Sự đa dạng của động vật ở Việt Nam phản ánh sự phong phú của
thực vật trong nước. Nhiều loại môi trường sống khác nhau tạo ra nhiều cơ hội
cho các sinh vật phát triển vì nó cho phép chúng phân tách khỏi những loài khác
bằng cách thay đổi nơi ở và thức ăn. Và các môi trường phức tạp hơn, chẳng hạn
như các khu rừng thường xanh, lá rộng, nhiều tầng của dãy Trường Sơn, còn cung
cấp nhiều loại môi trường sống hơn để các loài có thể khai thác được. Tuy nhiên
không phải tất cả các loại môi trường đều phong phú như nhau về số lượng các
loài thuộc các nhóm động vật khác nhau vì các đặc tính chung như nhậy cảm với
nhiệt độ (cây dầu, họ Dipterocarpaceae), phụ thuộc vào môi trường nước để sinh
sản (lưỡng cư, lớp Amphibia) và tính chịu khô hạn (một số loài thằn lằn, phân bộ
Sauria), có thể hạn chế (hoặc mở rộng) các môi trường sống thích hợp cho các
nhóm khác nhau. Một khi đã thâm nhập thành công vào các môi trường sống, các điều
kiện môi trường khắc nghiệt, như các ngọn núi đá vôi lộ thiên ở Đông Bắc Việt
Nam, các loài sống ở đây thường có ít các sinh vật cạnh tranh hơn so với các
môi trường sống ôn hòa hơn.
Mỗi nghiên cứu mới lại làm sáng tỏ thêm về các quần xã động vật
có xương sống và không xương sống tại Việt Nam. Sự hạn chế của những điều tra
trước đây mà nhìn chung chủ yếu tập trung vào chim và thú, cùng với việc tăng
rõ rệt của các nghiên cứu bắt đầu vào những năm 1990 cho thấy kiến thức hiện tại
của chúng ta về sự phong phú và phân bố loài ở Việt Nam vẫn còn chưa đầy đủ.
Các giá trị về sự phong phú và tính đặc hữu của loài được đưa ra ở đây cần thiết
phải thay đổi khi các loài mới được phát hiện cả trong tự nhiên cũng như trong
các bộ sưu tập của bảo tàng và nơi giữ mẫu cây và khi phạm vi phân bố của các
loài đã biết được xác định chính xác. Những cảnh báo này đặc biệt đúng đối với
các nhóm được coi là đặc hữu ở trong nước và con số này có lẽ sẽ thay đổi khi
các nghiên cứu được tiến hành ở cả Việt Nam và các khu rừng và đồng cỏ ít được
điều tra tại các nước láng giềng Lào và Campuchia. Cuối cùng, các nghiên cứu
(chủ yếu là di truyền) nhằm tìm hiểu các mối quan hệ về tiến hóa giữa các loài,
giống và họ hoặc ở các bậc phân loại cao hơn sẽ có tác động đến một số trong
các mối quan hệ này.
Thú
Thú là nhóm động vật có xương sống được biết rõ nhất ở Việt
Nam, sau chim. Nhiều loài, đặc biệt là những loài có kính thước cơ thể nhỏ, là
loài hoạt động ban đêm, hoặc là sống trên cây hoặc là sống dưới mặt đất và dựa
vào ngụy trang và tập tính để tránh động vật ăn thịt. Các đặc điểm này và, cho
đến gần đây, sự quan tâm hạn chế trong việc điều tra thú nhỏ, dẫn đến những hiểu
biết về các bộ thú khác nhau có khác sự biệt rất rõ rệt.
Mặc dù rất khác nhau về kích thước, hình dạng bên ngoài và tập
tính, tất cả các loài thú đều có chung một đặc tính. Đặc điểm đặc trưng nhất là
con cái có khả năng nuôi con non bằng sữa, làm giảm những tác động của dao động
trong môi trường lên con non đồng thời tăng tốc độ lớn và phát triển của chúng.
Một đặc điểm nổi bật khác chúng thường có là bộ răng chuyên hoá trong đó răng
(răng cửa, răng nanh, răng trước hàm và răng hàm) đã phát triển và thực hiện
các chức năng khác nhau. Việc sử dụng sữa có thể đã thúc đẩy sự tiến hoá của
các răng chuyên hoá bằng cách giúp chúng và hàm tránh bị các áp lực về chọn lọc
như thu lượm và chế biến thức ăn ngay sau khi sinh ra. Cả hai đặc điểm này đã
đóng góp cho việc đa dạng hoá về mặt tiến hóa của nhóm này.
Cho đến nay, hơn 270 loài thú đã được thống kê ở Việt Nam,
trong đó có 7 loài thú mới được mô tả, hầu hết chúng là các loài có kích thước
lớn thuộc các nhóm hươu và linh trưởng (xem phần phụ lục 3). Mặc dù những loài
thú mới khác có lẽ sẽ được tìm thấy ở Việt Nam, hầu hết những loài thêm vào
danh mục thú của đất nước đã và sẽ là những loài đã được biết ở những nơi khác
nhưng mới được phát hiện từ những quan sát đầu tiên ở trong nước. Điều này đặc
biệt đúng đối với các nhóm ít được biết đến như các loài ăn côn trùng (bộ
Insectivora), dơi (bộ Chiroptera) và gặm nhấm (bộ Rodentia). Bên cạnh loài dơi
tai Trường Sơn (Myotis annamiticus) mới được mô tả gần đây, 18 loài dơi mới được
ghi nhận từ năm 1997 đến năm 2004. Những phát hiện này đã nâng tổng số các loài
dơi ở Việt Nam lên đến gần 100, hoặc xấp xỉ một phần ba tổng số loài thú.
Sau dơi, các bộ có nhiều loài nhất ở Việt Nam là gặm nhấm (64
loài), ăn thịt (bộ Carnivora; 40 loài), linh trưởng (bộ Primates; 19 loài) và
thú móng chẵn, trong đó có lợn, hươu và trâu bò rừng (bộ Artiodactyla; 18
loài). Việc chúng chiếm ưu thế ở Việt Nam phản ánh sự phong phú về loài của các
nhóm này trên toàn cầu. Có số lượng loài ít hơn nhưng rất đặc biệt là các bộ chủ
yếu phân bố ở vùng nhiệt đới của cựu lục địa, tê tê (bộ Pholidota; 2 loài) và đồi
(bộ Scandentia; 2 loài). Các loài đặc hữu không phân bố đồng đều trong thú, với
đa số là các nhóm có phân bố giới hạn tập trung ở linh trưởng (17), tiếp theo
sau với số lượng ít hơn nhiều là thú móng chẵn (6) (xem phụ lục 2).
Trong số các quần xã thú nổi bật nhất của đất nước là nhóm
các động vật ăn cỏ lớn và các động vật ăn thịt đi kèm theo có phân bố ở các rừng
dầu bán thường xanh và rụng lá một mùa ở vùng đồng bằng tại miền Trung và Nam
Trung Bộ của Việt Nam, trong đó có voi (Elephas maximus); tê giác một sừng (Rhinoceros
sondaicus annamiticus); hai loài bò rừng, bò tót (Bos gaurus) và bò rừng (B. javanicus);
nai cà tông (Cervus eldii); nai (C. unicolor); và sơn dương (Naemorhedus
sumatraensis). Phân bố cùng với các loài thú lớn này là động vật ăn thịt, trong
đó có hổ (Panthera tigris), báo hoa mai (P. pardus), báo gấm (Pardofelis
nebulosa), chó rừng (Canis aureus), và họ hàng đi săn theo đàn của chúng, chó
sói lửa (Cuon alpinus). Các quần thể thú này đã bị giảm số lượng đáng kể do săn
bắn. Ba loài có phân bố tự nhiên trong môi trường sống này ở Việt Nam là bò xám
(B. sauveli), trâu rừng (Bubalus arnee) và một phân loài của hươu vàng (Axis
porcinus annamiticus) có lẽ là đã bị tuyệt chủng.
Bảy loài tê tê của châu Á và châu Phi có nhiều đặc điểm giống
với thú ăn kiến ở Nam Mỹ. Cả hai nhóm này có móng khỏe và chỉ ăn kiến và mối bằng
cách sử dụng lưỡi rất dài và dính. Hai loài tê tê phân bố ở Việt Nam có phạm vi
phân bố không giao nhau tê tê vàng (M. pentadactyla) có phân bố giới hạn ở
miền Bắc của đất nước và tê tê Java (M. javanica) giới hạn ở miền Trung và
miền Nam. Đặc điểm bên ngoài đáng chú ý nhất của tê tê là các vẩy nằm chồng lên
nhau bao phủ toàn thân trừ phía bụng và phía bên trong của chân. Có hình giống
như lá atisô, các vẩy mầu nâu này được tạo thành từ chất sừng là protein cấu
trúc và là thành phần chính của sừng, móng guốc, móng, lông và lông cừu của các
loài thú. Bên cạnh vẩy, tê tê cũng nổi bật bởi cái mõm nhọn, thân thon dài, và
đuôi dài, hình búp măng, có thể cầm nắm như có thể giữ chặt cành và nhánh cây.
Cả tê tê vàng và tê tê Java đều dài 80-90cm từ mũi đến chóp đuôi và con đực lớn
hơn con cái. Khi bị đe dọa, tê tê giương các vẩy về phía kẻ thù. Nếu hành động
tự vệ này thất bại, chúng sẽ cuộn tròn lại thành một quả cầu rất chắc và che
kín hoàn toàn tất cả những phần dễ bị tổn thương.
Ở phía bên trong, đặc điểm đáng chú ý nhất của tê tê là sự
thích nghi cao độ với loại thức ăn chuyên hoá cao là kiến và mối. Sau khi định
vị được con mồi bằng cách đánh hơi. Tê tê đào vào phía trong tổ kiến và tổ mối
bằng móng rất khỏe của nó và lấy thức ăn ra bằng cái lưỡi khỏe và nhậy. Có chiều
dài tới 25cm và gắn với khung chậu bằng các rễ cơ, lưỡi được bao phủ bằng nước
bọt dính do tuyến nước bọt lớn nằm ở phía ngực tạo ra. Tê tê không có cơ nhai
và không có răng và thay vào đó phụ thuộc vào các hoạt động nghiền của các hòn
sỏi rất nhỏ nằm trong thành dày và nhiều cơ của dạ dày để tiêu hoá con mồi, giống
như mề gà nghiền hạt.
Tê tê ở Việt Nam là các loài sống trên cạn, trong các hang
sâu và hầu hết kiếm ăn trên mặt đất mặc dù chúng có thể trèo cây một cách dễ
dàng. Chúng có lẽ đẻ 1 (hiếm khi 2) con và hoàn toàn do mẹ nuôi. Các con con được
đẻ ra dưới lòng đất có vẩy mềm. Chúng xuất hiện sau 2 đến 4 tuần và mẹ mang
chúng đi theo trên phần gốc của đuôi. Các tập tính và sinh thái khác của tê tê
ít được biết đến. Tê tê thường được bán ở chợ để ăn thịt và vẩy được dùng làm
thuốc. IUCN đã xếp cả tê tê vàng và tê tê Java vào mục sắp bị đe dọa và chúng
được liệt kê vào phụ lục 2 của CITES.
Thú ăn côn trùng (bộ Insectivora)
Giống như các loài gặm nhấm, thú ăn công trùng là một trong số
những nhóm thú ít được biết đến nhất ở Đông Nam Á. Thực trạng này một phần là
do thiếu những nghiên cứu về hệ thống phân loại gây nên những nhầm lẫn về mặt
phân loại đối với số lượng loài và cách nhận biết chúng và một phần khác là do
nhiều loài trong số này rất khó tiếp cận và khó bắt. Nghiên cứu tổng quan đầy đủ
nhất trong thời kỳ đầu về thú ở Đông Dương do Wifred H. Osgood thực hiện vào những
năm 1930 khi ông nghiên cứu các mẫu vật thu được từ các chuyến khảo sát của
Kelley-Roosevelts và Delacour. Việc điều tra thú nhỏ sử dụng những kỹ thuật bẫy
tốt hơn được tiến hành trở lại vào những năm 1990 đã phát hiện ra nhiều loài
thú ăn côn trùng ở Việt Nam hơn là từng được biết đến trước đây, trong đó có cả
những loài mới và những ghi nhận về phân bố mới.
Bộ Insectivora đã từng được coi là một nhóm bao gồm nhiều chủng
loại và là nơi để xếp tất cả những nhóm động vật có một vài những đặc điểm
nguyên thủy đặc trưng cho các loài thú có nhau cổ đại được hình thành từ 90 triệu
năm trước đây. Những đặc điểm này gồm có não nhỏ và đơn giản, bộ răng tương đối
không chuyên hoá và (ở hầu hết các loài) tinh hoàn ở trong bụng và có một
khoang chung và một lối ra chung để thực hiện chức năng sinh sản và cho tất cả
các chất thải do trao đổi chất gọi là lỗ huyệt. Các loài như đồi đã từng được xếp
vào Insectivora vì chúng có chung các đặc điểm này và không thể dễ dàng xếp vào
các bộ khác. Các phân tích di truyền hiện nay về phần gốc cây phát sinh loài của
thú và các quan hệ tiến hoá của các nhóm thú khác nhau sẽ còn chia nhỏ thêm bộ
thú này.
Với xấp xỉ 425 loài, bộ Insectiovra đứng thứ 3 sau bộ gặm nhấm
(xấp xỉ 2000 loài) và dơi (xấp xỉ 1000 loài) về mặt số lượng. Mười tám loài thú
ăn côn trùng đã được ghi nhận tại Việt Nam. Những loài này thuộc 3 nhóm: chuột
voi (2 loài), chuột chù (12 loài) và chuột chũi (4 loài). Chuột voi, chỉ phân bố
ở châu Á và là họ hàng gần gũi của dím (họ Erinaceidae), trông bề ngoài hơi giống
chuột và lông không có gai nhọn. Đầu và mõm thon dài và môi trên chìa ra ngoài
môi dưới. Hai loài ở Việt Nam là chuột voi đồi (Hylomys suillus) và dím đuôi
dài (H. sinensis) nặng 15-80g và dài 10-15cm từ đầu đến cuối thân. Chuột
chù trông cũng tương tự nhưng nhỏ hơn nhiều, giống chuột nhắt hơn và thường có
lông mầu xám hoặc mầu nâu. Loài chuột chù nhắt (Suncus etruscus), một loài có
phân bố rộng tại Việt Nam, là loài thú sống trên cạn nhỏ nhất thế giới nặng dưới
2-2.5g và có chiều dài cơ thể 3.5-5cm. Chuột chũi dễ nhận biết do hai chân trước
hoàn toàn biến đổi và rất khoẻ với bàn chân to, gần như tròn, xoay hẳn ra phía
ngoài và có 5 móng to.
Insectivora gồm có những loài thú ăn mồi nhỏ nhất và các loài
này rất đa dạng về tập tính cũng như môi trường sống. Hầu hết tất cả các loài
chủ yếu chỉ ăn côn trùng, mặc dù một số loài có lẽ ăn gần như tất cả các dạng hữu
cơ. Chúng rất hoạt động, luôn thèm ăn và có tốc độ trao đổi chất cao. Một vài
loài chuột chù phải ăn liên tục sau một vài tiếng nếu không chúng sẽ chết. Tất
cả các loài chuột chù có lẽ đều ăn phân của chúng để lấy các nguyên tố vi lượng
và vitamin. Hầu hết các loài ăn côn trùng đều sống trên cạn và cư trú trong rừng,
mặc dù một số ít thích nghi với sống trên cây, sống trong hang, hoặc sống nửa
nước nửa cạn. Loài chuột chù cộc (Anourosorex squamipes) thích nghi với cuộc sống
nửa đào bới, ở trong hang và loài chuột chù nước miền Bắc (Chimarrogale
himalayica) thích sống trong các con suối trên núi là hai loài thú ăn côn trùng
chuyên hoá phân bố ở Việt Nam.
Tập tính, sinh thái và phân bố hoặc tình trạng bảo tồn của hầu
hết các loài thú ăn côn trùng, đặc biệt là ở châu Á, chưa được biết rõ vì kiểu
sống bí ẩn của chúng. Phân bố của các loài chuột chù nhiệt đới có lẽ là khá hạn
chế và mật độ quần thể của chúng thấp khiến chúng dễ bị tác động khi rừng bị biến
đổi. IUCN xếp chuột chũi răng nhỏ (Euroscaptor parvidens) vào loại cực kỳ nguy
cấp. Nó hiện nay chỉ phân bố ở hai nơi trên thế giới.
Mặc dù tên tiếng Anh của nó có nghĩa là chuột chù sống trên
cây, các loài nằm trong bộ đồi Scandentia vừa không giống chuột chù vừa không
thật sự thích nghi với đời sống trên cây. Thay vì đó, về mặt tập tính chúng giống
với sóc nhất và về ngoại hình chúng khác so với sóc ở chỗ tai của chúng nhỏ
hơn, dày hơn, lông đuôi ngắn hơn và thưa hơn và không có ria ở mép. Ban đầu
chúng được xếp vào bộ Insectivora, từ năm những năm 1920 đến 1960, đồi được xếp
vào bộ linh trưởng dựa trên các đặc điểm chung giống với linh trưởng trong đó
có mắt hướng về phía trước và não tương đối lớn. Ngày nay được xếp vào một bộ
riêng, chúng được một số nhà khoa học coi là nhóm có quan hệ gần gũi nhất với cầy
bay (bộ Dermoptera) và một số khác cho là có quan hệ gần gũi với bộ Lagomorpha
(thỏ).
Tất cả 19 loài đồi có giới hạn phân bố tại Nam và Đông Nam Á
và đảo Borneo là nơi tập trung số lượng loài cao nhất (10 loài). Hai loài sống ở
Việt Nam: đồi Bắc (Tupaia belangeri) sống nửa trên cạn và nhen (Dendrogale
murina) chủ yếu sống trên cây. Mặc dù là loài kiếm ăn ban ngày và không thực sự
là khó tìm, cho đến gần đây nhen chỉ được biết đến từ những địa điểm rời rạc được
xác định trước đây ở vùng tận cùng Đông Nam Thái Lan và miền Trung và Nam Việt
Nam. Tổng kết lại những ghi nhận từ năm 1998 đến năm 2002 cho thấy phân bố của
chúng rộng hơn nhiều mặc dù vẫn mang tính địa phương cao trong đó có Campuchia,
phía Nam Lào, và một phần ở miền Bắc Việt Nam. Đồi Bắc có phân bố khắp Đông
Dương.
Tập tính và sinh thái của đồi ít được biết đến, mặc dù tất cả
các loài đều kiếm ăn ban ngày và chủ yếu sống một mình. Trong ba loài được
nghiên cứu (trong đó có đồi Bắc) thì đặc điểm về tập tính đáng chú ý nhất của đồi
là mẹ (cá thể duy nhất chăm sóc con) rất ít chăm sóc con. Sau khi sinh con ở một
cái tổ riêng biệt, mẹ đến thăm con, từ 1 đến 3 cá thể, hai ngày một lần và cho
chúng ăn sữa có hàm lượng protein và chất béo cao. Các con non ra khỏi tổ sau một
tháng và tự sống một mình. Đồi sống trong rừng (bao gồm cả rừng đã hơi xuống cấp)
ở nhiều độ cao khác nhau.
Cầy bay (bộ Dermoptera)
Hai loài cầy bay nằm trong bộ Dermoptera có tên tiếng Anh là
vượn cáo bay mặc dù chúng không phải là vượn cáo cũng không biết bay. Thay vào
đó, chúng nằm trong nhiều sinh vật sống trên cây (trong đó có một số loài ếch,
thằn lằn và rắn cũng như các loài thú khác) có các đặc điểm về hình thái thích
nghi cao độ với việc lượn trên không. Một cái màng mỏng và lớn kéo dài từ mặt
bên của cổ dọc theo phía bên ngoài chân cho đến tận cùng của ngón chân trước,
sau và đuôi của cầy bay cho phép nó lượn hơn 70m mà không giảm độ cao nhiều.
Cầy bay (Cynocephalus variegatus) phân bố ở các đảo trên thềm
lục địa Sunda tại Đông Nam Á và khắp vùng đất liền phía Nam, trong đó có miền
Trung và Nam Việt Nam. Chúng nặng 1-1.75kg và chiều dài của đầu và thân là
34-42cm và chiều rộng của màng là 70cm. Con cái hơi to hơn con đực. Loài thứ
hai là cầy bay Philipin (C. volans), có giới hạn phân bố tại đảo này, có
kích thước nhỏ hơn đôi chút. Cầy bay hoàn toàn sống trên cây và kiếm ăn vào ban
đêm. Chúng ăn lá, cành non, chồi và hoa (chúng thích nghi với việc tiêu hoá thực
vật có lá) và đôi khi ăn thêm nhựa và quả cây. Hai đôi răng cửa phía trước có tới
20 chỗ lồi ra giống như răng lược (gọi là răng lược) mọc ra từ chân răng. Chức
năng của răng lược này vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng nó có thể được sử dụng như
một cái nạo hoặc cái lọc khi ăn hoặc trợ giúp khi chải lông. Dễ bị chim ăn thịt
tấn công khi lượn, cầy bay ở trong các hốc trên cây vào ban ngày hoặc bám chặt
vào cây bằng các móng sắc của nó và ngụy trang bằng lông đốm mầu xám hoặc mầu
nâu. Con non khi đẻ ra chưa phát triển đầy đủ và liên tục được giữ ở bụng của mẹ
kể cả khi bay. Con non cai sữa khi sáu tháng tuổi. Khi nghỉ, con mẹ có thể gấp
màng lượn vào một cái túi nhỏ ở gần đuôi và cũng là nơi giữ con non. Do khả
năng tăng số lượng chậm, tình trạng bảo tồn của cầy bay là vấn đề vẫn còn đang
tranh luận.
Dơi (bộ Chiroptera)
Dơi là nhóm thú duy nhất có khả năng sử dụng lực do cơ tạo ra
để bay, khác với cầy bay và các nhóm khác sử dụng gió và lực hấp dẫn để lượn
trên không. Xương cánh của dơi tương ứng với ngón tay và bàn tay của linh trưởng
và biến đổi rất nhiều để giữ màng mỏng bằng da và chỉ còn ngón tay cái tự do và
có chức năng hoạt động. Nó có dạng một cái móng nhỏ tại khớp cánh đầu tiên. Có
lẽ vì khả năng biết bay làm giảm tỷ lệ tử vong do bị ăn thịt, dơi sống rất dài
so với kích thước của chúng. Có nhiều thống kê ghi nhận dơi tự nhiên sống tới
ít nhất 20 năm và một số sống đến hơn 30 năm. Dơi đã hình thành tỷ lệ sinh sản
thấp (hầu hết các loài đẻ một con một năm), sự phát triển chậm của con non, và
việc chăm sóc con kéo dài. Sự kết hợp của các đặc điểm này giống với các đặc điểm
của linh trưởng và các loài thú lớn khác hơn là các loài thú nhỏ có kích cỡ gần
giống chúng.
Dơi được chia thành 2 phân bộ khá khác nhau: megachiroptera
(khoảng 170 loài) và microchiroptera (khoảng 800 loài). Dơi thuộc nhóm
Megachiroptera, còn được gọi là cáo bay vì mặt của chúng giống với chó, có phân
bố giới hạn ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của cựu lục địa. Nhìn chung,
chúng lớn hơn dơi thuộc nhóm microchiroptera và có một số loài có sải cánh lên
tới 1.5m và nặng hơn 1kg. Tất cả các loài thuộc nhóm này có mắt to và khả năng
nhìn tốt và kết hợp với khả năng đánh hơi để định vị quả cây, mật hoa và hoa.
Dơi thuộc nhóm microchiroptera vừa đa dạng hơn về mặt sinh
thái vừa có phân bố rộng hơn, có mặt ở tất cả các lục địa trừ Nam Cực. Nhỏ hơn
nhiều so với nhóm dơi megachiroptera, chúng có trong lượng trong khoảng từ 200g
đến nhẹ hơn 2g như trường hợp của loài dơi mũi lợn (Craseonycteris thonglongyai)
đặc hữu ở Thái Lan. Nó có thể là loài động vật nhỏ nhất trên thế giới. Hầu hết
các loài thuộc nhóm này ăn côn trùng bắt được trong khi bay trong khi đó một số
loài khác chuyên ăn mật hoa, phấn hoa, cá và các động vật có xương sống nhỏ
khác và máu. Một đặc điểm đặc trưng cho dơi thuộc nhóm này, và là đặc điểm gắn
liền với số lượng loài phong phú của chúng, là chúng đều có khả năng định vị bằng
âm thanh nghĩa là sử dụng âm thanh để phát hiện các vật thể. Chúng phát ra các
xung siêu âm nhanh và có thể giải mã được các âm thanh và nhiễu vọng lại để
phát hiện và phân loại các vật thể (gồm cả con mồi) và để tìm đường đi. Cái mũi
hoa mỹ và rất nhiều chi tiết của chúng có lẽ là để giúp điều khiển và tập trung
các âm thanh này và tai to có thể để thích nghi với việc phát hiện các âm thanh
vọng lại. Chỉ có một giống của nhóm dơi này, dơi ngựa (Rousettus), có thể định
vị bằng âm thanh, nhưng chúng sử dụng một hệ thống tặc lưỡi được tiến hoá độc lập
và đơn giản hơn nhiều chỉ để sử dụng cho việc tìm đường di trong hang.
Trong số 91 loài dơi của Việt Nam, 11 loài thuộc nhóm
megachiroptera và số còn lại thuộc 5 họ của nhóm microchiroptera. Thậm chí
trong tình trạng chưa được khảo sát đầy đủ, đã có những bằng chứng về sự phong
phú của quần xã dơi trong nước. Cuộc khảo sát tại Vườn Quốc gia Cúc Phương nằm ở
phía Bắc Việt Nam vào năm 1997 xác định được 3.5% số lượng loài trên toàn thế
giới. Con số này có thể lên đến 5% nếu được khảo sát kỹ hơn. Dơi có vai trò
sinh thái quan trọng trong quần xã dưới hình thức thụ phấn và phát tán hạt cây.
Việc mất rừng và mất các hang (đặc biệt ở vùng núi đá vôi) nơi chúng dùng làm
chỗ ngủ là mối đe dọa chủ yếu đến sự tồn tại của chúng. IUCN xếp 4 loài dơi vào
loại bị đe dọa toàn cầu. Một trong số đó là dơi thùy tai to (Paracoelops
megalotis; thuộc loại cực kỳ nguy cấp) chỉ được ghi nhận một lần vào năm 1947.
Một loài dơi đặc hữu khác của Việt Nam là loài dơi tai Trường Sơn rất nhỏ nặng
4g được tìm thấy tại tỉnh Quảng Bình ở phía Bắc của dãy Trường Sơn vào năm
2001.
Linh trưởng (bộ Primates)
Việt Nam có 3 trong số 5 họ linh trưởng của châu Á: vượn (họ
Hylobatidae), khỉ và voọc (họ Cercopithecidae) và cu li (Lorisidae). Hai nhóm
còn lại là vượn nhảy nhỏ (họ Tarsiidae) và đười ươi (phân họ Ponginae thuộc họ
Hominidae) một thời đã phân bố ở trong đất liền nhưng đã di chuyển xuống phía
Nam và đến nay chỉ phân bố giới hạn ở các khu rừng thường xanh ẩm ướt tại các đảo
của thềm lục địa Sunda. Một nghiên cứu tổng quan năm 2004 về linh trưởng của
châu Á đã công nhận 19 loài và 8 phân loài ở Việt Nam, nhưng tình trạng phân loại
vẫn còn nhiều thay đổi, đặc biệt là khỉ.
Bên cạnh sự phong phú về số lượng loài và số lượng lớn các
loài đặc hữu, rất nhiều loài linh trưởng ở Việt Nam bị đe dọa ở mức toàn cầu. Một
nghiên cứu tổng quan về tình trạng bảo tồn của linh trưởng trên toàn thế giới
vào năm 2002 đã xếp 4 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam vào 25 loài bị đe dọa
tuyệt chủng nhiều nhất trên toàn cầu: Voọc mông trắng (Trachypithecusdelacouri),
voọc đầu trắng (T. poliocephalus poliocephalus), chà vá chân xám (Pygathrixnemaeus
cinerea) và voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus). Loài thứ 5, là nhóm loài
vượn đen tuyền (Hylobates [Nomascus] nasutus) ít được biết đến, chỉ
phân bố ở vùng Đông Bắc của Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. IUCN xếp 4
loài linh trưởng của Việt Nam và loại cực kỳ nguy cấp, hai loài vào loại nguy cấp
và 6 loài vào loại sắp nguy cấp. Tất cả các loài linh trưởng được xếp vào phụ lục
1 hoặc 2 của CITES.
Cu li (họ Lorisidae)
Cu li phân bố ở vùng nhiệt đới của cựu lục địa thuộc phân bộ
Strepsirrhini, cùng nhánh tiến hoá với vượn cáo của Madagasca (bộ phụ
Chiromyiformes và Lemuriformes) và vượn cáo châu Phi (họ Galagonidae). Cùng với
vượn nhảy nhỏ, chúng đã từng được gọi chung là vượn thuộc phân bộ Prosimii dựa
vào các đặc điểm nguyên thủy chung. Chỉ có một giống cu li (Nycticebus) phân bố
tại Việt Nam và cho đến năm 1961 tất cả cu li đều được phân loại trong cùng một
loài (N. coucang). Đến nay 2 loài đã được công nhận là cu li lớn (N. bengalensis)
và cu li nhỏ (N. pygmaeus). Có thể có loài thứ ba nhưng taxon này chưa được
mô tả. Cu li lớn có phân bố rộng từ Đông Bắc Ấn Độ đến phía Nam bán đảo của
Thái Lan. Cu li nhỏ có phân bố nhỏ hơn rất nhiều và chỉ xuất hiện ở Đông Dương
và tận cùng phía Nam của Trung Quốc.
Cu li có lông ngắn, dày, giống len, đầu tròn, mắt to, tai nhỏ
và nếu có tai thì rất ngắn. Cu li lớn nặng 1,2 kg và lông của nó có mầu da
bò-da cam và ở phía ngoài cùng có mầu xám. Cu li nhỏ nhỏ hơn đáng kể và nặng
500g. Lông của nó có mầu đỏ hơn là mầu da cam nhạt. Cả hai loài này đều có vòng
sẫm quanh mắt và cu li nhỏ có một sọc mầu nâu hơi sẫm, to chạy dọc trên lưng và
tách ra ở trán và chạy xuống mắt. Cả hai loài cu li đều kiếm ăn vào ban đêm và
sống trên cây. Chúng bò chậm dọc theo cành và thân cây để tìm để tìm côn trùng
(kể cả những loài không ngon và độc) và ăn thêm quả cây. Cu li nhỏ cũng ăn nhựa
cây bằng cách dùng răng giống như răng lược khoét vào thân cây. Cũng có nhiều
khả năng các loài cu li khác cũng ăn nhựa cây. Mặc dù chúng thường sống một
mình, cu li có thể sống thành các nhóm xã hội ổn định mà thành viên của nhóm sống
phân tán. Vào ban ngày, cu li ngủ trên các chạc cây và các cành cây đan vào
nhau. Con cái thường đẻ một con và con non cai sữa vào 6 hoặc 9 tháng tuổi. Mối
đe dọa chủ yếu của cu li là săn bắt chủ yếu để làm dược phẩm truyền thống nhưng
cũng để làm vật nuôi trong nhà. IUCN xếp cu li nhỏ vào loại sắp bị nguy cấp.
Khỉ ở cựu lục địa thuộc phân họ Cercopithecinae có tập tính
giống như khỉ nói chung, thường là ồn ào, sống thành đàn, tò mò và hỗn láo.
Trong số 11 giống của nhóm này, chỉ có khỉ thuộc giống Macaca là tới
được châu Á. Năm loài và 1 phân loài có phân bố tại Việt Nam: Khỉ mặt đỏ (M. arctoides),
khỉ mốc (M. assamensis), khỉ đuôi dài (M. fascicularis fascicularis)
và một phân loài có phân bố chỉ giới hạn ở quần đảo Côn Đảo (M. f. condorensis),
khỉ đuôi lợn (M. leonina) và khỉ vàng (M. mulatta). Chúng là nhóm
linh trưởng dễ quan sát nhất ở Việt Nam và có lẽ là phổ biến nhất trong tự
nhiên. Tuy nhiên, chỉ có một số lượng nhỏ những nghiên cứu về khỉ được thực hiện
tại Việt Nam.
Khỉ của Việt Nam có thân hình đậm, kính thước trung bình,
chân tay khoẻ, mặt không có lông, mũi thon dài và hàm khỏe. Mầu lông thay đổi từ
mầu xám vàng đến mầu ôliu và hạt dẻ cho tới mầu nâu sẫm. Sự khác biệt lớn nhất
giữa các loài là độ dài đuôi và kích thước cơ thể. Đuôi có chiều dài từ rất ngắn
như ở khỉ mặt đỏ (1-10cm) tới rất dài như của khỉ đuôi dài (66cm), bằng chiều
dài thân. Các loài khỉ của Việt Nam có kích thước cơ thể khác nhau con cái nặng
từ 3.6-8.4kg và con đực nặng từ 5.4-12.2kg. Hầu hết các loài khỉ sống thành các
đàn khá lớn và tổ chức theo hệ thống mẫu hệ theo những con cái có họ hàng gần
gũi. Các con đực tách khỏi đàn sinh ra chúng khi chúng qua thời thanh niên và
trong thời gian còn lại của cuộc đời chúng sống với nhiều đàn khác nhau và cả sống
một mình. Bên trong cấu trúc này, sự cạnh tranh giao phối giữa các con đực cao
và thúc đẩy sự phát triển kích thước cơ thể lớn và răng nhọn.
Khỉ thường ăn quả cây nhưng rất cơ hội và khả năng thích nghi
cao. Khẩu phần ăn đa dạng của chúng bao gồm hầu như tất cả mọi thứ có thể ăn được.
Sự linh hoạt này cho phép chúng tồn tại trong các môi trường bị biến đổi và
chúng sẵn sàng sử dụng thức ăn của người và rác làm thức ăn của chúng. Khỉ
vàng, là loài linh trưởng có phân bố rộng nhất, bị coi như một loài cỏ dại vì
chúng sống gần nơi người ở (nếu không bị săn bắn) và chịu được các môi trường sống
rất xáo trộn và thường cướp mùa màng làm thức ăn. Bốn loài khỉ của Việt Nam
hình thành 2 cặp loài có phân bố về mặt địa lý giao nhau giữa 14o và 17o vĩ
Bắc. Khỉ mốc và khỉ vàng nằm ở phía Bắc của vùng này và khỉ đuôi lợn và khỉ
đuôi dài nằm ở phía Nam. Sự cùng tồn tại của chúng có thể được thúc đẩy do sự
tách biệt về sinh thái: thành viên đầu tiên của từng cặp loài có phân bố giới hạn
ở các khu rừng thường xanh lá rộng, trong khi đó thành viên thứ hai sống trong
nhiều loại rừng khác trong đó có rừng ngập mặn và rừng trong đầm lầy than bùn.
Loài thứ 5, khỉ mặt đỏ, có phân bố tại các khu vực rừng trong khắp cả nước. Khỉ
bị săn bắn vì làm hại mùa màng, để sử dụng làm thuốc truyền thống và sự dụng
làm vật nuôi cảnh khi chúng còn non. IUCN xếp, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ đuôi
dài vào loại sắp nguy cấp.
Voọc (Họ Cercopithicedae: Phân họ Colobinae)
Voọc là nhóm khỉ phân bố ở cựu lục địa, thuộc phân họ
Colobinae, và chúng có số lượng loài cao nhất, khoảng 80%, ở châu Á. Tám loài
và 4 phân loài thuộc 3 giống khác nhau, chiếm 44% tổng số taxon của linh trưởng
tại Việt Nam, có phân bố từ biên giới Việt Nam-Trung Quốc đến châu thổ sông Mê
Kông. Hiện trạng phân loại của hầu hết các loài vẫn còn chưa rõ ràng và giới hạn
phân bố chúng (cả hiện tại lẫn trước đây) vẫn chưa được biết rõ. Voọc có lẽ là
nhóm linh trưởng bị đe doạ nhiều nhất ở Việt Nam. IUCN xếp 1 loài vào loại sắp
nguy cấp, 2 loài vào dạng nguy cấp và 3 loài vào dạng cực kỳ nguy cấp.
Voọc chủ yếu sống bằng lá cây và ăn thêm quả cây và hạt. Khả
năng thích nghi của chúng với việc ăn nhiều thức có hàm lượng dinh dưỡng thấp
được thể hiện qua sinh lý, sinh thái và tập tính của chúng. Để chứa và tiêu hoá
một lượng lớn lá tiêu thụ, nhóm linh trưởng này có dạ dày lớn và được chia làm
nhiều ngăn. Cùng với các tuyến nước bọt chuyên hoá, việc chia ngăn dạ dày cho
phép chúng phân hủy các hợp chất độc của lá và lấy các chất dinh dưỡng nhờ các
vi sinh vật sống trong ruột. Những vi sinh vật này có khả năng lên men chất
xenluloza, thành phần cơ bản của thành tế bào thực vật, không tiêu hoá được. Về
chức năng này, voọc giống với hươu, gia súc và linh dương (phân bộ Ruminantia)
vì chúng cũng sử dụng quá trình lên men ở ruột trước để tiêu hoá một lượng lớn
thực vật có ít chất dinh dưỡng. Khác với nhóm này, voọc cũng có đoạn ruột kết
to, dạng túi hay là ruột sau cũng được dùng làm nơi lên men.
Voọc có đuôi dài, sống trên cây và thân hình thon. Một số có
hình dạng như mang túi vì chúng mang dạ dày lớn, một đặc điểm đáng chú ý ở chà
vá (giống Pygathrix). Các loài thường được phân biệt bằng mầu lông và sự
khác nhau của các vòng xoắn, ngực, và các túm lông phía trên đầu của chúng.
Lông của con mới sinh thường có mầu trái ngược với con trưởng thành, đôi khi
khá nổi bật, như trường hợp của voọc mông trắng, con trưởng thành gần như là mầu
đen nhưng con non có mầu da cam sáng. Các đàn voọc được tổ chức dựa trên nhóm
trung tâm gồm có một con đực, một hoặc hai con cái và các con non ngoài ra nhiều
con đực và con cái khác có kích thước rất khác nhau cùng tập trung lại. Đàn voọc
mũi hếch có hàng trăm con đã từng được quan sát. Đàn có số lượng lớn được hình thành
nhờ các nguồn thức ăn phong phú và sinh lý chuyên hoá. Ba loài chà vá, 8 loài
voọc chính thức, và 1 loài voọc mũi hếch của Việt Nam khác nhau rất nhiều về
hình dạng bên ngoài, kích thước cơ thể, kích cỡ của đàn, phân bố và môi trường
sống. Hầu hết các loài này đều bị đe dọa do việc săn bắt lấy thịt, làm thuốc,
và dùng làm vật nuôi cảnh và hiện nay chúng chỉ còn lại các quần thể bị chia
cách và bị giảm số lượng một cách nhanh chóng.
Vượn (họ Hylobatidae)
Vượn là thành viên của siêu họ Hominioidea có mức độ đa dạng
cao nhất, phân bố rộng nhất, trừ người hiện đại (Homo sapiens), và số lượng nhiều
nhất. Siêu họ này còn có đười ươi, tinh tinh (giống Pan), đười ươi (giống Gorilla)
và người (giống Homo). Chúng chủ yếu phân bố ở các cánh rừng thường xanh
nhiệt đới ẩm ướt tại cựu lục địa, kéo dài từ cực đông của Ấn Độ tới các đảo
Sumatra, Java và Borneo. Quan hệ về mặt tiến hoá giữa các loài vượn vẫn còn là
một trong những vấn đề hóc búa nhất về phân loại của các động vật trên cạn lớn
tại Đông Nam Á. Tất cả các loài vượn ở Việt Nam đều là vượn đen thuộc phân giống Nomascus nằm
trong giống Hylobates.
Vượn có thân hình thon và thanh, tay dài và khỏe và không có
đuôi. Mặc dù chúng gần như hoàn toàn sống trên cây, vượn là nhóm thích nghi nhất
với việc đi thẳng trong số khỉ không đuôi khi chúng đi dọc theo các cành cây to
hoặc đôi khi đi trên mặt đất ở trong rừng. Mắt của chúng lớn, màu sẫm, luôn tò
mò được bao bọc xung quanh bởi lớp da mặt mầu đen không có lông và phía trên đỉnh
đầu của chúng có một túm lông dựng đứng mà ở con đực có dạng như mào đó là lý
do tại sao tên tiếng Anh của chúng là vượn mào. Mặc dù con đực và con cái chỉ
khác nhau đôi chút về kích thước cơ thể, các nhóm đều có cân nặng trung bình
5.7kg, tất cả các loài vượn đều có sự khác nhau về mầu lông giữa con đực, con
cái, con mới đẻ và con non. Con đực thường có mầu đen với túi má có mầu thay đổi
từ trắng như ở loài vượn đen má trắng (H. [N.] leucogenys; hình 21) đến mầu
vàng đỏ như ở loài như ở loài vượn đen má hung (H. [N.] gabriella) cho đến
đen như ở vượn đen tuyền (H. [N.] concolor). Con cái có mầu sáng, từ vàng
nhạt cho đến nâu vàng, và có chóp phía trên đầu mầu đen. Con mới đẻ có mầu sáng
giống như mẹ nhưng không có mầu sẫm phía trên đầu. Lông của chúng chuyển sang
đen tuyền trong năm đầu hoặc năm thứ hai. Lông của con cái sẽ thay mầu sau đó
khi chúng đến tuổi trưởng thành và chuyển mầu hoàn toàn ngay trước khi chúng rời
đàn đã sinh ra chúng.
Vượn khác với các nhóm linh trưởng khác ở sự kết hợp của 3 đặc
điểm: phương pháp vận động, cấu trúc xã hội một vợ một chồng và các quãng hú phức
tạp. Vượn di chuyển trong rừng bằng tay, đu và xoay về phía trước từ tay nọ
sang tay kia trong khi treo lơ lửng trên các cành và phiến lá cây và chúng thường
giữ nguyên trạng thái lơ lửng này khi dừng lại. Cấu trúc giải phẫu chuyên hoá,
trong đó có ngón tay dài hình móc, các khớp vai linh động và tư thế đi thẳng
cho phép chúng thực hiện các tập tính này. Đu bằng tay và treo lơ lửng có lẽ là
sự thích nghi với đời sống trên cây và với thức ăn có thành phần cơ bản là quả
cây chín và bổ sung bằng trồi cây non và lá. Vượn sống một vợ một chồng. Đàn vượn
thường có một cặp trưởng thành kèm theo 1 cho đến 3 con có khoảng cách về tuổi
là 3 năm và chúng ở cùng đàn cho tới khi khoảng 8 tuổi. Cặp trưởng thành có lãnh
thổ riêng và chúng canh giữ một diện tích ở khoảng 40-500 hecta trong đó có những
cây có khả năng cung cấp thức ăn trong cả năm.
Tất cả các loài vượn đều hú, tạo ra tiếng kêu to và phức tạp
và khác nhau giữa các loài cũng như giữa hai giới tính. Các cặp vượn thường hú ở
dạng hợp xướng, tạo ra các tiếng hú đôi từ trước bình minh cho tới giữa buổi
sáng. Tần số của các lượt hú này thay đổi từ 2 lần trong 1 ngày cho đến 5 ngày
một lần, phụ thuộc vào mùa, thời tiết và mật độ của vượn. Con cái có tiếng hú
hay, cất cao lên, hơi kỳ lạ, tuy nhiên là tiếng huýt rất mạnh mẽ và con đực
cùng hợp xướng bằng tiếng kêu có nhiều đoạn ngắt quãng hơn và thường thêm đoạn
cuối sau khi con cái kết thúc. Có thể nghe thấy từ khoảng cách vài kilômet, những
tiếng kêu này báo hiệu sự có mặt của cặp vượn và để giảm bớt việc xâm phạm lãnh
thổ và giảm sự đối đầu với các nhóm vượn khác. Con đực sống một mình có thể hú
một mình trong khi tiếng kêu mà vượn non thêm vào trong nhóm khi chúng trưởng
thành giống với tiếng kêu của con cái.
Bốn loài và hai phân loài vượn của Việt Nam có phân bố hầu
như là không giao nhau và kéo dài từ miền Bắc của đất nước cho đến phía Nam của
dãy Trường Sơn. Chúng thích sống trong rừng thường xanh nguyên sinh hoặc rừng
thường xanh thứ sinh đã trưởng thành có tán lá gần như kín. Loài sống ở tận
cùng phía Nam, loài vượn đen má hung, cũng phân bố trong các khu rừng nửa thường
xanh. Mối đe dọa lớn nhất đối với vượn là săn bắn làm thức ăn và làm thuốc hoặc
làm vật kỷ niệm chiến công hoặc làm vật nuôi cảnh. Chúng tương đối dễ bị tác động
bởi sự xuống cấp của môi trường sống vì chúng sống dựa vào các loại rừng ít bị ảnh
hưởng. IUCN xếp hầu hết các loài vượn vào loại bị đe dọa toàn cầu, trong đó có
cả loài vượn đen tuyền phân bố phía Đông (H. [N.] sp. cf. nasutus nasutus)
được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp. Loài vượn này đặc hữu ở miền Bắc Việt Nam và
chỉ có một quần thể được biết đến.
Động vật ăn thịt (bộ Carnivora)
Động vật ăn thịt đã gây sự chú ý của con người trong hàng
ngàn năm vì tốc độ, năng lượng, khả năng rình rập, tính hiệu quả, sự thông minh
và tập tính phức tạp và linh động của chúng. Dịch từ gốc liếng Latinh, từ carnivore có
nghĩa là ăn sống (vorous-) thịt (carni-). Mặc dù hầu hết động vật ăn thịt có ăn
một lượng rau và một số ít như gấu trúc đỏ (Ailurus fulgens) phân bố ở dãy
Himalaya hoàn toàn không ăn thịt chỉ ăn măng tre, tất cả các thành viên của bộ
Carnivora có một tổ tiên chung có đặc điểm ăn thịt. Nhóm tiến hoá này có đặc điểm
chung là răng biến đổi để thích nghi với việc cắt đứt và cắt mỏng, xương cổ tay
hợp nhất lại và xương đòn tiêu giảm nhiều có lẽ là để giúp cho việc chạy và
tăng khả năng linh động. Thời gian mang thai ngắn duy trì sự nhanh nhẹn và con
đẻ ra vừa nhỏ vừa không mở mắt. Con non sống cùng với mẹ, cha mẹ, hoặc nhóm xã
hội trong một thời gian dài để học săn và cách tồn tại.
Thịt, mặc dù có nhiều chất dinh dưỡng hơn và dễ tiêu hoá hơn
thực vật, lại không nhiều bằng thực vật và khó kiếm được hơn. Động vật ăn thịt
luôn có số lượng ít hơn con mồi của chúng và số lượng cũng như mật độ của chúng
bị hạn chế chủ yếu do số lượng quần thể của con mồi. Sự mất cân bằng giữa động
vật ăn thịt và con mồi này khiến động vật ăn thịt phải cạnh tranh với các thành
viên cùng loài cũng như với các loài động vật ăn thịt khác sống trong cùng một
môi trường sống. Đây có lẽ là lý do tại sao hầu hết các động vật ăn thịt đều có
lãnh thổ riêng và khi các loài ăn thịt sống chung với nhau chúng thường khác
nhau về kích thước cơ thể, loại thức ăn ưa thích và kiểu hoạt động. Các động vật
ăn thịt có khả năng đánh hơi tốt và được sử dụng để tìm con mồi và để liên lạc
với các cá thể khác thông qua nước tiểu, phân và (ở hầu hết các loài) các tuyến
mùi.
Tất cả 12 họ động vật ăn thịt hiện tại đều được hình thành
trong kỷ Eoxen và Oligoxen (54-26 triệu năm trước đây). Khoảng 50 triệu năm trước
đây đã diễn ra một sự tách biệt lớn phân chia bộ này thành nhánh giống mèo và
ngày nay có mèo, cầy, linh cẩu và cầy lỏn và nhánh giống chó đa dạng hơn gồm có
chó, gấu, chồn và gấu trúc Mỹ. Nhánh thứ hai cũng bao gồm các loài thích nghi với
đời sống trên biển như con moóc và hải cẩu (phân bộ Pinnipedia). Chúng tách ra
khỏi các động vật ăn thịt trên cạn (phân bộ Fissipedia) khoảng 25 triệu năm trước
đây.
Ba mươi chín loài thuộc 6 họ động vật ăn thịt đã được liệt kê
ở Việt Nam. Sau linh trưởng, động vật ăn thịt là một trong số các bộ bị đe dọa
nhiều nhất ở Việt Nam và IUCN xếp 6 loài vào loại bị đe dọa toàn cầu. Do bản
năng săn mồi và khả năng đặc biệt của một số nhóm nằm trong bộ này, động vật ăn
thịt thường có xung đột với con người. Vì tiềm năng vốn có của chúng, động vật
ăn thịt cũng dễ bị tác động của việc săn bắt để phục vụ mục đích tiêu dùng và
làm thuốc truyền thống.
Chó (họ Canidae)
Họ Canidae là nhánh cổ đại nhất của động vật ăn thịt hiện đại
và là nhóm có phân bố rộng nhất, với các thành viên của chúng có mặt ở hầu hết
tất cả các lục địa. Là động vật ăn thịt có kích thước trung bình, chân dài,
thân hình cao gầy và nhanh nhẹn và đuôi có nhiều lông, chó là động vật rất
thích nghi với đời sống ăn thịt và săn mồi trên đồng cỏ và các cảnh quan trống
khác. Mặc dù chúng có các răng nanh lớn và các răng cắt hữu hiệu, kiểu răng của
chó tương đối đồng đều và không chuyên hoá. Đây là một thứ vũ khí chung tốt
nhưng không thể cắn chết. Thay vì đó, chó tấn công vào cổ hoặc mũi của con mồi
làm chúng không cử động được và kéo con mồi xuống trước khi giết chúng.
Ngoài hình thái tương đối ít thay đổi, đặc điểm đặc trưng của
chó là tập tính tận dụng cơ hội, linh hoạt và có khả năng thích nghi cao. Sự
linh hoạt này được thể hiện thường xuyên trong cách tổ chức xã hội thường là phức
tạp. Nền tảng của các xã hội này là xu hướng phổ biến tiến tới một vợ một chồng.
Khi lợi ích của việc sống với các cá thể khác lớn hơn các thiệt hại có thể xảy
ra (như tăng cạnh tranh về thức ăn và tìm đôi hoặc dễ bị nhiễm vật ký sinh),
chúng có thể hình thành các đàn lớn hơn có nhân tố là các đôi sinh sản. Điều
này dẫn đến tập tính cộng tác trong đi săn và chăm sóc con non, kèm theo các hệ
thống địa vị theo thứ bậc có ảnh hưởng lớn, giao tiếp xã hội phức tạp thông quả
vẻ mặt, ngôn ngữ cơ thể, âm thanh và mùi việc tách đàn chậm lại của các con non
và sự ngừng sinh sản của các con trưởng thành cùng đàn. Một trong số 4 loài chó
ở Việt Nam, chó sói lửa, sống thành đàn và cùng đi săn. Cả chó rừng và cáo lửa
(Vulpes vulpes) đều sống một vợ một chồng nhưng trong khi các cặp chó rừng có
thể cùng nhau săn con mồi lớn, cặp cáo lửa thường đi săn một mình. Loài cuối
cùng, lửng chó (Nyctereutes procyonoides) là một trong số các loài chó cổ đại
nhất. Chúng tách ra khỏi họ hàng của chúng khoảng 8 đến 12 triệu năm trước đây.
Hơi giống lửng (giống Procyon) về hình dạng bên ngoài, kiểu răng và thức
ăn, chúng là loài chó duy nhất ngủ đông. Tại Việt Nam, cả lửng chó và cáo lửa đều
có phân bố giới hạn ở miền Bắc và là tận cùng phía Nam của vùng phân bố hẹp của
chúng. IUCN xếp chó sói lửa vào loại nguy cấp.
Gấu (họ Ursidae)
Gấu là loài ăn thịt lớn nhất ngày nay. Chúng dễ dàng phân biệt
bởi thân hình đồ sộ, chân ngắn và mập, móng khỏe, đuôi nhỏ, đầu to, mắt nhỏ và
tai tròn. Trong quá trình tiến hoá, nhóm động vật gồm 8 loài này đã đổi tốc độ
lấy sức khoẻ và tầm vóc cơ thể lớn và, với một ngoại lệ là gấu Bắc cực (Ursus
maritimus), đổi khẩu phần thức ăn chủ yếu là thịt sang thức ăn có thành phần
thay đổi và ăn tạp. Kích thước cơ thể lớn giúp gấu tránh bị ăn thịt và cho phép
chúng ăn nhiều hơn, tấn công con mồi lớn và tích lũy mỡ dự trữ để tồn tại qua
thời kỳ thiếu thức ăn và thời tiết lạnh. Các thành viên trong bộ không có răng
cắt đặc trưng, nhưng sọ của chúng có các cơ hàm khỏe và răng hàm to để nghiền
thức ăn.
Hai loài gấu khác nhau về kích thước, sở thích về môi trường
sống và về dạng thức ăn phân bố khắp Việt Nam. Gấu ngựa (U. thibetanus) có
kích thước lớn hơn chủ yếu ăn thực vật trong khi đó gấu chó (U. malayanus)
nhỏ hơn ăn cả thực vật và côn trùng. Cả hai loài này được xếp vào phụ lục I của
CITES.
Chồn (họ Mustelidae)
Mustelidae là họ lớn nhất trong số các họ của động vật ăn thịt,
với 65 loài được công nhận vào năm 2003. Các thành viên của họ này sống trong
nhiều loại môi trường khác nhau và một số có cấu trúc cơ thể khác xa với cấu
trúc chung là thân dài và chân ngắn. Hầu hết các loài chồn đều ăn thịt nhiều có
răng nanh to và răng cắt sắc và khẩu phần ăn của chúng bao gồm thú nhỏ sống
trong hang, chim, thằn lằn, ếch, cá, trứng và động vật không xương sống. Chúng
là các động vật săn mồi tàn nhẫn và gan lì và nhiều loài săn cả những con mồi lớn
hơn chúng. Chồn thường sống một mình và tất cả (trừ rái cá biển, Enhydra
lutris) đều có các tuyến hậu môn tiết ra các chất có mùi hôi, hăng và như xạ được
sử dụng cùng với nước tiểu và phân để báo hiệu sự có mặt, tình trạng và ý định.
Mười ba loài thuộc 3 nhóm chính đã được thống kê tại Việt
Nam: chồn và chồn mactet (phân họ Mustelinae), con lửng (phân họ Melinae) và
rái cá (phân họ Lutrinae). Bốn loài chồn và 1 loài chồn mactet có phân bố giới
hạn ở miền Bắc của đất nước và trong đó có triết Xibiêri (Mustela sibirica), có
quan hệ họ hàng gần gũi với chồn núi Inđô (M. lutreolina) sống trên vùng
cao nguyên của Sumatra và Java. Hai nhóm tiến hoá này có lẽ đã bị tách biệt do
khí hậu và sự dao động của mực nước biển trong thời kỳ Pleitoxen (1.8-0.01 triệu
năm trước đây) hoặc trước nữa. IUCN xếp loài thứ hai, triết chỉ lưng (M. trigidorsa)
vào loại sắp nguy cấp. Loài chồn ít được biết đến này phân bố ở một khu vực nhỏ
kéo dài từ Bhutan đến tỉnh Vân Nam Trung Quốc và về phía Nam đến Thái Lan, Lào
và Việt Nam.
Bốn loài lửng, nhóm bắt nguồn từ các khu rừng châu Á, có phân
bố ở Việt Nam trong đó có chồn bạc má Miến Điện (Melogale personata) và chồn bạc
má Bắc (M. moschata). Với thân hình dài, gầy và có các vết trên mặt dễ nhận
biết, các loài chồn này trên thực tế có quan hệ họ hàng gần gũi với chồn và rái
hơn là với các loài lửng sống trong hang khác.
Các loài rái cá của Việt Nam là những loài chồn bị đe dọa nhiều
nhất. Các bằng chứng từ Thái Lan gợi ý là rái cá lông mượt (Lutrogale
perspicillata), rái cá thường (Lutra lutra) và rái cá vuốt bé (Aonyx
cinerea) có thể chung sống bằng cách ăn các loại thức ăn dưới nước khác nhau,
theo thứ tự chúng chuyên hoá ăn cá to, cá nhỏ và cua nước ngọt. Rái cá mũi lông
(Lutra sumatrana) được phát hiện lại tại Việt Nam năm 2000 không có phân bố
trùng với phân bố của rái cá thường. Rái cá định vị con mồi dưới nước bằng các
ria cứng trên mũi, mõm và trên khuỷu chân và, trong trường hợp của rái cá vuốt
bé, bằng cách chạm vào con mồi. Vì chúng là động vật săn mồi chiếm ưu thế trong
các vùng đất ngập nước, chúng nhậy cảm với ô nhiễm và có thể tích lũy các hợp
chất độc trong mô của chúng. Chúng cũng bị đánh bẫy để lấy da và làm thuốc.
IUCN đã xếp rái cá lông mượt vào loại sắp nguy cấp và rái cá vuốt bé và rái cá
thường vào loại gần bị đe dọa. Hiện chưa có đủ thông tin để đánh giá tình trạng
bảo tồn của rái cá mũi lông.
Cầy (họ Viverridae)
Họ Viverridae có 17 loài gồm có cầy, cầy lisang và cầy genet
phân bố khắp châu Á, châu Phi và bán đảo Iberian của châu Âu. Mười loài trong số
này có phân bố tại Việt Nam. Thường được gọi là mèo cầy để chỉ cơ thể thon,
nhanh nhẹn và tập tính kín đáo, nhút nhát, nhóm động vật ăn thịt có kích thước
từ nhỏ đến trung bình này có mõm thon dài giống mõm cáo hơn là mõm mèo. Cầy có
lẽ là nhóm động vật ăn thịt ít thay đổi nhất về mặt tiến hoá, thể hiện qua việc
giữ lại rất nhiều đặc điểm của nhóm động vật được cho là tổ tiên của chúng như
kích thước nhỏ, nửa sống trên cây và kiếm ăn ban đêm. Không giống như hầu hết
những nhóm khác, cơ thể chúng không có các đặc điểm thích nghi với việc đuổi
theo con mồi và thay vào đó chúng sử dụng chiến thuật rình mồi và răng của
chúng gần như không chuyên hoá. Cầy thường sống một mình và kiếm ăn vào ban
đêm. Chúng có mầu lông thay đổi từ da bò đến mầu nâu sẫm và có các sọc và chấm
mầu sẫm hơn. Móng co rút được hoặc nửa co rút để trèo và có tuyến đáy chậu tiết
ra mùi rất hôi (nằm giữa hậu môn và bộ phận sinh dục) để đánh dấu bằng mùi.
Trong số các loài cầy ở Việt Nam, chỉ có cầy vằn (Chrotogale
owstoni) được IUCN xếp vào loại bị đe dọa toàn cầu và xếp vào loại sắp nguy cấp.
Cầy rái cá (Cynogale lowei) là một loài đặc biệt sống nửa nước nửa cạn chỉ được
biết đến từ một bộ da thu thập được tại tỉnh Bắc Cạn miền Bắc Việt Nam vào năm
1926 hiện nay vẫn chưa được đánh giá nhưng có lẽ phải được xếp vào loại bị đe dọa
nếu vẫn còn tồn tại. Cầy Tây Nguyên (Viverra tainguensis), được mô tả vào năm
1997 từ vùng phía Nam dãy Trường Sơn, có thể không phải là loài mới và thay vào
đó là một đại diện (có thể là phân loài) của cầy giông (V. zibetha).
Mèo (họ Felidae)
Mèo là thành viên đúng nghĩa nhất của động vật ăn thịt vì
chúng gần như không ăn thực vật. Đặc điểm ăn nhiều thịt này đã hình thành và hạn
chế hình thái, tập tính và cấu trúc xã hội của nhóm động vật này. Tất cả các
loài mèo đều là các con vật săn mồi đi lén theo và rình rất hiệu quả. Hàm ngắn,
khoẻ kết hợp với răng nanh to cho phép mèo cắn chết con mồi khi cắn vào cổ, cắt
đứt cột sống hoặc cắn chặt vào cổ con mồi lớn hơn làm chúng không thở được.
Chân trước khoẻ và móng co rút được cho phép mèo ôm chặt con mồi trước khi giết
chúng bằng cách giữ hoặc kéo chúng xuống. Mèo cũng có mắt to và hướng về phía
trước nằm ở phía trên của sọ là ống nhòm lý tưởng và giúp nhìn xa cho phép
chúng phát hiện chuyển động và xác định khoảng cách trước khi tấn công. Lông của
mèo thường màu hung và ở nhiều loài sống trong rừng mầu lông này có thêm các vằn
sọc và chấm để giúp chúng ngụy trang trong môi trường có đốm sáng. Mèo hiện đại
hơi khác với tổ tiên của chúng ở cấu trúc chung của cơ thể. Các loài khác nhau
chủ yếu ở kích thước và mầu lông.
Tám trong số 10 loài mèo châu Á có phân bố ở Việt Nam. Trong
lịch sử, hầu hết chúng đều có phạm vi phân bố rộng khắp trên cả nước trừ mèo gấm
(Pardofelis marmorata) có lẽ là chỉ giới hạn ở phía Bắc. Hai loài nhỏ nhất, mèo
gấm và mèo rừng (Prionailurus bengalensis), cân nặng từ 2.5 đến 3.5kg và xấp xỉ
kích thước của mèo nuôi (Felis sylvestris catus). Mèo gấm sống trong rừng và ăn
nhiều loại động vật có xương sống và côn trùng nhỏ. Mèo rừng ít được biết đến,
sống nhiều trên cây hơn và ăn chim bổ xung thêm bằng thú nhỏ và có thể là ếch
và thằn lằn. Loài mèo lớn nhất ở Việt Nam là hổ có phân bố ở phía Bắc (P. t. corbetti).
Con đực nặng 150-195kg và dài 2.55-2.85m từ đầu đến gốc đuôi. Hươu (họ
Cervidae) và lợn rừng (họ Suidae) là thành phần thức ăn chủ yếu của hổ, mặc dù
chúng có thể ăn con mồi nhỏ như ếch và to như bò rừng (giống Bos) nặng
1000kg. Việt Nam cũng là nơi cư trú của một phân loài phân bố ở Đông Dương thuộc
loài báo hoa mai (P. p. delacouri) và của loài báo gấm đẹp nhưng khó
tiếp cận. Lông của báo gấm dễ nhận thấy nhờ các vết sẫm trông như mây một phần
được viền bằng mầu đen tương phản với mầu lông nền thay đổi từ mầu xám hơi sẫm
đến mầu nâu vàng. Nó là loài mèo trèo rất giỏi, phần lớn thời gian ở trên cây
và ăn linh trưởng, chim và hươu.
Không phân biệt kích thước, tất cảc các loài mèo của Việt Nam
đều bị đe dọa do săn bắt để lấy lông và dùng làm thuốc truyền thống. Hổ cũng bị
đe dọa bởi sự giảm sút của con mồi. Chúng có thể cần ít nhất 5-6kg thịt một
ngày. Trong các khu vực nơi săn bắn đã làm giảm các quần thể con mồi có kích
thước trung bình, hổ chỉ còn lại ở mật độ rất thấp nếu chúng còn tồn tại. IUCN
xếp 4 loài mèo của Việt Nam vào loại sắp nguy cấp đó là báo gấm, mèo gấm, báo lửa
(Catopuma temminckii) và mèo cá (Prionailurus viverrinus). Hổ được xếp vào loại
nguy cấp. Quần thể của cả năm loài này đều đang giảm sút.
Bộ cá voi (bộ Cetacea)
Trong tất cả các nhóm thú thích nghi với đời sống dưới nước,
các thành viên của bộ Cetacea là chuyên hoá nhất với việc sống trong nước với
hình dáng khí động học, không có lông và hoàn toàn độc lập với đời sống trên cạn.
Nguồn gốc tiến hoá của chúng mà trước đây không lý giải được đã bắt đầu được
làm sáng tỏ vào giữa những năm 1990 khi các phân tích di truyền gợi ý rằng họ
hàng gần gũi nhất của chúng là hà mã và chúng đã phân tách thành hai nhóm khác
nhau khoảng 55 triệu năm trước. Phát hiện này thực sự đặt bộ cá voi vào nhóm gồm
có (trong số các loài khác) lợn, lạc đà, hươu, linh dương và bò (bộ
Artiodactyla).
Bộ cá voi được chia thành hai nhóm: cá voi có răng (phân bộ
Odontoceti) trong đó có cá heo và cá heo mỏ và cá voi có tấm sừng (phân bộ
Mysticeti). Cá voi răng, có đầu thon dài và sọ giống như mỏ, ăn mực, cá và các
loài thú dưới nước khác (trong đó có cả các loài cá voi khác). Trán của chúng
hơi uốn lên phía trên thành hình quả dưa phình ra để tập trung các siêu âm mà
chúng phát ra từ đường mũi để định vị con mồi. Trái lại, thay vì răng, cá voi sừng
có các tấm tua dạng sừng liên tục mọc ra (còn gọi là xương cá voi) được nối với
hàm trên. Được tạo thành chủ yếu từ protein kêratin, các hàng hình thành do tấm
tua hình tam giác tạo ra hệ thống lọc phức tạp để lọc sinh vật nổi, động vật
không xương sống và cá nhỏ từ nước biển.
Trong số 86 loài cá voi được công nhận hiện nay, xấp xỉ 20
loài sống trong vùng biển của Việt Nam. Chúng khác nhau về kích thước từ cá heo
không vây (Neophocaena phocaenoides) nặng 30-70kg tới cá voi xanh (Balaenoptera
musculus) nặng tới 165 tấn và là động vật lớn nhất từng tồn tại trên trái đất.
Cá voi rất khó đếm số lượng chủ yếu là do chúng phần lớn sống dưới mặt nước và
xa đất liền. Thông tin về số lượng loài cá voi, cá heo mỏ và cá heo của Việt
Nam một phần thu được từ các cá thể bị mắc cạn, từ xương thu thập được và từ
xương được giữ trong các đền để thờ cúng. Một số ít các cuộc khảo sát có hệ thống
chỉ ghi nhận được một số lượng rất ít những lần quan sát được cá voi. Mật độ tự
nhiên của cá voi có thể là thấp ở vùng dọc theo bờ biển của Việt Nam do các điều
kiện về sinh thái, như ít thức ăn tự nhiên hoặc nhiệt độ nước, làm hạn chế số
lượng quần thể. Con người có lẽ cũng đóng vai trò trong việc làm giảm số lượng
cá voi thông qua việc làm cá voi bị mắc vào lưới đánh cá ven bờ; các tác động của
các hoạt động quân sự, khai thác dầu, và đánh cá bằng chất nổ lên thính giác của
chúng; và thức ăn giảm do đánh cá quá mức.
Bốn loài bò biển còn sót lại đại diện cho nhánh thú thứ ba đã
rời bỏ cuộc sống trên mặt đất để chuyển sang cuộc sống dưới nước. Chuyển động
chậm chạp, to (nặng tới 1.600kg) và trông vụng về, bò biển chỉ có chân chèo
phía trước và đuôi nằm trên cơ thể hình khí động học. Các sinh vật biển này lần
đầu tiên xuất hiện 55 triệu năm trước đây trong thời kỳ Eoxen khá ấm áp và họ
hàng gần gũi nhất của chúng về mặt tiến hoá là voi (bộ Proboscidea). Khác với
cá voi và các động vật ăn thịt sống dưới nước, bò biển hoàn toàn ăn thực vật,
như các thực vật nổi, cỏ biển ở trên sông, vùng cửa sông và các vùng nước nông
ven bờ. Để tiêu hoá một số lượng lớn thức ăn ít dinh dưỡng này, bò biển có bộ
máy tiêu hoá rất lớn và lợn biển có ruột với chiều dài tới hơn 45m. Phân bố giới
hạn ở các vùng nước nhiệt đới, chúng cần ít năng lượng để duy trì nhiệt độ cơ
thể mặc dù chúng có tích lũy mỡ dự trữ để sống qua các thời kỳ thiếu thức ăn.
Bò biển (Dugong dugon) là loài duy nhất của Việt Nam thuộc bộ
này và sống ở vùng nước nông ven bờ của Côn Đảo và Đảo Phú Quốc. Giống như những
loài khác, chúng được IUCN xếp vào loại sắp nguy cấp và chủ yếu bị đe dọa do
săn bắt.
Voi (bộ Proboscidea)
Voi Việt Nam là một trong ba loài trong bộ Proboscidea còn lại
trên trái đất ngày nay. Cùng với voi đồng cỏ châu Phi (Loxodonta africana) và
voi rừng châu Phi (L. cyclotis), chúng là những loài còn sống sót của một
nhóm tiến hoá đa dạng (đến nay hơn 160 loài được khám phá) có xuất hiện ở châu
Phi khoảng 60 triệu năm trước đây và mở rộng vùng phân bố ra tất cả các lục địa
trừ Úc và châu Đại Dương. Bộ voi có đặc điểm chung là kích thước cơ thể lớn,
chân thon dài và bàn chân phẳng, và thay đổi hình dạng đầu thường xuyên tùy
theo loại thức ăn.
Voi hiện đại ăn thực vật; mỗi ngày, con trưởng thành có thể
ăn 125-225kg cỏ tươi, thực vật phi gỗ, tre, lá và cành nhỏ của cây bụi, dây leo
và cây cùng với quả, vỏ, rễ và ruột cây. Chúng dùng vòi để kiếm ăn, sử dụng
chúng để nhổ từng cây nằm dưới đất hoặc kéo đổ cành và cả cây. Voi đực ở châu Á
nặng 5.400kg và voi cái nặng 2.700kg, 15%-25% trọng lượng này là sọ. Răng hàm
duy nhất có thân răng cao và có nhiều gờ chiếm toàn bộ phần phía sau của hàm.
Răng này di chuyển về phía trước khi nó bị mòn ở phần mặt trước và được thay bằng
một cái răng hàm mới mọc lên từ phía sau. Các răng thay thế này cũng hạn chế về
số lượng. Voi có 6 răng thay thế trên mỗi phần hàm. Ngà voi được hình thành từ
cặp răng cửa phía trên đã bị biến đổi rất nhiều, chứ không phải là răng nanh
như đôi khi người ta vẫn nghĩ.
Voi châu Á đã có thời có phân bố từ Irắc đến Trung Quốc ngày
nay, và cho đến năm 1980 Việt Nam có từ 1500-2000 cá thể phân bố khắp Việt Nam.
Số lượng voi đã giảm xuống nhanh chóng và tới năm 2002 chỉ có từ 59 đến 80 cá
thể còn sống sót trong tự nhiên. Sự giảm sút này là do nhiều nguyên nhân, tất cả
đều do hoạt động của con người gây ra: săn bắn lấy ngà, mất và sự phân tách nhỏ
môi trường sống do mở rộng nông nghiệp (trong đó có cả việc trồng cây hoa màu
trong rừng) và bắt để thuần hoá. Môi trường sống bị thu hẹp cũng tăng sự tiếp
xúc - và xung đột - giữa voi và con người gây ra các hậu quả xấu cho cả hai
phía. Voi có thể phá hoại mùa màng và nơi cư trú và đôi khi làm chết người. Điều
này đã dẫn tới việc giết voi và các nỗ lực di chuyển chúng tới nơi khác nhưng
không phải lúc nào cũng thành công và đôi khi dẫn đến voi bị chết. Voi ở Việt
Nam tập trung ở Vườn Quốc gia Yok Don và Cát Tiên ở miền Nam Trung Bộ và phân bố
rải rác dọc theo vùng biên giới phía Tây với Lào và Campuchia. Hiện nay vẫn
chưa rõ bao nhiêu quần thể trong số này có thể tồn tại độc lập được. Cho đến
năm 2000, xấp xỉ 150 cá thể voi đã được thuần hoá còn sống chủ yếu tập trung tại
tỉnh Đắc Lắc. IUCN xếp voi châu Á vào loại nguy cấp. Loài này có lẽ sẽ sớm bị
tuyệt chủng ở Việt Nam.
Thú có móng guốc lẻ (bộ Perissodactyla) và guốc chẵn (bộ
Artiodactyla)
Mặc dù chúng không được ưa thích như linh trưởng và cũng
không hấp dẫn như động vật ăn thịt, thú có móng guốc ở Việt Nam có chung một đặc
điểm: chúng là một trong số các loài thú bị đe dọa nhiều nhất. Trong số xấp xỉ
20 loài thú móng guốc đã từng có phân bố tại Việt Nam, 3 loài đã bị tuyệt chủng
và 2 loài khác cũng nhiều khả năng đã không còn tồn tại. Trong số các loài còn
lại, chỉ có 5 loài không bị coi là bị đe dọa toàn cầu: lợn rừng (Sus scrofa),
cheo cheo (Tragulus kanchil) và cheo cheo napu (T. napu), nai và hoẵng.
Thú có móng guốc cũng chiếm đa số trong số các loài thú mới được công nhận ở Việt
Nam, với 4 loài mới được mô tả và 2 loài khác được phát hiện lại kể từ năm
1992. Không phải tất cả thú móng guốc mới được mô tả đều được công nhận sau khi
được nghiên cứu kỹ lưỡng. Sơn dương sừng xoắn (Pseudonovibos spiralis), được mô
tả vào năm 1994 dựa trên một mẫu sừng duy nhất, thực chất là bò nuôi có sừng đã
bị sửa đổi (khung 11).
Tất cả các thú móng guốc đều có kích thước lớn - không có
loài nào nặng dưới 1kg - và, với ngoại lệ là nhóm lợn (họ Suidae), đều chỉ ăn
thực vật. Chúng thích nghi với cử động nhanh, có móng guốc thay vì móng thường
và có ít ngón chân hơn so với tổ tiên của chúng có 5 ngón. Thú móng guốc lẻ (bộ
Perissodactyla) như ngựa (họ Equidae) và tê giác (họ Rhinocerotidae) có 1 hoặc
3 ngón chân, trong khi đó thú móng guốc chẵn (bộ Artiodactyla), trong đó có lợn,
hươu (họ Cervidae) và bò (họ Bovidae) có 2 hoặc 4 ngón chân. Hầu hết các loài đều
có khả năng chạy nhanh trong một thời gian dài.
Phần lớn thú móng guốc chẵn khác với họ hàng móng lẻ của
chúng ở hai đặc điểm nữa là: nhai lại và sừng. Để đối phó với chất xenlulô
không tiêu hoá được bằng cách thông thường, tổ tiên của thú móng guốc chẵn đã
phát triển một quá trình tiêu hoá phức tạp để tiêu hoá thành phần chính trong
thức ăn của chúng. Thức ăn ban đầu được lên men trong khoang đầu tiên của dạ
dày, nơi vi khuẩn phân hủy xenlulô và sau đó thức ăn được ựa ra và nhai lại trước
khi được tiêu hoá lại và đi qua phần còn lại của ruột. Những loài móng guốc chẵn
không nhai lại và tất cả thú móng guốc lẻ dựa vào quá trình lên men ở ruột sau
và là một quá trình kém hiệu quả hơn diễn ra giữa ruột non và ruột già. Hầu hết
động vật nhai lại cũng có sừng, một bộ phận có cấu trúc bằng xương và thường có
nhánh phức tạp. Sừng có thể là vĩnh cửu hoặc thay hàng năm. Chúng có thể chỉ có
ở con đực hoặc cả đực và cái. Cheo cheo đực (giống Tragulus), hươu xạ đực
(giống Moshus) và hoẵng đực (giống Muntiacus), có gạc tương đối nhỏ
hoặc không có và thiếu bộ gạc lớn để làm vũ khí tranh giành (và có thể là hấp dẫn)
con cái. Thay vào đó, chúng được trang bị bằng răng nanh hàm trên liên tục mọc
và chìa ra khỏi môi dưới. Ở hươu xạ, răng này có thể dài tới 7-10cm.
Thú có móng guốc ở Việt Nam bị đe dọa bởi săn bắt và mất môi
trường sống. Việc mất môi trường sống đặc biệt ảnh hưởng đến hai loài ưa thích
vùng đồng cỏ thấp và đầm lầy là nai cà tông và hươu vàng. IUCN xếp nai cà tông
vào loại sắp nguy cấp và phân loài của hươu vàng sống ở Đông Dương sắp bị tuyệt
chủng trên toàn cầu. Cả hai loài này có lẽ đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Những
loài đã chắc chắn bị tuyệt diệt ở Việt Nam là loài bò xám thuộc loại rất nguy cấp,
trâu rừng và hươu sao của Việt Nam (Cervus nippon pseudaxis), mặc dù
8.000-10.000 con hươu sao đang được nuôi ở các trang trại nằm tại các tỉnh Nghệ
An và Hà Tĩnh để thu hoạch nhung để bán làm thuốc. Cũng bị đe dọa toàn cầu là
loài thú móng guốc lẻ duy nhất ở Việt Nam, tê giác một sừng; hai loài bò rừng,
bò tót (thuộc loại sắp nguy cấp) và bò rừng (thuộc loại nguy cấp); sơn dương
(thuộc loại sắp nguy cấp); và Saola (thuộc loại nguy cấp). Hươu xạ (M. berezovskii),
bị săn bắt rất nhiều để lấy xạ có mùi thơm, được coi là gần bị đe dọa. Rất ít
thông tin thu thập được về các quần thể của hai loài mới được mô tả là mang Trường
Sơn (M. truongsonensis) và mang lớn (M. vuquangensis) và loài lợn rừng
Trường Sơn được phát hiện lại (Sus bucculentus) để có thể đánh giá tình trạng bảo
tồn của chúng. Hiện nay vẫn chưa biết liệu loài cheo cheo lưng trắng (Tragulus
versicolor), mô tả năm 2004 từ các mẫu vật thu được gần Nha Trang và chỉ phân bố
ở Việt Nam, có còn tồn tại hay không.
Bộ gặm nhấm (bộ Rodentia)
Với hơn 2.000 loài, bộ gặm nhấm (bộ Rodentia) là bộ thú lớn
nhất, chiếm hơn 40% tổng số loài thú trên thế giới. Từ rodent bắt nguồn từ động
từ tiếng Latinh rodere, có nghĩa là gặm. Tất cả các loài đều có các răng cửa
mọc liên tục ở phía trước hàm của chúng. Phần lớn các loài đều có kích thước nhỏ,
nhẹ hơn 100g và chúng ăn các phần khác nhau của thực vật như chồi, hạt, quả hạch,
củ và lá cùng với các động vật không xương sống nhỏ. Để đạt được hiệu quả cao
nhất trong quá trình tiêu hoá, các loài gặm nhấm có kích thước nhỏ ăn lại một
phần thức ăn đã tiêu hoá trực tiếp từ hậu môn. Các chất có trong thực vật, đặc
biệt là xenlulô, đầu tiên được phân hủy bởi vi khuẩn trong ruột tịt nằm tại đoạn
nối giữa ruột già và ruột non. Các cục phân mềm tạo ra được chúng ăn lại cho
phép đường và tinh bột đã được giải phóng hấp thụ tại phần ruột non và nước được
hấp thụ trong phần ruột già và cuối cùng tạo ra các cục phân cứng.
Các loài gặm nhấm thông minh, thường có tổ chức xã hội chặt
chẽ và khá ồn ào trong việc trao đổi liên lạc. Xấp xỉ 65 loài phân bố ở Việt
Nam là những động vật hoang dã dễ quan sát nhất, đặc biệt là sóc (họ
Sciuridae). Sóc, dễ nhận biết nhờ đuôi dài, phủ lông tơ và thói quen ăn thức ăn
từ chân trước trong khi ngồi lên trên hông, có thể dễ quan sát, nhanh nhẹn và ồn
ào vào ban ngày. Mười chín loài phân bố tại Việt Nam gồm có sóc sống trên mặt đất,
sóc sống trên cây và sóc bay. Nhóm cuối cùng khó quan sát vì tất cả các loài đều
kiếm ăn vào ban đêm. Hơn 40 loài gặm nhấm còn lại tại Việt Nam thuộc về họ chuột
(Muridae) rất đa dạng gồm có 1.300 loài phân bố trong các môi trường sống khác
nhau từ tunđra đến rừng nhiệt đới trên tất cả các lục địa trừ châu Đại Dương.
Được phân hoá để có các vai trò sinh thái khác nhau, các loài gặm nhấm dạng chuột
này có thể sống trên cây hoặc trên mặt đất, sống dưới nước, sống trong hang, và
thậm chí còn nhảy được. Hầu hết các loài đều có khả năng tăng số lượng nhanh, đẻ
sớm và mau, thường tạo ra các lứa có số lượng lớn.
Họ gặm nhấm thứ 3 ở Việt Nam là họ nhím (Hystricidae) có hai
loài: don (Atherurus macrourus) và loài nhím đuôi ngắn (Hystrix brachyura) to
hơn và lông dày hơn. Chúng chủ yếu sống trên cạn và hoàn toàn kiếm ăn vào ban
đêm. Chúng đào rễ cây, củ và ăn quả cây rụng, lá và đôi khi xác chết thối. Don
nặng 1.5-4 kg và lưng và phần bên thân của nó được bao phủ bằng lông có mầu nâu
sôcôla và ở bên rìa có dạng răng cưa nhỏ. Đuôi của nó có vảy trừ phần cuối được
phủ lông rậm bằng lông cứng hoặc lông đã biến đổi tạo ra tiếng lách cách cộc lốc
khi rung. Nhím có lông mào thuộc giống Hystrix khá lớn nặng 13-27kg
và có bộ lông phức tạp hơn. Các lông cứng khoanh thành các dải màu đen và màu
trắng xen kẽ nhau bao phủ phần lưng và phần bên thân và được điểm xuyết bằng
các lông dài hơn, mảnh hơn, hơi cong và mềm hơn. Đuôi ngắn có lông chuyên hóa không kín ở đầu và cũng tạo ra các tiếng lách cách to. Phần còn lại của cơ thể
được bao phủ bởi lông cứng mầu đen ngắn và phẳng với lông mào dài và dựng đứng
trên đầu. Khi bị đe dọa, nhím đuôi ngắn rung đuôi lách cách, giậm chân và xoè
lông ra, đôi khi kêu liên hồi và gầm gừ. Nếu tiếp tục bị đe dọa nó có thể quay
phía bên hoặc phía sau về phía kẻ thù, cố gắng làm kẻ thù hoảng sợ bằng các
lông dễ dàng phóng ra. Nhím ở Cựu lục địa là một trong số các nhóm gặm nhấm sống
lâu nhất. Trong tự nhiên chúng sống tới 15 năm hoặc hơn và đẻ ít mỗi lứa 1 hoặc
2 con.
Mặc dù dễ bị bỏ quên và thường bị xếp hết vào loại vật gây hại,
nhóm gặm nhấm đóng vai trò quan trọng trong chức năng của hệ sinh thái. Thói
quen đào hang làm cho đất thoáng khí và gây ảnh hưởng đến các đặc tính về vật
lý và hoá học cũng như tạo ra các vùng vi môi trường. Nhóm gặm nhấm ăn hạt và
cây mới mọc mầm giúp hình thành phân bố và khả năng sống sót của cây, thường là
khác nhau giữa các loài và vai trò của chúng trong việc phát tán bào tử nấm để
tạo ra các mối quan hệ cộng sinh có lợi cho từng loài tại vùng rễ cây có thể phần
nào quyết định thành phần của các khu rừng. Các loài gặm nhấm xung đột với con
người chủ yếu do chúng phá hoại mùa màng, mặc dù chúng đôi khi cũng đóng vai
trò làm trung gian gây bệnh (don là vật chủ truyền bệnh sốt rét, Plasmodium
atheruri). IUCN xếp 3 loài gặm nhấm ở Việt Nam vào loại bị đe dọa toàn cầu: sóc
bay đen trắng (Hylopetes alboniger; thuộc loại nguy cấp), chuột đất lớn (Rattus
sikkimensis; thuộc loại sắp nguy cấp) và chuột mù (Typhlomys chapensis; thuộc
loại rất nguy cấp). Cả chuột đồng núi cao (Rattus osgoodi) và chuột mù đều được
cho là đặc hữu ở Việt Nam. Chuột mù được biết đến chỉ từ một vài mẫu thu được từ
Sa Pa ở phía Tây Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn vào năm 1932.
Thỏ (bộ Lagomorpha)
Trên thế giới, bộ Lagomorpha bao gồm cả thỏ rừng (họ
Leporidae) và thỏ đá là họ hàng trông giống như chuột (họ Ochotonidae). Chỉ có
thỏ rừng có phân bố ở Việt Nam. Thỏ rừng dễ nhận biết nhờ tai to và chân sau
dài thích nghi rất tốt với việc chạy nhanh. Chúng khác nhau chủ yếu ở cách
chúng đối phó với thú ăn thịt: một loại chạy nhanh để thoát khỏi mối đe dọa
trong khi đó một loại khác dựa vào sự ẩn náu, hoặc là nấp vào đâu đó hoặc là
chui xuống dưới mặt đất. Nổi tiếng về khả năng sinh sản cao, chúng đạt đến tuổi
trưởng thành sớm và đẻ thường xuyên. Các loài ở vùng nhiệt đới có lẽ đẻ không
theo mùa và đẻ nhiều lứa nhưng ít con trong mỗi lứa hơn là các loài ở vùng ôn đới.
Có lẽ để giảm tối đa khả năng bị ăn thịt, thỏ rừng chỉ thăm con đã được ngụy
trang kỹ ít hơn 5 phút 1 ngày cho chúng bú sữa có chứa hàm lượng chất béo và
protein rất cao.
Hai loài thỏ có phân bố ở Việt Nam: thỏ nâu (Lepus peguensis)
và thỏ vằn (Nesolagus timminsi). Thỏ nâu thường thích các vùng thoáng và lông của
nó có mầu nâu ở mức độ đậm nhạt khác nhau và có đầu tai mầu đen. Với lông ở
thân có mầu da bò, mông có mầu đỏ gỉ sắt và có đốm đen, hai loài thuộc giống Nesolagus (một
loài khác có phân bố trong các dãy núi ở Sumatra) là loại thỏ duy nhất có sọc.
Hai loài thỏ này hoàn toàn kiếm ăn vào ban đêm và thích sống trong vùng có rừng
nhiệt đới che phủ. Được mô tả vào năm 2000, tình trạng bảo tồn của thỏ vằn hiện
vẫn chưa được biết, mặc dù loài cùng giống với nó, thỏ vằn Sumatra (N. netscheri),
được IUCN xếp vào loại rất nguy cấp. Giống như hầu hết các loài thỏ bị đe dọa,
cả hai loài này đều là những loài sinh vật cổ còn sót lại và chỉ sống ở một phần
nhỏ trong phạm vi phân bố trước đây.
Chim
Chim Việt Nam là nhóm động vật được biết đến nhiều nhất. Chim
nhìn chung dễ quan sát và nhận biết hơn thú vì nhiều lý do: hầu hết tất cả các
loài đều xuất hiện vào ban ngày; các tiếng hót và tiếng kêu đặc trưng cho từng
loài là các đặc điểm quan trọng trong việc phát hiện và nhận biết chúng; và, vì
chúng có thể bay chúng không ít phải nhờ đến mầu lông ngụy trang và sự ẩn nấp để
chạy chốn động vật ăn thịt. Chúng được liệt kê chi tiết; nhiều cuộc khảo sát,
trong quá khứ cũng như hiện tại, tại Việt Nam và Đông Dương chủ yếu tập trung
vào khu hệ chim của đất nước.
Chim (lớp Aves) là nhóm động vật lớn cuối cùng, có hình dạng
như ngày nay, đã hình thành cả lông vũ và khả năng bay khoảng 140 triệu năm trước
đây. Bộ lông là đặc điểm chung rõ ràng nhất của gần 9.000 loài chim hiện có.
Lông vũ đảm nhiệm các vai trò chức năng trong việc bay, cách nhiệt và truyền đạt
các thông tin khác nhau, trong đó có tuổi, giới tính, đặc điểm riêng của từng
cá thể, tình trạng cơ thể và tình trạng sinh đẻ. Chim là động vật máu nóng có mỏ
(mặc dù không có răng), xương khoẻ và có nhiều lỗ khí để giúp chúng giảm trọng
lượng, đẻ trứng bên ngoài và có vỏ canxi, các tập tính ghép đôi và chăm sóc con
phức tạp và khả năng phân biệt mầu rất tốt. Trong số 28 bộ chim còn sống ngày
nay, một bộ duy nhất, bộ Passeriformes, còn gọi là chim đậu hay chim sẻ, chiếm
hơn một nửa số loài. Nhóm này có nhóm chim hót có nhiều loài và mức độ đa dạng
cao (phân bộ Passeri). Chúng sở hữu các hộp giọng chuyên hoá có khả năng tạo ra
các tiếng hót phức tạp.
Cho đến nay, hầu hết 850 loài chim đã được ghi nhận tại Việt
Nam. Con số này chưa phải là con số cuối cùng về số lượng loài chim trong nước
vì những loài mới vẫn tiếp tục được phát hiện và phát hiện lại và quan sát lần
đầu tiên trong biên giới của Việt Nam. Bên cạnh ba loài khướu mới (khướu vằn đầu
đen, Actinodura sodangorum; khướu Ngọc Linh, Garrulax ngoclinhensis;
và khướu Kôn Ka Kinh, G. konkakinhensis), chìa vôi Mê Kông (Motacilla
samveasnae), mới được mô tả ở Campuchia vào năm 2002 cũng xuất hiện dọc theo
các nhánh sông nằm ở vùng đồng bằng sông Mê Kông ở miền Nam Trung Bộ. Bốn loài
khác được phát hiện lại ở Việt Nam trong đó có mi Langbian (Crocias langbianis)
(phụ lục 3).
Nhiều quần xã khác nhau của chim cư trú và chim di cư gắn liền
với các loại môi trường sống và khu vực khác nhau của Việt Nam. Nếu dùng số lượng
loài để đánh giá, đến nay môi trường sống quan trọng nhất của chúng ở Việt Nam
là các khu rừng thường xanh. Các khu rừng ở vùng đồng bằng là môi trường sống
quan trọng cho gà lôi của Việt Nam (họ Phasianidae) cũng như cho nhiều loài
chim có kích thước trung bình trong đó có chim đuôi cụt (họ Pittidae), giẻ cùi
và ác là (họ Corvidae) và cu rốc đít đỏ (Megalaima lagrandieri), một loài đặc hữu
ở Đông Dương. Các khu rừng trên núi nằm trên 1.000m là nơi cư trú của các quần
xã lớn và đa dạng của chim sẻ, trong đó có 3 loài khướu và hai loài đặc hữu của
Việt Nam, khướu ngực da cam (G. annamensis) và khướu đầu đen má xám (G. yersini).
Các vùng đồng cỏ ướt và rừng ngập nước của châu thổ sông Mê Kông là nơi cư trú
của các loài chim nước lớn, trong đó có cò và hạc (họ Ciconiidae), quắm (họ
Threskiornithidae), diệc (họ Ardeidae) và cốc (họ Phalacrocoracidae) cũng như
các chim ăn thịt như đại bàng đầu xám (Ichthyophaga ichthyaetus).
Các bãi bồi và các dải cát dọc theo cửa sông và các đảo ở vùng ven biển phía Bắc là bến đỗ và nơi trú đông quan trọng cho rất nhiều loài chim nước, trong đó có vịt (họ Anatidae), mòng bể (họ Laridae), choi choi (họ Charadriidae) và cò thìa (Platalea minor; thuộc loại nguy cấp).
Các bãi bồi và các dải cát dọc theo cửa sông và các đảo ở vùng ven biển phía Bắc là bến đỗ và nơi trú đông quan trọng cho rất nhiều loài chim nước, trong đó có vịt (họ Anatidae), mòng bể (họ Laridae), choi choi (họ Charadriidae) và cò thìa (Platalea minor; thuộc loại nguy cấp).
Số lượng các loài chim của Việt Nam không phân bố đồng đều
theo các nhóm phân loại. Một số nhóm, trong đó có chim đớp ruồi (30 loài; tộc
Muscicapini), khướu (26 loài; tộc Garrulacinae) và khướu (79 loài; tộc
Timaliini) chiếm một tỷ lệ lớn số lượng loài của đất nước. Chúng cũng chiếm tỷ
lệ phần trăm lớn (tương ứng với 71, 67 và 63%) trong tổng số các loài của mỗi
nhóm có phân bố ở Đông Nam Á. Các thành viên của các nhóm khác có ít loài hơn,
như cu rốc (10 loài; họ Megalaimidae) và nuốc (3 loài; tộc Harpactini), là các
thành viên quan trọng trong các loài của cả nước. Các nhóm khác chỉ có một hoặc
một vài loài đại diện, trong đó có ô tác (Houbaropsis bengalensis), là loài
chim ôtit (họ Otididae) duy nhất có phân bố ở Đông Dương. Đông Nam Á và
Philipin là nơi cư trú của hai họ chim đặc hữu là họ chim xanh (Irenidae) và họ
chim lam (Chlorposeidae). Cả hai họ này đều có đại diện tại Việt Nam. Một số
các nhóm chim đáng chú ý, thú vị, điển hình, và thuộc loại nguy cấp được mô tả
dưới đây.
Gà lôi (bộ Galliformes: họ Phasianidae: phân họ Phasianinae)
Gà lôi chỉ phân bố ở châu Á với một ngoại lệ duy nhất: công
Congo (Afropavo congensis), có phân bố giới hạn ở vùng lòng chảo Congo ở miền
Trung châu Phi. Có quan hệ gần gũi nhất với công Đông Nam Á (Pavo muticus), tổ
tiên của loài công này có lẽ đã phải di chuyển xuống phía Nam trong thời kỳ
băng hà thuộc kỷ Pleitoxin và sau đó bị tách biệt ra khỏi các loài khác thuộc
nhóm này. Mức độ phong phú về loài của gà lôi tập trung ở phía Đông Himalayas
và phía Tây Trung Quốc và ngày nay nhóm này phân bố ở nhiều loại môi trường sống
khác nhau từ các khu rừng vùng đồng bằng và vùng thấp đến các vùng cao nguyên.
Trong số 49 loài được công nhận trên thế giới, 12 loài có phân bố ở Việt Nam
(hình 22) trong đó có 2 loài quen thuộc: gà rừng (Gallus gallus), tổ tiên hoang
dã của gà nuôi và trĩ đỏ (Phasianus colchicus) được thả tự nhiên ở nhiều nơi
trên thế giới để làm chim săn bắn.
Gà lôi là một nhóm có kích thước lớn, không di cư, tương đối
ít di chuyển. Chúng là loài chim chạy, thích đi hoặc chạy trên mặt đất, mặc dù
cánh ngắn, có hình tròn và cơ ngực phát triển cho phép chúng có thể bất ngờ bay
lên. Chúng có mỏ khoẻ và móng ngắn và to để chúng có thể sử dụng để bới trên mặt
đất tìm thức ăn. Thức ăn chính của gà lôi là thực vật (lá, chồi cây, hạt) và
chúng ăn bổ sung côn trùng và động vật có xương sống nhỏ như ếch. Tuy nhiên,
chim non cần có thức ăn là côn trùng vì chúng cần protein để lớn và phát triển
nhanh. Tất cả gà lôi mới nở đều có thể đi lại được ngay nên chúng có thể tự đi
và tự ăn ngay sau khi nở. Chúng vẫn phải được che chở trong một thời gian vì
chúng không thể kiểm soát được nhiệt độ cơ thể khi còn rất bé.
Gà lôi có hai đặc điểm đi kèm thay đổi rất nhiều: sự khác
nhau về lông và kích thước cơ thể giữa hai con đực và con cái và các hệ thống
ghép đôi của chúng. Chúng đôi khi có lông rất đẹp. Ở nhiều loài, con đực được
trang trí bằng bộ lông dài có mầu sắc sặc sỡ mà chúng phô bày ra trước con cái
có kích thước nhỏ hơn và có bộ lông ít sặc sỡ hơn theo các kiểu rập khuôn. Mức
độ lưỡng hình về kích thước cơ thể và mầu lông có liên quan đến kiểu ghép đôi:
nhìn chung, nếu một con đực có càng nhiều con cái thì sự khác nhau giữa chúng
càng lớn. Ngoại trừ trường hợp nhiều con đực (một con cái, nhiều con đực), các
hệ thống kết đôi của gà lôi có tất cả các dạng kết đôi quan sát được ở chim.
Chúng có thể là một đực một cái, nhiều con cái (một con đực, nhiều con cái), hoặc
không phân biệt, là trường hợp các con cái tới chỗ các con đực đang gù mái khi
chúng đang tập trung hoặc phân tán. Vì gà lôi non đi lại được, chỉ cần một cá
thể chăm sóc chúng, và như vậy con đực có thể bỏ con cái và đi tìm các cơ hội ở
nơi khác. Sự lựa chọn bạn đời - chọn lọc để tăng khả năng thành công của việc
giao phối - dẫn đến tăng việc tăng cường các đặc điểm dễ mang lại thành công nhất
trong việc tìm đôi. Lý do tại sao cho nhiều loại ghép đôi như vậy trong nhóm
chim nay vẫn chưa được biết rõ, mặc dù nó có thể liên quan đến thức ăn và cấu
trúc của môi trường sống.
Số lượng loài gà lôi ở Việt Nam phản ánh các loại môi trường
sống. Có những loài hoàn toàn sống trên vùng núi cao như gà lôi Temminck (Tragopan
temminckii) và các loài sống ở vùng đồng bằng trong đó có gà lôi mào trắng (Lophura
edwardsi). Cũng có sự tách biệt giữa những loài sống ở phía Bắc như gà tiền xám
(Polyplectron bicalcaratum), và những loài sống ở phía Nam trong đó có loài có
loài có họ hàng gần gũi là gà tiền mặt đỏ (P. germaini). Năm loài được xếp
vào loại nguy cấp, trong đó có trĩ sao (Rheinardia ocellata) và công. Vẫn còn
những vấn đề về phân loại chưa được giải quyết đối với nhóm bao gồm các loài gà
lôi đặc hữu có quan hệ họ hàng gần gũi: gà lôi mào trắng, gà lôi mào đen (L. imperialis)
và gà lôi Hà Tĩnh (L. hatinhensis). Gà lôi mào đen có lẽ là loài lai giữa
gà lôi mào trắng và gà lôi trắng (L. nycthemera), trong khi đó gà lôi Hà
Tĩnh có thể được hình thành từ một quần thể của gà lôi mào trắng có mức độ lai
cùng dòng cao. Vì chúng chưa được loại bỏ khỏi các danh lục đã được xuất bản,
chúng được giữ lại ở đây như một phần của khu hệ gà lôi của Việt Nam. Mặc dù
nhiều khi chúng có màu sắc sặc sỡ, gà lôi thường khó tiếp cận và kín đáo và khó
phát hiện ra chúng trong các bụi cây sống trong rừng.
Cu rốc (bộ Piciformes: họ Megalaimidae)
Mặc dù cu rốc phân bố khắp vùng nhiệt đới của cựu lục địa và
tân lục địa, 26 loài trong nhóm này tập trung ở châu Phi và châu Á, nơi chúng
là một thành phần nổi bật trong các khu rừng ở Đông Nam Á. Chúng là họ hàng gần
gũi nhất của chim tucăng ở Nam Mỹ và cùng với tucăng chúng được xếp vào bộ
Piciformes. Bộ này cũng bao gồm cà gõ kiến và chim ăn mật. Số lượng loài của cu
rốc tăng theo hướng từ đông sang tây từ số lượng thấp ở Ấn Độ dọc thoe bán đảo
Malay đến các đảo Sumatra, Java và Borneo nơi chúng có số lượng loài cao nhất.
Kiểu phân bố này có thể phản ánh sự thay đổi liên tục về thời tiết, mực nước biển
và phân bố của môi trường sống trong thời kỳ Neogene (23-1.8 triệu năm trước
đây) và Pleitoxen đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các sự kiện tách ra và tái định
cư ở Đông Nam Á. Cu rốc nói chung có khả năng bay kém và điều này có lẽ giải
thích được tại sao chúng bị tách biệt ở các đảo.
Mặc dù nằm hẳn về phía Bắc của vùng có số lượng loài cao nhất,
Việt Nam là nơi cư trú của 10 loài cu rốc, tất cả thuộc giống Megalaima.
Những loài chim có hình dáng chắc nịch này có mỏ mập và nhọn, chân khoẻ để bám
vào thân cây, cánh ngắn và tròn làm cho chúng bay có vẻ khó khăn. Toàn thân có
mầu xanh sáng với những mảng sặc sỡ, rõ nét và các sọc đỏ, vàng, xanh và đen nằm
ở phía trên đầu. Chúng cũng có râu dễ nhận thấy nằm ở phía gốc của mỏ. Đôi khi
dài hơn cả mỏ và chức năng của chúng vẫn chưa được biết đến. Sự khác nhau về mầu
sắc của đầu – cùng với kích thước cơ thể - là đặc điểm cơ bản đển nhận biết
chúng. Có rất ít hoặc không có khác biệt gì về mầu lông giữa con đực và con
cái. Điều này có thể liên quan đến mối quan hệ ràng buộc đôi lứa mạnh mẽ và lâu
dài trong nhóm này. Những mối ràng buộc này giảm các cơ hội cạnh tranh trực tiếp
để kết đôi giữa các con đực. Cu rốc chủ yếu phân bố ở các khu rừng thường xanh ở
vùng đồng bằng. Loài cu rốc đầu đỏ (Megalaima haemacephala) sống ở các khu rừng
dầu rụng lá một mùa và chịu được các thay đổi về môi trường sống. Nó cũng là
loài cu rốc có phạm vi phân bố rộng nhất thế giới.
Cu rốc chủ yếu ăn quả cây và phần lớn các hoạt động của chúng
tập trung xung quanh những cây có quả chín. Cây lớn có nhiều quả chín có thể
thu hút nhiều loài cu rốc và cạnh tranh dữ dội thường xuyên xảy ra. Cu rốc làm
tổ và ngủ trên các lỗ riêng biệt ở trên cao trên các cây đã chết hoặc đang chết.
Cả con đực và con cái đào chỗ làm tổ tạo thành một cái lỗ vào nông và một đường
hầm dài xuống phía dưới để tránh bị ăn thịt. Những hoạt động ăn trái cây và đào
tổ làm tăng tính đa dạng của rừng bằng cách phát tán hạt và tạo ra các lỗ để
các loài khác có thể sử dụng sau này.
Thức ăn và cách làm tổ của cu rốc khiến chúng phải cạnh tranh
trực tiếp với các loài khác vì nguồn tài nguyên hạn chế. Sự xung đột này có lẽ
là lý do tại sao chúng có đặc điểm thích đánh nhau thậm chí gây gổ. Trong mùa
sinh sản, cu rốc có thể quấy rối các loài nhỏ hơn bằng cách làm to lỗ vào tổ để
làm chúng không thể ở được, vứt trứng và con mới nở ra ngoài và thậm chí cướp
thức ăn ngay từ mỏ của chúng. Khi đối đầu với với những kẻ tấn công tại cây ăn
quả hoặc ở vị trí làm tổ, chúng biểu lộ bằng cách cúi xuống phía dưới và lắc lư
đầu từ bên này sang bên kia để thể hiện rõ các kiểu mầu trên đầu của chúng. Cu
rốc thường bảo vệ lãnh thổ xung quanh các vùng sinh sản và kiếm ăn của chúng mặc
dù hầu hết không có loài nào có thể bảo vệ được một cây to có nhiều quả.
Phần lớn trong số 10 loài cu rốc ở Việt Nam có phân bố rộng,
mặc dù một số loài có phân bố hoặc ở phía Nam hoặc ở phía Bắc. Cả cu rốc lớn (M. virens)
và cu rốc cổ xanh (M. asiatica) có phân bố hạn chế ở phía Bắc Việt Nam và
phía Bắc của dãy Trường Sơn, trong khi đó cu rốc bụng nâu (M. lineata) và
cu rốc đầu đỏ chỉ phân bố ở miền Trung và miền Nam của đất nước. Cu rốc mày đen
(M. oorti) chỉ phân bố ở phía Nam Trường Sơn nơi chúng là chim cư trú phổ
biến. Ở nơi khác chúng có phân bố rải rác không liền nhau từ phía Nam Trung Quốc
đến Sumatra.
Vì chúng phụ thuộc và rừng và cây có quả đã trưởng thành, cu
rốc bị đe dọa trên toàn phạm vi phân bố của chúng do chặt rừng và môi trường sống
bị xuống cấp. Sự giảm sút số lượng của chúng ngược lại đe dọa sự đa dạng của hệ
sinh thái rừng do hạt không được phát tán và không có lỗ cây.
Hồng Hoàng (bộ Coraciiformes: họ Bucerotidae)
Hồng hoàng là thành viên dễ nhận thấy và đáng chú ý nhất của
vùng nhiệt đới ở cựu lục địa và số phận của chúng gắn liền với tình trạng của
môi trường sống trong rừng. Năm mươi bốn loài hồng hoàng sống ở vùng cận Sahara
của châu Phi, Nam và Đông Nam Á. Trong số này, trừ hai loài của châu Phi sống
trên mặt đất (là hai loài lớn nhất của hồng hoàng và hiện nay được xếp vào một
họ riêng, Bucorvidae) tất cả đều sống trên cây. Chúng có kích cỡ nằm trong phạm
vi từ 100g đến lớn hơn 4kg; 6 đại diện của Việt Nam thuộc loại có kích thước lớn.
Đối với tất cả các loài hồng hoàng, thân của chúng tương đối nhỏ khi so với mỏ,
cánh, và đuôi có kích thước rất lớn. Khi bay, nhịp đập cánh chậm và dài của các
loài hồng hoàng lớn tạo ra tiếng động lớn và có thể nghe thấy từ khoảng cách
1km và đặc trưng đến nỗi có thể phân biệt được đó là loài nào.
Đặc điểm bên ngoài dễ nhận biết nhất của họ hồng hoàng là cái
mũ chụp lên phía trên của cái mỏ ngoại cỡ. Một cách đơn giản, cái mũ này chỉ được
cấu tạo từ một cái chỏm bằng sừng chạy dọc theo phía trên cùng của mỏ và giúp
gia cố cái mỏ này. Tuy nhiên, đối với nhiều loài cấu trúc này phình ra thành dạng
hầu như lõm như mũ bảo hiểm nằm dọc theo chiều dài của mỏ. Mức độ phức tạp về
kích thước, hình dạng và sự sặc sỡ về màu sắc khác nhau khá nhiều giữa các
loài. Mũ này được cho là để truyền đạt thông tin để nhận dạng loài, giới tính,
tuổi và có thể đóng vai trò trong việc nhận biết cá thể hoặc trong việc giải
quyết xung đột về thức ăn, chỗ làm tổ hoặc ghép đôi.
Đặc điểm đặc thù nhất về tập tính của hồng hoàng là sự sinh sản
khác lạ của chúng. Giống như những nhóm chim khác, hồng hoàng làm tổ trong các
lỗ tự nhiên, chủ yếu ở trên cây. Chúng hình thành những cặp một vợ một chồng và
khi thời gian làm tổ đến gần cả con đực và con cái đều tăng cường bảo vệ lãnh
thổ. Khi con cái tìm được chỗ làm tổ có thể chấp nhận được, nó xây tường bao
quanh bằng cách đầu tiên xây một rào chắn từ bên ngoài bằng bùn và sau đó xây từ
bên trong bằng phân và thức ăn thừa của chúng. Một rãnh nhỏ được để mở để con đực
cho nó ăn bằng cách ựa ra từng mẩu một và đưa từng mẩu cho con cái qua cái đầu
mỏ của con đực. Việc đẻ trứng không bắt đầu ngay lập tức, và khi bắt đầu đẻ
chúng có thể mất 20 ngày để đẻ ra ổ trứng lớn. Việc đẻ trứng như vậy có thể diễn
ra vì tinh trùng có thể được giữ rất lâu bên trong cơ thể con mẹ; khả năng thụ
tinh có thể vẫn cao trong vòng 3 tuần kể từ lần giao phối cuối cùng. Sau khi bắt
đầu đẻ trứng, con cái thay lông, đầu tiên thay lông ở đuôi sau đó đến lông dùng
để bay. Con đực tiếp tục cho con cái và các con con ăn cho đến khi chúng lớn.
Khoảng thời gian con cái ở trong tổ có thể kéo dài; các con cái của một loài có
phân bố ở Việt Nam, niệc mỏ vằn (Aceros undulatus) ở trong tổ trong hơn 4
tháng. Tới một phần ba tổng số các loài hồng hoàng đẻ phối hợp; con cái được
giúp đỡ (có lẽ là từ các con chưa trưởng thành) cho ăn và nuôi con non.
Các loài hồng hoàng của Việt Nam chủ yếu ăn quả cây và ăn
thêm động vật nhỏ. Các loài có sở thích về thức ăn khác nhau, mặc dù tất cả các
loài này ăn có chọn lọc, thích ăn các quả cây có giá trị dinh dưỡng cao và có
hàm lượng nước lớn (hồng hoàng không uống nước). Chúng phần lớn phân bố trong
các khu rừng thường xanh, mặc dù chúng có thể bay quanh một khu vực rộng lớn để
tìm cây ăn quả. IUCN xếp niệc cổ hung (A. nipalensis) vào loại sắp nguy cấp
và hai loài khác của Việt Nam, hồng hoàng (Buceros bicornis) và niệc nâu (Anorrhinus
tickelli) vào loại sắp bị đe dọa. Các loài hồng hoàng của Việt Nam bị đe dọa bởi
việc mất rừng nguyên sinh mà chúng phụ thuộc vào và do săn bắn để làm thức ăn
(thịt của chúng được coi là ngon) và sử dụng làm thuốc. Không có quần thể nào của
hồng hoàng ở Việt Nam phát triển tốt và tất cả các loài phải được coi là bị đe
dọa trên phạm vi toàn quốc.
Cú muỗi mỏ quặp (bộ Caprimulgiformes: họ Batrachostomidae)
Thú muỗi mỏ quặp châu Á nằm trong số ít các loài chim hoạt động
vào ban đêm khiến chúng khó có thể quan sát được trong tự nhiên. Mười hai loài
cú muỗi mỏ quặp của lục địa này thuộc bộ Caprimulgiformes là một nhóm có phân bố
rộng gồm có cả cú muỗi chính thức có phân bố trên toàn thế giới (họ
Caprimulgidae) và cú muỗi châu Mỹ (họ Nyctibiidae). Ba họ này có chung sự kết hợp
các đặc điểm đặc biệt là có mầu lông không sặc sỡ, gần như không gây tiếng động
và sống một mình, hoạt động về đêm, và các tập tính kiếm ăn chuyên hoá cho việc
bắt côn trùng bằng cánh.
Thú muỗi mỏ quặp châu Á (giống Batrachostomus) kiếm ăn về
ban đêm và kín đáo, mầu lông ngụy trang giống với màu của môi trường rừng xung
quanh. Mặc dù các đặc điểm này giúp chúng tránh các động vật ăn thịt khác một
cách hữu hiệu, chúng cũng rất khó quan sát được; những loài này dễ nhận biết nhất
qua tiếng hót và tiếng kêu của chúng. Thú muỗi mỏ quặp có đầu to và râu trên mặt
phát triển mạnh, mỏ rất to, rộng và hơi cong và có thể mở ra rất rộng, cánh
tròn để có thể chuyển động linh hoạt và chân rất ngắn. Lông có mầu nâu xám:
xám, nâu, hạt dẻ và điểm thêm các mầu đỏ nâu một cách tinh vi để trông giống mầu
vảy của vỏ thân cây. Một số loài có các dạng màu khác nhau, những biến đổi ít
nhưng dễ nhận biết về mầu lông mà các nhà nghiên cứu trước đây đã nhầm lẫn với
sự khác nhau giữa con đực và con cái. Khi bị đe dọa, cú muỗi mỏ quặp giả làm một
cành cây chết, một thế đứng đặc biệt không cử động, bằng cách đậu ở tư thế hơi
nghiêng và đầu của chúng dựng đứng, lông ép vào thân và mắt nhắm lại thành một
khe nhỏ. Với nền là cành và thân cây, chúng gần như không thể phát hiện được.
Cú muỗi mỏ quặp ăn động vật không xương sống và động vật có
xương sống nhỏ mà chúng bắt được trong một quãng bay ngắn hoặc lần bay dạo từ mặt
đất, thân cây và lá cây. Chúng rất ít khi rời chỗ ở và sống quanh năm hoặc một
mình hoặc sống thành đôi trong các khu vực lãnh thổ tương đối lớn và bảo vệ
lãnh thổ bằng cách tiếng kêu hoặc tiếng hót mang tính đe dọa. Cú muỗi mỏ quặp
thường đẻ một trứng duy nhất trong tổ dạng chén được làm cẩn thận nhưng ngắn được
đặt trên cành cây và được làm từ mạng nhện, địa y, lá và lông tơ lấy từ phần
phía dưới của cơ thể. Con đực và con cái có lẽ thay nhau ấp trứng và chăm sóc
con non, trong đó con đực làm nhiệm vụ và ban ngày và con cái vào ban đêm để
tránh bị ăn thịt và nguy cơ trứng hoặc con non bị rơi ra ngoài.
Cú muỗi mỏ quặp phân bố ở các khu rừng thường xanh nằm ở đồng
bằng hoặc cận núi. Hai loài sống ở Việt Nam: cú muỗi mỏ quặp đầu đen (B. hodgsoni)
phân bố ở vùng trung tâm của dãy Trường Sơn và cú muỗi mỏ quặp Javan (B. javensis)
phân bố ở phía Nam. Cho đến năm 1997, cú muỗi mỏ quặp đầu đen không được nghi
nhận ở Việt Nam, mặc dù không ai nghi ngờ về sự có mặt của nó; cả những nhà
thám hiểm trước đây cũng như các nhà khoa học Việt Nam đều không biết tiếng kêu
của nó.
Hạc (bộ Ciconiiformes: họ Ciconiidae: phân họ Ciconiinae)
Tình trạng của các quần thể hạc ở Việt Nam có quan hệ mật thiết
với tình trạng của các vùng đất ngập nước đa dạng trong nước, từ các đồng cỏ lớn
và thoáng của châu thổ sông Mê Kông đến các vùng rừng ngập nước theo mùa. Trong
số 19 loài có trên thế giới, 10 loài đã từng có mặt ở Việt Nam, mặc dù it nhất
1 loài không còn phân bố ở đây nữa và một số các loài khác không còn đến đây để
sinh sản. Phân bố trên tất cả các lục địa trừ Nam Cực, hạc được xếp cùng với
các loài chim lội có kích thước lớn khác, trong đó có cò quăm và cò thìa, thuộc
bộ Ciconiiformes. Những nghiên cứu về di truyền và các hoá thạch còn lại gợi ý
rằng họ hàng gần gũi nhất của chúng là kền kền ở châu Mỹ (họ Cathartidae). Họ hạc
được chia thành 3 nhóm dựa trên kích thước cơ thể và hình dạng mỏ liên quan trực
tiếp đến các hình thức kiếm ăn: cò lạo và cò nhạn (tộc Mycterinii), hạc (tộc
Ciconiini) và già đẫy (tộc Leptoptilini).
Cò lạo và cò nhạn là các loài có kích thước tương đối nhỏ,
cao xấp xỉ 80-100cm và chúng có mỏ rất chuyên hoá. Ba loài có phân bố ở Việt
Nam, nhưng chỉ có cò nhạn (Anastomus oscitans) là vẫn còn cư trú ở đây, sinh sản
ở phía Nam; tình trạng của cò lạo xám (Mycteria cinerea), được IUCN xếp vào loại
bị nguy cấp, không rõ ràng nhưng có lẽ đã bị tuyệt chủng, trong khi đó cò lạo Ấn
Độ (M. leucocephala) hiện nay thuộc loại hiếm. Thuật ngữ mỏ mở nhằm
để chỉ kẽ hở giữa hàm dưới và hàm trên của cò nhạn khi mỏ đóng lại. Cò nhạn
thích nghi với việc ăn ốc và trai nước ngọt. Thay vì sử dụng mỏ mở này để đập vỡ
vỏ của con mồi, cò nhạn giữ con ốc trên mặt đất bằng hàm trên khéo léo đưa đầu
rất sắc của hàm dưới vào bên dưới vỏ bảo vệ của con ốc và cắt cơ giúp giữ con ốc
trong vỏ của nó. Nước bọt của cò nhạn chứa thuốc mê chảy vào trong con ốc, làm
giãn cơ và làm việc kéo ra dễ dàng hơn. Cò nhạn sử dụng các phương pháp tương tự
để ăn trai. Vì có ít các loài động vật khác có thể vượt qua được lớp vỏ bảo vệ
này, cò nhạn không có sự cạnh tranh cho loại thức ăn có phân bố rộng này. Là
loài động vật sinh sản theo bầy, chúng làm tổ thành đàn từ một vài con đến một
vài ngàn con.
Cả 7 loài hạc thuộc giống Ciconia. Hơi lớn hơn so với cò
nhạn, chúng là các động vật ăn thịt theo cơ hội và ăn các loại thức ăn khác
nhau. Một loài làm tổ ở Việt Nam, hạc cổ trắng có lông ở gáy (C. episcopus).
Đây là một loài hiếm và sống rất tập trung ở vùng phía Nam Trường Sơn và phía
Nam, nơi chúng làm tổ một mình. Hạc cổ trắng còn được gọi là hạc giám mục (episcopus tiếng
Latinh có nghĩa là “giám mục”) bởi vì nó giống như mặc một cái áo choàng và mũ
đen. Loài thứ hai, hạc đen (C. nigra) sinh sản ở phía Nam châu Phi và dọc
theo phía Bắc của lục địa Âu Á và là chim di cư hiếm gặp ở vùng Đông Bắc Việt
Nam.
Sáu loài già đẫy là các loài chim có kích thước rất lớn, đứng
cao 110-150cm với mỏ rất lớn và sải cánh dài tới 290cm. Loài lớn nhất của Việt
Nam, già đẫy lớn (Leptoptilos dubius; thuộc loại nguy cấp) trước đây là chim cư
trú ở phía Nam nhưng hiện nay là chim di cư hiếm gặp và không sinh sản tại Việt
Nam. Chuyên ăn xác thối, cái mỏ vĩ đại của nó là vũ khí lợi hại để đe dọa các động
vật ăn xác thối khác nhưng không hiệu quả trong việc cắt thịt từ các xác động vật.
Già đẫy lớn ăn bằng cách xé các mảng thịt lớn và có thể nuốt cả mảng nặng hơn
1kg. Cổ và đầu không có lông của nó, kết hợp với các túi khí lớn, phồng ra và
nhăn nheo nằm trên cổ và sau gáy được sử dụng để làm mát và để thu hút sự chú ý
khiến già đẫy lớn trông không đẹp. Hai loài già đẫy khác cư trú ở Việt Nam, già
đẫy Java cực kỳ hiếm (L. javanicus; thuộc loại sắp nguy cấp) và già đẫy cổ
đen (Ephippiorhynchus asiaticus), chuyên ăn cá.
Mặc dù khác nhau về cách kiếm ăn, hạc giống chủ yếu giống
nhau về hầu hết các đặc điểm khác: chúng đều ăn thịt, chúng xây các tổ lớn gần
như hoàn toàn trên cây, chúng thích ở gần nước và chúng đều phụ thuộc vào sự kết
hợp giữa khả năng thích nghi của cơ thể và tập tính để loại bớt nhiệt lượng thừa.
Nhiều loài thực hiện chức năng này bằng thải phân vào chân, bài tiết vào chân để
giảm nhiệt qua việc làm lạnh bằng bốc hơi. Tất cả các loài hạc đều đang bị giảm
sút về số lượng trên khắp vùng phía Nam của Việt Nam do sự kết hợp của việc mất
môi trường sống, sử dụng thuốc trừ sâu, xáo trộn hoặc phá hủy các đàn và việc
khai thác trực tiếp trứng và chim.
Đuôi cụt và mỏ rộng (bộ Passeriformes: họ Pittidae và
Eurylaimidae)
Đuôi cụt và mỏ rộng là các loại chim hót đặc biệt phân bố ở
các khu rừng nhiệt đới của Đông Nam Á. Cả hai nhóm này đều khó tiếp cận và có
thể khó quan sát. Chín loài đuôi cụt của Việt Nam là những loài sống trên mặt đất
và khó tiếp cận, thích rừng có nhiều cây bụi gần suối hoặc sông. Chúng nhảy
trên nền đất trong rừng, đập nhẹ cánh và đuôi khi chúng tìm giun đất và đôi khi
động vật có xương sống nhỏ nằm dưới lá cây. Tất cả các loài đuôi cụt đều làm tổ
trên mặt đất giống nhau và được ngụy trang kỹ: một cái vòm phẳng được dựng một
cách lỏng lẻo bằng que, lá cây, cỏ và rêu cùng với một cái tổ hình chén gọn
gàng làm bằng rễ cây và sợi mịn bên trong.
Mặc dù có tên là mỏ rộng, việc xếp các loài chim này vào một
nhóm thực chất là dựa trên hệ thống cơ chân đặc biệt được dùng để uốn cong các
ngón chân mà không có ở các nhóm khác của bộ chim sẻ. Mỏ rộng hầu hết ăn côn
trùng, bắt con mồi bằng các chuyến đi ngắn thường là vụng về hoặc bằng cách
tích cực lượm lặt trên lá cây và vỏ cây. Không giống như đuôi cụt, chúng làm tổ
giống như quả bí treo lơ lửng trên cành cây, đầu của lá cọ và các nơi dễ nhìn
thấy khác. Được ngụy trang bằng địa y, lá cây, vỏ bọc trứng nhện và kén của con
ngài, các tổ này được làm giống như các cây leo.
Các loài chim của cả hai họ này tương đối mập và chắc và có
thể có sự khác biệt lớn về màu lông và mức độ sặc sỡ trong từng nhóm. Đuôi cụt
thường có các mảng cùng màu có màu xanh lá cây sáng tương phản, màu xanh da trời,
đỏ và màu hạt dẻ, mặc dù ở một số loài các màu này không xuất hiện. Hầu hết tất
cả các loài mỏ rộng đều có các màu xanh da trời, đỏ, vàng và xanh lá cây sặc sỡ
tạo thành các mảng, đốm và vằn. Con cái có xu hướng có màu xỉn hơn. Loài mỏ rộng
đáng chú ý nhất ở Việt Nam là loài mỏ rộng xanh (Psarisomus dalhousiae) dài
21.5-23.5cm. Con đực và con cái giống nhau có thân màu xanh lá cây, đuôi dài
màu xanh da trời và lông bay màu xanh da trời. Đầu màu đen trừ mảng màu xanh da
trời nằm ở giữa đỉnh đầu, cổ vàng, vòng lông cổ hẹp và tai lốm đốm. Trong họ
đuôi cụt, đại diện là đuôi cụt bụng vằn (Pitta elliottii), là loài chim gần như
đặc hữu ở Đông Dương có phân bố chớm đến Thái Lan. Con đực có mầu xanh lá cây sặc
sỡ ở phía trên với các vạch đen chạy qua mắt, ngực màu xanh nhạt, bụng màu vàng
có điểm các vằn hẹp màu sẫm trừ vùng trung tâm có màu xanh da trời sẫm và đuôi
có màu xanh da trời. Con cái giống con đực trừ phần đầu và ngực có màu da bò và
chúng không có đốm xanh da trời ở bụng. Đuôi cụt bụng vằn là chim cư chú tương
đối phổ biến ở khắp các vùng đồng bằng của đất nước.
Chim xanh và chim lam (bộ Passeriformes: họ Irenidae và
Chloropseidae)
Chim lam (Irenidae) và chim xanh (Chloropseidae) là 2 họ chim
duy nhất đặc hữu ở Đông Nam Á (bao gồm cả Philipin). Mỗi họ chỉ có 1 giống:
tương ứng là Irena và Chloropsis. Trong số 2 loài chim lam, 1
loài duy nhất có phân bố ở Việt Nam, trong khi đó 3 trong tổng số 8 loài chim
xanh sống có phân bố trong nước. Cả 2 họ bao gồm các loài chim có kích thước từ
nhỏ đến trung bình, sống trên cây, có mỏ thon và đuôi ngắn. Tất cả các loài này
đều lưỡng hình về màu lông giữa con đực và con cái. Chim lam chủ yếu ăn quả cây
như quả sung, trong khi đó chim xanh ăn quả cây và ăn thêm mật hoa mà chúng lấy
được nhờ lưỡi sẻ chuyên hoá. Ngoại trừ chim xanh họng vàng (C. hardwickii)
có phân bố ở khu vực 600-2135m, các loài chim này phân bố trong các khu rừng ở
vùng đồng bằng.
Chim lam (Irena puella) là một trong số các loài chim đặc biệt
ở Việt Nam và thường dễ quan sát trong các môi trường sống thích hợp. Con đực
có màu xanh da trời sẫm và bóng trên đỉnh đầu, sau gáy, và phần trên cơ thể với
màu đen ở phía bên đầu và đuôi, lông bay, và phần phía dưới cơ thể. Con cái, mặc
dù cũng sặc sỡ, có mầu xanh da trời sáng và xỉn hơn trên toàn bộ cơ thể trừ phần
đuôi và lông bay có màu đen. Cả con đực và cái có mắt đỏ và dài khoảng 25cm.
Chim xanh nhỏ hơn (17-20cm) và có mầu xanh lá cây sặc sỡ. Con đực có điểm thêm
nhiều đốm mà sẫm trên mặt. Chim xanh họng vàng có ngực màu vàng da cam, bụng và
(chỉ có ở con đực) các lông đuôi và dọc theo phân ngoài cánh có màu đỏ tía
xanh.
Đông Nam Á nổi tiếng về sự phong phú của các loài khướu, là một
nhóm đa dạng gồm có khoảng 240 loài chim hót được một số các nhà phân loại học
xếp vào họ Sylviidae và một số khác xếp vào họ Timaliidae. Nhóm này được phân
biệt bằng cách so sánh sự khác biệt giữa chúng và các loài chim ăn côn trùng
khác của cựu lục địa (trong đó có hoét, đớp ruồi và chích) hơn là bằng các đặc
điểm đặc biệt chung. Đặc điểm của khướu là không con non không có lông riêng biệt,
hình dạng và kích thước tương đối nặng nề so với các thành viên khác của các
nhóm khác và tập tính không di cư của chúng. Chúng nhìn chung ăn côn trùng và sống
trong các môi trường sống khác nhau từ đồng cỏ đến tầng giữa ở các khu rừng
trên núi. Khướu khác nhau rất nhiều ở màu lông, kích thước và hình dạng của mỏ.
Chúng rất thích sống thành đàn và chúng thường xuyên kiếm ăn thành đàn gồm nhiều
loài.
Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu sử dụng các kỹ thuật di truyền
để nghiên cứu nhóm phức tạp này để nhằm cải thiện hệ thống phân loại và để tìm
hiểu xem các nhóm khác nhau có quan hệ họ hàng như thế nào. Các kết quả cho thấy
rằng một số loài một số loài được xếp vào khướu thực chất thuộc vào các nhóm
khác như khướu mỏ quặp (giống Pteruthius) và một số các nhóm khác được cho
là không có họ hàng gần gũi với nhóm này thì trên thực tế lại là ngược lại, như
trong trường hợp của chim chích thuộc giống Sylvia. Trong họ khướu, giống
khướu (giống Garrulax), ban đầu được cho là chỉ gồm một nhóm tiến hoá duy
nhất, nhưng có lẽ có nhiều hơn là một nhóm.
Sự lộn xộn về phân loại này không làm giảm số lượng loài có
thực của nhóm khướu này. Khó có thể liệt kê được các loài khướu của Việt Nam, mặc
dù đây là nơi cư trú của hơn một nửa các loài phân bố ở lục địa Đông Nam Á. Năm
loài đặc hữu ở Việt Nam và thêm 7 loài khác đặc hữu ở Đông Dương. Các loài này
gồm có 3 loài được mô tả từ cao nguyên Kon Tum vào năm 1999, khướu Ngọc Linh,
khướu Konkakinh, khướu vằn đầu đen.
Khu hệ bò sát lưỡng cư (lớp Amphibia và lớp Reptilia)
Bò sát và lưỡng cư học bao gồm nghiên cứu về hai nhóm động vật
có xương sống khá riêng biệt, lưỡng cư (lớp Amphibia) và bò sát (lớp Reptilia),
tập hợp lại được coi là khu hệ bò sát và lưỡng cư. Sự kết hợp chúng vào thành một
lĩnh vực nghiên cứu phản ánh xu hướng ban đầu nhằm kết hợp tất cả các “vật bò
trườn” herpetos theo tiếng Hy Lạp thành một nhóm.
Lưỡng cư và bò sát thường là nhóm được biết tới ít nhất trong
số các động vật có xương sống trên cạn và tình trạng của chúng ở Việt Nam cũng
không có gì khác. Chúng thường nhỏ hơn chim và thú, có tập tính kín đáo, chủ yếu
kiếm ăn vào ban đêm và phần lớn thời gian chúng sống dưới mặt đất. Phân loại -
nhận biết một cách chính xác và sắp xếp đúng các cá thể vào các loài đã được
công nhận và các nhóm phân loại cao hơn - cũng là một vấn đề hóc búa đối với một
số nhóm lưỡng cư và bò sát. Tình trạng này đã thay đổi nhanh chóng vào giữa những
năm 1990 khi sự quan tâm đến việc liệt kê và vẽ bản đồ số lượng các loài lưỡng
cư và bò sát ở Việt Nam (và ở Đông Dương nói chung) được nối lại. Từ năm 1997 đến
2004, 58 loài mới đã được mô tả: 33 loài ếch và 25 loài bò sát (4 loài rắn, 8
loài thằn lằn, và 3 loài rùa; xem phụ lục 3). Sự đa dạng sinh học mới này xuất
phát từ việc nhận biết loài mới thông qua các phân tích về hình thái và di truyền
của các loài riêng biệt (còn gọi là các loài chưa rõ nguồn gốc) trước đây được
coi là các quần thể chưa phân hóa của một loài duy nhất có phân bố rộng. Các
nhà nghiên cứu đã khám phá ra sự phong phú tiềm ẩn trong các nhóm loài của ếch
xanh (Rana livida), rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons) và rùa dứa (Cyclemys
dentata). Nguồn thứ hai làm tăng nhanh số lượng loài có trong nước là các loài
trước kia chưa chưa từng được tìm thấy tại Việt Nam, như thằn lằn cá sấu (Shinisaurus
crocodilurus), là loài chuyên sống trên địa hình đá vôi được tìm thấy ở vùng
Đông Bắc của Việt Nam vào năm 2003 và trước đây chỉ được biết đến ở tỉnh Quảng
Tây của Trung Quốc.
Cho đến năm 2004, có gần 500 loài lưỡng cư và bò sát đã được
ghi nhận ở Việt Nam. Chúng phân bố rộng khắp trên cả nước, sống trên núi, vùng
đồng bằng, hải đảo, và trong các môi trường nước ngọt và nước biển. Tuy nhiên,
các môi trường sống có nhiều loài nhất của đất nước là các khu rừng thường xanh
lá rộng trên núi và ở vùng đồng bằng. Sự phức tạp về cấu trúc của chúng cung cấp
nhiều nơi cư trú sinh thái trong tán lá nhiều tầng, tầng cây bụi và trên cũng
như dưới mặt đất trong các khu rừng này. Nhiều loại môi trường nước mà các loài
lưỡng cư sử dụng để sinh sản có mặt trong các sinh cảnh này, từ các hố trong
thân cây và ao tù cho đến các suối chảy xiết. Một số các loài bò sát của Việt
Nam thích nghi với các môi trường sống khắc nghiệt hơn như địa hình núi đá vôi
và các môi trường nước lợ ở cửa sông. Sự phong phú của các loài lưỡng cư và bò
sát giảm xuống trong các môi trường khô hơn, như trong các khu rừng dầu rụng lá
một mùa ở miền Nam Trung Bộ, nơi sự khô cằn khiến cho chúng khó có thể kiểm
soát được việc mất nhiệt do bốc hơi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh sản
của lưỡng cư. Một số loài có thể sử dụng những loại môi trường do con người biến
đổi và có phân bố rộng: nhiều loài nhái bầu (giống Microhyla) sinh sản
trong các vùng nước tù của ruộng lúa; thạch sùng đuôi sần (Hemidactylus
frenatus) sử dụng các bức tường được chiếu sáng để bắt côn trùng; và rắn giun
thường (Ramphotyphlops braminus) sống ở vườn và các vùng ẩm ướt khác.
Một phần lớn khu hệ lưỡng cư và bò sát của Việt Nam là đặc hữu
mặc dù chúng không tập trung đồng đều trong các nhóm phân loại, thay đổi từ 6% ở
rùa và 9% ở rắn đến 30% ở thằn lằn và 37% ở lưỡng cư. Nhiều loài đặc hữu này là
những loài mới được mô tả và đến nay chỉ được biết đến ở một địa điểm.
Lưỡng cư (Lớp Amphibia)
Lưỡng cư xuất hiện khoảng 350 triệu năm trước đây và là động
vật có xương sống 4 chân đầu tiên sống trên cạn. Hầu hết tất cả các loài có
quan hệ mật thiết với môi trường nước (hoặc ít nhất là môi trường ẩm) do chúng
cần nước để sinh sản; thuật ngữ amphibian bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp amphibios,
“sống hai đời”. Gần giống như cá, chúng đẻ trứng trong nước có màng nhầy bao bọc
và thụ tinh bên ngoài. Trứng này ở thành ấu trùng có mang. Sự biến thái, trong
đó ếch biến đổi căn bản từ nòng nọc có hình dạng giọt nước thành cá thể trưởng
thành có mắt to, bốn chân và có phổi, đã biến một sinh vật có cuộc sống thu hẹp
trong môi trường nước thành sinh vật thích nghi với đời sống trên cạn. Lớp lưỡng
cư gồm có ếch (bộ Anura), cá cóc (bộ Caudata) và các sinh vật đào bới dưới đất,
mù và không chân gọi là ếch giun (bộ Apoda).
Các quần xã lưỡng cư ở Việt Nam, đặc biệt là ếch, đã hưởng lợi
từ việc tăng cường nghiên cứu trong nước gần đây hơn bất cứ nhóm động vật có
xương sống nào khác. Một nghiên cứu tổng quan số lượng loài ếch của Việt Nam
vào năm 1999 ghi nhận 100 loài; vào cuối năm 2004 tổng số loài đã tăng lên hơn
gấp rưỡi số lượng loài đã biết. Hầu hết tất cả những loài mới được mô tả này đều
có phân bố từ các khu vực rừng thường xanh ẩm cận núi và trên núi ở miền Bắc Việt
Nam và dọc theo dãy Trường Sơn. Kiểu phân bố này phản ánh sự tăng lên nhanh
chóng của số lượng loài và mức độ đặc hữu trong các khu vực này, nhưng cũng
đánh dấu sự giảm sút về chất lượng của các vùng đồng bằng ở Việt Nam. Nhiều
loài ếch ở miền Bắc là một phần của khu hệ lưỡng cư có phân bố kéo dài qua biên
giới sang phía Nam Trung Quốc; ví dụ như trường hợp của cóc màng nhĩ ẩn (Bufo
cryptotympanicus) và nhái cây Trung Quốc (Philautus rhododiscus). Cả hai loài
này gần đây được tìm thấy ở Việt Nam.
Giống như các động vật có xương sống ở Việt Nam, lưỡng cư bị
đe dọa do việc khai thác để sử dụng và buôn bán và do việc mất môi trường sống.
Chúng cũng đặc biệt dễ bị tác động do mất và ô nhiễm các môi trường nước cần
cho việc sinh sản. IUCN xếp 15 loài lưỡng cư vào loại bị đe dọa toàn cầu, trong
đó có loài cá cóc Tam Đảo (Paramesotriton deloustali; thuộc loại nguy cấp).
Ếch nhái (họ Ranidae)
Ếch nhái có tên tiếng Anh là ếch chính thức vì chúng là nhóm
phổ biến ở châu Âu nơi phần lớn các nghiên cứu về hệ thống phân loại ban đầu được
thực hiện. Họ này phân bố khắp thế giới và có số lượng loài cao nhất ở Nam và
Đông Nam Á. Ở Việt Nam, chúng là nhóm có số lượng loài lớn nhất (55 loài) và đa
dạng nhất về hình thái và các tập tính sinh sản. Các loài thuộc họ này có thể sống
trên cạn, trên cây, sống dưới nước, hoặc trong hang và chúng có thể sinh sản
trong các dòng suối chảy xiết, chảy chậm, các vũng nước, hoặc vùng nước tù. Mầu
sắc có thể biến đổi nhưng không sặc sỡ, thay đổi từ màu xanh lá cây đến màu
nâu, đồng màu hoặc có đốm nhiều màu phụ thuộc vào môi trường sống. Ở ếch gai (Paa)
và ếch rừng (Limnonectes) con đực có thể có các gai cứng ở bụng, môi lồi ra
trông như răng nọc của rắn, và đầu to ra vào các thời kỳ sinh sản.
Mặc dù hầu hết các loài ếch thuộc họ này ngắn hơn 5cm, ếch
gai ở miền Bắc Việt Nam thường có chiều dài hơn 10cm và nặng 300g. Trong họ này
con cái cũng thường lớn hơn con đực. Khả năng sinh sản của con cái, thường được
tính bằng số lượng trứng chúng có thể đẻ, nhìn chung tăng theo kích thước cơ thể,
trong khi đó khả năng sinh sản của con đực thường không liên quan đến yếu tố
này (hoặc ít nhất ở một chừng mực ít hơn). Ở loài ếch cỏ sống dưới nước (Rana
graminae) ở miền Bắc Việt Nam, con cái có thể có chiều dài lên đến gần 9,4cm,
trong khi đó con đực có chiều dài ngắn hơn 4,6cm. Kích thước nhỏ của con đực ở
loài này có thể được chọn lọc vì tập tính kết đôi của chúng; con đực ôm chặt
vào lưng con cái và chúng cùng nhau bơi qua dòng nước chảy xiết nơi chúng đẻ trứng
bên dưới các tảng đá và sau đó thụ tinh trứng.
Ếch bám đá (giống Amolops) cũng sống và sinh sản trong
các vùng nước chảy xiết ở các vùng núi miền Bắc và miền Trung của Việt Nam. Các
cá thể trưởng thành có chân khoẻ với các chân sau dài và bàn chân có màng rộng
và các đĩa lớn trên tất cả các ngón chân để giúp chúng bám vào đá (và cho con đực
bám vào con cái khi giao phối). Trứng được đẻ trong những phần nước chảy xiết
nhất của những vùng nước chảy mạnh và gắn vào phần bên dưới của đá hoặc sỏi bằng
chất nhầy dính. Để sống sót trong các môi trường nước chảy xiết này, nòng nọc
có một cái giác mút lớn ở vùng bụng giúp chúng giữ được vị trí một cách chắc chắn
và bám chắc đến mức muốn bắt nó phải giật nó ra khỏi các tảng đá. Một loài
khác, ếch Hatchê (Limnonectes hascheanus), không cần nước để sinh sản. Thay vì
đó, con đực đào các lỗ trên nền đất bùn trong rừng nơi con cái (thu hút con đực
bằng tiếng kêu) đẻ trứng. Quá trình phát triển và biến thái diễn ra hoàn toàn
bên trong trứng và sau khoảng một tháng ếch con nhỏ nhưng đã phát triển đầy đủ
nở ra.
Không phải tất cả các loài lưỡng cư đều có thể dễ dàng phát
hiện được. Điều này được thể hiện rõ từ những nghiên cứu đang được tiến hành nhằm
phát hiện sự phong phú thực sự trong các nhóm loài của ếch xanh (hình 23). Các
thành viên của nhóm này thường được đặc trưng bởi lưng màu xanh và các ngón
chân cũng như các đệm ngón chân lớn. Da của chúng tiết ra các chất độc có mùi
khó chịu, có thể giết các loài ếch khác và làm cho mắt người bị bỏng. Bất chấp
điều này, người ta vẫn ăn thịt nó trên khắp phạm vi phân bố ở Nam và Đông Nam
Á. Những nghiên cứu về di truyền và hình thái gần đây đã cho thấy là ếch xanh,
được môt tả đầu tiên vào năm 1856, trên thực tế bao gồm một số loài khác nhau
và riêng biệt. Mặc dù chúng có các đặc điểm chung giống nhau, các loài mới hơi
khác nhau ở các đặc điểm như kích thước mắt, màu da và các đốm cũng như vân
trên thân và chân. Các phân tích di truyền đã xác nhận sự khác nhau về các đặc
điểm hình thái dùng để nhận biết này. Đến nay hơn 15 loài có nguồn gốc chưa rõ
ràng trong nhóm loài ếch Rana livida đã được phát hiện từ miền Đông Ấn
Độ đến Nam Trung Quốc, lục địa Đông Nam Á và các đảo ở vùng thềm lục địa Sunda.
Các khám phá này đã có những tác động quan trọng đến việc bảo tồn bởi vì một
loài có phân bố rộng thì bản thân nó ít bị biến đổi hơn là nhiều loài có phạm
vi phân bố hẹp. Các nhóm loài ếch khác thuộc họ này gồm có ngoé (Fejervarya
limnocharis), ếch đồng (Hoplobatrachus chinensis) và ếch blythi (Limnonectes
blythii).
Ếch cây (họ Rhacophoridae)
Ếch cây là các động vật phân bố ở vùng nhiệt đới của cựu lục
địa, có số lượng loài cao nhất ở Đông Nam Á nơi chúng thường có số lượng nhiều
hơn các loài ếch thuộc họ Ranidae theo tỷ lệ 3:1. Tuy nhiên, Việt Nam có 43
loài ếch cây, trên thực tế có số lượng ít hơn ếch nhái. Chúng rất thích nghi sống
trên cây; các đĩa dính lớn trên ngón chân cho phép chúng trèo trên các bề mặt dựng
đứng và bám vào các cành cây. Cả chân trước và chân sau đều có màng, đôi khi rộng,
và những loài này thường có cơ thể bẹt và có các nếp da nằm ở chân. Các đặc điểm
này cho phép các loài ếch như ếch cây bay (Rhacophorus reinwardtii) có phân bố ở
miền Bắc và miền Trung nhảy dù (hoặc lượn) từ các cành cao xuống các tầng thấp
hơn hoặc xuống đất. Có các đốm màu bị che khuất (màu da cam, đỏ tía, đen và
vàng) là đặc điểm chung của ếch cây và nếu không có đốm này thì chúng có màu từ
xanh lá cây đến nâu. Ếch cây rất khác nhau về kích thước cơ thể. Nhái cây nhỏ
(giống Philautus) khá nhỏ, có kích thước khoảng 2,5cm, trong khi đó ếch
cây trung bộ (Rhacophorus annamensis), một loài đặc hữu ở Việt Nam, có thể có
chiều dài 8,5cm.
Giống như ếch nhái, ếch cây có nhiều hình thức sinh sản khác
nhau. Các loài thuộc giống lớn nhất, ếch cây, xây tổ bằng bọt bằng cách đập vào
các chất thải ra từ bộ máy sinh sản bằng bàn chân sau để tạo thành bọt. Bọt này
sau đó cứng lại ở phía ngoài để duy trì môi trường ẩm cho trứng ở phía trong và
để bảo vệ chúng khỏi bị ăn thịt. Tổ bằng bọt này được đặt trên mặt nước lặng;
khi trứng nở, nòng nọc rơi xuống hoặc trôi xuống vùng nước phía dưới. Năm loài ếch
cây sần của Việt Nam (giống Theloderma) gắn trứng của chúng vào thân và
cành cây nằm ở phía trên các hố có nước nằm trong cây. Các ấu trùng nở ra rơi
xuống các hố này để thực hiện quá trình biến thái. Nhái cây nhỏ đẻ trứng trên mặt
lá hoặc trong các kẽ hở của thực vật biểu sinh nơi chúng phát triển trực tiếp
thành ếch con.
Bò sát (lớp Reptilia)
Các loài bò sát của Việt Nam nằm trong 3 bộ: nhóm rắn có nhiều
loài (172 loài) và thằn lằn (110 loài) đều nằm trong bộ Squamata và nhóm rùa ít
đa dạng hơn (34 loài; bộ Testudines) và cá sấu (2 loài; bộ Crocodilia). Mặc dù
rất khác nhau về mặt hình dạng, bò sát có 2 đặc điểm thích nghi chung giúp
chúng không phụ thuộc vào môi trường ẩm: da được phủ bằng các vẩy sừng giúp
tránh bị khô và sự hình thành trứng có vỏ bảo vệ giúp chúng có thể đẻ bất cứ
đâu, trừ trong nước. Xuất hiện đầu tiên từ hơn 280 triệu năm trước đây, bò sát
đã trở thành loại động vật chiếm ưu thế trên cạn 50 triệu năm sau đó.
Các kiểu phân bố về đa dạng và đặc hữu khác nhau giữa các
nhóm này. Giống như ếch, số lượng các loài rắn đặc hữu có lẽ cao nhất ở các
vùng núi, trong khi đó thằn lằn dường như có nhiều loài đặc hữu ở miền Nam,
trong đó có 8 loài ở Côn Đảo ngoài khơi phía Đông Nam của Việt Nam. Số lượng
loài rắn và thằn lằn phân bố đều ở các vùng đồng bằng và vùng núi của Việt Nam,
trong khi đó rùa nhìn chung là các loài sống ở vùng đồng bằng và số lượng loài
cao nhất tập trung trong môi trường sống này cả ở miền Bắc và miền Nam. Các
nhóm bò sát có số lượng loài cao nhất là tắc kè (họ Gekkonidae: 32 loài) và thằn
lằn bóng (họ Scincidae: 42 loài), cả hai họ này đều là thằn lằn, và rắn nước (họ
Colubridae: 130 loài), là nhóm rắn rất đa dạng. Các nhóm có số lượng loài thấp ở
Việt Nam nhưng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các loài trên toàn cầu gồm có rắn
mống (họ Xenopeltidae: cả hai loài) và thằn lằn giun (họ Dibamidae: 6 trong tổng
số 19 loài).
Bò sát chiếm một phần đáng kể trong số các loài động vật có
xương sống ở Việt Nam mà sự tồn tại của chúng trong tự nhiên bị đe dọa bởi việc
khai thác nhằm mục đích buôn bán. IUCN liệt kê hơn 3 phần tư số lượng các loài
rùa vào loại bị đe dọa toàn cầu, trong đó có 3 loài đặc hữu, rùa trung bộ (Mauremys
annamensis), rùa hộp Buarê (Cuora bourreti) và rùa hộp đẹp (Cuora picturata),
loài này chỉ thu được từ các chợ phía Nam. Cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis;
thuộc loại cực kỳ nguy cấp) hiện nay đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam, mặc dù
chương trình thả lại hiện nay đang được tiến hành ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Mặc
dù không bị đe dọa toàn cầu, hai loài kì đà của Việt Nam, kì đà vân (Varanus
bengalensis) và kì đà hoa (V. salvator) rất đáng lo ngại vì chúng chịu sức
ép do khai thác để lấy cả thịt lẫn da. Số phận của rắn hổ (họ Elapidae) và trăn
(họ Boidae) cũng không có gì chắc chắn.
Rắn mống (họ Xenopeltidae)
Chỉ có hai loài thuộc họ Xenopeltidae và cả hai loài này đều
phân bố tại Việt Nam: rắn mống thường (Xenopeltis unicolor) có phân bố trên khắp
vùng đất liền và các đảo của Đông Nam Á và phân bố khắp Việt Nam, và rắn mống Hải
Nam (X. hainanus) có phân bố hạn chế hơn ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ của Việt
Nam và Nam Trung Quốc. Các vẩy cứng và bóng bao phủ phần lưng của rắn mống được
nhuộm sắc tố nâu đỏ tía sẫm, nhưng các vi cấu trúc bên trong các vẩy này phản
chiếu tất cả các màu của phổ ánh sáng. Do đó, chúng trông nhiều màu sặc sỡ, tạo
ra một cầu vồng toàn màu sắc. Rắn mống chủ yếu sống dưới lòng đất, chui xuống
dưới lá lớp lá cây rụng, dưới các khúc gỗ và trong các lớp đất ẩm và thường sử
dụng các hang do các sinh vật khác tạo ra. Giống như các loài bò sát đào hang
khác, cơ thể của chúng khá tròn, đầu tù và đuôi ngắn. Chúng có thể dài hơn 1,3m
mặc dù hầu hết có chiều dài ngắn hơn 80cm.
Rắn mống có kiểu răng đặc biệt. Thay vì cố định ở một chỗ,
nhiều răng nhỏ và sắc của chúng được gắn với xương hàm bằng các sợi cơ linh động
tạo ra một dạng bản lề. Chúng có thể gập xuống được, nhưng chỉ theo chiều về
phía sau. Các răng bản lề này, cũng xuất hiện ở ít nhất 5 giống rắn khác, có lẽ
là đặc điểm thích nghi với việc nuốt các con mồi có cơ thể cứng, trong đó có thằn
lằn bóng (họ Scincidae), là họ thằn lằn lớn nhất (có hơn 1.400 loài phân bố
trên toàn thế giới). Thằn lằn bóng có thân toàn cơ, chân tiêu giảm nhiều hoặc
hoàn toàn và được bao phủ bằng các vảy nhẵn, cứng và trơn. Ba đặc điểm này khiến
chúng là loại thức ăn khó bắt vì chúng có khả năng lách ra khỏi sự kiểm soát của
thú săn mồi. Việc răng chỉ gập lại được theo một chiều cho phép rắn mống nuốt
con mồi có cơ thể cứng một cách nhanh chóng và khoá con mồi ở một chỗ nếu chúng
cố gắng thoát ra. Ngoài thằn lằn bóng, rắn mống còn ăn các loài thằn lằn khác,
các loài gặm nhấm, chim và rắn. Rắn mống Hải Nam phân bố ở độ cao giữa 200 và
1.100m trong các khu rừng ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ ở Việt Nam. Có thể sống ở
các điều kiện sinh thái khác nhau, loài rắn mống thường sống trên khắp đất nước
trong các môi trường nông nghiệp ẩm và trong vườn và trong các khu rừng ở độ
cao giữa 100 và 2.000m.
Rắn rầm ri (họ Acrochordidae)
Họ Acrochordidae gồm 3 loài rắn rầm ri sống dưới nước và
chuyên hoá cao cho đời sống trong môi trường này. Da ráp và lỏng lẻo kết hợp với
cơ khoẻ cho phép chúng ép người lại theo chiều thẳng đứng tạo thành dạng dải
băng giúp chúng chuyển động trong nước một cách hiệu quả. Rắn rầm ri cũng có
các vảy ở bụng nhỏ hướng xuống phía dưới ở dọc theo đường ở giữa bụng tạo nên dạng
như gờ. Chúng có thể ở dưới nước trong vài giờ nhờ có tốc độ trao đổi chất thấp,
có lượng máu lớn, và khả năng trao đổi ôxy và hydrô với nước qua da.
Da ráp của chúng giúp rắn rầm ri giữ chặt được con mồi là cá.
Chúng phản ứng với vận động của cá bằng cách nhanh chóng cuộn quanh con mồi, giữ
chặt con mồi trong vòng cuộn của chúng. Sau đó các co rút như làn sóng đưa con
mồi dọc theo cơ thể của chúng đến miệng nơi con mồi bị nuốt rất nhanh. Phản ứng
diễn ra nhanh như vậy là nhờ có các lông cứng như tóc rất nhỏ nằm giữa các vẩy
dạng hạt của chúng và những lông này rất nhạy với vận động. Những lông nhạy cảm
này cũng có thể giúp rắn trong các môi trường khi tầm nhìn thường bị hạn chế.
Hai loài rắn rầm ri có phân bố ở các vùng ven biển và đồng bằng
ở miền Trung và Nam Việt Nam. Rắn rầm ri hạt (Acrochordus granulatus) chủ yếu sống
ở biển, mặc dù chúng có thể chịu được nhiều loại độ mặn khác nhau, bao gồm cả
nước ngọt. Hầu hết thường phân bố ở các vùng nước nông ven biển trong rừng ngập
mặn và cửa sông ở độ sau một vài mét, người ta đã bắt được chúng ở hơn 10km
ngoài khơi và ở độ sâu tới 20m. Rắn rầm ri cóc (A. javanicus) phân bố ở
các phá, suối và các vực nước cố định khác. Chúng có khả năng chịu nước mặn thấp
hơn, mặc dù chúng có thể chịu được nước lợ và thậm chí ra tận biển. Mặc dù bơi
rất giỏi, rắn rầm ri thường bò trên đáy bùn. Chúng kiếm ăn vào ban đêm và ban
ngày ẩn nấp trong rễ của cây ngập mặn và trong các hang và hố trên bờ, nơi rắn
rầm ri cóc đôi khi tập trung với số lượng lớn. Cả 3 thành viên của họ này đã được
mô tả là “rất thô kệch” với vẻ bên ngoài mềm nhũn và lùng thùng (Green 1997,
167). Rắn rầm ri hạt có vằn màu xám, đen và trắng và có thể dài đến 50-70cm,
trong khi rắn rầm ri cóc có màu nâu xỉn hoặc màu xám và có thể dài tới gần 2m.
Thằn lằn giun (họ Dibamidae)
Vì đời sống bí ẩn của thằn lằn giun (họ Dibamidae) trong đó
chúng sống gần như hoàn toàn dưới mặt đất, sự đa dạng xung như sinh thái và tập
tính của chúng ít được biết đến. Có chiều dài 5-25cm, chúng có đầu tù, ưa đào bới
được bao phủ bởi các vẩy bóng, nhẵn và nằm chồng lên nhau. Mắt của chúng không
phát triển hoàn toàn và bị che phủ dưới các vẩy không cử động được và chúng
không có lỗ tai ở bên ngoài. Cả con đực và con cái đều không có chân trước và
chỉ có con đực có chân sau tiêu giảm và rất bé, là phần phụ giống như cái nắp
có thể được sử dụng trong việc thu hút con cái và giao phối. Thằn lằn giun có
thể phân bố ở nhiều loại rừng và vùng có cây bụi nhưng cần các điều kiện đất ẩm
và thường đào sâu xuống bên dưới các tảng đá hoặc các cây gỗ đổ trong thời kỳ
mùa khô. Các nhà khoa học cho rằng chúng ăn côn trùng và đẻ liên tiếp các ổ trứng
bao gồm các quả trứng riêng rẽ.
Tất cả 19 loài thằn lằn giun trừ một loài thuộc giống Dibamus.
Giống này có phân bố giới hạn ở Đông Nam Á, Philipin và phía Tây Tân Tây Lan.
Loài cuối cùng, thằn lằn giun Mêhicô (Anelytropsis papillosus) phân bố ở phía
bên kia của Thái Bình Dương trong một khu vực nhỏ nằm ở Đông Bắc Mêhicô. Mối
quan hệ về tiến hóa của thằn lằn giun với các nhóm thằn lằn khác hiện nay vẫn chưa
được biết; hai giống này có thể là các nhóm cuối cùng còn sót lại của một nhóm
cổ xưa đã từng có phân bố rộng hơn. Số lượng các loài thằn lằn giun đã tăng lên
nhanh chóng, với 7 loài mới được mô tả từ năm 1997, hai trong số này từ Việt
Nam. Sáu loài thằn lằn giun có phân bố trong nước. Một trong số này là thằn lằn
giun Côn Đảo (D. kondaoensis) chỉ phân bố ở phía Đông Nam của Côn Đảo.
Cá nước ngọt
Cá nước ngọt là nguồn cung cấp protein quan trọng cho người
Việt Nam nhưng vẫn còn ít được biết đến trên khắp cả nước. Điều này là do sự kết
hợp của nhiều yếu tố bao gồm cả việc chúng trước đây ít được khảo sát và sự lộn
xộn về hệ thống phân loại ở tất cả các vùng lục địa Đông Nam Á và Nam Trung Quốc
khiến việc nhận biết một cách chính xác các mẫu vật và diễn giải các kết quả khảo
sát đã công bố trở nên khó khăn. Các ước tính thô ban đầu gợi ý rằng các vực nước
trong đất liền của Việt Nam có khoảng 450 loài, có thể chiếm 80% tổng số các
loài cá; khoảng một nửa các loài này chỉ được biết từ một địa điểm duy nhất. Hầu
hết 50% các loài nghi nhận được trong các cuộc khảo sát ở sông Đồng Nai phía
Nam Việt Nam vào năm 1990 và 1999 là các thống kê mới về loài trong lưu vực
sông này.
Bị giới hạn trong môi trường nước khiến cá nước ngọt có kiểu
phân bố về số lượng loài khác với các loài sống trên cạn khác và cũng là các mối
đe dọa chíng đến sự tồn tại của chúng. Về mặt địa sinh học, 3 khu hệ cá chính
được hình thành ở Việt Nam: một có quan hệ mật thiết với sông Hồng, một với
sông Mê Kông và khu hệ thứ ba có quan hệ với các con sông chảy từ sườn phía
Đông của dãy Trường Sơn. Cá nằm trong hệ thống sông Hồng và một nhóm riêng biệt,
giống với nhóm phân bố ở các sông nằm ở vùng Đông Nam của Trung Quốc, trong khi
đó khu hệ cá của sông Mê Kông có phân bố ở phần lớn các vùng của lục địa Đông
Nam Á. Mặc dù không thực sự có nhiều loài, vùng trung lưu, thượng lưu và các
vùng nước chảy xiết có tỷ lệ đặc hữu cao. Các loài này thường có các giác bám
chuyên hoá và cơ thể dẹt là các đặc điểm thích nghi với nước chảy xiết.
Các mối đe dọa đối với cá nước ngọt trong đất liền gồm có việc
xây đập làm thay đổi dòng chảy, phá rừng nằm trong lưu vực sông dẫn đến sói mòn
và lắng đọng, chặt rừng bên cạnh sông suối gây ảnh hưởng đến nhiệt độ nước,
thay đổi hàm lượng ôxy và gây ô nhiễm. Đánh cá quá mức, bao gồm cả việc sử dụng
thuốc nổ, cũng là mối đe dọa. Các loài được coi là bị đe dọa nhiều nhất hiện
nay là các các loài cá lớn ở sông Mê Kông; tuy nhiên sự đánh giá này bị ảnh hưởng
bởi những hiểu biết ít ỏi hiện nay về các khu hệ cá nước ngọt khác. Rất có thể
là các loài có phân bố giới hạn ở một hoặc một vài con suối có thể bị tuyệt chủng
chỉ do những sức ép tương đối nhỏ, một số loài trong số này có thể bị tuyệt chủng
trước khi các nhà khoa học có cơ hội phát hiện ra chúng.
Cá nheo (bộ Siluriformes)
Bộ Siluriformes cực kỳ đa dạng, phân bố trên toàn thế giới và
gồm có gần 3.000 loài cá nheo được xếp vào 31 họ. Đặc điểm nổi bật nhất của cá
nheo là râu của chúng, là các xúc tu mảnh giống như râu mèo xuất hiện thành từng
đôi xung quanh miệng. Được trang bị các chồi vị giác và là vùng xúc giác nhạy cảm,
râu giúp cá nheo kiếm thức ăn trong môi trường nước tối hoặc nước đục. Cá nheo
chủ yếu là động vật sống dưới đáy và kiếm ăn vào ban đêm. Chúng ăn động vật
không xương sống mặc dù nhiều loài ăn cá hoặc thực vật và một số loài thậm chí
còn ký sinh trên các loài cá khác. Chúng thường có các gai sắc ở phần lưng của
chúng và vây ngực. Hầu hết các loài không cỏ vẩy khiến da của chúng phơi ra
ngoài. Cá nheo thích nghi với nhiều loại môi trường sống khác nhau và nhiều kiểu
ăn khác nhau và các loài cá nheo này có phân bố ở các vực nước từ chỗ có hàm lượng
ôxy cao, nước chảy xiết đến các vùng nước tù gần như không có ôxy và ở cả nước
lợ lẫn nước biển.
Cá nheo đặc biệt là những loài cá lớn sống ở sông Mê Kông, là
nguồn cung cấp protein chính ở Việt Nam. Nhiều loài cá này là loài di cư, di
chuyển trong năm giữa các vùng để đẻ trứng, trưởng thành và kiếm ăn. Chúng thường
di cư qua biên giới. Chúng thường là các mục tiêu dễ dàng của những ngư dân khi
chúng di cư thành đàn lớn. Những loài cá nheo mới đang được phát hiện với tốc độ
nhanh ở Việt Nam, trong đó có sông Mê Kông với 8 loài mới đã được mô tả từ năm
2000-2004.
Cá chạch sông hoặc suối (họ Balitoridae)
Khoảng 115 loài cá chạch suối chuyên hoá cho đời sống ở nơi
nước chảy xiết. Cơ thể của chúng thon dài và dẹt theo mặt phẳng ngang và một số
loài đã biến đổi vây ngực và vây hông thành các đĩa bám nằm ở bụng để giúp
chúng sống sót trong các dòng suốt chảy xiết. Cơ thể nhỏ - loài lớn nhất có chiều
dài khoảng 14cm – và sống khá đơn độc, cá chạch suối thường không phải là mục
tiêu của ngư dân mà thường bị giết ngẫu nhiên. Cá chạch thuộc họ này có khả
năng là vật chỉ thị cho tình trạng của các con suối vì chúng nhạy cảm với các
thay đổi môi trường nhỏ. Mức độ phong phú về loài của chúng mới chỉ bắt đầu được
biết đến. Hai mươi loài mới đã được mô tả, chủ yếu từ trung tâm của dãy Trường
Sơn từ năm 2000 đến năm 2004.
Động vật không xương sống
Các động vật được coi là động vật không xương sống được xếp
vào thành một nhóm do chúng có chung một đặc điểm duy nhất: không có xưong sống.
Ngoài đặc điểm này chúng có ít các đặc điểm chung khác và tập hợp các loài có
cùng chung một tên này không có nghĩa là chúng có chung nguồn gốc tiến hoá,
không giống như những thuật ngữ về phân loại khác được sử dụng. Động vật không
xương sống là một nhóm đa dạng bao gồm côn trùng (siêu lớp Hexapoda), nhện và
ve (lớp Arachnida) và nhiều loại giun (như các ngành Nematoda và Annelida), cua
và tôm (ngành phụ Crustacea), thân mềm như ốc, trai và mực (ngành Mollusca) và
các động vật dạng rêu (moss animals) (ngành Ectoprocta). Động vật không xương sống
cho đến nay là nhóm động vật lớn nhất cả về số lượng loài lẫn sinh khối. Chúng
cũng ít được biết đến nhất. Một số nhóm có các đặc điểm như khả năng di chuyển
thấp như ốc và các động vật thân mềm khác khiến chúng dễ hình thành các loài đặc
hữu. Các núi và hang đá vôi, có lẽ có nhiều loài đặc hữu, có chứa các quần xã của
các loài chưa được khám phá. Tình trạng bảo tồn của các loài động vật không
xương sống ở Việt Nam còn ít được biết đến.
Bướm (bộ Lepidoptera)
Bướm thường là một trong các nhóm động vật không xương sống đầu
tiên được điều tra trong một khu vực. Chúng tương đối lớn, thường có nhiều màu
sắc, hoạt động vào ban ngày trong trường hợp của bướm ngày, và là một trong các
nhóm được nghiên cứu kỹ nhất và dễ nhận biết nhất trong số các nhóm côn trùng.
Số lượng loài được ghi nhận ở Việt Nam hiện nay là trên 250 loài, mặc dù các
nhà bướm học cho rằng con số này chỉ chiếm 1/4 tổng số các loài bướm ở Việt Nam
(hình 24). Các kiểu trang trí cánh phức tạp là các đặc điểm nhận biết chính mặc
dù trong một loài các kiểu cánh này có thể khác nhau giữa con đực và con cái,
khác nhau theo mùa và phân bố địa lý.
Các nguồn thức ăn của các con bướm trưởng thành gồm có mật
hoa, quả cây, nhựa cây, phân động vật và các chất hữu cơ bị thối rữa trong khi
đó ấu trùng sâu bướm ăn lá cây. Dựa vào những đòi hỏi về thức ăn của ấu trùng hầu
hết các loài bướm đều có thể được phân loại thành hoặc là dạng chuyên hoá, thường
hiếm và phụ thuộc vào một số ít các loại môi trường sống và các thực vật dùng
làm thức ăn, hoặc là dạng không chuyên hoá, thường là phân bố rộng có các nhu cầu
về sinh thái rộng hơn. Một nghiên cứu về các quần xã bướm ở Vườn Quốc gia Tam Đảo
miền Bắc Việt Nam đã phát hiện ra rằng các loài hiếm hơn phụ thuộc vào các khu
rừng nguyên sinh sống lâu năm hơn và ít bị xáo trộn và cũng có phạm vi phân bố
nhỏ hơn so với những loài có thể sống được ở các khu vực bị xáo trộn. Khi các
chỗ trống tạo ra trong tán lá do cây bị chặt, chỉ có những loài chuyên hoá có
phân bố hạn chế này bị tác động
San hô (lớp Anthozoa)
San hô nằm trong ngành Cnidaria, là một nhóm động vật không
xương sống chuyên ăn thịt trong đó có cỏ chân ngỗng biển, sứa, bút biển (sea
pens) và thủy tức. San hô sinh sản lưỡng tính; chúng giải phóng tinh trùng và
trứng vào nước biển và các ấu trùng hình thành thiết lập các san hô mới trên
các bề mặt trống ví dụ như đá. Nhiều loài san hô là các cá thể đơn, sống một
mình; tuy nhiên, các loại san hô mà hầu hết mọi người biết đến cũng sinh sản vô
tính và tạo thành các tập đoàn lớn, đôi khi khổng lồ, chứa các cá thể hoàn toàn
tương đồng về mặt di truyền. Các loài hình thành tập đoàn quen thuộc nhất là
các loài san hô cứng hoặc san hô sao dạng đá (bộ Scleractinia) tạo nên các rạn,
là thành phần đặc biệt của nhiều vùng bờ biển nhiệt đới. Các dạn san hô được
hình thành dần dần từ các xương bên ngoài bằng cacbonat canxi cứng của san hô.
Những bộ xương này còn tồn tại rất lâu sau khi các sinh vật này chết. San hô cứng
là bộ đa dạng và quan trọng nhất của ngành Cnidaria ở Việt Nam, với hơn 300
loài san hô tạo rạn đã được mô tả. Môi trường biển của Việt Nam cũng có hơn 20
loài san hô có xương dạng quạt và 17 loài san hô mềm (bộ Alcyonaria).
Nhìn chung khu hệ san hô ở Việt Nam ít đa dạng hơn so với các
khu vực khác của Đông Nam Á (Philipin có số lượng loài nhiều hơn gấp hai lần).
Gần bờ, san hô không phát triển rộng, phần lớn hạn chế ở dạng rạn viền thấp. Có
một số các nguyên nhân tự nhiên có thể làm giảm sự phong phú và số lượng loài
san hô. Lượng nước ngọt chảy ra biển, đặc biệt từ sông Hồng và sông Mê Kông,
làm giảm độ mặn và gây lắng đọng và cả hai yếu tố này có thể ức chế sự phát triển
của sa hô. Số lượng loài san hô ít hơn mong đợi có thể do các dòng hải lưu chiếm
ưu thế trong thời kỳ sinh sản của san hô không chảy từ các khu vực có số lượng
loài cao (các đảo ở thềm lục địa Sunda) làm hạn chế việc lấy thêm nhiều loài
san hô khác.
Khung 11
Linh dương sừng xoắn
Vào năm 1994 một loài thú guốc chẵn đã được mô tả từ các khu
rừng dầu rụng lá một mùa và rừng bán thường xanh ở phía Nam Đông Dương. Nó được
mô tả chỉ dựa trên các sừng được mua từ các chợ ở vùng Nam Trung Bộ của Việt
Nam và các khu vực lân cận ở phía Đông Campuchia và người ta cho rằng chúng đã
được thu thập từ đầu thế kỷ 19. Theo tên khoa học của nó Pseudonovibos
spiralis, loài động vật này được cho là một loài thú guốc chẵn lớn tương tự với
bò tót (Bos gaurus) có chung vùng phân bố và bò xám (B. sauveli) nhưng
chúng có bộ sừng hình giống đàn lia, có nhiều đốt (vòng) và xoắn ở đầu, sự kết
hợp có một không hai trong các loài thú. Các mẫu vật này được cho là phần còn lại
của một loài động vật khó tiếp cận theo tiếng Khơme là Khting Vor, cái tên xuất
phát từ các từ khting (bò tót) và vor (cây leo hoặc cây
bò), dùng để mô tả hình dạng của bộ sừng. Các câu chuyện truyền miệng mô tả
Khting Vor như một loài bò rừng ăn rắn mà sừng của nó được sử dụng như cái bùa
để bảo vệ người và nhà cửa chống lại rắn hoặc được xay thành bột để chữa khi bị
rắn độc cắn.
Các phân tích độc lập về ADN đã được lấy từ các sừng này đã xếp
loài này vào ba vị trí khác nhau trên cây phát sinh loài trong họ Bovidae:
trong tộc Caprini (dê và cừu), Bovini (bò, bò rừng bizen, trâu) và có quan hệ họ
hàng gần gũi với bò nuôi, Bos taurus. Đã có nhiều tranh cãi là liệu Khting
Vor đã từng tồn tại hay là các mẫu vật này được tạo ra bởi các nghệ nhân địa
phương vào những năm 1920 vì mục đích thờ cúng hoặc để chữa bệnh. Số lượng hạn
chế của các sừng thu được (60 đến 70), các vấn đề về ADN không tinh khiết đi
kèm với việc khôi phục lại ADN từ các mẫu vật cổ và số liệu rất hạn chế về địa
điểm nơi các mẫu vật này thu được đã khiến vấn đề này trở nên rất khó giải quyết.
Bên cạnh việc các nghiên cứu phân tử cho thấy phần trán đã được phân tích có
nguồn gốc từ bò nuôi, việc kiểm tra các sừng này bằng phương pháp tinh vi đã chỉ
ra rằng các kiểu vòng và xoắn có một không hai của chúng được tạo ra bằng cách
khắc, đốt nóng và xoắn.
Eleanor J. Sterling
Lê Đức Minh dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét