Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Thấp thoáng những nẻo đường thơ

Thấp thoáng những nẻo đường thơ
Tặng nhà thơ Biển Bắc và Hồ Đăng Thanh Ngọc
Nhà thơ và nhà nghiên cứu Mỹ Timothy Steele, trong bài viết “Phép làm thơ cho những nhà thơ thế kỷ 21”, nhấn mạnh, cách làm thơ trong thế kỷ tới sẽ là tuôn nhịp điệu ngôn ngữ nói vào thể luật, để hình thành nhịp điệu thơ.
Nhà thơ tự do đầu tiên 
của Mỹ Walt Whitman - Ảnh: wiki
Nhà thơ Mỹ, Carl Sandburg (1878 - 1967) cho rằng, “thơ tự do đã khai sinh - từ khi những người nguyên thủy và tiền sử cất tiếng nói với ngữ điệu hoặc sắc thái, tạo ra (hoặc ý nghĩa của âm nhạc hoặc vô nghĩa của giai điệu), lưu giữ và lập lại những giá trị rõ ràng và nội tại của nó - trước cả thời đại của sonnet, ballad, những thể thơ trong đó nhà văn phải ý thức một cách sắc sảo, ngay cả nhận thức một cách tinh tế, tổng cộng bao nhiêu âm tiết phải có trong mỗi dòng thơ.” Ngữ điệu nói khi chuyển trên trang giấy thành nhịp điệu văn xuôi. Thơ tự do, với kỹ thuật phần mảnh, rải chữ, cắt chữ xuống dòng, một lần nữa biến nhịp điệu văn xuôi thành nhịp điệu hình ảnh, nhịp điệu ý tưởng, cũng trên trang giấy. Như vậy, nhịp điệu thơ tự do từ ban đầu là nhịp điệu của văn xuôi.
Cuộc hôn phối giữa thơ thể luật và thơ tự do đưa tới hệ quả, thể luật chắt lọc và cô đọng nhịp điệu văn xuôi, và nhịp điệu văn xuôi, cùng lúc, sẽ làm lơi lỏng thể luật, giúp nhà thơ tránh cách chọn chữ chọn lời, rơi vào tình trạng giả tạo như thời Victoria. Timothy Steele viết, “Tiếng Anh không bao gồm các âm tiết yếu hoặc mạnh rõ ràng. Mức tăng giảm độ nhấn giọng trong văn nói tiếng Anh hầu như vô hạn, và độ nhấn, đối với một âm tiết cụ thể có thể thay đổi từng lúc, phụ thuộc vào hoàn cảnh ngữ âm và lời nói, và trên bối cảnh ngữ pháp tu từ. Hơn nữa, nhà thơ thể luật không sáng tác những dòng thơ theo luật nhấn (không nhấn, nhấn). Thay vào đó, họ viết những nhóm chữ hay mệnh đề phù hợp với luật thơ hay những đoạn thơ; từ đó, chỉ cần một cái nhấn ban đầu, và sau đó, hầu hết những nhóm chữ hay mệnh đề sẽ có những âm tiết với mức độ nhấn khác nhau: thứ hai, thứ ba, hoặc yếu. Vì thế, trong câu thơ iambic, sự biến động giữa các âm tiết yếu và mạnh tương đối chứ không tuyệt đối. Đôi khi, cùng một âm tiết có thể được phát âm khá rõ. Vào những lúc khác, nó yên lặng và mỏng manh hơn. Những ví dụ trên cho thấy, sự khác nhịp điệu trong vòng trật tự thể luật được tăng cường bởi số lượng và vị trí của các mối nối cú pháp trong các dòng thơ. Các yếu tố khác như vắt dòng - việc mang ý nghĩa từ dòng này qua dòng kế tiếp, với hơi ngừng hoặc không ngừng ngữ pháp ở dòng cuối - cung cấp nhịp điệu bổ sung đa dạng cho những bài thơ thể luật.”
Ông phân biệt ra làm hai loại nhịp điệu: nhịp điệu của thể luật và nhịp điệu của ngôn ngữ nói chuyển tải vào thể luật. Sự phối hợp của hai loại nhịp điệu này tạo ra nhịp điệu của thơ. Nhịp điệu của thể luật, không nhấn, nhấn được gọi là nhịp luật trừu tượng vì nó có sẵn trong tâm thức nhà thơ. Khi gặp nhịp điệu của ngôn ngữ nói, nhịp luật là phương tiện lọc lại hay phối hợp để cho chúng ta nhịp điệu thơ. Nhưng tại sao lại gọi nhịp điệu của thể luật là nhịp luật trừu tượng? Để giải thích, chúng ta có thể viện dẫn cách sáng tác thơ vần điệu Việt: Những luật không nhấn, nhấn trong thơ tiếng Anh hay luật bằng trắc trong thơ Đường hay thơ Việt, chỉ để dạy trong những sách giáo khoa, học về thơ. Còn khi sáng tác, những nhà thơ, thuộc nằm lòng thơ từ lúc còn nhỏ, nên những giai điệu trầm bổng đã nằm sẵn trong tiềm thức. Họ không cần quan tâm tới luật bằng trắc, chỉ cần chọn chữ chọn lời rồi sắp xếp nhạc tính sao cho du dương trong đầu rồi viết thành thơ. Nhạc tính và phong cách từng bài, của từng nhà thơ luôn luôn khác lạ, dù trong khuôn khổ định sẵn của thơ vần điệu là lục bát, 7 chữ, 8 chữ hay 5 chữ.
Cách sáng tác như thế của thơ Việt, giúp cho nhà thơ có những rung động tinh tế về nhạc tính của ngôn ngữ, nhưng vì là ngôn ngữ đơn âm, và phải có vần ở cuối câu, nên nhà thơ không thể tuôn ngôn ngữ nói thông thường vào thơ được, mà nhịp điệu hay sự trầm bổng của ngôn ngữ nói chính là nhịp điệu hay sự trầm bổng của văn xuôi. Thơ khó có thể chuyển tải tư tưởng, và nhà thơ chỉ tập trung vào làm sao có những âm điệu du dương khi ngâm lên, làm rung động người nghe. Trái lại tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm, có rất nhiều vần trong mỗi chữ nên dù là có vần hay không vần, vẫn có thể mang ngôn ngữ nói vào thơ, và dễ dàng chuyển tải tư tưởng. Những nhà thơ lớn của thơ truyền thống phương Tây, từ những ngôn ngữ đa âm, đều có lợi thế này. Đối với thơ Việt, khi đưa nhịp điệu nói vào các thể không vần, lục bát, 5, 7, 8 chữ, cùng với kỹ thuật lập lại, vắt dòng, tất cả kết hợp lại thành một bộ máy kiềm chế, cô đọng câu chữ, và biến nhịp điệu nói thành nhịp điệu thơ.

Timothy Steele đề cập tới cách làm thơ ở thế kỷ 21, thế còn cách làm thơ ở thế kỷ 20? Trong thế kỷ 20, thơ thể luật tiếng Anh bị đẩy vào hậu trường, và thơ tự do Mỹ, tiêu biểu cho thơ phương Tây, trở thành vai diễn chính. Trả lời những câu hỏi này, chúng ta phải lần theo những bước chân thời Ánh sáng, cách nay hơn ba thế kỷ. Vào khoảng giữa thế kỷ 17, sau thời Phục hưng và cuộc chiến tranh tôn giáo (1618 - 1640), khí hậu lạc quan lan tỏa khắp Âu châu, mở ra thời kỳ Ánh sáng. Trong khi những nhà tư tưởng thời Phục Hưng và thời cải cách tôn giáo (Tin lành) cho rằng kiến thức quá khứ (La Hy) là nguồn đáng tin cậy của sự khôn ngoan, thì sau nửa thế kỷ 17, những nhà tư tưởng chối bỏ mọi thẩm quyền cổ đại, và chỉ dựa vào trí tuệ của chính họ, để xem kiến thức sẽ dẫn họ đi tới đâu. Họ nhấn mạnh vào khoa học, và cho rằng, kiến thức nếu không thực hành thì vô giá trị. Hầu hết tư tưởng Ánh sáng bắt nguồn từ ba tiền đề: 1/ toàn thể vũ trụ có thể nhận thức được bằng trí óc, và chi phối bằng những lực tự nhiên hơn là siêu nhiên; 2/ phương pháp khoa học chính xác có thể trả lời những câu hỏi nền tảng ở khắp mọi địa hạt; 3/ con người có thể được “giáo dục” để hoàn thành sự mở mang kiến thức gần như vô giới hạn.
Cuộc cách mạng khoa học thời Ánh sáng với phương pháp khoa học hiện đại, tổng hợp phương pháp qui nạp bằng những quan sát duy nghiệm của Francis Bacon, và phương pháp diễn dịch qua những nguyên lý rút ra bằng trực giác của Réne Decartes. Phương pháp khoa học hiện đại kết hợp với chủ nghĩa duy lý trong triết học là hai đặc tính chủ yếu thời hiện đại. Thời Ánh sáng kéo dài cho đến cuộc cách mạng Pháp 1789, và với sự phản kháng của chủ nghĩa Lãng mạn, vào nửa đầu thế kỷ 19. Một thế kỷ sau cuộc cách mạng khoa học là cách mạng kỹ nghệ nửa cuối thế kỷ 18, xảy ra ở Anh, khoảng thập niên 1760, khởi đầu với James Hargreaves phát minh ra máy xe sợi (spinning jenny) trong kỹ nghệ dệt năm 1767, và James Watt, phát minh ra máy hơi nước và đơn vị “mã lực’ vào năm 1769. Thời đại máy móc bắt đầu với năng lượng hơi (steam-power) và những xưởng đúc sắt ở vùng mỏ than Derbyshire, đặt nước Anh thành trung tâm của cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng sau đó tràn qua Âu châu vào đầu thế kỷ 19, kéo theo sự phát triển thành thị, hình thành đời sống thị dân, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tư bản. Cho đến những năm sau 1870, cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ hai tiếp diễn. Công nghệ mới, đặc biệt trong lãnh vực thép, điện và sinh hóa, sản xuất những sản phẩm mới và những công trình kiến trúc hiện đại. Tiếp theo là những phát minh dồn dập đến chóng mặt: giao thông vận tải (xe hơi, máy bay, xe điện ngầm), truyền thông (phim ảnh, điện thoại, máy đánh chữ, máy ghi âm), vật liệu mới (bê tông cốt sắt, thép, kính dày, plastic…), nhiên liệu mới (dầu hỏa, điện, động cơ khí đốt, máy hơi nước…). Đầu thế kỷ 20, Max Planck giới thiệu lý thuyết Lượng tử (Quantum), cùng năm, Sigmund Freud mở đầu phân tâm học (psychoanalysis) với Giải thích giấc mơ (Interpretation of Dream), vào 1900, và Albert Einstein với lý thuyết Tương đối (1905 và 1915).
Chủ nghĩa hiện đại, về văn học nghệ thuật, được báo hiệu bởi chủ nghĩa Tượng trưng (thập niên 1860 - 1870) trong thơ, chủ nghĩa Ấn tượng (thập niên 1870- 1880) trong hội họa. Trước giữa thế kỷ 18, người thưởng ngoạn là giới quí tộc, sau 1870 là giai cấp trung lưu, nhưng từ đầu thế kỷ 20, tầng lớp người đọc và báo chí gia tăng, khiến những nhà văn và nghệ sĩ coi thường văn hóa vật chất tầm thường, đa sầu đa cảm. Họ không quan tâm tới độc giả rộng lớn, sống xa cách xã hội, đề cao sự tự ý thức, và tác phẩm chỉ để họ đọc với nhau. Trước 1850, người đọc dễ dàng đọc tiểu thuyết Dickens, sau 1900, người thưởng ngoạn bình thường khó mà hiểu nổi tranh Paul Cézanne hoặc một bài thơ của Paul Valéry. Nghệ sĩ và công chúng không còn nói cùng một ngôn ngữ. Sau 1900, bước qua thế kỷ 20, các nghệ sĩ và những nhà tư tưởng nổi loạn chống lại mọi định chế và học thuyết trước đó, trong mọi lãnh vực từ nghệ thuật, văn học, khoa học, y khoa, triết học…
Họ là những nhà trí thức, tự tách ra khỏi những ý tưởng, và phá vỡ mọi nguyên tắc, mọi phạm trù đã từng kết nối với những giá trị và trật tự truyền thống. Họ bác bỏ tất cả các nguyên tắc tôn giáo, phủ nhận mọi niềm tin, cho dù đó là chính trị, nghệ thuật, khoa học hay triết lý, như là phương tiện mở đường cho tiến bộ xã hội. Cuộc cách mạng hào hứng và rộng khắp đó, được gọi là chủ nghĩa hiện đại, và ảnh hưởng của nó còn kéo dài cho tới cuối thế kỷ.

