Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

Cảnh và tình của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích

Cảnh và tình của Thúy Kiều 
khi ở lầu Ngưng Bích
Nỗi buồn biết tỏ cùng ai
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
(Độc Tiểu Thanh Ký - Nguyễn Du)
Ai oán chi hỡi cụ Nguyễn Du? Nỗi lòng đó của cụ đã hai thế kỷ dẫu chưa chắc có lời giải đáp nhưng tài sản quý giá nhất mà cụ chắt chiu, gìn giữ cho đời, vẫn ngày ngày được quý trọng, nâng niu. Tài sản đó là tiếng lòng Tố Như lắng đọng, hòa lệ thành thơ - những vần thơ được trau chuốt từ trong tâm tưởng - những tiếng kêu xé lòng làm xót xa khách phòng văn. Là thi sĩ, ai chẳng muốn cất ngòi bút ca ngợi cái đẹp, cái hữu tình, cái thơ mộng, nhưng hiện thực phơi bày trước mắt là mũi dao oan nghiệt khiến trái tim đa cảm phải cất tiếng đau thương. Trong ngàn vạn tiếng nấc nghẹn ngào về thân phận người phụ nữ, Truyện Kiều bật lên như tiếng thét hoảng hốt, vô vọng giữa đêm trường phong kiến đầy những tủi nhục, đắng cay. Tiếng thét đó chừng như kéo dài vô tận, phản ánh nỗi đau thân phận người, nỗi đau thân phận nàng Kiều - người con gái tài hoa nhưng bất hạnh. Ngòi bút điêu luyện của cụ Tiên Điền đã khéo léo mượn cảnh tả tình tinh tế và ý nhị. Và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích chính là dấu lặng trầm buồn trong thiên bạc mệnh Kiều đã viết cho mình.
Trong nỗi đau thân phận con người, từ một cô gái “Êm đềm trướng rủ màn che”, bão dông cuộc đời đưa đẩy nàng đến chốn bùn nhơ. Vì chữ hiếu Kiều đành dứt tình với Kim Trọng, bỏ lại câu thề nguyền non nước chưa trọn, theo Mã Giám Sinh về Lâm Tri. Những tưởng dây tơ hồng đã dứt, không còn gì đau khổ hơn, nhưng oan nghiệt thay số phận trớ trêu như đùa giỡn với con người. Về Lâm Tri không phải để yên phận làm dâu nơi xứ lạ quê người, mà Kiều bị buộc phải dấn thân vào cuộc sống gió sương của chốn lầu xanh, để chịu cảnh “sống làm vợ khắp người ta”. Vốn con nhà gia giáo, quyết không chịu đánh mất phẩm hạnh của mình mà phụ công lao sinh thành giáo dưỡng của song thân, phụ mối tình với chàng Kim. Kiều tự tử. Nhưng oan nghiệt thay, cuộc đời đó không cho nàng chết, mà bắt nàng phải sống trầm luân trong kiếp đoạn trường. Cuộc sống đó còn đau khổ gấp nghìn lần cái chết. Đó là một bi kịch, sống không ra người, chết lại càng không. Sự dằn vặt đó cứ từng giờ, từng khắc siết chặt sợi dây thòng lọng trói buộc hạnh phúc con người. Sợ Kiều tự tử lần nữa thì vốn liếng bỏ ra mua nàng bỗng chốc hoá thành mây khói, Tú Bà đưa nàng về lầu Ngưng Bích trong cảnh “Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì?”. Lãm con như lời mụ hứa kén chồng tử tế chăng? Hay là một tù nhân bị giam lỏng? Bước chân đầu tiên đi vào cuộc đời của nàng sau chông chênh như cảnh “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”. Đoạn trích là một màn độc thoại nội tâm, một khúc tự tình của Kiều trên bước đường lưu lạc.
Trong mười lăm năm trời vằng vặc tha phương, không ít lần kiều bộc lộ nỗi nhớ thương về cha mẹ, tưởng nhớ người yêu của mình mà mỗi niềm đau xót đều chân thành cảm động. Dưới ngòi bút trữ tình tài hoa của Nguyễn Du luôn dõi đôi mắt tình đầy nhân hậu theo từng bước chân luân lạc của đời Kiều. Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích được đánh giá là một thành công nhất, xuyên suốt kiệt tác Đoạn trường tân thanh. Tình cảm đối với người thân lúc này cháy bỏng trong vết thương lòng rỉ máu. Hiện tại trống vắng, tương lai mờ mịt, Nguyễn Du đã khắc hoạ ngoại cảnh qua tâm cảnh ngổn ngang:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Đó là khung cảnh thiên nhiên của một nơi “Chung quanh những nước non người”, một nơi đất khách quê người, một hình ảnh đẹp nhưng buồn vời vợi. Nhiều nhà nghiên cứu khi chú thích hai từ “khoá xuân” đã viện dẫn điển cố trong câu thơ của Đỗ Mục: “Đồng Tước xuân tâm toả nhị Kiều”. Nhưng có lẽ không cần lời diễn giải hay chú thích nào khác thì bản thân hai từ thuần Việt “khoá xuân” tự nó đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa sâu xa của tứ thơ. Sự cô đơn trống trãi bao vây bào mòn trong tâm can Thuý Kiều, nếu không phải là nhốt kín nàng thì còn là gì nữa! Sức sống mơn mởn, phơi phới tuổi xuân - lứa tuổi đẹp nhất của đời người - của một trang tuyệt sắc giai nhân bị những bàn tay hung bạo bóp nghẹt. Cảnh vật trước mắt nào những núi non, trăng nước nhưng mà dấu hiệu thiên nhiên đây đều xa lạ, hoang vắng mênh mông, heo hút. “Vẻ non xa”, “tấm trăng gần” như cùng hiện diện trong một bức tranh. Cái “vẻ non xa” ấy lúc đầu gợi cho người ta cái cảm giác vững chải, dày dạn tuyết sương, nhưng hoá ra non xa cũng chỉ là non xa, nghĩa là ngoài tầm tay với, không thể làm chỗ dựa cho tâm hồn bé bỏng của nàng. Chỉ còn “tấm trăng gần” là tri âm tri kỷ, bầu bạn cùng nàng. Bóng trăng suy tư trên nền trời cao thẳm soi rọi trở nên gần gũi trong trái tim nàng. Trong cuộc đời Kiều, ánh trăng đã từng chứng kiến, chia sẻ với nàng những giây phút say sưa, hạnh phúc nhất của mối tình đầu trong đêm ước nguyền:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Trăng xưa nay vẫn được ví với sự hạnh phúc, đoàn viên, sung mãn. Hàn Mặc Tử đã từng cất rao:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên ước hẹn hò.
Vậy mà khi Kiều ở lầu Ngưng Bích, bóng trăng kia chỉ là tấm trăng nhỏ nhoi, cô độc. Có một điều trớ trêu, nghịch lý ở chỗ, ánh trăng xa mà lại gần, vẻ non gần mà lại xa. Chùng như hai bờ thực ảo cứ hiện hữu trong tâm trí nàng. Nhịp thơ 3/3/2 (Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung) như khơi gợi một cảm giác hỗn độn hơn là tạo cảnh hài hoà trong bức tranh thơ. Cả bốn bề bát ngát mênh mông đến lặng người. Nàng nhìn xung quanh:
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dăm kia.
Cảm giác bao trùm câu thơ là âm hưởng kéo dài. Cả một không gian trải rộng trong cảm giác cô đơn hiu quạnh, những bãi cát vàng nhấp nhô uốn lượn, bụi hồng dàn trải mênh mông kéo nhau mất hút vào vô tận. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình độc đáo để khắc họa cái bi kịch trong nội tâm nhân vật. Thiên nhiên tưởng thoáng đãng nên thơ ấy trở nên ngổn ngang trăm mối tơ vò trong tâm trạng của nàng. Nguyễn Du đã thể hiện tâm trạng rối bời ấy qua các từ “nọ - kia”, “xa - gần” cứ đan quyện vào nhau để khắc hoạ tâm cảnh nhân vật.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
(Nguyễn Du)
Trong tâm trạng u sầu kia, Kiều đâu có lòng nào mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên bởi thiên nhiên là hình ảnh phản chiếu tâm trạng con người. Cặp tiểu đối “cát vàng cồn nọ - bụi hồng dặm kia” sóng đôi nhau để nhân lên ý nghĩa triền miên vời vợi của khoảng không và nỗi lòng người cô lữ ly hương. Thời gian vô vị cứ lặng lẽ trôi giữa khoảng không vô vọng ấy:
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Nguyễn Du đã tài tình khi mượn hình ảnh trong thành ngữ “mây sớm đèn khuya” khơi gợi bao suy tư để báo hiệu khái niệm thời gian là những ngày tháng tẻ nhạt vô vị. Cảnh đấy, tình đây sao ê chề cay đắng. Từ “nửa” thể hiện một điều không trọn vẹn. “Nửa tình nửa cảnh” sao dở khóc dở cười, không thể ghép lại với nhau để lấp đầu khoảng trống trái tim mà lại phân cách rạch ròi thành hai phần riêng biệt giằng xé tâm can. Nét độc đáo của nhà thơ ở chỗ mượn ngoại cảnh để tả tâm cảnh, một tâm cảnh rối bời, hoang mang, tan vụn. Mối tình đầu vừa chớm nở đã vội tàn mà sao chữ tình kia cứ đeo đẳng không sao đứt rời dù trước mắt nàng chỉ thấy cảnh mà vắng bóng người. Thế nhưng hình bóng chàng Kim vẫn cứ hiện về trong ký ức:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Nguyễn Du không dùng từ “nhớ” để diễn tả tâm trạng Thuý Kiều mà lại là “tưởng”. Đây là nét rất độc đáo, hàm súc. Chính từ “nhớ” không diễn đạt hết chữ tình Kiều dành cho Trọng, bởi nhớ mong thì còn hy vọng gặp lại, còn “tưởng” thì chừng như trong suy nghĩ của nàng thì đôi nhạn không mong có ngày tương phùng, không còn kỳ vọng. Đó là nỗi nhớ trong hoài niệm, trong vô vọng. Câu thơ sáu tiếng mà có đến bốn thanh trắc tạo âm hưởng nặng trĩu như tiếng nấc nghẹn ngào, thổn thức đau thương. Từ “tưởng” còn là niềm tôn kính, bởi chính Kiều cảm nhận mình là kẻ có lỗi trong tình yêu vô bờ mà Kim trọng dành cho nàng. Nàng mường tượng mới hôm nào đây thôi cả hai cùng “dưới nguyệt chén đồng” thề thốt: “Trăm ngăm tạc một chữ đồng đến xương”, giọt rượu giao thề hương vị vẫn còn đọng trên bờ môi mà kẻ Liêu Dương, người Lâm Chuy xa xôi cách trở.
Xót xa cho mối duyên đầu tan vỡ, nàng ngậm ngùi “Tin sương luống những rày trông mai chờ”. Âm điệu câu thơ kéo dài lê thê, nàng tự nhủ với lòng “Tấm son gột rữa bao giờ cho phai”. Lời thơ là lời độc thoại nội tâm. Thật vậy! Suốt những năm tháng lưu lạc, Kiều không bao giờ nguôi thương nhớ Kim Trọng. Khi bán mình chuộc cha, nàng đã thốt lên:
Ơi Kim lang! Hỡi Kim lang,
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
ngay cả khi về với người anh hùng Từ Hải, sau bao năm luân lạc, nàng vẫn “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”.
Truyện Kiều là một thiên diễm tình tuyệt mỹ, chính vì thế Nguyễn Du đã để Kiều nhớ Trọng trước rồi mới nhớ đến cha mẹ, đây cũng là mot điều hợp lý. Với cha mẹ, du sao Kiều cũng đã đền đáp, còn đối với Kim Trọng, nàng tuy đã trao duyên lại cho em, nhưng trao duyên chứ làm sao trọn tình được? Nỗi lòng đó cứ canh cánh, khoắc khoải. Quá khứ cứ hiện về choáng ngộp tâm tư, hết tưởng đến Kim, nàng lại xót cho cha mẹ tuổi già bóng xế:
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Hiếu thảo đến thế thì còn gì bằng. Trong đời, Kiều luôn nghĩ đến người trước khi nghĩ đến mình, đó là lòng nhân ái cao đẹp, là phẩm hạnh người phụ nữ Việt Nam. Nơi đất khách quê người, mang thân phận cánh “hoa trôi man mác” trong dòng đời bão nổi, thế mà trong trái tim bao dung kia luôn nghĩ đến cha mẹ già giờ ai chăm sóc, giờ đang mòn mõi tin con. Chỉ mới đây thôi mà nàng tưởng như xa xôi lắm cho nỗi nhớ chất chồng.
Nét độc đáo trong bút pháp tả cảnh ngụ tình, sử dụng thành ngữ giàu sắc thái biểu cảm thể hiện bi kịch trong nội tâm nhân vật, thiên tài Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh thật sống động làm rung động lòng người. Cảnh và tình, tình và thơ, tất cả gắn chặt với nhau trong ngẫn ngơ nỗi niềm.
Hai trăm năm đã đi qua… tiếng thơ Nguyễn Du vẫn vang vọng từ quá khứ vào hiện tại vả cả tương lai.
Tiếng thơ ai động đất trời,
Nghe như non nước vọng lơi ngàn thu.
(Tố Hữu)
22/10/2019
Nguyễn Thị Thùy Trang
Theo https://vinhvien.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...