Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Viết về Tâm ca

Viết về Tâm ca 
Chưa bao giờ tôi khóc khi nghe người ta hát. Thế mà tối hôm đó nước mắt tôi cứ chực trào xuống trong suốt thời gian tôi ngồi nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát bài tâm ca số 5 của anh. Buổi họp mặt gồm có ba trăm thanh niên nam nữ, phần lớn là những người đang theo học trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một số các vị giáo sư và thân hữu của trường. Bài tâm ca mang tên là Ðể Lại Cho Em, những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với em hai mươi tuổi. Phải, đúng là những lời tự thú. Những lời tự thú thẳng thắn, đầy ân hận, đầy đau thương; những lời tự thú làm cho xót thương dâng lên tràn ngập lòng người, người của thế hệ đi trước cũng như của thế hệ đi sau. Những lời tự thú khiến cho giận hờn và trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở. Trong ánh mắt của những trẻ tuổi hôm ấy, tôi quả đã đọc thấy tha thứ và tin yêu. 
Tôi rưng rưng nước mắt, vì tôi được nghe chính tiếng nói của lòng tôi, tiếng tự thú của lòng tôi, do một nhạc sĩ tài ba hát lên. Phạm Duy đã hát gì? Thế hệ của những người đi trước - là chúng tôi - đã để lại cho thế hệ đi sau - là những người em hai mươi tuổi ngày hôm nay - những hèn kém, những tội lỗi của họ. Một giải non sông gấm vóc, một miền oai linh hiển hách bây giờ chỉ còn là một mảnh đất chia cắt, cày xới lên bởi bom đạn. Hận thù nhân danh chủ nghĩa, bạo lực vênh vang bề thế, các anh đã để lại cho các em những giọt máu dân lành, những nấm mồ chưa xanh cỏ, những khăn sô, những thành buồn trong đó loài người tranh nhau từng đám bụi đen. Các anh đã vụng về, đã hèn kém, đã để lại cho em một quê hương nghèo khổ, đói lạnh, dù ruộng đồng của tổ quốc ta vốn rất mầu mỡ phì nhiêu. Ðường về tương lai nghẽn lối, bàn tay anh đang lẽ phải thơm tho mùi đất nay thành ra hôi mùi thuốc súng; các anh đã để lại cho các em những giả dối, đê hèn và vụng dại của các anh. Nhưng cơ sự đã xẩy ra như thế rồi, xin các em đừng trách móc hờn giận: hãy thương chúng tôi và hãy can đảm nhận và hãy can đảm nhận lấy cái gia tài khốn khổ khốn nền do các anh để lại.
Nếu chúng ta biết thương nhau, nếu các em biết thương yêu và tha thứ cho chúng tôi, nếu chúng ta cùng gom sức mới, cùng nhận lời tranh đấu thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ tìm được một lối thoát cho nhau. Nếu các em biết tha thứ thì hồn nước cũng sẽ giật mình, đời chúng ta thêm sức sống, tủi hờn sẽ lắng xuống và niềm kiêu hãnh sẽ dâng lên. Nếu các em biết thương yêu và tha thứ thì súng đạn cũng sẽ phải thở dài, tàu bay cũng phải khóc, lựu đạn sẽ phải im tiếng và quê hương ta sẽ không không còn là một bãi chiến trường. 
Một bài hát như thế quả thực đã là tiếng nói phát ra từ tâm niệm thành khẩn, từ ý thức trách nhiệm, từ những khổ đau của nhận thức. Một bài hát như thế không còn là một bài hát nữa. Ðó là máu, đó là xương, đó là linh hồn, đó là những khúc ruột quặn đau, đó là sự sống. Chúng tôi, những người anh bốn mươi tuổi hôm nay nhân danh Mẹ tổ quốc, Mẹ tình thương, chờ mong em đáp lại tiếng kêu bi thương đó, kêu gọi em trở về với tình huynh đệ, ngồi lại bên nhau, bàn bạc với nhau để tìm ra một lối thoát. Em đừng oán giận trách móc nữa, và cũng đừng nghĩ rằng những điều chúng tôi nói, chúng tôi viết đây là những lời than trách, nhục mạ, lên án tuổi trẻ nữa. Tôi biết tuổi trẻ còn nhiều trong trắng, còn nhiều tha thứ. Tôi biết em sẵn sàng tha thứ, cũng như chúng tôi cũng từng đã biết tha thứ cho những vụng dại, những thành kiến của lớp người đã làm cho chúng tôi khổ đau. 
Em hãy nhìn lại chúng tôi: trán chúng tôi cũng bị cày lên những đường nét ưu tư, khổ đau, mắt chúng tôi vì cát bụi cuộc đời cũng không còn trong xanh nữa; niềm tin và sự trong trắng của tâm hồn cũng đã sứt mẻ và vỡ nát nặng nề. Chúng tôi cũng đã bơ vơ như em bây giờ còn đang bơ vơ. Chúng tôi nào phải là muốn lên giọng đạo đức để nhục mạ em. Ðến nước này mà còn nhục mạ nhau, còn lên giọng đạo đức với nhau thì quả thực là chúng ta đã điên mất rồi. Quê hương thân yêu tan nát, chúng ta, những người lớn cũng như người nhỏ, hầu như không còn là chúng ta nữa. Chúng ta đã đổ trách nhiệm lên đầu nhau, đổ oán giận lên đầu nhau, để càng xa nhau, để càng không hiểu nhau. Ðau thương đã lớn lao quá rồi, chúng ta đừng gây nhiều thêm nữa. Trong giai đoạn này chỉ có lòng xót thương mới có thể giúp cho chúng ta còn là chúng ta, mới có thể giúp cho chúng ta có đủ bình tĩnh và thương yêu để tự lái con thuyền chúng ta ra khỏi cơn bão táp. Hãy hướng về chắp tay xót thương cho tổ quốc,
cho giống nòi, xót thương Mẹ, xót thương Em, xót thương mảnh vườn xanh xưa của thời thơ ấu. Chất liệu xót thương sẽ biến khổ đau thành hoa trái ngọt ngào. Thương nhau chúng ta sẽ tìm thấy con đường. Thương nhau chúng ta sẽ làm nên lịch sử. 
Nhất Hạnh
Nguồn: Trích trong bài Nhận Diện 
trong cuốn sách Nói Với Tuổi Hai Mươi 
Theo https://phamduy.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...