Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020

Rộn ràng giai điệu mùa xuân

Rộn ràng giai điệu mùa xuân
Mùa xuân luôn đồng điệu với tình yêu và cái đẹp để các nghệ sĩ mặc sức say sưa, thả hồn vào thiên nhiên, đất trời. Đến với ca khúc “Tuyên Quang mùa xuân về” của Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Tiến Bình, lòng người như hân hoan, rộn ràng cùng giai điệu mùa xuân.
Với không ít người, nhạc xuân là món ăn tinh thần không thể thiếu trong dịp đầu xuân. Ca khúc xuân thường có tiết tấu vui tươi, rộn ràng. bài hát “Tuyên Quang mùa xuân về” ra đời trong mạch nguồn sáng tác đó, Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Tiến Bình cho biết, bài hát là sự thăng hoa cảm xúc nghệ thuật. Đó là tâm trạng vui tươi, phấn khởi khi đất trời vào xuân, chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới, tươi đẹp, với những ca từ, nốt nhạc cứ ngân vang.
Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Tiến Bình (bên trái) 
thể hiện bài hát “Tuyên Quang mùa xuân về”.
“Tuyên Quang mùa xuân về” dựa trên chất liệu dân ca với cách biến tấu khá linh hoạt. Người nghe như bị lôi cuốn với nhịp điệu hát chèo “í a, í a” vừa quen thuộc vừa mới lạ: “Quê ta nắng ấm mùa xuân đã đến/ Ong bướm say hương say hoa cỏ ngọt/ Làng quê thành phố chồi xanh lộc biếc/ Rừng xanh đồng xanh ước hẹn bội thu/ Tình đất, tình người thắm tình xuân”.
Bài hát có nhịp 4/4, ca từ đẹp và trong sáng thể hiện niềm vui, niềm tự hào khi đất trời vào xuân. Thiên nhiên tươi đẹp khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống: Nắng ấm, hương hoa, cỏ ngọt, chồi xanh, rừng xanh, đồng xanh... Bức tranh quê hương được vẽ lên thật sinh động với một tiết tấu, nhịp điệu rộn ràng.
Có thể thấy ca khúc đã làm tươi trẻ lòng người. Nghe bài hát ta hình dung những tốp người hân hoan bước đi trong vườn hoa xuân. Tất cả đều hân hoan, rạng rỡ chào xuân: “Em ca bài ca mùa xuân quê hương/ Cờ sao điện hoa lung linh mọi nhà/ Làng quê thành phố muôn khúc nhạc vui/ Trẻ thơ áo mới tiếng cười giòn tan/ Tình xuân giao thừa pháo hoa lung linh”. Ở đoạn 2 tác giả khéo léo giới thiệu sự đổi mới của quê hương. Vẫn tiếp tục tiết tấu sôi nổi; ca từ tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đó là niềm vui khi nhà nhà ấm no, trẻ em vui cười, học hành đủ đầy; điện đường về khắp bản làng; khắp nơi rộn ràng nhạc vui. 
Ở đoạn tiếp theo tác giả đã sử dụng thủ pháp phát triển âm nhạc có tính kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyển màu âm. Cao trào bài hát thể hiện một cách tự nhiên không có tính gượng ép. Từng địa danh quê nhà được gọi tên. Tất thảy thể hiện niềm tin, niềm tự hào: “Tuyên Quang quê ta mùa xuân đến/ Sơn Dương, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên tưng bừng trẩy hội/ Tuyên Quang quê mình mảnh đất địa linh/ Niềm tin phơi phới mùa xuân tươi/ Niềm tin phơi phới mùa xuân quê hương/ Là la là la la lá...”.
Bài hát kết thúc tựa như lời mời gọi du khách gần xa hãy đến thăm, thưởng lãm vẻ đẹp của con người và mảnh đất xứ Tuyên. Để cùng hòa mình vào những lễ hội, thành kính chiêm bái đền, chùa cổ kính, đắm say cùng cảnh đẹp miền non cao khi xuân về.
Giới nhạc sĩ thường cho rằng, viết ca khúc về mùa xuân thì dễ nhưng lại khó hay. Có thể đất trời mùa xuân mênh mông với bao thanh âm nhộn nhịp mới mẻ nên người nhạc sĩ không biết chọn lối nào. Thế nhưng với “Tuyên Quang mùa xuân về” Nghệ sĩ ưu tú Đinh Tiến Bình đã thành công khi dẫn lối khán giả bằng những giai điệu ngập tràn yêu thương, tự hào.
30/1/2019
Giang Lam
Theo http://baotuyenquang.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...