Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Mộng Giác
I.
Bạn đọc cả nước - nhất là những ai quan tâm đến lịch sử và tiểu thuyết lịch sử - hẳn đã biết Nguyễn Mộng Giác (NMG) là tác giả bộ tiểu thuyết trường thiên “Sông Côn mùa lũ” (SCML) 4 tập, 2000 trang viết về thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ (NXB Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 1998). Trước năm 1975, ông là giáo sư dạy văn nổi tiếng ở Sài Gòn và đã là tác giả của nhiều tập truyện dài. Ông hiện định cư tại Mỹ. Khi SCML ra đời, tôi chưa hề quen biết ông, cũng không phải nhà phê bình chuyên nghiệp, nhưng có dịp được đọc sách, lại đang cư trú trên vùng đất còn in dấu nhiều di tích thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ và biết ông là em rể một nghệ sĩ nhiếp ảnh họ Nguyễn Khoa quen biết, tôi đã đánh bạo viết bài phê bình (Tạp chí Sông Hương - số 4/2000). Đang mong có dịp gửi ông bài viết, càng mong được gặp ông để “tranh cãi” thì vào những ngày Huế đang rộn ràng chuẩn bị cho Festival 2002, tôi nghe ông gọi điện, không phải từ Mỹ, mà từ căn nhà nhỏ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh họ Nguyễn Khoa ở “thôn Vĩ”. Thì ra ông vừa về thăm Huế và đã đọc bài phê bình của tôi.
Cứ tưởng ông đã già lắm, hóa ra ông còn kém tôi một tuổi (ông sinh năm 1940), tuy mái tóc hoa râm đã chớm hói. Với nụ cười chúm chím rất dễ gần, ông nhanh nhẹn bắt tay tôi và chúng tôi “vào chuyện” ngay, không chút khách sáo.
- Phê bình sách của anh mà chưa có dịp hỏi anh SCML đã được sáng tác như thế nào?
- Hồi tôi viết cuốn sách ấy đời sống còn cơ cực lắm. Sáng, 6 giờ dậy đạp xe đi làm công trong tổ hợp mì sợi Dân Sinh ở Phú Lâm, mang theo một “ăng-gô” gạo kèm ít “chao”, bắc sẵn bên lò mì, 12 giờ trưa nghỉ ăn xong là cắêm cúi ngồi viết đến đầu giờ làm chiều. Trên đường về lại Thị Nghè, chở mì đi bán. Tối về đến nhà, 9 giờ lại ngồi vào bàn cho đến 12 giờ khuya. Suốt mấy năm như thế, bắt đầu viết từ 1978 đến 1981 thì xong. Tôi có thói quen là làm đề cương rất kỹ lưỡng, còn khi viết, bản thảo rất sạch sẽ, ít sửa chữa. Cũng phải nói là may có niềm say mê văn chương và quyết tâm viết bộ SCML như là một món nợ phải trả cho quê hương, tôi mới sống qua được những tháng ngày gian lao đó...
- Thế vì sao anh lại phải ra đi?
- Để tôi kể nốt... Viết xong, tôi đến gặp anh Hà Mậu Nhai, Giám đốc Nhà xuất bản “Văn nghệ T.P. Hồ Chí Minh”, trình bày công việc của mình. Anh Hà Mậu Nhai rất hoan nghênh, nhưng khi thấy chồng bản thảo dày hơn cả gang tay, tính phải dùng một số lượng giấy quá lớn giữa lúc đất nước còn nhiều thiếu thốn, anh bảo tôi tạm cất giữ, chờ một thời gian sau...
- Theo tôi biết, anh Hà Mậu Nhai là một người rất dễ chịu.
- Vâng. Anh ấy là người rất tốt bụng. Anh khuyên tôi nên đánh máy bản thảo để phòng bản gốc thất lạc và tạm ứng cho tôi 500 đồng, sau khi ký hợp đồng đặt tôi viết bộ truyện thời Tây Sơn...Nhưng một người tốt không thể xoay chuyển được thời cuộc. Gạo không đủ ăn, sách viết ra không in được, con cái chẳng có tương lai gì...; với tôi, thế là đường cùng, đành phải ra đi...
- Chuyến đi hẳn là phiêu lưu...
- Vâng! Vậy nên bản thảo chưa đánh máy được, tôi không dám mang theo. Mấy năm sau, có điều kiện bảo lãnh nhà tôi sang, nhà tôi mới đem bản thảo SCML qua.
Vậy là để có bộ tiểu thuyết đồ sộ SCML hôm nay, phải “tính công” cho cô gái Huế Nguyễn Khoa Diệu Chi. Chuyến này, chị về cùng NMG, nhưng tiếc là tôi không gặp được để hỏi chuyện. Chị vừa đi thăm bà con, bạn bè. Trở lại chuyện phê bình SCML, tôi hỏi Nguyễn Mộng Giác:
- Bài tôi viết về “Sông Côn mùa lũ” (*), có điều gì làm anh khó chịu không?
- Bây giờ ít người chịu đọc những bộ sách dày như thế, có được người đọc kỹ như anh là mừng rồi. - NMG nhỏ nhẹ và từ tốn tránh trả lời trực diện, nhưng một lát sau, ông nói tiếp - Anh có phê bình là tôi dành quá ít trang miêu tả những chiến công hiển hách của Nguyễn Huệ, nhưng tôi nghĩ, về các trận đánh này, nhiều cuốn sách đã viết rồi; tôi muốn miêu tả khía cạnh khác, ví như thái độ của người dân trước những biến động lịch sử... Do đó, trong SCML, bên cạnh các nhân vật có thực của lịch sử, tôi đã xây dựng tuyến nhân vật hư cấu của đời thường - những nhân vật vô danh ( không có tên trong lịch sử), nhưng cũng là nhân vật chính, với rất nhiêu tâm huyết, tiêu biểu là cô An...
Tôi muốn được nghe ý kiến của ông nên không trình bày lại các nhận xét của mình. Thực ra thì số trang nhiều ít chưa phải là điều quyết định. Tôi chỉ tiếc là người anh hùng Nguyễn Huệ qua những trang miêu tả chiến trận chưa thấy “bay lên” cho xứng với một thiên tài quân sự...Hình như lúc này ông cũng chưa định bàn sâu về tác phẩm của mình mà muốn nói đến vấn đề có tính khái quát hơn:
- Anh có nhớ bài của ông Trần Thanh Đạm nói về “vĩ mô” và “vi mô” trong sáng tác đăng trên báo “Văn nghệ” số Tết vừa rồi không ? Theo tôi, tiểu thuyết chủ yếu là vi mô, qua cái vi mô mà làm nổi bật những điều bản chất của cái vĩ mô. Bản chất của tiểu thuyết là “thế sự”, dù là tiểu thuyết lịch sử. Một cuốn tiểu thuyết lịch sử chỉ minh họa lịch sử, từ đầu chí cuối chỉ toàn các vua quan âm mưu tranh giành quyền lực, còn đời sống người dân thế nào, biến cố lịch sử đó ảnh hưởng đến họ ra sao, tác giả không quan tâm; tôi cho cuốn sách đó không phải là tiểu thuyết đúng nghĩa...
- Bên anh vẫn có báo “Văn nghệ” đọc thường xuyên à?
- Vâng. Nhiều loại sách báo trong nước được chuyển sang bán bên đó...
- Như tờ “Văn nghệ”, anh phải mua bao nhiêu?
- Ba đô-la.
- Thế anh đã đọc tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” chưab? Theo tôi, đây là một cuốn sách hay.
- Tôi đọc rồi. Theo tôi, cuốn ấy vẫn nặng về “vĩ mô”. Tiểu thuyết “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi, tập I thành công hơn vì chủ yếu là “vi mô”. Hay như “Con đường đau khổ” của Alexei Tolstoi, phần “Hai chị em” chủ yếu là “vi mô” nên thành công hơn hai tập sau.
- Hình như anh vẫn trung thành với cách viết “cổ điển”, truyền thống?
- Tôi biết có người nêu vấn đề: Lịch sử như cái đinh đã đóng vào tường; người viết tiểu thuyết lịch sử có thể tùy thích “treo” vào đó những bức tranh của mình. Tôi thì quan niệm người viết tiểu thuyết lịch sử phải tôn trọng những gì đã được ghi vào lịch sử. Còn về cách viết thì lớp chúng tôi, hồi những năm sáu mươi đã học theo các trào lưu “cách tân” ở châu Âu nhưng thấy không đến đâu. Hình như một số bạn trẻ ở trong nước hiện nay đang dẫm lại vết chân lớp bọn tôi bốn chục năm trước.
- Tôi nghĩ là các kiểu cách tân về hình thức đều có cái lý của nó. Nếu như cứ theo cách kể chuyện có đầu có đuôi theo trình tự thời gian thì để viết một cuốn tiểu thuyết ôm trùm khoảng không gian rộng lớn trong dăm chục năm thì biết mấy trang cho vừa?
- Làm sao có thể miêu tả được tất cả. Mỗi tác giả chỉ lựa chọn những gì soi sáng cho tư tưởng của tác phẩm. Nếu tôi không nhầm thì tiểu thuyết Việt Nam ít có tác phẩm gây tiếng vang lớn vì thiếu sức nặng của tư tưởng.
- Chắc anh còn nhớ rằng tôi cũng đã nêu vấn đề “tư tưởng của tác giả và tác phẩm SCML không thật rõ”. Có đúng là tác giả chưa tiện viết hết những suy tưởng của mình?
- Có phần như thế. Như đã nói với anh, tôi hoàn thành tiểu thuyết năm 1981 tại Sài Gòn, khi đất nước chưa “đổi mới”...
- Mà thời nào cũng vậy, nhà văn dám đặt ra những vấn đề tư tưởng táo bạo đều rất dễ đụng chạm...
- Nói đến vấn đề này thì tôi cho rằng “thiên hạ” đã phóng đại vai trò và ảnh hưởng của nhà văn. Nói ảnh hưởng đến quần chúng thì một ngôi sao ca nhạc xuất hiện, có hàng vạn người hưởng ứng, chứ nhà văn thì nói mấy ai nghe! Có một điều nên suy nghĩ là nhà văn nào nổi bật nhờ sự khác biệt của chế độ chính trị thì thường không bền. Như Alexandr Soljennitsyn (nhà văn Nga, giải Nô-ben 1970), sau khi về nước và nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ thì phương Tây hầu như không còn ai nhắc đến ông nữa!
- Hẳn là ông cũng muốn nói rằng, một số cây bút trong nước lâu nay được nơi này nơi kia ở phương Tây đề cao, chưa hẳn là đã có giá trị văn học và có sức sống lâu bền?
- Tôi chỉ nêu vấn đề để cùng suy nghĩ thôi, còn việc đánh giá phải căn cứ vào từng tác phẩm của từng tác giả...
- Thôi, ta trở lại chuyện “vi mô”. Xin hỏi anh một câu có tính riêng tư: Giá hồi ấy cuộc sống thoải mái như bây giờ thì anh có “ra đi” không?
- Như bây giờ thì đi làm gì. Không chỉ vì đời sống vật chất nâng cao. Dạo qua mấy cửa hàng sách ở Sài Gòn, tôi thấy mừng quá. Sách khảo cứu muốn loại gì cũng có, lại in rất đẹp.
- Chỉ tiếc là số lượng in quá ít.
- Chúng tôi bên Mỹ còn khó khăn hơn. Sách in ba trăm, dăm trăm bản là chuyện thường. Người viết phải bỏ tiền in, phải lo phát hành...
- Vậy anh làm gì để sống?
- Tôi làm cho một hãng quảng cáo đã mười năm nay. Còn làm văn chương thì chỉ tốn thêm tiền thôi.
- Nói như anh, bộ tiểu thuyết SCML khi in bên đó, anh đã phải bỏ tiền ra?
- Tôi làm gì có đủ tiền. Chỉ riêng tiền đánh máy đã hết 5000 đô la. Hai người bạn ở Nhà xuất bản An Tiêm bỏ ra 25.000 đô-la in giúp, sách bán từ năm 1991 đến nay mới hết. Vậy nên tôi rất mừng khi sách được in trong nước và nay sắp tái bản. Ở Mỹ, người làm kinh doanh ai dại gì bỏ vốn mười năm mới bán hết sản phẩm! Nhưng với mình, văn chương là cái “nghiệp” nên cứ phải theo đuổi. Tôi còn làm tờ tạp chí “Văn học”, làm không công và người viết bài cũng không có nhuận bút. May là tiền bán báo vừa đủ tiền mua giấy và công in. Tôi hình dung là sau này việc in sách báo bằng tiếng Việt ở nước ngoài sẽ càng khó khăn hơn vì các thế hệ tiếp nối chủ yếu đọc bằng tiếng Anh.
- Nhưng chắc là anh vẫn đang tiếp tục viết tiểu thuyết?
- Vâng. Tôi đang soạn bộ tiểu thuyết về cuộc đời mấy gia đình người Việt định cư ở nước ngoài...
Cuộc trò chuyện đã dài. Tôi biết NMG còn “chương trình” đi thăm Hoàng Phủ Ngọc Tường và Bửu ý... Chúng tôi bắt tay tạm biệt. NMG tiễn tôi ra ngõ và vẫn với nụ cười mỉm hiền lành. Mong là ông sớm hoàn thành tác phẩm mới và mong sớm được đọc nó, dù biết rằng cuốn sách ông đang viết rất dễ “đụng chạm”. Nhưng chẳng lẽ cuộc đời thăng trầm của hàng triệu người dân Việt đang định cư ở nước ngoài không đáng là đề tài cho nhà văn và bạn đọc cả trong và ngoài nước quan tâm hay sao?
II.
Lần này, tác giả bộ trường thiên tiểu thuyết viết về thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ "Sông Côn mùa lũ" (SCML) trở lại thăm nơi vua Quang Trung lên ngôi khi Huế vừa sang thu. Nước sông Hương do những trận mưa đầu mùa trên đại ngàn cuốn đất bùn con đường lớn Trường Sơn vừa xẻ rộng tràn về, không còn trong xanh như dịp ông về thăm Huế mùa hè hai năm trước, nhưng Cố đô qua hai kỳ Festival, nhiều khu phố được tôn tạo, khang trang hơn nhiều. (*)
Vẫn trong căn nhà nhỏ của ông anh rể - một nghệ sĩ nhiếp ảnh họ Nguyễn Khoa, lần này, do đã hiểu biết nhau hơn, chúng tôi trò chuyện thân mật như đôi bạn đồng nghiệp gần gũi, chứ không hề cảm thấy sự xa cách của hai người ở hai phía địa cầu, càng không phải đề phòng, giữ ý vì Nguyễn Mộng Giác (NMG) là nhà văn-Việt kiều-lưu vong, còn tôi là nhà văn-Việt cộng. Chẳng phải là sự "hòa tan" trong "hòa nhập" như nhiều người lo ngại mà hóa ra con người ta, nhất là cùng một dân tộc, dù chính kiến khác nhau, vẫn có nhiều điểm gặp nhau, nhiều điều chung với nhau lắm (mà chẳng phải khoa học đã chứng minh bản đồ "gen" của con người 99,9% là giống nhau đó sao?). Hình như xưa nay chỉ vì quá nhấn mạnh đến sự dị biệt, độc tôn mới sinh ra lắm chuyện! Lần gặp này tôi mới biết tuổi thơ của anh cũng trải qua những cảnh y hệt tôi đã chứng kiến ở quê tôi (Hà Tĩnh) nửa thế kỷ trước. Phải, anh sinh năm 1940, chỉ kém tôi một tuổi và Bình Định quê anh là vùng tự do như Khu Tư của tôi trong chống Pháp nên tuy còn tuổi học sinh, chúng tôi đều được tổ chức cho học tập kiểm điểm tự thú những hành vi tư tưởng hủ bại "mất lập trường giai cấp", như có anh chàng muốn được tiếng là "thành khẩn" đã tự bịa ra việc mình đã...hiếp con gái một nông dân!...
Thật đúng là chuyện "đời xưa"! Nhưng con người ta làm sao cắt đứt được với quá khứ, nhất là khi nó gắn với bài học đắt giá do "sao chép nguyên bản" lối hành xử của nước ngoài. (Và tiếc thay, đâu phải chuyện xưa, trong đời sống xã hội hôm nay, cả trong lĩnh vực văn nghệ, cũng còn không ít người sùng bái và ưa chuyện "cóp-pi" đồ ngọai quốc.)
Nhân đây, xin nhắc một chút "sự cố" khi tôi viết bài kể lại cuộc gặp NMG lần đầu cho...vui. Nghe nói, sau khi bài đăng trên "Sông Hương", trong một cuộc họp nào đó, có người phê phán tác giả "mất lập trường" khi nhắc chuyện nhà văn thiếu thốn khó khăn sau ngày giải phóng nên phải "vượt biên", đã thế lại có ý đề cao NMG! Tôi "tự kiểm điểm", lại thấy mình và cả NMG nữa, đã "quá lập trường"...Để "thử" xem mình nghĩ sai hay đúng, tôi bèn gửi bài cho tờ "An ninh thế giới" cuối tháng, một tờ báo có rất đông độc giả vì tin rằng báo của Bộ Công an thì hẳn là "vững lập trường". Bài được đăng nguyên vẹn, chỉ bị sửa cái đầu đề.
(Gọi là chuyện vui nên xin được lan man một chút. Tôi chẳng dám khoe là mình hay ho đúng đắn gì, vì gần đây nghe nói có mấy tờ báo cũng thuộc loại "rất lập trường" đăng bài của Nhật Hòa Khanh viết về nhà thơ Tố Hữu, bị chính phu nhân nhà thơ lên án công khai trên tờ "Văn nghệ" của Hội Nhà văn Việt Nam! Chuyện "lập trường" trong văn nghệ, báo chí của mình nó "linh động" nó "vui" như vậy đó. Kể ra như vậy cũng hay. Văn nghệ và báo chí là tiếng nói của quần chúng bách tính kia mà! Còn lãnh đạo thì tất nhiên phải có định hướng. Có điều, nói nhỏ thôi nghe, hình như những năm qua, cái "hướng" hơi mù mờ và luôn thay đổi thì phải, khiến quần chúng chẳng biết đâu mà theo. Ví như mới nghe phê phán quan niệm "mèo đen mèo trắng" gì đó, nhưng rồi nhiều việc lại đi theo người ta. Với ông "Ốp", ông "Ép" nào đó cũng như vậy thôi! Có kẻ bảo rằng: "Thân phận nhược tiểu đành phải vậy thôi!" Ý kiến loại này hẳn là đáng phê phán...)
Cũng lại nghe nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên nói rằng, do bài báo tôi vừa kể "quá lập trường", lại đăng trên báo của Bộ Công an, nên NMG bị một số phần tử quá khích bên Mỹ làm rầy. Gặp lại ông, tôi liền hỏi; ông cười, vẫn nụ cười chúm chím rất vui, giọng nhẹ nhõm:
- Chuyện đó có gì quan trọng, anh. Ngay họ thấy SCML được Hà Nội cho phép in nguyên văn, họ đã cho tôi là "thân Cộng" rồi!
Tôi chợt nhớ đến vụ ông Luyện nào đó kiện Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusetts (Mỹ) sao lại trả tiền mời các nhà nghiên cứu "Việt cộng" như Hoàng Ngọc Hiến, Huệ Chi sang Mỹ tham gia đề tài "Nghiên cứu cộng đồng người Việt hải ngoại" mà internet gần đây tung ra, trong đó có người tôi quen biết là anh Nguyễn Bá Chung cũng bị xếp vào loại "thân cộng"... Nhưng một người bà con của tôi ở Mỹ cho biết, số người "ăn thua" theo đuổi loại chuyện "chống cộng" hay "thân cộng" xưa cũ đó rất ít. Đa số bà con, nhất là thế hệ thứ hai đã lập nghiệp, có chỗ đứng trong xã hội Mỹ thì họ lo những chuyện khác quan trọng và thực tế hơn...
- Tôi nghe nói SCML đã được NXB Văn học tái bản...
- Vâng. Để tôi lấy anh xem...À, Diệu Chi...
NMG hướng vào phòng bên gọi "người đẹp" họ Nguyễn Khoa ra chào tôi nhân thể mang sách ra. Tuy đã lên chức bà ngọai, nhưng người cựu nữ sinh Đồng Khánh vẫn còn duyên dáng lắm. Hèn chi NMG sau khi đỗ thủ khoa Đại học sư phạm Huế, về dạy trường Đồng Khánh đã không thể trở về quê hương Bình Định của mình. Chị Diệu Chi bê bộ sách nặng chịch đặt lên bàn, nở rộng nụ cười cởi mở thay lời chào và nói:
- Hóa ra anh là em chị Thiếu Anh...
Một chuyện ngẫu nhiên khiến tôi và chị lần đầu gặp nhau mà như đã quen biết từ lâu. Duyên do là gần chục năm trước, tôi đã giúp chị tôi Nguyễn Thị Thiếu Anh, cũng là cựu nữ sinh Đồng Khánh, in cuốn tự truyện "Tình yêu thuở ấy"; bạn bè của chị tôi mang sách sang Mỹ rồi không hiểu sao đến tay chị Diệu Chi. Cảm động trước việc "bà lão" không quen biết ngồi bán chè chén viết sách kể chuyện Đồng Khánh một thời "cổ tích", (*) chị Diệu Chi bớt chút tiền chợ gửi giúp chị tôi trả tiền in sách.
Người con gái Huế yêu sách, yêu văn chương như thế hèn chi đã cả quyết bỏ lại nhiều thứ thiết yếu khác để dành chỗ chất cả "núi" bản thảo tiểu thuyết SCML sang Mỹ, khi được NMG bảo lãnh qua. (NMG hoàn thành SCML năm 1981 tại TP. HCM, anh Hà Mậu Nhai, Giám đốc NXB "Văn nghệ TP.HCM" hoan nghênh, nhưng hồi đó, khó khăn nhiều thứ, không in được. NMG sợ mất bản thảo trong chuyến đi "phiêu lưu", giao lại cho vợ cất giữ...) Nhắc lại chuyện "ngày xưa", chị Diệu Chi vui vẻ kể:
-... Hôm ra phi trường Tân Sơn Nhất, tôi đóng bộ người nhà quê, chia đống bản thảo ra xếp lẫn  với quần áo và dặn đứa con cùng đi: "Nếu có chi trục trặc, con cứ đi, mẹ phải theo giữ tập bản thảo này". May là khi bị soát hành lý, họ hỏi "cô đem giấy má gì mà lắm thế"; tôi bảo "rỗi rãi, tôi ghi lại cuộc đời đi dạy của mình cho đỡ buồn..."; thế là họ cho qua...
Nhờ đó mà chúng ta mới có SCML hôm nay. Nói cho đầy đủ thì cũng nhờ đất nước đổi mới, nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên trong một dịp sang Mỹ, đọc SCML, nhận thấy cuốn sách "hay và hấp dẫn...đáng mặt là tiểu thuyết theo cái nghĩa cổ điển của từ này" (Lời giới thiệu SCML), đã quyết định mang về in tại Việt Nam. Bộ tiểu thuyết 4 tập, lần in này gộp thành 2 cuốn bìa cứng, thật đẹp và sang trọng. Tác giả chắc đã ngắm nó nhiều lần, vậy mà vẫn phải thốt lên:
- Sách Việt Nam bây giờ in đẹp quá!...À, nghe nói anh vừa có cuốn truyện được giải thưởng?
- Vâng. Giải thưởng tổng kết 5 năm, chứ không phải một cuộc thi, có lẽ một phần nhờ viết về "điểm nóng" chống lâm tặc và sự tha hóa của một số cán bộ đảng viên... (**)
NMG chúm chím cười rồi nói, giọng nửa đùa nửa thật:
- Quả là không ở đâu nhà văn được cưng chiều quý trọng như ở Việt Nam hiện nay...
Chắc là thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, anh nhắc lại việc in SCML bên Mỹ cực nhọc như thế nào rồi nói tiếp:
- Mà đâu chỉ riêng tôi,  những nhà văn ở miền Nam trước 1975 nay sống tại Mỹ, nếu không chạy theo thị trường, không chiều nịnh theo lớp người nào cả, thì in được một cuốn sách rất vất vả. Chạy lo tiền in, in xong, gửi bán đến lúc đi thu tiền hay thu hồi sách ế cũng cơ cực lắm. Chúng tôi không bao giờ có ảo tưởng về vị thế, về tiếng nói của nhà văn trong xã hội. Nhưng là một cây bút có lương tâm thì anh hãy viết đúng như mình nghĩ, mình hiểu, không chiều lụy ai hết, không uốn cong ngòi bút vì sức ép nào hết! Hay-dở, đúng-sai ra sao là quyền của bạn đọc, của công chúng...
Tôi chợt nhớ, từ năm 1939, chính nhà nghiên cứu Mác-xít Hải Triều Nguyễn Khoa Văn cũng đã viết: "... Tôi không bao giờ có cái ý nghĩ buộc nhà văn phải theo một khuôn khổ nào hết. Bao giờ và ở chỗ nào cũng thế, nhà văn cần phải có tự do mới có thể sáng tạo được những công trình bất hủ. Gạch ra một con đường buộc họ phải theo là một sự điên cuồng..."(***)
Lại nhớ điều NMG đã nói lần trước về loại nhà văn nổi bật nhờ sự khác biệt chính trị là không bền lâu. Ông cũng đã viết trong Tạp chí "Văn học" (Mỹ) số 109 năm 1995: "Theo kinh nghiệm xưa nay, những tác phẩm đấu tranh chính trị chỉ sống được lâu khi nào nó vượt qua được những giới hạn giai đoạn, đề cập được những vấn đề chung muôn thuở của nhân sinh." Cũng là những điều giản dị như mọi lẽ phải ở đời, nhưng nhà văn cũng là con người, cũng có lúc yếu hèn; lại còn cơ chế xã hội ràng buộc nữa, nên không phải ai, không phải lúc nào cũng thực hiện được...
Chị Diệu Chi cùng người anh trai là nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khoa Quả chào tôi để đi thăm bà con. Tôi nhìn ra con đường qua thôn Vỹ đi lên phía Đập Đá và bỗng chợt nhớ: Nơi chúng tôi ngồi trò chuyện, đi vài chục bước chân là tới ngôi nhà Hải Triều từng ở năm xưa...
Chiều thu Huế sau mấy ngày mưa, nắng vàng dịu tỏa sáng những con đường xanh mướt bóng cây, thật đẹp và yên bình. Tôi cũng rủ NMG đi dạo ngắm đất trời Huế nhưng khi biết vợ chồng anh hồi sáng vừa đạp xe dạo khắp phố xá Huế, tôi chỉ đưa tác giả SCML đến một địa chỉ mà hẳn anh rất thích thú. Đó là ngôi nhà số 4 Hoàng Hoa Thám, nơi Thành phố Huế dành cho giới nghệ thuật gặp gỡ trưng bày những tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh và hiện đang lưu giữ phác thảo tượng đài "Anh hùng dân tộc Quang Trung" sắp tới sẽ được dựng ở núi Bân. Đây chỉ mới là mẫu tượng được xếp loại 1 sau cuộc thi, còn phải tu chỉnh và xét duyệt lần cuối. NMG ngắm nghía pho tượng rất lâu từ nhiều phía nhưng thận trọng không có nhận xét gì. Còn tôi nhìn pho tượng uy nghiêm trên bệ cao dựng lại hình ảnh người anh hùng áo vải đất Tây Sơn ngày lên ngôi hoàng đế từ hai thế kỷ trước, cứ suy nghĩ không biết có sự tương đồng, có mối liên hệ tinh thần (và cả tâm linh nữa) giữa Nguyễn Huệ với người con quê hương Bình Định từ phương trời xa vừa trở về này không? Có, hẳn là phải có; nhà giáo-nhà văn với vầng trán cao, thân hình chắc đậm này ít ra cũng cái bản lĩnh, gan góc dám làm việc lớn, tiếp nối truyền thống của người anh hùng xưa; có thế mới có thể dồn cả tâm huyết viết hàng ngàn trang sách về Quang Trung-Nguyễn Huệ giữa những lúc khó khăn nhất. Với SCML, con người đó đã "sống" cùng Nguyễn Huệ từ tuổi ấu thơ đến lúc Người qua đời, hẳn phải có ý kiến xác đáng về tác phẩm điêu khắc này. Tuy vậy, tôi gặng hỏi, anh chỉ nói:
- Có người nêu ý kiến rằng, khuôn mặt Nguyễn Huệ nên có nét Chàm trong đó. Còn cây kiếm dài quá, không đúng tỷ lệ. Một ông vua trí dũng song toàn như Quang Trung đâu có cần cây kiếm dài mới thể hiện được uy vũ của mình...
Tôi nghĩ NMG khiêm tốn và cũng có thể là anh tôn trọng trí tưởng tượng của nhà điêu khắc về người anh hùng.
Trở lại căn nhà nhỏ ở "Thôn Vỹ", tôi nói đùa với chị Diệu Chi:
- Tôi "trả" anh Giác lại nguyên vẹn cho chị đó nghe!
Chị Diệu Chi lại nở rộng nụ cười cởi mở:
- Anh làm như tôi cai quản ông ấy ghê lắm. Tôi thả cho tự do, nhưng có dám đi mô. Mẹ con chỉ "sợ" nhất là khi ông ấy bắt tay viết tiểu thuyết, nhiều lúc người ngơ ngẩn như mất hồn, bỏ quên cả vợ cả con...
Đáp lại lời "chỉ trích" của phu nhân, NMG chỉ chúm chím cười. Nhân chị Diệu Chi nhắc đến chuyện viết lách, tôi hỏi NMG:
- Thế còn cuốn tiểu thuyết về lớp người Việt định cư ở nước ngoài của anh đã hoàn thành chưa?
- Năm vừa rồi tôi phải mổ cắt một phần lá gan. May mà thoát hiểm...
Lúc này tôi mới để ý nước da anh có phần sạm đi và mái tóc đã bạc thêm so với lần gặp 2 năm trước. Anh cho biết nằm bệnh viện 1 tuần tốn trên trăm ngàn đô-la, nhưng do Công ty Niên giám điện thoại, nơi anh làm việc chi trả. Về cuốn tiểu thuyết đang viết dở, anh muốn được suy ngẫm kỹ càng hơn vì số phận lớp người lưu vong không chỉ dành cho dân Việt. Tôi hiểu là anh muốn cuốn sách của mình "vượt qua những giới hạn giai đoạn, đề cập được những vấn đề chung muôn thuở của nhân sinh" như anh từng viết.
Được biết nay NMG đã nghỉ hưu, đã bàn giao Tạp chí "Văn học" cho người khác sau 19 năm gánh vác trọng trách ở đây. Hy vọng là anh có đủ sức khỏe và thời gian để hoàn thành được tác phẩm đang ấp ủ của mình...
Chú thích:
(*) Xem phần 3, trang... cùng trong tập sách này.
(*)  Được biết Viện Văn học (Hà Nội) có kế hoạch viết bộ "Lịch sử văn học Việt Nam" trong đó có phần nghiên cứu về các nhà văn ở miền Nam trước 1975, xin cung cấp thêm một số tư liệu về nhà văn Nguyễn Mộng Giác - một trong số ít các nhà văn ở hải ngoại có tác phẩm được xuất bản trong nước. TÁC PHẨM VIẾT TRƯỚC 1975 có: 1) Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận, Văn Mới Sài Gòn, 1972); 2) Bão rớt (Truyện ngắn, Trí Đăng, 1973); 3) Tiếng chim vườn cũ (truyện dài, Trí Đăng, 1973); 4) Qua cầu gió bay (Truyện dài, Văn Mới, 1974); 5) Đường một chiều (Truyện dài, Nam Giao, 1974). TÁC PHẨM SAU 1975: 1) Ngựa nản chân bon (Truyện ngắn, Văn nghệ 1983); 2) Mùa biển động (Trường thiên tiểu thuyết, Văn nghệ 1984-1989); 3)Sông Côn mùa lũ (Trường thiên tiểu thuyết, An Tiêm 1990-1991 và Văn học &Trung tâm nghiên cứu 1988, tái bản 2002; 4)Xuôi dòng (Truyện ngắn, Văn nghệ, 1988); 5) Nghĩ về văn học hải ngoại (Tiểu luận, Văn Mới 2004)
(*) Chữ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bài viết giới thiệu tập "Tình yêu thuở ấy".
(**) Tiểu thuyết "Thập giá giữa rừng sâu", NXB Trẻ 2002 được tặng giải A Giải thưởng VHNT "Cố đô" lần thứ ba (1998-2003); trước đó, Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam cũng đã trao tặng thưởng hàng năm cho tác phẩm này.
(***) Tạp chí "Tao đàn" số 2 ngày 16/3/1939.
Trường An - Huế, Tháng 9/2004
Nguyễn Khắc Phê
Nguồn: Tạp chí "Sông Hương" số 189 
và báo "Văn nghệ" số 48, Tháng 11/2004
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...