Giá trị của biểu tượng dân gian
Biểu
tượng dân gian trên trang phục, không chỉ là họa tiết hoa văn trang trí làm đẹp
mà nó còn hàm chứa một giá trị văn hóa sâu sắc. Mỗi biểu tượng đều mang ý
nghĩa, quan điểm thẩm mỹ, văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng đặc trưng. Dưới thời phong
kiến, họa tiết hoa văn là tín hiệu nhận biết vị trí của con người, thông qua
cách sử dụng trên trang phục. Theo nghiên cứu, họa tiết hoa văn không chỉ thể
hiện giá trị văn hóa, mà còn thể hiện giá trị nghệ thuật, qua cách bố cục sắp đặt,
kết hợp họa tiết và kỹ thuật thể hiện (điển hình trang phục Long bào của nhà
vua). Thông qua bài viết, tác giả bước đầu tìm hiểu giá trị của biểu tượng dân
gian trên trang phục, từ đó gợi mở cho hướng nghiên cứu sau này.
1. Cơ sở hình thành và ý nghĩa biểu tượng dân gian
Có
nhiều cách lý giải khác nhau về “biểu tượng”, cuốn “Từ điển tiếng Việt” của tác
giả GS. Hoàng Phê xuất bản năm 1996, đã khái quát: “Biểu tượng là hình ảnh tượng
trưng. Biểu tượng là hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh
của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan
ta đã chấm dứt”. Theo “Từ điển biểu tượng” của Liung-man: “… những gì được gọi
là biểu tượng khi nó được một nhóm người đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý
nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó”. Nhìn chung các cách hiểu trên đều có
ý: biểu tượng là một đối tượng đại diện cho một đối tượng khác.
Tác giả Đinh Hồng Hải viết trong cuốn “Nghiên cứu biểu tượng
một số hướng tiếp cận lý thuyết”, có viết: “… ngôn ngữ biểu tượng là một thành tố
văn hóa do con người tạo ra để sử dụng như một loại công cụ thông tin và giao
tiếp có tính tượng trưng. Chúng ra đời, tồn tại và tác động đến đời sống văn
hóa con người. Vì vậy, việc tìm hiểu ngôn ngữ biểu tượng cũng chính là tìm hiểu
đời sống văn hóa và xã hội loài người thông qua các biểu tượng văn hóa mà con
người tạo ra”. Thông qua biểu tượng, ta có thể hiểu và cảm nhận những nền văn
hóa cổ xưa, cách chúng ta nhiều thế kỷ. Vậy biểu tượng dân gian là những hình
tượng được lưu truyền tự nhiên, nhiều người biết đến trong dân gian. Nó thể hiện
tư duy, suy nghĩ, ước muốn của con người đối với thiên nhiên và cuộc sống.
Dưới góc nhìn mỹ thuật, biểu tượng được thể hiện thông qua
hình ảnh cách điệu và sử dụng thành hình thức trang trí, như trong hình vẽ ở một
số hang động thời Nguyên thủy, hay trên trống đồng, kiến trúc điêu khắc và
trong trang phục.
Theo Thuyết “tổng sinh lực và sinh lực thừa” của Lưỡng
quốc Tiến sỹ Đỗ Văn Khang lý giải bản chất của con người là một thực thể
hành động luôn tiêu phí năng lượng của bản thân. Ngoài quá trình lao động
để sống và tồn tại, con người còn có một “quỹ” gọi là “sinh lực thừa”. Dưới thời
Nguyên thủy, con người đã biết sử dụng quỹ “sinh lực thừa” để vẽ lên hang
động những hình vẽ mà họ nhìn thấy trong quá trình lao động. Thời Hùng Vương,
con người cũng đã sử dụng quỹ “sinh lực thừa” để cách điệu những hình ảnh từ
thiên nhiên (bông lúa, hình sông, hình núi, hình mây…), cảnh sinh hoạt, ước muốn
trong cuộc sống bằng trí tưởng tượng đưa lên đồ vật, trang phục. Phải chăng đây
chính là cơ sở hình thành biểu tượng văn hóa trong dân gian.
Biểu
tượng trang trí được chia thành các nhóm mô típ khác nhau, mỗi nhóm có những ý
nghĩa biểu trưng khác nhau.
- Nhóm
mô típ thiên nhiên, vũ trụ:
+ Hình tượng Mặt trời, biểu tượng của sức sống, sự thống
lĩnh, mặt trời là thái dương hay đại diện cho nguyên lý thuần dương, biểu
hiện của dương tính mạnh mẽ.
+ Hình tượng Mặt trăng, biểu tượng của sự yên bình, mặt trăng
là nơi chứa đựng nguồn sống bất tử và tượng trưng nguyên lý thuần âm.
+ Hình tượng Mây: Mây mang đến những dấu hiệu tốt lành,
hạnh phúc. Đối với cư dân nông nghiệp, mây dấu hiệu báo hiệu cơn mưa, mang đến
điềm báo cát tường, như mây ngũ sắc cũng có nghĩa là ngũ phúc. Với ý nghĩa
trên, hình tượng mây được trang trí cùng với tứ linh như long vân khánh hội,
long ẩn vân, phượng mây, mây nâng vòng.
+ Hình tượng Nước: Đối với cư dân nông nghiệp, nước là nguồn
sống của con người, là sự khởi đầu của vạn vật.
- Nhóm
mô típ thực vật:
+ Hình tượng tứ quý Tùng - Trúc - Cúc - Mai: Thể hiện sự luân
chuyển của bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Sự luân chuyển này vừa đem lại may mắn
cho con người, vừa là sự hy vọng, ước mong về sự suôn sẻ và thịnh vượng trong
cuộc sống.
Tùng là biểu tượng cho khí phách kiên cường, không sợ hiểm
nguy trước những thử thách của thiên nhiên và cuộc đời (Biểu tượng của mùa
đông).
Cây Trúc là biểu tượng của người
quân tử không khuất phục trước cường quyền và danh lợi (Biểu tượng cho mùa hạ).
Hoa Cúc với màu vàng rực rỡ, biểu
tượng cho sự giàu sang, phú quý, vương giả. Hoa cúc là biểu tượng của mùa thu,
người xưa gọi tháng chín là “cúc nguyệt”.
Hoa Mai trắng muốt là biểu tượng
cho sự trắng trong, tinh khiết (âm tính) nhưng yếu đuối. Hoa mai mang lại điềm
lành, hạnh phúc, là đại diện của mùa xuân. Ngoài ra còn một số mô típ của hoa
chanh, hoa đào, hoa hồng, hoa thị, hoa bèo… đều được sử dụng là hoa văn trang
trí trên vải, nó đại diện cho sức sống muôn màu của thiên nhiên.
- Nhóm mô típ động vật: là rồng, phượng, lân, rùa, chim hạc,
hổ, báo, dơi, cá…được thể hiện dưới dạng tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng
long song phượng, long vân, long hí thủy…
+ Hình tượng Rồng trong văn hóa Việt rất linh thiêng, nó
là hình tượng của Lạc Long Quân, người cha của dân tộc Việt. Rồng là biểu
trưng của sự mạnh mẽ, hùng tráng, uy lực bất bại trước kẻ thù. Trong văn hóa
nông nghiệp, Rồng là linh vật mang lại điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng, sự
thông thái. Đồng thời còn là sứ giả để gửi gắm những ước vọng trong đời: cầu
mưa thuận gió hòa, cầu phồn thực. Rồng được mô tả với nhiều hình thức như Rồng
rắn, Rồng chim, Rồng cá sấu, Rồng cá… Điển hình có sự phân loại Rồng theo số lượng
móng, như Rồng 5 móng, Rồng 4 móng, Rồng 3 móng. Rồng 5 móng (ngũ trảo) là loại
thể hiện quyền lực cao nhất, thời Phong kiến là biểu tượng trang trí trên trang
phục của Vua.
+ Hình tượng Phượng: là biểu tượng của đức hạnh và vẻ
duyên dáng, thanh nhã. Phượng hoàng cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương.
+ Hình tượng Kỳ lân: Kỳ lân là một con vật tưởng tượng,
có đầu Rồng thân thú, biểu tượng cho sự trường thọ, oai phong, báo hiệu điềm
lành.
+ Hình tượng Rùa là một biểu tượng thiêng liêng, là linh
vật mang đến điềm lành, hạnh phục cho con người.
+ Hình tượng Hổ trong văn hóa Việt Nam: là chúa tể
của muôn loài muông thú, thể hiện sức mạnh phi thường. Hổ là hình tượng đa
nghĩa vừa phức tạp trong tâm linh người Việt, vừa là ác thú, vừa là thần hộ mệnh.
Trong tín ngưỡng dân gian, con Hổ được gắn với tục thờ Mẫu ở miền Bắc và được
coi là con vật linh thiêng.
+ Hình tượng Chim hạc: thể hiện sự bay bổng thông qua đôi
cánh, nhẹ nhàng, tự do.
Việt
Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau
như tín ngưỡng, văn học thơ ca, văn hóa nghệ thuật, kiến trúc và trang phục.
Trong đó phải kể đến hình thức trang phục, bởi nó chính là ngôn ngữ thể hiện bản
sắc văn hóa dân tộc. Thông qua hình dáng, kết cấu, màu sắc, hoa văn trang trí
và cách sử dụng, ta có thể thấy được giá trị văn hóa, nghệ thuật của trang phục.
Từ
cổ xưa đến nay, các triều đại phong kiến luôn coi trọng đến trang phục, qua đó
thấy rõ sự phân chia giai cấp trong xã hội. Thời Lý (1009 - 1226) đã có những
quy định về sử dụng màu sắc trong trang phục, được áp dụng trong trang phục
cung đình và trong dân gian. Quy định sử dụng trang phục ngày càng rõ ràng và
nghiêm ngặt hơn ở các triều đại tiếp đó. Thời Hậu Lê, bắt đầu có quy định về sử
dụng hình Bổ tử trong trang phục cung đình. Bổ tử có dạng là hình vuông, bằng
chất liệu vải vóc, trên đó được thêu trang trí những hình con vật, kết hợp với vân
mây, sóng nước để tạo lên bố cục trang trí. Nhưng đồng thời cũng là tín hiệu để
nhận biết địa vị của từng chức quan.
Hình
ảnh trang trí là những con vật có thật trong cuộc sống (con Hổ, Báo, Sư tử, con
Voi, con Bạch nhàn…), tuy nhiên cũng không ít những con vật từ huyền thoại do
con người tưởng tượng ra (con Bạch trạch), mang ý nghĩa thể hiện khát vọng tươi
đẹp trong cuộc sống. Theo quan niệm văn hóa của người Việt, mỗi con vật mang ý
nghĩa và biểu trưng khác nhau. Trên cơ sở đó, triều đình đưa ra quy định sử dụng
hình con vật làm trang trí trên bổ phục. Cụ thể trang phục quan văn sử dụng
hình thêu trang trí là loài cầm (tùy theo phẩm bậc có hình khác nhau), ý nghĩa
thể hiện sự thanh cao, tinh thông, mưu trí và nhạy bén. Trang phục quan võ sử dụng
hình thêu trang trí là loại thú, ý nghĩa thể hiện sức mạnh, sự uy nghi, khí
phách của đấng anh hùng hào kiệt. Hình ảnh “Rồng ngũ trảo” là biểu tượng dành
cho trang phục nhà vua, “Phượng hoàng” là biểu tượng trang trí trang phục dành
cho hoàng hậu. Những họa tiết được thêu trang trí bằng chỉ màu ngũ sắc theo
thuyết ngũ hành, ngoài ra sử dụng chỉ vàng, bạc, kim sa đính kết.
Biểu tượng trang trí trên trang phục
của các triều đại phong
kiến Việt Nam:
Triều đại
- Thời Hậu Lê
|
Quan văn
|
Mô típ trang trí
|
Quan võ
|
Mô típ trang trí
|
- Quan nhất, nhị phẩm
|
Con tiên hạc
|
- Quan nhất, nhị phẩm
|
Con Sử tử
|
|
- Quan tam phẩm
|
Con Cẩm kê
(chim trĩ)
|
- Quan tam phẩm
|
Con Bạch trạch
|
|
- Quan tứ phẩm
|
Con Công
|
- Quan tứ phẩm
|
Con Hổ
|
|
- Quan ngũ phẩm
|
Con Vân nhạn
|
- Quan ngũ phẩm
|
Con Báo
|
|
- Quan lục phẩm
|
Con Bạch nhàn
|
- Quan lục phẩm
|
Con Voi
|
|
- Thời Nguyễn
(phong kiến nửa thuộc địa)
|
Quan văn
|
Mô típ trang trí
|
Quan võ
|
Mô típ trang trí
|
- Quan nhất,
nhị phẩm
|
Con Tiên hạc
|
- Quan nhất phẩm
- Quan nhị phẩm
|
Con Kỳ lân
Con Bạch trạch
|
|
- Quan tam phẩm
|
Con Cẩm kê
|
- Quan tam phẩm
|
Con Sư tử
|
|
- Quan tứ phẩm
|
Con Khổng tước
|
- Quan tứ phẩm
|
Con Hổ
|
|
- Quan ngũ phẩm
|
Con Vân nhạn
|
- Quan ngũ phẩm
|
Con Văn hưu
|
|
- Quan lục phẩm
|
Con Bạch nhạn
|
- Quan lục phẩm
|
Con Hồng
|
|
- Quan thất phẩm
|
Con Lộ tử
|
- Quan thất phẩm
|
Con Bửu
|
|
- Quan bát phẩm
|
Con Kẻ xích
|
- Quan bát phẩm
|
Con Hải mã
|
|
- Quan cửu phẩm
|
Con Liêu, thuần
|
- Quan cửu phẩm
|
Con Tê ngưu
|
Nhìn chung, các mẫu hoa văn đều biểu thị quan điểm sống, thẩm
mỹ, tín ngưỡng, quy ước xã hội, ý nghĩa nhân sinh, trên cơ sở gắn liền với
thiên nhiên, văn hóa xã hội thời đại. Nó đã tạo nên giá trị văn hóa đậm chất
dân gian, dân tộc. Có thể thấy những tác phẩm đó đều hoàn thiện, tinh tế về kỹ
thuật và mỹ thuật.
Ngoài ra hoa văn trang trí - biểu tượng dân gian không chỉ thể
hiện giá trị văn hóa, mà nó còn thể hiện giá trị nghệ thuật, mỹ thuật. Thông
qua cách bố cục sắp đặt, kết hợp các họa tiết và kỹ thuật thể hiện, trang phục
áo Long bào thời phong kiến, đều có những họa tiết hoa văn trang trí có ý nghĩa
nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên mỗi thời, hình thức và họa tiết có khác nhau như Thời
Lê (vua Lê Dụ Tông): Thân trước trang trí hình thân Rồng năm móng lớn, hai bên
vai là hai Rồng nhỏ châu đầu về phía trước. Phần tà áo trang trí hình sóng nước,
kết hợp xen kẽ vân mây. Thời Nguyễn: Phía trước chính diện được trang trí hình
mặt Rồng năm móng, phía dưới tà và xung quanh có những cặp Rồng nhỏ chầu mặt
nguyệt, hoặc ẩn vân mây, xen kẽ cùng với hoa văn con dơi và chữ thọ), nhưng
chúng chứa nội hàm, ý nghĩa giá trị biểu tượng dân gian giống nhau. Trên Long
bào chia thành nhiều chương (mỗi chương là bài học) nhằm nhắc nhở trách nhiệm của
người mặc đối với quốc gia, xã hội.
Trong cuốn “Trang phục Thăng Long” của PGS.TS. Đoàn Thị Tình
có miêu tả ý nghĩa và sắp đặt hình họa tiết trên áo Long bào của Trung Quốc “… gồm
có: Mặt trời (nhật); Mặt trăng (nguyệt); Sao (tinh tú); Núi (sơn); Rồng (long);
Chim phượng (hoa trùng); Lửa (hỏa); Cỏ cây (tảo); Bình rượu hình con khỉ (tong
di); Lúa gạo (phấn mễ); Hình lữa búa (phủ); hai cây cung giáp lưng nhau (phát).
Mỗi chương biểu thị một ý nghĩa nhất định, tượng trưng cho phẩm chất của nhà
vua như:
Nhật, nguyệt, tinh: chỉ ánh sáng
Sơn: sự vững vàng, thận trọng
Long: sự hoạt động, thay đổi
Hoa trùng: biểu thị sự vạn hoa
Hỏa: nhiệt lương
Phấn mễ: chất dinh dưỡng
Tảo: sự thuần khiết
Tông di: trí dũng song toàn
Phủ: sự quyết đoán
Phát: biểu hiện sự trừ ác, bảo vệ cái thiện”.
Sự
khác biệt Long bào của Trung Quốc với Long bào Việt Nam (ví dụ thời
Lý - Lý Công Uẩn), ở nhiều chi tiết khác nhau, tuy nhiên điển hình là về họa tiết.
Long bào Trung Quốc sử dụng hình con khỉ, còn Long bào của vua Lý Công Uẩn lại
sử dụng hình hoa sen… Như vậy, có thể thấy những họa tiết trên, gắn liền với
môi trường sống thiên nhiên, quan niệm thẩm mỹ của người Việt. Nó còn hàm chứa
những ẩn ý, tạo nên giá trị sâu sắc.
Người Việt đã sử dụng những kỹ thuật như dệt vải, nhuộm màu,
đắp vải, thêu đính kết để tạo nên những họa tiết trên trang phục. Đây là những
kỹ thuật đã xuất hiện từ thời Hùng Vương và phát triển mạnh ở những thế kỷ tiếp
đó.
Với xu hướng phát triển thời trang hiện đại, biểu tượng dân
gian có thể trở thành những ý tưởng mang hiệu quả về thẩm mỹ cũng như giá trị
văn hóa dân gian. Thực tế, không ít nhà thiết kế đã khai thác đưa biểu dân gian
vào trang phục hiện đại, đã tạo nên được dấu ấn mạnh mẽ như nhà thiết kế Minh Hạnh,
Sỹ Hoàng… Tuy nhiên cũng còn một số người vẫn lúng túng trong cách sử dụng ý tưởng
trên vào trang phục hiện đại. Biểu tượng dân gian sẽ là đề tài hay và ý nghĩa nếu
ta biết xử lý khéo léo giữa ý nghĩa dân gian và thẩm mỹ, thị hiếu thời trang hiện
đại. Điều này vừa có giá trị về mặt ý tưởng, vừa bảo tồn phát huy giá trị văn
hóa dân gian, góp phần tạo văn hóa mặc dân tộc đặc trưng.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Du Chi (2003), Hoa văn Việt Nam, Nxb Trường ĐH
Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật.
2. Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng một số hướng
tiếp cận lý thuyết, Nxb Thế giới.
3. Đinh Hồng Hải (2015), Những biểu tượng đặc trưng
trong văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb Thế giới.
4. Đỗ Văn Khang (2008), Nghệ thuật học, Nxb Đại học Quốc
gia Hà Nội
5. Hoàng Phê (chủ biên) (1996), Từ điển tiếng Việt, Nxb
Đà Nẵng.
6. Đoàn Thị Tình (2010), Trang phục Thăng Long, Nxb Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét