Những giai điệu đẹp,
Không phải ngẫu nhiên mà mùa Xuân được xem là mùa đẹp nhất
trong năm và trong thơ ca, mùa Xuân luôn được ưu ái bằng những ngôn từ đẹp,
lãng mạn và sinh động nhất.
Một năm bắt đầu từ mùa Xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà mùa Xuân được xem là mùa đẹp nhất trong năm. Xuân về
cây cối đâm chồi nảy lộc, mang sức sống mới cho vạn vật. Và trong thơ ca, mùa
Xuân luôn được ưu ái bằng những ngôn từ đẹp, lãng mạn và sinh động nhất.
Trong số những bài hát đặc sắc viết về mùa Xuân,
trước hết phải nhắc đến bài hát ''Mùa Xuân đầu tiên'' của nhạc sĩ Văn Cao. ''Mùa Xuân đầu tiên'' đã trở thành một tuyệt phẩm về mùa
Xuân của đất nước - mùa Xuân đầu tiên của đất nước sau ngày đất nước hoàn toàn
độc lập, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp.
''Mùa Xuân đầu tiên'' với giai điệu valse nhẹ nhàng, dìu
dặt khiến lòng người trở nên thư thái, ngẫm ngợi, rung lên những cung bậc xúc cảm
chân thành, dung dị về một mùa Xuân độc lập đầu tiên của đất nước, của dân tộc: ''Rồi
dặt dìu, mùa Xuân theo én về/ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ mùa Xuân mơ ước
ấy, đang đến đầu tiên...''
Nói về mùa Xuân, với Văn Cao là một mùa Xuân bình dị ''với
khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông'', là ''một trưa nắng vui cho bao
tâm hồn.'' Một bức tranh thanh khiết, trong sáng, in đậm nét thiên nhiên của
làng quê Việt Nam với những thanh âm quen thuộc, gần gũi.
Còn trong ca khúc ''Xuân tươi'' nhạc sĩ Dương Thiệu
Tước đã miêu tả mùa Xuân một cách thật sự nên thơ: ''... Gió xuân đến mơn
man/ trên khóm hồng tươi thắm/ bầy oanh yến trong vườn/ lên tiếng chào mùa
Xuân…'' Mùa Xuân hiện lên trong giai phẩm của người nhạc sĩ tài hoa này một
cách nhẹ nhàng và bình yên, rất Việt Nam.
Nhạc sỹ Hoàng Quý thì lạc quan yêu đời hơn, trong sức xuân của
tuổi trẻ. Ca từ phơi phới bay như mùa Xuân đang vẫy gọi mỗi người: ''... Đời
ta bao tươi vui như hoa hồng thắm/ bao chim đua hót trong mây/ xuân vế trong
khóm cây… (Xuân về).
Nhạc sỹ Hoàng Việt có ''Tình ca,'' một giai phẩm bất
hủ về mùa Xuân của tình yêu đất nước của lòng người khi chia xa: ''... Khi
đã nghe tiếng ca của lòng người yêu phương xa/ Em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời
xanh quê ta/ Chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay/ Tan cơn phong ba
lòng đất yên rồi đây/ Em hãy nở nụ cười tươi xinh/ Như cánh hoa xuân chào riêng
anh/ Nói nhau nghìn lời qua đôi mắt xanh...''
Bài hát là một bản tình ca ca ngợi tình yêu đôi lứa khi nắng
Xuân đang tràn về trên quê hương xứ sở miền Nam yêu dấu còn phải chịu nhiều đau
thương mất mát do chiến tranh. Anh ở ngoài này vẫn hướng về em, về miền Nam
thân yêu, rồi có lúc cơn phong ba của chiến tranh sẽ tan đi, anh lại sẽ về cùng
em. Rõ ràng không có sức mạnh của tình yêu đối lứa cũng như tình yêu quê hương
và lòng tin sắt đá vào ngày mai chiến thắng thì không thể nào viết nên một giai
phẩm đỉnh cao, với những ca từ nên thơ đến như vậy.
Nhạc sỹ Văn Ký đã sáng tác ca khúc ''Bài ca hy vọng.'' Bài
hát đã củng cố thêm niềm tin sắt đá vào một ngày Xuân tươi sáng, Bắc Nam sẽ sum
họp một nhà: ''Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng/ Cánh chim xao xuyến
gió mùa Xuân/ Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương/ Nhắn rằng ta ngày
đêm mong nhớ/ Ước mơ, những mùa Xuân bóng dáng, tương lai/ Đường ta đi lên xây
đời trong hoa thơm/ có mùa Xuân nào đẹp bằng... Vì tương lai, đàn chim ơi/ Hãy
cất cánh cùng ánh sang chân trời mới…/ Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù
sẽ qua.''
Mùa Đông lạnh lẽo rồi ắt sẽ qua đi, mùa Xuân nắng ấm ắt sẽ về.
Đây là quy luật muôn đời của đất trời, vũ trụ. Theo đó lòng người cũng hân
hoan, ấm nồng hơn đón chờ một mùa Xuân mới đang về.
Là ''Tình ca Tây Bắc'' của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, với
vẻ thanh bình, êm ả và cũng thật diễm lệ của một mùa Xuân đã bừng lên
khắp núi rừng Tây Bắc khi nơi đây không còn bóng giặc, chỉ còn trai gái yêu
nhau giữa bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng: ''Rừng cây xanh lá muôn đóa
hoa mai mừng đón xuân về/ Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng
hoa...''
Một bài tình ca đặc sắc kết hợp được những chất liệu âm nhạc
dân gian vùng núi rừng Tây Bắc với bút pháp hiện đại. Cho đến nay vẫn chưa có
bài hát nào viết về tình yêu trai gái vùng Tây Bắc vượt qua được ''Tình ca
Tây Bắc'' của ông.
Đó là ''Một mùa Xuân nho nhỏ'' của nhạc sĩ Trần
Hoàn, phổ thơ Thanh Hải. Bài hát lắng đọng, da diết, giãi bày tâm trạng của con
người trước mùa Xuân - một tâm trạng không ồn ào náo nhiệt mà rất nhiều trăn trở,
khát vọng, thật khiêm nhường nhưng lớn lao, cao cả: ''Ta làm con chim hót,
ta làm một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến, tan biến trong hòa ca…''
Và đặc biệt, với ba bài hát về mùa Xuân: ''Xuân chiến
khu,'' ''Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh'' và ''Mùa Xuân bên cửa
sổ'' của nhạc sỹ Xuân Hồng, ra đời trong ba không gian, thời gian khác
nhau, bối cảnh khác nhau nhưng toát lên một điểm chung rất nổi bật đó là tính
chất lãng mạn hòa nhập vào tinh thần lạc quan cách mạng.
Qua các tác phẩm của ông, ta thấy, dù bất cứ hoàn cảnh nào
thì mùa Xuân vẫn mang đầy đủ ý nghĩa nguyên sơ của nó. Với chất liệu âm nhạc
mang đậm bản sắc dân tộc, vừa phản ánh chân thật cuộc sống gian lao mà anh dũng
của chiến sĩ giải phóng và nhân dân miền Nam, vừa gửi gắm niềm tin vào một mùa
Xuân chiến thắng. ''Mùa Xuân về trong chiến khu/ Tiếng chim rừng vang hót
khắp nơi/ mùa Xuân về trong chiến khu/ Gió đưa cây rừng cành lá vi vu…''
Và, như một cuộc hẹn lịch sử, trong niềm hân hoan Đại thắng
mùa Xuân năm 1975, Xuân Hồng cho ra đời bài hát ''Mùa Xuân trên Thành phố
Hồ Chí Minh'' đầy ấn tượng. Niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách
mạng giải phóng dân tộc được Xuân Hồng cất lên từ ''Xuân chiến khu'': Mai
này xuân về hoa nở khắp nhà đã trở thành hiện thực! Mùa Xuân trên Thành phố Hồ
Chí Minh thực sự là thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời.
Mười năm sau mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, năm 1985,
xuất phát cảm hứng từ một bài thơ ''Bên cửa sổ'' của nhà thơ Song Hảo,
Xuân Hồng lại viết tiếp về mùa Xuân chan chứa tình đời - ''Mùa Xuân bên cửa
sổ.'' Khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Gia Khánh
Nguồn: TTXVN/Vietnam+
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét