Điền dã, khảo sát, sưu tầm âm nhạc
và múa dân gian DÂN TỘC HMÔNG, GIÁY,
Hà Giang là tỉnh miền núi cực Bắc Việt Nam, phía Bắc và
phía Tây giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng,
phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Lào Cai và Yên
Bái.
Hà Giang có diện tích tự nhiên là 7.884,37km2, chỗ rộng nhất
từ Tây sang Đông dài 115km và từ Bắc xuống Nam dài 137km (tính theo đường chim
bay). Về cơ bản, địa hình Hà Giang được phân thành ba vùng: vùng cao phía Bắc
còn gọi là cao nguyên Đồng Văn, gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo
Vạc, núi đá vôi chiếm 90% diện tích. ở đây có những dải núi đá tai mèo sắc nhọn,
những khe núi sâu, hẹp, nhiều vách núi dựng đứng. Vùng cao phía Tây gồm các huyện
Hoàng Su Phì, Xín Mần là một phần của cao nguyên Bắc Hà. Vùng địa lý này về mùa
hè khí hậu nóng hơn cao nguyên Đồng Văn. Vùng núi thấp bao gồm địa bàn các huyện,
thị còn lại, kéo dài từ Bắc Mê, thị xã Hà Giang, qua Vị Xuyên tới Bắc Quang.
Qua những di tích thời đại đá cũ Đồi Thông (thị xã Hà
Giang), Bó Khiếu (Bắc Mê); di tích sơ kỳ thời đại đá mới Đán Cúm, Nà Chảo (Bắc
Mê); di tích hậu kỳ đá mới - sơ kỳ đồng thau Nà Bếp (Bắc Mê), Lò Gạch (thị xã
Hà Giang) với những bộ sưu tập công cụ lao động, vũ khí bằng đồng, khoảng hơn
40 chiếc trống đồng… đã khẳng định Hà Giang là một vùng đất cổ, từ lâu đã có
người sinh sống, có lịch sử văn hóa lâu đời, có sự phát triển liên tục từ thời
đại đá cũ cách đây hàng vạn năm cho đến nay.
Các dân tộc Hmông, Dao, Pả Thẻn (thuộc nhóm ngôn ngữ
Hmông-Dao); Tày, Nùng, Giáy, Bố Y (thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái); La Chí,
Cờ Lao, Pu Péo (thuộc nhóm ngôn ngữ Ka-Đai); Lô Lô, Phù Lá (thuộc nhóm ngôn ngữ
Tạng-Miến); Hoa (thuộc nhóm ngôn ngữ Hán); Việt (thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường), là các dân tộc đã sinh sống ở tỉnh Hà Giang từ lâu đời, đặc biệt, một số dân tộc
như La Chí, Pu Péo, Cờ Lao được coi là chỉ có duy nhất ở Hà Giang [1].
Mỗi dân tộc đều có một di sản văn hóa riêng làm nên nét đặc sắc
cho mảnh đất Hà Giang. Các lễ hội mang tính cộng đồng tiêu biểu của Hà Giang phải
kể tới như chợ tình Khau Vai, lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày, lễ Cấp sắc của
người Dao… Bên cạnh đó còn phải kể tới di sản đồ sộ về văn hóa dân gian từ văn
học như thơ ca, truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ tới các hình thức dân ca, dân vũ
phong phú của các dân tộc như múa Lô Lô, múa khèn của người Hmông, múa trong lễ
Cấp sắc của người Dao, dân ca Hmông, Dao, Giáy, Tày, Nùng, Bố Y, Pu Péo…
I. DÂN TỘC HMÔNG (nhánh HMÔNG TRẮNG)
Ở THÔN HỢP TIẾN, XÃ LÙNG TÁM,
HUYỆN QUẢN BẠ, TỈNH HÀ GIANG
Ở THÔN HỢP TIẾN, XÃ LÙNG TÁM,
HUYỆN QUẢN BẠ, TỈNH HÀ GIANG
1. Đời sống và văn hóa
Trên bản đồ phân bố các dân tộc tỉnh Hà Giang, người Hmông có
dân số đông nhất (với hơn 190.000 người), sống tập trung chủ yếu ở các huyện
Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và hai huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì.
Xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ có 7 thôn: Hợp Tiến, Lùng Hóa,
Lùng Tám thấp, Lùng Tám cao, Mỏ Nhà thấp, Mỏ Nhà cao và Tùng Nùn. Xã có 628 hộ
và 3246 nhân khẩu, trong đó người Hmông chiếm 85%, người Dao chiếm 7%, người
Nùng là 5%, người Giáy là 3%. Người Hmông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ thuộc
nhánh Hmông trắng, có các dòng họ như họ Sùng, họ Vàng, họ Lù, họ Giàng, họ Lò,
họ Vù, họ Tráng, họ Mua, họ Hạng. Trong đó, họ Sùng là đông nhất. Đời sống văn
hóa và sinh hoạt âm nhạc của người Hmông trắng ở đây có những nét riêng trong sự
tương đồng văn hóa với các nhánh Hmông khác trong tỉnh.
Người Hmông Hà Giang có ba nhánh: Hmông hoa, Hmông đen và
Hmông trắng. Người Hmông hoa sống chủ yếu ở các huyện Hoàng Su Phì, Đồng Văn,
Quản Bạ. Người Hmông trắng sống ở huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.
Người Hmông đen sống tập trung ở hai huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. Các nhánh
Hmông phân biệt chủ yếu ở ăn mặc và phong tục tập quán. Váy của phụ nữ Hmông trắng
làm bằng vải lanh trắng, còn phụ nữ Hmông hoa và Hmông đen váy nhuộm chàm có
thêu hoặc in hoa văn ở gấu. áo của phụ nữ Hmông trắng xẻ ngực, có thêu hoa văn ở
cánh tay và yếm sau lưng. áo của phụ nữ Hmông hoa lại xẻ nách, trên vai và ngực
có nẹp thêm các đường vải màu, chỉ màu. áo phụ nữ Hmông đen mở ngực và thêu
hoa. Nhìn chung, phụ nữ Hmông đều để tóc dài và đội khăn trên đầu. Phụ nữ Hmông
hoa khi đi lấy chồng quấn tóc lên đỉnh đầu và độn thêm tóc giả. Ngược lại với y
phục của nữ giới, y phục nam giới Hmông khá thống nhất giữa các nhánh. Đa phần
họ đều mặc quần, áo ngắn, thắt lưng và khăn đội đầu. Quần của nam giới may kiểu
quần chân què, cạp rộng lá tọa, đũng quần rất thấp, khi mặc cạp được dắt sang một
bên rồi dùng thắt lưng thắt lại cho chặt.
Người Hmông sống trên vùng núi cao, khí hậu lạnh nên ởnhà
đất trình tường, mái lợp ngói hoặc tranh. Nhà hình chữ nhật có 3 gian, 2 chái.
Ba gian nhà chính được sắp xếp như sau: gian bên trái dùng để đặt bếp lò nấu nướng
và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ. Gian bên phải dùng để đặt bếp sưởi và giường
khách. Gian giữa thường rộng hơn, đây là gian để bàn thờ tổ tiên và cũng là nơi
tiếp khách, ăn uống của gia đình. Bàn thờ tổ tiên không cầu kỳ như các dân tộc
khác mà chỉ đơn giản là một mảnh ván hoặc nếu không có ván thì chỉ là 3 ống cắm
hương làm bằng tre treo lên vách hoặc tường nhà.
Người Hmông theo chế độ phụ quyền, người đàn ông, con trai được
quý trọng. Để trở thành người đàn ông thực sự, người con trai Hmông phải lấy vợ,
sinh con đầu lòng và được làm lễ đặt tên đệm mới được coi là người trưởng
thành. Người phụ nữ Hmông chịu rất nhiều thiệt thòi trong gia đình, làm lụng vất
vả, nếu chồng chết thì phải lấy em chồng, muốn lấy người ngoài thì phải để lại
của cải, con cháu cho nhà chồng.
Đám cưới của người Hmông gồm ba giai đoạn: lễ dạm hỏi, lễ ăn
hỏi, lễ cưới. Đám cưới thường được tổ chức vào mùa xuân vì đồng bào kiêng sấm chớp.
Theo phong tục, nhà gái không được đưa dâu về nhà trai. Một nét riêng trong hôn
nhân của người Hmông là tục kéo vợ. Tục này diễn ra bởi nhiều lý do: đôi
trai gái yêu nhau nhưng cha mẹ đôi bên không đồng ý, nhà trai cậy quyền thế cướp
con gái về làm vợ… Tục lệ này khiến người con gái dù không đồng ý nhưng nếu đã
bị kéo về nhà người ta 2, 3 ngày thì buộc phải lấy người đó.
Tang ma của người Hmông có hai loại: đám ma tươi (khi trong
nhà có người vừa qua đời) và đám ma khô (thường là sau khi chôn 13 ngày hoặc
sau vài năm - tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình). Khi có người qua đời, gia
đình báo cho cả làng biết bằng 3 phát súng chỉ thiên. Ông thầy cúng được mời để
đọc bài cúng Au tơ kế (Chỉ đường), nói lên nguồn gốc của người Hmông,
vừa là lễ thức quan trọng chỉ đường cho người chết về được với tổ tiên. Đặc biệt,
trong đám ma tươi, người chết được đặt trên tấm ván, treo ở gian giữa. Theo
quan niệm của người Hmông, tấm ván được ví như lưng ngựa để đưa người chết về
thế giới tổ tiên. Khèn, kèn và trống là những nhạc cụ tham dự trong đám ma của
người Hmông. Đám ma khô thường diễn ra trong một ngày, một đêm. Người Hmông
quan niệm nếu không làm đám ma khô thì người mất chưa được rửa sạch tội lỗi,
hóa kiếp, sẽ không hòa nhập với tổ tiên. Người ta ra mộ lấy một nắm đất và mời
người chết về nhà dự lễ. Đến cổng, người ta đặt nắm đất vào cái nia và mang vào
đặt dưới bàn thờ để tiến hành các nghi lễ do thầy cúng, thầy trống, thầy kềnh,
thầy kèn thực hiện. Người Hmông không lập bàn thờ riêng và giỗ người chết, sau
đám ma tươi chỉ làm đám ma khô là chấm dứt.
2. Âm nhạc dân gian
Người Hmông rất yêu ca hát. Ca hát là một phần không thể thiếu
trong sinh hoạt văn hóa của họ. Tiếng hát của người mẹ đưa em bé vào giấc ngủ
say, tiếng hát đối đáp để quên đi nỗi mệt nhọc trong lao động, tiếng hát của
ông mối trong đám cưới, của nam thanh nữ tú trong những cuộc vui, tiếng hát của
người già kể cho con cháu nghe những câu chuyện thần thoại, và cả tiếng hát buồn
để tiễn biệt người mất trong đám ma.
Hát kể chuyện thần thoại: Người Hmông sở hữu một kho
tàng những câu chuyện thần thoại phong phú có thể kể tới như Chùa no tró
ua dong nành (Mồ côi chịu khó về sau nên người), Tùa sau kẻ hủ tro cát ua
chua no (Kẻ độc ác về sau cực khổ), Chỏ thiết nù thăng (Người
con gái và anh chàng rồng), Phá sí sở tro trò thánh (Nước đổi đời người)… Người
ta có thể hát kể chuyện thần thoại bên bếp lửa, theo tay đưa thoi nhịp nhàng của
người phụ nữ trong mùa làm lanh (tháng 6, tháng 7) hoặc trong những lúc rảnh rỗi.
Câu chuyện thần thoại Phá sí sở tro trò thánh (Nước
đổi đời người) được ông Sùng Mí Quả (1956) kể như sau: Thuở xưa, cả thế gian là
nước, nước ngập lên tận trời. Mọi người chết hết chỉ còn hai anh em nằm trong
quả trống thì sống sót. Quả trống chạm lên tận trời. Ông tiên lấy làm ngạc nhiên
tại sao trời cao thế mà ai dám gõ. Ông tiên ra cửa xem thì thấy nước đã ngập
lên tận trời. Ông tiên dùng mũi sào chọc xuống làm cho nước cạn dần. Quả trống
mắc trên một quả núi. Có con chuột còn sống sót, không có gì ăn ra gặm mặt trống,
nhờ đó hai anh em mới chui ra được.
- Người anh bàn với cô em gái: “Thế gian chẳng còn ai
nên ta lấy nhau làm vợ chồng thôi”.
- Cô em gái nói: “Thế thì không được, anh phải đi khắp
thế gian xem có còn ai nữa không”.
Người anh đi một thời gian, quay về nói: “Trên thế gian
không còn ai chỉ còn hai anh em và chuột thôi”.
- Đứa em gái lại nói: “Em mang cối xay lên núi kia, anh
mang cối xay này lên núi nọ. Ta lăn xuống, nếu cối xay úp vào nhau thì mới chịu
làm vợ cho anh”.
Hai anh em làm như vậy, quả nhiên cối xay đè lên nhau. Đứa em
gái khóc mãi, sau cùng mới chịu lấy người anh làm chồng. Hai vợ chồng sinh ra đứa
con không tay không chân, tròn như một bọc thịt. Vợ chồng bàn nhau chọc đứa con
ném đi, vướng đến đâu thì sau này sẽ thành một dòng họ. Ném từ nhà ra đi, mắc
vào vườn thì thành họ Vàng, mắc vào cây đào thành họ Thào, mắc vào cây tre
thành họ Sùng, vào cây mận thành họ Lù… Bởi vậy, đã tạo nên những dòng họ của
người Hmông như ngày nay.
Cũng như nhiều dân tộc khác ở Việt Nam, người Hmông giải
thích về nguồn gốc loài người theo mô hình: lũ lụt - nam+nữ - tộc người. Các
tác giả dân gian đã sử dụng trí tưởng tượng phong phú kết hợp với các yếu tố thần
kỳ để giải thích về nguồn gốc vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên. Để hát kể trọn vẹn
một câu chuyện thần thoại như thế thường phải mất nửa giờ đồng hồ.
Hát trong đám cưới: Như đã nói ở trên, để xin được cô
con dâu, người Hmông phải trải qua ba giai đoạn: lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi và lễ cưới.
Trong lễ ăn hỏi, người con trai được bố mẹ cho cái ô, cái địu, trong địu có 2
chai rượu. Cái ô có ý nghĩa quan trọng trong đám cưới của người Hmông, bởi cô
dâu là người mới của nhà trai, nếu đưa ra khỏi nhà mà không có ô che thì dù đón
người về nhưng ma đã bắt mất hồn đi. Cùng đi với chú rể tới nhà gái có ông mối
chính (thường là bác cả trong nhà), ông mối phụ (người khác họ) và phù rể. Ông
mối là người không thể thiếu trong đám cưới của người Hmông. Người này vừa phải
thông thạo các phép tắc xã giao, vừa thuộc các bài hát nghi lễ cưới xin. Thông
thường, các bài hát do ông mối chính đảm nhiệm. Nhà gái không có ông mối.
Theo tục lệ người Hmông, từ nhà trai đi, ông mối sẽ hát
bài Cú nẻ cú chí lỗ câu mù trò kê (Xin ô của bố mẹ cầm đi). Đi tới
nhà gái, ông mối hát bài Khênh khó trù (Mở cửa) để xin bố mẹ nhà gái
mở cửa. Nhà gái nghe hát bài này xong sẽ mở cửa. Vào tới nhà, ông mối hát bài Lô
chả thài lù (Xin chỗ ngồi và đặt ô dưới bàn thờ). Hai ông mối mang điếu
thuốc mời bố mẹ nhà gái. Ông mối nói: “Đứa con trai nhà này sang muốn lấy
con gái nhà chủ, nếu nhà chủ đồng ý xin đi gọi chú, bác, cậu để nói chuyện”.
Nhà gái cho người đi mời về và hai bên bàn bạc: ông chú nói về cái ăn, ông cậu
nói về cái mặc. Nhà gái thách sính lễ gồm rượu, thịt, áo, váy, xà cạp v.v… rồi
hẹn ngày để nhà trai tới đón con dâu.
Ngày cưới, đoàn đón dâu của nhà trai có từ 7, 9 hoặc 11 người,
để khi về có thêm cô dâu sẽ thành số chẵn (8, 10 hoặc 12). Trong đoàn đi đón
dâu của nhà trai không có bố mẹ chú rể, nhưng phải có một người phụ nữ để che ô
cho cô dâu khi ra khỏi nhà. Trên đường đi, đoàn đón dâu có dừng lại cúng thần thổ
địa, ăn bữa cơm trưa rồi mới được phép vào nhà gái.
Đến nhà cô dâu nếu bố mẹ nhà gái đã đồng ý thì sẽ không cần
hát bài Khênh khó trù (Mở cửa), còn nếu họ chưa thuận thì ông mối vẫn
phải hát. Vào tới nhà, xin bàn ghế ngồi rồi sau đó ông mối hát bài Chót
ta (Trao sính lễ cho nhà gái). Chàng rể quỳ khi bên nhà gái cúng thờ
tổ tiên. Chuẩn bị ra về, ông mối hát bài Thó cầu cu nẻ chu chi tò no chót
kha (Xin nhà gái cái ô).Khi nhà gái chuẩn bị dẫn cô dâu ra thì chú rể quỳ
lạy bố mẹ cô dâu.
Đến giờ lên đường, cô dâu được anh trai và anh họ dắt từ
trong nhà ra ngoài cửa để trao cho bên nhà trai. Chú rể phải lạy hai người thì
họ mới thả tay để đưa cô dâu về. Nhà gái không đưa cô dâu về nhà trai.
Khi về tới nhà trai, ông mối lấy tiết gà để đánh hồn đi theo.
Ông mối hát bài Tho chồng tà lò chấy tày lúc cầu (Xin phép được vào
nhà đón lấy cái ô). Nghỉ ngơi cơm nước xong nếu nhà nào có điều kiện sẽ tổ
chức hát đối đáp để chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng. Bài Mua ua
nha (Đi làm dâu) là một trong những bài hát tiêu biểu của người Hmông, nói
lên số phận đi làm dâu của người phụ nữ, được hát trong đám cưới hoặc hát khi
người phụ nữ có nỗi lòng tâm sự:
Cú nị cú chi du chi chủ chai cợ manh cũng chí chai sù chào
tài. Cú nị cú chi du chi chủa puất cợ manh cũng chí chai su chao muất.
Ca tù lúc tù tao pủ cê tá nhó lúc chai sac sia sế. Tá kì cho
pủ kế tề mê khó tác tá lúc chai sơ sia lác.
Mí muộn cà Hmông muất pùa sài no chi tao cho đía lenh mi mù
lúc muốt chia gà cho tỉ tía. Muất pùa sài no chi tao caho lenh mế nù lúc muất
chia gà cho tỉ tao.
Lời dịch:
Bố mẹ sinh em ra không đúng thời. Đã đến lúc gặp mối của nhà
trai mang ô đến đòi. Bố mẹ sinh em ra không đúng lúc. Nhà trai đã mang ô đến em
phải bỏ bố mẹ để đi lấy chồng.
Ngày mai lúc trời sáng là đến giờ em phải lên đường. Em chuẩn
bị quần áo để đi làm dâu.
Sáng con gái ăn cơm chưa no. Anh em chia tài sản để đem đi
làm kỷ niệm. Cơm ăn đã no rồi. Anh chị em chia quần áo, váy để người con
gái mang đi.
2.2. Nhạc cụ
Không chỉ nhạc hát phát triển, người Hmông ở thôn Hợp Tiến,
xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ còn sở hữu số lượng nhạc cụ khá phong phú. Nhạc cụ
hơi như kềnh (khèn), su (kèn), chang tà (sáo
ngang), tà trua (sáo gió), nhạc cụ dây kéo như lự phư (đàn
nhị), nhạc cụ họ màng rung như trùa ta (trống ma) v.v…
Kềnh (khèn)là nhạc cụ tiêu biểu, do nam giới sử dụng. Kềnh
gồm 6 ống tre được xếp thành 2 hàng. Trong mỗi ống có gắn lưỡi gà bằng đồng hoặc
bằng bạc dát mỏng. Riêng ống có đường kính to nhất gắn hai lưỡi gà. Vì vậy,
hàng âm của khèn lên tới 7 âm: d1-e1-g1-a1-h1-d2-e2. Phần ống có gắn lưỡi gà được
đặt trong bàu kín làm bằng gỗ. Trên mỗi ống, lỗ bấm ở gần nơi đặt lưỡi gà, bên
ngoài bàu kín. Muốn có âm thanh, người ta lấy tay bịt lỗ bấm, tạo áp lực do thở
ra hay hít vào, làm rung lưỡi gà.
Nghệ nhân Mua Giống Phủ (1956) kể lại câu chuyện về cây kềnh:
“Trước đây, trên trời có 6 anh em, mỗi người thổi một ống. Trên trời thả 6 anh
em xuống mặt đất để làm ăn. Không may người anh cả mất nên không có người thổi.
Mấy anh em bàn nhau vào rừng lấy gỗ chặt đôi, khoét lỗ cắm 6 ống vào rồi lấy vỏ
cây rừng buộc chặt. Từ đấy 6 ống chỉ cần giao cho một người thổi, chính là cây
kềnh ngày nay.”
Kềnh của người Hmông là nhạc cụ chuyên dùng trong đám ma,
nhưng không vì thế mà nó trở thành nhạc cụ kiêng kị. Cây kềnh có thể là người bạn
tâm giao của người đàn ông mỗi khi buồn, có thể theo chàng trai đi ra chợ trong
các đám hội hè. Trong chợ người ta có thể thổi để mời bạn vào chợ chơi (1 người
thổi), thổi mời bạn uống rượu (5 hoặc 6 người vừa thổi, vừa múa, vừa uống rượu),
thổi để rủ bạn về nhà chơi (1 người thổi). Đặc biệt, người Hmông thổi kềnh thường
kết hợp với múa. Múa kềnh là kết hợp giữa múa thường (múa điệu bộ) và múa võ
(các động tác võ).
Trong đám ma, kềnh là nhạc cụ quan trọng không thể thiếu
trong việc đưa đường, chỉ lối tiễn người chết về thế giới bên kia. Người thổi kềnh
trong đám ma gọi là chua kềnh tằng tùa. Người thổi kềnh phải học, thường
có truyền thống gia đình, truyền từ đời này sang đời khác. Sau khi thầy cúng đọc
xong bài Au tơ kế (Chỉ đường),ông thầy kềnh sẽ thổi bài Kềnh tu
sía (Khèn tắt thở)đểbáo cho những người xung quanh biết người chết sẽ không
bao giờ quay lại thế giới trần gian. Sau đó, thổi tiếp đến bài Kềnh chê nềnh (Khèn
lên ngựa). Theo người Hmông, người chết phải đi bằng ngựa mới về tới thế giới của
tổ tiên ông cha ở trên chín tầng mây. Trong ngày, cứ mỗi bữa ăn, kềnh có bài thổi
dành riêng cho người chết như bài Kềnh sài (Khèn cơm sáng), Kềnh
su (Khèn cơm trưa), Kềnh mo (Khèn cơm tối). Những bài vừa kể
trên đều được diễn tấu bởi 2 kềnh, 1 su và 1 trùa ta. Ông thầy kềnh vừa thổi kềnh
vừa múa. Nghệ nhân Mua Giống Phủ giải thích: “Múa kềnh như đàn ngựa chạy để người
chết đi nhanh hơn. Múa như vậy kẻ ma cũng thích, người trần cũng thích. Vào buổi
tối, người ta còn múa kềnh vui gồm ba bài: Hậu pồng tí (Sự tích cây
khèn), Đầu tau (Đập chân), Ti túa (Tiếng khèn gọi bạn chơi).
Hậu pồng tí do 1 hoặc 2 người thổi, bài Đầu tau và Ti túa có
thể do từ 2 đến 8 hoặc 10 người thổi nhưng phải đảm bảo số chẵn.
Su (kèn loa) là nhạc cụ hơi, chi dăm kép. Su do nam giới
thổi, chỉ sử dụng trong đám ma. Thân kèn làm bằng gỗ cây trạo. Trên đó người ta
khoét 7 lỗ bấm trước và 1 lỗ bấm sau. Loa kèn làm bằng gỗ cây thông hoặc miếng
đồng cuốn, có thể tháo ra. Dăm kèn làm bằng rơm. Kèn dài khoảng 50cm, trong đó
phần thổi (có dăm) dài chừng 7cm, thân kèn dài 28cm, loa dài 15cm, rộng 12cm. Mỗi
lỗ bấm có khoảng cách tương đối bằng nhau khoảng 2,5 tới 3cm. Tùy theo tay thuận
của người thổi kèn, nhưng thông thường, tay trái sử dụng toàn bộ 5 ngón tay để
bịt hoặc mở 1 lỗ bấm sau và 4 lỗ bấm trước (gần miệng thổi), tay phải sử dụng
ba ngón giữa để mở hoặc bịt 3 lỗ bấm trước (gần loa kèn). Âm thanh của kèn vang
xa, chói, nhưng hơi ngàn ngạt. Hàng âm của kèn gồm: c1 (đúng) - d1 (non)
- e1 (non) - f1 (già) - g1 (đúng) - a1 (non) - h1 (non)
- c2 (đúng).
Chang tà (sáo ngang) là nhạc cụ hơi, chi lưỡi gà rung tự
do. Chang tà được làm từ cây trúc non tầm 1 năm tuổi bởi nếu chọn cây già sẽ dễ
vỡ. Sáo dài chừng 45cm, đường kính ống 1,8cm, một đầu kín (gần miệng thổi) và một
đầu hở. Phía đầu kín người ta khoét lỗ thổi và đặt lam bằng đồng. Sáo có 7 lỗ
trước và 1 lỗ sau. Khoảng cách từ lỗ sau tới lỗ trước thứ nhất là 1cm. Khoảng
cách giữa 6 lỗ trước (gần miệng thổi) từ 1,5cm tới 2,5cm. Riêng từ lỗ thứ sáu tới
lỗ thứ bảy là 5,2cm. Lỗ thứ bảy này không được bấm, bởi vậy hàng âm của chang
tà gồm 6 âm là: c1 - es1 - f1 - g1 - b1 - c2. Chang tà
do nam giới sử dụng, thường được thổi trên nương rẫy, trong nhà lúc rảnh rỗi,
lúc đi chơi gái, hoặc thổi vào buổi sáng để gọi chị em dạy đi gánh nước.
Trà chua (sáo gió) là nhạc cụ hơi, thổi dọc, do nam giới
sử dụng. Tại miệng thổi, người ta cắt một miếng tre dài chừng 4 cm, trên miếng
tre khoét hình tam giác và buộc ra ngoài sáo. Sáo dài khoảng 32 cm. Trên ống
sáo có 6 lỗ bấm với khoảng cách khá bằng nhau chừng 1,6cm tới 2cm. Khi thổi người
ta sử dụng ba ngón giữa của tay trái bấm vào 3 lỗ gần miệng thổi và dùng ba
ngón giữa của tay phải vào 03 lỗ bấm tiếp theo. Hàng âm của trà chua là: f1-g1-b1-c2-es2-f2.
Trà chua là người bạn tri kỷ của chàng trai Hmông mỗi khi buồn, khi gọi bạn gái
đi chơi vào những đêm trăng sáng.
Lự phư (đàn nhị) là nhạc cụ dây, chi cung kéo. Lự phư do
nam giới sử dụng khi đi chơi gái hoặc đệm cho con gái hát trong những cuộc vui.
Giai điệu của lự phư thường phỏng theo giai điệu của các bài dân ca Hmông. Đàn
gồm 2 dây, lên cách nhau quãng 4 hoặc quãng 5. Mặt đàn được căng bằng da cóc,
đường kính khoảng 11cm. Cần đàn làm từ ống tre dài khoảng 66cm. Cung kéo được
làm từ đuôi con ngựa dài khoảng 32cm. Ngày nay, người dân mua đàn nhị của người
Kinh về dùng và cũng được gọi là lự phư.
Trùa ta (trống ma) là nhạc cụ họ màng rung, gắn với nghi
lễ đám ma của người Hmông. Đây là loại nhạc cụ kiêng kị, không được đánh vào
ngày thường, trong nhà cũng được thờ cúng cẩn thận, chỉ được dùng khi trong bản
có người qua đời.
Nghệ nhân Mua Giống Phủ là một trong những người mà dòng họ
có nuôi trống ma. Ông kể lại rằng: “Bố tôi trước đây bị ốm. Đi bói, người ta bảo
phải nuôi trống ma ở trong nhà mới khỏi bệnh. Vậy là bố đi đặt người ta làm cho
một cái trống ma. Mặt trống (hán mùa) làm bằng da bò, có đường kính
khoảng 42cm. Tang trống (táy mù) làm bằng gỗ cây cảo khẩu vàng (giống
gỗ pơmu), cao khoảng 58cm. Nêm (chìa sung) để căng mặt trống làm từ
cây tre. Dùi trống (lung trùa) bằng gỗ đẽo tròn một đầu. Trống ma đã
có mặt trong nhà tôi khoảng 31 năm. Bố tôi nuôi được 4 năm thì ông qua đời. Chiếc
trống ma được chuyển về nhà cậu em út của tôi. Cũng như chúng ta đã biết trong
câu chuyện liên quan tới cây kềnh khi 6 anh em từ trên trời xuống dưới mặt đất
thì người anh cả bị mất nên mặc dù trong nhà tôi là anh cả nhưng phải nhường
quyền nuôi trống cho người em út. Trong trường hợp người em út không nuôi được
nữa sẽ phải mang trống ra treo ngoài hang đá, không được treo trong nhà.
Tại nhà, trống ma được đặt cạnh cửa chính, đối diện với bàn
thờ. Dưới trống người ta mắc một ống tre để thắp hương, treo ở tường; một chiếc
ghế (trùng nho) để thần trống ngự uống nước, hút thuốc. Chiếc ghế này
là vật bất di bất dịch, không được di chuyển hay người nhà ngồi vào. Sáng 30 Tết,
có tục lệ lấy nước về rửa sạch trống, người chủ nhà làm mâm cỗ để trên ghế mời
thần trống ăn, cho lông gà và dán giấy lên tang trống. Khi nào trong bản có người
chết tới mượn trống, chủ nhà sẽ thắp hương xin phép, lấy một chén rượu đổ từ
trên xuống để thần trống uống và đánh ba tiếng trống rồi hạ trống xuống địu đi.
Trên đường đi từ nhà người nuôi trống tới đám ma, người mang trống không được
nghỉ hoặc hạ trống xuống mặt đất.”
Trùa ta cùng hòa tấu các bài bản với kềnh và su trong đám ma.
Một nhạc cụ về hình thức cũng giống bao chiếc trống khác, nhưng lại mang đầy ý
nghĩa tâm linh, được người Hmông tôn thờ một cách kính cẩn. Vào thời điểm hiện
nay, tại thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ chỉ có hai dòng họ nuôi trống
đó là họ Sùng và họ Mua (dòng họ của nghệ nhân Mua Giống Phủ).
II. DÂN TỘC GIÁY Ở THÔN SANG PHÀNG,
XÃ ĐÔNG HÀ, HUYỆN QUẢN BẠ, TỈNH HÀ GIANG
XÃ ĐÔNG HÀ, HUYỆN QUẢN BẠ, TỈNH HÀ GIANG
1. Đời sống và văn hóa
Dân tộc Giáy ở Hà Giang có khoảng 11.000 nhân khẩu, chiếm khoảng
2.2% dân số chung của tỉnh, sinh sống tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ,
Yên Minh, nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Đồng Văn và Yên Minh. Dân tộc Giáy
có nguồn gốc từ tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Tây, và Vân Nam của Trung Quốc.
Cho đến ngày nay, các ông thầy cúng vẫn còn giữ những quyển sách bằng chữ Hán
ghi lại nguồn gốc của dân tộc. Người Giáy thuộc cộng đồng ngôn ngữ Tày-Thái.
Thôn Sang Phàng, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ có các dân tộc
Giáy, Hmông, Nùng, Tày, Hoa, Kinh cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Giáy có
176 hộ chiếm khoảng 60%, dân tộc Hmông chiếm 30%, còn lại là các dân tộc khác.
Dòng họ của người Giáy ở đây gồm: họ Hoàng, họ Trương (họ Trang theo tiếng
Trung Quốc), họ Đặng (họ Tẩn theo tiếng Trung Quốc), họ Lục (họ Lù theo tiếng
Trung Quốc), họ La (họ Lò theo tiếng Trung Quốc), họ Lý, họ Vang.
Người Giáy sống tập trung ở thung lũng, gần nguồn nước để làm
ruộng nước. Người Giáy ở nhà sàn. Nhà có điều kiện thì làm 5 gian, nhà bình thường
làm 3 gian. Phổ biến là kết cấu theo vì kèo 3 hoặc 5 hàng cột, giữa là cột chống
nóc. Cửa chính (tu tráng) nằm ở gian giữa, bao giờ cũng thẳng hướng
bàn thờ. Gian giữa (hông tráng) là gian tiếp khách và đặt bàn thờ tổ
tiên. Hai gian bên được phân định thành các không gian nhỏ để làm bếp, buồng ngủ
của vợ chồng chủ nhà và con cái, nơi để một số công cụ sinh hoạt. Mái nhà lợp bằng
cỏ gianh. Bậc thang lên sàn bao giờ cũng là số lẻ.
Về trang phục, nam giới trước đây mặc quần lá tọa, áo 5 thân,
xẻ nách buông dài tới gối, đầu vấn khăn. Y phục có chung một màu chàm sẫm. Phụ
nữ cũng mặc áo 5 thân dài, xẻ nách, tay áo rộng. ở cổ áo và tay áo viền bằng vải
màu xanh, màu vàng. Váy che kín gối và xòe rộng. Màu sắc chủ đạo cũng là màu
chàm sẫm.
Nghề nghiệp chính của người Giáy ở thôn Sang Phàng là nghề
nông và nghề dệt vải. Nghề dệt vải đã bỏ lâu nên thế hệ sau không còn biết. Nghề
nông trồng chủ yếu là cây ngô và lúa. Hiện nay, ngô được trồng hai vụ thu-đông,
lúa trồng từ tháng 5 tới tháng 9 hoặc tháng 10 thì thu hoạch.
Đám cưới của người Giáy trải qua ba nghi lễ: ăn hỏi, lễ cưới
và lại mặt. Đặc biệt, phải 3 năm sau lễ ăn hỏi (còn gọi là lễ đặt trầu cau) thì
người Giáy mới tổ chức lễ cưới với mục đích để thử thách tình yêu của đôi trai
gái. Ngày trước, người Giáy chỉ được lấy nhau trong cùng dân tộc nhưng phải
khác họ, nếu cùng họ thì phải cách 3 đời. Đám cưới thường được tổ chức sau vụ
thu hoạch cây lúa từ tháng 10 tới tháng giêng âm lịch.
Đám ma theo phong tục người Giáy gồm đám ma tươi (quốc
phang) và đám ma khô (quốc phang rằm ta). Trong gia đình có người
chết, người ta sẽ bắn súng để báo hiệu, nếu phụ nữ thì bắn 2 hoặc 4 tiếng, đàn
ông bắn 3 hoặc 5 tiếng. Mọi nghi lễ trong đám ma do 1 thầy cúng và 2 thầy phụ
thực hiện. Nhạc cụ gồm trống, chũm chọe, mõ. Kèn thì mời người dân tộc khác tới
thổi. Đám ma khô được tiến hành nhanh hay chậm tùy theo hoàn cảnh từng gia
đình, thường làm vào mùa thu. Người ta tổ chức ma khô để trả ân huệ đối với người
chết, đưa linh hồn về với quê cha đất tổ.
Lễ hội của người Giáy được tổ chức vào rằm tháng bảy (14/7 âm
lịch) và Tết nguyên đán. Lễ cơm mới diễn ra vào tháng chín, thường cúng cốm,
xôi để tạ ơn thần linh đã phù hộ một vụ mùa bội thu.
2. Âm nhạc dân gian
Người Giáy có năng khiếu đặc biệt về ca hát, gọi là vươn hay phươn đều
có nghĩa là hát. Ca hát được tổ chức trong nhiều cuộc vui của dân bản như hát
khi khách đến bản, hát trong đám cưới, hát vào nhà mới, hát mừng thọ, hát mừng
năm mới. Nam thanh nữ tú muốn hát được phải tới học thầy. Trong làng có vài ba
thầy (pô sảy) có thể là nam hoặc nữ. Thầy có sách dạy bằng chữ Hán. Thầy
thường dạy tại nhà hoặc ngay tại những buổi hát ở cộng đồng trong ngày lễ hội
như rằm tháng 7, năm mới v.v…
Tay pộp bản cúc phươn (Hát khi khách đến chơi bản) diễn
ra vào sau mùa thu hoạch (từ tháng 10 đến sau Tết), trai gái bản tới thăm nhau.
Trước kia, người Giáy ở thôn Sang Phàng thường lên chơi các xã Cao Sơn, Cao
Minh, Nga Đồng v.v… của huyện Yên Minh. Cuộc hát đối đáp trai gái thường diễn
ra từ buổi tối cho tới sáng ngày hôm sau. Số lượng người không hạn chế, nhưng
ít nhất mỗi bên phải có 2 người. Một buổi hát thường gồm những bài bản sau:
Hừn hánh (Mời lên giọng) - chủ nhà hát mời khách lên giọng.
Rủ đệt thếm rủ đáy (Khách đối đáp) - khách hát là chính, chủ nhà phụ họa theo.
Rủ đệt thếm rủ đáy (Khách đối đáp) - khách hát là chính, chủ nhà phụ họa theo.
Nái bản nái ran (Khách hát ca ngợi quê hương bản làng)
Phươn cây hắn (Hát gà gáy sáng)
Phươn bào slao (Hát giao duyên) - đôi bên hát tâm đầu ý
hợp đến khi gà gáy sáng mới chuyển sang hát giao duyên
Phươn pek (Hát chia tay) - nói lên nỗi buồn của chủ nhà,
tình cảm bịn rịn, quyến luyến không muốn chia tay
Hát trong đám cưới diễn ra vào buổi tối ở nhà trai để
chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể. Đôi bên nam nữ sẽ hát các bài:
Phươn pảo (Hát chúc phúc cho cặp vợ chồng trẻ)
Phươn bào slao (Hát giao duyên)
Phươn cốc lầu (Hát về lịch sử nguồn gốc làm rượu)
Phươn nả lầu (Hát mâm rượu) - hát ở mâm rượu, hỏi thăm về
các loại rượu.
Hẩu ràn mồ (Hát vào nhà mới) được tổ chức khi gia chủ
hoàn thành xong nhà mới mời bà con tới chung vui. Người Giáy thường dựng nhà
vào tháng 10 khi mùa thu hoạch đã xong. Lễ vào nhà mới được tổ chức trong vòng
nửa ngày. Lúc này không có Phươn bào slao (Hát giao duyên) mà chỉ
có Phươn tôi (Hát đối đáp) giữa chủ nhà và bà con hàng xóm. Trong buổi
lễ có hát Pảo ràn mồ (Hát chúc mừng nhà mới) và Pảo phúc (Hát
chúc phúc làm ăn).
So với ca hát thì nhạc đàn của người Giáy ở thôn Sang Phàng
khá khiêm tốn. Trước đây, người dân biết sử dụng các nhạc cụ như dìn
xìn (đàn nguyệt - đàn dây gẩy mặt tròn, có 2 dây), nhi dền (nhị
- đàn dây kéo, có 2 dây), pồ bơ máy (kèn lá). Đến nay, người dân chỉ
còn chơi được pồ bơ máy hay một số nhạc cụ trong cúng lễ như chuống (trống), nao (chũm
chọe), moong (mõ).
III. DÂN TỘC DAO (nhóm DAO CHÀM) Ở THÔN NẬM
ĐĂM,
XÃ QUẢN BẠ, HUYỆN QUẢN BẠ, TỈNH HÀ GIANG
XÃ QUẢN BẠ, HUYỆN QUẢN BẠ, TỈNH HÀ GIANG
1. Đời sống và văn hóa
Dân tộc Dao phân bố ở hầu khắp các tỉnh miền núi và trung du
Bắc Bộ, trong đó tập trung nhiều nhất ở tỉnh Hà Giang. Dân tộc Dao đứng thứ ba
sau dân tộc Hmông và Tày, chiếm khoảng 15,4% dân số toàn tỉnh. Tại Hà Giang hiện
nay có 4 nhóm Dao là Dao đỏ (Dao đại bản), Dao áo dài (Dao chàm), Dao tiền (Tiểu
bản) và Dao quần trắng.
Người Dao ở thôn Nậm Đăm là Dao chàm chiếm 100% dân số toàn
thôn. Dòng họ người Dao trong bản gồm họ Lý, họ Phàn, họ Tráng, họ Tẩn, trong
đó họ Lý là họ lớn.
Về nhà truyền thống, trước đây người Dao chọn mảnh đất dốc
làm nhà nửa sàn nửa đất. Cùng với dân tộc Hmông, người Dao thích sống ở miền
núi cao. Nhà sàn thường có 3 gian, cầu thang chính đi vào từ gian bên cạnh. Cầu
thang quy định là bậc lẻ thường 7 hoặc 9 bậc. Cầu thang phụ ở gian trong cùng.
Gian giữa có bàn thờ tổ tiên và là nơi để tiếp khách. Các gian còn lại là nơi
ngủ của các thành viên trong gia đình. Hiện nay, nhà người Dao là nhà đất trình
tường.
Về trang phục, phụ nữ Dao chàm mặc áo dài, quần,
khăn đội đầu, dây lưng, xà cạp và đồ trang sức bằng bạc. áo dài nữ khoét nách,
cổ tròn, có khuy cài bên nách bằng nhôm hoặc bằng bạc. Khăn đội đầu hình vuông,
có hai dây tua dài ở hai góc liền kề. Dây lưng được làm bằng vải đỏ không trang
trí hoặc vải trắng đính nhiều mảnh bạc xếp lớp như vảy rắn. Quần cắt theo kiểu
chân què, cạp lá tọa. Trang phục cô dâu không khác ngày thường nhưng là bộ mới,
đội mũ bằng bạc, trên trùm một cái khăn đỏ hoặc đen kín xuống tận mặt và đeo
nhiều trang sức. Bộ nam phục gồm có khăn đội đầu, quần theo kiểu chân què, cạp
lá tọa và đều nhuộm màu đen hoặc màu chàm.
Cổ phà (lễ Cấp sắc) là một lễ tục để báo cho tổ tiên là
đứa trẻ đã trở thành người lớn và mong muốn trở thành người tốt. Lễ này thường
được tổ chức từ tháng 10 đến Tết âm lịch dành cho nam thanh niên người Dao chàm
có độ tuổi từ 8 đến 16. Khi làm lễ Cổ phà phải có 4 quyển sách bằng chữ
Dao-Nôm: 02 quyển dành cho bên âm (khi cúng xong sẽ đem đốt) và 02 quyển dành
cho bên dương (đến khi chết sẽ đem đi theo). Lễ Cổ phà do 7 thầy cúng thực hiện: Tào
coỏng (thầy chính), Rằy coỏng (thầy phụ), Rằy nhầy (thầy
dẫn người con trai, kiêm viết 4 quyển sách), Tà thấy (thầy dựng bàn,
vừa là người thắp hương), Tà ngầu (thầy làm thang), Tà gù (thầy
nấu ăn 1), Tà kiệt (thầy nấu ăn 2). Hiện nay, lễ Cổ phà của người Dao
chàm ở thôn Nậm Đăm diễn ra trong 1 ngày 1 đêm.
Đám cưới của người Dao chàm tiến hành qua 3 bước. Bước thứ nhất
lấy trầu cau, hai đồng tiền, gói thuốc lào sang nhà gái xin dạm hỏi. Bước thứ
hai mang gà sang nhà gái, hai bên thông gia trao đổi cụ thể về thời gian, lễ vật,
số người đi đón và đưa dâu. Bước thứ ba là ngày cưới. Sau khi nhà trai mang lễ
vật cúng báo tổ tiên xin cô dâu về, nhà gái phải cõng cô dâu khoảng 100m. Người
Dao theo chế độ phụ hệ, bởi vậy cư trú sau hôn nhân là ở nhà chồng. Tuy nhiên,
cũng có trường hợp chú rể sang cư trú nhà vợ một thời gian nhất định, tùy theo
sự thỏa thuận giữa hai nhà trước khi cưới. Trường hợp ở rể cả đời hiếm xảy ra,
chỉ khi nhà gái không có con trai.
Đám ma của người Dao gồm đám ma tươi (dành cho người mới mất)
và đám ma khô (sau 1 năm). Khi nhà có người mất, người nhà sẽ tắm sạch cho người
mất bằng nước hương. Nếu người chết là nam giới phải cạo trọc đầu và lấy khăn,
quần áo mới ra mặc. Thầy cúng trong đám ma gồm Tào coỏng (thầy
chính), Nhầy tào (thầy phụ), ngoài ra mời thêm một số người khác đi
giúp việc. Trong khi các thầy làm lễ cúng, bà con hàng xóm và họ hàng đi lấy củi,
tập trung lại ở mảnh đất gần rừng, xếp thành 9 tầng để chuẩn bị đưa quan tài ra
đốt. Trên đường từ nhà ra chỗ hỏa táng, ban nhạc gồm lò (chiêng bằng), lò
phạt cóng (chũm chọe đực), lò phạt nhầy (chũm chọe cái), dzú
kiền (trống 2 mặt), bùng plé (kèn gỗ, loa đồng, có 7 lỗ) đi trước,
thầy tào đi sau. Con trai của người mất phải bò dưới gầm quan tài. Con dâu, con
gái đi sau quan tài. Quan tài được đặt lên trên đống củi. Người con trai làm
phép để bật nắp quan tài lên, chỉnh lại tư thế nằm của người chết, lấy một vật
của người chết (có thể chỉ là chiếc cúc áo), sau đó cầm một bó đuốc đi quanh đống
củi 3 vòng, quì sang phía Đông đưa ngọn đuốc qua đầu, về phía sau giao cho thầy Tào
coỏng. Thầy Tào coỏng châm đuốc đặt vào đống củi ngoài quan tài, sau
đó lấy một cây nến đặt vào ngực người chết. Đốt xong, 3 ngày hôm sau người nhà
mới đi nhặt xác. Ông thầy chính nhặt trước, bới tro tìm xương cho vào cái chum.
Tất cả các con nhặt xương cho vào chum. Nữ trang của người chết nếu không cháy
hết mà nhặt được về là điềm tốt. Đem chôn chum vào mộ. Đám ma khô được tổ chức
sau ít nhất một năm (nếu nhà có điều kiện) với mục đích để gọi hồn về bàn thờ.
2. Âm nhạc dân gian
Người Dao chàm ở thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ sở hữu
không nhiều nhạc cụ.
Nhạc cụ màng rung có:
Dzú kiền là trống hai mặt đặc trưng của người Dao. Mặt
trống (dzú mìn) được làm từ da con sơn dương. Đường kính mỗi mặt khoảng
19cm. Tang trống cao 23cm. Mặt trống gắn với tang trống bằng hệ thống nêm được
làm từ gỗ lát, buộc chặt bằng dây mây. Khi căng mặt trống, người chơi dùng búa
gõ vào những chiếc nêm gỗ này. Theo tập quán, trống đánh trong đám ma thì mặt
da phải có lông, nếu không có thì trống chỉ dùng trong đám cưới. Trống được
đánh bằng 2 dùi gỗ (dzú pia) dài 30cm, đường kính 1cm.
Nhạc cụ tự thân vang
có:
Lò (chiêng bằng) với đường kính 37cm, cao 8cm. Lò được
đúc từ đồng hun. Lò được đánh bằng một dùi dài 53cm, một đầu bịt vải. Âm thanh
của lò trầm và vang xa. Lò thường dùng trong các nghi lễ lớn và đệm cho múa.
Lò phạt cóng (chũm chọe đực) được đúc bằng đồng hun, gồm
hai chiếc, mặt ngoài có núm. Đường kính mặt ngoài là 31,5cm, đường kính núm là
7cm, chiều cao là 2cm. Người diễn tấu cầm lò phạt cóng đập vào nhau tạo nên âm
thanh chói, vang và khỏe.
Lò phạt nhầy (chũm chọe cái) cũng gồm hai chiếc, mặt
ngoài có núm. So với chũm chọe đực, chũm chọe cái có kích thước nhỏ hơn nhưng
riêng núm lại to hơn. Đường kính mặt ngoài là 26,5cm, đường kính núm là 18cm.
Lò phạt cóng và lò phạt nhầy thể hiện quan niệm âm dương của người Dao, được
chơi trong đám ma, lễ Cổ phà, lễ Tết nhảy.
Các nhạc cụ này không dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà vai
trò chính là sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng. Riêng bùng plé (kèn
gỗ loa đồng có 7 lỗ), trước kia người Dao có sử dụng nhưng hiện nay không ai biết
thổi nên trong đám ma phải thuê người Hmông.
3. Múa dân gian
Nghệ thuật múa của người Dao chàm ở thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ,
huyện Quản Bạ được bảo lưu khá tốt bởi chúng thường nằm trong các nghi lễ lớn
như lễ Cổ phà, Tết nhảy, tang ma... Những điệu múa này thường do đàn ông thực
hiện và không thể thiếu sự tham gia của các nhạc cụ đi tiết tấu như dzú kiền,
lò, lò phạt cóng, lò phạt nhầy.
Tòng dú là điệu múa mở đầu cho buổi Cổ phà hay trong đám
ma. Một người chơi lò phạt cóng, một người chơi lò phạt nhầy. Họ vừa chơi nhạc
cụ vừa múa, đi theo vòng ngược chiều kim đồng hồ từ thấp đến cao. Đi 3 vòng,
vòng đầu múa sát mặt đất, vòng hai múa ngang đầu, vòng ba múa qua đầu giống như
mặt trời mọc từ thấp đến cao dần. Ngoài ra, còn hai người chơi dú kiền và lò ngồi
một chỗ đánh. Khi múa, động tác diễn ra chậm. Trong lễ Cổ phà múa chừng 30
phút, trong đám ma múa khoảng 1 giờ.
Tìu piêu là điệu múa tượng trương cho một con chim sầm
pin (một loại chim bé, bay rất khéo, khi bay đuôi xòe ra rộng) đang bay ngậm
một tờ giấy vàng, trong đó viết tên của 12 vị thánh. Tìu piêu do một người múa
theo hình số 8, thường bay 3 vòng. Ngoài ra, còn có một người đại diện cho tổ
tiên, ngồi quay lưng lại bàn thờ nhận tờ giấy vàng; một người đánh dzú kiền, một
người đánh lò. Kết thúc điệu múa đem tờ giấy ra ngoài đốt. Tìu piêu là điệu múa
trong lễ Cổ phà.
Khòa văn có nghĩa là vui múa, mừng đứa trẻ đã được sinh
ra một cách trọn vẹn. Đây là điệu múa hay nhất trong quá trình làm lễ Cổ phà.
Bà con muốn chờ xem điệu này vì có đứa con trai chịu lễ Cổ phà cùng nhảy. Điệu
múa được diễn ra trong nhà, trước ban thờ. Những người múa, xếp đội hình vòng
tròn, chuyển động ngược chiều kim đồng hồ. Múa có 3 bậc, mỗi bậc quay ba vòng.
Nhảy từ cao xuống thấp.
Đội múa gồm có năm nhân vật: Rằy nhầy (thầy dẫn đứa
con trai) là người múa chính, một tay cầm tùng tên (mảnh gỗ), một
tay cầm màn ghìn (chuông nhỏ); Tầy sây (đứa con trai chịu lễ Cổ
phà) cầm 2 quyển sổ dương được cuốn trong một mảnh vải, trong đó còn có 36 đồng
xu; Clong pha (ông mặt nạ) là người từ trên rừng cao xuống, cũng là
người xua đuổi ma quỷ, tay cầm crong chống (cái nỏ) để bắn tan đi những
điều xấu; Clong ghi (nam đóng giả nữ là mẹ) bế một đứa con giả, mong
sau này người đang được làm Cổ phà khi lập gia đình sẽ sinh con đẻ cái; ón
tàn là người thay mặt thầy Rằy coỏng (thầy phụ) nhảy. Nếu không có ón
tàn nhảy thì ông Rằy coỏng phải nhảy. Ngoài ra, còn hai thầy phụ ngồi đánh
dzú kiền và lò.
Vản pùng là điệu múa kiếm trong lễ Cổ phả. Thầy Rằy
nhầy dạy đứa trẻ chịu lễ Cổ phà múa kiếm. Ngoài ra, khi múa còn có những động
tác như bịt tai, xoa tóc v.v… tượng trưng cho việc dạy dỗ đứa trẻ vượt qua mọi
điều khó khăn. Nhạc cụ đệm cho múa gồm dzú kiền và lò, do hai thầy phụ ngồi
ngoài đánh.
Giàng sều là điệu múa trong lễ Cổ phà với ý nghĩa đi cắm
đất ruộng cho tổ tiên. Khi múa đi chậm như một con trâu, theo hình zích zắc,
không nhảy. Đội múa gồm bảy nhân vật: Rằy nhầy (thầy dẫn đứa con
trai) tay cầm lưỡi cày bằng giấy và lò phạt cóng; Tào coỏng (thầy
chính) tay cầm cờ trắng dài bằng giấy, trong cờ có viết tên tổ tiên cùng đi với
mình; Tầy sây (đứa con trai chịu lễ Cổ phà) cầm 2 quyển sổ
dương; Clong pha (ông mặt nạ) cầm nỏ; Cloong ghì (nam đóng
giả nữ là mẹ) bế đứa con giả; Pò tào coỏng (thầy phụ đi theo thầy Tào
coỏng) chơi lò phạt cái; Châu (nhà chủ).
Tào ba điệu múa nhằm quét sạch ma quỷ đến quấy nhiễu buổi
lễ Cổ phà. Điệu múa do thầy Rằy coỏng cầm kiếm thật xua đuổi ma quỷ
và thầy Pò rằy coỏng (thầy phụ của thày Rằy coỏng) cầm kiếm gỗ.
Điệu múa được thực hiện trước ban thờ, múa ba bậc từ thấp lên cao theo hình chữ
X, nhưng bậc ba múa mạnh nhất.
Lòng chòng là điệu múa diễn ra trong đám ma khô của người
Dao chàm để chuẩn bị đón người chết về bàn thờ ở nhà. Điệu múa do Rằy coỏng đánh
lò phạt nhầy, Pò rằy coỏng đánh lò phạt cóng, hai người múa cầm con rồng
làm bằng rơm khô, cuốn giấy màu xanh và màu vàng ở bên ngoài. Con xanh tượng
trưng cho việc đi gọi báo cho hồn người chết là chuẩn bị có người đến đón. Con
vàng tượng trưng cho người xem mình làm đám ma khô. Các thầy múa ba vòng ngược
chiều kim đồng hồ. Nhạc cụ tham gia đệm cho điệu múa có dzú kiền và lò, do hai
người ngồi ngoài đánh.
KẾT LUẬN
Hà Giang, một tỉnh ở cực Bắc tổ quốc, nơi sinh sống của 14
dân tộc anh em đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa cho mảnh đất nơi đây. Từ những
năm 60 thế kỷ XX, Viện Âm nhạc đã từng tới sưu tầm âm nhạc của các dân tộc ở
huyện Hoàng Su Phì, huyện Xín Mần, huyện Vị Xuyên, huyện Yên Minh, huyện Đồng
Văn, huyện Quản Bạ. Năm 2009, Viện Âm nhạc lại trở về với Hà Giang để nghiên cứu
sâu hơn về sinh hoạt âm nhạc của người Hmông, người Giáy, người Dao ở huyện Quản
Bạ.
Chúng tôi nhận thấy người Hmông ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám,
huyện Quản Bạ đã bảo lưu khá tốt phong tục tập quán, văn hóa truyền thống cũng
như sinh hoạt âm nhạc dân gian. Người Hmông không chỉ giỏi ca hát với một kho
tàng phong phú các câu chuyện thần thoại mà còn là chủ nhân của khá nhiều nhạc
cụ phong phú. Các nhạc cụ của họ chủ yếu được làm từ những nguyên liệu trong
thiên nhiên. Kềnh (khèn) với vòi thổi dài và trùa ta (trống
ma) dùng trong đám ma là những nhạc cụ bị nhiều tập tục của người Hmông chi phối.
Dù là nhạc cụ thổi trong đám ma, nhưng kềnh còn là người bạn đồng
hành của các chàng trai Hmông trong mỗi phiên chợ. Người con gái xúng xính
trong bộ váy lanh cầm ô che và chàng trai thổi kềnh đã trở thành hình ảnh tượng
trưng cho người Hmông. Người Giáy ở thôn Sang Phàng, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ
sở hữu khá khiêm nhường về nhạc cụ, nhưng họ lại có giọng hát làm say đắm lòng
người. Vươn hay phươn nghĩa là hát, có mặt trong nhiều cuộc
vui của dân bản như khi khách vào làng, trong đám cưới, hát vào nhà mới, hát mừng
thọ, hát mừng năm mới… Nếu người Giáy có sở trường về ca hát thì người Dao chàm
ở thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ lại nổi trội về những điệu múa dân
gian. Các nhạc cụ tham gia thường là những nhạc cụ đi tiết tấu để tạo nhịp cho
điệu múa. Những nghi lễ chính trong cuộc đời con người như lễ Cổ phà, tang ma,
Tết nhảy chính là môi trường bảo lưu tốt những hình thức múa và âm nhạc dân
gian.
Dự án “Hỗ trợ Văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vữmg,
2005-2009” được tài trợ bởi Quỹ SIDA - Thụy Điển,do Viện Âm nhạc thực hiện
trên địa bàn ba dân tộc ở huyện Quản Bạ năm 2009, là một dịp giúp bà con khơi dậy
lòng say mê, sự quan tâm của lớp trẻ đối với âm nhạc mà cha ông truyền lại. Dự
án không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, điền dã mà còn tuyển chọn nghệ nhân, mở lớp
truyền dạy cho lớp trẻ. Thời gian tổ chức lớp học từ tháng 6 tới tháng 7 là khoảng
thời gian các em nghỉ hè nên khá thích hợp với những sinh hoạt tại địa phương.
Tháng 8 năm 2009, Viện Âm nhạc phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh
Hà Giang đã tới nghiệm thu ba lớp học.
- Lớp học âm nhạc, múa dân gian của người Hmông trắng ở thôn
Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ có 15 học viên do 3 nghệ nhân truyền dạy.
Bên cạnh việc học hát dân ca, các học viên còn được học múa kềnh, múa ô. Tuy
nhiên, chưa có học viên nào thổi được kềnh vì theo nghệ nhân muốn thổi kềnh hay
phải học khoảng 2 năm.
- Lớp học âm nhạc của người Giáy ở thôn Sang Phàng, xã Đông
Hà, huyện Quản Bạ đã tập hợp được 10 học viên do 2 nghệ nhân truyền dạy. Theo
đánh giá của nghệ nhân Trương Xuân Bình, các em đã thuộc lời ca nhưng giọng hát
thì phải có thời gian tập thêm mới chuẩn.
- Lớp học âm nhạc và múa dân gian của người Dao chàm ở thôn Nậm
Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ có 11 học viên do 2 nghệ nhân truyền dạy. Các em
đã chơi được một số nhạc cụ như dzú kiền (trống), lò (chiêng bằng) kết hợp với
một số điệu múa trong lễ Cổ phà.
Có thể nói, việc mở lớp truyền dạy âm nhạc dân gian là một hướng
đi đúng đắn, là cơ hội để chính người dân địa phương tham gia vào việc bảo tồn
văn hóa truyền thống, nâng cao lòng yêu thích, trình độ thưởng thức âm nhạc của
lớp trẻ và cũng là cơ sở để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang tiếp
tục triển khai xây dựng làng văn hóa du lịch nhằm quảng bá về âm nhạc dân gian
trong thời gian tới.
Chú thích:
[1]. Lê Duy Đại, Triệu Đức Thanh (chủ biên): Các dân tộc ở Hà
Giang. Nxb. Thế giới, Hà Giang, 2008, tr. 30.
NGUYẾN THỦY TIÊN
HỒ THỊ HỒNG DUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét