Thơ Hữu Đạo, tiếng hát
Trong những năm 1968-1972, xã hội miền Nam nước ta
chìm trong khói lửa chiến tranh. Người dân Sài Gòn sống trong tâm trạng lo âu,
bất trắc của một đô thị tao loạn đầy bóng lính Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Tâm trạng đó được phản ánh phần nào qua một dòng văn chương
và âm nhạc miêu tả thảm cảnh chiến tranh và than thân trách phận mình đã “sinh
lầm thế kỷ”, hoặc mặc cảm cho đất nước mình là “nhược tiểu da vàng”.
Nhưng cũng vào thời điểm sau cuộc tổng tấn công - tổng khởi
nghĩa Mậu Thân 1968 của cách mạng ở các đô thị miền Nam chưa giành được thắng lợi
trọn vẹn, đã xuất hiện một phong trào đấu tranh đòi hòa bình, độc lập dân tộc,
đòi tự do - dân chủ, đòi tự trị đại học... mà lực lượng chủ lực là sinh viên,
giới trí thức, học sinh và thanh niên lao động.
Một dòng văn chương - âm nhạc mới đầy sức sống, nóng bỏng nỗi
khao khát hòa bình và giục giã thế hệ trẻ hãy xuống đường, hãy lên đường giành
lấy tương lai, đã xuất hiện ngay trong lòng cuộc chiến đấu trên đường phố của
những người trẻ SVHS Sài Gòn.
Đó là hàng trăm bút nhóm, thi văn đoàn ở các trường trung, đại
học với những cây bút tiêu biểu như Chánh Sử Trần Quang Long, Triệu Từ Truyền,
Nguyễn Kim Ngân, Nhất Chi Mai, Lê Nhược Thủy, Thái Ngọc San..., đó là những bài
ca truyền lửa như Hát cho dân tôi nghe, Hát từ đồng hoang, Tự nguyện... của đội
ngũ các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Trương Quốc Khánh,
Trịnh Công Sơn...
Trong những ngòi bút thơ ca, đặc biệt đã xuất hiện một nhà
thơ ký tên Hữu Đạo, với một phong thái ngôn ngữ hào sảng, tràn đầy sự tự tin và
tinh thần bất khuất của một dân tộc anh hùng:
Ta đã lớn lên bên này châu Á
Với ruộng đồng xanh lúa Cửu Long
Ta đã đi trong lửa đốt những thôn làng
Ta đã lớn bên nỗi hờn xâm lược
Ta sống gượng với nhục nhằn mất nước
Rồi hiên ngang bảo gạt lệ mà đi
Những khổ đau sẽ chẳng ích gì
Khi chẳng biết đun sôi bầu máu nóng...
Đây là đoạn đầu của bài Ta đã lớn lên của nhà thơ Hữu Đạo,
bài thơ mà tôi cho rằng tiêu biểu cho phong cách thơ, cho khẩu khí thơ của Hữu
Đạo; bài thơ gây ấn tượng sâu sắc và có sức thôi thúc mãnh liệt với thế hệ mười
tám - đôi mươi chúng tôi vào thập niên 1970. Thế hệ những người trẻ đang mang
áo trắng học đường nhưng lại sống trong khói lửa chiến tranh, sống trong khói đạn
cay của những cuộc biểu tình, xuống đường chống Mỹ đòi hòa bình, độc lập dân tộc.
Ta đã lớn lên vang vọng tâm huyết của một người cầm bút trẻ
tuổi 20 (Hữu Đạo sinh năm 1950 và sáng tác bài thơ này năm 18 tuổi) gửi đến bạn
bè trang lứa ở miền Nam Việt Nam như một lời kêu gọi hãy xuống đường,
hãy lên đường:
Hỡi những người vai rộng, tóc xanh
Đời như hoa thắm nở trên cành
Như chim giữa khoảng trời cao rộng
Khinh những lồng son, lưới bủa quanh
Đạp cả gông tù ta bước lên
Cờ ươm máu hận thề không quên
Tầm vông chuyển động mùa sông núi
Giục lớp người đi phá xích xiềng...
(trích Ta đã lớn lên - thơ Hữu Đạo)
Những lời thơ này thẩm thấu vào tâm hồn một chàng trai tuổi
17 như tôi lúc ấy, đến nỗi giữa những cuộc mittinh hay trong những đêm “Hát cho
đồng bào tôi nghe” của các nhạc sĩ phong trào sinh viên, tôi hay núp trong cánh
gà sân khấu để đọc vang những lời thơ dữ dội này, như thúc giục công chúng và
báo hiệu một cuộc xuống đường sắp bùng nổ.
Có lần, trong một đêm biểu diễn văn nghệ ở sân Trường đại học
Khoa học Sài Gòn, vừa đọc xong bài thơ Ta đã lớn lên, tôi lẩn vào ngồi chung với
khán giả SVHS thì bất ngờ một đàn anh của tôi, anh Võ Ba, vỗ vai tôi, thì thầm:
“Cậu đọc thơ ai, hay nhưng nghe “tả” quá, anh ngồi nghe rợn cả người, nhưng mà
lo cho chú em bị bọn mật vụ để ý!”.
Nhóm làm báo Tiếng Gọi Học Sinh, làm các tuyển tập thơ văn của
học sinh sáng tác, gồm tôi, anh Lê Văn Triều, anh Nguyễn Văn Vĩnh... thỉnh thoảng
nhận được bản thảo một bài thơ, một bài báo của Hữu Đạo gửi qua đưa tay của một
anh em học sinh Pétrus Ký - những đoàn viên TNCS hoạt động bí mật ở trường này
như Nguyễn Thanh Tân, Nguyễn Hữu Phước, Lê Văn Nghĩa... do anh Hữu Đạo phụ
trách, chỉ đạo. Bài anh gửi thường đánh máy, ký nhiều bút hiệu như Hữu Đạo, Yên
Thao, Rạch Gầm...
Năm 1971, chúng tôi tuyển những bài thơ hay của học sinh để
in tuyển tập Ta đã lớn lên bên này châu Á - tựa tập thơ này lấy ý từ câu thơ đầu
trong bài Ta đã lớn lên của Hữu Đạo. Trong tuyển tập này, thơ Hữu Đạo chiếm khoảng
phân nửa, chứ không phải tất cả là thơ Hữu Đạo, như lời giới thiệu về anh trong
tuyển tập Tiếng hát những người đi tới (do NXB Trẻ - báo Tuổi Trẻ - báo Thanh
Niên xuất bản năm 1993).
Ngoài thơ, Hữu Đạo còn là một ngòi bút lý luận - phê bình về
nghệ thuật làm báo, viết báo. Ngòi bút lý luận của anh có sức khái quát và định
hướng cho phong trào làm báo - báo in typo, báo in ronéo giấy sáp, báo tường -
đang nở rộ với hàng trăm tờ ở hàng chục trường trung học như Pétrus Ký, Gia
Long, Cao Thắng, Trưng Vương, Bồ Đề, Lê Văn Duyệt...
Hữu Đạo đã viết một áng văn bất hủ là “Tuyên ngôn đoàn học
sinh” (hiện thất lạc, tôi chưa tìm ra). Năm 1972, Hữu Đạo tổ chức cho ra một tập
san lý luận, phê bình, sáng tác, lấy tên Làm Báo, với phần trình bày bìa 1 tập
san bằng toàn chữ viết của anh và 2/3 bài đăng trong tập san này là của Hữu Đạo,
dưới nhiều bút hiệu.
Thời gian này, tôi chỉ biết và ngưỡng mộ Hữu Đạo qua thơ,
văn, chứ chưa hề gặp mặt anh, vì hai người hoạt động cách mạng ở hai cánh khác
nhau, phải ngăn cách bí mật.
Rồi đến một ngày, tôi gặp được anh, nhưng không phải ở chiến
khu, mà trong nhà tù Chí Hòa, nơi tôi bị địch bắt giam từ cuối năm 1971 và đúng
một năm sau, nhà thơ Hữu Đạo cũng bị tống giam vào đây - ở nhà tù khổng lồ cao
năm tầng, xây dựng theo hình bát giác trông như chiếc đèn kéo quân, có sức chứa
đến năm, sáu ngàn tù nhân. SVHS bị bắt vào đây do biểu tình chống chính quyền
Sài Gòn hoặc do có liên hệ với “Việt cộng”, bị giam làm hai nhóm: một nhóm ở
phòng giam lớn khoảng 50 người và một nhóm khoảng 10 người gồm Huỳnh Tấn Mẫm,
Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Tấn Tài và tôi.
Không hiểu vì lẽ gì Hữu Đạo bị đưa vào giam chung phòng tôi.
Chúng tôi giới thiệu nhau một cách ngắn gọn, nhỏ nhẹ; rồi lui về chiếc giường của
mình, nơi ăn, ngủ, đọc sách, viết lách của mỗi người trong phòng giam đặc biệt
rộng khoảng 25m2, không cửa nẻo, chỉ ngăn cách với lối đi bằng những rào song sắt
trông cứ như những chuồng giam thú dữ. Hữu Đạo có đôi mắt to, sáng, ẩn sau đôi
kính cận gọng đen to bản.
Gần một năm ở chung tù với anh, tôi được đọc nhiều bài thơ
tình anh viết cho chị Xuân Hương, hôn thê của Hữu Đạo, bị địch bắt cùng anh,
nhưng được trả tự do sớm và hằng tuần vào thăm nuôi anh ở Chí Hòa, tạo cảm hứng
cho anh sáng tác “những bài thơ viết cho Xuân Hương”.
Năm tháng có bao giờ ghi hết
Mừng vui, giận tủi cuốn theo đời
Còn em có bao giờ hiểu được
Trăm mối lòng ray rứt không nguôi...
Còn bầy cướp đứng giăng ngoài phố
Hết đêm nay, dài lại ngày mai
Giấy bút, chợ buôn người bỡ ngỡ
Dòng thơ tôi biết gởi về ai.
(Tâm sự - thơ Hữu Đạo)
Em ơi, hai đứa rất yêu nhau
Mà hạnh phúc sao chỉ là đuổi bắt
Cuộc sống nơi đây, tình yêu chân thật
Sao chỉ đầy một giấc mơ
Những gì thân mật như thơ
cũng choán đầy bóng chúng
Cắt ngang nhịp tim, đục khoét dần sự sống...
Tình riêng trong thơ Hữu Đạo lại phản ánh được tâm trạng yêu
đương của thế hệ chúng tôi lúc ấy, thế hệ những người đang dấn thân vào cuộc đấu
tranh giải phóng đất nước: yêu, chưa dám yêu, cưới, chưa dám cưới vì sợ kẻ thù
bắt bớ, hành hạ cả người mình yêu để tạo áp lực, mua chuộc, ngăn cản bước chân
của người chiến sĩ - như chúng đã từng làm với nhiều cặp tình nhân.
Trái tim Hữu Đạo còn dành cả một dòng thơ cho những người lao
động nghèo khổ, những kẻ khốn cùng:
... Những bà mẹ suốt một đời lam lũ
và những em thơ đói sữa khóc vùi
Hãy ngẩng đầu lên môi nở nụ cười...
(Ta đã lớn lên - thơ Hữu Đạo)
Hay một bài thơ độc đáo khác, bài Tim Việt Nam, tựa do tôi đặt,
vì khi đang làm tuyển tập Ta đã lớn lên bên này châu Á, tôi nhận được bài thơ
này gửi đến nhưng “không đề” nên tôi tự ý đặt tựa mà không có cách nào liên lạc
để hỏi ý tác giả Hữu Đạo:
Sáng nay con ra phố
thấy người nằm chết co ro vỉa hè giữa chợ đời lấn chen
Má ơi,
Nếu con vất được trái tim và bôi bùn lên óc
thì đời con hạnh phúc biết bao nhiêu.
(Tim Việt Nam - thơ Hữu Đạo)
Hậu quả của những đòn tra tấn tù đày và kiệt sức với công việc
bề bộn của những tháng đầu giải phóng Sài Gòn 1975, Hữu Đạo bị phù tim. Khi tôi
hay tin chạy vào bệnh viện, buồn bã nhìn anh nằm thoi thóp rồi ra đi sau đó vài
ngày ở tuổi 26.
Hữu Đạo ra đi khi còn quá trẻ, nhưng sự nghiệp sáng tác của
anh thật đồ sộ so với tuổi đời. Dòng thơ ca của Hữu Đạo nghe như tiếng hát của
cả một thế hệ những người dấn thân đi tới giành lấy tương lai, tiếng hát mãi
còn vang vọng đến thế hệ mai sau.
12-2006
Lê Văn Nuôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét