Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

Những kỷ niệm với nhà thơ Thu Bồn

Những kỷ niệm 
với nhà thơ Thu Bồn
Một buổi chiều năm 1987, sau cơn mưa của đất phương Nam, tại căn nhà rông số 6 Đặng Thái Thân, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh, có bàn hương án, cờ sói, nhà thơ Thu Bồn tiếp bạn, giáo sư Hoàng Tụy, nhà văn Bảo Ninh từ Bắc vào và một vài người bạn trong Nam: Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập, Hoàng Thiệu Khang và tôi, Nguyễn Tiến Toàn.
Mọi người yên vị. Ăn.
Ăn với Thu Bồn là cả một nghệ thuật, không nói mười lăm phút để thưởng thức.  Sau đó anh giới thiệu từng người, đến một người anh dừng lại vài giây rồi nói:
- Hoàng Phủ Ngọc Tường quỳ xuống.
Hoàng Phủ Ngọc Tường chần chừ một phút rồi hạ gối trước bàn thờ.
Thu Bồn đưa ba nén nhang bảo khấn nguyện Nguyễn Trãi rồi đọc Côn Sơn. H.P.N. Tường nhắm mắt thành tâm khấn nguyện, rồi anh đọc “Người khát vọng bầu trời”
Có một lần tôi về bên đá cũ
Nghe thông ngàn kể chuyện trăm năm
Cánh bướm thời gian về theo nắng gió
Mang hương xưa bay tới chỗ tôi nằm
Gió thông reo, núi cũ thanh u
Tiếng chim nào ngân trong như tiếng hạc
Đá Côn Sơn in dấu hài minh triết
Người về đây khát vọng một bầu trời
H.P.N. Tường dứt tiếng, mắt Thu Bồn rướm lệ. Anh nhẹ bước đến bên lồng chim, mở cửa cho chim bay vào không gian vô tận. Người khát vọng bầu trời và chim cũng khát vọng bầu trời. Đó là lần đầu tôi gặp nhà thơ Thu Bồn.
Cũng trong những năm tháng của năm 1987, nhà thơ Trần Sơn Nam đưa tôi đến chơi với nhà thơ Thu Bồn mà trước đó ở những năm trước 1975 tôi đã nghe nhiều về anh với những câu thơ đơn sơ mộc mạc: Chiều hành quân có lần tre níu áo/ Lòng bồi hồi tưởng nhớ bóng tre xưa…  đã đi vào trí nhớ tôi một cách tự nhiên, bây giờ mới được gặp tác giả. Tôi cũng đôi chút bất ngờ trước một con người cao lớn, đen đúa, giống một lão nông tri điền hơn một nhà thơ, ăn nói rổn rảng, hơi thở mạnh đến nỗi người nào yếu bóng vía có thể bị thổi bay.
Sau này có lần có một người muốn tới thăm Thu Bồn, nhờ tôi giới thiệu. Anh ấy cẩn thận hỏi trước là sẽ giới thiệu tôi như thế nào?
- Thì cứ nói Trung tá Nguyễn Tiến Thụy, Phó tổng biên tập báo Công An Nhân Dân - Tôi nói.
Anh vội cản:
- Thôi thôi đừng giới thiệu quyền chức, ông ấy đuổi về thì quê lắm.
Tôi cười:
- Thụy không biết ông Thu Bồn, nếu gặp người ăn mày hay tướng lãnh, miễn là có tư cách, Thu Bồn cũng tiếp đãi rất nồng hậu, nếu cần có thể cùng nâng ly.
Lúc này nhà Thu Bồn đang ở cạnh con đường nhỏ bên hông Chợ Lớn. Con đường rợp bóng lá me bay, nhiều đĩ điếm, nhiều lưu manh, đêm đêm lượn qua lượn lại như bướm mùa xuân mà cứ điểm là công viên Văn Lang kế cận. Nhà anh còn nhiều đất trống, có một vườn lá mơ lông rất hợp khẩu vị với thịt cầy. Anh đang cất ngôi nhà rông thứ nhất ở đây với lá dừa nước xù ra như lông nhím. Anh ở trần trùng trục, đen đúa như con trâu. Cứ buổi chiều sau giờ làm việc tôi lại mang một bịch thịt cầy hay con vịt quay, thêm năm mười lít bia hơi sang là nhập tiệc. Thu Bồn làm bếp nhanh như chớp. Nhà có một lô thớt, từ nhỏ bằng cái dĩa đến lớn bằng cái thúng, mỗi loại kèm theo một loại dao. Cỡ con vịt quay lên thớt lớn dao lớn và ta sẽ nghe - bập-bập-bập. Một phút sau lên đĩa là nhậu, mọi người cùng nhậu, tính tình hào sảng thoải mái. Đối với bạn, Thu Bồn chơi hết mình, có thể bán cả áo quần giày dép để chơi với bạn. Nhưng cũng biết rõ về người, ai tốt ai xấu, đừng hòng đem bộ mặt đểu giả đến lừa Thu Bồn, dễ bị ăn đấm lắm đó.
Anh ở một mình, không vợ không con. Tôi thì làm việc quần quật suốt ngày, buổi chiều về nghỉ xả hơi vài giờ lại qua anh, có khi cùng Trần Sơn Nam, có khi chỉ một mình. Nhà rông anh đã hoàn tất vào dịp Tết để sau đó một năm anh lại phá ra làm cái mới.
Tình bạn của chúng tôi mỗi ngày một thắm đượm hơn. Thu Bồn và Sơn Nam đưa tôi đi từ từ vào con đường văn học hồi nào không hay. Anh đưa tôi đến 81 Trần Quốc Thảo, quán nhậu của Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM. Một hôm ngồi bàn nhậu tôi được anh giới thiệu với một số bạn bè mới: Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà văn nhà Hán học Hoài Anh, anh Xuân Đài... Bia hơi ngà ngà say, tôi nói về nghề nghiệp của mình, nghề làm xe lăn cho những người tàn tật. Tôi miệt mài với công việc, đổ mồ hôi sôi nước mắt với chiếc xe lăn. Có những lúc anh nhìn tôi làm, đến khi tôi thành công anh viết bài thơ tặng tôi.
CHIẾC XE LĂN
Tặng Nguyễn Tiến Toàn, người làm ra chiếc xe lăn từ thiện
Chiếc xe lăn đi vào đời, như số phận dành cho ai đó
sau cuộc chiến trở về.
Chiếc xe lăn qua tia nhìn em bé,
qua những uẩn khúc của cuộc đời.
Đồng hành với chiếc xe lăn,
có bao nhiêu bàn chân đi tìm hạnh phúc,
đi đào bới miếng ăn ở tận miền xa
Nếu như ở một hành tinh nào khác có em,
anh cũng lăn theo ánh cầu vồng ngũ sắc để tìm.
Chiếc xe lăn khao khát tự do
cho đôi bàn chân bằng hai tay,
anh quay tròn trái đất
anh lăn theo tự do bỏng rát cả đôi tay.
Bánh xe ơi! Ngươi quả thật mặt trời!
Thời trai trẻ, em ở đâu trong xó xỉnh cuộc đời,
anh tìm hoài chẳng thấy,
bây giờ anh lăn theo năm tháng để tìm em.
Xin cảm ơn người làm ra chiếc xe lăn từ thiện,
anh không còn tàn phế nữa đâu,
anh lăn lăn qua những nhịp cầu,
nước dưới dòng cũng lăn lăn ra biển.
Tôi, người còn đủ hai chân
nhưng tâm hồn bỗng dưng què quặt,
sau những cái tát của cuộc đời.
Chiếc xe lăn xinh xắn chào mời,
cuộc lăn bánh về một miền nhân ái
Tâm hồn ơi! Rồi Ngươi sẽ tái sinh.
Sài Gòn, 10-8-1990
Bài thơ này đến năm 1992 được dự định đưa vào sách giáo khoa Văn học lớp 12, nhưng đến giờ phút cuối lại bị loại ra khỏi chương trình.
Sau đó anh lại cất nhà rông rồi lại dỡ ra.
… Cửa nhà thông thốc muôn phương gió
Túi rỗng nhiều phen bạn đỡ đần…
Có lần trước phòng khách anh có nuôi một con heo đất. Chính anh và bạn bè cứ bỏ tiền vào để chờ ngày xuất bản tập thơ 100 bài thơ tình nhờ em đặt tên. Con heo nuôi hơn một năm, lúc nào anh cũng đặt nhiều hy vọng con heo sẽ trả đủ tiền in.
Một buổi sáng năm 1992, anh hẹn cùng tôi đi lấy sách. Đến nơi anh ăn mặc tươm tất trịnh trọng hai tay nâng con heo lên thả xuống nền nhà kêu cái bộp. Hai thằng trố mắt nhìn nhau, chỉ có một tờ 50.000 đồng duy nhất anh mới bỏ vào chiều qua. Con heo cũ đứa nào đã bợ đi đưa vào một con heo mới, mà tôi nghĩ ai đó cũng đã đổi heo nhiều lần mà anh không biết, vô tình anh vẫn cứ nuôi. Heo cũ đi heo mới đến anh vẫn vô tình như không. Còn nỗi thất vọng nào hơn, thế là tôi ứng tiền lấy sách chở về cho anh và tôi cũng không tử tế gì lắm, lấy một trăm quyển trừ nợ. Nhờ vậy mà sau này anh có sách tặng bạn, đến nay tôi cũng còn được mươi cuốn.
Một hôm Đại tá Phan Đắc Lực đãi lẩu dê. Tan cuộc, trời về khuya đường thanh vắng, lũ đàn ông chúng tôi bốn thằng xếp hàng đường hẻm vào nhà Phan Đắc Lập, đái đường!!! Trên tay chiếc đồng hồ mạ vàng lóng lánh, Thu Bồn đứng ngoài cùng. Chờ cho các vòi rồng phun nước, một cô gái ăn mặc đẹp xông đến ôm cứng Thu Bồn. Thu Bồn miệng bô bô - Làm gì kỳ vậy! Vợ tôi kia! Vợ tôi ghen lắm… Cô gái buông Thu Bồn phóng lên yên sau một chiếc xe honda đợi sẵn, ngỡ ngàng mấy phút Thu Bồn mới biết chiếc đồng hồ mới toanh của mình đã đi theo người tình không chân dung.
Mùa hè oi ả năm 1993, Thu Bồn, Trần Công Tấn và tôi ra Huế. Đêm ghé lại Phú Yên quê nhà tôi, dòng sông con cạn nước, nằm trên cát tìm sao Bắc Đẩu, nghe tiếng pháo đám cưới nhà ai giữa đêm khuya 2 giờ sáng thật lạ lùng và cũng thật thanh bình, để đến 3 giờ chúng tôi cùng thắp ba nén hương trước mộ cha tôi, từ giã mẹ tôi và tiếp tục trên con đường thiên lý.
Đến Huế, H.P.N. Tường đi Quảng Ngãi chưa về, Trần Công Tấn về quê còn tôi và Thu Bồn viếng lăng Tự Đức. Khung cảnh trầm mặc u buồn, hai thằng tôi rảo bước, tiếng thông reo rì rào, mây nước bàng bạc trôi… Chúng tôi đứng tần ngần trước mộ vị vua quá cố. Một đoàn khách du lịch Sài Gòn ra đang lắng nghe cô hướng dẫn viên xinh đẹp người Huế ngâm bài thơ “Tạm Biệt Huế” của nhà thơ Thu Bồn
Nhịp cầu cong và con đường thẳng,
Một đời anh đi mãi chẳng về đâu.
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya.
Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia.
Tiếng vỗ tay vừa dứt, tôi bước tới một bước:
- Xin lỗi cô! Vì sao cô thuộc bài thơ này của nhà thơ Thu Bồn?
- Bài thơ này được khắc lên tấm bia đá ở công ty du lịch, mỗi hướng dẫn viên chúng tôi đều phải thuộc để ngâm khi tạm biệt khách.
- Thế cô có biết nhà thơ Thu Bồn ở đâu không?
- Ông ấy ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
- Không! Nhà thơ Thu Bồn đang ở đây, và đây chính là nhà thơ Thu Bồn!
Tôi vừa nói vừa chỉ về phía anh. Một con gấu hai chân bước đến, mọi người trố mắt nhìn và tiếng vỗ tay lại nổi lên với lời yêu cầu chính nhà thơ đọc bài thơ của mình. Sau đó khách du lịch và người hướng dẫn viên đưa Thu Bồn cùng lên xe, giai nhân và thi nhân lại gặp nhau ở những lần hẹn hò trên sông Hương, nhưng rồi nước vẫn chảy về đông và mây vẫn bay trên bầu trời, để rồi khi chia tay chúng tôi về Sài Gòn mỗi người mỗi ngả.
Một người bạn thân thiết của chúng tôi là nhà văn Ngô Thảo. Ngày gả con gái đi lấy chồng, giá nào cũng phải có Thu Bồn-Lý Bạch Huệ và vợ chồng Nguyễn Tiến Toàn. Chúng tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội. Ngày hôm sau hôn lễ hoàn tất tốt đẹp, buổi tối họp mặt gia đình đầy đủ con cháu. Chị Lộc vợ anh Ngô Thảo phân chia công việc, Thu Bồn-L.B.H tiếp khách. Tôi thay mặt gia đình nói lời cám ơn đến mọi người. Xong, Ngô Thảo:
- Các bác trong Nam ra, gia đình chúng tôi không biết các bác muốn gì để chiều các bác, xin các bác cứ nói.
Tôi cười:
- Ngày xưa khi Nguyễn Huệ ra Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh cũng hỏi câu đó và Nguyễn Huệ trả lời ra sao thì anh biết rồi!
Trên xe từ Quảng Bá về Hà Nội, Ngô Thảo:
- Mọi việc tốt đẹp. Bà Lộc đưa các bà đi chợ Đồng Xuân, còn bọn tôi đi chơi.
Lần đầu ra Hà Nội nghe đi chợ Đồng Xuân các bà mắt sáng rỡ quên nhiệm vụ cai ngục, thả bọn đàn ông chúng tôi thong dong, vô ngay một quán bia với các em Bắc Hà, uống có người nâng khăn sửa túi. Tôi và Ngô Thảo thằng nào trong túi cũng có tí tiền nên đề phòng các em đụng tới. Thời này các em tiếp thị độc đáo lắm, nhét liền vào túi mỗi chàng một cái “ôkê”, mình biết móc quăng ra, còn Thu Bồn thì cứ vô tư, cứ thế mà uống, mà “tay em đây mời khách ngả đầu say”.
Ngà ngà ba thằng chếnh choáng về nhà. Bấy giờ không phải các em mà là các bà lục túi. Phòng bên có tiếng gầm gừ, tiếng ngắt véo, ui cha… ở đâu đây?
Rồi tiếng L.B.H:
- Anh Toàn, Ngô Thảo lên đây!
Trời ơi, dở khóc, dở cười! Bọn mình đã quăng đi rồi còn Thu Bồn dại quá đem của nợ này về nhà! Rồi mình cũng cương quyết. Chết bỏ, ngu sao khai!
Nhưng chuyện rành rành, biết nói làm sao, đành xuống nước năn nỉ, nhà mới đám cưới đừng la lối. Ngô Thảo đổ hết lỗi cho tôi. Mới vô quán ông Toàn đã bô bô cái miệng - Vợ chúng tôi ở nhà ghen lắm, các em ngồi xa xa kẻo bay mùi nước hoa là chết. Các em nhét cho Thu Bồn một cái chứ gì! L.B.H nghe qua cũng tạm ổn.
Kỳ Đại hội Nhà văn Liên Khu 5 ở Đà Nẵng, Thu Bồn muốn đi nhưng L.B.H không cho vì bận đi bán lịch, không theo được. Thu Bồn nói với tôi, tôi đưa cho anh hai triệu làm lộ phí. Thu Bồn đưa lại, tôi ngạc nhiên.
- Sao? Anh không đi à?
- Bây giờ mang tiền về nhà bả lục lấy hết. Mình hẹn Toàn 5 giờ sáng ở ngã ba Tân Vạn.
Tôi đúng hẹn. Thế là anh lên xe đò ra Đà Nẵng, nhưng chạy đâu cho khỏi, vừa đến nơi thì L.B.H đã đón anh ở bến xe. Thì ra L.B.H đi máy bay ra trước. Cũng may L.B.H là nghệ sỹ nên dễ hòa hợp với bạn bè, khi về L.B.H cảm ơn, nhờ tôi mà dịp này Thu Bồn – L.B.H về quê Điện Bàn thăm mồ mả tổ tiên cha mẹ, về Tam Kỳ thăm chị, về Hội An thăm anh.
Năm 1995, nhà văn Ngô Thảo đương kim Phó Tổng Thư Ký Hội Sân Khấu Việt Nam vào tổ chức Trại sáng tác ở Đà Lạt. Một đoàn hai xe, có cả vợ chồng họa sĩ Lâm Triết - Kim Minh, đến La Ngà mua một con cá lăng 10kg lên Đà Lạt làm chả cá và nấu cháo. Trời chiều se lạnh, cả đoàn cùng làm, cùng ăn, tiếng cười nói râm ran vui như Tết. Ăn xong lên xe đi dạo Đà Lạt đêm, trời lạnh 8oC, sương mù dày đặc. Đến khuya các bà vào phòng, cả đám đực rựa nhậu tiếp. Thu Bồn sực nhớ:
- Hồi chiều hình như còn nồi cháo!
Thế là anh xuống nhà bếp bật gaz hâm nóng, đem lên mỗi người một tô húp sùm sụp, ai cũng khen ngon.
- Ủa! Cháo gì mà không thấy gạo?
Nghe ồn ào, mấy bà chạy ra. Trời ơi! Các ông ăn nhằm nồi nước rửa dao thớt, còn cháo để trong tủ kia kìa! Thế là hỡi ơi, người nào cũng nói tôi mới húp có một tô. Cũng trong đêm này, Thu Bồn viết về Đà Lạt: Những dòng thác trắng tuổi thơ/ Chập chờn suy tưởng… bất ngờ thông reo/ Cuộc chơi tìm những cheo leo/ Ta hôn em giữa lưng đèo gió mây…
Những năm sau đó Thu Bồn ẩn cư vùng suối Lồ Ồ. Thế là một nhóm bạn quần tụ với nhau. Có Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trịnh Công Sơn, Phùng Quán, vợ chồng Lâm Triết - Kim Minh…
Những năm cuối đời, sau cơn tai biến Thu Bồn không còn uống rượu được nữa, nhưng thỉnh thoảng buổi chiều sau khi xong việc tôi cũng đến với anh. Anh ngồi nhìn tôi uống một mình. Hai đứa cũng ít nói, chỉ nhìn nhau.
- Toàn ơi, cái tay của mình giờ nó khờ, mình bốc chỗ này mà nó trúng chỗ kia.
Có hôm tôi và anh ngồi trầm ngâm nghe tiếng chuông chùa.
- Anh Thu Bồn! Ở đây sao nghe tiếng chuông chùa buồn quá!
- Tiếng đau khổ còn chưa nghe, nghe gì tiếng chuông chùa!
Đầu tháng 6-2003 anh vào bệnh viện Nguyễn Trãi. Anh ốm lắm, chỉ còn 37 ký, thế mà L.B.H nói anh 50 ký anh vẫn tin, và anh cũng tin mười ngày nữa là mình hết bệnh về nhà. Anh nằm trên giường bệnh - Toàn nghe mình hát 307. Một cánh tay còn giơ lên theo điệu hát.
19h ngày 17 tháng 6 năm 2003, tại căn nhà tự tay anh xây dựng cạnh suối Lồ Ồ, tôi cạo râu cho anh lần cuối.
Ngô Thảo nói:
- Toàn cạo râu cho Thu Bồn để rồi nó ra lại.
Nhưng không, râu Thu Bồn không bao giờ ra dài nữa. 19h30 anh đã ra đi vĩnh viễn với bao nhiêu thương nhớ của bạn bè và mọi người. Con chim Chơ Rao đã mỏi cánh, con gấu Trường Sơn đã ra đi vĩnh viễn với bao khắc khoải của thế nhân.
Khi xây mộ Thu Bồn, tôi có ý kiến khắc lên dòng chữ:
“Ta là con bò mang chiếc ách
Để muôn đời tiếng rống vẫn còn cong”
Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, người bạn thân thiết của Thu Bồn thì muốn:
Bao năm gối núi đầu hóa đá
Tiếng hát từng rung Ngũ Giác Đài,
Bao năm xa xứ người thương nhớ
Trăng sáng mà em áo vẫn cài.
Nhưng các bạn Nguyễn Quang Sáng, Ngô Thảo, Nguyễn Duy thì có ý kiến hãy để Thu Bồn về với đất, về với cỏ cây, nên đã khắc trên mặt sau bia mộ
Rồi mai mưa gió qua đây
Anh còn ở với cỏ cây… em về.
Tháng 6-2009
Nguyễn Tiến Toàn
Theo https://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...