Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

Hợp đồng uống rượu với nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Hợp đồng uống rượu 
với nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Ở trên đời này có một nhà văn viết truyện ngắn và có một độc giả là một nhà doanh nghiệp đọc thuộc lòng truyện ngắn ấy không sót một chữ. Nhà văn đó là Nguyễn Quang Sáng và độc giả đó là tôi, Nguyễn Tiến Toàn.
Năm 1992, Hội Nhà Văn Việt Nam tặng giải thưởng văn học cho Nhà văn Nguyễn Quang Sáng với tập truyện ngắn Con Mèo Foujita. Tôi tìm đọc với các truyện ngắn như Bàn Thờ Tổ Một Cô Đào, Tôi Thích Làm Vua, Chiếc Lược Ngà… câu chuyện nào cũng gây cho tôi một cảm nghĩ, một ấn tượng tốt đẹp. Nhưng với truyện ngắn Bài Học Tuổi Thơ, khi đọc xong, buông quyển sách xuống bàn, tôi bàng hoàng ngơ ngẩn vì tính chân thật của câu chuyện, cái giản dị của câu chữ, cái chân thành của tác giả khiến cho tôi đọc đi đọc lại nhiều lần đến thuộc lòng.
Câu chuyện được Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về một cậu học trò bị cô giáo cho điểm không bài luận văn vì em để giấy trắng.
Cô giáo ra đề luận văn “Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố”. Ngày trả bài, có một học trò nộp giấy trắng. Cô giáo cho không điểm, con số không cô cho to bự bằng quả trứng gà. Không phải cho bên lề, mà một vòng tròn giữa trang giấy. Thiệt đấy ba. Chuyện đó ngay ở trong lớp của con chứ không phải con nghe kể đâu.
Cô giáo tức giận hỏi: “Sao trò không làm bài?”. Nó cúi đầu lặng thinh. Tức quá, cô mới quất cây thước xuống bàn cái chát: “Sao trò không làm bài?”. Tới lúc đó nó mới nói: “Thưa cô, con không có ba”. Nghe nó nói, hai con mắt của cô mở tròn như hai cái tô. Cô đứng sững như trời trồng.
Sau này cô giáo và các bạn mới biết em mồ côi cha từ thưở lên ba. Cha em hy sinh ở chiến trường biên giới, mẹ em ở vậy tần tảo nuôi con.
Có người hỏi em: “Sao mày không tả ba của đứa khác?”. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má.
Bạn bè thường phê phán tôi “thật mà thô”. Tôi sống chân thành và thật thà với cuộc đời. Trải lòng sống với mọi người, nhiều khi đến thô thiển.
Vì vậy khi đọc xong truyện ngắn Bài Học Tuổi Thơ của Nguyễn Quang Sáng, câu chuyện này đã để lại trong lòng tôi một nỗi bâng khuâng. Nhất là đoạn cuối, nhà văn đã buông một câu: “Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi, người viết năn là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết”.
Năm 1990, vợ chồng tôi  tìm dến nhà tác giả ở số 194 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thăm anh, cùng với một lít mật ong, trả ơn cho một truyện ngắn hay, nhưng anh không uống mật ong mà uống rượu. Rồi thành bạn rượu với cả Thu Bồn, Nguyễn Duy, Ngô Thảo, người bạn nhậu “bứt” từ thượng tá, đại tá đến thiếu tướng Việt Hùng!
Anh là người thích uống rượu, anh uống rượu từ nhỏ của làng quê Mỹ Luông, An Giang. Ra Bắc anh uống rượu Lúa mới,  cuốc lủi, rồi về Nam anh uống rượu đế Gò Đen, Long An, Bến Tre. Anh nói với tôi: Tao không thích uống bia, sình bụng, còn rượu đế tao sợ lắm uống nhiều tắt tiếng, khàn cổ, có hại sức khoẻ, tao chỉ thích uống rượu Tây. Rượu là thuốc thần kỳ của tao, nó chữa mọi thứ bệnh, tao không rượu không viết được, nghề nghiệp của tao là viết để nuôi sống vợ con…
Một hôm đang uống cùng anh bỗng nhiên anh nói cho tao về, đêm nay tao ráng viết để mai sáng có tiền trả học phí cho con. Tối đó anh đã xong truyện ngắn “Con Ma Da”.
Anh và tôi hợp nhau khi uống, nhịn bạn, không nói cái xấu của người khác. Với anh uống rượu mà nói xấu người vắng mặt rượu sẽ thành thuốc độc. Uống rượu là rượu tình rượu nghĩa, rượu vẫn luôn là liều thuốc thần kỳ! Chưa khi nào tôi thấy anh say, anh luôn luôn giữ tư cách tìm đường về, về một nơi nào đó mà anh muốn về.
Ngày 31/08/1998,  bên bờ sông Hồng, năm thằng đàn ông, Nguyễn Quang Sáng, Ngô Thảo, Nguyễn Duy, Tiến Toàn, Hữu Thỉnh uống từ trưa đến chiều tối. Anh có điện thoại.
Thằng Quang: “Ba ơi má đi cấp cứu”, thế là anh cấp tốc lên máy bay về nuôi vợ.
Anh Sáng cũng bị tai vạ khi uống rượu. Một hôm, Bác Sĩ Phan Quý Nam mời anh chai rượu Chivas 18 năm, mở nắp thơm nồng nàn. Có người tới hỏi:
- Anh nhớ tôi không? Tôi Chợ Mới quê anh, từng ra Bắc vào Nam, nay tôi thương binh…”, rồi anh ta đập cánh tay bằng ống sắt lên bàn cồm cộp, đùng đùng, la lớn:
- Anh phải uống với tôi, tôi với anh là anh em, tôi là thương binh sao anh không uống với tôi?
Bạn ấy cứ la, rồi đến bàn khác cứ thế mà la. Đoàn Minh Tuấn nóng ruột nói với ông Sáng:
- Mày là bạn nó, mày phải giải quyết sao?
Anh Sáng vẫn im lặng.
Tôi bước qua bàn người say, nhẹ nhàng nói nhỏ:
- Anh Sáng không có rượu, rượu của tôi, tôi mời anh một ly và cho tôi trả tiền bàn nhậu của anh.
Người bạn say đứng dậy lẳng lặng ra về. Bà chủ quán bước ra cảm ơn, không tính tiền bàn của người ấy, và bớt 20%  số tiền nhậu của bàn tôi. Bà nói nhờ tôi, không thì quán hết bán!
Anh Sáng là một người cha, người chủ gia đình đích thực, lo toan mọi bề. Vợ anh đau ốm liên miên, các con anh còn nhỏ. Bằng ngòi bút của anh, anh đã nuôi cả nhà, con trai, con gái, con trong, con ngoài, cháu nội, cháu ngoại… Anh yêu thương các con và hiểu con, nhất là Dũng. Nó học không giỏi, nhưng mê đọc sách, đọc ngày, đọc đêm và hai cha con thường chia sẻ nhau về mọi điều trong cuộc sống. Một hôm tôi đi Vũng Tàu đòi nợ,  trên đường về ghé vào nhà anh, cả nhà mời tôi cùng ăn cơm. Dũng nói về âm nhạc và rất yêu âm nhạc, qua câu chuyện tôi biết cháu ao ước có một cây đàn piano để học. May quá trong tay tôi có một cây vàng, tôi đưa luôn cho anh, nhờ anh sắm cây đàn cho cháu. Cảm động về câu chuyện ấy nên sau này, Dũng đã dàn dựng phim Thiên Đường - phim tốt nghiệp khoa Đạo diễn Điện ảnh của cháu tại nhà tôi.
Năm 2000, anh được Giải thưởng Hồ Chí Minh chúng tôi về miền Tây thăm quê anh, xã Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang, có đến thăm nơi chôn nhau cắt rốn của anh, ghé qua thăm mồ mả tổ tiên, cha mẹ anh. Anh đưa tôi qua ngôi trường làng ngày xưa anh học, anh nói sau này anh muốn được đặt tên anh cho một ngôi trường, trường Tiểu Học Nguyễn Quang Sáng. Xuống phà qua Cù Lao Giêng, nằm ở thượng lưu sông Tiền có nhà thờ Cù Lao Giêng. Và cũng chính tại nơi này anh đã tìm ra được một tờ giấy khai sinh để biết chính xác mình sinh ngày 12/01/1932, tháng Chạp năm Tân Mùi.
Năm 2010 tôi có tặng anh một tượng đồng bán thân để kỷ niệm. Anh nói với tôi mai mốt tao chết, sẽ thiêu ra tro và đặt vào pho tượng để tao ở gần bên con cháu. Nhưng tôi nói với anh cũng như đã phát biểu trên VTV1 trong lần phỏng vấn chuyên mục Chân Dung Nhà Văn: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về chiến tranh mà không có hận thù. Tôi muốn sau này trên ngôi mộ của anh có ghi lại dòng chữ đó để mọi người hiểu rõ về anh.
Tôi với anh Sáng là bạn 24 năm, anh đã nhiều lần về làng tôi ở Phú Yên, mỗi năm tôi đều đến dự sinh nhật của anh, năm nay tôi vẫn nhớ ngày nhưng không đi được vì gãy chân, phải ngồi xe lăn. Mồng 6 Tết Giáp Ngọ gọi thăm anh, chưa bao giờ anh nói mình yếu, nhưng lần này anh nói năm nay tao yếu lắm mày! Và đâu biết đây là lần nói chuyện cuối cùng với anh.
Năm 2012, anh nói muốn tổ chức sinh nhật cho bà Phương 75 tuổi, vợ anh. “Tao không muốn mời nhiều người, có vợ chồng mày, nhà Nguyễn Duy, nhà Ngô Thảo và con cháu là đủ. Hẹn đi hẹn lại đôi lần, năm rồi đúng vào ngày chuẩn bị thì chị Phương lại bận…đi cấp cứu”!
Tôi lục lọi tìm lại Hợp Đồng Uống Rượu đã ký với anh trong một bữa nhậu ngày 01/11 năm  2006. Nội dung:
Bên A: Nguyễn Quang Sáng (đã ký)
Bên B: Nguyễn Tiến Toàn (đã ký)
Cùng ký hợp đồng uống rượu với nhau mười năm. Để chỉnh lý hợp đồng cũ đã ký từ năm 2000 đến nay đã được 6 năm.
Sau quá trình thực hiện HĐ hai bên cảm thấy chưa đã thèm.
Nay theo đề nghị của đôi bên, xin gia hạn HĐ dài dài.
Nhân chứng cùng hùa vô uống gồm có:
- Thiên Hà (đã ký)
- Hà Sơn (đã ký)
- Nguyễn Ngọc Thạo (đã ký) kèm câu thơ: Nhậu say lại ký hợp đồng/ Năm mười năm nữa như rồng lộn bay.
Hợp đồng uống rượu với anh năm nào nay đã kết thúc! Tôi không còn được cùng với anh bên những chai Chivas.  
Mới viếng đám tang anh sáng nay, gặp ai chị cũng nói: Lẽ ra tôi đi trước ổng rồi chứ, tôi bị đủ thứ bệnh hết mà!
Thôi, mong chị giữ gìn sức khoẻ để lo cho các con các cháu. Để anh thanh thản ra đi! Các con anh làm theo di nguyện của anh là đưa tro cốt của anh vào ruột pho tượng đồng trên bàn thờ. Kề bên, một chai rượu…
Anh mất lúc 16g15 ngày 13/2/2014. Anh ra đi tôi mất một người bạn nhậu, một người anh kết nghĩa, một người thầy văn chương và trong văn chương anh có một phần đạo nhân, nên cuối đời anh bình an, các con anh được nhiều may mắn. Anh đã ra đi bằng một ly rượu cơm trưa của gia đình, rồi bay lên trời xanh…
Sài Gòn, 14/02/2014
Đêm Nguyên Tiêu Giáp Ngọ
Nguyễn Tiến Toàn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 8 ngày 22/2/2014
Theo https://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...