Văn chương về tình dục:
Có thật "Việt Nam lạc hậu trăm năm"?
Trên báo Tiền Phong ngày 10/3, tác giả Lan Anh trong bài viết
nhân cuộc trao đổi giữa hai nữ nhà văn Việt Nam với một nhà văn Ý về “Văn
chương về tình dục” đã giật “tít” Việt Nam lạc hậu trăm năm.
Kết luận này đúng hay sai, xin dành cho các cơ quan nghiên cứu
văn học. Tôi chỉ xin cung cấp một tư liệu tham khảo.
Năm 1999, tôi được giáo sư Phan Văn Các, Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Hán Nôm tặng cuốn “Hoa viên kỳ ngộ” (NXB Văn học, 1998), tác giả
“khuyết danh” và tác phẩm ra đời khoảng cuối triều Lê, nghĩa là cách đây đã mấy
trăm năm! Trong “Lời giới thiệu” cuốn sách có đoạn viết:
“… Hai chị em Lan Huệ đều say đắm công tử họ Triệu… thậm chí
nhường nhau trong buổi giao hoan cùng chàng rồi cuối cùng “tận hưởng cuộc hoan
lạc trong cõi nhân gian, không còn biết Sinh là Sinh, Lan Huệ là Lan Huệ nữa”… Tác
giả còn để cho Triệu công tử đề nghị hai tiểu thư Lan Huệ kéo cả hai thị nữ
Xuân Hoa, Thu Nguyệt vào cuộc…”.
Lại thử trích một đoạn xem người xưa đã dám miêu tả như thế
nào. Đây là cảnh lần đầu Sinh đến với Huệ:
“… Nói xong, cố sức đẩy Huệ xuống gối. Huệ cũng không cố chống
cự.
Trong đệm phù dung hải đường máu nhuộm, dưới chân phỉ thúy,
đan quế hương bay. Mày ngài liên hồi chớp chớp mặc cho bướm lượn săn tìm, mắt
phượng lim dim mơ màng, không cấm ong bay hút mật. Xiêm màu phấp phới khác nào
mưa trút hoa sen, tóc mây rối bời, hệt như gió thổi cành dương. Thật là một khắc
ngàn vàng…”
Còn đây là cảnh “nhất dạ nhị giao” với cả hai nàng:
“… Hai nàng nhường nhau hồi lâu, Sinh cũng không thể tự chủ được
nữa bèn một tay kéo lấy vai Lan, tay kia mân mê vú Huệ, mặc sức đùa cợt trong
chăn phỉ thúy, tận hưởng cuộc hoan lạc…Nửa đêm, Sinh nói: “Đây quả thật là cuộc
kỳ ngộ, chúng ta nên có thơ ghi lại…”
Các “cụ” ngày xưa cũng ghê thật, hình như bây giờ chưa có nhà
văn nào “chứng tỏ” sự “mới mẻ” của mình bằng cách viết “sex” đến mức vừa “thưởng”
vừa làm thơ như thế!
Chưa hết! Một đêm, sau cuộc xướng họa thơ ca, tác giả đã tả cảnh
“sex” như sau:
“Ca vừa xong thì Sinh kéo Huệ đè xuống. Huệ nói:
- Trăng sáng giữa trời thế kia, sao có thể làm vậy?
Sinh nói:
- Bể biếc trời xanh cũng chiều lòng…
Rồi đẩy ngã vào trong đệm, phỉ sức mây mưa. Xong rồi Sinh lại
kéo Lan, Lan cũng không chống lại. Bắt chước theo hình dáng chim âu, chim vụ,
phỏng học theo tư thái uyên ương, quả là niềm cực lạc trong cõi nhân gian…”
Một tiến sĩ văn học thấy tôi trích dẫn như trên đã hỏi nhỏ:
“Có thật không?...” rồi hỏi mượn cuốn sách. Để “làm tin” xin in hình bìa sách
kèm theo!
Cũng cần nói cho sòng phẳng là do quan niệm ấu trĩ một thời,
nên trong văn chương nghệ thuật mấy chục năm trước “Đổi Mới” hầu như kiêng kị
nói đến “sex”, vốn là một mặt quan trọng của cuộc sống muôn loài; từ đó, nhân vật
trong tác phẩm dễ bị khô cứng, phiến diện.
Tình hình nay đã khác, nếu không muốn nói là “ngược lại”: đó
là xu thế thích thể hiện “sex”, tưởng rằng mạnh bạo viết về “sex” là mới và hiện
đại để rồi cố “chứng tỏ” mình cũng hiện đại chẳng kém gì “nước ngoài” bằng cách
hễ trang viết có cảnh trai gái gặp nhau là ngay sau đó kéo nhau “lên giường” bất
chấp hoàn cảnh, tính cách nhân vật và chuyện “lên giường” có giúp cho tác phẩm
thêm hay, thêm giá trị hay không.
Một nhà văn bản lĩnh và thức thời không nên để bị lôi kéo vào
kiểu “thời thượng” mà dễ dãi như thế, dù với “chiêu thức” đó, sách có thể dễ
bán hơn.
Nói rộng ra, trong văn chương nghệ thuật, phàm đã bị bó buộc
vì “kiêng kỵ” bất cứ điều gì (chứ không chỉ với “sex”) thì đều hạn chế sức sáng
tạo của văn nghệ sĩ; nhưng buông thả, tung mọi thứ lên trang sách, hình vẽ một
cách tùy tiện, dễ dãi thì cũng không thể tạo nên cái ĐẸP, không thể gọi là một
sản phẩm VĂN HÓA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét