Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

Tấm lòng Nguyễn Khuyến đối với người dân quê

Tấm lòng Nguyễn Khuyến 
đối với người dân quê
“Đề tài quê hương làng cảnh và đề tài tình bạn song hành trong thơ Nguyễn Khuyến như hai mạch cùng một nguồn, tuy có mạch lớn, mạch nhỏ, nhưng đều là những mạch nước trong vắt nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Đó là cách đánh giá, nhìn nhận của nhà phê bình văn học Đinh Quang Tốn về gia tài thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Nhưng có lẽ còn một “mạch” chảy trong khá nhiều sáng tác của Nguyễn Khuyến. Đó là “mạch” về những người lao động nghèo khổ ở làng quê...
Nguyễn Khuyến (1835 - 1909), là một nho sĩ thành công trên con đường học vấn và hoạn lộ. Ông từng đỗ đầu ba kỳ thi: thi hương (1864), thi hội và thi đình (năm 1871), từng làm ở nội các Huế, làm Đốc học Thanh Hóa, Án sát Nghệ An rồi Biện lý bộ hộ v.v... Có thể nói, Nguyễn Khuyến là một nho sĩ được đào tạo theo khuôn mẫu đạo đức Nho giáo. Với ông, nam nhi phải có nghĩa vụ học hành, đỗ đạt làm quan để thờ vua giúp nước, thực hiện trọng trách “trí quân trạch dân” (vừa giúp vua vừa làm cho dân được nhờ). Nhưng thời ông, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, triều đình bạc nhược nhiều lần dâng nước cho giặc. Là một nhà nho chân chính, coi trọng nhân cách, Nguyễn Khuyến đau đớn nhận ra nếu tiếp tục làm quan là tiếp tay cho giặc. Sau nhiều đắn đo, trăn trở ông  quyết định từ quan về quê ở ẩn để giữ mình trong sạch.
Hầu hết những bài thơ của Nguyễn Khuyến còn lưu truyền lại tới hôm nay là những sáng tác được viết khi ông đã từ bỏ vinh hoa phú quý, sống cuộc đời dân dã, mộc mạc tại làng quê gắn bó với ông từ ngày thơ ấu. Trước Nguyễn Khuyến, nông thôn và cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân được phác họa không phải như một đối tượng để nhà thơ phản ánh mà chỉ đóng vai trò duyên cớ để tác giả bày tỏ đạo lý nên thường là những hình ảnh tượng trưng, ước lệ. Vậy nhưng, những thứ thân thuộc, quê mùa như: ao cá, bụi tre, ruộng vườn, làng mạc, tiếng trẻ bi bô học bài, tiếng ếch kêu vang rền như trống của trẻ nhỏ, tiếng chim ríu rít, vị chua mặn của mồ hôi, vị cay đắng của cơ cực, con “trâu già cọ gốc phì hơi nắng”... đã “đi” vào thơ Nguyễn Khuyến một cách tự nhiên và đã “sống” lại ở đấy. Vì lẽ đó Xuân Diệu gọi Nguyễn Khuyến là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”. Ba bài thơ: “Thu vịnh”, “Thu điếu”, “Thu ẩm” luôn được coi là những sáng tác đặc trưng nhất về mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và mùa thu Việt Nam nói chung. Năm 2008, “Thu điếu” được Trung tâm văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ XX.
Có rất nhiều giai thoại về nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân hậu, sự chan hòa, gần gũi của Nguyễn Khuyến với những người lao động chân chất, nghèo khổ như: khi đi dạo trong làng, gặp những cụ già, ông đã dừng lại mở cơi trầu, mời họ ăn và chuyện trò thân mật. Rồi giai thoại Nguyễn Hoan (con trai cả của Nguyễn Khuyến) làm tri phủ Lý Nhân từng sai nọc lý trưởng làng Vĩnh Trụ (là chú vợ quan) ra đánh vì đón rước chậm trễ, ít lâu sau Nguyễn Hoan về làng Yên Đổ, Nguyễn Khuyến cùng dân làng khăn áo chỉnh tề, cung kính chắp tay vái lạy. Thấy bố, Nguyễn Hoan hoảng hốt nhảy ra khỏi võng sụp lạy: “Con lạy thầy, thầy tha cho con, xin đừng làm vậy”. Nguyễn Khuyến thủng thẳng đáp: “Nghe tin quan lớn về làng, tôi tuy già yếu, cũng phải thân hành ra đón, kẻo quan lại trách tôi vô lễ mà cho mấy roi như lý trưởng làng Vĩnh Trụ thì tôi chịu sao nổi”. Nguyễn Hoan hiểu ý bố muốn dạy mình phải tôn trọng, rộng lượng và gần gũi với người dân, vội xin lỗi và hứa không mắc thói hống hách, nghênh ngang nữa.
Từ bỏ đỉnh cao danh vọng, mũ áo xênh xang để “Trở lại vườn Bùi”, nơi anh khóa Thắng (tên của nhà thơ hồi nhỏ, sau này thi Hội không đỗ đổi thành Khuyến để khích lệ mình) đã sống những ngày thơ ấu, đã hăm hở bước chân vào con đường thi cử, làm quan… song Nguyễn Khuyến không xa rời thực tế. Tấm lòng ông vẫn rộng mở với thiên nhiên bình dị mà nên thơ, lãng mạn, với những người dân quê quanh năm “chân lấm tay bùn” tất bật công việc đồng áng nhưng vẫn đằm nặng ân tình. Sự trở về này chính là động lực để thi tài trong Nguyễn Khuyến có cơ hội phát huy, toả sáng.
Có lẽ, trong nền văn học sử nước nhà chưa có một vị quan tổng đốc nào lại “bình dân” tới mức làm câu đối, câu phúng điếu cho người láng giềng, bà thông gia, anh thợ rèn, chị thợ nhuộm, chị hàng thịt... như Nguyễn Khuyến. Ân tình của ông xuất phát từ đáy lòng nên những cảm xúc tuôn trào thành lời thơ thật tự nhiên, cảm động. Tuy xuất thân từ một dòng họ có truyền thống khoa bảng nhưng gia đình Nguyễn Khuyến rất nghèo. Từ nhỏ ông đã gắn bó với quê hương đồng chiêm trũng nghèo khó nên am hiểu thói quen sinh hoạt, công việc đồng áng của nhà nông. Vì vậy, khi từ bỏ đất kinh kì về lại vườn Bùi, ông dễ dàng hòa nhập, sống như một lão nông nơi thôn dã:
“Cổng reo trẻ đón ông về
Gậy chống già chào, bác đấy à”
(Về nhà)
Chẳng hề tồn tại khoảng cách giữa một người đã từng đạt tới đỉnh cao danh vọng, từng làm quan với người dân lao động mà chỉ thấy chất chứa sự gần gũi, thân thiết, sự cởi mở, đậm đà tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”:
Cách giậu mời ông hàng xóm chén
Chuyện tràn thóc lúa với tằm tơ
(Giải buồn)
“Treo ấn từ quan”, trở về quê sống trong bầu không khí nồng đượm ân tình cùng người dân chất phác, hồn hậu đã xua đi phần nào nỗi đau thời thế, làm dịu bớt tâm trạng thất vọng khi công danh dang dở, giúp Nguyễn Khuyến tìm được sự thanh thản, niềm vui sống từ những điều bình dị:
“Vải chín, bà hàng bưng quả biếu
Cá tươi, lão giặm nhấc nơm chào”
(Ngày hè)
Những khoảnh khắc, dấu ấn khó quên trong cuộc đời Nguyễn Khuyến luôn có sự hiện diện, chúc tụng của bà con thôn quê:
“Anh em làng xóm xin mời cả
Xôi bánh, trầu heo cũng gọi là,
Chú Đáo bên làng lên với tớ
Ông Từ ngõ chợ lại cùng ta”
(Lên lão)
Phải thân thiết, gắn bó lắm nhà thơ mới gọi mọi người xung quanh là “anh em làng xóm”, mới xưng hô bằng những từ  bình dân như “tớ”, “ta”, mới đưa cả tên riêng của họ vào thơ. Xuyên suốt tác phẩm này là niềm vui của tác giả khi ngày lên lão là dịp hội tụ những mối thâm tình. Đây là điều ít gặp trong thơ Nguyễn Khuyến bởi trừ những bài mang âm hưởng trào phúng còn hầu hết sáng tác của ông đều tiềm ẩn nỗi buồn. Có nỗi buồn trào ra nước mắt, nhưng cũng có nỗi buồn sâu thẳm, lay động tâm hồn...
Nguyễn Khuyến vui với cái vui của người dân, buồn với cái buồn của họ và thổ lộ những điều họ mong ước. Nhà thơ vui khi người nông dân có một vụ mùa thắng lợi, cuộc sống no đủ, tưng bừng chuẩn bị đón tết với những phong tục, tập quán đẹp đẽ, ý nghĩa:
“Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng
Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt”
(Cảnh tết)
Nhưng khi họ thất bát, đói khổ thì lời thơ của ông như chùng xuống,  như đẫm lệ xót xa, tê tái:
“Dở trời mưa bụi còn hơn rét
Nếm rượu tượng đình được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xao xác,
Nợ nần năm trước hỏi lung tung”
(Chợ đồng)
Ông đồng cảm, chia sẻ trước nỗi nhọc nhằn, cơ cực của người nông dân khi phải gánh trên vai chồng chất những khó khăn, hoạn nạn. Nào là thiên tai lụt lội hoành hành, nào là sưu cao thuế nặng quan lại thúc đòi, nào là nợ nần “lãi mẹ, lãi con sinh đẻ mãi”... Sở dĩ, Nguyễn Khuyến hiểu đến “chân tơ kẽ tóc” bộn bề lo toan thường trực của người dân quê vì chính bản thân ông cũng trải nghiệm thử thách như họ:
“Quai mễ Thanh Liêm đã lở rồi
Vùng ta âu cũng lụt mà thôi
Gạo dăm ba bát cơ còn kém
Thuế chỉ vài nguyên dáng vẫn đòi
... Đi đâu cũng thấy người ta nói
Mười mấy năm nay cát lại bồi”
(Nước lụt Hà Nam)
Biết bao ân tình gửi gắm qua hai chữ “vùng ta”! Trái tim thi sĩ rung lên cùng nhịp đập trái tim người lao động nghèo khổ khiến giọng thơ trở nên bi thiết. Ông suy tư trước lo lắng của những người phải chạy ăn từng bữa, phải cân đong đo đếm từng xu:
Năm nay cày cấy vẫn chân thua
Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa
Phần thuế quan thu, phần trả nợ
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa trầu cau chẳng dám mua
(Chốn quê)
Chú trọng đến canh nông, đề cao lao động sản xuất... là những điều luôn thường trực trong Nguyễn Khuyến. Ông coi đó là nghiệp lớn, là “chí” không chỉ của thời mình: “Trăm năm dù đến bao giờ. Nếp phong quang cũ không mờ tấc ly” (Mừng làm nhà riêng ở vườn Bùi) mà còn phải phát huy ở thế hệ sau: “Các con nối chí cha nên biết. Nghiên bút đừng quên lúa đậu cà” (Ngày xuân dặn các con)
Là một danh nho có nhiều trước tác uyên thâm bằng Hán văn nhưng điều đặc biệt là Nguyễn Khuyến dùng chữ Hán để miêu tả sinh hoạt, phong cảnh và con người. Nói như nhà nghiên cứu văn học Kiều Văn thì ông đã “Việt hóa nội dung thơ chữ Hán”. Chất dân gian, quê mùa có cả trong thơ chữ Hán và nhiều bài do chính Nguyễn Khuyến dịch ra thơ Nôm:
“Cày sâu đất mới tốt
Bừa kỹ, cỏ không sót
Bón vào đất thêm màu
Cào rồi, sạch như chuốt
... Quanh năm nay thuận thời
Mới mong mùa lúa tốt
Nào ngờ lúa vừa tốt
Lại mắc ngay nạn chuột”
(Nhà nông tự thuật)
Nhà thơ giãi bày nỗi lòng với người dân quê bằng tất cả sự thương cảm chân thành. Nhưng khi họ ngu muội, lóa mắt trước tiền bạc, bị bọn quan lại mua chuộc, đầu độc thì ông gay gắt phê phán, cảnh tỉnh:
Cậy sức, cây đu nhiều chị nhún
Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!
(Hội Tây)
Nguyễn Khuyến chỉ ra cái sai, cái đáng trách nhằm khơi dậy lòng tự trọng của người dân, giúp họ ý thức được nỗi nhục mất nước. Đó chính là biểu hiện của tình yêu thương, sự gắn bó máu thịt với người lao động, với quê hương. Trong một số sáng tác, Nguyễn Khuyến còn bộc lộ tấc lòng day dứt, tủi thẹn vì chưa làm được gì cho dân, cho nước. Nỗi niềm của ông được người đời sau cảm thông, kính trọng.
“Nguyễn Khuyến đã làm rạng rỡ làng Yên Đổ và quê hương ông. Ông là dòng sông lớn chảy mãi trong văn học, trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Và sự khám phá về ông cũng dường như vô tận” (Nguyễn Hoàng - Báo Nhân dân). Không thể phủ nhận tài năng và nhân cách cao đẹp của Nguyễn Khuyến song thơ và đời ông chắc chắn sẽ còn là nguồn đề tài phong phú đối với lớp hậu sinh...
7/12/2017
Theo https://hanam.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...