Những số 9 trong đời tôi
Trong hơn 40 năm cầm bút, tôi đã viết mấy chục chân dung những
người quen biết, nay nhân đến tuổi có thể “tính sổ” cuộc đời, thử phác họa đôi
nét chân dung mình xem sao…
Tôi tuổi con Mèo, tính theo dương lịch là một năm có “nút” số
9 - năm 1939 tại Huế, khi bố tôi đương chức Phủ Doãn Thừa Thiên (cũng
do cụ đỗ Hoàng Giáp năm 19 tuổi nên mới phải…tội làm quan!) chứ quê gốc
của tôi ở bên dòng sông Phố (Hà Tĩnh) kia. Kể ra, phải nói trước hết đến một
“nút” số 9 khác: cũng như hầu hết mọi người, tôi nằm trong bụng mẹ 9 tháng
và … 9 ngày! Mẹ tôi lại có 9 người con (3 trai, 6 gái); nhờ Trời, đến
năm 2009 này tất cả vẫn nguyên lành, trong đó, ông anh cả tuy là tuổi Sửu - tức
là đã sống qua 7 con giáp (84 tuổi) vẫn còn một mình đi Nam về Bắc giảng “đạo”
và nói chuyện tục ở đời, dù anh…còn trinh! (Đúng ra, cần phải thêm chữ “hình
như”, vì năm 1949 - cũng vào năm Sửu, mẹ tôi đã đi hỏi vợ cho anh, nhưng rồi anh
đã “trốn chạy”. Đến nay, anh vẫn…chưa lấy vợ, nhưng ai biết “ma ăn cỗ”!)
Một sự tình cờ, tôi tốt nghiệp trường giao thông tháng 9
năm 1959; cùng lớp với tôi, có mấy người bạn là cán bộ đi học, được đặc cách “tốt
nghiệp sớm” để vào Vĩnh Linh mở đường qua giới tuyến Bắc-Nam. Lúc đó, tôi chưa
biết đó cũng là thời điểm Đoàn 559 - tiền thân của Binh đoàn Trường
Sơn sau này - ra đời, khai sinh “đường mòn Hồ Chí Minh”. Từ ngày ấy, vừa tròn
50 năm qua! Tôi không là lính 559, nhưng lại sát cánh với đội quân giữ đường
Trường Sơn tại cung đường lên đèo Mụ Dạ - cung đường quan trọng bậc nhất, bị địch
đánh phá ác liệt nhất trong giai đoạn đầu cuộc chiến tranh phá hoại, nơi mà lúc
đó các hãng thông tin trên thế giới coi như là đầu mối “Đường Hồ Chí Minh”. Quả
thật, trong những năm 1963-1966, đây là tuyến đường duy nhất mà xe pháo cơ giới
có thể đi vào Nam. Nhà văn Đào Vũ đã đi thực tế ở đây để viết nên tiểu
thuyết “Con đường mòn ấy”.
Tại đây, những chiến sĩ thanh niên xung phong đại đội 759 anh hùng là bạn thân thiết với tôi, về sau đã trở thành nhân vật chính trong cuốn sách đầu tay “Vì sự sống con đường” (NXB Thanh niên, 1968) và bộ tiểu thuyết trên ngàn trang “Đường giáp mặt trận” - “Chỗ đứng người kỹ sư” (NXB Lao động, 1976, 1980). À, còn phải kể thêm 3 lần đi xe ô tô bị đổ, cộng với 5 phen hứng khói bom Mỹ sặc sụa và một “keo” đi thuyền độc mộc xuôi thác Tam Lu bị chìm, vị chi là 9 lần suýt chết! (Để tránh tội khai man như có kẻ đào ngũ mà rồi có thẻ thương binh, xin được cung khai thành thực là lần bị chìm thuyền trên thác suýt chết đuối là do đi thăm vợ dậy học ở Trường Sơn, chứ không phải trong lúc chiến đấu!) Trước khi chuyển sang làm văn nghệ, trong 15 năm ở ngành giao thông, tôi đã chuyển qua 9 địa bàn (đó là những công trình cầu, nơi đóng quân…), từ Pò Lội (Lạng Sơn) đến Ba Thá, Tế Tiêu (Hà Đông), rồi Khe Choang, Khe Kiền (Nghệ An), Cà Tang, Tân Đức, La Trọng, Cộn (Quảng Bình). Hầu hết là những nơi được “ưu đãi” phụ cấp rừng núi cả!
Tại đây, những chiến sĩ thanh niên xung phong đại đội 759 anh hùng là bạn thân thiết với tôi, về sau đã trở thành nhân vật chính trong cuốn sách đầu tay “Vì sự sống con đường” (NXB Thanh niên, 1968) và bộ tiểu thuyết trên ngàn trang “Đường giáp mặt trận” - “Chỗ đứng người kỹ sư” (NXB Lao động, 1976, 1980). À, còn phải kể thêm 3 lần đi xe ô tô bị đổ, cộng với 5 phen hứng khói bom Mỹ sặc sụa và một “keo” đi thuyền độc mộc xuôi thác Tam Lu bị chìm, vị chi là 9 lần suýt chết! (Để tránh tội khai man như có kẻ đào ngũ mà rồi có thẻ thương binh, xin được cung khai thành thực là lần bị chìm thuyền trên thác suýt chết đuối là do đi thăm vợ dậy học ở Trường Sơn, chứ không phải trong lúc chiến đấu!) Trước khi chuyển sang làm văn nghệ, trong 15 năm ở ngành giao thông, tôi đã chuyển qua 9 địa bàn (đó là những công trình cầu, nơi đóng quân…), từ Pò Lội (Lạng Sơn) đến Ba Thá, Tế Tiêu (Hà Đông), rồi Khe Choang, Khe Kiền (Nghệ An), Cà Tang, Tân Đức, La Trọng, Cộn (Quảng Bình). Hầu hết là những nơi được “ưu đãi” phụ cấp rừng núi cả!
Nhờ có cuốn sách đầu tay, tôi được gọi ra học “Trường bồi dưỡng
viết văn trẻ” khóa 3 và đã tốt nghiệp vào năm 1969 sau 9 tháng theo
học các thầy Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Xuân Sanh, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi…
Các thầy đã cho tôi kinh nghiệm, truyền thêm niềm đam mê văn học để đến nay tôi
đã hoàn thành 15 cuốn sách, trong đó có 9 tiểu thuyết. Tôi cũng đã nhận được 9
giải thưởng văn học ở địa phương và Trung ương. Có thể sẽ có bạn hỏi: Làm
gì mà lắm “giải” thế? Xin thưa: Ở xứ ta, chỉ thiếu giải Nô-ben, chứ nhiều thứ
“giải” lắm! Mà như “giải đầu tay” của tôi, tuy chỉ là của báo “Người giáo viên
nhân dân” (với truyện ngắn “Đêm mưa”) nhưng được nhà văn Nguyễn Công Hoan chấm
và trao giải tận tay (dù chỉ là chiếc khăn quàng cổ và hai thứ gì nữa…tôi đã
quên) cũng đáng kể chứ. Lại có cuốn sách “ẵm” 2 giải, như tiểu thuyết “Thập giá
giữa rừng sâu” - NXB Trẻ, 2002 - đã được giải của Ủy ban toàn quốc các Hội
VHNT, lại được giải “Cố Đô” hạng A của Thừa Thiên - Huế.
Cũng xin “khoe” tôi còn thành tích 9 năm làm Tạp
chí “Sông Hương” (1983-1991), nhưng chỉ làm Tổng biên tập được vỏn vẹn… 9
tháng! Nhân đây xin được “đính chính” một thông tin trong một bài đăng
trên báo “Lao động” mấy năm trước, là tôi không hề bị “cách chức” mà được “chuyển
công tác khác”. 70 tuổi, về hưu 10 năm rồi, còn lợi lộc chi nữa mà “đính
chính”, nhưng để nói một điều thú vị (hay lạ lùng?) là khi “chuyển công tác” và
được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ, tôi còn được bầu làm Bí thư chi bộ và
đã góp phần xây dựng chi bộ đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh” trong nhiều
năm! Đã “khoe” chuyện này thì phải tiết lộ thêm là tôi được kết nạp Đảng
sau 19 năm giữ vững danh hiệu “đối tượng” một cách kiên trì
(1963-1982)! Chắc là vì lí lịch thuộc loại “phức tạp”, chứ các đời thủ trưởng đều
muốn tôi sớm trở thành đảng viên. Cũng lạ, lễ kết nạp lại đúng vào một
ngày tháng 9!
Chưa kịp thống kê, nhưng kể từ khi có bài báo đầu tiên
đăng trên báo “Văn học” năm 1959 (bài “Những người đi tiên phong” viết về
mấy người bạn cùng lớp sung vào Đoàn 559 ), đến nay có lẽ tôi đã viết trên900
bài báo và năm nay, dự định “tự kỷ niệm” 70 tuổi bằng cuốn sách “99
bài báo chọn lọc”, nhưng tiếc là chưa có tiền in! (Lại phải mở ngoặc công
khai đàng hoàng: tôi có “suất” đầu tư của Hội Nhà văn, nhưng mới lĩnh một nửa số
tiền và phải dành để lo cho cuốn tiểu thuyết thứ 9 “Biết đâu địa ngục
thiên đường” đang “lăm le” ra mắt bạn đọc đầu năm 2009 này đây!)
Đang soạn thử bài viết “tự khoe” mình với bạn đồng nghiệp thì
“bà xã” ngó thấy và liền góp ý với ánh mắt và nụ cười châm chích vui vẻ: “Sao
anh không kể là cả việc chọn vợ và…người yêu cũng nhằm người có “nút” số 9.” Quả
đúng là vợ tôi tuổi Sửu - sinh năm 1949; còn… người yêu năm Sửu thì chẳng biết
“bà xã” lấy “thông tin” từ đâu? Chỉ biết mở sách tử vi thấy chỉ dẫn rằng: chồng
Kỷ Mão-1939, vợ Kỷ Sửu-1949 là “hạp” mọi đường. Thế thì “bận tâm” làm chi cái
“chuyện vặt” nếu có người yêu cũng tuổi Sửu! Phải không các bạn?
Tôi biết, hình như nhiều người cùng có “nút’ số 9 như tôi
nhưng thành đạt gấp mấy lần ấy chứ! Vả chăng, nào phải “nút” số 9 nào của mình
cũng “ngon lành” cả. Ví như 9 tháng làm Tổng biên tập “Sông Hương”, nếu chín
chắn hơn, đừng nóng vội và khôn khéo một chút để làm được 9 năm chẳng hạn,
thì có “oách” hơn không? Hay trong 9 tiểu thuyết, cũng có cuốn “chín” không
đều, hoặc là do lâm vào tình trạng như bị tiêm thuốc kích thích, “chín” vội,
trông thì phổng phao, nhưng chưa tạo được hương sắc đủ sức khiến người ta mê
say… Nhưng thôi, theo lệ làng, nhân kỷ niệm “năm chẵn”, cũng thử tính sổ xem thử…
Và điều cốt yếu, đây là dịp để tỏ lòng tri ân thầy giáo, đồng đội, bạn bè, người
thân đã giúp mình đi tới cái “nút” số 9 năm nay với đôi chân đứng thẳng, không
đến nỗi hổ thẹn trước bạn bè….
Nguyễn Khắc Phê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét