Đàn tính - Hát Then báu vật
Đến những bản vùng cao Tây Bắc, hình ảnh thường gặp
là những vị cao niên tay cầm đàn Tính nắn từng nốt nhạc để luyện từng câu hát
Then cho các em nhỏ.
Đến những bản vùng cao Tây Bắc, hình ảnh thường gặp là những
vị cao niên tay cầm đàn Tính nắn từng nốt nhạc để luyện từng câu hát Then cho
các em nhỏ. Với đồng bào người dân tộc Tày, Nùng, Thái ở nhiều tỉnh vùng cao
phía Bắc, Then không chỉ là một loại hình văn hóa, văn nghệ đặc sắc mà còn gắn
liền với sinh hoạt tín ngưỡng, đời
sống tâm linh của bà con nơi đây. Then đặc biệt bởi nhạc đàn trong
Then chủ yếu là nhạc Tính Then (đàn Tính). Đàn tính giữ vai trò quan trọng
trong việc hát Then nói riêng và làm Then nói chung.
Đàn Tính - yếu tố không thể thiếu trong văn hóa Then
Đồng bào người Tày coi Then như một văn hóa, tín ngưỡng. Văn
hóa Then có nghệ nhân làm Then, hát Then, câu chuyện Then, múa Then và đàn tính
là yếu tố tiên quyết giúp văn hóa Then được hoàn thiện, với tên gọi âm nhạc
Then. Tất cả được trình diễn trong một “sân khấu tâm linh” thông qua nghệ nhân
Then để liên hệ với trời đất, cầu xin đấng thượng đế che chở, bảo vệ con người
dưới dương gian.
Tại phiên họp ngày 12/12/2019, Phiên họp ủy ban Liên Chính phủ
Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO, di sản
thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi
danh Di
sản phi vật thể. Đây là niềm vui chung của cả Việt Nam nói chung, bà con
các dân
tộc miền núi phía Bắc nói riêng. Điều này cho thấy dòng chảy của Then
trong đời sống đương đại đã không bị đứt quãng, tuy rằng việc hồi phục nó, đem
tới cho nó sức sống mạnh mẽ là điều hết sức khó khăn.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc
cho biết, Then là một quá trình“kể chuyện tín ngưỡng bằng âm nhạc”. Tùy vào diễn
biến câu chuyện Then mà các thầy cúng Then ứng dụng các điệu hát, các kiểu bạch
thoại một cách hết sức tinh vi, linh hoạt. Ví dụ như khi biểu hiện sức mạnh của
cả đoàn quân Then khi vượt biển, các thầy then thường sử dụng cùng lúc cả nhạc
hát, nhạc đàn và xóc nhạc. Tiết tấu hát được đẩy lên nhanh, xóc nhạc rung lên rộn
ràng tạo sự thay đổi trong không khí âm nhạc của điệu hát. Cũng có khi đoàn
quân Then tiễn quân đến một chặng đường trên Mường, các thầy Then thường có những
cuộc hát đối đáp với người tham dự. Những cuộc hát đối đáp đó đã đem lại một
không khí gần gũi, thân mật và rất đời xảy ra giữa Then tín ngưỡng.
Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Phương Thu,
dân tộc Tày (Cao Bằng)
dân tộc Tày (Cao Bằng)
Mỗi dòng Then thường có những điệu khác nhau nhưng có
chung âm hưởng Then. Những điệu hát ấy không có tên gọi, chúng được áp dụng một
cách linh hoạt để thể hiện nội dung câu chuyện của mỗi chặng đường Then. Do vậy
người ta gọi tên điệu hát theo tên gọi của từng chặng đường Then. Ví dụ chặng
Tàng bốc thì gọi Then Tàng bốc, chặng Khải hải thì gọi là điệu Then Khảm hải,
chặng Vào chầu gọi là điệu Then Chầu…
Một trong những nét đặc sắc của Thực hành Then chính là hát
Then. Để có được nét đặc sắc hát Then này phải kể đến sự đồng điệu của đàn
tính. Truyền thuyết kể rằng, đàn tính vốn có chín dây, mỗi khi cất lên, tiếng
đàn làm ngẩn ngơ muông thú cỏ cây: “Cá nghe chết chín đoạn suối. Chuột nghe chết
chín quãng rừng. Trai gái nghe chết chín cõi lòng”. Vì thế, Ngọc Hoàng phải tước
bớt số dây đi, chỉ để lại ba dây cho một cây đàn tính đến thời điểm hiện tại.
Đàn tính giữ vai trò quan trọng trong việc hát then nói riêng
và làm Then nói chung. Nó thường được tấu lên vào những lúc khởi đầu buổi lễ,
hoặc khởi đầu một chặng đường Then sau những phút ngưng nghỉ giữa chừng (nghỉ lấy
hơi) của các thầy Then. Những khúc dạo của đàn tính lại làm thay đổi không khí
triền miên của giọng hát. Và chính nó là nhân tố tạo âm hưởng âm nhạc mới mẻ
trong mỗi đêm lễ Then. Không chỉ thế, những khúc độc tấu của đàn tính Then còn
là sự thể hiện tài năng diễn tấu, khả năng ứng tác của mỗi thầy. Thật khó để có
thể tìm được sự giống nhau ở mỗi câu đàn, mỗi ngón đàn không chỉ ở mỗi vùng
Then mà ngay trong mỗi dòng Then, ở trong mỗi thầy Then. Chính vì vậy, ngày nay
đàn tính đã trở thành cây đàn độc tấu trên các sân khấu ca - múa - nhạc chuyên
nghiệp.
Đàn tính hay tính tẩu là một loại nhạc cụ dân tộc thuộc bộ
dây, có vẻ ngoài tương đối đơn giản với ba bộ phận bầu đàn, cần đàn và dây đàn.
Tuy vậy, ít ai biết rằng, làm ra một cây đàn tính cần trải qua rất nhiều công
đoạn phức tạp. Việc đầu tiên cũng là công việc khó khăn nhất, phải lựa chọn được
chính xác quả bầu dùng để làm bầu đàn. Quả bầu lọt được vào mắt xanh của người
nghệ nhân chế tác đàn tính có kích thước vừa phải, không quá to hay quá nhỏ, miệng
tròn, chu vi quả từ 60 - 70cm. Quả phải già, hình dáng tròn đẹp, vỏ dày cứng,
gõ vào có tiếng kêu đanh, như vậy mới có được âm sắc chuẩn.
Chọn được quả bầu ưng ý, nghệ nhân làm đàn tính cắt bỏ phần
trên, loại bỏ ruột bầu và ngâm quả bầu trong nước một tuần. Ngâm xong nước đầu
tiên, người thợ phơi quả bầu thật khô, sau đó ngâm tiếp với nước vôi thêm 2 - 3
ngày nữa. Mục đích ngâm nước vôi là để bầu không bị mối mọt, đàn giữ được lâu
hơn; quả bầu qua nước vôi cũng bớt cứng, âm thanh từ đó cũng khác đi. Hoàn tất
hai lượt ngâm, bầu đàn được mang đục lỗ xung quanh, chính là bước tạo ra âm
thanh cho cây đàn. Mỗi bầu đàn to nhỏ sẽ cần những kích thước lỗ đục khác nhau,
quả bé khoan lỗ bé, quả to khoan lỗ to. Có 6 điểm đục lỗ tất cả, mỗi điểm lại
có 9 lỗ, tổng cộng mỗi bầu đàn tính có 54 lỗ khoan. Nhưng khi lên được hoàn chỉnh
cây đàn, người thợ còn cần phải đánh và nghe thử xem âm đã đạt chưa, nếu chưa
được phải đục thêm lỗ trên bầu đàn.
Công đoạn tiếp theo là chế tác nắp đàn. Đây là một bộ phận phụ
gắn với bầu đàn, thường được làm từ một tấm gỗ nhẹ lấy từ thân cây hoa sữa hay
cây vông, dày khoảng 3mm. Vào thời điểm chưa có keo dính, người dân dân tộc Tày
sử dụng nhựa cây hồng để gắn nắp đàn với bầu đàn. Mỗi năm cây hồng lại chỉ cho
nhựa một mùa, bởi thế ngày xưa, mỗi năm cũng chỉ có thể làm đàn tính trong một
thời gian nhất định.
Đàn tính được biểu diễn trên sân khấu
Xong phần bầu đàn, là đến cần đàn. Cần đàn hay căn tính, được
làm từ các loại gỗ dẻo như thông đất, cây mỡ, gỗ xoan hay gỗ cây dẻ; chọn từ
cây già, mịn, ít vân thì cần đàn mới giữ được lâu mà không sợ cong vênh, sau đó
gọt đẽo và đánh giấy ráp cho bóng. Chiều dài trung bình của cần đàn từ 80 -
100cm, tùy theo sải tay người chơi. Người Tày có câu “slam căm tẩu, cẩu căn
càn” như một công thức chung cho tỷ lệ bầu đàn và cần đàn, trong đó mặt bầu rộng
bằng ba ngón tay, cần đàn bằng chín nắm tay.
Trên cùng cần đàn là phần thủ đàn hình lưỡi liềm, đây là phần
người thợ chế tác đàn tính được thỏa sức sáng tạo với những hoa văn chạm khắc
riêng. Sau khi hoàn thành, người thợ tiến hành lắp ráp cần đàn với bầu đàn, sau
đó đánh bóng thêm lần nữa rồi phơi khô để lắp dây đàn. Đàn tính truyền thống có
3 dây làm từ tơ xe, tuy vậy ngày nay người ta có thể thay tơ xe bằng các loại
dây khác dễ kiếm hơn như dây dù hoặc dây cước.
Đàn tính ngày nay được các nhà đạo diễn đưa lên sân khấu, trở
thành những tiết mục ca nhạc dân tộc hấp dẫn người nghe, người xem. Nhất là
trong các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Cả một dàn đàn
tính hoà tấu những bản nhạc hiện đại lại càng tôn vinh nghệ thuật truyền thống
của dân
tộc Tày.
Đàn tính - hát Then không chỉ mang giá trị dân gian thuần khiết
của người Tày, mà còn là kho tàng về di sản văn hóa của người Việt nói chung, về
các quy tắc diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, điển tích, truyền thuyết, về bản
làng tiên tổ... Văn hóa Then giúp quy tụ, gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng,
khiến họ xích lại gần nhau hơn.
31/12/2019
Hà Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét