Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

"Mưa xuân" một câu chuyện tình lãng mạn

"Mưa xuân" một câu chuyện tình lãng mạn
“Mưa xuân” của Nguyễn Bính được viết năm 1936, là một trong những bài thơ tiêu biểu của “tình quê, chân quê, hồn quê” Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Bài thơ được kết cấu theo lời kể của nhân vật, theo trình tự thời gian, một trong những đặc điểm nổi bật của nhiều tác phẩm thơ Nguyễn Bính: thơ có cốt truyện, có nhân vật, có cao trào, có kết thúc, một câu chuyện thơ hoàn toàn có thể kể lại được bằng văn xuôi một cách rõ ràng, có đầu có đuôi, thậm chí có thể viết lại thành một truyện ngắn. Nhân vật chính trong bài thơ là một cô thôn nữ quen thuộc ta thường gặp trong thơ Nguyễn Bính. Câu chuyện của cô được bắt đầu với lời giới thiệu về chính mình: 
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
Sử dụng nghệ thuật so sánh phổ biến của dân gian “cụ thể hóa những điều trừu tượng thành vật chất cụ thể”, cô thôn nữ sống bằng nghề canh cửi với nét trẻ trung, hồn nhiên, trong trắng, chưa hề vướng bận chuyện riêng tư, một cô gái vẫn đang sống trong vòng tay yêu thương, sự ôm ấp, chở che của người mẹ được so sánh với cây lụa trắng mới dệt xong. Với cô gái ấy, mọi chuyện chỉ bắt đầu từ “bữa ấy”:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”
Sự việc xảy ra không có mốc thời gian cụ thể, chỉ là “bữa ấy”, trong không gian mùa xuân: “mưa xuân phơi phới bay, hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” rất tiêu biểu của làng quê Bắc Bộ. Đó quả là một khung cảnh nên thơ, lãng mạn và ấm áp. Mưa xuân xuất hiện lần đầu trong bài thơ và cũng là mưa đầu xuân nên “phơi phới bay”. Cùng với mưa xuân là những cánh hoa xoan góp phần tô điểm cho không khí rạo rực của những ngày đầu xuân. Đó là những bông hoa xoan bé nhỏ, khiêm nhường, giản dị, không cầu kỳ phô trương sắc đẹp, là biểu tượng đẹp của nông thôn Việt Nam. Trong khung cảnh ấy, một cô gái đang ở tuổi chớm yêu không thể không cảm thấy “phơi phới” trong lòng, cùng câu nói như thể vô tình của người mẹ đã khiến cô nhớ đến một người. Đó là “một mối tình”, mối tình “giăng tơ” ấy khiến cô “ngừng tay thoi”:
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
“Hình như”, “có lẽ” vốn là những từ ngữ chỉ sự nghi vấn, nhưng ở đây lại được Nguyễn Bính sử dụng để diễn tả sự e ấp, duyên dáng của người con gái, đồng thời cũng là sự khẳng định những cung bậc, trạng thái tình cảm của người con gái trong tình yêu. Cùng với sự khẳng định ấy là sự thấp thỏm, hồi hộp và niềm tin tưởng đối với chàng trai đã từng hò hẹn với mình:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem!
Trong tâm trạng đó, cô “vội vàng” đi xem hát, khi hàng xóm đã lên đèn, khi những hạt mưa xuân vừa đủ chấm lạnh bàn tay… Cô tin vào tình yêu của mình biết bao, vì thế mà “mưa bụi nên em không ướt áo”, “thôn Đoài cách có một thôi đê”. Một “thôi đê” chỉ là một khoảng cách rất gần, nó dường như không đủ dài để cô trải nỗi lòng náo nức, say mê của mình:
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chẳng thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
Đêm hội diễn ra thật náo nhiệt, tưng bừng. Nhưng khi tất cả mọi người đều mải miết “vào đám hát thâu đêm” thì cô gái lại “mải miết” tìm chàng trai, chẳng thiết xem hát. Đám hát ấy chỉ là cái cớ để cô tìm gặp người ấy mà thôi.
Sử dụng thành ngữ “năm tao bảy tuyết” để thể hiện sự trách móc, dỗi hờn của cô gái, Nguyễn Bính đã thể hiện thật sâu sắc nỗi thất vọng của cô khi cô chờ mãi, tìm mãi mà vẫn không thấy người ấy, “để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”…
Trên đường từ đám hát trở về, thay thế cho hình ảnh một cô gái vội vàng, hớn hở lúc ra đi là một cô gái hoàn toàn khác trên con đường đê quen thuộc:
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
Ta có thể hình dung cảnh trời đêm, canh khuya yên tĩnh, cô gái từ đêm hội một mình “lầm lụi” trở về, trên con đường cũ lúc ra đi với những hạt mưa trĩu nặng, lạnh lùng. Nỗi thất vọng, sự hẫng hụt, buồn tủi vì sự lỡ hẹn của chàng trai dường như đã khiến cho con đường đê vốn “cách có một thôi đê”, vẫn con đường đê ấy nhưng nỗi thất vọng đã làm cho nó bỗng như dài dằng dặc, những hạt mưa bụi cũng không còn “phơi phới bay” mà bỗng chốc cũng trở nên trĩu nặng… Bằng sự cảm nhận sâu sắc về thế giới tâm trạng con người, thông qua những hình ảnh quen thuộc của mùa xuân, nhà thơ đã diễn tả thật tinh tế mối đồng cảm giữa không gian và tâm trạng con người, nhất là tâm trạng của người con gái khi yêu.
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.
Mưa xuân và hoa xoan, những chứng nhân cho câu chuyện của cô gái lại xuất hiện khi câu chuyện khép lại, hội chèo làng Đặng ra về qua ngõ. Vẫn là hình ảnh những hạt mưa xuân, hoa xoan của “bữa ấy” nhưng tất cả đã mang màu sắc khác: mưa xuân ngại bay, hoa xoan tan nát, hội chèo kết thúc, mùa xuân đã cạn ngày. Tất cả những hình ảnh đó cho ta cảm nhận về một góc tâm trạng khác của người con gái trong tình yêu, cũng là cảm nhận về một sự kết thúc, một cái kết buồn từ trong tâm trạng của con người, bởi “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du).
“Mưa xuân” là một câu chuyện về những rung động đầu đời nhẹ nhàng, thầm kín và mãnh liệt của tình yêu. Nó cho ta một cảm nhận về tình yêu dù ở lứa tuổi nào, thời đại nào, được nhìn nhận dưới góc độ nào vẫn lung linh những cung bậc, sắc màu của cuộc sống, như tình yêu của cô thôn nữ, dù thất vọng nhưng vẫn luôn ẩn chứa những hy vọng, chờ mong: “Bao giờ em mới gặp anh”, “bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ?”. Những câu hỏi như một lời thầm nhắc nhở, như một niềm hy vọng, cho dù niềm hy vọng ấy có thể còn xa xôi.
Tình yêu của tuổi trẻ luôn được gắn với mùa xuân, mùa của hội hè, đình đám, lễ hội, mùa của hẹn hò, chính bởi vậy, với một cô gái mới đang ở ngưỡng cửa cuộc đời, tất cả với cô mới chỉ bắt đầu.
Lạng Sơn, tháng 12/2011
Hoàng Kim Vân
Theo http://baolangson.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...