Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

Nhịp điệu miền trung du

 Nhịp điệu miền trung du 
(Đọc Nguyễn Đình Chiến - Tác phẩm và 
Chân dung văn học; Nxb Hội Nhà văn, 2015)
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến định danh khi bài thơ Gặp lại các em của ông đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1981-1982. Ở bài thơ này, mọi giàng buộc, mọi cân nhắc đều nhường chỗ cho cái tình của người thơ trào ra khi trở lại “Tìm các em trong sắc cỏ xanh rì”, khi “bóng anh trùm lên từng ngôi mộ”. Cái tình ấy gửi những người trẻ đã khuất song lại là cho chính mình:
Mười năm hành quân qua bao chặng đường dài
Nay đứng trước các em, anh thấy mình rõ nhất
Thấy tan đi những suy tư vụn vặt
Thấy cháy bùng bao ước nguyện thiêng liêng
Ý thơ nổi bật một sự thật: trong bộn bề cuộc sống, người ta khó nhận ra những giá trị đích thực nếu không có những điểm dừng, vì một nguyên do nào đó. Mỗi điểm dừng là một lần cơ hội cho suy tư trước những trải nghiệm đã qua và điều chỉnh bước đường đi tới đúng hướng. Trong sự nghiền ngẫm, tâm hồn thi sĩ thường phát xuất những cảm xúc bấy lâu tản mạn, dồn nén, nay thành thi hứng:
Cho anh về sống lại những đêm
Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc
Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất
Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em
Trên dọc đường đời, tung hoành mọi nẻo, thơ Nguyễn Đình Chiến ghi lại nhiều cảm xúc qua mỗi chặng suy tư.
Nhớ Trường Sơn, nhớ rừng Lào dường như là căn cớ cho nỗi nhớ thầm kín khác, mà ngoài thơ không dễ thì thầm. Những câu thơ trong bài Rừng Lào (1985) chẳng hạn:
- Thương ai đó giữa rừng đi mải miết
Ngọn le vàng như phất nắng lên cao
- Đời chiến sĩ nuôi lớn hồn thi sĩ
Người yêu rừng lại về với rừng đây
- Nhưng dấu võng lặn sâu vào thớ gỗ
Thành hương trầm thơm suốt cuộc đời tôi
- Mỗi ngụm suối tôi uống vào trong dạ
Cũng dậy hồn thuần phác của người xưa
- Người áp ngực đầu tiên người bạn
Sợi máu đầm trên mái tóc rưng rưng
Vân vân…
Hay, xa nhà cả nửa vòng trái đất, trên đất Nga trắng màu tuyết phủ, thi sĩ Gửi mẹ (1998) những lời suy tư trằn trọc:
Xin mẹ hiểu vì sao con gắn bó
Với nước Nga năm tháng nhọc nhằn
Trong tuyết lạnh con tìm ra ngọn lửa
Cho đời mình cho cả những trang văn
Thơ và văn (chân dung văn học) của Nguyễn Đình Chiến đều chứa đựng suy tư thật lòng ấy, như trong Một khúc quê hương (1994):
Tôi đã đi gót mòn không biết sợ
Bấy nhiêu năm ngang dọc mấy phương trời
Qua sống chết lọc lừa cám dỗ
Qua buồn vui may rủi khóc cười
để “nếm mùi đau khổ” cho thấy rõ “Bên cổng làng muôn thuở, vẫn chờ tôi”.
Thơ văn Nguyễn Đình Chiến cho thấy nỗi suy tư nặng trĩu về một miền thương nhớ, không chỉ qua những hình ảnh mô tả cảnh vật, con người, mà còn ở nhịp điệu. Dù tự khắc họa chân dung: “Anh người lính quen đi nhanh bước mạnh/ Quen mưa to gió lớn những phương trời” (Mưa xuân,1985), [điều mà những bạn thơ đồng khóa 3 trường viết văn Nguyễn Du từng khẳng định và tin tưởng ở người lớp trưởng to-cao như “bức tường” có tâm hồn và tác phong tươi trẻ], nhưng điệu thơ Nguyễn Đình Chiến vẫn là nhịp sóng lượn của vùng chuyển tiếp giữa điệp trùng đại ngàn chia cắt bởi thung sâu với vùng đồng bằng phù sa châu thổ đổ nghiêng ra biển. Quê hương ông có những nét riêng:
Một bóng trăng soi một bóng người
Bóng lẻ nên lòng cứ nhớ đôi
Sương lam hay tấm khăn ngày ấy
Em khẽ choàng lên phía ngực tôi
(Sau chiêm bao,1981)
Dù thuộc Đoan Hùng (Phú Thọ) trước đây hay bây giờ thuộc Yên Bình (Yên Bái), thì gốc gác bản quán của Nguyễn Đình Chiến vẫn là rừng cọ, đồi chè chạy dài trên những triền đồi bát úp, trông như những lưng voi, lưng rùa nối đuôi ra bờ sông uống nước và… ngắm trăng, để mà day dứt:
Giá em về cùng anh
Chiều nay thăm rừng cọ
Nghe tiếng chim cu đổ
Xuống cánh đồng lúa chiêm
Nhận qua đồi đất đỏ
Mùi dứa mới thơm nguyên
(Trung du, 1979)
Nhịp điệu bồng bềnh trung du theo Nguyễn Đình Chiến đi khắp mọi miền tổ quốc:
Vườn thơm mùi thảo quả
Bếp thơm mùi nếp xôi
Đặt trăng lên giường cưới
Cho chúng mình gối đôi
(Trăng núi, 2000)
Hình ảnh “gối đôi” gần gụi với “núi đôi” rất phổ biến ở trung du miền đồi núi phía bắc nước ta, gợi nên tình cảm đôi lứa thắm thiết, thuận hòa. Hình ảnh ấy thi sĩ gặp lại và nhập vào cảnh quan bình nguyên trải dài tít tắp trên đất nước Nga rộng lớn, đồng cảm cùng số phận con người:
Ta cũng người của kiếp hát rong đây
Đời xa xứ xót lòng bao cảnh ngộ
Những dân tộc mòn mỏi trong đói khổ
Những kiếp người vất vưởng của trần gian
(Di-gan)
Hình thái núi đồi, trung du bắc Việt Nam và bình nguyên nước Nga, mặc dù không cùng nguồn gốc xuất xứ, nhưng tình người vẫn chung nếp bình dị, dẻo dai. Chính điều đó càng hối thúc người thơ:
Nhưng không chết một tấm lòng thương nhớ
Ơi! Cội nguồn, duyên kiếp của đời tôi
(Một khúc quê hương, 1994)
Và:
Ta về đây đâu phải kẻ tha hương
Tìm kỷ niệm để dễ bề an ủi
Ta về đây với trái tim nóng hổi
Tin yêu xưa và hi vọng mai này
(Thành Len sau mười năm gặp lại, 1999)
Những câu thơ của hai bài thơ khác nhau, về địa điểm và thời gian, đều chung một tấm lòng, một tình cảm của sự đồng điệu, của am hiểu văn hóa hai dân tộc gắn bó mật thiết; được thi sĩ thể hiện cùng một nhịp điệu sóng lượn tương đồng – nhịp điệu của sự tỏa lan, đằm tĩnh nơi xứ sở “cọ xòe ô che mát”, chè ngút mắt tầm xa, nơi “bóng mẹ lui cui chiều bếp lửa”, mùi mồ hôi cha “chẳng thể nào lẫn được”, nơi “Lòng tôi vương sương khói mỗi ngôi nhà/ Thương mái rạ ngả sang màu bạc trắng”, mà chẳng vin dựa vào triền dốc cao vực thẳm để dựng câu thơ thành quách, ngổn ngang thế sự. Âu là mỗi người một tạng, song đọng lại ở người thơ là tình, là nghĩa. Đức của người do cha mẹ tích phúc. Đức ấy không thể vượt khỏi bốn mùa - xuân, hạ, thu, đông của trời, cũng không thể ra ngoài bốn phương - đông, tây, nam, bắc của đất. Miền quê sinh trưởng, bất luận đều thấm vào ký ức, vào suy tư, để có dịp là bung ra, bật reo theo cảm xúc vơi đầy, lắng đọng.
Thơ Nguyễn Đình Chiến không bóng bẩy, không lên gân mà mượt mà, ấm áp trong ngôn từ, có màu sắc trong hình ảnh, gợi lên hình thái của miền trung du hiền hòa từ nắng gió vương trên cây cối, dòng sông đến cuộc sống ung dung, chân chất của con người, nơi âm ngân những làn điệu dân ca mang bản sắc và truyền thống lâu đời. Ở đó:
Có giọng hát của những người trèo cọ
Mang yêu thương khao khát gửi lên trời
Có con sáo mỏ vàng trong nắng đỏ
Học tiếng người bên lối ngõ sang chơi
Có em tôi khẽ nghiêng vành nón nhỏ
Bên cổng làng muôn thủa, vẫn chờ tôi
(Một khúc quê hương, 1994)
Giọng điệu thơ ấy rất phù hợp với tâm trạng nhớ nhung, tiếc nuối về một thuở, đeo đẳng người trai nhiều năm sương gió chiến trường đánh giặc hay ở phương trời Nga xa xôi vì cuộc sống mưu sinh. Chỉ mùi hoa bưởi thôi mà đánh thức nỗi niềm thương mẹ, nhớ cha, tương tư chộn rộn, vấn vương, hoài niệm:
Giếng nhà mình vẫn trắng cánh hoa rơi
Chỉ thương bầm tay kéo gầu đã chậm
Gốc cây xưa, cha treo cuốc dựng cày
Vẫn ấp ủ cây rơm vàng cuối vụ
Nơi anh đứng chờ em đêm không ngủ
Thương nhau nhiều, có nói được nhiều đâu
(Mùa hoa bưởi)
Tâm trạng ấy cứ thổn thức âm thầm, có cuộn lên thì vẫn như dòng sông trào sôi giữa đôi bờ ranh giới, để rồi lại lặng lẽ xuôi dòng:
Đêm nay mới thực ngủ nhà mình
Tiếng dế trong vườn gáy vẫn thanh
Như nhắc sau mưa vầng trăng hẹn
Đang còn e ấp ngọn cau xanh
(Mưa quê, 2001)
Khổ thơ này khá điển hình cho tâm trạng thơ mang nhịp điệu miền đồi lượn sóng của Nguyễn Đình Chiến. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét thơ Nguyễn Đình Chiến chuẩn xác: “Những câu thơ khá đẹp.Cảnh và người đều đẹp.Một vẻ đẹp dở dang, trong sáng và nhói buốt” (Trần Đăng Khoa - Đọc Nguyễn Đình Chiến). Vẻ đẹp ấy, theo tôi, là vẻ đẹp của nhịp điệu miền trung du, mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiến đã “sở hữu” trước khi bài thơ Gặp lại các em đoạt giải Nhất báo Văn nghệ.
Bồn chồn tiếng gọi trên nương
Ngái nồng khói thuốc còn vương lá ngàn
(Trăng Trường Sơn, 1971)
Dù trên đường hành quân nơi núi rừng trùng điệp Trường Sơn, những câu thơ vẫn phảng phất cảnh sắc sương mai, khói chiều bảng lảng choàng lên rừng cọ, đồi chè, lên những thôn làng thấp thoáng triền đồi, khúc sông uốn lượn. 
Và, cuối cùng, vào đúng ngày 30-1-2014, nhằm vào 30 Tết âm lịch, Nguyễn Đình Chiến trở về và nằm lại trong lòng đất quê mẹ thân yêu. Xin thắp một nén tâm hương tưởng nhớ người bạn thơ mang nặng tình thơ, người vẽ nên bức tranh quê hương anh bằng nhịp điệu miền trung du với nhiều cảm xúc tự tâm can…          
Hà Nội, những ngày cuối năm Kỷ Sửu - 2019
Cao Ngọc Thắng
Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...