Lối kể chuyện của Phan Tứ
Tác phẩm chính của Phan Tứ từ Về Làng (1964) đến Trại
S.T.18 (1974) đều được lần lượt bày bán tại Pa-ri. Về Làng là một
tập truyện ngắn, Trại S.T.18 tuy gọi là tiểu thuyết, thật ra là “nhật
ký của một cán bộ Miền Nam”; trong hai thể loại truyện ngắn và nhất là nhật ký
việc xây dựng hư cấu - nói nôm na là kể chuyện - không phải là vấn đề ưu tiên.
Bài này do đó chỉ đề cập đến hai tác phẩm dài của Phan Tứ: Gia Đình Má Bảy (1968;
376 trang) và Mẫn và Tôi (1972, 670 trang).
Tác phẩm Phan tứ đã được giới phê bình văn nghệ trong nước đặc
biệt lưu ý và phân tích. Súc tích và sâu sắc thì có Trịnh Xuân An (1); đầy đủ,
nghiêm túc có Phạm Văn Sĩ (2). Giữa hai cái mốc đó, còn có Phan Cự Đệ (3), Lê
Thị Đức Hạnh (4). Các bài phê bình này cũng có thể đọc tại Pa-ri. Có lẽ còn nhiều
đóng góp khác mà tôi không được biết. Phân tích lối kể chuyện của phan tứ, tôi
cũng mong trao đổi với các học giả trong nước vê một khía cạnh kỹ thuật trong
tiểu thuyết Miền Nam/
Lập luận
trong bài này chia làm năm phần:
1. Tổng
quát về lối kể chuyện Miền Nam
2.
Cách dựng truyện
3.
Cách dựng nhân vật
4. Cách
đặt vấn đề trong truyện
5. Các
sử dụng ngôn ngữ
Phương
pháp dựng hư cấu trong tiểu thuyết phan tứ dựa vào lối “kể chuyện” của người miền
Nam, với tất cả cái sở trường và sở đoản của nó, là nặng tính cách, trình diễn,
khẩu chiếm. Dĩ nhiên là phải hấp dẫn, nhưng hấp dẫn một cách nào đó để hợp với
thính giác và ký ức của người nghe. Phải tinh tế, nhưng chỉ tinh tế đến mức nào
đó, vì thính giả mải nghe, không thể suy nghĩ sâu xa; phải gay cấn, nhưng chỉ
nên gay cấn đến mức nào đó, vì nhiều tình tiết éo le quá sẽ làm thính gải rối
mù, không nhớ nổi. Chuyện dài phải kể nhiều đêm, tức phải chia ra nhiều “hồi”,
mỗi hồi phải vừa ăn khớp với đoạn trước, chuẩn bị cho đoạn sau để giữ khách nhiều
đêm, lại vừa phải có giá trị tự tại để thỏa mãn khách một đêm. Hai mươi lăm
chương non bảy trăm trang của Mẫn và Tôi được sắp xếp đại khái theo
tinh thần đó.
Muốn
thấy rõ đặc tính của truyện Miền Nam, ta có thể so sánh Kiều rất được đàng
Ngoài ưa thích với Lục Vân Tiên rất được phổ biến đàng Trong. Kiều tinh tế
bóng bảy bao nhiêu thì Lục Vân Tiên đơn giản, chất phác bấy nhiêu. Chàng
Vân Tiên sau khi đuổi giặc cướp, cứu Nguyệt Nga, đã từ chối nhìn nàng vì nàng
là phận gái ta là phận trai, đến khi nàg xin làm thơ tạ từ thì chàng hỏi:
Vân Tiên ngó lại rằng: ừ
Làm thơ cho kịp chừ chừ chớ lâu
câu 217-218
Con
người rằng ừ chừ chừ như thế không những không có cốt cách vào
trong phong nhã ra ngoài hào hoa của Kim Trọng, mà còn rất xa cái khí
phách phong trần mãi một lưỡi gươm của Từ Hải. Ấy thế mà thính giả Miền
Nam lại rất khoái anh chàng Vân Tiên, ngay đầu truyện đã bẻ cây làm gậy đánh
nhau với lâu la, hay anh chàng Hớn Minh sồ sộ dị kỳ rất hung, lúc bất bình
trước con quan huyện thì vật chàng xuống đó, bẻ đi một giò, rồi tự nộp
mình, bị tù, vượt ngục, ở ẩn trong chùa, v.v...
Đối
chiếu hai lối tiểu thuyết Miền Bắc và Miền Nam, Vũ Ngọc Phan có so sánh hai tác
giả, đồng thời là Hoàng Ngọc Phách và Hồ Biểu Chánh: “Tiểu thuyết họ Hoàng
thiên về tả tình và giọng văn nhiều chỗ ủy mị, cầu kỳ, không tự nhiên. Còn tiểu
thuyết của họ Hồ thiên về tả việc và lời văn mạnh mẽ, giản dị, nhiều chỗ như lời
nói thường (...), đầy động tác, việc nọ việc kia dồn dập, gây cho người đọc những
cảm tưởng kỳ thú. Nếu đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh mà lại chê là kém mặt tả
tình thì thật là không biết nhận xét (...). Tính tình của người ta còn biểu lộ
ra hành động nữa” (5).
[...mất chữ]
“Nhà
văn đã giới thiệu với chúng ta một cô Sâm dũng cảm, ngang tàng, hồn nhiên,
trong sáng, nhưng phần suy nghĩ nội tâm, thế giới tinh thần phong phú của nhân
vật chưa được khai thác hết. Giá như tác giả chú ý khai thác được những suy
nghĩ bên trong của Sâm về sự sống và cái chết, về lý tưởng và hạnh phúc, v.v.
thì nhân vật này sẽ có chiều sâu lắng hơn, phong phúc và toàn diện hơn”(6).
Nhận xét của Phan Cự Đệ đúng. Nhưng nếu Út Sâm suy nghĩ nhiều
quá, sẽ mất cái đặc tính Miền Nam đi, sẽ gần với nàng Chinh Phụ, nàng Cung oán,
nàng Kiều và sẽ xa người chị là Kiều Nguyệt Nga. Cô này gặp Vân Tiên, yêu, trao
trâm, làm thơ tỏ tình chỉ trong mấy phút, chứ không có lối tình trong như
đã mặt ngoài còn e của cô Kiều. Nếu suy nghĩ kỹ quá thì Hớn Minh sẽ không
đủ thì giờ bẻ giò con quan Tri huyện.
Chúng ta hãy đi vào cấu trúc cụ thể của tác phẩm Phan Tứ.
Trong tập truyện ngắn Về Làng, (7) Phan Tứ đã dùng lối kể
chuyện linh hoạt và hấp dẫn. mười năm sau, trong Trại S.T.18 (8), tác
giả vẫn dùng giọng kể đó để mô tả đời sống trong một trại tù binh tại miền
Trung Trung Bộ, trong đó mấy anh em bộ đội giam giữ và cải hóa ba tên tù binh Mỹ.
Lối kể chuyện dóm dáng của tác giả nối liền những trang nhật ký rời rạc, những
trang thư của các tên tù binh. Diễn tiến của động tác là những biến đổi trong
tư tưởng, trong tâm trạng của hai tên lính Mỹ Tom và Xam. Cuối cùng chúng được
phóng thích.
Trong hai tác phẩm này, Phan Tứ chỉ cần vận dụng tài kể chuyện
là đã thành công.
Khi dựng Gia Đình Má Bảy (9), một tác phẩm quy mô hơn, có lẽ
tác giả phải dụng công hơn, phải viết trong vòng năm năm từ tháng 3-1963 đến
tháng 5-1968: cho là, Phan Tứ bận nhiều công tác khác, khoảng thời gian dài ấy,
cộng với những lớp lang trong phép dựng truyện cũng chứng tỏ anh có nhiều dụng
công.
Truyện phản ánh cuộc khởi nghĩa tại xã Kỳ Bường, giữa Quảng
Nam - Quảng Ngãi, và những làng lân cận, “Để đấu tranh giành chính quyền và giữ
chính quyền trong những năm 1960 - 1961 qua câu chuyện của một gia đình
nông dân” (10), gia đình của Má Bảy và con trai là Tư Sỏi và con gái Út Sâm.
Thật ra, phải hiểu “gia đình” của Má theo một nghĩa .... [mất
chữ]
“gia đình nho nhỏ của Má hòa trong cái gia đình lớn đủ già trẻ
gái trai của Đảng”(11). Diễn tiến của truyện là lịch trình vận động quần chúng
giành lại chính quyền, bằng cách đấu tranh trực diện, binh vận và tấn công quân
sự để giải quyết chiến trường, gọi là “ba mũi giáp công”. Lịch sử đã cung cấp
cho Phan Tứ một cốt truyện mà không một bộ óc cá nhân nào có thể tưởng tượng ra
nổi. Về điểm này, Phan Cự Đệ có một tư tưởng thật đẹp “thời đại chúng ta
được đánh dấu bằng những sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại. Bản thân những sự kiện
đó có một ý nghĩa thẩm mỹ độc lập” (12).
Công của
nhà văn là sắp xếp lớp lang. Gia Đình Má Bảy gồm có hai phần bằng
nhau, mỗi phần mười một chương, tổ chức theo quy mô của một tiểu thuyết cổ điển:
hai chương đầu mô tả đời sống cơ cực, nhục nhằn của dân xã Kỳ Bường dưới sự đàn
áp của chính quyền Mỹ Diệm, cuộc sống không có ánh sáng cách mạng; xã nầy thời
chống Pháp đã tự do, nên sau Giơ-neo, cán bộ hoặc đi tập kết, hoặc ở núi. Bốn
chương sau, cán bộ về tổ chức vận động quần chúng đồng khởi lật đổ bọn Mỹ nguỵ.
Hai chương tiếp theo tả đời sống tâm lý bọn Ngụy. Không khí căng thẳng đến ba
chương cuối cùng là cao điểm: dân chúng, với sự yểm trợ của bộ đội và du kích đứng
lên giành chính quyền, bắt ác ôn. Chương cuối cùng xử ác ôn, ân oán phân minh. Đại
khái như hồi cuối của Vân Tiên. Nhưng đây chỉ mới là phần I. Như vậy mỗi phần
đã là một “truyện” có giá trị tự tại. Tuy nhiên sau đó lại có phần II, vì sau
Vân Tiên, giới thính giả bình dân còn có Hậu Vân Tiên, cũng như có Hậu
Thạch Sanh, Hậu Phạm Công, Hậu Thoại Khanh và cả Hậu Tam Quốc.
Phần
II cũng theo một nhịp như thế. Năm chương đầu trình bày việc tổ chức xã ấp sau
đợt đồng khởi, xây dựng du kích, kiện toàn địch vận. Từ chương 16 địch phản
công ta đánh trả không khí tiểu thuyết rất sôi nổi, gay cấn, đi dần đến cao độ
khi nữa du kích Út Sâm - nhân vật chính của phần II - bị địch bắt, tra tấn. Cái
gút được tháo gỡ ở chương áp chót, khi “ba mũi giáp công” của ta đồng loạt đánh
vào sao huyệt của địch giải phóng cho Út Sâm. Cô này tự tay xử tử tên ác ôn
Rân, vừa vì thù chung, vừa có thù riêng. Ân oán đã rạch ròi rồi, thì đoạn cuối
dĩ nhiên là đoạn liên hoan, đoạn Út Sâm cởi mở tâm tình với người yêu, đoạn “âu
ca” trong truyện cổ. Vân Tiên nhận áo mão trạng nguyên về tới Đông Thành.
Và nếu muốn, Phan Tứ có thể thêm vào phần III. Thêm một vài trống canh cũng
thú. Mà tạm dừng lại thì thính giả đều đã thoả mãn, cả trong hiếu kỳ lẫn trong
nhu cầu đạo lý. Trong cả hai phần, nhiều đoạn rất hào hứng nhất là ở cao điểm của
động tác, vào những chương áp chót. Hào hùng không kém đoạn cướp pháp trường
trong Thuỷ Hử hay đoạn Xích Bích trong Tam Quốc chí.
Hư cấu
đó có cái kỳ thú lẫn cái ngây thơ. Có lẽ Phan Tứ cũng ý thức điều đó. Cho nên
sang đến Mẫn và Tôi (13) anh vẫn say mê kể chuyện, nhưng kể một cách
khác, một giai đoạn của nhân vật Thiêm, khoảng 1964 - 1965.
Thiêm
là Đại đội phó chủ lực, được lệnh di chuyển từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi. Đi
ngang qua xã Tam Sa dừng lại cứu lụt, gặp nữ du kích Mẫn. Sau đó, anh lại được
lệnh rời đơn vị, đi làm quân báo để nghiên cứ khả năng của Mỹ tại căn cứ Chu
Lai, khi chúng mới đổ bộ lên căn cứ này, để chuẩn bị cho đại đội anh tấn công
vào. Chu Lai, nằm trong vòng đai Tam Sa, anh phải trở lại Tam Sa giúp tổ chức
quần chúng và du kích để làm bàn đạp; rồi yêu Mẫn. Sau đó, Thiêm xâm nhập vào gần
căn cứ Chu Lai để quan sát. Khi trận tuyến chuẩn bị gần xong, anh bị thương nặng,
được đưa đi viện, Mẫn đến thăm. Hết chuyện.
Chúng
ta không những xa truyện Tây Minh mà còn xa lối dựng truyện của các
tiểu thuyết mà còn xa lối dựng truyện của các tiểu thuyết gia cận đại. Các nhà
phê bình đại khái đều cho rằng “cuốn tiểu thuyết chưa có được một xung đột
trung tâm (...) quan xuyến cả quá trình phát triển của cả hai loại nhân vật
chính diện và phản diện... một số đoạn mô tả có phần rời rạc kém hấp dẫn” (14)
“Phan Tứ biết cách dẫn dắt vấn đề một cách tự nhiên, có điều chưa phải đã trở
thành phong cách ổn định, (...) nhiều trang phải kiên nhẫn lắm mới đọc được” (15).
Tôi
cho rằng sở dĩ người “xem sách” Phan Tứ có cảm giác “rời rạc” không “ổn định”
đó, là vì ở Mẫn và Tôi, Phan Tứ muốn thí nghiệm một kiến trúc mới cho
tiểu thuyết: hư cấu tiểu thuyết nằm trong mỗi chương, vì mỗi chương đều có giá
trị tự tại và tương quan giữa hai mươi lăm chương nằm ngoài tác phẩm: đó là những
khó khăn của sự nghiệp chống Mỹ, kẻ thù giàu mạnh và cùng hung cực ác. Phan Tứ
vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm kối kể chuyện của Miền Nam, nhất là tại quê anh, miền
Trung Trung bộ; nhưng anh muốn thoát ly ra khỏi cái kết cấu giả tạo của những
Thoại Khanh-Châu Tuấn hay Thạch Sanh-Lý Thông vì cuộc đời không giải quyết bằng
những phép lạ những vấn đề đó đặt ra. Do đó toàn bộ cuốn tiểu thuyết là sự chuẩn
bị tấn công vào căn cứ Mỹ tại Chu lai nhưng trước khi trận đánh diễn ra tác giả
đã đưa nhân vật chính, người hùng, vào nằm bệnh viện. Vì cuộc chiến vẫn tiếp diễn
với ngàn vạn khó khăn, Phan Tứ không muốn viết một cuốn tiểu thuyết dài để kể một
chiến công cục bộ. Anh hiện thực chỗ đó. Và anh thuyết phục chỗ đó.
Sở dĩ
Mẫn và Tôikhông có xung đột trung tâm vì Phan Tứ không muốn tạo xung đột
trung tâm; từ ba mươi năm nay mỗi chúng ta đều phải sống một xung đột toàn diện
- xung đột hằng giờ hằng phút với ngoại xâm, vì chúng ta nhất định giành lại độc
lập, thống nhất cho tổ quốc. Trung tâm ở đó, mà chu vi cũng ở đó.
Sa đà
vào lý thuyết thì vô cùng vô tận. Nay ta hãy phân tích cụ thể vài chương đầu của Mẫn
và Tôiđể thấy kỹ thuật của tác giả.
Chương
I gồm có năm tiểu đoạn, tổng cộng hai mươi trang. Trang đầu đưa ta ngay vào không
khí căng thẳng, rắn rỏi của cuộc chiến đấu vừa chống địch vừa chống thiên
nhiên. Thiên nhiên ở đây là trận lụt tàn khốc tại Quảng Nam năm 1964. Đoạn I tả
cảnh đại đội níu sợi mây, vượt con thác lũ; anh em đều cởi hết áo quần, bất ngờ
có hai cô nữ du kích đến cầu cứu. Đại đội phó là Thiêm phải làm lơ vì cần chuyển
quân gấp. Đoạn hai tả cảnh lụt khốc hại, nhất là đối với đồng bào bị nhốt trong
ấp chiến lược. Hai đoạn sau nêu vấn đề: trước cảnh tang thương như vậy bộ đội
phải làm sao? Cứu lụt thì chậm công tác mà bỏ đi thì khó. Đoạn cuối giải gút:
tin chiến thắng từ Quảng Ngãi gửi về, kèm theo với lịnh dừng quân cứu lụt. Năm
tiểu đoạn giống như năm “hồi” trong một vở kịch cổ điển của Pháp hay năm phần
trong một bài thơ Đường luật: Phá, thừa, thực, luận, kết. Và ở cái phần “thực,
luận” tác giả đã gợi ra vấn đề ấp chiến lược và giặc Mỹ: tự nó đã là một tai hoạ
lại còn mang theo nhiều tai hoạ khác: thuốc khai quang làm cho núi lở, đồng bào
trong ấp chạy lụt không được, vướng mìn, giây kẽm gai, chết cả trăm cả nghìn.
Như vậy chương I có một giá trị tự tại, về cả hai phương diện bố cục lẫn tác dụng
tố cáo.
Chương
II là cảnh vừa cứu lụt, vừa đánh giặc vừa thương tâm vừa gay cấn. Chương III, cảnh
nước rút; đại đội chuẩn bị tấn công một đơn vị địch, rồi vấp phải những vấn đề
nội bộ của du kích xã.
Mỗi
chương đều được cấu trúc chặt chẽ; có thể nói được là Phan Tứ kết một xâu chuyện
ngắn để làm thành một chuyện dài. Chuyện dài đó, là lịch sử cuộc tranh đấu trường
kỳ của Thiêm, của xã Tam Sa, mà Mẫn và Tôi, trong toàn bộ chỉ phản ánh một
giai đoạn ngắn. Đó cũng là một quan niệm về hư cấu tiểu thuyết. Quan niệm đó có
cơ sở hiện thực. Thích hay không thích thì tuỳ người xem sách. Cũng có thể là
“nghe” chuyện Phan Tứ thú hơn là “xem” truyện Phan Tứ. Phải chăng ở đây có
“chuyện” mà chưa thành “truyện”?
Quan
niệm hư cấu ấy mang lại một hệ quả, là vấn đề nhân vật. Vì trong sự sống
và cuộc chiến đấu xô bồ nhân vật không có địa vị độc tôn như trong tiểu thuyết
cổ điển. Các nhà phê bình đều cho rằng nhân vật Phan Tứ còn hời hợt chưa lắng
đọng (...), cuộc sống nội tâm chưa thật là đông đặc (16). Phan Cự Đệ
còn đặt ngay vấn đề sáng tạo nhân vật “những nhận xét sắc sảo và tỉnh táo (của
tác giả) thường đi trước sự miêu tả nhân vật đôi khi có khuynh hướng thay
thế cho sự tự biểu hiện của nhân vật” (17).
Về
nhân vật tôi thấy ở tác phẩm Phan Tứ có hai khía cạnh, thực hành và lý thuyết.
Trước
hết, về thực hành Phan Tứ bị ảnh hưởng lối kể chuyện của Miền Nam, làm cho nhân
vật bị gò bó. Vì kể chuyện bằng miệng, nên người kể phải giảng giải tường tận về
nhân vật, để người nghe chỉ theo dõi sự kiện mà thôi. Mà sự kiện ở đây, thường
thường là những nghịch cảnh cản bước nhân vật, chứ không phải do nhân vật tạo
ta để biểu hiện cá tính của mình. Chàng Vân Tiên mà không mù thì không có chuyện
Lục Vân Tiên. Nhân vật thiếu chiều sâu cũng vì thế. Nhưng không biết “chiều
sâu” có phải là một giá trị tuyệt đối của tiểu thuyết hay không?
Ở vùng
Trung Trung bộ ngày xưa có lối “hát nhân ngãi” nghĩa là một cách kể chuyện, như
trong một tuồng cương về sau này: “Trong vở tuồng cương ấy bắt đầu một phần
trình bày là sự giới thiệu nhân vật, trai và gái, những diễn tiến của hội ngộ,
những tình tiết bất ngờ... như thế, các diễn viên phải theo cho sát cuộc đối
thoại bằng văn vần đó, kết cấu thế nào cho các tình tiết tiến triển hợp tình hợp
lý. Sân khấu nhân dân này có cái đặc sắc cút nó là không phải đoạn kết bao giờ
cũng “có hậu” cả. Những buổi trình diễn khẩu chiếm dưới trăng ấy đã lôi kéo
hàng trăm khán giả đêm này qua đêm khác” (18).
Có thể Phan Tứ chưa bao giờ dự một buổi hát như thế, nhưng lối
văn nghệ nhân dân ở quê hương anh, qua đời sống gắn bó với địa phương có thể ảnh
hưởng đến lối viết của anh. Thành ra, những hời hợt ở nhân vật Phan Tứ không phải
do ở bản thân tác giả, mà do sự lựa chọn phương pháp của tác giả, theo một truyền
thống lâu đời của địa phương. Đưa ra một chiều sâu bắt nhân vật tiểu thuyết Miền
Nam phải leo xuống, là đổi cả cá tính của họ. Nên hay không nên?
Đó lại
là một vấn đề lý thuyết tôi muốn nêu ra ở đây.
Lê Thị
Đức Hạnh phê bình Phan Tứ cái hướng dẫn ngòi bút nhà văn nhiều khi là vấn
đề, là sự kiện, là phong trào chứ chưa phải là cuộc sống của bản thân nhâ vật,
thế mà vấn đề rất quan trọng của tiểu thuyết lại là vấn đề nhân vật (19).
Phan Cự Đệ lại còn khuyên Phan Tứ nên học tập kinh nghiệm của Dich-ken và
L. Tônxtôi (20). Tôi nghĩ vấn đề không đơn giản như vậy. Ngay chữ “nhân vật”
trong tiểu thuyết cũng đã là một ý niệm tế nhị. Trong hoàn cảnh lịch sử Việt
Nam, trogn hoàn cảnh tiểu thuyết Miền Nam, ý niệm đó lại càng thể hiện linh động.
Nói mà nghe cho vui, liệu Dich-ken và L. Tônxtôi có tạo ra được một Nguyễn Văn
Trỗi?
Về tuyến
nhân vật tiểu thuyết nói chung, và nhân vật của Phan Tứ nói riêng, Trinh Xuân
An có cái nhìn thật cởi mở và tinh tường: “Về mặt xây dựng tính cách nhân
vật, hiện nay có hai quan niệm khác nhau. Một quan niệm cho tiểu thuyết nên làm
rõ số phận từng nhân vật (...) có người cho quan niệm này đã cũ rồi. Họ quay về
quan niệm thứ hai: khi giai cấp công nhân đã giành được chính quyền về tay mình
(...) họ làm chủ tập thể của họ. Trong văn nghệ nên thể hiện tập thể anh hùng,
mới thuận lợi và đúng hơn (...). Trong Gia Đình Má Bảy, Phan Tứ chia nhân vật
anh ra từng tập thể nhỏ. Những nhân vật trong từng tập thể nhỏ ấy bổ xung cho
nhau về các mặt tính chất điển hình của một tầng lớp xã hội nhất định ở Miền Nam
trong thời kỳ trước và sau đồng khởi” (21).
Ý niệm
“nhân vật tập thể” này còn rõ ràng hơn nữa trong Mẫn và Tôi. Ngoài nhân vật
Thiêm tự kể chuyện mình, xưng “tôi” suốt tác phẩm,các nhân vật khác nói chung đều
mờ nhạt. Mờ nhạt hơn cả trong Gia Đình Má Bảy. Về nhân vật phản diện, cha
con Xã Chinh không rõ nét như Ba Phổ hoặc Rân; về chính diện, cán bộ lãnh đạo,
trong Mẫn và Tôi không ai đậm đạp như anh Chín Chuyền trong tác phẩm
trước.
Tôi hy
vọng rằng tác phẩm của Phan Tứ, của các nhà văn Miền Nam, của lối kể chuyện Miền
Nam sẽ đặt lại một số vấn đề lý thuyết về bộ môn tiểu thuyết.
Hệ quả
tiếp theo của lối kể chuyện của Phan Tứ là cách nêu lên những vấn đề. Vì một
trong những nhiệm vụ của văn nghệ là đặt những vấn đề về cuộc sống.
Trong Gia Đình Má Bảy, cốt chuyện rộng rãi, tác giả đặt
những vấn đề lớn, ví dụ như vấn đề công bằng xã hội trong lịch sử dân tộc: “Bởi
sống nửa đời trong bung lầy như bị vùi đến nửa thân, má hiểu lắm cái phận
tá điền sinh ra để cày ruộng người, kiếp trước truyền cho kiếp sau chỉ một túp
lều rách. Người xưa đã dẹp hết các thứ giặc từ ngoài đến mà không trị nổi bọn
giặc trong làng. Con trâu đủ sức giết cọp mà không tự tháo gỡ được con đỉa hút
máu ở cổ, đành chịu vậy đến khi ngã quỵ” (tr. 198).
Trong Mẫn và Tôi, động tác bị xé lẻ thành từng chương, độc giả không còn gặp
những vấn đề quy mô như vậy mà gặp những vấn đề vụn hơn, cụ thể hơn, về người
đàn bà chẳng hạn: “Hai chục năm nay đồng bào đồng bào mình đánh vật đánh
Tây rồi đánh Mỹ, học về đường lối và chính sách nhiều lắm, thử hỏi có lần nào
được học kỹ về thái độ đối với người phụ nữ về tình cảm trai gái vợ chồng hay
không? Đạo đức số một như chú Luân đó, về nhà nói với vợ cũng quanh năm mày
tao. Thói quen ngàn năm...” (tr. 220)
Những
trang cảm động nhất của Gia Đình Má Bảy có thể là những trang đẹp nhất
trong văn nghệ Miền Nam, là những trang mô tả những hy sinh thầm lặng của người
phụ nữ Miền Nam trong hai cuộc kháng chiến (tr. 84 - 88). Đến Mẫn và Tôi,
không còn những mô tả khái quát, toàn diện như thế, mà chỉ còn những chi tiết
nhỏ.
“Anh
thấy đó, chưa đẻ mang con trước bụng, đẻ mấy năm rồi cũng y nguyên đồ đạc sau
lưng, con đeo trước bụng, có gì thân mẹ che thân con. Có phải Miền Bắc đâu mà sẵn
nhà giữ trẻ cho mẹ gửi con đi làm? Ba lô đàng sau là việc nước, ba lô đàng trước
là việc nhà, cứ vậy mà đội bom đạn đi công tác, lâu lâu không có món gì gửi cho
chồng thì lại nuốt cơm không xuống. Còn ông chồng nữa, ông chồng thiệt tới hay.
Ông ra đi cứu nước thì giỏi bằng trời, xin phục ông sát đất, mà nghe ông tính
chuyện nhà thì nhịn cười không nổi. Hay tin con biết đi, ông mới về bồng thử,
chà thằng nhỏ nặng quá ta, mau lớn đánh Mỹ với Ba nghe con. Coi bộ nó có em được
rồi, người ta nói con một nó hay trái chứng” (tr. 403 - 404).
Những
nét hiện thực chân thật như vậy thật cảm động. Phan Tứ đã đánh đổ cái thành kiến
cho rằng nhà văn Miền Nam không biết mô tả phụ nữ, không sành đàn bà bằng nhà
văn Miền Bắc, lấy cô Kiều và cô Nguyệt Nga làm ví dụ. Phan Tứ có nêu lên vấn đề
khác, những nhận xét nhỏ cục bộ, vừa với kích thước của một tác phẩm văn nghệ,
đánh thức sự phê phán của người đọc mà không lấy giọng giáo điều. Phan Tứ cho
ta biết trong hàng ngũ kháng chiến cũng có nhân vật xấu như Ba Thấn, cũng có
cán bộ chờ thời như Tám Liệp; du kích cũng có khi sơ hở và thua đậm chứ không
phải trăm trận trăm thắng (tr. 164). Thỉnh thoảng cũng có anh nhà báo nói láo ăn
tiền (tr. 74) hay anh chính trị viên ba hoa, dốt cả quân sự lẫn địa lý (tr.
486). Phan Tứ đặt những vấn đề đó ở cái tầm quan trọng của nó, chứ không khuếch
đại. Truyện của anh nhờ đó mà dí dỏm, nhẹ nhàng. Dĩ nhiên là khi trình bày nhiều
vấn đề như thế nhân vật của Phan Tứ có khi lý giải dài dòng bằng những tràng lý
thuyết (22), ví dụ như các đoạn về người phụ nữ vừa trích dẫn. Nhưng những lý
giải đó hợp với lối kể chuyện Miền Nam. Ai cũng biết rằng đoạn văn trứ danh nhất
của Nguyễn Đình Chiểu là đoạn “quán rằng ghét việc tầm phào” trong Lục
Vân Tiên, mà người nghe rất khoái.
Hệ luận
cuối cùng của lối kể chuyện Miền Nam trong Phan Tứ là tính cách của ngôn ngữ dựa
trên lời ăn tiếng nói của nhân dân từ cách dùng chữ đến cách đặt câu
-
Rồi chưa anh Thiêm làm?
Mẫn
và Tôi bắt đầu bằng một câu lạ tai như thế của nhân vật Dé, một chiến sĩ
thuộc dân tộc ít người, nói chưa thạo tiếng Việt.
Văn của
Phan Tứ là văn nói nhiều hơn là văn viết, do đó, anh dùng nhiều tiếng địa
phương, tuy tránh lạm dụng những từ mô tê, răng rứa. Những tiếng lạ đều được
chú thích, nhưng không hết. Ví dụ trong Gia Đình Má Bảy, có ô chó (tr.
92), lạnh dữ ác (tr. 120).
Lối
nói chuyện của dân Quảng Nam thường vần vè, và Phan Tứ theo rất sát:
-
Bác nuôi heo cho Út Sâm chưa bác?
- Nó
báo cáo rồi: ngắn sáu hai, dài sáu ba
- Cùng
lắm thì non sáu ba già sáu tư
(Gia Đình Má Bảy, tr. 372)
(Ý nói
1962, 1963, 1964 gì đó thì có đám cưới Út Sâm)
Đôi
khi người nông dân lồng những ca dao, tục ngữ vào câu nói thường: “mèo già
thì chó cũng già, mi cầm duyên nó, mi đã được chi! Lão nhắm tháng nào cưới được?” (Mẫn
và Tôi tr. 478). Câu nói do đó, nhịp nhàng, dù người nói không có ý vần
vè: “các người tưởng/ tháo lạt dang/ thay dây chuối/ mở bó nhỏ/ ráp bó to/
là tôi chịu thua à?” (Gia Đình Má Bảy tr. 207).
Đó là
lối thoại trực tiếp. Nhưng ngay khi Phan Tứ viết, ta cũng gặp những tiết điệu
như thế, dường như ngòi bút của anh lúc nào cũng nhịp nhàng theo tiếng
nói: “bắn chưa chắc trúng/ trúng chưa chắc chết/ mà chết thì thôi/ chứ sao
nữa/ coi như đứt nôi/ hồi mới đẻ” (Gia Đình Má Bảy tr. 161).
Đối
thoại rất linh động. Nhiều nhân vật có lối nói riêng, ví dụ các nhân vật phản
diện, như Phô, Rân, Chinh lời lẽ samg sỡ; các người lớn tuổi như ông Nhâm, ông
Mười ưa nói chữ, thích chơi chữ, hay nói lái... Trung sĩ Huỳnh nói gì cũng chen
vào chữ “hễ”.
Tóm lại
Phan Tứ khi sáng tác truyện dài, có chịu ảnh hưởng lối kể chuyện của người bình
dân Miền Nam, từ Ải Vân trở vô. Ảnh hưởng đó len vào cách tổ chức hư cấu, xây dựng
nhân vật, chọn và đặt vấn đề, sử dụng ngôn ngữ.
Đi từ
truyền thống bình dân, Phan Tứ đã và đang làm mới lại tiểu thuyết nhờ ba yếu tố:
thứ nhất, anh gắn bó với nhân dân, nên lối kể đã nhập tâm, đã nhuần nhuyễn, chứ
không phải là một kỹ xảo trí thức. Thứ nhì: bản thân anh có tài. Thứ ba: lịch sử
đã giúp anh giải quyết những khó khăn kỹ thuật. Ở vùng bị chiếm Bình Nguyên Lộc
dựng truyện ngắn rất tài (xem Ký Thác) mà viết tiểu thuyết rất xoàng
(Đò Dọc; Gieo Gió Gặt Bão). Vũ Hạnh cũng vậy: tập truyện ngắn Vượt
Thác rất hay, mà không thấy anh viết truyện dài. Các nhà văn đó chưa tạo
được hư cấu qui mô cho một tiểu thuyết lớn. Sự thật của cuộc đấu tranh gay cấn
đã cung cấp cho Phan Tứ cái sườn của hư cấu, cũng như những nét lớn của nhân vật
và những tư tưởng sâu sắc về cuộc sống.
Với
cái vốn kiến thức năm cha ba mẹ - theo lời nói của Phan Tứ - tôi không ngại
trình bày cùng tác giả và các nhà phê bình chuyên nghiệp trong nước một vài suy
nghĩ về một khía cạnh kỹ thuật của tác phẩm Phan Tứ.
Những
suy nghĩ có thể chủ quan, vì thật ra, nó bắt nguồn từ một rung cảm. Tôi đã cảm
động khi đọc Phan Tứ, vì cái lý do chung là tác giả đã gợi lại quá trình một cuộc
tranh đấu quyết liệt của nhân dân ta tại một địa phương. Ngoài ra, còn có lý do
riêng, là địa phương ở đây là quê hương xa cách của riêng tôi.
Bụi
chuối, bờ tre trong tác phẩm của Phan Tứ là tâm cảnh của tôi. Nhân vật của anh,
từ chính diện đến phản diện, đều có thể là bà con, cô bác hay bạn bè tôi, những
kẻ đã cầm súng bên này hay bên kia chiến tuyến, vẫn còn hay đã chết.
Hương
vị trong tác phẩm Phan Tứ khơi dậy trong tôi nhiều kỷ niệm. Về các món ăn Việt
Nam, tôi đã đọc Tản Đà, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, nhưng chỉ thấy văn hay
mà không xúc động; vì họ hàng tôi có người suốt đời chưa bao giờ được ăn phở
hay bánh cuốn. Ở Phan Tứ, khác.
“Những
con cá mục to bằng cổ tay kho ngọt, cuốn với bánh tráng và rau muống sống, ái
chà chà, ngậm mà nghe chớ không muốn nuốt” (Mẫn và Tôi, tr. 192). Tôi nhớ quê
và nhớ luôn cả cái bánh madeleine của Proust. Và “nhớ xót xa nhưng đũa mắm thơm
xổi với cá chuồn băm mà má gắp bỏ trong chén cho con” (Gia Đình Má Bảy tr.
109). Bỗng dưng nhớ bà cụ tôi quá.
Và nhớ
cả tuổi thơ nghèo khó, lạc lõng trong thành phố bị giặc chiếm “chỉ giám hưởng
phần mấy, trái me rụng quãng gần nhà thờ, những bông phượng héo để chơi đá gà hoặc
thổi phình vỗ bép vào trán, lúc đói thì đập những trái bàng khô lấy cái nhân
beo béo mà nhấm”.
Tôi muốn
gởi chút tình riêng với lời cảm ơn đến Phan Tứ, nhà văn, người bạn.
CHÚ THÍCH
1. Trịnh Xuân An, thời đại mới, văn học mới, nxb văn học Hà Nội,
1971, tr. 78 - 92.
2. Phạm Văn Sĩ, văn học giải phóng miền Nam, nxb đại học và
trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1975, tr. 319 - 348.
3. Phan Cự Đệ, cuộc sống và tiếng nói nghệ thuật, nxb văn học
Hà Nội, 1971, tr. 66 - 72.
4. Lê Thị Đức Hạnh, tạp chí văn học, số 2 - 1975, Hà Nội, tr.
39 - 46.
5. Vũ Ngọc Phan, nhà văn hiện đại, 1942, cuốn II Vĩnh thịnh
tái bản, Hà Nội, 1951, tr. 184.
6. Phan Cự Đệ, sđd, tr. 70
7. nxb văn học Hà Nội, 1964
8. nxb thanh niên Hà Nội, 1974
9. nxb giải phóng Hà Nội, 1968
10. Gia Đình Má Bảy, lời nxb, tr. 6
11. Gia Đình Má Bảy, tr. 199
12. Phan Cự Đệ, sđd, tr. 71
13. nxb thanh niên Hà Nội, 1972
14. Phạm Văn Sĩ, sđd, tr. 343
15. Lê Thị Đức Hạnh, bđd, tr. 45 - 46
16. Phạm Văn Sĩ, sđd, tr. 343
17. Phan Cự Đệ, tiểu thuyết việt nam hiện đại, nxb văn học và
trung học chuyên nghiệp, cuốn I, Hà Nội, 1974, tr. 378.
18. Nguyễn Văn Xuân, khi người lưu dân trở lại, thời mới,
Saigon, 1969, tr. 25
19. Lê Thị Đức Hạnh, bđd, tr. 46
20. Phan Cự Đệ, tiểu thuyết việt nam hiện đại, tr. 378.
21. Trịnh Xuân An, sđd, tr. 83 - 84.
22. Lê Thị Đức Hạnh, bđd, tr. 46.
Tháng 12/1975
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét