de saule tremblantes dans le vent,

Ecoutons le Ciel qui nous explique le sens profond de l’ amour.
Obscurement, les pins se tenaient debout dans le silence,

Leurs branches et leurs feuilles semblaient toutes noyées.

On ne pouvait les distinguer du noir qui les enveloppait.

Sur le rideau de la nuit, le Fleuve d’ Argent (voie lactée) surnageait.
Toute la voute céleste était enivrée d’ une uniforme teinte de lune,

Et tout mon coeur était sans paroles.

Rien, aucun bruit ne troublait le silence,

Pas même l’ éclat lointain d’ une étoile filante qui se brisait.
Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im,

Thời khắc theo nhau lải rải chìm.

Đứng dựa non sao bờ suối ngọc,

Hồn say dịu dịu, mộng êm êm.
Một luồng sương bạc bỗng từ mô

Lẻn cuốn vầng trăng cuốn mặt hồ,

Cuốn cả non sao bờ suối ngọc:

Người lơ lững đứng giữa hư vô.
Trời đất tan ra thành thủy tinh.

Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh

Âm thầm mơn trớn bên đôi má

Hơi mát đê mê chạy khắp mình.
[5, 281]
18/ Một nguồn cảm hứng, hai bài thơ

Ba tôi và Hàn Mặc Tử quen nhau từ năm 1931. Khi đó ba tôi làm việc tại tòa công sứ Đà Lạt, Hàn Mặc Tử sống với mẫu thân tại Qui Nhơn.

Trên tạp chí Phụ nữ tân văn lúc bấy giờ có nhiều bài thơ Đường luật đăng với bút hiệu P.T. (viết tắt của chữ Phong Trần) khiến ba tôi chú ý và nhờ người bạn thân ở Qui Nhơn tìm xem P.T. là ai. Sau hơn 4 tháng dò tìm, nhân gặp một cuộc hội ngộ tình cờ mà người bạn thân này mới viết thư cho ba tôi hay. Thư  từ qua lại không bao lâu thì hai người trở thành bạn thân thiết. Trước đó Hàn Mặc Tử có bút hiệu là Minh Duệ Thị, sau đổi ra Phong Trần, rồi Lệ Thanh, cuối cùng là Hàn Mặc Tử.

Năm 1932, Hàn Mặc Tử  làm ở sở đạc điền Qui Nhơn. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1933), Hàn Mặc Tử nhân được nghỉ phép lên Đà Lạt thăm ba tôi. Hai nhà thơ đi thưởng ngoạn các thắng cảnh, từ thác Cam Ly đến rừng Ân Ái. Trong tập hồi ký Đôi nét về Hàn Mặc Tử, ba tôi đã ghi:

“Trước hết đi xem các cảnh gần. Cảnh nào cũng làm cho Tử trìu mến.

Đến Cam Ly, Tử nhất định ở lại suốt ngày. Khách du quan lúc nào cũng có. Phần đông đều dồn nơi thác và nơi các tiểu đình. Tử  thích đứng trên những chiếc cầu cong cong làm bằng những khúc thông để nguyên vỏ và bắc ngang qua những giòng khe đá chảy quanh co.

Gió thổi mát lạnh và mùi hoa rừng thoang thoảng đưa.

Vì cảnh mênh mông, không thể đứng một chỗ để ngắm. Theo những con đường khuất khúc và rợp bóng thông, nhưng rất sạch sẽ vì có người coi sóc, tôi đưa Tử vào rừng sâu. Bóng nắng lọt qua kẽ lá trông trong dịu như bóng trăng và tiếng thông cuộn gió nghe ào ào như tiếng sóng.

Đứng trên đồi cao trông xuống cảnh rừng Ân Ái  (Bois d’Amour) thật chẳng khác nào đứng nhìn mặt biển lộng gió nồm. Chợt nhớ câu hát trong tuồng Hộ Sanh của Đào Tấn, tôi buột miệng hát:

Lao xao sóng bủa ngọn tùng

Gian nan là nợ anh hùng phải vay.

Tử vỗ tay khen: “Thật tân kỳ!”

Sau cuộc du ngoạn bằng ngựa ở Đường vòng Mỹ cảnh (Tour des 99 Points de vue) , Hàn Mặc Tử đã thấy được đàn cà tông, ngủ trưa bên hồ Thở Than (Lac des Soupirs), nằm ngắm trời xanh, ngửi hơi nhựa thông bay phảng phất trong gió trưa.

Tối đến, đôi tri kỷ tay trong tay đi dạo cảnh Đà Lạt lúc ban đêm. Ba tôi đã ghi vào tập hồi ký:

“Dạo cảnh Đà Lạt lúc ban đêm cũng là một kỳ thú. Những con đường quanh co, khi lên cao khi xuống thấp, nhiều khi đường chồng lên nhau. Lắm nơi, đứng xa mà trông, thấy như những cuộn vải đen giăng lơ lửng trên đọt cây... Đèn điện lẫn lộn cùng sao, trên cao có, dưới thấp có, chỗ thì chói rọi giữa không, chỗ thì khép nép trong cành lá... Mùi nhựa thông ban đêm bay ngát cả không khí. Thỉnh thoảng mùi hoa mimosa, mùi hoa oeillet trộn lẫn vào thành một hương vị đặc biệt, hít vào thấy nhẹ cả châu thân.

Tử nắm tay tôi, đi từng bước một, không nói không rằng.

Đến bờ hồ nhìn xuống mặt nước, chúng tôi mới nhớ là đêm trăng! Mặt hồ lóng lánh. Và vầng trăng dưới nước trông trong sáng gấp mấy lần vầng trăng ở trên mây.

Tử nói:

- Cứ xem bóng trăng cũng biết nước hồ ở Đà Lạt trong đến ngần nào!

Tôi tiếp:

- Theo tôi chỉ có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương mới đáng gọi là nước. Nước ở các sông, các hồ, dù trong đến đâu, sắc xanh cũng có phần lợt lạt. Duy nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương là đượm đà màu nước biển. Ai đã từng nhìn đôi mắt của người đẹp Ấn Độ - đôi mắt xanh như ngọc và xa thăm thẳm như vòm trời ngày thu - thì mới tin lời nói của tôi là không huyễn hoặc. Muốn thấy rõ cái đẹp của nước hồ Đà Lạt thì phải đến ngắm lúc ban trưa tạnh trời.

Tử trầm ngâm hồi lâu rồi nói:

- Không có cảnh thì khó có thơ, mà đứng trước cảnh đẹp quá, thơ nghĩ cũng không ra được.

- Theo tôi không phải vì cảnh quá đẹp mà thơ không dám ra. Đó là vì đứng trước cảnh đẹp cũng như đứng trước tình đẹp, người thơ mắc lo tận hưởng cái đẹp của tình, của cảnh, tâm trí đâu còn rảnh rang mà nghĩ đến thơ. Huống nữa người thơ chỉ làm thơ trong khi thiếu thốn. Tình kia đã quá đầy đủ để cho tâm hồn ôm ấp thì người thơ còn thiếu thốn gì nữa mà làm thơ.

Tử vỗ tay tán thưởng.

Chúng tôi đang nói chuyện thì dường như  có một luồng ánh sáng từ trong hồ bay ra và thoáng nhẹ ở trước mắt. Chúng tôi chú mục: Một đám sương lớn bằng một chiếc chiếu chõng nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Sương mỗi lúc mỗi vun cao và lan rộng, phản chiếu ánh trăng sáng hực cả bốn bên. Trong phút chốc mặt hồ bị khuất hẳn và trước mặt chúng tôi nổi lên một ngọn “núi bông gòn” trắng phau và sáng ánh. Rồi một ngọn gió thổi nhẹ, sương ùn ùn toả ra khắp nơi và cuốn cả trời đất muôn vật. Chúng tôi không còn thấy gì ngoài ánh trăng. Đến nỗi chúng tôi đứng sát bên nhau mà chúng tôi nhìn cũng không thấy rõ được nhau!

Chúng tôi có cảm giác là trời đất đã tan ra thành  thuỷ tinh và chúng tôi đương đứng lơ lửng giữa hư vô... Sương bay thấm má và một luồng hơi mát chạy khắp châu thân, gây một cảm khoái dìu dịu...

Tôi nói khẽ cùng Tử:

- Mình đương chìm vào mộng hay mộng đương lắng vào mình?

- Hư thực phân biệt làm sao được! Nhưng chớ nói nhiều... Hãy lắng nghe... Dường như có tiếng thì thầm từ đáy hồ vọng đến. Tôi không mơ đâu nhé! Hãy lắng nghe...

Đứng tựa lan can cầu trước dinh quản đạo, chúng tôi nắm chặt tay nhau... Rồi sương tan dần và dần dần mặt trăng sáng trở lại.

Tử nói:

- Cảnh thật huyền mơ! Tiếng lòng lẫn cùng tiếng tạo vật! Con người hoà hẳn vào thiên nhiên.”

Sau đêm ngắm trăng trên mặt hồ Đà Lạt, Hàn Mặc Tử và ba tôi đều bị cảm lạnh. Một tuần sau hai người chia tay.

Vẻ đẹp huyền diệu của non sông Đà Lạt đã là nguồn cảm hứng cho hai bài thơ Đà Lạt đêm sương và Đà Lạt trăng mờ của ba tôi và Hàn Mặc Tử.

QUÁCH GIAO 
19/ Tài liệu tham khảo

TƯ LIỆU CHỮ HÁN

1. Đoàn Đình Duyệt. Lâm Viên hành trình nhật ký. Nam Phong, Hà Nội, 1918, Số 9 & 10.

TƯ LIỆU TIẾNG VIỆT

2. Cao Tự Thanh. Tác phẩm Nguyễn Thông. Sở Văn hoá - Thông tin Long An, 1984.

3. Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xương, Trần Xáng. Đại Nam nhất thống chí. Quyển 12. Nha Văn hoá Bộ Văn hoá - Giáo dục, Sài Gòn, 1965.

4. Hãn Nguyên. Lịch sử phát triển Đà Lạt (1893 - 1954). Sử Địa, Sài Gòn, 1971, Số 23 - 24.

5. Hoài Thanh, Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam. Hoa Tiên, Sài Gòn, 1967.

6. Lê Tấn Hùng. Bước đầu tìm hiểu các loại hình sinh hoaOt kinh tế của người Lạt ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Trường Đại học Đà Lạt, 1989.

7. Lê Xuân Tùng, Trần Văn Tiến. Cây thông đỏ, cơ sở sinh thái và kỹ thuật gây trồng. Thông tin Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, 1999, Số 2.

8. Lý Văn Tiến, Phạm Đình Thanh. Khai thác và chế biến nhựa thông. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 1983.

9. Ngô Tiến Anh , Liêng Hot Ha Huý. Sụ  tích núi Lang Biang, núi Voi và suối Đa Nhim. Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, 1986, Số 1.

10. Nguyễn Hữu Đáng, Nguyễn Hữu Hài. Quần thụ thông 3 lá ở cao nguyên Đà Lạt: một tài nguyên thiên nhiên quan trọng cần phải cứu vãn. Sử Địa, Sài Gòn, 1971, Số 23 - 24.

11. Nguyễn Thanh Châu. Lâm viên hành trình nhật ký (bản dịch và giới thiệu). Trường Đại học Đà Lạt.     

12. Nguyễn Trắc Dĩ. Đồng bào các sắc tộc ở Việt Nam. Sài Gòn.

13. Nguyễn Tuấn Tài, Đoàn Nam Sinh, Liêng Hot Hasuê, Phùng Khắc Cường, Nguyễn Hữu Tranh. Người Lạch trên cao nguyên Lang Biang. Đà Lạt, thành phố cao nguyên, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.

14. Phạm Hoàng Hộ. Cây cỏ miền Nam Việt Nam. Trung tâm Học liệu, Sài Gòn, 1970.

15. Bản đồ Đà Lạt. Nha Địa dư, Đà Lạt, 1960.

16. Bản đồ Đà Lạt. Xí nghiệp Bản đồ II, Đà Lạt, 1991.

17. Tuyển tập Hàn Mặc Tử. Nxb Văn học, Hà Nội, 1987.

TƯ LIỆU TIẾNG PHÁP

18. Andelle, Pierre. Dalat. Indochine, Hanoi, 1943, No 128.

19. Baudrit, A. La naissance de Dalat. Indochine, Hanoi, 1944, No 180.

20. Berjoan, A. Dalat. Indochine, Hanoi, 1943, No 126.

21. Berjoan, A. & Lagisquet, J. Les réalisationd dí urbanisme à Dalat. Indochine, Hanoi, 1943, No 164 - 165.

22. Bernard, Noël. Yersin - pionnier - savant - explorateur (1863 - 1943). La Colombe, Paris, 1953.

23. Bouvard, Pierre et Millet, F. La chasse au Langbian. Bergerac, Paris, 1920.

24. Dí André, A. Note sur les cultures de la station sanitaire du Lang - bian. Situation de lí Indochine (1897 - 1901), F. H. Schneider, Hanoi, 1902.

25. Consigny. Les pins de Dalat. Lí Asie Nouvelle Illustrée, Saigon, 1937, No 36.

26. Constantin, L. Le sanatorium du Langbian. Revue Indochinoise, Hanoi, 1916, No 3 - 4.

27. Dam Bo. Populations montagnardes du Sud Indochine. France - Asie, Saigon, 1950.

28. Decoux. Aỵ la barre de lí Indochine. Plon, Paris, 1949.

29. Doumer, Paul. Lí Indo-Chine française (Souvenirs). Vuibert et Nony, Paris, 1905.

30. Dournes, J. & Seo, Jean. Chants antiques de la montagne. Bulletin de la Société des E?tudes Indochinoises, 1948, No 3 - 4.

31. Duclaux, P. Le Dalat de 1908. Indochine, Hanoi, 1941, No 39.

32. Gagnepain F., Lecomte , H. & Humbert, H. Flore générale de lí Indochine. Masson & Cie, Paris, 1932.

33. Hébrard, Ernest. Futur plan de Dalat. 1923.

34. Jacotot, Henri. Le Docteur Alexandre Yersin. BSEI, 1944, No 1.

35. Kermarre, Jean. Les enfants tigres. BSEI, 1972, No 2.

36. Lagisquet, J. Rapport de présentation. 1942.

37. Le Chemineau. Le Langbian. Revue Indochinoise, Hanoi, 1916, No 3 - 4.

38. Lefèvre, F. Le chemin de fer du Langbian. Lí Asie Nouvelle Illustrée, Saigon, 1937, No 56.

39. Legay, Roger & Kí Mlơi Dà Gôt. Prières Lac accompagnant les rites agraires. BSEI, 1971, No 2.

40. Millet, F. La chasse sur les hauts plateaux de Dalat et de Djiring. Lí Asie Nouvelle Illustrée, Saigon, 1937, No 56.

41. Mollaret, Henri & Brossollet, Jacqueline. Alexandre Yersin ou le vainqueur de la peste.Fayard, Paris.

42. Munier, P. Dalat. Indochine, Hanoi, 1941, No 28.

43. Néis, Paul. Rapport sur une excursion faite chez les Mọs. Excursions et reconnaissances, Saigon, 1881.
44. Néis, Paul & Septans, Albert. Rapport sur un voyage
dí exploration aux sources du Dong-nai. Excursions et reconnaissances, Saigon, 1891.
45. Ner, Marcel. Le pays et les hommes. Lí Asie Nouvelle Illustrée, Saigon, 1937, No 56.

46. Neveu, André. La végétation du Langbian. Lí Asie Nouvelle Illustrée, Saigon, 1937, No 56.

47. P.T. Accès à Dalat par Prenn. Indochine, Hanoi, 1943, No 156.

48. Pineau, L. G. Dalat, capitale administrative de lí Indochine? Revue Indochinoise Juridique et EỴconomique, 1937, No 2.

49. Sarraut, Albert. La mise en valeur des colonies françaises. Payot, Paris, 1923.

50. Tardif, EỴtienne. La mission du Langbian (1899 - 1900). Ogeret et Martin, Vienne, 1902.

51. Vassal, J.J. Le Langbian. Revue Indochinoise, Hanoi, 1907, No 53 - 54.

52. Yersin, Alexandre. Sept moOs chez les Mois. Variétés sur les pays mois, Gouvernement de la Cochinchine, Saigon, 1935.

53. Dalat touristique. Lí Asie Nouvelle Illustrée, Saigon, 1937, No 56.

54. Discours prononcés à lí inauguration du Lycée Yersin. Lycée Yersin, Dalat, 1935.

55. Explorations et souvenirs du Dr Yersin (Revue Indochine, 1942 - 1943). Institut Pasteur de Dalat, 1956.

56. Extrait du journal de voyage du Dr Yersin. BSEI, Saigon, 1944, No 1.

57. Lí urbanisme. Dalat, le nouveau plan, dispositions générales. Lí E?veil E?conomique de lí Indochine, Hanoi, 1923, No 331.

58. Les MoOs de la Cochinchine et du Sud Annam. Revue Indochinoise Illustrée, 1893, No 4.

59. Monographie de Dalat. Mairie de Dalat, 1953.

60. Station du Petit Langbian.

61. Physionomie de Dalat en 1937. Lí Asie Nouvelle Illustrée, Saigon, 1937, No 56.

62. Plan de Dalat. Mairie de Dalat.

63. Rapport dí ensemble sur le protectorat de lí Annam. Hue, 1937.

64. Rapport dí ensemble sur le protectorat de lí Annam. Hue, 1938.

65. Arrêté portant création de la province du Haut-Donna et 2 postes administratifs à Tân Linh et sur le plateau du Langbian. Bulletin Administratif de lí Indochine, 1899.

66. Arrêté créant la province du Lang-Bian en Annam. Bulletin Administratif de lí Annam, Hue, 1916.

67. Ordonnance royale communiquée par le Conseil de Régence.... BAA, Hue, 1916.

68. Arrêté rendant exécutoire lí ordonnance royale du 11 Octobre 1920. BAA, Hue, 1920.

TƯ LIỆU TIẾNG ANH

69. Vassal, Gabrielle M. On and off duty in Annam. William Heinemann, London, 1910.

70. Minority groups in the Republic of Vietnam. Headquarters, 1966. 

Theo https://www.maxreading.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...