Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

Văn chương Việt Nam được mùa lý luận phê bình

Văn chương Việt Nam 
được mùa lý luận phê bình
Hội Nhà văn Việt Nam vừa công bố 8 tác phẩm được vinh danh nghề nghiệp của năm 2019, trong đó có 3 cuốn sách thuộc thể loại lý luận phê bình!.
Các tác phẩm Lý luận Phê bình 
tiêu biểu của năm 2019.
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay được trao cho 8 tác phẩm ở 4 thể loại. Giải thưởng văn xuôi trao cho tập truyện ngắn “Quán thủy thần” của Nguyễn Hải Yến và tập ký sự “Trụ lại” của Hồ Duy Lệ. Giải thương thơ trao cho tập “Bay trong mơ” của Trần Quang Đạo và tập “Nguồn” của Trần Quang Quý.
Giải thưởng dịch thuật trao cho tập “Kiếm Hồ hoài cổ” của Nguyễn Hữu Thăng. Riêng Giải thưởng Lý luận phê bình có đến 3 cuốn sách “Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học” của Phan Trọng Thưởng, “Những sinh thể văn chương Việt” của Lý Hoài Thu và “Tư tưởng và phong cách nhà văn - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của Trần Đăng Suyền.
Dấu hiệu được mùa đầu tiên của lý luận phê bình chính là số lượng. Có đến 28 tác phẩm gửi về tham dự Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, có tác giả đã thành danh như Phong Lê, Hồng Diệu, Tôn Phương Lan và có cả tác giả mới xuất hiện gần đây như Lương Kim Phương, Phan Tuấn Anh, Vũ Thị Thanh Minh…
Tập truyện ngắn đầu tay “Quán thủy thần” 
của cô giáo Nguyễn Hải Yến
Đặc biệt là những tác giả đã có thành tựu ở văn xuôi và thơ cũng mạnh dạn lấn sân sang địa hạt phê bình với bút pháp riêng biệt như Nguyễn Vũ Tiềm, Văn Chinh, Nguyễn Văn Thọ, Vũ Từ Trang, Phạm Ngọc Chiểu… Với 9 tác phẩm được chọn vào chung khảo, Hội đồng Lý luận Phê bình - Hội Nhà văn Việt Nam đã bỏ phiếu kín và kết quả có 3 tác phẩm được trao giải thưởng.
Một bất ngờ khác của giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay là giải thưởng văn xuôi thuộc về tác phẩm đầu tay “Quán thủy thần” của cô giáo Nguyễn Hải Yến đang dạy học ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “Không tình cờ, 10 truyện, 200 trang in “Quán Thủy Thần” của Nguyễn Hải Yến, truyện nào cũng buồn, dù nỗi buồn có khi đến thắt ruột, có lúc lại sáng trưng, nhẹ thênh, trong vắt, thì mọi cung bậc buồn đau của các nhân vật của Yến, rốt cuộc, cũng dẫn về cái bi kịch của sự phát triển xã hội Việt, hôm qua, hôm nay. Và có lẽ còn dài dài về sau, như bài toán mà người Việt phải giải quyết về văn hóa và phát triển số phận dân tộc mình, trong sự tích hợp văn hóa toàn cầu đầy khốc liệt và phức tạp của thế kỷ 21”.
10/1/2020
TUY HÒA
Theo https://nongnghiep.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...