Hát bội - "Viên ngọc quý" trong
“Hát bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ,
đàn bà bỏ con…” - câu ca truyền tụng trong dân gian nhắc nhở về một thời “lừng
lẫy” của nghệ thuật hát bội mà nay đã quá xa xôi…
Từ cung đình đến chốn dân gian
Theo nhiều tài liệu ghi lại thì hát bội (còn gọi là hát bộ,
hát tuồng) xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XII khi nhà Trần đánh bại quân xâm
lược Nguyên - Mông và bắt được nhiều tù binh trong đó có những con hát theo phục
vụ quân đội mà nổi tiếng nhất là Lý Nguyên Cát. Vua Trần giữ những người này lại
để múa hát giúp vui trong cung đồng thời truyền dạy lối hát đang thịnh hành ở
triều Nguyên cho ta, gọi là hát bội.
Thực tế, chúng ta chỉ học hỏi cách vẽ mặt, y trang, bổ sung
những điệu hát mới nhằm nhuận sắc cho nghệ thuật múa hát theo tuồng tích đã có
từ trước đó. Không chỉ là trò giải trí chốn cung đình, hát bội nhanh chóng lan
tỏa khắp thôn quê, được người dân vô cùng yêu thích.
Nhắc tới hát bội thì phải nhắc đến những cái tên Đào Duy Từ,
Đào Tấn. Đào Duy Từ (1572 - 1634) là người có công đầu trong việc phổ biến và
phát triển nghệ thuật hát bội ở Đàng Trong. Được sự khuyến khích của chính quyền
chúa Nguyễn, hát bội phát triển đến độ hoàn thiện về nghệ thuật trình diễn và ảnh
hưởng sâu sắc đến đời sống người dân. Miền Trung được xem là “đất tuồng” cũng
là vì thế.
Còn Đào Tấn (1845 - 1907) là người đưa hát bội trở thành nghệ
thuật hàn lâm khi chú trọng phát triển theo hướng văn chương bác học, chỉ dành
cho những trí thức cung đình. Ông được xem là người đã đưa hát bội lên đến đỉnh
cao về nghệ thuật cũng như văn chương.
Càng đi về phía Nam thì hát bội càng “bén rễ” trong dân gian.
Là người say mê hát bội, Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) đã đưa hát bội vào
Nam cùng mình. Với tâm tình phóng khoáng, không quan niệm hát bội chỉ dành cho
giới trí thức, thượng lưu, đức Tả quân đã “trả” hát bội về cho dân gian. Rũ bỏ
những kiểu cách, rườm rà, những lễ nghi đậm chất bác học cao siêu chốn cung
đình, đồng thời tiếp thu những trình thức biểu diễn, âm nhạc của bộ phận người
Hoa trên đất Nam Bộ, cùng tinh thần cởi mở của miền đất mới, hát bội Nam Bộ dần
hình thành những đặc trưng riêng: mạnh mẽ hơn, màu sắc hơn, náo nhiệt hơn, vui
tươi hơn.
Trong quá trình phát triển, nhiều lúc hát bội mất thế đứng ở
chốn cung đình nhưng vẫn giữ được chỗ đứng trong dân gian. Đặc biệt ở Nam Bộ,
nơi có rất nhiều đình chùa, thì hát bội hầu thần linh mỗi lễ cúng kỳ yên đã là
một phần không thể thiếu của nghi lễ cúng bái và đời sống tâm linh người dân đất
phương Nam. Mỗi lễ cúng đình, cả làng vui như trẩy hội, người người nô nức đi
xem hát bội. Một tuồng hát bội thường rất dài, phải chia thành nhiều đêm hát có
lớp lang hẳn hoi, điển hình như tuồng San Hậu phải diễn 3 đêm mới hết chuyện.
Vì thế mới có chuyện nhà nhà bỏ cơm bỏ nước, bỏ bê công việc chực chờ xem cho bằng
trọn một tuồng hát bội. Đúng là “làm tội người ta…”!
Hát bội hiện đại
Thập niên 80 thế kỷ XX, không chỉ tá túc ở những mái đình,
len lỏi trên những ghe hát bội khắp miền sông nước, hát bội phát triển khá thịnh
vượng. Ngay tại trung tâm TPHCM , hát bội vẫn đường đường cạnh tranh với cải
lương, vé các suất hát đều bán trước một ngày. Thế nhưng đến nay, đó chỉ còn là
một kỷ niệm đẹp. Hát bội hôm nay chỉ còn bám trụ được ở đình làng, nơi đã cưu
mang hát bội từ ngàn xưa.
NSƯT Ngọc Nga, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM , chia sẻ: “Hát bội là nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nó gắn với những
ngôi chùa, mái đình, những lễ hội cúng kỳ yên, chừng nào vẫn còn đình chùa, những
lễ hội truyền thống này thì hát bội vẫn còn. Tuy nhiên cái khó của hát bội hiện
nay là thiếu hụt lớp người kế thừa và ngày càng trở nên xa lạ với giới trẻ”.
