Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Thiên Hà, còn đó tuổi tình yêu

Thiên Hà, còn đó tuổi tình yêu
Vậy là sau “Gió về miền xuôi” (Thơ) NXB Văn Nghệ ấn hành cuối năm 2004, Thiên Hà lại cho in tiếp “Huyền thoại tình yêu” (Thơ) NXB Thanh Niên phát hành tháng 4-2006. Trong vòng 15 tháng một tác giả đã cho xuất bản liền 2 tác phẩm Thơ, đủ thấy một nội lực sung mãn, một tình yêu thơ lai láng của một nhà thơ dù đã bước sang tuổi lục tuần.
Thật ra không phải Thiên Hà mới làm thơ, viết văn mà tiểu sử văn học của anh bắt đầu từ năm 1962 với truyện ngắn đầu tay “Mình nỡ quên sao” (Giải thưởng truyện ngắn báo Tiếng Chuông), “Tiếng hờn” (Thơ - 1963), “Khoảng tối sau lưng” (tập truyện ngắn 1965), “Cuối đường” (tiểu thuyết đăng báo 1966 ), “Quê hương ta đó” (Trường ca 1973), “Mặt trời phương đó” (truyện vừa 1973)… Hành trình bút mực của Thiên Hà trải qua nhiều đoạn khúc quanh co của cuộc sống, nhưng tình yêu thơ của anh thì cứ thẳng băng như đường chân trời.
Đêm tháng ba trời nóng không ngủ được, tôi ngồi lần giở những trang thơ “Huyền thoại tình yêu” của người bạn già mà hai đứa chơi với nhau từ thuở tóc hãy còn xanh, để xem bạn mình bây giờ dong ruỗi đến đâu trong cái cõi thi ca bất tận đó? Vì sao lại huyền thoại tình yêu? Phải chăng vì tình yêu luôn là một cái gì đẹp nhất, nồng nàn say đắm nhất, đến nỗi đôi khi ta ngỡ như đó chỉ là một giấc mơ thôi, một chuyện hoang đường mà ta chỉ nghe ai đó kể lại thôi. Bốn mươi bốn năm bạn bè đi cạnh đời nhau nhưng có khi tôi thấy Thiên Hà gần, lại có lúc thấy Thiên Hà xa. Ông ấy thấp thoáng, mơ hồ giữa cái không và cái có, giữa xa xôi và gần gũi, bềnh bồng nhấp nhô, lúc ẩn lúc hiện trên dòng sông cuộc sống.
Vậy là sau gần nửa thế kỷ đã trôi qua rồi, bây giờ bạn mình còn xưng tụng tình yêu đấy ư? Tôi đọc bài Nụ hồng cho người tình cô đơn: “Em sương khói pha lê huyễn hoặc/ nhẹ gót liêu trai len lén qua hồn/ trong cõi rất đêm bơ vơ/ rất ngày lạc lõng/ ngẩn bước nhân gian không biết chốn tận cùng…”. Hơn 40 năm chật vật đã đi qua trên đời người bạn, vậy mà tình thơ của Hà vẫn mượt mà như mới hôm qua, thuở hai đứa chân ướt chân ráo mới bước đến đất Sài Gòn đi tìm cho mình một mộng tưởng tương lai. Có một tình yêu khói sương mà dữ dội vậy sao?
Có một quãng thời gian khá dài, vì cuộc sống riêng, chúng tôi không có dịp gặp lại nhau dù hai đứa, người nọ vẫn biết người kia đang sống ở thành phố này. Khoảng thời gian ấy Thiên Hà chuyển sang nghề báo (Báo Công an Thành phố). Từ tính cách một nhà thơ mà Hà bấy giờ lại đi vào một lĩnh vực khác, làm phóng viên lao vào những trận địa nóng bỏng. Tôi hơi ngạc nhiên. Và bao năm qua, không hề thấy Hà có một bài thơ, viết một truyện ngắn nào trên các báo. Tôi nghĩ: chuyện thơ phú một thời tuổi thanh xuân ở Hà chắc đã sớm chấm dứt để mở đầu cho bước đi vào con đường vốn gai góc của nghề làm phóng sự điều tra của một tờ báo chuyên ngành.
VẪN CÒN MÃI TUỔI TÌNH YÊU
Đất Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh cũng đâu có rộng gì lắm, thế mà mấy mươi năm nay chúng tôi không mấy lần gặp nhau. Người bạn phóng viên thì luôn dong ruỗi tác nghiệp trên muôn dặm đường xa. Mọi chuyện rồi tưởng như chẳng có cơ hội nào để hai đứa có thể ngồi lại bên nhau hàn huyên như một thời trai trẻ đã qua…
Nhưng, đùng một cái, cuối năm 2002 người bạn xưa Thiên Hà lại lù lù xuất hiện, tay ôm thơ đi tìm tôi. Hà bảo rằng, nay đã nghỉ hưu rồi, và khi việc công đã xong thì việc tư lại tiếp tục. Việc tư tức là thơ, tức là cái việc mà thuở đầu đời anh đã tự chọn cho mình như một mộng ước tương lai…
Nhìn người bạn nay đeo kính hai tròng, tóc cắt gọn nhưng đã thấy ánh lên những sợi bạc, mặc áo có nhũng riềm hoa văn theo phong cách đồng bào dân tộc, mắt cười tinh nghịch, một Thiên Hà vừa già lại vừa trẻ, vừa nghiêm nghị lại vừa đùa cợt hiện ra trước tôi.
“Anh làm thơ là anh còn cô độc/ Nhớ thương nhiều mà nhớ thương ai/ Dung nhan đó tưởng chừng xa lạ/ Đối diện rồi sao vẫn chưa hay!”. Một khổ thơ trong bài “Độc thoại” của Hà sao lại giống cái cảm xúc của tôi khi gặp lại anh, cái gã “ thiếu niên tóc bạc ” đang đối diện với mình sao vẫn ngỡ như đó chỉ là giấc mơ không thật có.
Có người nói già rồi làm thơ tình hơi khó nên một số ít chuyển sang Đường thi “ngâm vịnh”. Riêng Hà, anh vẫn thủy chung với thơ tình vì nơi ấy ví như chiếc nôi ấm tình yêu đung đưa trái tim giữa dòng đời bên ngoài ồn ào gió bụi. “Kim ơi! Kim ơi! Trời vào hạ/ Bây giờ chúng mình yêu nhau chưa/ Anh gọi tên em cho đỡ nhớ/… Kim ơi! Kim ơi! Trời vào Thu/ Hàng me rưng rưng sầu xõa tóc/ Tóc em hay những hạt sương mù”. Gọi tên một người mình yêu chỉ để bớt nhớ nhung, ôi nghe sao mà buồn! Bao giờ đối với người mình yêu mà lại chẳng thế? Cô ấy đi xa với cuộc đời riêng nào đó và không chừng đã quên mất ta rồi. Nhưng có sao đâu, ta vẫn yêu cô ấy, vẫn đoài đoạn với bóng hình cô ấy qua mấy nẻo xuân thu, qua mấy nẻo lá me rơi rụng, mưa mù xôn xao…
Kể cũng lạ, trên đời này vẫn còn có một Quận chúa để Hà dành trọn một bài thơ cho nàng: “Từ em giọt nắng long đong/ Sương pha màu sữa bềnh bồng thời gian/ Sài Gòn mùa thu không vàng/ Mong manh sợi nhớ trên tàn me xanh/ Huế ơi còn gợi chút tình/ Ngẩn ngơ giữa chốn cung đình hư vô”.
Trái tim Hà còn tốt quá và những rung cảm của anh vẫn còn âm vang như tiếng gió, tiếng sóng, ngày đêm chuyển động trên biển ngàn khơi. Tôi thích những trái tim còn biết ngân nga điệu sóng bổ gành…
Vậy đó, bao năm xa rồi lại gặp, bao năm ngỡ bạn sần chai vì cuộc sống thì bồi hồi sao, trái tim bạn vẫn còn một chút than hồng đủ để gầy một bếp cơm chiều ấm áp. Tôi muốn được chia sẻ cùng Hà bữa cơm chiều đạm bạc ấy mà gần nửa cuộc đời hai đứa mới có dịp tái ngộ bên nhau. Bữa cơm “Huyền thoại tình yêu” trong tuổi hoàng hôn vậy mà vẫn còn thơm sao mùi lúa mới trổ đòng đòng…
Trương Đạm Thủy
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...