Nguyên nhân đầu tiên là những khám phá về công nghệ mới đã thay đổi nếp sống con người. Nếu vào đầu thế kỷ 19, những nhà Lãng mạn lý tưởng hóa thiên nhiên, thì bây giờ thành phố thay thế thiên nhiên như một động lực của cuộc sống. Những thành phố lớn như Paris, New York, London, Berlin… những ngôi nhà chọc trời, những công ty liên doanh, và cả cuộc chiến tranh mang tầm thế giới đã để lại những vết cắt sâu đậm trong nền văn minh. Với tốc độ những khám phá khoa học đang diễn ra, văn hóa phải tự tái xác định không ngừng để bắt kịp với thời đại. Chưa bao giờ những trường phái ra đời nhiều như vậy, vì cái gì vừa mới xuất hiện, lập tức không còn mới nữa, điều họ gọi là sáng tạo và sáng tạo không ngừng, phản ảnh tiến trình đổi mới công nghệ. Chủ nghĩa Ly khai (secessionism), Dã thú (Fauvism), Biểu hiện, Lập thể, Vị lai, Dada, Siêu thực. Pablo Picasso đi xa trong thử nghiệm với nhiều phong cách, và không bao giờ cảm thấy thoải mái và bằng lòng với bất kỳ phong cách nào. Nếu trước kia, truyền thống nghệ thuật từ thời cổ đại là bắt chước, được hoàn thiện trong thời Phục hưng, và nổi bật trong thế kỷ 19, thì những nhà hiện đại coi đó là quá giới hạn và không phản ảnh được cuộc sống. Freud và Einstein đã hoàn toàn thay đổi nhận thức về thực tại. Freud yêu cầu chúng ta nhìn vào thế giới bên trong của một cá nhân mà trước đó đã bị đè nén, và Einstein cho chúng ta thấy rằng, mọi thứ đều tương đối.
Trong bối cảnh và tình huống như vậy, thơ tự do ra đời.
- Trước hết, tập thơ Lá Cỏ (Leaves of Grass) của Walt Whitman, năm 1855, và Ác Hoa (Flowers of evil) của Charles Beaudelaire, năm 1857. Và thơ tự do Pháp bắt đầu khoảng 1880.
- Phái Hình tượng (Imagism, 1909 - 1917), Lập thể (Cubism, 1911 - 1921), Trừu tượng (Abtract art, 1909 - 1913), Dada (1916 - 1924), Siêu thực (Surrealism, 1924 - 1930).
- Chủ nghĩa hiện đại kéo dài từ 1910 tới 1930, bắt đầu với phái Hình tượng cho đến hết chủ nghĩa Siêu thực, là 20 năm. Năm 1929, khủng khoảng kinh tế toàn cầu, cho đến khoảng cuối thập niên 1930. Chiến tranh thế giới lần thứ II từ 1939 - 1945. Và từ thập niên 1950 tới 1980 là chủ nghĩa hậu hiện đại.
50 năm sau tập thơ Lá Cỏ của Whitman và 30 năm sau thơ tự do Pháp, thơ tự do không phát triển thêm, một phần chỉ dựa vào cú pháp và văn phạm, khó biến hóa, một phần khác là từ đầu thập niên 20, văn hóa Âu châu đã trở nên ốm yếu, tự mãn, nhàm chán, sợ hãi sự thay đổi, và bị ràng buộc quá nhiều vào quá khứ. Những chỉ dấu cho thấy sự chuyển hướng văn hóa, cuộc triển lãm tại New York City, mang tên Alfred Stieglitz 291 vào năm 1908, giới thiệu hầu hết những nghệ sĩ tiền phong Âu châu đương thời như Henri Matisse, Auguste Rodin, Henri Rousseau, Paul Cézanne, Pablo Picasso, và Marcel Duchamp. Nhưng nổi tiếng là cuộc triển lãm Armaty Show, một biến cố quan trọng trong lịch sử hội họa Mỹ, trong đó hội họa hiện thực Mỹ đã làm ngạc nhiên giới thưởng ngoạn, song hành với sự thử nghiệm của những phong trào tiền phong Âu châu, bao gồm những trường phái như Dã thú (Fauvism), Lập thể (Cubism). Cuộc triển lãm là chất xúc tác, làm cho những họa sĩ Mỹ độc lập hơn và sáng tạo “ngôn ngữ hội họa” của chính họ. Đặc biệt năm 1915, Marcel Duchamp định cư tại New York. Vào những thập niên 1940, 1950, trung tâm những phong trào tiền phong đã chuyển hoàn toàn từ Paris tới New York.
Thơ tự do Mỹ và thơ tự do Pháp phát triển riêng rẽ nhưng lại ảnh hưởng lẫn nhau một cách thú vị. Thơ tự do Pháp bắt nguồn từ thơ văn xuôi của Beaudelaire, Rimbaud, và được phát động từ Kaln khi ông đảm trách tờ La Vogue vào năm 1885. Nhưng thơ văn xuôi của Beaudelaire lại ảnh hưởng từ nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe, khi ông dịch những tác phẩm của Poe qua tiếng Pháp. Trong số báo 28, tháng 6 1886, xuất hiện những bài thơ tự do đầu tiên của Kaln, và một số bài thơ dịch từ tập Lá Cỏ của Whitman bởi Jules Laforgue. Những nhà phê bình Pháp cho rằng, hình thức thơ Whitman đã ảnh hưởng tới thơ tự do Pháp. Câu chuyện giữa thơ tự do Pháp, chủ nghĩa Tượng trưng và thơ tự do Mỹ dây dưa cho tới đầu thế kỷ 20, khi T. S. Eliot và Ezra Pound ảnh hưởng thơ tự do Pháp, qua nhà thơ Tượng trưng, nhà tiểu thuyết, nhà phê bình văn học và văn hóa đa dạng là Remy de Gourmont (1858 - 1915), trở về phát triển thơ tự do tiếng Anh.
De Gourmont là nhà thơ Tượng trưng cuối cùng, tiêu biểu cho tư tưởng lý trí và thi pháp Tượng trưng. Trong một tiểu luận đăng trong The New Age vào năm 1909, nhà thơ Anh, F. S. Flint cho rằng, tác phẩm của de Gourmont, một nghệ sĩ và nhà thơ, “được nhìn qua đôi mắt lạnh lùng của nhà khoa học”. Điều này gợi tới những nguyên tắc Ánh sáng “chúng ta không do dự khi giới thiệu khoa học vào văn học hoặc văn học vào khoa học… Chúng ta thu thập trong tâm trí tất cả ý tưởng nó có thể chứa, và nhớ rằng lãnh vực trí thức là vô giới hạn.” Tác phẩm của ông có tính phân tính và tổng hợp: chủ nghĩa hoài nghi sáng tạo, nói cách khác, đó là truyền thống thu nhỏ của thời đại Ánh sáng. Văn xuôi của de Gourmont kết hợp với chủ nghĩa Lý trí, ở cả kỹ thuật lẫn nội dung, “phản ánh ngôn ngữ thông thường”, và ngôn ngữ này trở thành nơi “nối kết văn hóa” giữa các ngôn ngữ khác nhau.
Thơ tự do với ngôn ngữ trọng âm đã như gặp một miền đất màu mỡ, phát triển tột độ qua những phong trào tiền phong. T. S. Eliot và Ezra Pound thừa hưởng và mang nguyên tắc lý trí của de Gourmount và tinh thần khai phá Mỹ vào thơ tự do, với phái Hình tượng, dùng hình ảnh cụ thể, diễn đạt trong sáng và ngôn ngữ thường ngày. Thơ tự do tiêu biểu cho lý trí thời hiện đại, còn được gọi là thơ trí tuệ hay thơ hiện đại, thể hiện sự tự ý thức cao độ trong cách nhìn thế giới bên ngoài, phản ảnh tư duy trong thời đại duy lý và những phát minh công nghệ mới. Thơ hiện đại có đặc tính: thử nghiệm, chủ nghĩa cá nhân, và chống chủ nghĩa hiện thực. Thử nghiệm, có nghĩa là luôn luôn tìm kiếm, chủ nghĩa cá nhân có nghĩa là trở thành trí thức và cá nhân tự tin (self-confidence). Nhấn mạnh vào lý trí hơn là tình cảm.
Thơ tự do, sau Walt Whitman, biến thành một loại thơ khó với T. S. Eliot, Ezra Pound. “The Waste Land của T. S. Eliot là một tác phẩm khó, ít nhất là 4 đặc điểm như sau: hình thức rời rạc và đứt đoạn, trích dẫn những tiếng ngoại quốc (Latin, Đức, Pháp, Ý, và Sanskrit), đủ loại ẩn dụ (tham khảo ít nhất 37 tác phẩm về nghệ thuật, văn học, lịch sử và âm nhạc), và cấu trúc huyền thoại. Những tham khảo này chẳng những chỉ là bản văn chính yếu của văn học phương Tây (Kinh Thánh, Virgil, Ovid, Thánh Augustine, Dante, Shakespeare, Spenser) mà còn thơ của Baudelaire, Verlaine, Nerval, kịch của Thomas Middleon, Ben Webster, Thomas Kyd, John Lyle, ca kịch Oprera của Wagner, sách của Hermann Hesse, và Phật giáo. Bài thơ theo cách như vậy, chẳng khác nào bản trích yếu hay văn khố lưu trữ của nền văn minh phương Tây. “Giống như hội họa, thơ chừng như sử dụng phương pháp cắt dán, từ rất nhiều nguồn sách báo khác nhau. Nhưng chẳng phải chỉ có thơ tự do là khó. Hội họa với tranh Lập thể, Trừu tượng, Siêu thực không khó sao? Nói tóm lại, những tác phẩm hiện đại, từ thơ, hội họa đến tiểu thuyết, được nhận biết là khó, kết hợp với sự xa lạ và khác biệt. Nhà văn hiện đại D. H. Lawrence (1885 - 1930) cho rằng “… ở chừng mực nào đó, đọc một tiểu thuyết thật sự mới luôn luôn gây đau đớn. Luôn luôn có sự đề kháng. Điều này cũng giống như những bức tranh mới, âm nhạc mới. Bạn có thể phán đoán thực tại của chúng bởi sự kiện, chúng khuấy lên một sự đề kháng nào đó, và thúc ép, cuối cùng, sự mặc nhận nào đó.”
Thơ tự do không những khó trong cách đọc, còn khó trong cách làm. Có lẽ là nhà thơ phải tự tạo nên luật tắc của họ, từ bỏ tất cả những yếu tố truyền thống? Tạo ra luật tắc có nghĩa là tạo ra cấu trúc thơ, thay thế cho thể luật truyền thống. Có hai yếu tố trong cách làm một bài thơ: trật tự và hỗn mang. Trật tự là âm thanh (thể thơ) và thị giác (cấu trúc), dùng để kiềm chế hỗn mang là ý nghĩa và cách diễn đạt. Thơ tự do nếu không tạo ra được cấu trúc, người làm thơ mất phương tiện kiềm chế, thơ rơi vào tình trạng lan man, tuôn ra hết trang này đến trang khác, và người đọc sẽ không hiểu nhà thơ muốn nói gì. Nhưng tạo ra được cấu trúc thơ thì rất khó vì cấu trúc là hình thức bài thơ trên mặt giấy, cũng như thể thơ, phải làm cho người đọc nắm bắt được ngay, không cần qua lý luận. Có thể nhận ra điều này khi đọc thơ Williams Carlos Williams, ông tạo cấu trúc thơ từ nhịp điệu ngôn ngữ nói thông tục, và ông gọi là hình thể nghệ thuật (art form), trong những bài thơ ngắn, hình thức đơn giản nhưng ý nghĩa súc tích, và sâu lắng.
Ông nổi tiếng với phương pháp làm thơ trong nhóm từ “không phải những ý tưởng mà những sự vật” (No ideas but in things). Ông chủ trương thoát ra khỏi những thể thơ truyền thống và ẩn dụ không cần thiết, nhìn thế giới một cách cụ thể và trung thực. Marianne Moore từng viết, Williams dùng ngôn ngữ bình thường đến cả “mèo và chó cũng có thể đọc”.

Williams là một trong những nhà thơ chính của phái Hình tượng, nhưng sau đó ông không đồng ý với giá trị thể hiện qua những sáng tác của Pound, đặc biệt là Eliot, bởi những nhà thơ này quá gắn liền với văn hóa và truyền thống Pháp. Thơ tự do sau thập niên 1950, được gọi là thơ hậu hiện đại. Ở đây cần nhấn mạnh, hội họa Trừu tượng Biểu hiện Mỹ (Abstract Expressionism) vào thập niên 1940 được coi là đỉnh cao của hội họa hiện đại, cũng là khó hiểu nhất, với những Jackson Pollock, Willem de Kooning, Arshile Gorky, Hans Hofmann… nhưng đến cuối thập niên 1950, Pop Art phản ứng lại, vẽ hình ảnh lập lại những đồ vật cụ thể thường ngày, như bức tranh 200 Campbell’s Soop cans, 1962, của Andy Warhol, hoặc Two Cheeseburgers With Everything 1962, của Claes Oldenburg... Âm nhạc cũng quay qua Pop music, Rap music, Hip hop… Nhưng tại sao trong thơ hậu hiện đại vẫn tiếp tục là loại thơ khó, khó hơn cả thời hiện đại. Câu chuyện như sau: Vào cuối thế kỷ 19, nhà thơ tự do đầu tiên của Mỹ Walt Whitman cho rằng, “Để có những nhà thơ lớn, phải có số người đọc lớn.” Người đọc Whitman ám chỉ tới trong thời ông là những người đọc bình thường. Một thế kỷ sau, hậu duệ những nhà thơ tự do của ông xóa sạch không còn người đọc bình thường nào. Thơ Mỹ rơi vào khủng khoảng vào cuối thập niên 1980, đến nỗi Joseph Epstein phải đặt câu hỏi, “Ai đã giết thơ?” Thơ hiện đại và hậu hiện đại tồn tại nhờ vào cơ chế đại học. Với hàng trăm chương trình viết văn trong các trường đại học Mỹ, hàng năm sản xuất hàng ngàn nhà thơ, những nhà thơ sau đó trở thành thầy dạy, cùng với sinh viên, là số người đọc của thơ hiện đại. Những đại học Mỹ có cơ chế tự trị và tự do học thuật, thường bảo trợ rộng rãi cho những hoạt động văn hóa, và ở thời đó, thơ tự do là loại thơ thuần lý, được phần đông giới giáo chức dạy văn, dùng như một nghề sinh sống, làm thơ càng ngày càng mất sức sống.
Williams có ảnh hưởng đặc biệt đối với những phong trào tiền phong thập niên 1950, từ the Beat Generation, the San Francisco Renaissance, trường phái Black Mountain, và trường phái New York. Ông trở thành một khuôn mặt chuyển tiếp giữa thơ hiện đại và hậu hiện đại. Cấu trúc thơ do ông thể hiện đã thành tiêu chuẩn cho những thế hệ sau noi theo. Nhưng nếu cấu trúc thơ của ông hình thành từ ngôn ngữ và đời sống bình thường với những con người bình thường, thì các phong trào tiền phong lại tạo ra những hình thức thơ bằng cách, tách nhóm chữ xuống dòng (phrase-breaking), tách chữ xuống dòng (word-breaking), vặn vẹo chữ (word- jamming). Thơ phá vỡ cú pháp văn phạm, ý tưởng rời rạc và phần mảnh, đẩy người đọc rơi vào mê cung của ngữ nghĩa. Những yếu tố như nhạc tính hay nhịp điệu âm thanh không còn được quan tâm. Thơ là tiến trình phân tích và tổng hợp, khó hiểu đến mức chỉ còn là trò chơi tung hứng giữa nhà thơ và những nhà phê bình. Thật ra, văn học nói chung, thoát thai từ chủ nghĩa hậu hiện đại, phản ứng lại những lý tưởng thời Ánh sáng và hiện đại, không thể giải quyết được những vấn đề của con người, nên đã đề cao vai trò của ngôn ngữ, hòa trộn giữa tâm trí và tưởng tượng (tiểu thuyết trinh thám, viễn tưởng…), chập chờn trên cái đống đổ nát của hiện đại. Đến thập niên 1980, thơ hậu hiện đại đẩy lên một tầng khác, dựa vào lý thuyết hậu cấu trúc, với phong trào tiền phong thơ Ngôn ngữ, biến thơ thành vô nghĩa. Và chấm dứt luôn thơ hậu hiện đại.
Nhưng tại sao lại phân thơ tự do ra hai thời kỳ hiện đại và hậu hiện đại? Thơ hiện đại phản ánh nhịp độ khám phá dồn dập những công nghệ khoa học và chủ nghĩa duy lý. Nhưng đến sau thập niên 1950, những khám phá khoa học không còn kịch tính như đầu thế kỷ 20 nữa, thậm chí sau thế chiến thứ II, khoa học còn bị đặt dấu hỏi, và những lý tưởng thời Ánh sáng lụi tàn vì không hề mang hạnh phúc đến cho con người. Thơ hậu hiện đại chỉ còn cách phản ánh lại chính nó và tâm trí nhà thơ, với trò chơi ngôn ngữ và ý tưởng, tách lìa khỏi đời sống xã hội. Thơ tự do là sản phẩm của thời hiện đại và hậu hiện đại, như vậy, bây giờ biết sẽ đi đâu? Thật ra, sự phân chia thời kỳ hiện đại hay hậu hiện đại chỉ là trên hình thức. Văn hóa là dòng chảy liên tục và sự thay đổi cũng xảy ra từ từ chứ không hề mang tính đột phá. Văn học nghệ thuật ở bất cứ thời nào cũng là di sản trân quí của nhân loại. Thơ thể luật dù bị đẩy ra ngoài dòng chính ở phương Tây, nhưng vẫn tiềm tàng trong đời sống vô thức của những nhà thơ. Thơ tự do, chiếm ưu thế suốt một thế kỷ, với những phong trào tiền phong đầy sôi động, không dễ gì tự nhiên mất đi. Thơ vốn khó, theo Eliot, “phản ánh một thời đại phức tạp”, nhưng ở mặt khác, thơ tự do cũng là một thể thơ rất dễ dãi, vì người làm thơ dễ dấu đi sự thiếu năng khiếu của mình hơn các thể thơ khác. Thơ dễ, không cần ý thức về nhịp điệu, ngay cả cảm hứng, nên ai cũng có thể làm, trở thành phương tiện thoải mái ghi xuống những suy nghĩ hay những quan điểm cá nhân về chính trị, xã hội, triết lý, và cả biến thơ thành trò chơi tu từ.
Thơ tự do Mỹ, sau thập niên 1990, không còn độc quyền được giảng dạy trong những chương trình viết văn. Theo Altieri, khái niệm “kỹ năng phải kín đáo sao cho tác phẩm nói bằng giọng tự nhiên, làm cho người đọc như đang kinh nghiệm lại biến cố ngay từ ban đầu đã trở thành ‘lời kinh đương thời’ (contemporary litany), được ghi khắc bởi những nhà thực hành thơ, trong những chương trình viết văn.” Và thế hệ những nhà thơ trẻ thập niên 1990, như Dana Gioia, Timothy Steele, Mark Jarman, Frederick Turner… trở thành những người thầy giảng dạy, và họ đang là những nhân tố tích cực trong việc hòa giải giữa thể luật và tự do. Với sức mạnh và cơ sở có sẵn, với một lực lượng sinh viên và giáo sư không nhỏ, gây mầm cho việc trở lại kỹ năng và nghệ thuật thơ, thơ Mỹ trong thế kỷ mới, sẽ lại tạo nên một cuộc chơi lớn, đưa thơ tới những người đọc bình thường, không còn là đặc quyền của tầng lớp tinh hoa. Một lần nữa, thơ, vừa làm một bước nhảy tới tương lai vừa quay về nối kết với những giá trị đã thành tựu trong quá khứ.
Cách phân tích của Timothy Steele, giữa nhịp luật và nhịp điệu của ngôn ngữ nói, không phải là lý thuyết suông, mà là những phân tích, dựa theo những sáng tác mới của những tác giả trẻ thời thập niên 1990, đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ thể luật. Thật ra, đưa ngôn ngữ thông thường vào thể luật đã có từ thời Lãng mạn với nhà thơ William Wordsworth, và sau này với nhà thơ Robert Frost, mà ông gọi đó là “sự liên hệ cách điệu” (strained relation). Đầu thế kỷ 20, những nhà thơ tự do tách nhịp điệu văn xuôi ra khỏi thể luật, rải chữ xuống dòng thành nhịp điệu trên trang giấy, như đã nói ở trên. Và bây giờ, theo Timothy Steele, nhịp điệu văn xuôi lại tái hợp với thể luật, tạo nên cách làm thơ mới cho những nhà thơ thế kỷ 21, không khác gì với thơ Tân hình thức Việt. Bài viết của Timothy Steele vào năm 2006, trong khi thơ Tân hình thức Việt khởi đi trước đó, từ năm 2000, chứng tỏ, thơ Tân hình thức Việt có khả năng đồng hành với những nền thơ lớn khác trong thế kỷ tới. Nhưng thực tế thì khác hẳn, thơ Mỹ luôn luôn được sự hỗ trợ bình đẳng và mạnh mẽ từ những cơ chế đại học, với những diễn đàn, hội thảo, in ấn, giải thưởng, những chương trình viết văn, giảng dạy… còn thơ Tân hình thức Việt, được kể, với hành trang chỉ là niềm tin mong manh vào sự quan tâm và công tâm của những nhà phê bình, và sự kiên trì của những nhà thơ thực hành nó.
Ghi chú thêm về thơ Tân hình thức Việt:
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc đề nghị, cần định nghĩa cụ thể những yếu tố thơ Tân hình thức Việt: vắt dòng, tính truyện, ngôn ngữ đời thường, và kỹ thuật lập lại. Nhà bình luận Luân Nguyễn cho rằng, cả 4 yếu tố này đều đã có trong thơ Việt. Anh dẫn ra, “Ngôn ngữ dung tục và lối kể đã có trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến (thơ trung đại) (kê khoai, phì phạch, sướng, cọc, lỗ, đĩ, chợ búa, dưa muối,…); kỹ thuật vắt dòng trong Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ (Trời cao xanh ngắt ô kìa/ Hai con hạc trắng bay về bồng lai), trong nhiều bài thơ Bích Khê (thơ Mới trước 1945)”. Thật ra, ngôn ngữ mà Luân Nguyễn nêu lên ở đây, là chữ, trong thơ vần điệu, còn ngôn ngữ thơ Tân hình thức được hiểu là cách nói, cách diễn đạt của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ Tân hình thức cũng không hẳn là ngôn ngữ dung tục mà là ngôn ngữ nói thông thường, hay cách nói thông thường. Như ca dao là ngôn ngữ thông thường có vần có điệu, còn thơ Tân hình thức thì mang những câu nói đời thường vào thơ không vần. “Lối kể” trong thơ vần điệu có khác với “tính truyện” trong thơ Tân hình thức, vì trong thơ Tân hình thức, ngoài việc kể một câu truyện, trong những bài thơ ngắn còn có tính nối những ý tưởng liền lạc lại với nhau để hình thành tư tưởng trong thơ.
Vắt dòng (enjambment), được định nghĩa là sự nối kết ý nghĩa từ dòng này qua dòng khác, đã có từ xa xưa, tính từ thời Homer. Sau này thơ tự do, với dòng dài ngắn, dùng kỹ thuật này để rải chữ, xuống dòng, làm thành nhịp điệu thị giác, và gọi đó là dòng gãy (line-break). Đã có rất nhiều bài thơ Tân hình thức ở thời kỳ khởi đầu, cũng vắt dòng đấy, nhưng chỉ là dạng văn xuôi đếm chữ xuống dòng, không đúng tiêu chuẩn thơ Tân hình thức Việt. Nhưng thế nào là tiêu chuẩn thơ Tân hình thức? Một yếu tố thơ nếu đứng một mình, không có ý nghĩa gì cả, nó phải kết hợp với những yếu tố khác. Thơ vần điệu với vần, điệu và cách chọn chữ chọn lời. Thơ Tân hình thức Việt bao gồm 4 yếu tố, vắt dòng, tính truyện, ngôn ngữ đời thường, và kỹ thuật lập lại, nằm trong các thể thơ không vần, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ và lục bát. Tài năng của người làm thơ là tổng hợp nhuần nhuyễn những yếu tố trên để làm thành tác phẩm. Tách rời bất cứ yếu tố nào riêng ra, là phá vỡ cái tổng thể của một thể thơ, và sẽ thất bại.
Một trong những yếu tố chính của thơ Tân hình thức Việt, là kỹ thuật lập lại. Trong thơ thể luật, sự lập lại những âm chữ, để tạo nhạc tính hay nhịp điệu, ở mọi nền thơ, dù khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ đơn âm hay đa âm, đều giống nhau - thơ tiếng Anh (không nhấn, nhấn), thơ Đường (bằng, trắc và đối), thơ Việt (bằng, trắc và vần). Bây giờ, thay vì lập lại âm chữ, Tân hình thức Việt lập lại chữ và nhóm chữ. Trong các luật thơ, sự lập lại âm chữ trong dòng thơ, thường cố định, nhưng trong thơ Tân hình thức Việt, sự lập lại chữ và nhóm chữ, xảy ra ở bất cứ chỗ nào trong bài thơ. Nhìn lại những luật thơ, sự lập lại các âm chữ dày đặc trong mỗi dòng thơ, nhưng người đọc không nhận ra sự lập lại mà chỉ nghe thấy những âm vang tạo nên sự nhịp nhàng trầm bổng hay dồn dập của nhạc tính hay nhịp điệu. Đó là một thế mạnh trong các luật thơ. Nhưng khi lập lại chữ và nhóm chữ, người đọc dễ nhận ra kỹ thuật lập lại. Vì thế, khi sử dụng kỹ thuật lập lại chữ và nhóm chữ cần tế nhị và tự nhiên, lạm dụng quá sẽ thành giả tạo, bởi vì dễ làm lộ kỹ thuật. Kỹ thuật lập lại là mục đích chính để tạo nhịp điệu (hay tiết tấu) trong các thể thơ, vì thế không có nhịp điệu là không có thơ.
Tân hình thức Việt chú tâm tới nhạc tính và nhịp điệu, nên để tránh vướng vào văn xuôi, một bài thơ đọc lên, trước nhất người đọc bị lôi cuốn bởi nhịp điệu ngôn ngữ, và những ý tưởng chìm sâu bên dưới. Hai yếu tố tối kỵ của văn xuôi, là sự lập lại (câu chữ, ý tưởng, hình ảnh) và ý tưởng không rõ ràng, trong khi đó lại là hai yếu tố mạnh trong thơ. Thêm nữa, ngôn ngữ thơ vốn dĩ cô đọng, quá nhiều chữ dư thừa cũng làm người đọc có cảm tưởng là văn xuôi. Đọc một bài thơ Tân hình thức Việt, là đọc liên tiếp, không dừng lại cuối dòng vì yếu tố vắt dòng, sự nhanh chậm tùy thuộc vào tốc độ của bài thơ, phong cách đọc của người đọc, và cần đọc rõ chữ. Thơ Tân hình thức Việt với thể thơ không vần, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ và lục bát, cùng những yếu tố như vắt dòng, tính truyện, ngôn ngữ đời thường, và kỹ thuật lập lại chỉ là hình thức bên ngoài, dùng để đánh giá kỹ năng sáng tác, còn phần tư duy sâu lắng, phong cách tân chiết trung, và khả năng chuyển tải tư tưởng, mới là vấn đề cốt lõi của dòng thơ này.
Thật ra, những lập luận trên chỉ là lý thuyết, dành cho những người muốn tìm hiểu, đi sâu vào lãnh vực sáng tác và phê bình. Trên thực tế, luật thơ phải rất đơn giản. Thơ tiếng Anh là luật một dòng thơ, mỗi dòng 10 âm tiết (không nhấn, nhấn, lập lại 5 lần), với vần hoặc không vần. Thơ truyền thống Việt, là luật vần ở cuối dòng, và thơ Tân hình thức Việt, cuối cùng là vắt dòng và kỹ thuật lập lại. Nhiều người thuộc nằm lòng thơ vần điệu, vẫn có thể làm thơ, không cần quan tâm tới luật vần. Hoặc đọc các bài thơ Tân hình thức rồi sau đó, tham gia sáng tác, và bằng tài năng, biến hóa thêm, tạo thành cá tính riêng. Nhưng nếu muốn tiến xa hơn, và không bị rơi vào bế tắc, thì lý thuyết giúp chúng ta tạo cảm hứng, mở rộng và phát hiện những yếu tố mới trong thơ.   
HẠNH NGỘ
Tâm biến đổi
Hồi hôm có một chuyện
buồn muốn đi chết buổi
sáng nghĩ đến chiện sầu
bi đó lại muốn vào rừng
sâu không đối diện với
nó thôi ráng đi gội cái
đầu ráng đi pha ấm
trà uống một ngụm vào
bụng ây da trà quá
ngon sao có thể đi
chết trong rừng sâu một
mình giữa buổi sáng hôm
nay thảnh thơi muốn bước
tới thảnh thơi mới biết tâm
mình biến đổi không ngừng
nghỉ buồn vui như thác
nước cũng nhờ ngụm trà
sen của ba mua bữa
trước có bỏ chút tình
thân thiết... phải không ba?
11/9/2014
Bài thơ đọc lên nghe rất thật, rất thơ với ngôn ngữ đời thường, không tu từ, không ẩn dụ. Đã gọi là thơ thì có thơ là đủ. Nhịp điệu bài thơ bật ra tự nhiên, hài hòa, và đạt hiệu quả trong thể thơ 5 chữ. Người đọc bị cuốn đi, những ý tưởng quyện lấy nhau, không rõ ràng, gợi sự tò mò, bắt người đọc phải đọc lại nhiều lần. Bài thơ giống như cách làm bài thơ “Bún Riêu” của Gyảng Anh Iên, với cùng loại ngôn ngữ. Tiểu thuyết, phim ảnh, hội họa, thơ hiện đại và hậu hiện đại trước kia đều dựa vào sự tưởng tượng phong phú của tâm trí, cần tới ẩn dụ. Ẩn dụ là yếu tố trong cách làm thơ quan tâm tới chữ của thơ tự do và vần điệu. Còn ý tưởng liên tục, quyện lấy nhau, liên quan tới văn pháp nói trong thơ Tân hình thức Việt (hình thành một loại ẩn dụ khác chăng?) Và như vậy, thơ Tân hình thức Việt, mở ra một không gian mới, nắm bắt những khoảnh khắc của thực tại, trực tiếp, bằng một loại ngôn ngữ thơ, khác với tự do và vần điệu. Đó cũng là do nhu cầu diễn đạt khác nhau của từng thời kỳ thơ, chứ không phải loại thơ nào hay hơn, hoặc thích hợp hơn loại thơ nào. Sự xuất hiện của Hạnh Ngộ giống như trường hợp nhà thơ Dã Thảo. Nếu những bài thơ của Dã Thảo, mở đầu cho giai đoạn thứ hai của thơ Tân hình thức Việt, xác định phong cách thơ, thì bài thơ này của Hạnh Ngộ giúp chúng ta phân biệt, đây không những là ngôn ngữ nói, mà còn là những câu nói thường ngày, được đưa vào thơ. Vì mới lạ nên chưa thuận tai người đọc. Có lẽ, trong giai đoạn đầu, chỉ có những nhà thực hành thơ, mới thấy được cái khó và cái hay trong dòng thơ này.   
HƯỜNG THANH
Mèo đen
buổi tối hay là lúc rạng
sáng tôi chợt nhìn thấy con
mèo đen nó đi qua tôi
từ phía sau như đi qua
tâm hồn tôi đi qua từ
những điểm tối tôi mà đến
với hành lang trước mặt nó
6/2014
Nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng viết về bài thơ của Hường Thanh như sau: “Buổi tối hay trước trời sáng, mặt đất mờ mờ, con mèo đen di chuyển từ phía sau như bóng tối đi qua, như thời gian đi từ sau ra trước, từ quá khứ đến tương lai. Cái dáng của con mèo cắt lên nền trời huyền ảo, vẻ đẹp của nó, khả năng xuyên suốt của nó, bước đi không tiếng động. Sự di chuyển của thời gian biến thành sự di chuyển của không gian. Đây là một bài thơ Tân hình thức, nhưng không thật tiêu biểu, có lẽ vì quá ngắn nên nhạc điệu “riêng” được mong đợi của thể Tân hình thức không lộ rõ. Hai trong những tính chất quan trọng của Tân hình thức là không gian rộng và nhịp điệu, nhất là ở sự ngắt câu, tuy nhiên cũng đừng quên rằng như một thể thơ, nó có thể tích hợp vào mình những phong cách khác.”
Ngôn ngữ thơ Tân hình thức không phải một sớm một chiều là hoàn tất, mà đòi hỏi sự đóng góp của nhiều thế hệ nhà thơ, về cách diễn đạt, cùng tài năng và cách xử lý ngôn ngữ - biến hóa và đa sắc thái, trong nhiều chiều kích không và thời gian khác nhau. Thế hệ trong thơ, không phân biệt theo tuổi tác, mà theo ngôn ngữ thơ họ sử dụng. Có một thời gian rất lâu, hơn nửa thế kỷ, thơ Việt bao gồm nhiều thế hệ sáng tác với cùng ngôn ngữ thơ, tự do hay vần điệu. Sự chuyển đổi thế hệ và ngôn ngữ thơ xảy ra, khi có những tác động lớn, thay đổi cách sống, cách nghĩ của con người trong môi trường xã hội. Sự phát triển công nghệ cao, Iphone, Ipad, tạo nên một thế hệ nhà thơ, đang có một cách nhìn khác về thực tại. Điều này có thể giải thích: văn học nghệ thuật hiện đại chống lại chủ nghĩa hiện thực, và hậu hiện đại phủ nhận thế giới thực. Họ cho rằng, tất cả chỉ là quang cảnh bề ngoài, và nguồn gốc thực tại nằm ở bên trong chúng ta. Chúng ta sống trong thế giới hư cấu được tạo ra từ chính chúng ta, và thế giới này không có việc gì làm với thế giới thực, tồn tại bên ngoài. Tác phẩm nghệ thuật vì thế liên tục được tạo ra và tái tạo, qua ẩn dụ, hoán dụ và sự sắp đặt của tâm trí. Nhưng bây giờ, sự phát minh khoa học và những kỹ thuật tân kỳ về cảm ứng âm thanh hình ảnh của phim ảnh, truyền hình, video game, đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Và cũng cho thấy, đó là những thế giới giả tạo được phóng chiếu từ tâm trí. Vả lại, con người đang bị vây khốn trong tình trạng bất trắc, tai ương, khủng bố, chiến tranh, nghèo đói, chỉ mong ước một cuộc đời bình thường, nhưng không dễ gì có được.
Nhìn lại hành trình của thơ và hội họa phương Tây, thế kỷ 20, chúng ta cũng có thể có một cảnh quan thoáng qua cho thế kỷ 21. Với một nền văn hóa đầy sinh động và khai phá như văn hóa Mỹ, thơ tự do và hội họa đã phát triển tới cùng, và bây giờ, những nghệ sĩ và nhà thơ, chỉ có thể trải nghiệm lại những gì đã trải nghiệm, không có cách nào khác. Mọi cái mới, cái lạ không còn là yếu tố gây ngạc nhiên, và cả tác giả lẫn người thưởng ngoạn đều biết rằng, rồi sẽ chỉ loanh quanh đến thế. Ước muốn hướng tới một thể thơ mới, của những nhà thơ tự do, trong suốt thế kỷ qua, đã thất bại. Cách duy nhất, có lẽ là đề nghị sự hôn phối giữa tự do và thể luật của Timothy Steele, hy vọng vào khả năng chuyển tải tư tưởng và đưa đời sống hiện thực vào thơ, để có được những tác phẩm giá trị, nhưng không phải ai cũng đáp ứng, vì đòi hỏi kỹ năng. Hơn nữa, trong một xã hội càng ngày càng đa dạng, chúng ta cần có nhiều thể loại thơ cho nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ người đọc. Người đọc bây giờ tinh nhạy, họ không đọc một loại thơ, mà cùng lúc, đọc nhiều thể loại thơ để so sánh, và chỉ có thể thuyết phục họ bằng những bài thơ hấp dẫn và có chất lượng. Kinh nghiệm thơ Tân hình thức Việt cho thấy, tuy chưa có nhiều sáng tác hay, nhưng số người đọc thích thú với loại thơ này không ít. Vả lại, thơ tự do đã độc diễn suốt thế kỷ 20, bây giờ chúng ta không thể lập lại như vậy, bằng một thể loại thơ khác, dù có hay cách mấy. Hiện nay, thơ tự do và vần điệu Việt vẫn chiếm đa số, nhưng khi những thế hệ mới tham gia sáng tác thơ Tân hình thức nhiều hơn, tình hình sẽ đổi khác. Có lẽ, đó mới chính là hiện trạng thơ ở thế kỷ 21.
Chú thích:
- Walt Whitman‘s claim that “to have great poets there must be great audiences too.”
- Sandburg argues that free verse is as old as rhythmic speech: “When primitive and prehistoric man first spoke with cadence or color,” he writes, “making either musical meaning or melodic nonsense worth keeping and repeating for its definite and intrinsic values, then free verse was born, ages before the sonnet, the ballad, the verse forms wherein the writer or singer must be acutely conscious, even exquisitely aware, of how many syllables are to be arithmetically numbered per line.”
- D. H. Lawrence, “… to read a really new novel will always hurt, to some extent. There will always be resistance. The same with new pictures, new music. You may judge of their reality by the fact that they do arouse a certain resistance, and compel, at length, a ceratin acquiescence.”
- Đầu những năm 1990 xuất hiện internet, website, năm 2000, bắt đầu nở rộ năm 2004. Trong một bài viết vào năm 2009, của nhà thơ Mỹ Ron Silliman, ông cho rằng, trong vòng 5 năm (từ 2004 tới 2009), những nhà thơ Mỹ có sách xuất bản là 10 ngàn nhà thơ, tương đương với con số tốt nghiệp tiến sĩ trong các khoa viết văn. Nhưng nhà thơ Seth Abramson phản bác lại, cho rằng, trong 5 năm qua, số tạp chí thơ in ấn và online là 1000 tờ báo (có thể hơn), và nếu mỗi tạp chí sản sinh ra vài chục (có thể hơn) mỗi năm, thì số nhà thơ có sách xuất bản là khoảng 50 ngàn nhà thơ. Đó là chưa kể những blog cá nhân. Nhà thơ và thơ dở đã tăng lên theo cấp số nhân, theo các nhà nhận định thơ Mỹ.  
 18/12/2014
KHẾ IÊM
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sen hồng vô tận ý

  Sen hồng vô tận ý Nhân đọc Sen cúng Bụt - thơ Hạnh Phương Có bao giờ lòng ta lắng lại để cảm nghe tất cả cái vô cùng ẩn trong phút giây ...