Nhìn vào lực lượng và hoạt động của Nhà hát những năm qua mới
thấy được hết những khó khăn cũng như những nỗ lực của người nghệ sĩ hát bội.
Những nghệ sĩ giỏi nghề đứng được đào kép chánh của đoàn tuổi đều đã qua 40,
kinh nghiệm, lực diễn có thừa nhưng thanh sắc không thể chống chọi với thời
gian. Từ năm 2000, nhà hát đã đào tạo được 14 gương mặt trẻ triển vọng nhưng để
thực sự thay thế các anh chị thì vẫn cần thêm thời gian rèn luyện và đấy vẫn là
con số quá ít ỏi cho một lớp kế thừa. Tình hình ở miền Trung, miền Bắc cũng
không mấy khả quan hơn.
Hát bội vẫn đang nỗ lực hết mình để tìm đến khán giả qua những
cố gắng “trẻ hóa” khi: đơn giản Hán Văn, chỉ dùng từ thuần Việt; diễn viên hát
thật chất lượng, tiết chế tính rề rà, dài dòng của vũ đạo, đẩy nhanh tiết tấu vở
diễn, sáng tác thêm nhạc nền... nhằm nâng cao chất lượng vở diễn đồng thời phù
hợp với nhiều đối tượng khán giả.
Sự đổi mới còn đến từ những vở tuồng mang đậm tính thể nghiệm,
như: Người cáo - một vở hát bội mặc… đồ Tây, hay Sinh vi tướng tử vi thần - vở
hát bội không lời chỉ kể câu chuyện cảm động về lòng yêu nước qua vũ đạo, diễn
xuất, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng.
“Những đổi mới này đều thu được kết quả khả quan khi khán giả
cũ chấp nhận, khán giả mới cũng thấy hứng thú, dễ hiểu. Chúng tôi đã tìm mọi
cách để quảng bá loại hình này như đưa nó vào học đường, dựng sân khấu trên xe
diễn ngay bên đường... và đã nhận được những phản hồi tích cực khi khán giả đến
xem thấy hát bội cũng không quá “già cỗi” hay khó hiểu như nhiều người vẫn
nghĩ. Với tình hình như hiện nay, có người đến với hát bội đã là quý lắm”, NSƯT
Hữu Danh bày tỏ.
Mong đợi giải pháp khả thi
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM hiện nay chỉ chủ yếu biểu diễn
hợp đồng với các nơi trong mùa lễ hội kỳ yên (cao điểm là tháng 2 và 3, 8 và 9
Âm lịch), biểu diễn phục vụ người dân TP theo lịch phân công của Sở Văn hóa -
Thể thao TPHCM , cũng như tham gia diễu hành, biểu diễn trong các lễ hội lớn của
TP. Đặc biệt, thời gian qua, Nhà hát cũng tham gia biểu diễn định kỳ hàng tháng
tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ và Phố đi bộ Bùi Viện phục vụ du khách. Tuy nhiên, một
mô hình sân khấu du lịch ổn định quảng bá nghệ thuật dân tộc, trong đó có hát bội
đến du khách vẫn là giải pháp khả thi bảo tồn hát bội trong thời đại mới mà mọi
người vẫn đang mong đợi.
Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM xin giới thiệu với độc giả bộ
ảnh “Hát bội TPHCM ” của tác giả Võ Quốc Thanh đã đạt giải I cuộc thi Sáng tác Ảnh
nghệ thuật chủ đề “TPHCM - Chào Xuân yêu thương”.
Khác với việc sử dụng mặt nạ trong Kinh kịch
(Trung Quốc),
nghệ sĩ hát bội vẽ thẳng nét hóa trang lên mặt
Hát bội là loại hình nghệ thuật mang đậm tính tượng trưng
ước
lệ khi mọi dạng tính cách, hành động của nhân vật đều
được mô hình hóa qua cách
hóa trang, vẽ mặt và vũ đạo
mà người nghệ sĩ phải “nằm lòng” trong từng vai diễn
Nhân vật Phàn Định Công trong tuồng San hậu - cách vẽ
mặt
tròng xéo đen trên nền đỏ thắm, râu bạc chỉ
bậc lão trung, vũ dũng hơn người
Hình tượng tướng giặc, kẻ gian được
nhận diện qua màu mặt trắng
mốc, râu kìa
Lễ đại bội cầu mưa thuận gió hòa trong các lễ kỳ yên
Giới thiệu nghệ thuật Hát bội tại các lễ hội lớn của TP
Vở hát bội Vụ án lệ chi viên sử dụng nhiều thủ pháp
dàn dựng
hiện đại tạo ấn tượng mới mẻ cho người xem
“Ươm mầm” cho tương lai
18-2-2018
Ngọc Tuyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét