Ở một đất nước có nền văn minh lúa nước như Việt Nam, mà đặt
câu hỏi “Nông thôn đang ở đâu trong văn học?” thì cũng hơi vô duyên.
Lẽ ra, phải đặt câu hỏi ngược lại là “Văn học đang ở đâu
trong nông thôn?” thì mới có ý nghĩa kích cầu văn hóa đọc. Thế nhưng, bẽ bàng
thay, độc giả ở nông thôn lại không dễ tìm thấy những tác phẩm văn học viết về
cuộc sống sau lũy tre làng.
"Cánh đồng bất tận" tác phẩm viết về
nông thôn được chú ý gần đây
Vì vậy, băn khoăn mới được hình thành: Nông thôn đang hiện đại
hóa với tốc độ quá nhanh khiến văn học không theo kịp, hay văn học không còn mặn
mà với đề tài nông thôn?
Năm 1989, báo Nông Nghiệp Việt Nam phối hợp với báo Văn Nghệ
và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc thi viết về nông thôn, gây tiếng vang lớn
trong giới sáng tác và giới thưởng thức.
Sau 30 năm, những tác phẩm từ cuộc thi ấy vẫn còn được truyền
tụng trong công chúng như “Truyện cười ở làng Tam Tiếu” của Đoàn Ngọc Hà, “Người
bạn ấy xuống tàu ở ga xép” của Văn Chinh, “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh,
“Hồi ức làng chè” của Nguyễn Đức Thọ, “Trạm xá làng” của Trần Văn Thước, hoặc
“Mùa ong làm mật” của Vương Tâm.
Có thể nói đó là giai đoạn rực rỡ của những cây bút viết về
nông thôn. Bởi lẽ, trước và sau cuộc thi viết về nông thôn này, văn đàn có “Thời
xa vắng” của Lê Lựu in năm 1986, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc
Trường và “Bến không chồng” của Dương Hướng cùng in năm 1990.
30 năm trôi qua, khoảng thời gian đủ một đứa trẻ trưởng thành
để thực sự cống hiến cho xã hội, văn học đã có thêm bao nhiêu tác phẩm viết về
nông thôn? Với cái tinh thần mà Phạm Công Trứ trào lộng “nhà quê khí chất tràn
trề/ tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân” thì những nhà văn vốn sinh ra và lớn lên
bên ruộng lúa bờ ao lại không thao thức gì cho đất làng ư?
Vẫn có đấy, tạm thời không nói đến thơ ca ầu ơ thương nhớ,
thì văn xuôi cũng có thể kể đến “Thị trấn không đèn” của Trầm Hương, “Chuyện
làng ngày ấy” của Võ Văn Trực, “Ma làng” của Trịnh Thanh Phong, “Dòng sông mía”
của Đào Thắng, “Gia phả của đất” của Hoàng Minh Tường, “Cánh đồng lưu lạc” của
Hoàng Đình Quang, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư… Thế nhưng, cuộc điểm
danh ấy vẫn quá ít ỏi so với dân số tăng trưởng liên tục của nông thôn với bao
nhiêu biến động, bao nhiêu thăng trầm.
Chuyển động theo tiến trình công nghiệp hóa, phải chăng đề
tài nông thôn đã được thay thế bằng đề tài đô thị trong văn học? Diện mạo đô thị
trong văn học Việt Nam qua hai thập niên đầu của thế kỷ 21, vẫn còn là một khái
niệm mơ hồ, nhiều tên tuổi rình rang mà lại ít tác phẩm giá trị. Không mấy nhà
văn Việt Nam ghi trên lý lịch về quê quán bản thân là một thành phố nào đó, mà
hầu hết đều từ nông thôn nhập cư đô thị.
Nếu dùng lý lẽ rằng, phải là nông dân thì mới có thể viết về
nông thôn một cách thuyết phục, thì nước ta hiện nay chỉ có một nhà văn duy nhất
lăn lộn với bùn đất là Trần Quốc Tiến ở Nam Định. Bằng trải nghiệm cá nhân, nhà
văn Trần Quốc Tiến đã viết nhiều tiểu thuyết về nông thôn như “Cuộc vật lộn trước
lúc rạng đông”, “Bị vợ bỏ”, “Mỹ nhân làng Trọng Nghĩa”, “Ổ rơm”…
Và dĩ nhiên, một nhà văn Trần Quốc Tiến thì không đủ sức làm
nên sức sống cho lĩnh vực văn học phản ánh nông thôn Việt Nam. Chỉ cần yêu quý
nông dân và trân trọng nông thôn thì nhà văn nào cũng có thể đụng bút vào đề
tài này. Bằng chứng là có những nhà văn chưa từng biết gieo mạ cũng viết rất
hay về nông thôn như Nam Cao và Kim Lân ở miền Bắc, Phi Vân và Bình Nguyên Lộc ở
miền Nam. Do đó, sự lạnh lẽo về hình ảnh nông thôn trong văn học, xuất phát từ
chính thái độ sống của người cầm bút.
Trong thế kỷ 20, hầu như không có nhà văn nổi tiếng nào không
viết về nông thôn. Có thể cũng do bối cảnh xã hội lúc ấy đô thị bị tạm chiếm hoặc
đô thị còn nhỏ hẹp.
Thế nhưng, quan trọng là các nhà văn đã bám chặt thực tế nông
thôn để sáng tác. Nếu như tiểu thuyết “Bốn năm sau” viết năm 1959 của Nguyễn
Huy Tưởng đề cập đến chuyện bộ đội về lại chiến trường Điện Biên để làm nông
nghiệp với chia sẻ sâu sắc về khó khăn của người cầm cày cũng không thua gì
gian nan của người cầm súng. Giới cầm bút có quyền tự hào đã góp phần không nhỏ
vào sự nghiệp phát triển nông thôn.
Bởi lẽ, có không ít nhà văn mà tác phẩm của họ chiếu rọi khá
đầy đủ một giai đoạn lịch sử của làng quê Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Công Hoan có
thể xem như một trường hợp tiêu biểu. Cuộc đời 74 năm của Nguyễn Công Hoan từ
tác phẩm đầu tay “Kiếp hồng nhan” cho đến khi qua đời năm 1977, đã mang đến cho
công chúng hàng loạt truyện ngắn và tiểu thuyết sinh động về nông thôn.
Bên cạnh tác phẩm “Bước đường cùng” xuất sắc với bút pháp hiện
thực phê phán, Nguyễn Công Hoa chủ tâm lột trần sự hà hiếp của địa chủ với nông
dân qua tác phẩm “Ông chủ” viết năm 1935 và tác phẩm “Nông dân và địa chủ” viết
năm 1955. Ngoài ra, thân phận người nông dân còn được Nguyễn Công Hoan dày công
thể hiện qua tác phẩm “Tranh tối tranh sáng” viết năm 1956 và tác phẩm “Hỗn
canh hỗn cư” viết năm 1961.
Những người có thiện cảm với dòng văn học về nông thôn chắc
chắn không thể không biết nhà văn Ngô Ngọc Bội (1929-2018). Cả đời ông chỉ trăn
trở quanh những mảnh đời nông dân, ông viết từ “Ao làng” đến “Nợ đồi”, ông viết
từ “Lá non” đến “Ác mộng”. Lúc sinh thời, nhà văn Ngô Ngọc Bội từng chia sẻ:
"Viết về nông thôn bao năm qua, điều thú vị nhất mà tôi nhận ra là, không
phải từ ngày xưa mà đến bây giờ nông dân luôn là người đóng góp nhiều song công
lao được ghi nhận thì quá ít. Giờ ít người viết về nông thôn lắm. Cũng từ thực
tế thôi, vì có mấy ai gắn bó với nông thôn nữa đâu. Đấy là một thiệt thòi. Dần
dần những tác phẩm viết hay về nông thôn sẽ hiếm và nhà văn sẽ bị hổng - hổng
ghê gớm về nguồn cội của mình”.
Suy tư của nhà văn Ngô Ngọc Bội càng ngày càng trở nên thấm
thía, khi độc giả chứng kiến nông thôn vắng bóng dần trong các tác phẩm văn học.
Biết trách ai đây? Trách bạn đọc thì quá vô lý. Những người cầm bút phải trách
mình.
Nhà văn Nguyễn Hiếu bày tỏ: “Quả tình đó là một thực trạng hết
sức buồn của nền văn học Việt Nam trong 2 - 3 thập niên vừa qua. Thậm chí, tôi
xem đó là “bi kịch” cho văn học và cho người đọc, cho những ai kể cả trong nước
và quốc tế quan tâm, tìm hiểu đặc tính của người Việt Nam. Tôi cho rằng, nếu
không có những tác phẩm văn học về nông thôn thì chắc chắn hình ảnh dân tộc Việt
Nam đương đại sẽ bị đánh giá phiến diện và không đúng với bản chất, thực tại”.
Còn nhà văn Lê Minh Khuê lý giải: “Mặc dù ở nông thôn có một
lượng độc giả rất lớn, nhưng văn học về đề tài nông nghiệp, nông thôn và nông
dân hiện nay có ít người viết, có lẽ vì mảng đề tài này không còn hấp dẫn bằng
những mảng đề tài khác, ví dụ như đề tài về thành phố, vừa dễ viết, lại không mất
quá nhiều thời gian thực tế. Trong khi đó, để viết về nông thôn, tác giả phải
dành nhiều thời gian hơn, đi thực tế địa phương nhiều hơn mới có đủ tư liệu để
viết”.
Tiểu thuyết “Màu rừng ruộng”
của nhà văn Đỗ Tiến Thụy
Chiếm lĩnh thị trường sách hiện nay là các loại sách dạy người
ta kỹ năng để khôn khéo hơn thiên hạ, hoặc sách dạy người ta trang bị những gì
để thành đạt giàu sang. Riêng sách văn học thì số lượng in lèo tèo trên dưới
ngàn bản. Các nhà xuất bản cũng khuyến khích nhà văn viết thứ gì nhẹ nhàng và
vui vẻ để đáp ứng nhu cầu giải trí của thị dân xôn xao.
Và các nhà văn đang sung sức cũng thừa tinh ranh để sáng tác
thể loại ngôn tình chiều chuộng thị hiếu đương thời. Nhà văn cao niên thì gửi gắm
sứ mệnh viết về nông thôn cho nhà văn trẻ trung, còn nhà văn trẻ trung thì nhìn
thói quen mua hàng của công chúng để viết cho khỏi lạc nhịp mưu sinh.
Mặc dù đã có tiểu thuyết “Màu rừng ruộng”, nhưng nhà văn Đỗ
Tiến Thụy cũng khá ngập ngừng khi nói đến đề tài nông thôn: “Tất cả các cuộc
thi văn chương từng tổ chức, số lượng tác phẩm lấy đề tài nông thôn làm bối cảnh
chiếm tới 90%. Điều này phản ánh rằng đa phần các nhà văn đều sinh ra ở nông
thôn, đó là lĩnh vực họ am hiểu, tình cảm gắn bó nhất.
Vì vậy, khi họ đặt bút viết, cảm xúc lớn nhất vẫn là về quê
hương, bản thân tôi cũng vậy. Tôi sống ở nông thôn 18 năm sau khi thoát
ly, và giờ dù có 20 năm sống ở thành phố, làm việc ở thành phố nhưng sâu thẳm
trong tôi, chữ tình sâu nặng nhất trong tôi vẫn là quê hương. Khi tôi viết,
chỉ khi nói đến nông thôn, làng quê, ngòi bút của tôi mới rung động mạnh mẽ.
Tuy nhiên, có một thời kỳ đề tài về văn học nông thôn bị hạ
thấp. Thậm chí có lúc các nhà sách, các nhà báo đặt bài với tác giả thì có
nhắc rằng, các anh chị viết gì thì viết, nhưng đừng bèo tấm, hoa dâu, rất khó
bán, rất khó in. Dù là quan hệ thân thiết thì câu nhắc nhở này cũng vẫn ảnh hưởng
tới nhiệt huyết, quyết tâm của tác giả. Ngay bản thân tôi một thời kỳ khi viết
về tác phẩm nông thôn cũng không được đón nhận mặn mà, tôi cũng bị chựng và
loay hoay tìm đề tài khác”.
Nói đi phải nói lại, những nhà văn trước đây viết về nông
thôn một cách thuận buồm xuôi gió vì xã hội Việt Nam cơ bản chỉ có thói quen
sinh hoạt nông thôn và phương thức sản xuất nông nghiệp. Bây giờ đã khác, nhiều
thứ bộn bề hơn, đa dạng hơn và cũng manh mún hơn.
Phản ánh hiện thực cũng không còn là phương pháp sáng tác tối
ưu, nên chọn ra được một góc nhìn về nông thôn không hề đơn giản. Chút vốn liếng
kỷ niệm hương đồng gió nội còn sót lại trong lòng các nhà văn cư trú giữa lô
nhô cao ốc dường như không đủ để chưng cất thành tác phẩm vạm vỡ. Không ngụp lặn
với vui buồn nông thôn thì rất khó viết về nông thôn thuyết phục.
Để có được tác phẩm “Tầm nhìn xa”, nhà văn Nguyễn Khải đã đi
thực tế nhiều tháng ở Phú Thọ. Nhân vật cán bộ được đào tạo trung cấp nông nghiệp
mà nhà văn Nguyễn Khải đưa vào trang viết, đã lấy từ nguyên mẫu là ông Lê Huy
Ngọ sau này làm Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn. Sở dĩ phải
gợi nhớ như vậy, để thấy rằng nhà văn không mặn mà với đề tài nông thôn, vì họ
đang cách xa thực tế sinh động và khốc liệt đang diễn ra từng ngày ở nông thôn.
Cái khó để viết về nông thôn hôm nay là làm sao phải mổ xẻ được
những hoài nghi và những mất mát trong cuộc vật lộn không ngơi nghỉ giữa cái
thiện và cái ác, giữa cái đôn hậu muôn đời và cái ranh ma bột phát. Nếu cứ tô hồng
thì không thể thấy hết diện mạo nông thôn chứa đựng từng niềm vui nỗi buồn
của nông dân cần cù và lam lũ.
Nhà thơ Phạm Việt Thư từng tếu táo về sự quẩn quanh của thân
phận nông dân: “Ông lão dưới ruộng đi bừa/ Là con ông lão ngày xưa đi cày”,
nhưng nông thôn vẫn là mạch nguồn không vơi cạn cho sáng tác của các nhà văn.
Cách đây 30 năm, nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại có bài thơ “Nông dân” day dứt: “Có người
nói nông dân không tư tưởng/ Nông dân làm cản trở bánh xe lăn/ Tôi đã thấy nông
dân suốt một đời làm lụng/ Nuôi cái ăn chung trên mảnh đất khô cằn…/ Nông dân sống
lặng thầm như đất/ Có thể hoang vu, có thể mùa màng/ Xin chớ mất, chớ niềm tin
sai lạc/ Chín phần mười đất nước - nông dân”.
Bây giờ, cái thao thức ấy vẫn là đơn đặt hàng cho các nhà văn
hướng về nông dân, viết về nông thôn.
“Thời hội nhập có nhiều vấn đề nóng bỏng hơn, nên nông thôn không còn là đề tài ưu tiên của các nhà văn. Tác phẩm của kinh tế thị trường đang phải chạy đua với những thị hiếu khác nhau của bạn đọc. Thế nhưng, tôi vẫn cam đoan rằng, nông thôn là đề tài hấp dẫn nhất cho sáng tác văn học. Nhất là trong bối cảnh nhiều giá trị đang bị thử thách, viết về nông thôn sẽ trả lời được những cây hỏi gay gắt về sự phát triển tổng thể xã hội. Tôi nghĩ, đã đến lúc cần phải có một đợt vận động viết về nông thôn thật bài bản, thật công phu như cuộc thi mà báo Nông Nghiệp Việt Nam từng tham gia tổ chức vào năm 1989”.
(Nhà văn Trần Văn Tuấn)
“Đề tài nông thôn đòi hỏi ở nhà văn cả hai yếu tố: Tư tưởng và kiến thức. Thời gian qua vẫn có tác phẩm viết về nông thôn, nhưng chất lượng rất thấp, nếu không muốn nói thẳng thắn là nhạt. Vì sao? Vì nhà văn chỉ mượn nông thôn làm cảnh. Tôi vẫn rất hứng thú với đề tài nông thôn, mà khía cạnh tôi quan tâm là sự biến động cả về môi trường lẫn tâm tính.
Tôi cho rằng, đã đến lúc phải cảnh tỉnh về sự tha hóa đang đe dọa nông dân. Nông thôn phải thoát khỏi đói khổ là điều đương nhiên, nhưng người nông dân đừng tự mang về sự lạc hậu theo ý đồ của những kẻ muốn lợi dụng nông thôn. Tích tụ ruộng đất và tích tụ thặng dư là chiến lược, nhưng quan trọng hơn là cần gìn giữ bản sắc văn hóa. Nếu không, khi đô thị đã phát triển thành một khối bê tông ngột ngạt, thì nông thôn cũng chỉ còn lại những dấu tích kỳ dị”.
(Nhà văn Hoàng Đình Quang).
3/9/2019
LÊ THIẾU NHƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét