Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

Xứ sở nụ cười

Xứ sở nụ cười 

Lạc qua xứ sở nụ cười
Kìa em bốn mặt, mặt người là đâu?
Văn Thảo Nguyên
Khoảng đầu năm 1985 đã râm ran một cuộc đổi tiền. Lớp người đau khổ nhất là dân lao động phổ thông, giới trí thức và tiểu tư sản. “Người hiền tài bơ vơ ngỡ mình chết đuối/ Cả nước lao đao nháo nhác chợ trời.” Rất nhiều người vượt biên, đủ mọi thành phần xã hội, nghèo, hèn, sang giàu, bất mãn. Tôi đã ráng lắm để sống với quê hương xứ sở mình, mẹ tôi nói: “Không sống đâu bằng sống ở Sài Gòn, cái gì nhân loại có là Sài Gòn có, đừng đi nghe con”. Nhưng không đi làm sao được, người dân không đòi hỏi gì, chỉ mong cái soong còn trên bếp, cho nồi cơm còn đầy trong mọi gia đình. Thế nhưng cái cảnh “úp soong” rất thường xảy ra. Mà cái soong úp thì dạ dày teo lại. Tôi không đi cũng không được, nhưng tìm con đường nào để đi đây?
Tiếng đồn ở bên Campuchia làm ăn được. Tôi quyết định đi Campuchia. Cho con học tiếng Khmer, tìm đường dây, tìm những người biết về đất Campuchia. Tháng 5 năm 1985, Đỗ Văn Bảng, bạn tôi, giới thiệu cho tôi nhà thơ Trần Sơn Nam (1), người đã từng lăn lộn với chiến trường Campuchia. Buổi sơ giao không có gì đặc biệt. Anh có cho tôi địa chỉ nhà anh - 93 Triệu Quang Phục, quận 5. Cả tôi và anh đều không ngờ buổi gặp gỡ đó đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của hai người. Chính anh Sơn Nam đã đánh thức nguồn máu thi ca trong người tôi sau mấy mươi năm lịm chết vì cuộc sống. Ngược lại, cuộc đời tôi chính là nguồn thi hứng của anh.
Hai hôm sau, tôi tìm đến nhà anh, trên căn gác. Tôi bước thẳng đến chấn song cửa và đọc mấy câu thơ của Nguyễn Bính: “Từ dạo về đây sống rất nghèo/ Bạn bè chỉ có gió trăng theo/ Những thằng bất nghĩa thôi đừng đến/ Cứ để thềm ta xanh sắc rêu”…
Lúc ấy tôi đọc: “Nước chảy qua cầu hoa lá theo.” Và có lẽ cũng lâu lắm, mười năm hơn, tôi mới đọc lại bài thơ tôi học hồi ở Đà Lạt, mà mỗi buổi chiều ngồi thổi sáo bên cầu, giòng nước đong đưa, trôi dưới cầu những bông hoa thắm đỏ. Và giòng đời tôi cũng trôi xuôi, theo nước nổi trôi nên tôi sửa câu cuối. Rồi nhịp cầu tri âm bắc qua nhau từ ấy.
Nhưng tôi lại không đi Campuchia cùng anh Sơn Nam. Tôi đánh giá anh là thi sĩ, nhiều khi kém đi cái thực tế, nên lần đầu tôi đi với anh Trần Châu Á, Đại tá Hải Quân, đã chiến đấu một thời ở PhnomPênh. Anh Á đã từng đưa tôi đi bán đảo Cam Ranh mua conex phế liệu, lúc ấy anh là Trung tá Chính ủy Lữ đoàn 175 ở Vũng Tàu.
Buổi sáng, chúng tôi đến Châu Đốc, ngang qua Bảy Núi đến biên giới Tịnh Biên. Lần đầu tiên mới ra nước ngoài, lòng vô cùng hồi hộp. Qua biên giới, lọt vào nước người, lòng đầy hoang mang. Xe chạy vào lãnh thổ tỉnh Tà Keo. Đồng ruộng mênh mông khô cháy, dân cư thưa thớt. Thỉnh thoảng gặp một ngôi trường, các em học sinh nghèo, trường trại đơn sơ như ở những vùng làng quê Việt Nam. Bữa cơm trưa ở một nhà hàng cấp tỉnh, những mái nhà cong cong, những món ăn cũng giống Việt Nam.
Chúng tôi vượt 200 km đường bộ. Đường đất đỏ, bụi bay mù trời. Xa xa, trong làng xóm, những ngôi chùa mái ngói đỏ ẩn hiện trong rừng thốt nốt. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây thốt nốt, cũng giống cây dừa nhưng cao và to hơn. Hai giờ chiều, đến Đài liệt sĩ trung tâm Thủ đô Nam Vang. Chúng tôi choáng ngợp vì sự hùng vĩ của tượng đài, giống như Tháp Chàm, mà kiến trúc Việt Nam không hề có.
Vừa đến nơi thì xe bể bánh. Chúng tôi đi một vòng qua các chợ Ôxây, Olympic. Chợ búa không được sạch sẽ, có điều hàng hóa người ta chất như núi, tiền bạc hàng đống. Hàng vàng bán từng dãy, người ta đem vàng ra cân hàng kí. Chúng tôi, những người khát tự do buôn bán nên những điều này đã gây cho tôi một cảm xúc mạnh. Thời này ở nước mình cái gì cũng dấu dấu, đút đút. Đồng tiền không dám cầm trên tay; nhiều, sợ người Nhà nước bắt; ít, sợ cướp giật. Tôi quên đi hết tất cả các điều khó khăn, chỉ thấy ở đây họ tự do làm ăn hơn mình, mà tự do là quý hơn hết.
Chúng tôi đến một nhà người quen ở Campuchia. Ngôn ngữ bất đồng, mùa nắng người ta thích quạt hơn là thích những cử chỉ thân ái. Ông chủ không có nhà. Chúng tôi lên cây số bốn, đường Battambang. Qua khỏi cầu là một làng dân Việt Nam sống nghèo khổ dọc theo sông. Họ làm đủ các nghề, nuôi cá, thợ may, thợ hớt tóc… Nhà cửa san sát, chồng chất lên nhau. Nhà sàn cao lều nghều, có nhà như cái hộp, lợp bằng lá, vách hầu hết bằng giấy cạc-tông. Đến đây, hoàn toàn nghe nói tiếng Việt Nam. Chúng tôi ở lại một đêm trong một căn nhà người thợ may. Đêm đêm thức dậy không xoay trở vào đâu được, cầu thang thì chật hẹp, sợ té.
Đêm đầu tiên ở nước người, thấy bâng khuâng làm sao! Chờ mãi cho trời mau sáng. Tôi thao thức suốt đêm, thỉnh thoảng giơ bàn tay lên xem đã thấy chỉ tay chưa. Trời vừa sáng, chúng tôi đi ngay. Cảm ơn căn nhà lầu bằng giấy giúp cho tôi qua đêm, và sau đó vài tháng tôi cũng xây một căn nhà mộng ảo bằng giấy ở Nam Vang, để khi về nước năm 1987, tôi cảm ơn căn nhà giấy này đã nung nấu ý chí của tôi.
Đi lại một vòng qua các chợ, chụp hình với những cửa hàng vàng và những chồng tiền của nước người. Thăm Hoàng cung với sự rực rỡ của xứ Chùa Tháp. Hai giờ chiều cùng ngày, tôi trở lại bến phà Nek-lương. Thay vì xuống bến tàu và lên tàu, tôi lại hỏi người sửa xe đường về Việt Nam. Ông ấy chỉ cho một phát chạy ngút cần, hỏi lại mới biết mình đã nhầm đường. Xe bể bánh, tôi chạy ngược về một mình. Chúng tôi xuống bến tàu, lên một con đò nhỏ, chờ trời tối xuôi dòng nước. Đò nhỏ chật hẹp, cả đàn ông đàn bà chen chúc nhau. Người nào trông cũng xác xơ. Con đò cứ chạy một đoạn lại chết máy. Đêm không trăng sao, trời tối đen như mực, sóng vỗ rì rào. Máy chết, tàu quay ngang, nước tràn vào các khoang, các mụ đàn bà tha hồ mà chửi rủa chủ ghe. Tôi ngồi bó gối đến hừng đông thì cũng về đến Việt Nam.
Tất cả các nỗi nhọc nhằn của người Việt Nam ở Campuchia, tất cả cái khổ của chuyến đi tôi đều quên hết. Tôi chỉ nhớ ở đó người ta được tự do làm ăn buôn bán sinh sống. Tôi và nhiều người bạn tôi xem những tấm ảnh chụp ở ngoài chợ, đều trầm trồ cái tự do của người ta. Người Việt Nam ta đang khát tự do làm ăn nên tôi quyết chí phải ra đi. Thúc hai con gái học tiếng Khmer nhanh hơn, và chuẩn bị cho chuyến đi thứ hai.
Những tấm ảnh chụp bên những cửa hàng vàng, những đống hàng hóa và tiền bạc cũng như bên cạnh chiếc xe hơi màu xanh két ở Hoàng cung, là những ma lực hấp dẫn bao nhiêu bạn bè tôi thèm. Gia đình tôi cũng đồng ý, nên tôi quyết định đi chuyến thứ hai để thăm dò lại. Chuyến này có ba người, Quỳnh, người bà con có tiệm vàng ở chợ Tân Bình và tôi. Chúng tôi nhờ anh Trần Châu Á đưa đi.
Đến Châu Đốc, xuống tàu, 4 giờ sáng đến K’om Sanor. Lên bờ, ăn cháo trắng củ cải, đợi trời sáng. Lòng nôn nao, lại một con đường mới, qua biên phòng lúc nào không hay. Năm giờ sáng, ba người cùng ngồi Honda 67 của Quỳnh lên Hố Lương, cách 30 cây số đường làng, rồi lên thẳng quốc lộ 50 km nữa mới đến Nam Vang. Tìm đến nhà người quen, một người Việt Nam lên Campuchia lập nghiệp, nhưng đáng tiếc là ông đã về lại Việt Nam. Nhà bỏ trống, chúng tôi ba người vào ở thật thoải mái. Ngày hôm sau, Quỳnh ra chợ Olympic thuê sạp mở tiệm vàng. Vốn liếng mang theo sáu cây, coi như lớn lắm của thời ấy. Sạp vàng mở cạnh sạp bà Bé Tài, gốc người Tân Châu lên. Ngồi ngóng mãi ngày này qua ngày khác, không ai mua một chỉ, mặt mày méo xẹo, buồn so. Chờ mãi một tuần chịu không nổi. Người ta thì buôn bán ì xèo, vàng bạc tuôn ra hàng cảo, còn mình bạn hàng không có, tiếng nói thì bất đồng. Người Việt Nam cũng có lên buôn bán nhưng người nào quen hàng người ấy.
Quỳnh ngồi ngóng, còn tôi thì chạy khắp nơi để thăm dò việc làm, tìm thùng conex, tìm phế liệu không có. Tính là bỏ cuộc, nhưng không biết là xui hay hên, buổi chiều thứ bảy ở Nam Vang để sáng ra về, tôi chạy xe tà tà xuống cầu Sài Gòn. Ở cửa ngõ vào thành phố cũng có một cây cầu giống như cầu Sài Gòn ở Việt Nam, do quân đội Sài Gòn xây dựng vào thời Lonnol năm 1970. Tôi thấy xe chở về một số máy bay chặt nhỏ để lấy nhôm. Tôi lân la gạ gẫm làm quen, và gặp Phát, người Việt Nam lên đây làm ăn và đang làm cho Công ty Vật tư Nam Vang. Phát nói cà lăm mà lại nói nhiều. Tôi hỏi thăm về công việc làm ăn. Phát nói như thần, làm là thành công, có người sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng hỗ trợ. Như người chìm gặp phao, mừng quá, tôi hỏi tới có conex không, mặt hàng chưa người khai thác. Phát nói, nhiều lắm, ở phi trường Pochenton. Cẩn thận, tôi nhờ Phát ngày mai dẫn đi xem. Quả thật, ở đó có được mấy chục chiếc, và còn nhiều nữa ở những nơi khác.
Thế là tin được rồi. Tôi vẫn vọng tưởng là đem cái danh “Vua conex Việt Nam” lên làm vua ở Campuchia, nhưng đó là sự thất bại. Lên đây, tôi cũng là vua, nhưng đất nhỏ quá không đủ tung hoành.
Thế là tôi quyết định ở lại Campuchia. Ở Việt Nam, tôi đã từng làm đồ xe đạp, người Campuchia xuống mua mang về. Bây giờ lên tận nơi đây gây dựng cơ sở, khai thác nguyên liệu conex tại chỗ, lại độc quyền khai thác, thế thì vì sao không làm được. Nghĩ thế, tôi hẹn với Phát đúng một tháng sau tôi sẽ lên đây với máy móc, đồ nghề và nhân lực.
Tôi và Quỳnh lên xe về Việt Nam. Quỳnh xem như bỏ cuộc. Số vàng Quỳnh mang theo tiêu pha mất vài chỉ, nói chung là không ăn thua gì, vẫn bảo tồn được lực lượng để rút về là tốt.
Chúng tôi trở lại K’om Sanor, con đường cũ đi lên. Lân la làm quen tìm đường qua lại biên giới Việt Nam, tìm chỗ ngủ. Người ta cho thuê một cái nhà lớn bằng chuồng bò và một cái mùng treo hết căn nhà. Tất cả mọi người, trai gái, cứ vào khi nào chật không vào được nữa thì thôi. Đầu óc tôi quay cuồng. Đường nào qua biên giới, lo âu và thao thức, ruột gan cồn cào. Nghe tiếng ông chủ nhà về, tiếng ồn ào cùng với mấy người bạn gầy sòng nhậu. Chờ cho cuộc nhậu bắt đầu, tôi mò ra ngồi vào mâm. Và đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, tôi móc ra 50 ngàn đưa cho thằng nhỏ nhờ mua dùm rượu, mồi, rồi xin phép làng cho tôi làm một ly cho vui. Với tay lấy chai rượu, rót một ly xây chừng - xin phép làng - tôi đi một hơi. Cả làng vỗ tay, thế là quen. Tới bàn nhậu, tiền đưa ra, uống thì ngon, là ăn tiền! Dân nhậu có tâm lý, thằng uống được mà không chi là uống chùa, chi mà không uống là ỷ tiền. Vừa chi vừa uống, nói đúng lúc, là số một. Tôi đạt được cả ba yếu tố.
Cuộc chơi thêm hào hứng vì có kép mới, vui hẳn lên, kéo dài đến một giờ sáng. Mọi người đến đâu, tôi theo đến đó. Sáu người đã uống đến lít thứ ba, tôi vẫn tỉnh, vẫn trầm ngâm. Lợi dụng lúc mọi người lắng một phút, tôi lấy ra 100 ngàn đưa cho ông chủ:
- Anh Ba cất mua rượu tiếp, cho hiền đệ nghỉ, ngày mai hiền đệ lên đường về cố quốc. Anh Ba cầm lấy tiền, tôi tiếp:
- Mà này anh Ba, ngày mai tụi em có hai đứa qua biên giới, anh Ba có giúp dùm được không?
Cả bàn nhậu nói, yên chí anh Ba là thổ địa ở đây.
Thế là tôi đã ca bài ca đúng điệu giang hồ. Tôi đi nghỉ, năm giờ sáng anh Ba dậy, tự động dắt xe Honda. Anh đi trước, đến nói với an ninh cho tụi tôi về nhà anh ăn đám giỗ, xong vẫy tay cho hai thằng tôi đi qua. Chúng tôi đi thật xa và bảo đảm không bao giờ ngoái lại, sợ công an biên phòng theo dõi sau lưng. Anh Ba đuổi theo kịp, chở ba thêm một đoạn. Anh ghé vào nhà ông già anh, và chúng tôi từ biệt. Sau này, chúng tôi cũng thành bạn với nhau nhờ đêm nhậu ở biên giới K’om Sanor. Hai người đã vào lãnh thổ Việt Nam, và cứ thế trên con ngựa sắt, hai kỵ sĩ thay phiên nhau về đến Sài Gòn, đúng năm giờ chiều.
Về Việt Nam lần này, tôi ráo riết sắm máy móc thiết bị và nhân sự để qua lại Campuchia. Việc đã quyết, mặc dù vợ tôi đang mang thai đứa con út ở tháng thứ sáu, mà chúng tôi hy vọng sẽ là đứa con trai.. Đứa con mà chúng tôi đã dồn hết tinh lực và tình yêu thương vợ chồng cho nó. Chúng tôi đã chuẩn bị một năm trước cho nó ra đời bằng khoa học, thuốc men và sức khỏe. Chúng tôi không ăn thịt cầy, nhưng khoa học cho biết thịt cầy có nhiều sắc tố nam, cả vợ lẫn chồng đều ăn. Thương cho vợ tôi, muốn có con trai, bất kể thứ gì cũng ăn và nhất là uống gần 50 thang thuốc bắc, mỗi lần uống như cụ Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn sau khi ký hòa ước giao sáu tỉnh miền Đông Nam bộ cho Pháp.
Lúc này, đất nước vẫn đói nghèo, lòng người vẫn ly tán. Những ai giàu ưu tư không nén nổi tiếng thở dài. Nhìn ra bên ngoài, thế giới cũng rối ren.
Tổng thống Mỹ Reagan sang thăm Liên Xô và Trung Quốc, trở về mãn nhiệm kỳ thứ hai. Phó Tổng thống Bush đắc cử. Ở Liên Xô, sau một loạt các ông Andropov, Chernenko lần lượt qua đời, ông Gokbachov còn trẻ, 50 tuổi hơn, lên thay. Ông là người đã dám hy sinh quyền lực cá nhân của mình để cải tổ triệt để, rút hết quân đội Liên Xô ra khỏi các nước Đông Âu, bầu cử Tổng thống, thay đổi Hiến pháp, không có Tổng Bí thư vĩnh cửu, mà nhiệm kỳ Tổng thống được quy định là sáu năm, thay vì ông có thể làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cho đến chết, ngồi trên ngai vàng sung sướng và vinh quang tuyệt đỉnh. Ông đã dám từ bỏ để mưu cầu hòa bình cho nhân loại, mưu cầu phát triển cho đất nước Liên Xô.
Nhưng dù thế giới có thế nào chăng nữa, thì trước hết tôi cũng phải tự lo cho cuộc sống của mình.
Thiết bị máy móc đem theo, tôi cho chở trước bằng xe tải. Có một đoàn xe tải Campuchia thường đậu sau Nhà hát Thành phố, tôi đến đó làm quen và ngã giá để chuyên chở. Tôi cho chở luôn cả một tủ sắt đựng gần 500 quyển sách các loại: khoa học, triết học, văn học, lịch sử. Khi đến Campuchia chỉ còn cái tủ không và một quyển lịch sử Việt Nam, trang thứ ba có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân sự đã tổ chức xong, giữa tháng sáu 1985 chúng tôi khởi hành. Đoàn gồm có tôi làm trưởng đoàn, Điệp, Đức, Nhẫn, Sỹ, Hùng mad, Thành méo, Đỗ Văn Bảng và ông chồng chị Thắm. Sau đó hai tháng, Hùng về đưa vợ con lên, rồi Thành cũng đưa vợ con lên. Đoàn gồm chín người và con chó Kiki, con chó biết lạy xin ăn. Đầu năm 1983, đang sống yên ổn có lần tự dưng con chó bỏ nhà ra đi, cá trong ao chết nổi lềnh bềnh, sau đó cha tôi qua đời, ngày 24 tháng 11 âm lịch năm 1983 (Quý Hợi). Con chó này sau theo tôi lên Campuchia, chúng tôi làm ăm thất bại, toàn bộ công nhân lần lượt đi về, người cuối cùng là Điệp. Những ngày cuối, con Kiki buồn lắm và ít ăn. Đến ngày Điệp về, chín giờ sáng lên tàu, thì 6 giờ 30 trước giờ tôi đi làm, con chó nhào từ trên lầu xuống, may trúng vũng sình, nằm thoi thóp. Tôi dặn Điệp, nếu nó chết mày chôn rồi hãy về. Nhưng khi Điệp đi, nó vẫn còn thở. Tôi đến dỗ dành và nói với nó: “Kiki tao không bỏ mày đâu, khi nào về Việt Nam tao sẽ dắt mày theo”. Tức tốc con chó đứng dậy đi. Tôi tắm rửa cho nó, và nó sống với chúng tôi thêm một thời gian nữa. Sau này, tôi về Việt Nam trước và gặp nhiều đau khổ trong cuộc sống nên tôi đã thất hứa với Kiki, để nó chết ở Campuchia. Có lẽ đời tôi chưa thất hứa điều gì với ai, mà chỉ một lần thất hứa với con Kiki. Nó sống với vợ và con trai tôi trên một căn chòi lá ở gác thượng. Ngày ngày vợ tôi đi làm. Một hôm, thấy nó nhiều ve vợ tôi quở: “Kiki, sao mày nhiều ve quá, tao sẽ đem mày cho người ta!” Qua đêm thì nó đã chết dưới gầm giường.
Đoàn chín người đến Châu Đốc. Tàu đi đêm lên biên giới. Tất cả vàng đem theo đều cất giấu vào chỗ kín nhất, may ở quần đùi, sì líp. Sông nước mênh mông, trăng sáng vằng vặc, trời về khuya mọi người đều yên giấc. Mình tôi trên boong tàu. Tàu vẫn chạy, tôi vẫn miên man nghĩ cho tương lai của tôi và cho cả đoàn người. Tất cả đều tin tưởng và trao gửi số phận cho tôi, cho chủ tướng, làm sao tôi yên được. Đêm càng về khuya, sương xuống ướt vai, gánh nặng trách nhiệm lại thêm đè lên đôi vai. Đói lả, một ngày không ăn, cho mọi người ăn ngủ yên lành, giờ tôi thấy ruột gan cồn cào. Đánh thức Hùng, Hùng ơi, có gì ăn, anh đói quá. Thằng em đưa cho một lon gói thức ăn chay, đậu hủ kho. Tay bốc, miệng nhai, no bụng với một hớp nước sông. Tàu vẫn chạy, sóng vỗ dưới mạn thuyền. Tự dưng tôi nhớ mấy câu thơ của Chế Lan Viên: “Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh mầu xứ sở/ Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương”.
Năm giờ sáng, tàu cập bến biên giới, chúng tôi sang tàu đi đò chẻ, loại ghe nhỏ để vượt biên giới. Chín người chúng tôi vừa đủ một xuồng. Ghe đang chạy, có tin công an, ghe vội chèo vào lau lách, người chạy tán loạn, vào núp trong các bụi im thin thít. Qua cơn, xuống tàu Campuchia đi tiếp, 12 giờ trưa đến Nek-lương. Mọi thứ đều thấy mới lạ.
- Đổi tiền không anh?
Họ chìa tiền vào mặt mình như những người bán vé số ở Việt Nam. Tôi đổi một ít tiền Campuchia. Điểm danh thường xuyên, xuống tàu rồi lên xe, từng người một. Dặn không ai được mua bán hoặc đi đâu cả, đi tiểu cũng phải báo cho tôi biết. Tất cả mọi người lên xe ngồi băng cuối liền nhau. Tôi đứng dưới đếm từng người cho đủ số, rồi mua cho mỗi người một bịch cơm, một bao nước để ăn uống, sợ đi lạc không biết đường tìm.
Bốn giờ chiều đến Nam Vang. Hai người một xe ôm về đường Achamin, đầy đủ và an toàn, chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Lo ăn, tôi không sợ, lo đi cầu mới ngán. Thời này, Campuchia còn hoang sơ, ngay thủ đô mà phải ra đồng, không có nhà vệ sinh. Buổi sáng đi xe đạp 3 cây số đến nhà vệ sinh công cộng.
Chỗ ở đã yên. Để lấy lòng dân bản xứ và khu xóm tôi ở, tôi huy động toàn bộ anh em làm vệ sinh. Rác rến xuyên chế độ, từ thời Lonnol, Việt Nam, Polpot, rồi Việt Nam, bây giờ đến chế độ Hunsen. Đất đá tàn tích của một thời đổ nát, tôi cho dọn sạch và chuyển đi nơi khác, chỉ sợ có xác người lẫn lộn.
Không một phút giây ngừng nghỉ, tôi tổ chức lại đội hình, thuê một miếng đất hoang tàn trong vườn chuối, gần Hoàng cung, mua gỗ cất nhà lập xưởng. Nhà xưởng đã xong, mọi người đều làm việc vất vả. Buổi trưa ăn cơm tại chỗ, chiều về nhà. Làm chưa ra tiền nên mọi người đều chịu sự kham khổ, ăn uống sơ sài.
Đỗ Văn Bảng, bạn tôi theo lên tham quan, thấy sự tự do làm ăn của nước người, dù mới là tự do trong khuôn khổ xã hội chủ nghĩa, mà cũng đã hơn ở ta. Đêm nào Bảng cũng đi xem video, tư nhân họ chiếu suốt đêm đủ các loại phim ở Việt Nam chưa có hoặc bị cấm, xem cho đã thèm rồi về lại Việt Nam.
Là người đi khai phá, cho đến khi về lại Việt Nam, một năm sau, tôi chưa hề đến rạp, chưa hề để mắt đến những văn minh mà Campuchia tiếp thu được của nhân loại, trước cả Việt Nam.
Nhà xưởng đã xong, tôi tìm mua một xe Honda Cup. Anh giới thiệu cho tôi mua hai cái conex ở phi trường Pochentong. Đưa quân vào sân bay, chặt, chở về, và nuôi nhiều hy vọng rằng hết số này sẽ còn số khác nhiều hơn nữa. Thiết lập máy cán tôn và chúng tôi đi vào sản xuất. Đoàn quân chúng tôi như những con người đi khai thác vùng Alaska ở Mỹ, suốt ngày quần quật với công việc, chiều về mệt lả, ăn ba hột cơm rồi nhắm mắt cho đến mờ sáng hôm sau, lại mỗi người mỗi việc.
Nhẫn, em vợ tôi, mới vào nghề, năm nay nó khoảng 24 tuổi. Công việc chính thức giao cho nó là đi chợ, nấu cơm. Thằng em từ trước vốn quờ quạng, nay mới phải làm việc thật sự. Nó là con út, được cưng chiều, lâu nay làm như chơi, bây giờ đi vào kỷ luật công nghiệp, theo không nổi, ngày nào cũng bị la, lúc cơm sống khi cơm khê, thức ăn lại không đủ. Bữa nào nó cũng nước mắt chan với cơm.
Ngay từ đầu, gia đình cũng đã hỏi ý kiến, và cho biết trong công việc tôi khó tính lắm, liệu Nhẫn có chịu đựng nổi không, nó đã quyết chí và cam đoan là được. Nay nó phải ráng mà theo. Nó khóc đúng một tháng. Mà cũng may, thằng em có chí và thông minh. Sau một tháng, nó đã có thể chu toàn mọi việc. Nó biết phải ăn gì trong mỗi bữa. Ăn cà um là chính, cá linh, mỡ cá, những thức ăn rẻ nhất cho đoàn người đi khai phá.
Sản phẩm đầu tiên ra đời chỉ một tuần lễ sau. Lên Campuchia, chúng tôi kết nạp thêm một số nhân sự. Có Kía, người Hoa ở Chợ Lớn lên, cũng gia nhập. Nó làm thông dịch viên. Lô hàng đầu tiên bán cho một người Tàu ở đầu cầu Sài Gòn, người vẫn thường mua hàng của tôi khi tôi còn ở Sài Gòn. Nay họ lại ép mình, mua rẻ hơn lúc mình ở Việt Nam, vì biết rằng chúng tôi không còn có thể bán cho ai khác. Thành phố nhỏ, tất cả đều là dòng họ của họ, làm một ngành, buôn bán một nghề, một mặt hàng, chạy trời không khỏi với họ. Ngã giá xong, họ trả cho một đống tiền lẻ, vừa rách vừa thiếu.
Chỗ ở cũng chưa yên, vì chủ đất không cho thuê nữa, viện lý do ồn ào. Ngậm đắng nuốt cay, tôi tức tốc đi mua nhà khác. Đến nhà một bà giáo, số 68 Keomany, căn nhà sàn trên gác để ở, bên dưới dùng làm việc. Ngôi nhà nằm trên con đường chính từ phi trường về Hoàng cung. Căn nhà chia đôi, bà chủ ở một bên, tôi một bên, giá 8 chỉ. Chúng tôi tức tốc dời nhà, trong vòng 48 giờ, để sản xuất tiếp. Ngay buổi chiều mua nhà mới xong là dời ngay. Hai nhà cách nhau 2 km đường phố, toán đầu tôi hướng dẫn chở theo cả thiết bị máy móc, toán sau để lại xe Honda cho Thành, Hùng, Đức. Chỉ vẽ cặn kẽ, thế mà mấy thằng em đi từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm mới tới nơi. Đường phố không tên, ngôn ngữ câm điếc, thế là sa vào mê hồn trận. May mà Hùng và Thành không đánh lộn vì đổ lỗi cho nhau. Cuộc sum họp ban đêm còn hơn Lạc Long Quân và Âu Cơ, mãi trên trời dưới biển giận quá mà quên chửi thề. Hôm sau là ổn định sản xuất. Con người như cái máy, tất cả thời gian đều được tính toán, mọi thức ăn đều được nghiên cứu, và tiết kiệm như thế nào cho rẻ nhất, ít tốn kém nhất.
Một hôm trưa nắng, đi lấy tiền về, xe Honda hư ở đường Achamin, tôi lui cui sửa. Lúc đứng dậy, thấy lù lù một đoàn đi bộ từ hướng cầu Sài Gòn lên. Ông Sơn Nam, thêm mấy ông mấy bà Việt Nam. Mừng quá, xứ lạ gặp người quen, tôi mời tất cả về nhà ăn một bữa cơm trưa. Cơm lá sen, cá trê nướng. Ở Campuchia, người ta bán cơm gạo Battambang đùm trong lá sen, thơm và ngon, nhất là cho những người lao động. Gặp nhau vui quá, nhưng rồi cũng phải đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, chỉ hẹn gặp lại ông Sơn Nam. Đây cũng là một cuộc tao ngộ đáng ghi nhớ để sau này khi về Việt Nam, năm 1989, tôi giúp anh xuất bản tập thơ Thuở Trầm Tư. Đêm thơ vào tối Trung Thu, ở Nhà văn hóa Tân Bình, tôi có nói: “Tôi và anh Sơn Nam gặp nhau ở Campuchia, để 30% những bài thơ của Thuở Trầm Tư anh Sơn Nam viết ở nhà tôi, và bằng tâm trạng của tôi.” Và cũng từ đây, cuộc đời của tôi và anh Sơn Nam gắn liền với nhau suốt thời gian ở Campuchia, và mãi mãi sau này.
Nhà 68 Keomany đã ổn định. Nguyên liệu vẫn còn để sản xuất. Thời gian qua nhanh, một tháng sau tôi về lại Việt Nam để thăm nhà, mua thêm dụng cụ để chế máy vuốt tuýp. Không muốn đi đường sông, tôi tìm người ở Việt Nam ở lâu bên Campuchia, biết tiếng Campuchia, để giới thiệu. Người Việt Nam ở Campuchai họ tàn nhẫn lắm. Làm cái gì ra tiền là họ làm, một chầu nhậu vài trăm riel, tức là vài phân vàng, dù họ bán đứng mình, họ cũng làm. Đưa cho thằng Chia, người Việt Nam mang tên Campuchia, năm phân vàng, nó nói có quen xe chở thư để gởi tôi về Việt Nam bằng đường Gò Dầu. Tiền đưa rồi, tôi lên xe. Nó chở đến biên giới rồi bỏ mình giữa đồng. Ngơ ngác nơi xứ lạ, mọi người đều xe đạp ôm, quang gánh, tôi không biết hỏi ai. Nhìn thấy một cô mang bầu, mặt mày tương đối, áo quần sạch sẽ, tôi đến hỏi thăm. “Thưa chị, tôi làm ăn ở Campuchia, bây giờ muốn về Việt Nam thăm nhà, vậy đi thế nào để về được?” Cô ấy chỉ, theo xe ôm đi vào rừng, băng biên giới. Không, tôi không dám, tôi muốn nói và xin với ai để đi qua cổng biên giới.
Cô ấy chỉ: “Lại hỏi anh kia”. Đó là một người thanh niên khoảng 30 tuổi. Anh ấy bảo tôi lên xe, anh chở tôi lên chợ biên giới để anh mua đồ, rồi anh sẽ chở qua. Thời gian ngồi sau xe làm quen, tôi mới biết anh sắp đưa chị về Bắc sinh. Tôi nói, vợ tôi cũng có bầu, cùng tháng, sắp sinh. Cảm tình nhau, đến chợ tôi mua tặng hai vợ chồng mấy xấp vải quần, một ít đồ cho em bé sắp sinh. Tôi nói, tôi cũng đang lo cho vợ tôi. Khi trở lại biên giới, tôi nói khi nào về Sài Gòn chờ tàu, mời anh ghé lại nhà tôi chơi. Anh chở tôi đến thẳng bến xe ở Quốc lộ 1, cách biên giới 10 km. Vào quán cà phê anh nói thật, nhiệm vụ của anh là đi bắt những người qua biên giới không giấy tờ như tôi. Nhưng gặp tôi, anh không nỡ bắt, không phải vì vài món quà tôi cho, nhưng vì tình cảm của anh và tư cách của anh. Thôi anh về may mắn.
Về thăm lại Sài Gòn, nhà xưởng tiêu điều, thợ thuyền đã nghỉ. Vợ bụng đã lớn, tôi ở lại với vợ con ba hôm là đi. Xuống Châu Đốc, theo ghe lên biên giới. Kỳ này biên phòng cần người vớt cá bè, hốt hết mấy mươi người vào đồn, thằng nào biết lặn, xuống sông. Mấy chục người đẩy bè cá bị chìm lên, rồi mới được cho đi. Tôi ngơ ngác ở biên cương, vùng chiến địa ngày xưa của hai nước. Những căn nhà sàn xiêu vẹo, những lều quán hoang sơ, những điệu nhạc Việt Nam, những lời ca Khánh Ly, nhạc Trịnh Công Sơn, được hét lên bằng những chiếc máy cassette giữa trời mây non nước mênh mông, như hét vào thinh không, vào vỏ cây lau lách. Đến Nam Vang, hai ngày sau, với bao nhiêu đắng cay, tôi lại bắt tay vào công việc.
Giữa tháng tám, trời đã vào thu, se lạnh. Tôi đang lục đục chuẩn bị cho bữa cơm chiều với mọi người, thì trước cổng, ba mẹ con đã từ Sài Gòn lên. Mừng không thể nào tả được. Những năm xa, xứ người thương nhớ, vợ và hai con lên thăm, thật là điều bất ngờ không tính trước. Trước khi đi, ở nhà con gái Nina 13 tuổi, Minô 11 tuổi nhất quyết không cho mẹ đi: “Mẹ đi không báo trước cho ba, đi không xin phép ba, lên ba la chết.” Con đâu ngờ gặp nhau xứ người ba mừng như thế nào! Ở lại bên nhau một tuần lễ, lòng ba cũng ấm như lòng mẹ con. Ba sợ mẹ và các con về lắm, nhưng thời gian không cho phép, ngày sanh đã sắp đến, và các con phải về để đi học. Tiễn ba mẹ con lên đường xuôi sông Mekong, về lại cố quốc, ba dù cứng rắn nước mắt vẫn cứ vòng quanh. Thôi em về đi, rồi anh sẽ về. Tàu tách bến mà lòng quặn thắt, sự nghiệp và gia đình. Thương thay, đã biết bao gia đình phải chia lìa vì miếng cơm manh áo. Vợ con đi rồi, tôi trở lại căn nhà cũ để đêm đêm nghe tiếng chó tru mà não ruột. Hàng đêm, cứ vào khoảng 10 giờ, toàn thành phố Phnom Pênh đồng loạt khởi lên một điệu nhạc man rợ của những con chó nhà, mà tiếng tru như lũ sói rừng. Có một con đầu đàn khởi xướng, gần như đúng giờ, rồi từng chập lũ chó đó từ đâu xa xa tru lên đồng loạt. Cứ hai giờ đồng hồ một lúc, tiếng tru nghe rợn tóc, tiếng tru như gào thét oán hờn, nhưng tiếng kêu than những oan hồn yểu tử. Có lẽ lũ chó này ăn thịt người của những năm Polpot chiếm giữ Campuchia, giết người quá nhiều, quăng xác cho chó ăn.
Trời đã vào đông, mưa đã nặng hạt. Ngày tôi miệt mài với công việc, đêm về nỗi buồn xa xứ miên man. Tối nào tôi cũng phải uống một xị rượu Đôngpet, loại rượu của người Campuchia, rượu trắng ngâm dây thần thông đắng, chữa bệnh sốt rét. Ông bạn Sơn Nam, sau thời gian lang bạt kỳ hồ, bây giờ đã về đây với tôi, để đêm đêm cùng uống rượu ngâm thơ với nhau.
Một buổi sáng đầu tháng 10, trời mưa dầm tầm tã, nước mưa chan nước mắt. Tôi, Sĩ, Thành đang sửa máy vuốt túyp ở BưngTaPét. Mười giờ sáng, Đức đạp xe xuống đưa cho tôi tờ điện tín: “Mẹ sinh con trai lúc 10 giờ 15 ngày 7 tháng 10. Nina”.
Tôi vẫn bình tĩnh. Điều ước muốn đã thành sự thật, thằng con ra đời. Người ướt, đầu ướt, mặt ướt, môi tôi mằn mặn nước mắt. Thôi, nghỉ buổi trưa mua một kí thịt heo quay, ăn mừng thằng con chào đời trong thời buổi loạn ly: Con chào đời thời buổi loạn ly/ Đạo lý kỷ cương tơi bời sấp ngửa/ Con cò lặn lội đồng sâu/ Bắt tép nuôi con không về được tổ… (Thơ Trần Sơn Nam). Anh Sơn Nam viết cho thằng con trai này sao đúng quá. Tôi là con cò lặn lội đồng sâu, bắt tép nuôi con, ngày con sinh ra đời không về được tổ, tên con chưa đặt. Khi đi tôi có dặn vợ, sinh con trai thì có hai tên để đặt là Nguyễn Kinh Quốc hay Nguyễn Đại Trường. Buổi tối chấm cho con cái số tử vi với tên Nguyễn Đại Trường, thân cư thiên di, số tốt quá, nhưng rồi cũng phải bôn ba như cha. Mệnh có Đào hoa, Phá quân cư Ngọ. Thế này đời nó anh hùng và rực rỡ hơn cha nhiều lắm. Số cha quá lận đận, vì cha sinh ra ở một thời tao loạn.
Bảy ngày sau, tôi mới về thăm con. Chấm lại cho con lá số với tên khai sinh Nguyễn Kinh Quốc. Kinh Quốc là kinh bang tế thế cho một nước, mà cũng là kinh sợ một thời gian khó của đất nước, để: “Một tháng tuổi Cu Ti vượt sóng cồn biên giới/ Ngơ ngác với sao trời lồng lộng gió Mekong/ Không biết nói mà biết ngắm/ Mây phong trần thơ thẩn tháp Hoàng cung”…
Con bụ bẫm, con lớn bằng sữa mẹ, tiếng ru của chị và bây giờ có cha truyền cho con hơi ấm. Ba úm con vào lòng. Nay con đã lớn, 8 tuổi, ba vẫn còn úm con vào lòng. Thăm con và chuẩn bị cho chuyến đi toàn gia sắp tới, quyến luyến thế nào rồi cũng phải đi. Sự nghiệp ở Campuchia không thể bỏ. Năm ngày đầu với hơi ấm của cha, con lớn, hơi sữa của con phả vào mũi ba. Bốn giờ sáng ba phải đi. “Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.” Trời lạnh, áo mong manh, lấy cái tã của con quấn vào cổ cho ấm, cho hơi con và mùi sữa non phảng phất. Một mình tôi đi, con ở lại, ba về rồi đi. Ba đi.
Đến Tân Châu, không tàu lên Nam Vang, tôi ở lại một hôm mà cổ như nghẹn ngào. Mỗi lần mùi sữa con từ tã quấn cổ bốc lên, không nỗi buồn nào hơn nỗi buồn hôm nay. Hai đầu hai thúng oằn lên đôi vai, phía trước Nam Vang sự nghiệp, phía sau Sài Gòn gia đình. Hai đầu một gánh. Buổi chiều thuyền ra ngã ba sông, phía trước là Nam Vang, bên phải về Tà Keo, nhìn sau là Sài Gòn. Quay ngả nào cũng thấy mắt con, đôi mắt đen tròn như hai hòn bi ve. Năm ngày ở với con không nghe tiếng, chỉ thấy con cười và mím môi, nhưng trước mặt là Nam Vang, ba phải đi.
Tàu đến Cồn Cỏ lúc hừng đông, biên giới đây rồi. Ba lên bãi cát trắng, hoang tàn của những năm tháng là chiến địa, có thời xác người trôi nổi và phơi thây. Thời Lonnol, người Việt Nam bị giết, đóng cọc, căng xác thành những nấm mồ hoang lạnh nơi đây. Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành. (Quang Dũng)
Ở lại biên giới Cồn Cỏ một hôm. Đêm không trăng sao. Nước thượng nguồn sông Cửu Long đã đổ về, phù sa trắng bạc và réo gọi dưới sàn nhà. Tôi không buồn ăn uống, ngồi nhìn sóng nước mênh mông mà lo cho số phận long đong của mình. Thân tôi giờ đây như những oan hồn chốn biên cương của hai dân tộc. Giờ này, vợ con đang theo dõi bước chân tôi. Chắc mẹ con nói với nhau, ba đã đến Nam Vang, nào ngờ đâu tôi còn đang ở đây. Lòng nào yên được. Bạn bè, lính tráng ở Campuchia đang đợi chủ tướng. Chủ tướng một thân một ngựa giữa vùng lau lách này.
Dân biên giới hầu hết là dân tứ chiếng giang hồ. Những căn nhà họ đang ở chỉ cần một cơn gió mạnh cũng bay, chỉ cần một tiếng súng nổ của hai phía là họ bỏ ngay. Nhân nghĩa ở đây cũng thế thôi. Đợi một đêm cho trời chóng sáng. Con của người chủ nhà đưa tôi sang sông. Bên kia sông là lãnh thổ Campuchia. Thoát lên được đường bộ như trút bỏ gánh nặng, lên xe ôm chạy thẳng về Nam Vang. May mà về kịp, thời gian tôi đi cơ xưởng xảy ra nhiều việc. Nhà gỗ tôi ở, trên đầu hồi có con tắc kè. Đêm đêm, nó kêu tắc kè tắc kè. Con này đã già, đã kêu đến chín tiếng. Hàng đêm, tôi vẫn đếm từng tiếng kêu của nó, một sinh vật hiền từ sống trong nhà. Tôi đi, một thằng lính giải ngũ mới nhận vào làm, bắt con vật mổ bụng móc mắt ngâm rượu. Tôi về, đêm không còn nghe tiếng tắc kè kêu nữa, con vật biến đi đột ngột cũng là một điềm xấu.
Mọi vùng sống đều có sinh khí, nếu có sinh khí thì làm ăn khá, sức khỏe dồi dào và yên lành. Sinh khí không có, chó mèo cũng bỏ đi, sinh vật cũng chết, cây cỏ cũng không nở hoa. Con tắc kè chết… Nhà có Thành là bạn tôi, lớn tuổi nhất, 39 tuổi. Khi đi, tôi giao việc điều hành cho Thành. Thành có thành kiến với A Kía, người thông dịch viên của tôi. Hai người xích mích, Thành xách đầu A Kía dộng vô vách, bể đầu đổ máu. Kía có anh em đi lính Campuchia, gọi về, mang súng ống đến vây bắt Thành. Thời bấy giờ, ở Campuchia ghê gớm lắm, nếu không cản kịp, lính Campuchia có thể dắt Thành đi rồi thủ tiêu, không biết đường tìm và thưa kiện. Tôi lên kịp để giải hòa, cho Thành về Việt Nam thăm nhà và đưa vợ con lên Nam Vang. Trên đường đi từ nhà, ở ngã tư Hàng Xanh, đến Xa cảng miền Tây, Thành bị cướp giựt giỏ xách. Bao nhiêu tiền bạc và tài sản phút chốc bay theo mây khói. Thành đưa một vợ một con lên ở với tôi.
Căn nhà 68 Keomany tiếp nhận thêm hai gia đình, và chuẩn bị cho gia đình thứ ba là vợ con tôi, sẽ lên khi Kinh Quốc đầy tháng. Tôi đang ráo riết chuẩn bị để đón tiếp vợ con. Việc đầu tiên là thanh toán cái nhà cầu khủng khiếp. Chúng tôi tiếp nhận từ chủ trước cái nhà cầu lộ thiên. Mùi phân người tràn ngập cả một vùng, dòi bò ra từng đoàn, không ai dám đụng đến. Tôi quyết định phải đập bỏ và và chính chủ tướng cầm cái xẻng thọc vào bọng giếng cho phân trào ra và hàng triệu triệu con dòi bò ra trắng cả một vùng. Tôi hò hét, toàn quân diệt nhà cầu, mỗi người mỗi dụng cụ, đào hầm hốt phân đổ xuống rồi lấp đất lại. Thanh toán xong cái nhà cầu xuyên chế độ, thấy nhẹ cả người.
Để chuẩn bị có chỗ cho con chơi, bò và tập đi, tôi mua thêm một căn nhà ở Bưng-ta-pét. Đây là căn nhà của một tỉ phú người Việt Nam, sang lập nghiệp ở Nam Vang từ lâu. Ông có sáu con trai, gồm hai bác sĩ và bốn kĩ sư. Thời chiến tranh, ông đi Pháp, bỏ lại căn nhà nằm giữa đồng. Nhà rộng rãi, thoáng mát, gạch bông mỗi phòng mỗi màu.
Tôi đến sửa sang lại căn nhà. Trong nhà còn có một phòng thuộc về người khác. Cô Ngọc ở một mình. Tôi cũng một mình, đến làm quen. Một hôm cô vào phòng tắm sửa mái nhà, gọi tôi vào vịn dùm cái thang cho cô trèo lên. Nhà vắng, thay vì vịn thang, tôi vịn hai chân cô, kéo cái quần tuột xuống. Tôi bồng cô xuống, để đại dưới nền nhà. Vì lâu ngày không gần đàn bà, mới nhập cuộc tôi đã trào ra. Em thì miệng cứ kêu anh kì quá. Tôi không hiểu là kì điều gì, có lẽ em chưa vừa ý. Nhưng rồi sức hồi phục thật nhanh. Bây giờ mới thực sự là hành động. Em cứ nói, có bầu làm sao anh, nên lúc mở ra lúc khép lại. Tôi thì sung sức, hì hục như con trâu, mặc cho ngoài trời mưa gió, sấm sét bão bùng. Nhà tắm thì dột, sàn thì ướt, quần áo thì cái có cái không. Chiến cuộc xảy ra trong nửa giờ đồng hồ, cả hai đều thấm mệt. Buổi tối, nhà ai nấy ngủ. Nhưng đêm không điện, tôi lại mò qua, quần thảo hiệp thứ ba. Tôi về, bệnh luôn mười ngày.
Nhà cửa đã tạm ổn định, tôi cất cho vợ chồng Hùng và Thành một căn nhà khác ở bờ đê bao quanh Nam Vang. Căn nhà lá nhỏ, 3 chỉ vàng. Thành đi làm thợ hàn, còn Hùng chạy xe lôi, tất cả đều kiếm sống được. Một hôm, Hùng chạy xe về kể lại, ngày hôm nay suốt ngày không chạy được cuốc xe nào. Đến chiều, một ông sư đi khất thực, kêu Hùng chở về chùa, hỏi bao nhiêu. Thấy trong túi ông có 10 ria, Hùng nói: “Đốp ria”, ông sư đưa hết cho Hùng về đủ mua hai kí gạo. Ông về chùa còn có cơm chùa, tôi về nhà con tôi ăn gì. Thương ông đâu bằng thương con, nên thay vì năm ria, tôi lấy luôn mười. Đó là thân phận người Việt Nam ở nước ngoài. Hầu hết người Việt Nam ở Campuchia đều sống cơ hàn, hay cơ hèn. Cơ là cơ cực, hèn là hèn mạt. Vì Tổ quốc còn khó khăn nên phải dời thân đi xứ người.
Người Việt đạp xích lô, gánh nước thuê, làm culi, vá dép và tẩm quất. Tẩm quất thì kèm theo nghề ăn cắp. Mỗi lần nghe tiếng la, ăn trộm, ăn cướp, người ta xúm lại đánh đập nhừ tử, xem kĩ, cũng là người Việt Nam. Và mười lần như một, cũng lại là người Việt Nam. Đàn bà sang đây phần nhiều bán quán, bán bia ôm và làm đĩ. Ở Nam Vang, có một vùng gọi là cánh đồng hoang, một vùng rộng lớn bát ngát có hàng ngàn căn nhà sàn bằng lá, chứa đĩ. Mùa nắng đi bộ, mùa nước nổi đi xuồng, len lách vào ở đây đông đảo, hoạt động nhộn nhịp như một cái chợ, gọi là chợ hoa cánh đồng hoang. Nghe bạn bè rủ, tôi cũng đi nhiều lần. Già trẻ, lớn bé, trắng đen, nâu vàng, nhưng hầu hết là con gái Việt Nam. Thỉnh thoảng, mới gặp một người Tàu biết tiếng Việt. Người Campuchia thì ít, vì đen thui không ai thích, có chăng cũng lai Tàu lai Việt. Nói chung, người Việt sang Campuchia làm đĩ là nhiều, đĩ bằng cửa mình, đĩ bằng cửa miệng, mà nhất là các vị “chuyên gia” mồm.
Không ai thương ai, sang Campuchia làm, nghĩ là người Việt với người Việt ở nước người chẳng lẽ không thương nhau, không đùm bọc nhau, là lầm to. Nó giết cho chết, nó lột không còn cái quần đùi, chứ nói gì thương nhau. Theo tôi nhận xét, hầu hết đều bất thường, đều có một hoàn cảnh éo le nào đó, mà số đàng hoàng thì rất ít, hay là chịu không nổi họ cũng chạy về Việt Nam. Khi sang Campuchia, tôi mới thấy bài thơ tôi làm năm 20 tuổi, năm 1967, là đúng: Tôi sinh ra làm dân Việt Nam/ Bao nhiêu năm đau khổ/ Bom đạn nổ đùng đùng/ Cày xới thay trâu ngựa/ Ông già ngồi ngất ngưởng bên ly rượu cúng con/ Tôi trót sinh ra làm dân Việt Nam/ Dời thân đi xứ khác/ Con người nơi xứ khác/ Nhìn tôi mắt lăm le/ Nó là dân Việt Nam, ôi Việt Nam! (Tôi người Việt Nam).
Tôi là dân Việt Nam, mà thấy người Việt Nam cũng phải lấm lét, tránh cho xa. Nhưng tránh Việt Nam rồi chơi với ai, ở với ai. Tránh Việt Nam, để gặp Campuchia còn độc hơn nữa.
Việt Nam vừa qua một cuộc đổi tiền vào tháng 8/1985. Mười đổi một, mỗi người chỉ đổi được mấy trăm ngàn. Cả nước dậy lên một cơn khủng hoảng, nháo nhác, lo toan, dân buôn bán xác xơ, lỡ vận. Vàng lên vùn vụt. Tôi ở Nam Vang còn mấy cây vàng cất giấu bán ra lấy tiền ria, cứ nghĩ vàng lên thế này rồi cũng phải xuống. Nhưng rồi Campuchia cũng ảnh hưởng bởi đời sống kinh tế Việt Nam. Ba cây vàng bán đi, sau đổi tiền Việt Nam, chỉ mua lại được hai cây rưỡi. Sau đổi tiền, kinh tế Việt Nam còn siết hơn nữa. Lúc này số lượng người Việt ra nước ngoài tăng nhanh. Bất chấp nguy hiểm trên sông, trên biển, họ cứ đi.
Ngày 7-11-1985, tôi về dự đầy tháng con trai. Thằng con bụ bẫm vô cùng dễ thương, nhưng rồi cũng phải dứt áo ra đi. Ra đi mà lòng bận thê noa. Dù muốn nhưng chưa đưa con đi được vì con còn bé quá. Tôi về lại một lần nữa, vào ngày 2-12-1985, nhằm ngày 21-10 năm Ất Sửu. Tôi thu vén đồ đạc, cái gì bán được thì bán, không bán được thì gởi. Quyết chí ra đi cho tương lai các con. Cu Ti đưa gia đình lưu lạc!
Nhà ở Sài Gòn chia làm hai, một phần cho người bạn ở, một phần ông bà ngoại vào ở giữ nhà. Ra đi, không mong trở lại, nhưng vẫn phải giữ. Tài sản góp nhặt mang theo, để lại cho ông bà ngoại hai lượng vàng, lời nói như trối trăn: “Nếu ra đi làm ăn được thì hai cây vàng cho bên ngoại một cây, bên nội một cây. Còn nếu thất bại trở về thì lấy lại làm vốn làm ăn”. Sống nhờ cái hậu, mặc dù tính một đi không trở lại. Kinh Kha qua sông Dịch thích Tần, Tiến Toàn qua sông Cửu Long lòng không trở lại.
Buổi chiều 27-12, vợ chồng tôi làm bữa tiệc nhỏ, chỉ có gia đình bên ngoại tiễn đưa. Bốn giờ sáng, thức dậy, có một cây hoa quỳnh nở hoa để tiễn đưa. Hoa nở còn lóng lánh giọt sương, bên đứa con thơ dại, còn lưu lại được tấm ảnh. Vợ chồng con cái tổ cò ra đi.
Bốn giờ chiều, chúng tôi đến Châu Đốc, sang tàu biên giới về đêm. Sóng nước mênh mông, tàu đi muôn ngả không biết ngả nào là ngả đến biên giới, sang tàu chẻ. Sương xuống ướt vai, mẹ úm con, Na, Nô nằm trong lòng ba mẹ, ghe cứ chạy. Lúc chạy máy, lúc chèo, lúc chống qua bao nhiêu lau lách. Ghe ngừng, chủ tàu dặn dò, đến biên phòng mọi người im phăng phắc. Ánh trăng non treo lơ lửng trên đầu. Cu Ti cựa quậy, ba dỗ tai con nói nhỏ, đừng khóc con, con khôn hãy nín, con khóc người ta bắt cả nhà. Con im thin thít, mẹ cho con bú.
Qua khỏi biên giới, trời vừa hừng đông. Lên tàu Campuchia đi Nek-lương, người đông như trẩy hội, tôi tìm một khoảng trải tấm ni lông cho cả nhà quây quần, như ổ chó, tạm nghỉ sau một đêm đầy lo âu khi qua biên giới Việt Nam. Bây giờ đến biên phòng Campuchia, lính Campuchia lên lục xét cả đồ đạc và xét cả vú mấy cô gái. Có cô gái mặc áo hở ngực, thằng an ninh đen to như cột đình cháy giở ra xem. Bao nào căng căng đồ đạc nó cũng rờ và đít cô nào căng căng nó cũng rờ. Cô nào phản đối, nó gọi lên bờ, là mặt mày xanh như tàu lá. 8 giờ sáng tàu chạy về hướng Nam Vang. Nước đổ xuống cuồn cuộn, tàu ngược dòng như đi từng bước. Đến chiều tối, gia đình tôi mới về đến nhà 68 Keomany. “Nhà mình đó/ Quê mình không phải đó/ Gặp một nỗi buồn/ Ngỡ một niềm vui”…
Cũng mừng là vợ chồng, con cái đầy đủ không mất mát vật gì. Hai hôm sau, ngày 24-11 Âm lịch, là ngày mất của cha tôi. Tôi làm giỗ cúng cha nơi đất khách quê người. Nén hương của đứa con luân lạc, lòng thành của con đủ lớn để cha vẫn phù hộ nên có lần con sém chết mà không sao, ở đất người. Tôi đi làm về gần đến nhà, mải lo âu suy nghĩ triền miên, đi xe Honda qua đường không làm dấu, một chiếc xe Uwat với tốc độ cao từ sau lao tới, đụng vào xe tôi một cái rầm. Tôi văng ra mấy thước, vợ con ngồi trong nhà nhìn ra ngỡ ai đó chết rồi. Thành la: “Ông Toàn, ông Toàn!”. Cả nhà ra dìu vô. May mắn, xe tông vào bình xăng, tay chân còn nguyên. Tôi sợ quá, nếu dĩ lỡ mà tôi chết đi thì sao? Trời ơi, vợ còn trẻ, con còn thơ, bốn mẹ con nơi đất khách quê người, nghĩ đến cảnh đó, tôi không muốn chết chút nào.
Ngày hôm sau, tôi lo cho Na, Nô đi học liền. Nhờ cô giáo hàng xóm sang dạy tiếng Campuchia, học lại từ đầu, từ lớp một. Na, Nô ơi, đời loạn ly quá/ Mười mấy tuổi đầu chữ nghĩa đã long đong/ Chị bồng ngắm những chiều buông/ Mây giăng khuất nẻo/ Quê hương đợi chờ/ Bến bờ mờ mịt cơn mưa/ Muốn về bên ấy/ Mà chưa có đò!
Nguyên liệu conex còn một ít vẫn tiếp tục sản xuất nhưng nguồn mới coi như đã cạn. Điều hứa là còn nhiều lắm coi như là lời gian dối, phải xoay cho ra việc làm. Na Nô giữ em, vợ chồng xoay sở tìm việc. Mua một ít cây kiểng, bông hoa về để bán. Mỗi người mỗi nghề, dù dễ nhất là bán bông hoa mình cũng không làm được. Cây thì úa, hoa thì héo; người xem chưa có, có đâu người mua. Vợ bồng con ngồi nhìn kẻ qua đường. Hoa lá trả lại cho người, còn thân tôi xơ xác.
Nguyên liệu hết, công nhân bắt đầu ly tán, đứa nào chí cốt mới ở lại. Tôi lang thang khắp nẻo Nam Vang để tìm việc. Nhiều lúc thấy một cô gái đứng sau quầy sách mà mơ ước cho vợ mình cũng có được một chỗ bán, dù chỉ bán thuê. Rồi Na Nô lớn lên nó sẽ làm gì? Mắt cha vời vợi ưu tư/ Lòng mẹ âm thầm bối rối/ Ra đi vì các con/ Cu Ti đưa gia đình lưu lạc/ Lênh đênh đất khách quê người/ Bao cảnh nhọc nhằn tủi hổ/ Sẩy nhà ra ở đợ ăn nhờ/ Nhìn thân mình lầm lũi/ Đau lòng xót dạ/ Việt Nam ơi!
Bây giờ tất cả tương lai đều mờ mịt, quê hương thì xa vời vợi. Tôi quyết xoay sở. Gặp người mới làm quen. Có thằng em vợ tên Liêm. Thân em cũng lưu lạc lên đây với cả vợ con, vô tình đi đường anh em gặp nhau nơi đất khách. Tôi đưa về nhà, chị em mừng mừng tủi tủi. Nó có người quen làm nghề xây dựng. Ông Tư Ky là người Việt Nam đàng hoàng nhất ở Nam Vang, tuy ông ít học mà nhân ái. Cùng ông, tôi hợp đồng với một số người Campuchia, nhận xây dựng căn cứ quân sự ở Ô-đông, cố đô của Campuchia 500 năm trước, sau Angkor.
Angkor là cố đô của thời Pátvan VII ở thế kỉ thứ bảy. Nhà vua này là người tài ba và đưa đất nước cường thịnh nhất trong lịch sử Campuchia. Thời ấy, lãnh thổ nước Cambodge rất rộng, phía Tây đến tận Bangkok. Nhưng rồi nhà vua bắt toàn dân xây dựng hai đền Angkor Thom (Angkor lớn) và Angkor Wat (Angkor nhỏ), để trở thành một trong bảy kì quan của nhân loại. Trong đó có Vạn Lý Trường Thành, Kim Tự Tháp và đền Angkor mà đến bây giờ khoa học vẫn chưa giải thích được làm thế nào mà vào thế kỉ thứ 7, con người có thể đem được những tảng đá to như vậy lên cao để xây dựng hai đền Angkor. Sau chiến tranh Polpot, nhà thơ Nguyễn Duy đến thăm đền đài hoang phế này, đối mặt vời sự đổi mới, đã thốt lên: “Đối mặt với Angkor đổ nát/ Đá cũng tan hoang huống chi là kiếp người/ Đá ơi xin tạc lại đây lời cầu chúc hòa bình/ Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Kẻ nào thắng thì nhân dân đều bại.”
Sức dân, sức người dồn vào hết cho hai đền Angkor, Pátvan VII chết, đất nước Cambodge đi xuống; phía Đông dân Chiêm Thành giành lại đất, đánh thẳng đến Biên Hùng, phía Tây dân tộc Thái Lan tràn sang chiếm lại nước, đánh đến Angkor. Các nhà vua đời sau, phải dời đô về Ôđông, cố thủ trong những lũy tre xanh để chống quân và kỵ binh của Thái Lan. Sau đó, lại thiên đô về PhnomPenh, tiếng Việt gọi là Nam Vang, bỏ phế Ôđông. Bây giờ chỉ còn lại vết tích đổ nát và một vài lăng tẩm.
Vị trí tôi đến xây dựng là căn cứ của một trung đoàn quân Campuchia và đội 12 chuyên gia. Một đêm Polpot tấn công, trung đoàn bỏ chạy. Quân Campuchia từ tướng tới lính người nào bên lưng cũng mang một dây cà tha bằng chì, do thầy pháp cho, tin rằng có phép tránh được súng đạn, với điều kiện không bắn chết người. Nên khi Polpot xung phong vào đồn, lính Campuchia chĩa súng lên trời mà bắn. Polpot tiến chiếm thì họ bỏ chạy, trung đoàn trưởng vật lộn với Polpot và chạy thoát được. Còn lính lớp chết, lớp bị thương, lớp bị bắt. Khói lửa ngập trời, Polpot đốt rụi phần doanh trại Campuchia, nhưng không tiến chiếm sang phía doanh trại có 12 chuyên gia Việt Nam, đành rút lui. Tôi cùng ông Tư Ky và ba anh em người Campuchia nhận lãnh xây dựng phần doanh trại đã bị đốt. Chúng tôi người Việt Nam, không biết chữ Campuchia, không có pháp lý để xin xây dựng. Ba anh em HenCut đứng ra giao dịch ký hợp đồng. Ông Tư lo về kỹ thuật, tôi điều hành tiền bạc, lương phạn và ăn uống cho công nhân. Đầu tháng 11 khởi công, tôi cũng biết mấy ông Campuchia là trời đất lắm, buổi ra mắt mời đến nhà đãi một bữa cơm thân mật có mắm bò hóc. Lập bàn hương án cùng nhau thề thốt, đứa nào phá hay lừa lọc thì trời đánh thánh vật. Tôi mượn khẩu súng K54 của anh Sơn Nam bỏ vào tủ sắt, rồi mở ra cho nó xem là tôi có súng, kế bên súng để mấy lượng vàng sáng rượi, có ý nói, tao có tiền mà có súng, đứa nào phản, tao bắn chết mẹ.
Tôi dồn hết công nhân Việt Nam lên Ôđông. Nhẫn, Sĩ, Điệp, Đức và hai đứa bộ đội mới xuất ngũ. Với chiếc xe Honda tồi tàn, ngày nào tôi cũng đi cách Nam Vang 40 cây số. Trời lạnh kinh khủng, có lẽ năm này lạnh nhất từ xưa đến giờ, ở Việt Nam cũng như ở Campuchia. Sáng bốn giờ, tôi đã thức dậy khi lũ chó tru đợt cuối của một đêm và tiếng gà canh năm vừa dứt. Tôi mặc hai quần, không kể quần đùi, ba lớp áo, không kể áo may ô, mà vẫn thấm lạnh. Dạo này, vì lo âu nên tôi bị bệnh bao tử. Sáng điểm tâm bằng một lít nước lã để đầu giường rồi ra đi, dù vợ có kéo lại bảo con cần hơi ấm của cha. Tôi vẫn đi dọc theo bờ sông Tông Lê Sáp, theo sông để về thượng nguồn, đến nơi làm việc là vừa đúng 7 giờ. Công nhân làm việc có khoảng 100 người, cả người Việt và người Campuchia. Hầu hết số công nhân là do ông Tư Ky tuyển, vì ông biết nói tiếng Campuchia. Một đạo quân ô hợp, trai có gái có, đêm nào cũng đánh bạc, cũng kình cãi nhau. Bữa nào tôi cũng xử, nhẹ đánh bằng roi, nặng đuổi. Và công nhân Campuchia mỗi lần gây gổ với công nhân Việt Nam, họ chỉ chịu tôi phân xử. Họ đòi phải Toàn Mập chỉ huy và phân xử họ mới chịu, đánh họ cũng chịu.
“Số tử vi tôi năm nay tiểu hạn cư cung Quan Lộc, ở Mùi có Tham Vũ” mà lão tổ Trần Đoàn có câu phú “Tham Vũ đồng hành viễn cảnh biên di thần phục”. Đúng quá, viễn cảnh là nơi biên giới xa, lũ quân mọi rợ thần phục. Và cũng năm này, theo số, thì tôi cường thịnh có vàng nhiều, nhưng điều này thì hoàn toàn sai. Nếu đúng chăng là có được thằng con quí tử. Đột ngột, mẹ tôi lên thăm. Mẹ tôi từ Phú Yên vào Sài Gòn thăm con thăm cháu, đến nơi thấy nhà hoang vắng lạnh, không con không cháu. Nghe con cháu đi Nam Vang, bà tốc theo, vượt bao nhiêu sông suối, đò giang để thăm con. Lên tới nơi, gặp con cháu, bà mừng mừng tủi tủi. Có được thằng cháu trai bụ bẫm. Cu Ti đang ở tháng thứ ba, đẹp như thiên thần, bà rất mừng. Và bà nội cho cháu ăn miếng ăn đầu đời, như đã cho tôi ăn ở tháng thứ ba, để tôi chóng lớn. Bây giờ bà cho cháu ăn, mà điều ước muốn đó đã thành sự thật, cháu cũng mỗi ngày mỗi lớn như thổi.
Tôi đưa bà đi vòng vòng bằng xe hơi của tổ hợp xây dựng, để bà nhìn thấy con cháu của bà có việc làm cho bà mừng. Một hôm, tôi đưa mẹ tôi đi tham quan thành phố Nam Vang bỗng gặp anh Sơn Nam đang đứng với ông Tăng Xà Rum, Bộ trưởng Bộ Kinh Tế Đối Ngoại, người mà sau khi vợ con tôi lên Campuchia một ngày có đưa Cu Ti đến thăm gia đình ông ở một tòa lâu đài màu trắng hình thể tròn. Đó là căn nhà đẹp nhất Nam Vang, trước đây là Dinh Quốc Trưởng Phidipmatắc ở đường Norodom. Ông mời chúng tôi đi tham quan ở một vùng ngoại ô thành phố, để xem sự tàn bạo của chế độ Polpot. Đó là nơi Polpot chôn sống tập thể 10.000 người. Những hầm mộ được khai quật, trong khuôn viên 10.000 m2 chôn mười ngàn người. Đúng một người một thước đất. Polpot nó cũng khoái đào hầm. Nó lùa tử tù ra đào hầm, đào xong nó đập xuống bằng báng súng, đánh vào đầu hay bắn hàng loạt. Tốp khác lôi xác bỏ xuống rồi lấp lại. Sau đó đào hầm khác cho chính mình. Tôi vẫn thường đọc trong thi ca “đống xương vô định đã cao bằng trời” hay “núi sông xương máu” nhưng chưa bao giờ chứng kiến, thì bây giờ những đầu lâu xương trắng đã chất đầy một trại, ngang 10 m dài 40 m, cao ngập đầu. Tôi có chụp hai tấm ảnh ở đây với sự hãi hùng của mẹ tôi và sự đau khổ của ông Tăng Xà Rum khi nói về nạn diệt chủng của bọn Polpot. Hai tấm ảnh này sau được phóng lớn treo ở văn phòng Bộ trưởng, và có ý gởi dự thi triển lãm tội ác Polpot.
Mẹ tôi ở lại chơi 15 ngày rồi về lại Việt Nam. Bà nói lời khuyên con nên về lại Việt Nam. Nhưng về sao được hở mẹ, dù con cũng nhớ nhà, nhớ nước. “Con quốc quốc nhớ nhà khắc khoải lội qua sông/ Dây bầu leo giàn cao nào đâu thương dây bí”
Con quốc quốc thương nước, nhớ nhà nhưng vẫn phải vượt biên sang xứ người. Làn sóng người Việt Nam sang Campuchia kiếm sống và tìm đường đi vẫn nhộn nhịp. Nhưng sau này, về lại Việt Nam tôi mới thấm: “Không sống ở đâu bằng sống ở nước mình/ Không ở nhà ai bằng ở nhà mình/ Không thương con ai bằng thương con mình/ Không làm nghề gì bằng làm nghề của mình/ Và không ngủ với ai bằng ngủ với vợ mình”.
Hàng tuần vào chiều thứ bảy hai vợ chồng tôi lên phát lương cho công nhân. Lần phát lương đầu tiên, vợ tôi lên tìm thăm Nhẫn, thằng em ruột đang làm ở đây. Khi gặp thằng em, vợ tôi không nhận ra nó nữa, nó làm phu gánh đất đầu cổ bịt kín. Gặp nó, vợ tôi còn hỏi, em thấy thằng Nhẫn đâu không? Thằng em bỏ gánh, tháo khăn ra, bà chị mới biết mặt. Tất cả mọi người đều lao động khổ sai, đêm thì lo sợ Polpot tấn công. Tôi dời khu nhà ở của những công nhân Việt Nam sang gần khu chuyên gia, và đào giao thông hào liên với phòng tuyến của Quân đội Việt Nam. Lỡ khi chiến cuộc xảy ra thì quân ta theo quân mình chiến đấu.
Buổi chiều, ba giờ là tôi về, không phải sợ gì nhưng còn vợ con ở nhà. Đêm đêm, ngủ với tiếng tru của chó như tiếng tru của lũ sói rừng. Và những đêm mưa gió gào thét, sấm nổ, thì lính Campuchia họ lại nổ súng chỉ thiên. Họ nói rằng bắn cho ông Trời ổng sợ, không làm dữ nữa. Mà Trời nào biết sợ lũ oắt con, chỉ có người sợ. Chỉ có vợ con người xa xứ này run sợ, nếu thiếu đi bóng dáng cao lớn như cây cổ thụ của tôi che chở. Vì vậy nên giá nào tôi cũng về, để sáng sáng lại đi trong rét mướt, lạnh lẽo và cô đơn. Gió từ sông Tông-lê-sáp thổi tấp vào người, tôi đi liêu xiêu trên con đường vạn khổ. Tôi vẫn đi không bỏ một buổi làm nào. Xe cộ phải chuẩn bị cho tốt, để chỉ huy mặt trận xây dựng này. Đến cuối tuần, tôi lại trả lương cho công nhân bằng chính những đồng vàng của tôi. Các người Campuchia cầm hợp đồng đi nhận tiền và đi nhậu là chính. Đến tuần thứ ba là tôi run rồi. Tôi cho công nhân nghỉ việc với yêu cầu ứng tiền. Lúc này họ mới tạm ứng số tiền họ đã nhận của quân đội cho tôi, sau khi đi nhậu còn. Tôi bắt đầu tính phương án rút lui trong êm đẹp.
20 tháng Chạp giáp Tết, tôi triệu tập cuộc họp đưa ra yêu cầu phải ứng tiền tôi mới làm nữa. Và đi đến giải pháp là tiền họ đã lỡ tiêu, nên không có để trả cho tôi số tiền mà tôi đã trả cho công nhân. Một trong lũ chúng nó để lại cho tôi một chiếc xe Vespa trị giá một chỉ rưỡi vàng để tôi ứng tiền làm tiếp. Nhận được xe tính ra huề vốn, lỗ công. Nhân dịp Tết, tôi cho công nhân nghỉ luôn, sau đó hủy hợp đồng giữa tôi với họ. Tôi giữ xe Vespa, khi nào họ trả tiền thì lấy lại xe.
Một tháng sau, chúng nó bảo tôi mang xe đến địa điểm của chúng để bán xe trả tiền cho tôi. Tôi biết chúng đang giăng một cái bẫy sập. Tôi đi, rủ theo ông Tư Ky, người biết việc này, với người thứ ba là Đại úy Hải.
Ba người chúng tôi đến một căn nhà của những người Campuchia. Tôi đi xe Vespa chở Hải, ông Tư Ky đi xe Mobilete. Họ đã giăng sẵn một cái bẫy, rất đông lính Campuchia, khoảng sáu bảy người, có cả sĩ quan cấp tá. Tôi đem xe đến, họ không nói gì đến vấn đề trả tiền bạc lại cho tôi, mà đến săm soi chiếc xe rồi đạp máy. Tôi ở nhà đã chế một công tắc riêng chỉ mình tôi biết. Lúc này tôi nhớ đến chuyện Lạn Tương Như đem viên ngọc minh châu họ Hòa sang Tần.
Ngọc bích họ Hòa là một vật quý trên đời. Ban đêm phát ra ánh sáng có thể đọc sách được, mang theo mình không trúng gió, kị phong, trừ được ma quỉ. Mùa đông phát ra sức ấm, mùa hạ mát. Vua Tần nghe ngọc quý, muốn chiếm đoạt, nên lệnh cho vua Triệu đem sang Tần để đổi lấy mười thành. Vua Triệu biết Tần lừa, nhưng không biết làm sao, vì Tần là nước lớn, nên giao cho Lạn Tương Như sang Tần một là để đổi lấy mười thành, hai là đem được ngọc bích trở về.
Vua Tần nghe đem ngọc qua, mừng lắm, họp cả quần thần đòi Lạn Tương Như vào dâng ngọc. Vua Tần xem qua, biết là viên ngọc quý, chạm khắc tinh vi, ánh sáng lấp lánh. Xem xong, vua chuyền cho các quần thần và mỹ nữ xem, rồi đem vào hậu cung, không nói gì đến chuyện đổi thành. Lạn Tương Như đứng cạnh chờ đợi hơi lâu, nghĩ liền một kế, đến trước mặt nhà vua mà tâu rằng:
- Viên ngọc có tì vết nhỏ, không ai nhìn thấy, chỉ hạ thần là người giữ mới biết được. Xin bệ hạ cho hạ thần chỉ cho mà xem.
Vua Tần sai tả hữu đem ngọc bích đưa cho Lạn Tương Như. Tương Như có ngọc trong tay, lùi mấy bước đứng bên cột cung điện, giận dữ bảo vua Tần:
- Ngọc bích họ Hòa là một báu vật. Bệ hạ bảo đem sang để đổi lấy mười thành. Giờ bệ hạ muốn nuốt lời. Bệ hạ đưa cho các quan và mỹ nữ hậu cung xem là coi thường quá lẽ. Nếu bệ hạ bức bách, tôi sẽ liều chết và đập nát viên ngọc này vào cột.
Tôi đến giành tay lái xe Vespa, rồi đạp cho máy nổ. Ngồi trên xe tôi nói, xe nổ máy tốt, bây giờ muốn lấy xe phải đem một cây rưỡi vàng đến nhà tôi. Nếu năm ngày sau không đến, tôi sẽ bán xe đừng trách. Nói xong tôi sang số, rồ ga rồi vọt xe về nhà. Đúng năm ngày sau, chúng đến trả vàng và lấy xe.
Những ngày gần Tết nơi xứ người, gia đình tôi đang lâm cảnh thất nghiệp. Bông hoa không bán được, nguyên liệu để sản xuất không có, làm xây dựng không bị người ta gạt là may. Hai mươi tháng chạp, tôi cho rút toàn bộ công nhân từ Ô-đông về. Đứa nào có xe đạp đi xe đạp, đứa nào không có đi xe lôi, còn ba đứa và toàn bộ vật dụng đồ nghề chất lên chiếc ba gác mà tôi đứng tên, đem từ Sài Gòn lên, đạp từ Ô-đông 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều về đến nhà, quân tướng đầy đủ.
Đến 22 Tết, xem như vợ chồng con cái thất nghiệp. Na Nô chỉ học ở nhà, không đến trường, dù vẫn nghiêm chỉnh ngày hai buổi học với cô giáo tại gia.
Tôi điên cuồng vì lo âu, đôi mày lúc nào cũng nhíu lại. Nhớ sáu tháng trước, lúc mới qua, tôi có quen với vợ chồng ông Tài, bà Bé, bán vàng ở chợ Olympic. Tôi nghĩ, tìm lại để hùn vốn với ông bà mà tìm việc làm ăn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi cứ ngại người ta giàu có, vàng cân hàng kí, mình chỉ có mấy lượng thì làm sao. Nhưng rồi cũng đánh liều. Lúc cùng làm với nhau mới biết, mình có được bảy lượng còn bà ấy tiền như núi, vàng hàng bụm, mà vốn chính thức chỉ có năm chỉ. Thôi thế cũng ổn, có việc cho vợ làm, thu nhập đủ tiêu qua ngày. Nhưng nào ngờ, mới ba ngày sau, sáng 27 Tết, một thằng Campuchia ở Battambang xuống bán bạc, nó đưa một túi bạc hột cân được một kí, đổi lấy một lượng mốt vàng, trong lúc thị trường một kí bạc đổi một lượng ba. Như vậy là có lời hai chỉ. Mình mới ra nghề láo ngáo, ông Tài, bà Bé thử bạc xong đâu đó, vừa đưa vàng cho nó, nó chạy liền, có một thằng đi xe Mobilete đợi sẵn trước. Xem lại là bạc giả, chỉ là đồng mạ. Chúng nó mang theo hai túi giống nhau, cùng trọng lượng, cùng màu vải đen chấm trắng. Lúc đưa túi bạc thật cho mình thử, mình sơ hở nó rút ra túi khác đổi, lấy vàng rồi vọt lẹ. Lạc qua xứ sở nụ cười/ Kìa em bốn mặt/ Mặt người là đâu? (Văn Thảo Nguyên).
Đắng miệng và chua cay, ở nhà còn mấy dụng cụ và đồ nghề cơ khí, tôi bán lần mà ăn. Có cái môtơ hai ngựa cũng phải nhờ một ông kĩ sư Việt Nam bán hộ. Nhưng rồi không đòi tiền lại được, tìm đến nhà, đó là một nhà sàn cheo leo giữa đồng, tính đến làm dữ nhưng khi vào nhà thấy mà thảm, nhà như một cái chuồng cu. Vợ bồng con thơ, thằng bé bụ bẫm hai mắt như hai hạt nhãn long lanh, vợ nghe đòi nợ khóc ròng, mình đành về mà không bao giờ trở lại.
Kinh nghiệm cho biết, cái gì đã lỡ rồi thì thôi, đừng tiếc. Không lợi gì. “Đừng bao giờ ăn gian thằng ăn trộm” – mất ít cứ nói mất nhiều, rồi tiếc, rồi nội bộ mất ổn định, chỉ có hại. Tôi và bà Bé thống nhất, chia hai mỗi người chịu năm chỉ rưỡi về vụ mất bạc, để còn cùng làm ăn với nhau.
Năm cùng tháng tận, gia đình ăn Tết ở xứ người, trong nước mắt nhớ cố hương. Trời vẫn lạnh, chó vẫn tru, pháo nổ lơ thơ, không hoa đào, không hoa mai, chỉ có nước mắt của gia đình người ly hương. May có ông Sơn Nam cũng đỡ buồn. Bồng con ngồi nhìn ra đường vắng lặng, nghe ông đọc thơ Hoàng Cầm. Thơ ông viết cho thằng con trai tôi trong nỗi xót xa của người vong quốc.
Những ngày cận Tết, người Việt tất bật, ai về được quê hương thì về, ai không về được thì não lòng người luân lạc. Tất cả hàng quán người Việt đều đóng cửa. Chiều 30 Tết, cửa hàng vàng chúng tôi cũng tống tiễn khách hàng từ lúc 11 giờ trưa rồi về nhà nấu mâm cơm cúng tổ tiên ông bà. Chiều mồng một Tết, tôi lên thăm nhà bà Bé, dù khó khăn trên bàn thờ cũng có mâm ngũ quả cầu, dừa, đủ, xoài, ngoài ra còn có thêm hai trái dưa. Tôi hỏi bà Bé: “Cầu dừa đủ xài gì mà bằng hai trái dưa dữ bà, bằng hai trái bưởi như bà chưa đủ sao phải bằng hai trái dưa?”
Bà Bé đưa lá số tử vi hỏi tôi về ngày khai trương đầu năm. Tôi thấy mồng ba có Hóa Lộc, Thiên Khôi, Đào Hồng chiếu, tôi nói: “Nói bà không tin nhưng phải khai trương mồng ba Tết.” Ối cha, cả đời chưa bao giờ, và chưa thấy ai khai trương mồng ba Tết. Nhưng tôi coi số bà khai trương ngày này có lợi. Bà tin ở tôi. Sáng sớm mồng ba, chưa có tiệm nào khai trương, vừa mở cửa vừa run. Có một số người Việt đi từ Châu Đốc từ đêm mồng hai lên. Sáng, đến Nam Vang, chỉ có hàng chúng tôi mở cửa, nên buôn bán tấp nập vui hẳn lên. Cuối ngày, kết toán lời được một chỉ rưỡi, mừng quá. “Chia hai”, ai cũng vui. Sáng mồng bốn, các cửa hàng Nam Vang mở rộ, người Việt không ai lên vì không ai khởi hành đêm mùng ba. Ngày mở hàng, ai cũng phải chiều khách, rẻ mắc gì cũng phải mua, phải bán, thi nhau mà đổi tiền, nhận tiền Việt, trả tiền ria. Tiền Việt, sau đợt đổi tiền tháng chín vừa qua, đồng tiền còn đang phá giá phi mã. Đầu năm lại mua vào tiền Việt, đến chiều là lỗ lăn chiêng đổ đèn. Tiệm chúng tôi đã mở hàng hôm qua rồi, có lời rồi, nay cứ bình tĩnh mà làm, nên không bị lỗ. Vợ chồng bà Bé phục tôi quá. Lợi dụng uy tín trong việc này, tôi có một yêu cầu là buôn bán phải ghi chép, phải tính sổ.
Họ là những người ít học, buôn bán 20 năm không hề tính sổ, không hề ghi chép. Khi làm chung với tôi, cứ sợ phải tính sổ và cứ sợ phải ghi chép, nên rất là khó chịu. Tôi đành chiều theo ý. Bây giờ tôi đưa ra yêu sách, là mỗi dữ kiện đều phải ghi sổ, để biết ai thiếu, ai nợ, phải tính sổ để biết lời hay lỗ, đừng tính rợ, nhớ không nổi đâu. Và ngày hôm sau, bắt đầu cuộc ghi sổ và tính toán. Đến cuối ngày, phải biết lỗ hay lời. Khi tính rồi, bà Bé mới biết mình làm nghề hai mươi năm vẫn nghèo vì không biết ghi và tính. Rồi bà mới biết là nếu không ghi thì quên, mình nợ người ta đòi, nợ mình không biết đòi. Và tôi cũng đi đến kết luận, trong nghề buôn mà không biết “tổng tài sản mà mình có là bao nhiêu, phải tính được trên giấy trắng mực đen, làm lời hay lỗ, ghi được mình nợ ai và ai nợ mình”. Và đã buôn thì phải bán thiếu, mà bán thiếu nhắm không đòi được thì đừng nên bán. Mà nợ không đòi thì không ai trả, có trả cũng không đủ. Bán là quan trọng, nhưng thu được tiền còn quan trọng hơn.
Khách hàng là vua, nhưng khách hàng mua thiếu tiền không trả là kẻ thù, nên phải phân biệt rõ ràng ở điểm này. Vua thì phải chiều, kẻ thù thì phải tiêu diệt. Tiêu diệt không có nghĩa là giết người ta, mà không cho người ta thiếu, hay lỡ thiếu thì phải đòi rất dai. Chuẩn bị sẵn cái võng, không trả đến treo võng nhà người ta mà nằm.
Năm 1989, thời kỳ khủng hoảng tiền mặt, tôi bắt đầu làm xe lăn tay cho Cục Quân Y. Họ chuyển séc trả tôi số tiền trị giá mười cây vàng. Tôi đưa cho tín dụng Thanh Bình rút tiền mặt, họ hưởng 10%. Nhưng đến kỳ hạn giao tiền, họ không đưa. Tôi lái xe con cóc đến đậu trước cửa nhà chủ nhiệm, đợi đến hai giờ khuya, vợ y cứ nói đi rút tiền chưa về. Tôi cứ đợi, ngủ luôn trước cổng, nhà đóng cửa cứ đóng. Tôi biết nó lấy tiền xong về thấy tôi còn đây là chạy đi luôn. Mười một, mười hai giờ khuya, rồi hai giờ sáng mà tôi vẫn còn đợi, nó đành phải về nhà và trả tiền cho tôi. Cũng may, đám này lừa người ta 400 triệu, sau đi tù cả đám, chỉ có tôi nó mới trả.
Qua Tết, tôi chuyển nhà về Bưng-ta-pét. Căn nhà rộng lớn, cho con có chỗ tập bò, tập đi. Sĩ, Đức đã về Việt Nam. Điệp về giao căn nhà 68 Keomany cho Nhẫn giữ. Tôi kêu bán tám chỉ, bằng với lúc mua, thế đã mừng. Căn nhà mới ở trên lầu ba, phòng thoáng mát. Anh Sơn Nam ở phòng trước, vợ chồng con cái tôi ở hai phòng sau. Na Nô tiếp tục học tiếng Campuchia và tiếng Anh tại nhà. Vợ tôi mỗi ngày đi đến tiệm vàng ở chợ Olympic, cách 5km đường tốt.
Tôi nuôi Cu Ti kể từ tháng thứ tư đến tháng thứ mười. Bao nhiêu tình thương ba dành cho con, đọc sách và nghiên cứu cách nuôi con. Mỗi buổi sáng, 5 giờ tôi thức dậy, chạy đến chỗ mổ heo mua 10 ria 200gr xương bánh chè, về nấu nước với rau, với dầu, pha sữa, khuấy bột cho con. Ba nuôi con kĩ từng li từng tí. Mỗi ngày một loại rau khác nhau, mỗi ngày một loại xương khác nhau. Có hôm, ba cho con ăn nguyên một trứng gà. Ở tháng thứ năm, em bé ăn phải có trứng, nhưng chỉ trứng cút mới được, trứng gà em bé không chứa nổi, ộc ra. Cu Ti ăn xong, ba ru con ngủ bằng những lời ru quê nhà mà bà nội đã ru ba những ngày thơ ấu. Lời ru nhắn nhủ những gì/ Mê Kông vỗ sóng Cu Ti mơ màng. Hay: Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con thi trường học, mẹ thi trường đời. Khi con đến tháng thứ mười, ba thường ru: Chim đa đa đậu nhánh đa đa/ Chồng gần không lấy, lấy chồng xa… Kệ cha mày!
Con biết ba hát xạo, con không ngủ mà giẫy nẩy. Con đã lớn lên bằng sữa của mẹ, bằng lời ru của người cha xa xứ, và bằng tình thương của hai chị. Thương Cu Ti buồn hai chị theo đi/ Bỏ thầy cô bạn bè trường lớp.
Con ngủ, ba tất bật đưa mẹ ra chợ. Ở nhà, hai chị vào lớp học. Về, ba giặt giũ quần áo cho con, cho cả nhà. Đến trưa, mẹ ăn cơm ngoài chợ, ba và hai chị ăn cơm đạm bạc với mớ xương đã nấu lấy nước pha sữa cho con. Ba cha con gặm xương và ăn cơm với rau muống dưới vườn, cho đỡ tốn tiền chợ. Nhà rộng, ba sắm cho con cái xe tập đi với bốn bánh xe cải tiến. Con chạy re re khắp nơi trong nhà, có hôm xông vào lớp học của hai chị Na Nô. Đến tháng thứ sáu mới lo được cho con đi chích ngừa. Những mũi thuốc chích ngừa đầu tiên làm con đau, ba cũng xót xa. Đến chiều 2 giờ, ba chở ba đứa ra chỗ mẹ, hai chị trông em. Bà bác sĩ Huỳnh Mai, người Campuchia, học bác sĩ ở Hà Nội, thương Cu Ti lắm. Chồng bà là Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia thời kháng chiến, bị Polpot giết. Cha bà, ông Chăn-thơ-mây, là Chủ tịch nước Campuchia thời kháng chiến chống Pháp. Bà cho Cu Ti ăn và chơi. Tôi có thời gian rảnh rỗi mấy tiếng đồng hổ chơi domino với mấy người hàng xóm, và thường đánh ăn tiền, không nhiều nhưng đủ vui. Tôi thường thắng hơn thua, chơi cho qua ngày tháng, và đây là giai đoạn duy nhất trong đời tôi rảnh rỗi để vợ đi làm nuôi mình, còn tôi lo nuôi con. “Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than”, còn tôi lỡ vận ở nhà nuôi con. Và người anh hùng ở chỗ nào cũng đủ tư cách, việc gì cũng làm xuất sắc, nhất là việc nuôi con mình. Cu Ti mỗi ngày mỗi lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế dưới sự chăm sóc của cha và tình thương của mẹ. Tôi cũng đã nghiêm khắc với con, khi còn năm sáu tháng tuổi, khóc nhè là đè ra trót đít, cho con có ý thức từ tấm bé.
Trời đã sang mùa hạ, rất nóng nực. Đêm đêm bỏ con lên võng và tủ thêm cái khăn, đưa con, cái khăn phất qua phất lại làm quạt ru luôn mẹ. Khi cả mẹ và con đã ngủ cha mới yên giấc. Khi mẹ và con chưa thức giấc, ba đã ở hàng thịt mua xương nấu cho con. Có lẽ trên thế gian này không có đứa bé nào được diễm phúc bằng Cu Ti, dù đó là con vua, con nữ hoàng. Không thể có được sự âu yếm và nuôi nấng kĩ lưỡng bằng chính người cha đầy kiến thức khoa học cùng với tình thương. Tôi đã nuôi con tôi bằng tình thương mà tôi đã chắt chiu từ lúc mới thành hình trong bụng mẹ, và bằng cả tình yêu thương của đất nước. Tiếng ru của cha sẽ làm lớn khôn tâm hồn người Việt Nam trong con sau này. Thiếu tiếng ru của ba, con không ngủ. Khi con biết nói, con bắt ba phải ru, và phải ru đúng giọng. Giọng ba đúng giọng của một người Việt Nam thuần túy. Con còn bắt ba kể chuyện, kể triền miên, mà cũng phải kể đúng giọng. Những hồi ba buồn ngủ hoặc mỏi mệt, kể hay ru không đúng giọng, là con không chịu, móc miệng ba bắt phải kể đàng hoàng.
Những chiều lãng đãng bóng hoàng hôn, tôi bồng con đứng ngóng trời mây và chỉ cho con xem những đám mây ở hướng quê nhà, quê nội. Mai sau con lớn, ba sẽ đưa con về thăm ông bà. Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay. (Nguyễn Bính)
Tâm hồn người cha tha hương đã toát ra, để phả vào đứa con chưa đầy một tuổi, để vòng tay có chặt hơn, môi hôn có thắm hơn. Đứng trên lầu cao, ước gì ta được bay đi với đứa con trong tay về quê nhà, cho con nhìn được quê hương dù chỉ trong một phút. Ngồi bế con thơ ngắm sự đời/ Thăng trầm bao thuở Ức Trai ơi/ Đọc thơ hiền triết ngàn năm cũ/ Đất vẫn vùng lên sóng ngập trời.
Cứ mỗi buổi chiều, lúc 4 giờ, hai con Na Nô đã học xong, Cu Ti thức giấc. Con ăn xong là ba cũng đã dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo xong. Ba lại chở cả ba con đi đón mẹ. Lần về, chiếc xe Honda 50 cà tàng chở cả nhà, hai vợ chồng và ba đứa con. Lại cứ lo vài năm nữa các con lớn xe này sao chở nổi. Ước gì có được chiếc xe bốn bánh, dẫu tồi tàn nhất như chiếc xe con cóc cũng được. Một ước mơ tầm thường, nhưng rồi cũng đạt được vào những năm sau.
Gia đình tôi đang sống yên ổn, đang lo thầm lặng, thì gia đình kế bên, căn phòng kế bên, cùng vào một ngõ, cô Ngọc, ở một mình. Một hôm có hai vợ chồng và đứa con gái bốn tuổi lên. Rồi gia đình ông Bình cũng lên. Ông ấy la om sòm. Nhà tôi có con chó hay chạy qua nhà ông, đêm ông đánh, ông la, ông chửi, đúng nghĩa “chửi chó mắng mèo”. Tôi định sáng hôm sau sẽ cho đem con chó đi nơi khác. Làng xóm ở với nhau, chẳng lẽ vì con chó mà làm phiền lòng nhau.
Nhưng số ông ấy không bằng số con chó. Ngay trong đêm ấy, ông đã đưa gia đình đi vượt biên bằng đường bộ. Ông đi với vợ lớn và hai con, cùng gia đình bạn ông, hai vợ chồng và một con nhỏ - Thùy Vi. Ông bỏ cô Ngọc lại, nên con chó còn sống và đời ông thì khốn nạn. Ông đã cùng đoàn người theo lũ buôn người lên Battambang, đến trốn ở nhà một người Việt Nam, chờ ngày đi vào rừng biên giới. May cho ông Bình, người Việt Nam họ Đặng thường làm công việc chứa người Việt rồi giao cho bộ đội Campuchia. Hắn đưa đi vào rừng lấy hết của cải vàng bạc, đàn bà thì bị hãm hiếp rồi bắn bỏ. Thời gian lưu lại để chờ chết, người Việt Nam cùng họ Đặng với ông, thăm hỏi ông cùng gốc Thanh Hóa, và người ấy còn một chút lương tâm, không nỡ giết người cùng gốc gác, nên nói cho biết, và ông trở về sau khi bị nhốt 15 ngày. Sau được tin ông về khám lớn Nam Vang. Cũng may phước cho nhà ông, cha mẹ ông lên thăm. Tội nghiệp quá, cha mẹ nào cũng thương con, xót xa vô cùng. Ông bà cụ ở lại với gia đình tôi mười hôm để thăm con rồi về Việt Nam.
Cô Ngọc nhận đứa bé Thùy Vi ba tuổi ra khỏi nhà tù để nuôi. Cô không tiếc sức để hành hạ con bé, không tiếc một hành động dã man nào. Cháu còn bé quá, cô đi suốt ngày, mỗi lần về là con bé bị đòn roi. Cô bắt con bé chỉ ngồi trên giường, cô về gặp con bé xuống nền nhà là bị đòn vì dơ chân, dù nền nhà gạch bông, vì chung sân với nhà tôi, nên được lau sạch bóng. Còn cô về, con bé không chạy ra mừng cũng bị đánh. Tao về sao mày không mừng, con chó còn biết chạy ra mừng, còn mày ngồi ì ra đó.
Cô đi, bỏ đói con bé. Chúng tôi phải cho bé ăn. Con bé không dám ăn. Nhưng không ăn thì đói, còn ăn thì về cô lôi vô nhà cầu nhận nước. Tao có bỏ đói mày đâu mà mày đi ăn xin đủ kiểu. Có hôm, cô lôi con bé vào buồng, khóa cửa và bóp cổ. Tôi nghe tiếng ẹt ẹt mà xót thương cho số phận của bé. Anh Sơn Nam nhìn cảnh đó mà không cầm lòng được: Thùy Vi ơi!/ Bím tóc lơ phơ chưa đầy ba tuổi/ Sao con trầm mặc giữa đời/ Cha mẹ đang thời son trẻ/ Sao con thành bé mồ côi/ Tiếng khóc nuốt từng chiều nắng xế/ Bàn chân ngơ ngác quê người.
Rồi có lệnh giải tỏa căn nhà không số của tôi trên đường Achmin Bưng-ta-pét này, để trả cho Sở Xây Dựng. Căn nhà cách đây bốn năm, năm 1982, người bạn giỏi số tử vi của tôi, anh Lê Xuân đã viết cho tôi rằng năm Ất Sửu, năm tôi 41 tuổi, số tôi sẽ ở một căn nhà to lớn và số nhà không tính được, và là một năm tôi đại phát. Mọi việc tôi đều nhận thấy đúng, còn việc đại phát đến nay tôi vẫn tự hỏi, có phải năm đó trời đã cho tôi một cục vàng to lớn, đó là đứa con quí tử Nguyễn Kinh Quốc ra đời hay không?
Chúng tôi dời nhà từ mờ sáng, và cô Ngọc cũng ra đi từ mờ sáng. Cả gia đình Nam đều đi hết cả. Anh Sơn Nam cũng về nhà mới. Căn nhà này ở trên lầu có hai hộ gia đình, tôi và cô Ngọc, dưới đất có bốn hộ người Campuchia. Khi chúng tôi, người Việt Nam đi hết, kể cả cô Ngọc không biết đã đi đâu.
Đến ba giờ chiều, tôi chợt nhớ tôi đã bỏ quên con Kiki. Tôi cùng anh Sơn Nam trở lại để tìm con chó. Con chó vẫn còn ở cổng cầu thang, như chờ đợi, và tôi thấy một con bé da trắng mặt mày lem luốc lẫn lộn trong đám trẻ da đen. Con Thùy Vi. Trời ơi! Con Thùy Vi – con ăn cơm chưa? Buổi trưa nay con ăn cơm chưa? – Dạ chưa. Nước mắt không ngăn được dòng lệ rớt. Tôi đưa cháu về nhà cho ăn. Buổi tối, tôi trở lại với Thùy Vi, tìm cô Ngọc để trao trả. Người Campuchia ra dấu cô đã về nhưng phòng cô chốt cứng, cô còn mải ân ái với người tình. Tôi gõ cửa báo động có người tìm, rồi đợi cô mặc quần áo. Cô không kịp mặc xú cheng, trên trán còn lấm tấm giọt mồ hôi và trên ngực núng nính hai vú sau làn áo mỏng. Tôi trao trả Thùy Vi cho cô, không biết cuộc đời của bé Thùy Vi sẽ đi về đâu? Đến nay, tôi không hề gặp lại, chỉ biết cuộc đời của bé đã để lại cho văn học và nền thi ca bài thơ “Em bé vượt biên” của Trần Sơn Nam: Ba đưa con sang Úc, sang Anh, sang Mỹ/ Sướng bằng trăm bằng ngàn ở xứ Việt Nam/ Má đưa con đi chơi bằng xe hơi/ Sắm cho con hàng trăm bộ đồ xanh, vàng, tím, đỏ/ Mẹ con mình sẽ sướng như tiên/ Gương mặt hai vợ chồng sáng hồng mộng tưởng/ Mắt cháu bé chợt buồn như sao Hôm/ Má ơi! Con thương ngoại, thương nội/ Thương cô giáo, thương các bạn trường Hoa Hồng/ Không được đi cùng, không được sống như tiên...
Những ngày sống ở ngôi nhà này, gia đình tôi đùm túm nhau, lo nhất là Cu Ti, sợ cu cậu đau ốm, nhưng làm sao tránh khỏi khi bé bước vào tám tháng tuổi. Bé mọc răng, bé nóng, bé đau. Mỗi lần bé đau, cả nhà quấn quít. Bác sĩ người Việt không có, có chăng cũng không giỏi, bác sĩ Campuchia thì khác tiếng nói, mỗi lần đi bác sĩ là cả nhà cùng đi. Ba chở mẹ bồng Ti, hai chị làm thông dịch viên. Có hôm Cu Ti nóng 40oC, làm kinh giật giật, cả nhà ùa nhau, lính quính giữa đêm khuya. Chanh cạo lưng, chanh đánh khắp mình, rồi Cu Ti cũng qua cơn nóng sốt, để chờ sáng đi bác sĩ. Từ đó, nhà luôn có thuốc giảm sốt, thuốc nhét đít là hiệu quả nhất, nhanh dịu cơn sốt nhất. Không có đá để ngâm thì ngâm vào nước lạnh cho cứng rồi nhét đít là hạ cơn nóng.
Mùa hè năm này chúng tôi cho Na Nô về thăm quê hương, bạn bè, trường lớp. Hai cháu đi một mình, Na 14 tuồi, Nô 12 tuổi, mẹ cứ sợ cho con đi một mình lỡ có gì không. Tôi quyết định cứ cho con đi cho nó khôn. Lũ nó không quá nhỏ để đi lạc, không quá lớn ở tuổi thành niên để người ta qui tội vượt biên. Cứ cho hai con đi cho nó có bản lĩnh với đời.
Một hôm Campuchia tổng kiểm tra dân số, ở phần khai lí lịch, đến mục văn hóa, người khai lí lịch tự động viết tôi trình độ mù chữ, vợ tôi mù chữ, Na Nô lớp hai. Đêm về tôi trào nước mắt. “Trời ơi, mình mù chữ và tệ hơn nữa là thằng câm ở xứ người. Sống làm sao đây, ở làm sao đây, làm nên nỗi gì đây khi mình là người mù chữ?” “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, bao nhiêu năm đèn sách để trở thành người mù chữ ở xứ người.
Na Nô lên lại, suốt mùa hè năm nay tôi cũng không xin cho Na Nô vào một trường học nào ở Campuchia. Tôi đã có quyết định cho con về lại Việt Nam đi học. Cuối tháng tám năm 1986, Na Nô được gởi về Việt Nam bằng một chuyến bay chuyên cơ M18.
Hai con tôi về nhà mới hai hôm là đi học. Nhưng tôi vẫn chưa yên tâm, tôi muốn trở về xem lại việc học của con. Và cũng đúng vào dịp được tin ở quê nhà có người qua đời. Tôi nói đùa với người quen, tôi về đưa đám ma. Để mẹ con ở lại trên căn nhà chuồng cu, che bằng mấy tấm tôn fibro - xi măng, mây và lá, tôi biết đi là chuyện chẳng đành, nhưng vẫn phải đi vì tương lai của hai đứa lớn. Trời đã sang đông, đêm lạnh buốt. Anh Sơn Nam vẫn ở với tôi, căn nhà chật hẹp nên đêm qua phải ngủ ngoài hiên. Sáng ra tôi lên tàu, đêm thức giấc thấy anh đang trùm mền ngồi co ro dưới ánh đèn bóng tròn vàng vọt, anh đang viết, và anh đang viết bài thơ tặng tôi: Tìm nhau xứ người/ Ta yêu xứ sở mà lưu lạc/ Tan tác tìm nhau/ Giữa giông bão biển đời/ Ngày đầy ắp lo âu/ Đêm hoang tàn mộng tưởng/ Chim trời cá nước bóng chơi vơi/ Mai rồi gặp lại người tri kỉ/ Mái đầu sám hối bạc như vôi.
Chín giờ sáng, tôi cùng anh Sơn Nam đi Tân Châu. Buổi chiều cùng ngày, về đến Tân Châu, ngay ngã ba sông biên giới. Chờ tàu về Long Xuyên, chúng tôi uống rượu, chờ khuya tàu chạy. Mắt tôi đăm đắm nhìn về Nam Vang, rồi nhìn về Sài Gòn, nơi nào cũng gặp mắt con, nơi nào cũng duyên cũng nợ, duyên với vợ ở Nam Vang, nợ với con ở Sài Gòn. Nỗi lo âu rất gần và hạnh phúc rất xa xăm. Sơn Nam viết ngay đêm đó bài thơ “Ngã ba sông biên giới”:
Ngã ba sông biên giới
Chiều mùa đông hắt hiu
Gió xoáy mấy hướng
Sóng vỗ mấy chiều
Phía trước đến Nam Vang
Bên trái về Tà Keo
Bên phải về Cần Thơ
Ngã ba hoàng hôn hoang vắng
Quay ngả nào cũng gặp mắt con
Đôi mắt buồn thăm thẳm
Con ơi nỗi lo âu rất gần
Và hạnh phúc rất xa xăm
Năm giờ sáng đến nhà anh Sơn Nam ở Long Xuyên. Vào nhà ông già anh, ông Đồ nho xứ Bắc Hà ngồi co ro trên chiếu phản, tóc bạc phơ, dáng gầy còm bên chồng sách và bên các hộc thuốc Bắc. Ông làm đúng nghề của các kẻ sĩ tiến vi quan thoái vi sư, nho y lý số. Ông làm thầy thuốc bắc. Tôi chỉ kịp thưa bác và thò tay lấy một quyển sách dày. Mở trang đầu “Đông Châu liệt quốc”, rồi chỉ có thế, một trang sách, một đề sách, hai người một già, một trẻ đã trở thành đôi bạn vong niên. Bác cháu luận bàn Đông Tây kim cổ, thế thái nhân tình, say sưa quên cả ăn cả uống. Đến giờ làm việc, các con cháu của bác, anh Ba Ngạn – Phó giám đốc Viện Đại học Thủy Sản, kĩ sư nông nghiệp, giờ đi làm ghé qua thăm cha và nhiều người nữa. Ông cụ có năm con trai là năm vị cử nhân, trừ Sơn Hải ở Sài Gòn, Sơn Ngọc ở Hà Nội, còn đầy đủ hết. Cả bạn bè của họ đều bỏ việc buổi sáng ngồi đây lặng lẽ để nghe hai kẻ tâm giao nói chuyện, giống như Lão Tử nói chuyện với Khổng Tử thời Xuân Thu. Thời Khổng Tử gặp Lão Tử có lẽ Lão Tử cũng tuổi ông cụ và Khổng Tử cũng tuổi tôi. Hai cuộc gặp gỡ cách nhau 25 năm của họ để đời sau luận giá trị vẫn tôn Lão Tử trên Khổng Tử một bậc, dù nhiều người vẫn tôn sùng Khổng Tử hơn Lão Tử sắp theo lý luận triết học. Phật Thích Ca/ Lão Tử/ Khổng Tử/ Jesus/ Mohamet, rồi sau đó đến các hệ tư tưởng khác.
Cuộc gặp gỡ giữa tôi và bố anh Sơn Nam là cuộc gặp gỡ đầu tiên lưu lại trong tôi và bố anh những tình cảm sâu đậm và cũng là cuộc gặp gỡ cuối cùng, bởi vì hai năm sau cụ lìa đời mà chúng tôi không một kần gặp lại. Những lần giỗ cụ, bên làn hương khói tôi vẫn khấn nguyện cho cụ an lành nơi chín suối, phù hộ cho tôi và con cháu được mạnh khỏe nơi cõi trần.
Nghị quyết 34 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra đời, công nhận các thành phần kinh tế xã hội, cho làm kinh tế gia đình để tiến đến thừa nhận năm thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư doanh...
Những sự thay đổi về kinh tế này như trận mưa rào đầu mùa. Cây cỏ héo khô vì hạn hán nay có mưa đâm chồi nảy lộc. Sức sống của thành phố như bừng bừng thức dậy, mặc dù vẫn còn dè dặt nhưng vẫn hơn trước đây, sống trong sự khó khăn, tù túng. Người dân bây giờ mới có thể thở được, để tiếp tục sống, mà người dân thành phố chỉ chờ có thế. Việc làm có đổi khác, các cơ xưởng có hoạt động, có tiếng máy chạy, hàng quán có mở, người đi đường có áo quần xanh đỏ, đủ màu rực rỡ hơn.
Ở nông trường Duyên Hải có một cái cầu sắt bị chìm đang muốn bán mà không ai mua, tôi tìm đến, áp dụng đúng châm ngôn của tôi: Nghe tận tai, thấy tận mắt/ Chân đi, miệng nói, tay làm.
Ngày hôm sau tôi ra Duyên Hải cách 50 km đi bằng ghe mới đến nơi. Tôi đem theo mình vũ khí là một thước kẹp đo độ dày của sắt và một thước dây. Ra đến nơi tôi xem một số sắt tấm ở trong kho, một số sắt chữ H đang nằm chênh vênh giữa con lạch, còn một số nằm dưới nước. Tôi hỏi:
- Ở đây có chiếc tàu nào trọng tải cỡ 10 tấn không?
- Có. Người ta chỉ cho tôi một ghe lớn chở được 50 tấn, và cho tôi một ghe chở 20 tấn, nếu được thì sẽ cho thuê ghe đó chở về. Tôi lặn xuống nước để đo số sắt bị chìm, leo ra giữa rạch nước để đo những thanh sắt dài 10 mét bắc qua rạch. Xong tính được tổng trọng lượng của cái cầu và nói tôi sẽ mua được cái cầu này hai lượng vàng. Ngay cuộc họp buổi chiều Giám đốc nông trường quyết định ngay là đồng ý bán và còn cho chở về rồi mới trả tiền.
Hóa ra chiếc cầu này nguyên trước đây ba năm ông giám đốc đã cho chở sắt ra để xây dựng cầu cảng. Nhưng khi xà lan đến nơi, sắp cập cảng thì bị chao và chìm làm chết ba người, cả thuyền trưởng, một số sắt rớt xuống sông, một số đưa được vào rạch và một số sắt tàu đem được vào kho. Nông trường muốn bán đi để rảnh mắt và xây dựng cầu khác, nhưng không ai mua. Nhiều người đến và ngao ngán cứ tính thuê một chiếc có cẩu xuống cẩu hết sắt lên xà lan khác rồi chở về. Nếu vậy bán hết sắt cũng không đủ để trả tiền công nên không ai mua. Nay tôi mua có giá, nông trường hứa giúp phương tiện chở, nên tôi càng mừng. Tôi đã tính được chỉ cần số sắt tấm để sẵn trong kho là đủ vốn còn phần sắt chìm và ngoài rạch là lời. Về lại thành phố áp dụng chiến thuật: “Chuyên cần làm ngay ôn bằng trí”.
Tôi soạn thảo kế hoạch, hỏi giá cả chính xác, luôn ôn lại trong đầu kế hoạch, cả trong đêm ngủ, đó là ôn bằng trí. Làm ngay tôi kêu thợ đục, lúc này thợ đục cũ của tôi còn được Hải râu, Sơn Ấn Độ, cái pin gió đá hai chỉ vàng, cái pin to bành ki. To lắm đến bây giờ vẫn còn sử dụng. Có Thành méo ở Nam Vang với tôi, về thất nghiệp nên cùng theo. Tôi tập hợp hết đệ tử để giao công việc. Điệp, Sĩ, Tiến, Tú và thuê thêm một thợ cắt, Thành cũng là thợ cắt. Tất cả là 15 người kể cả tôi phân chia công tác.
Giờ phút cuối trước ngày khởi hành một ngày tôi đuổi Điệp vĩnh viễn vì thấy nó ma lanh, giao nó việc quan trọng nó đâm ra tự kiêu nói bướng. Và đuổi nó ngay dù trước giờ khởi hành. Mặc dù ngày xưa không chém tướng trước lúc xuất quân. Nhưng nếu cần phải giữ nghiêm quân lệnh, chủ tướng cũng phải bêu đầu làm gương, nên tôi quyết định đuổi Điệp vĩnh viễn. Sĩ đưa Điệp ra bến xe ngày hôm trước, sáng hôm sau chín giờ cả đoàn quân khởi hành. Pin đèn, gió đá, gạo cơm lên xe ba gác ra bến Bạch Đằng để lên tàu. Vũ khí, đồ nghề cá nhân cho hết lên xe, chiếc ba gác đem ở Nam Vang về. Đến bến tàu phải cho dụng cụ lên tàu, lính tráng đứa nào cũng rề rề, lánh lánh. Tôi tập hợp lại hết, tuyên bố: “Ở đây mới có cái xe ba gác và dụng cụ nặng không quá năm trăm kí mà rề rà như thế này ngoài kia còn mấy chục tấn sắt đang đợi, làm sao được. Mỗi người một tay khiêng cả xe lẫn dụng cụ lên tàu tôi coi.”
Miệng nói và tay làm - Dô - mười lăm người giở bổng chiếc xe ba gác đưa lên tàu nhẹ hều. Hành khách trố mắt nhìn và vỗ tay. Chiêu đầu đã đem lại khí thế. Chín giờ sáng tàu rời bến, sắp anh em ngồi cùng một chỗ để khỏi đi lại lộn xộn. Khi chờ tàu tới tôi áp dụng chính sách của Quản Trọng thời Chiến Quốc, đặt bài hát cho những người khiêng từ xa, họ vừa đi, vừa hát. Còn tôi kể chuyện bắt đầu từ Cô gái Đồ Long của Kim Dung, anh em nghe mê mẩn. Đến trưa chuẩn bị cơm dỡ theo bày ra mà ăn và nghe kể tiếp.
Tàu vào địa phận Duyên Hải, một xác người nổi lềnh bềnh, ruồi xanh đậu đầy. Đó là tù vượt ngục bị chết sông. Quận Duyên Hải là một quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh giáp ranh với biển Vũng Tàu và Long Thành, Đồng Nai. Nơi này ngày xưa là chiến khu rừng Sác, vùng oanh kích tự do, là vùng hoang địa nước mặn, rừng dày. Sau năm 1975 mỗi quận nội thành đều có một nông trường để nhốt tù, thanh niên xung phong khai thác trồng rừng và nuôi trồng thủy sản. Quận 11 cũng có một vùng đất hiểm trở không có đường bộ chỉ đi bằng ghe tàu và gọi là nông trường quận 11. Một ngày có một chuyến tàu khách Sài Gòn về quận lỵ và ngược lại, chuyến tàu này đi qua các nông trường quận 10, quận 3, quận 4... và cuối cùng đến cửa biển Cần Giờ.
Tàu cập bến nông trường quận 11 lúc ba giờ chiều, vận chuyển dụng cụ lên bờ. Nông trường với một bến tàu sơ sài lá dừa nước. Một dãy nhà cho ban chỉ huy, một khu cho tù và một khu cho thanh niên xung phong. Có khu nhà khách và một khu căn tin, cũng là nhà ăn tập thể. Nhà cửa chỉ toàn bằng lá dừa nước, chỉ có khu nhà khách bỏ hoang là lợp ngói nền xi măng vách xây. Nước uống phải dự trữ từ mùa mưa. Khi chúng tôi ra đang là mùa mưa nên nước cũng dễ thở. Mùa nắng phải xài ăn uống theo tiêu chuẩn. Nông trường quận 11 nằm trong vùng hiểm trở, có nhiều cá sấu. Cách đây ba năm cá sấu thường ăn thịt người. Tại khu văn phòng có triển lãm một con cá sấu nặng 120kg đã khô, được liệt vào một trong những con cá sấu lớn nhất vùng Đông Nam Á. Trước đây nó thường vào trại rượt người chạy trối chết. Một lần có vợ người tù ra thăm chồng, chiều người chồng đi làm về, người vợ ở trên bờ chờ chồng xuống sông tắm, con cá sấu này đã táp chân người chồng và lôi đi trước mắt người vợ, khi những món ăn người vợ mang theo cho chồng chưa được nếm. Còn đau khổ hơn người tử tù trước giờ hành quyết: được ăn món ăn mình muốn, được nói lời cuối cùng. Người tù này đã chết trước mắt người thân, không nói được lời nào, chỉ giơ tay kêu cứu, món ăn còn trong giỏ của vợ. Người vợ ra về, xác chồng trong bụng cá. Mấy tháng sau một người thợ săn đã tử chiến với con cá sấu. Lừa chỗ nó thường đi lại, cột một chùm năm con vịt và người thợ săn núp cách 5 mét chờ một tuần thì con sấu đến. Người thợ săn chờ con sấu há mồm táp vịt, xả súng M16 của Mỹ bắn vào họng nó, cá sấu chết, mổ bụng, nhồi bông, thấy còn cả xương người, nút áo, cà rá và đồng hồ. Con sấu ăn thịt nhiều người. Và người thợ săn cũng kiệt sức vì hãi hùng, một tuần sau cũng chết theo. Nghỉ một đêm, mờ sáng hôm sau tôi bắt tay vào việc, áp dụng nước thủy triều lên xuống.
Tôi cho chiếc tàu trọng tải hai mươi tấn đến đậu trên đống sắt bị chìm, chờ nước rút dùng dây xích cột những thanh sắt vào đáy tàu. Chờ nước lớn cho tàu chạy vào sát bờ thả xuống. Cứ thế nhiều con nước tôi đã đưa toàn bộ số sắt chìm gần 10 tấn vào sát bờ rồi chờ con nước rút xuống lòi những thanh sắt lên. Gió đá cắt những thanh sắt lớn, thợ đục đục những thanh nhỏ. Tôi đã xắt những thanh sắt nặng hàng tấn ra từng đoạn 100kg và lôi lên bờ. Chúng tôi làm miệt mài. Buổi sáng trời vừa hừng đông, khi mọi người còn yên giấc ở một vùng hoang vắng, phẳng lặng, tôi đã ra công trường nhìn ngắm và nghiên cứu sắp xếp công việc cho từng người. Trời sáng vào đánh thức anh em dậy ăn sáng là ra công trường ngay. Tiếng gió đá khì khì, tiếng đục rầm rầm không bao giờ dứt. Đến trưa 11 giờ rưỡi ăn cơm ở nhà ăn tập thể. Khi mọi người đã ăn xong, phần ăn của chúng tôi gấp ba lần, thay vì mười lăm người mười lăm phần ăn thì tôi đóng tiền mười lăm người bốn mươi lăm suất ăn. Ăn xong nghỉ tại chỗ một giờ, rồi lại ra công trường cùng nhau làm, người làm hiệu quả nhất là tôi. Lúc lặn, lúc hụp, lúc lôi, lúc kéo, lúc khiêng, lúc vác. Việc gì tôi cũng làm, theo dõi thật sát, chỉ việc cho từng người. Không khí làm việc sôi nổi đến chiều tối khi hết thấy đường mới về, nấu lên cùng với phần ăn gấp ba lần người công nhân của nông trường. Tôi chỉ việc cho từng người, 123456 đứa đi tắm, 123 làm cá, 123 nổi lửa, 123 dọn cơm. Sáu người đi tắm về thay việc cho số người còn lại đi tắm, tốp người đi tắm sau về là cơm nước đã sẵn, cùng nhau ăn. Dưới ánh điện vàng vọt của vùng đồng chua nước mặn, tất cả ngồi quây quần, tôi bắt đầu chiếu phim giải trí. Chiếu phim là kể chuyện, đêm nào cũng kể từ bảy giờ đến chín giờ tối, kể đủ thứ chuyện. Từ kiếm hiệp của Kim Dung đến Sử ký Tư Mã Thiên, từ Đông Châu liệt quốc đến Tiết Nhơn Quí. Bụng tôi chứa đầy một kho, tuần tự mà tuôn ra anh em không kịp nhớ nhà. Ngày làm tối có phim hay giải trí. Điện tắt là ngủ, sáng ra là làm, đến ngày thứ bảy đã đủ một chuyến về Sài Gòn. Mười tấn sắt lên tàu, tôi giao việc cho từng người rồi lên tàu lúc 6 giờ chiều, 6 giờ sáng hôm sau đến bến Lê Quang Liêm.
Bán ngay chuyến đầu tiên, đủ tiền để trả tiền mua. Số còn lại là công và lời. Số sắt chìm đã áp dụng khoa học kĩ thuật như Trần Hưng Đạo áp dụng con nước để cắm cọc trên sông Bạch Đằng đánh quân Nguyên. Phần còn lại không kém phần nguy hiểm và khó khăn. Những thanh sắt bắc ngang qua con rạch, mỗi lần nước xuống sâu đến bốn mét, nước lên một đầu nửa cây bị ngập nước, một đầu không. Bây giờ làm sao cắt, không cây cối nào có thể chống được, một cây nặng một tấn, chỉ cần cắt đôi là có thể lôi lên. Suy nghĩ mãi nhìn đi ngắm lại.
- Thành méo biết bơi không?
- Biết để làm gì?
- Bây giờ mày đem gió đá, cắt cây sắt này làm đôi ở điểm gần chỗ nước ngập, rồi để đó chờ nước lên mày dứt. Cây sắt rớt xuống nước mày quăng đèn, bơi vô bờ là có hiệu quả.
Lúc đầu trong bờ cột dây ngang hông Thành méo để có gì kéo nó lên. Thành ngồi chờ nước đến điểm hẹn, cắt đứt hai thanh sắt rời ra rơi xuống nước tạo nên một con sóng và một tiếng động rầm trời. Thành hết hồn quăng đèn hàn, anh em nắm dây lôi Thành vào. Vì bị lôi nên Thành không bơi được, uống cho một bụng nước, vào bờ chửi quá trời. Những thanh sau thì dễ, khỏi phải lôi kéo gì hết, sắt đứt quăng đèn, lội vào. Sắp đặt xong tôi đi chuyến thứ hai về Sài Gòn, gom cả sắt tấm và giao việc trong vòng 48 giờ đồng hồ anh em ở lại phải lôi được tám cây sắt ở dưới sông lên. Về Sài Gòn, đúng 48 giờ sau tôi trở ra với thức ăn bồi dưỡng, tin tức và quà của gia đình từng người. Chúng tôi đã ở đến ngày thứ mười tám. Kì hẹn hai ngày nữa là nhổ neo. Tiền bạc tôi mang ra để trả cho nông trường, chỉ còn lại một ít sẽ chở một chuyến thứ ba là hết và quan trọng là số sắt đã cắt rớt xuống rạch. Tôi trở ra, hỡi ôi chưa có khúc nào lên bờ, dây nhợ cột đầy. Tay lôi miệng la cũng không nhúc nhích. Tôi bảo: “ Ngưng! ”, rồi cởi quần áo nhảy xuống sông lặn một hơi trồi lên. “Thôi rồi, tụi bây cột ngang hông làm sao kéo lên, xuống cột lại, cột một đầu thôi chỉ có 500kg, mình 14 người cộng thêm lực đầy Archimede nữa, sao không lên được. Cột ngang hông nó máng vào đá trời kéo cũng không lên.”
Tôi ra lệnh cột lại và chỉ cần ba giờ là số sắt đã lên hết, nằm ngổn ngang trên bờ, chờ bốc lên tàu. Đóng tiền cho nông trường, thanh toán nợ cơm căn tin xong, xếp đặt để lên tàu đúng hẹn ở ngày thứ hai mươi là chia tay. Ở đây toàn đực rựa, chia tay những người tù ở hoang đảo, mình về đất liền, người nào cũng nôn nao, đi bắt tay từng người quen. Giám đốc nông trường phát biểu các anh làm giỏi, nếu để chúng tôi làm sáu mươi người phải làm mất ba tháng mới xong. 11 giờ đêm, con nước lên, tàu tách bến. Ai cũng tính xuôi con nước, tới mờ sáng là thấy Sài Gòn. Người nào cũng mệt lả, lên tàu giao mạng mình cho tài công rồi ngủ để hừng đông về đến nhà. Nào ngờ đêm không trăng sao, sông nước mênh mông, tàu chạy ra cửa sông Soài Rạp, tài công quay 180o lúc nào không hay. Để khi trời sáng thì hỡi ôi, thay vì mặt trời sau lưng thì mình đang đối diện với mặt trời, sóng vỗ rì rào. Thấy biển mọi người ngơ ngác, còn tài công thì xanh mặt. Ở thế này người chỉ huy không bình tĩnh để mọi người nhốn nháo với một ghe khẳm ra biển là có thể chìm. Tôi dõng dạc ra lệnh: “ Mọi người bình tĩnh!” Tài trở đầu, cho mặt trời sau lưng và chạy về hướng Tây. Chạy đến điểm đóng đó của ngư dân, neo lại nấu cơm ăn rồi tính.
Mọi người đã ổn định, thi hành đúng lệnh. Neo tàu mua cá mới kéo lên còn giãy đành đạch. Nấu nước sôi đổ cá vô, nêm nếm được bữa ăn sáng ngon tuyệt vời. Bây giờ phải nghỉ chờ nước lên ta về. Tôi chiếu phim Tây Thi Phạm Lãi cho mọi người xem. Hai tiếng đồng hồ sau, con nước bắt đầu lên, tàu nhổ neo về Sài Gòn. Thay vì sáu giờ sáng thì bây giờ sáu giờ chiều trong ngày, anh em yên tâm. Cứ thế tàu chạy, đúng hẹn về đến bến Lê Quang Liêm nghỉ một đêm hôm sau dỡ hàng đi bán.
Hai ngày sau là tôi bán hết số sắt còn lại. Tổng kết sau khi trả tiền công có tiền bồi dưỡng cho từng người, lời được hai cây vàng. Tôi mua ngay một chiếc xe Honda để có phương tiện đi làm. Chiếc xe đó sau này cho thằng con trai - Huy - làm phương tiện đi dạy. Việc làm vừa xong, khởi sự thành công ban đầu làm nền tảng cho cuộc trở về. Nhưng một việc khó sắp đến, cái bẫy người ta giăng, cái lưới người ta bủa vây bắt đầu khép lại. Tư Miêng, nhà kế bên sửa nhà lấn qua nhà mình mấy tấc đất. Mặt tiền thành phố tấc đất tấc vàng ai nỡ lòng nào mà cho, nhưng đành lòng để nó lấy.
Và ngày sinh nhật con trai Nguyễn Kinh Quốc sắp đến 07-10-1986, tôi phải đi lên Nam Vang thăm con. Ngày 04-10 tôi và con gái lớn Nina sửa soạn đi. Tối không dám ngủ ở nhà, bốn giờ sáng ra bến xe. Hai cha con dắt nhau lên Nam Vang trong phập phồng lo âu. Ngày sinh nhật của con ở quê người, nhà chật hẹp, mượn nhà người hàng xóm – ông Mười – để tổ chức. Có con heo quay quá lớn không làm sao ăn hết, tôi không còn tinh thần đâu mà tổ chức. Đem theo cái máy ảnh nhưng vì lo quá nên lắp phim không đúng, rửa ra chỉ có một tấm hình màu duy nhất, con đang bắt một khẩu súng và một cây viết. Ngày thôi nôi con, Cu Ti một tay bốc cây viết và một tay bốc khẩu súng nhựa. Đúng là tay văn tay võ.
Thăm con ba ngày rồi trở về Việt Nam, đành bỏ vợ con ở lại Nam Vang. Trở về với nỗi lo nặng bên lòng, làm sao cho yên. Cũng buổi sáng mờ sương, hai cha con ra đi để hai mẹ con ở lại với bao xót xa, mang theo giấy chứng nhận thời gian vắng mặt ở Việt Nam là sống ở Nam Vang. Chính quyền ở đây xác nhận thời gian ông Nguyễn Tiến Toàn và gia đình sống với địa phương là một người công dân mẫu mực.
Chỉ mấy tháng, từ tháng 9-1986 đến tháng 12-1986, vợ con ở Campuchia, mà bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu chuyện xảy ra.
Phá, gỡ cây cầu sắt ở Duyên Hải, lấy tiền lời mua chiếc Honda. Phục hồi lại cơ sở sản xuất linh kiện xe đạp, đưa vào sản xuất xe lăn, xe lắc tay.
Bao nhiêu lo toan về sự nghiệp, dồn dập đến, không mấy khi rãnh rỗi nghĩ đến tình cảm riêng tư. Căn nhà không có đàn bà cũng trống vắng. Hai con nhỏ Nina, Mino, ngày đi học một buổi, một buổi ở nhà tính sổ sách, nấu cơm cho thợ, giặt giũ quần áo. Tội nghiệp nhất là Mino, nấu nồi cơm cho mấy chục thợ ăn, không bưng nổi từ trên bếp xuống, phải dặn một người thợ làm ở chỗ gần nhất để giúp đỡ.
Một hôm đi làm về, chiều tối, cơm nước nguội lạnh, một tô cơm nguội chan xì dầu qua đêm. Ngồi ăn như nhai rơm mà ngậm ngùi.
Ông Trung ở phòng kế bên có bữa nhậu, đón bạn gái của vợ, từ Nha Trang vào chơi. Ông mời tôi sang, chỉ có hai vợ chồng và cô bạn gái. Tôi ngồi kề bên cô bạn tên là Nguyễn Thị Nha Trang. Tôi nói đùa Nha thì không được, còn Trang thì được, cô hỏi lý do vì sao. Tôi nói, Nha là răng, thì hay cắn, cắn sảng, đụng đâu cắn đó, tôi ngán lắm. Trong câu chuyện Trang nói, chồng cô đi vượt biên với một con trai, cô ở lại với một con gái lên 5 tuổi, chuyện mỗi lúc, mỗi thêm hào hứng. Trang cũng uống nhiều. Tôi bỗng nhớ lại chuyện thời Chiến quốc. Một ông vua hỏi một vị quan đại thần, uống bao nhiêu ly thì say. Ông quan trả lời, uống với vua, với cha, thì thần uống một ly đã say; gặp bạn bè tâm giao, uống mười ly chưa say. Có trai có gái, dép guốc liêu xiêu, uống vài đẩu chưa say. Tiệc nhậu tàn, vợ chồng ông Trung đi nghỉ, còn tôi với Trang ở lại, chân co chân duỗi, đụng qua đụng lại. Tôi dìu nàng ra giường để nằm, nửa trên, nửa dưới. Nàng gác chân lên vai tôi chết lịm. Bất ngờ nàng vùng dậy, như ngọn lửa được thổi bùng lên. Nàng lật ngược lại, hung hãn như một chị cọp cái.
Ghi chú:
1. Nguyên là Trung úy Quân đội Nhân dân Việt Nam. Làm thơ, viết báo, thường in bài trên báo Quân đội Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cùng nhiều báo khác. Ông mất năm 2005 tại Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh.
Bây giờ gia đình tôi đã sum họp, vợ tôi ở Campuchia đã về trở lại, chuẩn bị đón mùa xuân mới. Cây xoài sau nhà đã trổ hoa, thoang thoảng hương thơm, Cu Ti tung tăng dưới bóng mát, chơi đùa vô tư thơ dại.
Quấn quít đôi mắt cười, tay bơi cánh én
Con chập chững chọn đường đi ấm áp giữa muôn người
(Thơ Trần Sơn Nam)
Ngày 22 tháng 12 năm 1987, sản phẩm xe lăn của tôi ra đời, trong những điều kiện khó khăn. Tôi giao 40 chiếc xe đầu tiên cho Cục Quân y, do trung tá Hùng tiếp nhận. Tôi đã có đà, tiếp tục sản xuất xe lăn tay, một sản phẩm mà tôi đắc ý.
Tết năm 1987, đến với gia đình tôi, thanh bình và vui tươi.
Những ngày tháng của những năm 1986 và 1987 là thời kỳ quyết liệt nhất của tôi khi làm lại cuộc đời, không kể ngày đêm, sáng, trưa chiều tối. Hai con gái đi học. Cu Ti không ai coi sóc, buộc lòng phải gởi nhà trẻ. Lúc này Cu Ti mới khoảng 18 tháng tuổi, hằng ngày phải đón đi và đưa về. Nhà trẻ ở phường 13 cách nhà không xa lắm. Sáng nào khi gần đến trường, Cu Ti khóc thét lên, giẫy nẩy, không muốn vào lớp, thương con nhưng không chút xót xa, nhiều lúc phải đét vào đít để Cu Ti vào trường. Ti đòi gì tôi chìu, đi ngang gánh xôi, đòi ăn tôi mua cho, nhưng khóc thống thiết đòi theo tôi về, thì không được. Nhiều lúc nghe tiếng thét của Cu Ti, tôi như có ai xát muối vào lòng, nhưng cũng phải quay mặt giao cho người giữ trẻ, vì tương lai của con, và sự nghiệp chung của gia đình.
Buổi trưa, đi làm về, ghé chợ mua thức ăn về nấu cơm để thợ thuyền cùng ăn. Ngang qua nhà trẻ, nghé mắt vào, thử xem Cu Ti sống, học làm sao? Ở tuổi này, Cu Ti bụ bẫm, đẹp như một thiên thần. Mặc dù tôi đã cố gởi gắm cho nhiều cô giáo, vậy mà ba tháng sau Cu Ti bị sưng phổi. Đây là hậu quả của sự thiếu trách nhiệm của các cô nuôi dạy trẻ, một phần do các cô không được đào tạo đến nơi, đến chốn, và cũng vì Cu Ti còn nhỏ tuổi đã phải xa người thân.
Đưa Cu Ti chữa chạy nhiều bác sĩ, không hiệu quả. Sau đưa đến bác sĩ Hà bệnh viện nhi đồng II, phát hiện Cu Ti sưng phổi nặng. Ngày hai lần phải chở đến bệnh viện tiêm thuốc. Nhà chỉ có một xe Honda tôi đi làm, hằng ngày, nhẩm tính lại tiền xích lô từ quận 11 đến bệnh viện nhi đồng II, cao hơn tiền thu nhập của tôi trong ngày nếu tính cả tiền thuốc. Nhưng cần phải có mặt tôi để điều động nhóm thợ đục thùng conex ở Tân Cảng, nên hằng ngày đành để Nina hay vợ tôi đưa Cu Ti đến bệnh viện bằng xích lô.
Mười lăm ngày sau, Cu Ti hết bệnh, cho Cu Ti ở nhà luôn, cậu bé thích thú lắm. Được các chị và mẹ thay phiên nhau chăm sóc. Sau này khi có chuyện cần phải ở nhà một mình, Cu Ti thường đặt câu hỏi đầu tiên “Ai chăm sóc con?”.
Việc Cu Ti bị sưng phổi, trách nhiệm hoàn toàn về người cha, tôi không suy tính và quá cứng rắn, bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn bồi hồi, và thật sự hối hận vì những cú đét vào đít, gương mặt làm ra vẻ lạnh khi Cu Ti hét lên. Đưa con đến một cái chuồng, mãi khi vào cổng, những đứa trẻ khác cũng thét lên, các bậc cha mẹ quay mặt… Tôi cũng không lường hết hậu quả là nơi đó sẽ hại con mình. Tôi quá ngu đã để con lại mà về cho đành!
Ta con bê vàng, lạc ráng chiều xanh
Đi mãi tìm sim chẳng chín
Ta lên đồi thông
Nằm miếu hai cô gặm cỏ mưa phùn
Gióng đã gọi về đồng sương
Đôi ba người lận đận
Đêm nay mẹ chẳng về chuồng
(Thơ Hoàng Cầm)
Bỗng nhiên tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của Trần Sơn Nam trong thi phẩm “Thuở trầm tư”.
Theo mẹ thì mềm
Theo cha thì cứng
Theo thầy và thánh hiền thì cao xa
Theo thế sự nhân tình thì điên đảo
Mềm như mẹ cũng làm con hư. Cứng như cha, dễ làm con thất bại. Tôi nghiệp cho những đứa trẻ, trong đời thiếu một mềm hoặc một cứng của cha hay mẹ. Răng cứng thì gãy trước, lưỡi mềm tồn tại lâu.
Bên những đam mê vui vẻ hoạt động Văn chương tôi phải làm việc như điên như cuồng. Mấy ngàn thùng conex ở tổng kho Long Bình, tôi đang chặt xẻ. Mà đây cũng không phải là nghề lâu dài, vì nguồn conex sẽ hết. Tôi muốn tìm một nghề gì vững chãi có thể truyền lại cho cháu sau này. Mấy năm trước có người hỏi tôi hết conex thì làm công nghệ gì, tôi không trả lời. Bây giờ tôi phải tự trả lời.
Thời mở cửa, nhà nước cho tư nhân kinh doanh xăng dầu nghĩa là có thể mở được cây xăng. Tôi đã dành dụm được vốn.
Tôi mua một chiếc xà lan bán xăng dầu trên sông, một mình mua chiếc xà lan chở lúa bảy cây vàng về sửa thành cây xăng dầu trên sông.
Sông Sài Gòn đây. Cuối cùng tôi xin đậu gần bãi rác gần cầu Hàn, bên đường Trần Xuân Soạn, cách cầu Tân Thuận chừng vài trăm mét. Lúc đầu ai cũng nói tôi có điên mới tìm chỗ đậu dơ dáy như thế. Hai năm sau ai cũng nói sao ông hay thế, tìm được chỗ đậu xà lan trên xe, dưới tàu ngay khúc cua ai cũng nhìn thấy. Tôi thường có tầm nhìn xa trước mọi sự kiện. Ngay căn nhà tôi đang ở số 28 đường Lê Đại Hành cũng thế, tôi chọn mua chỗ bãi rác. Mình nghèo chọn chỗ người ta chê, và sau có thể cải tạo được.
Ngày 14 tháng 7, tôi làm lễ hạ thủy xà lan tại xưởng sửa chữa bên cầu Thị Nghè, rồi sau đó phải đưa ra cửa biển Cần Giờ cho cơ quan chuyên môn kiểm tra kỹ thuật. Tôi chưa quen sông nước, chưa quen nghề xăng dầu. Chao ôi, chuyện gì sẽ xảy ra trên đoạn đường dài sông nước mênh mông. Tôi rủ theo mấy người bạn thân đi cùng.
Ngồi bên boong tầu tôi đăm chiêu suy nghĩ. Nhìn một đôi vợ chồng trên một chiếc xuồng câu đi giăng đăng, thả lưới để bắt tôm, bắt cá. Chiếc xuồng của họ chỉ chở được 200kg còn tôi đang làm chủ chiếc xà lan 120 tấn, gấp 6100 lần. Nhưng mà ai hạnh phúc hơn ai, sao mà biết được. Hàng ngày kiếm một mớ cá, một mớ gạo, mớ rau, họ cũng có hạnh phúc đơn sơ với sông nước. Còn  tôi nếu không lái nổi, nếu không bỏ neo đúng, thì con tàu này sẽ là tai họa. Tàu vẫn chạy, bèo giạt hoa trôi. Ngồi trên đài chỉ huy, nhìn về phương trời xa lạ, mà lòng buồn vô hạn. Đến chiều, tôi vẫn chưa biết mình ăn cơm hay chưa. Mọi người nhìn vào mắt tôi và để yên cho tôi suy nghĩ.
Rồi con tàu cũng cập được bến rác để kinh doanh. Trời cũng không phụ người có chí, xà lan xăng dầu kinh doanh đúng vào lúc xảy ra chiến tranh vùng Vịnh, nên tôi thu được một số lời lớn khoảng 4 cây vàng để xây dựng cây xăng Bình Thái. Bây giờ thì xà lan dầu đã đứng vững vàng dưới sự quản lý của ông ngoại các cháu. Đây là chiếc  xà lan duy nhất của cả nước bán xăng dầu cho tàu ghe trên sông và xe cộ trên bờ.
Lập xà lan bằng tiền lời kinh doanh thùng conex. Bây giờ xà lan có lãi, vốn để dành mười lăm cây vẫn còn, tôi mua một miếng đất ở Ngã tư Bình Thái.
Thứ hai, Bảng đang đưa trước cho người đi nước ngoài buôn vàng. Mỗi lần vài ký, sau đó trở về bán lại rẻ hơn. Bảng hỏi tôi có được không? Không được! Chỉ một thời gian đầu, sau đó nó gom cho khá rồi nó giựt luôn. Nếu nó không giựt, đi lâu ngày Hải quan cũng bắt, mày cũng mất vốn. Bảng vừa rút là vừa bị bể. Thằng kia đi tù vì tội buôn vàng lậu.
Lần thứ ba, Bảng bán 50 cây vàng vừa lấy lại của vụ buôn trước. Bán lấy tiền gởi vào Gia Định Công ty của Phạm Công Tước. Bảng hí hửng nói với tôi mỗi tháng lấy mấy cây tiền lời. Tôi vẫn không nói gì, gởi định kỳ ba tháng, lấy lãi gởi tiếp tới. Một hôm tôi đến bán vàng để xây dựng cây xăng, gặp cô Thúy, vợ Bảng, một người vợ tử tế. Tôi nghĩ mình không nói không được. Tôi nói với hai vợ chồng Bảng: tiền gởi Phạm Công Tước phải lấy lại, còn để là sẽ mất sạch. Cách làm của Tước là lừa, sớm muộn gì nó cũng giựt. Đáo hạn, Bảng rút tiền ngay mười ngày sau, Phạm Công Tước giựt nợ năm tỉ, trốn ra nước ngoài, vợ đi tù.
Tôi có được hai ký vàng Bảng cho mượn, mua được bốn xe xăng dầu để bán, xoay sở được trong lúc chật vật.
Giữa tháng 9-1990 chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ. Trước đó, Iraq đem quân vào chiếm Kôoét. Vua Kôoét và gia đình phải di tản ra nước ngoài. Để lập yên trật tự thế giới, Mỹ đổ quân vào vùng Vịnh, yêu cầu Sađam Hussen rút quân ra khỏi Kôoét thực hiện nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Sadam Hussen không thi hành, bất ngờ nửa đêm Tổng Thống Bush ra lệnh tấn công thẳng vào Batđa. Sadam Hussen lẩn trốn dưới hầm sâu. Mọi căn cứ chứa vũ khí bí mật của Sadam Hussen đều bị phát hiện. Có những căn cứ dấu máy bay dưới nhà thờ cũng bị phát hiện. Mỹ kêu gọi phải hủy bỏ, bằng không không quân Mỹ sẽ đánh luôn nhà thờ, hết đường trốn. Không quân Mỹ oanh tạc khắp nơi. Mọi loại vũ khí và quân Batđa đều tê liệt.
Mỹ đổ bộ lên Kôoét, quân Iraq rút khỏi Kôoét. Quân đội Mỹ được chỉ huy bởi một vị tướng mà trong chiến tranh Việt Nam ông mang cấp bậc Trung tá. Báo chí Việt Nam đăng hình một Trung tá Mỹ cao lớn đang dìu một thương binh Việt Nam cộng hòa, dưới để “Người chỉ huy chiến tranh vùng Vịnh”. Còn hình Sadam Hussen, báo chí Việt Nam đăng tải với lời ghi “Người lính không quân hàm”.
Đặc biệt, Tổng thống Iraq đang lẩn trốn dưới hầm sâu. Chỉ cần bảy ngày đã giải quyết xong chiến tranh Vùng Vịnh. Nhưng tất cả các giếng dầu, sau khi quân Iraq rút khỏi Kôoét đều phá hủy. Mấy trăm giếng dầu đều bị đốt cháy ngày đêm. Quân Mỹ lo dập tắt ngọn lửa hung tàn này cho nhân loại. Mỹ đưa quân ào Iraq nhưng không tiến thẳng vào Bátđa để bắt  sống Sađam Hussen trừ di họa, mà còn cách 200km thì dừng. Sađam Hussen coi như đầu hàng, chịu mọi điều kiện của Liên Hiệp Quốc.
Sau chiến tranh đến phần xây dựng. Một tờ báo phương Tây đã đưa tin. Phần xây dựng ở chiến tranh vùng Vịnh sau khi chia cho các nước Nhật, Pháp, Canađa là các nước đã đóng góp tài chính, mỗi nước một phần, rồi để “Tái thiết Kôoét, phần của sư tử”. Làm cho tôi chợt nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn của Tolstoi kể sư tử, cáo và dê đi săn. Đến một cánh rừng dê một mặt, cáo một mặt và sư tử một mặt. Sư tử gầm thét thú rừng chạy ra, bắt được một con thỏ. Về sư tử bảo dê chia phần. Dê chia ba phần đều nhau, rồi nói đây là phần của bác sư tử, đây phần của cáo và đây phần của tôi. Sư tử gầm lên, mày chia ăn gian, chụp dê xé xác. Rồi bảo cáo chia, cáo chia phần cho sư tử gần hết, còn phần mình chỉ lấy một tí. Sư tử hỏi cáo mày học ở đâu mà chia đều vậy? Cáo dạ con học sách con dê.
Chiến tranh vùng Vịnh kết thúc, nhưng hậu quả vẫn còn. Kôoét là nước mà Việt Nam chúng ta đang mua dầu bỗng trở nên khan hiếm. Mỗi tuần chỉ mua được hai xe, có khi vài tuần chỉ mua được 12000 lít. Khóe ngoại giao và xà lan bán trên sông trên được ưu tiên. Cứ cầm được một phiếu dầu mười hai ngàn lít trên tay thì xem như có lãi. Được ưu tiên mấy tháng liền, tôi lấy tiền lời để đắp vào xây dựng cây xăng.
Sau một năm miệt mài với công việc, bây giờ nghĩ về cội nguồn. Vào dịp tết Đoan Ngọ năm Tân Mùi, tôi trở về quê tu tạo lại mồ mả ông cha. Có xe đời mới về quê coi như vinh qui bái tổ, chúng tôi về quê mùa mưa nóng của Tết Đoan Ngọ. Miền Trung mùa gió nam từ Lào thổi qua, nóng và khô. Gió thổi vo vo, mặt nước lăn tăn, chó điên người dại ở mùa này.
Mộ cha tôi trên sườn đồi, phía sau là dãy Trường Sơn núi rừng trùng điệp. Trước mặt là một cánh đồng rồi đến con sông, qua khỏi con sông song song với đường bộ là con đường sắt xuyên Việt, rồi đến một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Từ mộ cha tôi nhìn sang hướng nam với dãy núi nhiều hình tượng, có núi Bạch Tượng, Hòn Mã mà dân làng thường gọi. Thời thơ ấu tôi đã nhìn thấy với bao ấn tượng ghi trong đầu. Các tiên đánh cờ ngay buổi sáng sương mù dày đặc. Khi mặt trời lên, màn sương vén từ từ để những ấn tượng hiện ra. Tôi say sưa nhìn ngắm, có khi vụt chạy vì sợ tiên xuống bắt mình đi. Dù đi với tiên cũng không bằng ở nhà với mẹ.
Bây giờ tôi trở về đây, đứng trên cao nhìn ngắm quê hương, ngắm lại dòng sông thường bơi lội. Thuở ấu thơ cha tôi tập bơi cho những thằng con trai bằng cách quăng ra xa để chúng tôi tự bơi vào, lần nào cũng bị uống nước. Trong lòng tôi có trách cha sao mà ác thế, nhưng đó vẫn là cách tập của những người cha cứng rắn. Nguyễn Ánh tập các con bơi thời bôn tẩu ở miền nam sông nước cũng bằng cách ấy.
Hôm nay tôi về đây để tu tạo lại mồ mả của cha và ông nội tôi. Chúng tôi ăn uống tại chỗ để điều động thợ thuyền. Tự dưng một buổi sáng, đầu chúng tôi bạc trắng. Gió thổi vi vu, bụi trắng từ đâu bay đến, người này nhìn người kia, như Ngũ Tử Tư sau một đêm đầu bạc.
Hóa ra núi lửa Pinatubô từ Philippines thổi qua. Thời gian núi lửa hoạt động, bụi thổi qua Việt Nam, và tất cả các nước vùng Đông Nam Á đều bị ảnh hưởng bụi.
Mồ của cha tôi và ông nội tôi đã xong. Trên một cha tôi có hai câu đối:
“Tâm kính nhất truyền thiên thu nguyệt,
Đạo trọng tâm can vạn cổ phong”
Một lòng thành kính lưu truyền ngàn năm. Đạo Tam cương ngũ thường là một phong tục cổ xưa. Câu đối do một người bạn của cha tôi viết tặng năm cha tôi mất, bác Sáu Minh nay ông cũng đã ra người thiên cổ.
Tôi triệu tập cả dòng họ. Họ tộc Nguyễn của tôi ở làng không lớn lắm, chỉ có hai chi. Cả họ họp mặt đông đủ. Tôi thưa với họ mộ cha và ông tôi đã lo xong, tôi xin đóng góp mỗi người một ít để tu tạo phần mộ cho bà nội và hai bác tôi. Sau này tôi thường nói với con cháu “Tôi về tu tạo lại phần mộ cho bác tôi. Người mà tôi thành người trong đó có những lằn roi dâu của bác tôi quất vào đít ở những ngày thơ ấu. Bác tôi năm bảy mươi tuổi, sắp qua đời, con cháu hỏi về chuyện chôn cất, ông nói tao về với mẹ tao. Và các con đã chôn cha bên cạnh mộ bà nội. Còn cha tôi những ngày sắp mất, ông trông ngóng tôi về để lo phần mộ cho ông. Tôi thì muốn về với ông trước khi nhắm mắt lìa đời, nhưng khi tôi và con gái tôi lên tàu đi đến Mường Mán thì tàu trật bánh, trễ mất 24 giờ. Khi tôi về thì cha tôi không còn nữa. Nhưng tôi cũng làm tròn được nhiệm vụ lo cho cha một nơi yên nghỉ.
Tôi trở lại Sông Cầu, vùng đất đầy kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi có bốn năm sống ở đây từ tuổi mười bốn đến năm mười tám tuổi, đầy kỷ niệm yêu thương với ngôi trường Sông Cầu thân yêu, hàng dừa rợp mát. Với bãi cát Từ Nham trắng tinh, với chiếc tàu cháy ngày nào cũng thấy, với sóng biển rì rào. Cùng các bạn trai thân thương và cô bạn gái, mối tình đầu mà tôi đã mang theo trong đời suốt 27 năm qua chưa một lần ghé lại, chưa một lần gặp mặt. 
Bao nhiêu việc, bao nhiêu chuyện thầy trò trường lớp, bạn hữu. Buổi sáng từ nhà tôi đi tim tôi đã đập thình thịch. Cả những ngày ở Sài Gòn nghĩ đến việc về Sông Cầu thăm cô Hiền là tim tôi đã đập dồn dập rồi. Lúc Hiền mới mười hai tuổi, tôi mười bảy. Hai mươi bảy năm qua, lúc nào tôi cũng theo dõi, hỏi bạn bè con Hiền nó ra sao rồi, con Hiền nó làm gì. Hỏi thì tỉnh táo nhưng tim lúc nào cũng đập mạnh hơn. Hàng trăm mối tình đi qua đời tôi. Mà nay chỉ một người hay chỉ là một cô bé mười hai tuổi. Đến nay tôi gần 65 – 70 tuổi, em độ bốn mươi, thì với tôi em cũng mới mười hai, chưa gặp lại lần nào, chưa nhìn thấy ảnh. Trong tâm khảm tôi em vẫn là cô bé mười hai tuổi, mặc áo dài trắng đơn sơ nhưng trầm tĩnh. Ít đùa nghịch như các bạn cùng lớp và cũng chỉ là một cái cùi bắp trong đêm văn nghệ ở thị trấn. Bạn bè cặp nhau đi xem hát mùa hè, em dúi vào tay tôi một trái bắp nướng. Tôi nắm chặt tay em, em rứt ra vụt chạy. Tôi giữ nguyên trái bắp như giữ nguyên tình ban đầu để ba mươi bảy năm qua tình cảm đơn sơ nhưng thắm đượm.
“Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy,
Ngàn năm há dễ mấy ai quên”
Bây giờ sắp trở lại Sông Cầu, tám giờ sáng lên xe đời mới màu đỏ như ngựa hồng chiến trận, đến nhà người bạn thân.
Cuộc hội ngộ đông đủ của thầy trò bạn bè trường lớp Sông Cầu của ba mươi bảy năm về trước, Bãi Tiên bên núi bên biển sóng vỗ rì rầm.
Tám thằng con trai thời đi học phá như quỉ, bây giờ tóc đã bạc. Gặp nhau cũng mày tao, có thằng đã là ông nội, ông ngoại, gặp lại bạn cũ cũng xài con cọp như thường. Thầy dạy vẽ và nhạc, một cô gái ngồi khép nép bên thầy và nhà, chứng nhân cho cuộc gặp gỡ để thầy trò chúng tôi kiểm lại đứa còn, đứa mất.
Và nhà thơ Trần Sơn Nam đã viết “Chén rượu muộn màng” cho cuộc gặp gỡ này, cho tình tôi tình yêu và tình người.
Van mẹ đừng khóc xót xa con
Lạy thầy đừng khóc buồn thương trò
Thôi em đừng khóc oán hờn tôi
Tạo hóa nụ cười định mệnh
Có khóc than dĩ vãng khóc qua rồi
Ảo ảnh mấy phương trời đổ vỡ
Mỗi con người phận con đò giông tố
Bến bờ nào trong cõi người ta
Kẻ chết về đâu
Người sống tìm nhau
Nước mắt Sông Cầu chan chứa
Canh cánh ưu tư một nỗi cội nguồn.
Hôm nay tôi nói với bạn bè và nói với thầy Tồn. Ngày xưa thầy dạy vẽ dạy nhạc. Những nét vạch ngang sổ dọc đơn sơ đó, bây giờ căn nhà gia đình tôi đang sống và những công trình tôi đang xây dựng, trong đó có nét vẽ mà thầy đã dạy. Những nốt nhạc Do Re Mi Fa… mà thầy đã xướng âm ngày xưa, những âm thanh trầm bổng ấy, để ngày nay tôi là nghệ sĩ đọc thơ, trong đó có âm điệu của thầy.
Tôi xin phép thầy, các bạn và cô Hiền cho tôi đọc bài thơ “Chiếc cầu độc mộc” của nhà thơ Thu Bồn.
Thầy giáo gõ cây thước kẻ xuống bàn
Im lặng giờ học bắt đầu
Tôi có biết đâu cây thước kẻ chiếc cầu độc mộc
Thầy đưa tôi đi khắp cả thế gian này
Từ ban đêm bước sang ban ngày
Từ cõi u ê bước sang bờ kiến thức
Từng bước từng bước thầy đưa tôi đi vào đời
Thầy giàu lắm thánh hiền và chữ nghĩa
Tôi chơi toàn lỗ đáo với bi ve
Thầy giảng bài tôi chẳng chịu nghe
Tôi chỉ thích chơi trò rồng rắn…
Cuộc gặp gỡ từ sáng đến trưa, chiều, rồi tối. Đứa nào cũng say bí tỉ. Cái nắm tay của 27 năm về trước tôi cũng chưa nối lại. Tôi cũng chưa nhìn rõ mặt người tình xưa. Cuộc tiệc tàn, cuộc tình chưa nói được lời nào, đành tiễn nhau đi về. Đêm ấy gió bão khủng khiếp, sáng ra người đầy bụi trắng. Hóa ra là bão bụi của núi Pinatubô Philippines.
Buổi sáng giã từ bạn bè để về quê nhưng tôi vẫn còn luyến tiếc, làm cái gì để giúp Hiền. Nói với vợ Tương, con Hải bạn cũ. Hải, tôi gởi Hải năm trăm ngàn, đưa dùm cho Hiền để nó nuôi con nó.
- Cho tôi năm trăm ngàn tôi mới đưa. Thôi thì bạn bè lâu ngày gặp nhau, dù gì mình cũng khá hơn.
Về lại quê nhà nghĩ là sẽ giã biệt Sông Cầu, giã biệt những gì vui đẹp và ồn ào. Giã từ những tiếng sủa của lũ bạn thân yêu và cũng giã từ bóng mờ khép nép của cô Hiền. Nhưng đến trưa hôm ấy, có người cho hay nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã ra, buổi chiều tôi lại trở ra Sông Cầu.
Hiền tìm gặp riêng mình, không phải để nói chuyện tâm tình mà để trả lại số tiền Hải đã đưa cho Hiền. Nhưng khi hai đứa ngồi bên bãi biển vắng lạnh, mọi vấn đề tiền bạc không còn giá trị nữa, chỉ còn kỷ niệm ngày xưa. Môi em cười, miệng em nói, nét mặt em rạng rỡ.
- Ngày xưa tóc anh dựng đứng, gầy hơn bây giờ nhiều. Nhưng gặp anh em nhớ nhất là nụ cười.
Tôi chợt nhớ “Tình già” của Phan Khôi. 27 năm xa cách, “Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được. Tiễn nhau đi rồi con mắt còn có đuôi”.
Nhưng nỗi vui của sự gặp gỡ không lấp được số phận long đong của cả hai đứa trong 27 năm qua.
- Anh đi Huế, thì năm sau em ra Quy Nhơn học Trường Nữ trung học. Ở tuổi mười lăm em được chọn đóng vai bà Trưng Trắc của ngày lễ. Ngày xưa nữ sinh được chọn đóng vai này là một vinh dự hơn cả hoa hậu vì phải gồm đủ tài (học lực), sắc và đức hạnh.
Nhưng rồi cuộc đời đong đưa, năm 1974 em lấy chồng, chồng em sĩ quan Hải quân, anh ấy ở biển nhiều hơn ở nhà. Vợ chồng sống với nhau cộng tất cả các ngày chưa tròn một tháng. Em có bầu, ngày sanh con cũng là ngày anh ấy đi Mỹ, năm 1975, em ở lại. Cuộc đời lao đao, em mang tiếng là vợ sĩ quan ngụy, họ đuổi em ra khỏi trường em đang dạy, ngôi trường mà xưa em và anh cùng học.
Làm gì để nuôi con, chồng em ra đi khi lửa tình chưa đủ bén. Nên cả đứa con anh ấy cũng không nghĩ đến, không thư từ không thăm hỏi. Bạn anh ngày xưa thấy em sống một mình cũng lắm người chọc ghẹo. Không sống nổi với đời, em phải có một người nương tựa. Cách đây ba năm, em lấy một thầy giáo dạy cùng trường, có một đứa con trai để cả hai cùng khổ. Hai vợ chồng không nuôi nổi một thằng con nhỏ, còn đứa con gái lớn làm sao cho nó đi học. Nhiều đêm em trào nước mắt khóc cho thân phận.
Bây giờ gặp anh ở đây sao số phận hẩm hiu. Nếu gặp anh sớm hơn có lẽ em không lấy chồng nữa. Dù không sống với anh nhưng em nghĩ trên cõi đời này còn có một người đàn ông nghĩ đến mình, người đó là anh là đủ rồi. Hiền gục đầu vào vai tôi, nước mắt ướt đẫm vai áo.
Tôi thầm nghĩ mình chưa hôn Hiền lần nào. Ta quấn lấy nhau bên bờ biển mà bên kia là dãy núi Từ Nham đầy kỷ niệm thưở học trò. Bây giờ tôi và em cũng chỉ ngỡ như thời thơ ấu.
Tôi không dám đụng đến người em, ngày xưa có lần tôi đụng đến trái chanh, em giận dữ bỏ chạy. Nhưng giờ chẳng lẽ lại không, tôi siết em vào người, tay choàng qua lưng em, em chỉ lậy quậy không giận dữ như ngày xưa.
Một con sóng lớn ụp vào bờ, nước tràn lên chỗ ngồi.
- Thôi em về đi, tình mình thế này là đẹp rồi. Thị trấn Sông Cầu quá nhỏ. Mỗi đứa chúng ta đều phải có nhiệm vụ giữ lấy hạnh phúc riêng mà ranh giới là cái lưng quần. Chúng tôi đứng lên trong luyến tiếc. Chiều đã tím, biển đã động. Chia tay nhau đưa em về. Rồi từ đó, hàng năm tôi thường về quê hai lần. Đành thôi ta cứ như người quen, bắt tay một cái siết thật ấm là đủ.
Em cũng khép nép và nhỏ thó như ngọn đèn dầu lạc trong xó nhà, nhưng vẫn sáng trong tôi, trong hạnh phúc riêng của tôi. Bằng tâm trạng của Hiền, nhà thơ Trần Sơn Nam có viết bài:
Đón anh về lại dòng sông xưa
Nhớ thương sóng vỗ đến bao giờ
Em hỡi
Thắp hương chào dĩ vãng
Rẽ lối thời gian ngắm giấc mơ
Tôi và em hai con người, hai số phận như hai đường ray chạy song song không bao giờ gặp nhau, mà chỉ có thể cụng vào nhau ở điểm ghi. Và điểm ghi là nụ hôn đầu cũng là nụ hôn cuối. Để có lần em nói ước gì em được lấy anh làm chồng, rồi nước mắt em trào ra. Em cắn vào vai tôi như cắn vào miếng thịt riêng mà cha mẹ để phần trong bữa ăn của thời thơ dại.
Tưởng bây giờ là bao giờ
Trùng sinh thế hệ còn ngờ chiêm bao.
Bùi Giáng
Năm 1993, một năm bình yên là đời tôi chỉ mong được một sự bình yên như vậy.
Tháng 9-93 tôi đi một vòng trở lại miền Trung. Tôi, Thu Bồn và nhà báo Trần Công Tấn.
Sông con quê nhà ba giờ sáng. Chúng tôi ngủ ở bãi cát, đêm nhà quê vắng lặng, tiếng ếch nhái và côn trùng kêu vang. Trên triền núi nhà có đám cưới nghe tiếng dao thớt. Rồi tiếng pháo nổ vang trong đêm trường tĩnh mịch.
Mờ sáng về nhà thăm mộ cha tôi ở cánh đồng mù sương, thăm mẹ một ngày để làm việc.
Bốn giờ khuya hôm sau chúng tôi lên đường đi Huế. Mười một giờ, ghé nhà chị của Thu Bồn ăn cơm trưa, một giờ ghé Thăng Bình. Thị trấn Hà Lam buổi trưa im lặng, không có gì thay đổi nhiều.
Tám giờ đêm đến nhà anh Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh ấy đi Quảng Ngãi, chị Mỹ Dạ vợ anh chạy một vòng đi mời bạn bè, nhà văn Tuệ Mai, nhà thơ Võ Quê… Gặp nhau trong một bữa tiệc đơn sơ vui qua đêm để đợi anh Tường về.
Ngày hôm sau chúng tôi thăm lại cố đô Huế. Đây Ngọ Môn với trống lầu Ngũ Phụng, kia Kỳ Đài mà ngày xưa mỗi sáng thứ hai trước khi kéo cờ có bắn một phát đại bác. Điện Thái Hòa, Cửu đỉnh, mọi việc người ta đang tranh thủ lấy tiền, chỉ sửa sang chắp vá. Thời gian chỉ đủ xem lướt qua rồi đi. Từ Thành nội ra cổng Đông để tìm đến Trường Quốc Tử Giám, mà ngày xưa các con quan đại thần, các hoàng tử hay những nho sĩ tài ba được về dạy để sôi kinh nấu sử.
Và cũng ngày xưa của tôi, ngôi trường trang nghiêm hai dãy nhà hai bên, giữa là đền thờ Đức Khổng Phu Tử. Nơi hàng năm các trường cử học sinh và kẻ sĩ về đây làm lễ dâng hoa. Năm 1964, tôi là người học sinh được chọn một trong hai học sinh dâng hoa lên bàn thờ của Ngài. Hai người nam sinh được chọn vào việc này cũng giống như hai nữ sinh được chọn để đóng vai Trưng Trắc, Trưng Nhị, phải là những học sinh có đạo đức, tài sắc vẹn toàn.
Ngôi trường của tôi bây giờ không còn là trường học mà là Viện Bảo Tàng. Tôi về lại lớp học cũ ba mươi năm về trước. Vẫn còn nguyên vẹn, cửa khóa đứng ngoài nhìn vào để tìm chỗ mình ngồi học năm xưa. Rồi cùng hai người bạn Thu Bồn và Trần Công Tấn thơ thẩn đếm bước trên sân để nhớ lại ngày tựu trường. Bao nhiêu kỷ niệm của thời học trò, của ngôi trường hiện về. Hai hàng văn võ bằng tượng đá sắp dài từ cổng vào tận đền thờ Đức Khổng Phu Tử. Mỗi bên mười ông, bên văn bên võ. Một sáng mùa đông, trời mưa dầm, đi học sớm, tôi lấy thước kẻ bằng nhôm gõ lên đầu các quan phỗng đá. “Ê sao các ông không đi lại, đứng đây làm gì, hết thời rồi phải đi nơi khác”. Nói đùa nhưng không hiểu sao ngày hôm sau các ngài được dời đi nơi khác. Còn tôi về bệnh cảm một trận. Cứ nghĩ vô lễ với các lão tiền bối nên bị bệnh, phải thắp hương khấn nguyện ở đền thờ Đức Khổng Tử và uống thuốc mới khỏi.
Tôi về lại căn nhà số 52/1 Nguyễn Hiệu. Căn nhà của ba mươi năm về trước tôi ở học với nhiều kỷ niệm của cậu học sinh nhỏ xa nhà, bồi hồi và xúc động. Căn nhà đây rồi, không có gì thay đổi “Để ba ra mở cửa xem ai?”. Ông Nguyễn Viết Phổ trong màu áo lam của người tu hành. Ông đã già rồi, vẫn dáng gầy gầy. Câu chuyện về gia đình điểm lại tất cả các em đứa còn đứa mất. Ông đi học tập tám năm, khi về nhà đã bị chiếm, mới đòi lại. Các con ly tán, mỗi đứa mỗi phương. Con đầu Nguyễn Thâm, học trò tôi ngày xưa mất tích trên biển cả.
Gặp nhau trong ngậm ngùi. Cả nhà gần mười tám năm qua coi như tôi đã chết nhưng ở nhà vẫn thường nhắc đến tôi như một người con đã ra đi.
Chia tay ông, tôi có gởi tặng ông hai chiếc nhẫn bằng vàng ròng như lòng tôi đối với ông. Tôi không ngờ cuộc gặp gỡ rồi chia tay này là cuối. Chỉ một tháng sau, tôi nghe tin ông qua đời vì trượt té, bệnh của người già.
Vĩnh biệt người tôi vốn quý. Tuy tôi sống với ông không quá ba năm, nhưng tư cách và tính cách chăm sóc con cái và chăm sóc hạnh phúc cho gia đình của ông ảnh hưởng rất sâu đậm trong đời sống của tôi sau này. Tạm biệt căn nhà đầy kỷ niệm của tôi.
Sáng hôm sau chúng tôi đi Lào. Ra đến Quảng Trị qua biên giời. Đường  Nam Lào là đây. Con đường đầy máu lửa của một thời chinh chiến. Đường trải nhựa đen, có màu của đất đỏ mà tôi ngỡ như như màu máu của thuở nào nhuộm đỏ con đường.
Con đường với núi non hùng vĩ, thung lũng và suối ngàn. Tôi thấy như nơi nào cũng có máu, có xác người, có bom đạn một thời chiến chinh. Nơi nào cũng có xương thịt của hai bên Nam Bắc, mà ngày xưa bên nào cũng thắng, bên nào cũng oai hùng, bên nào cũng có Huân chương cho chiến trận!
Buổi chiều trở về sông Thạch Hãn, rồi sông Bến Hải ngăn cách đôi bờ. Cây cầu sắt vẫn y nguyên như cũ của bao năm mà ngày xưa hai bên hai màu cờ, hai sắc áo khác nhau của chung một dân tộc. Chúng tôi xót xa trong lòng, ngậm ngùi nhìn áng mây bay.
“Đứng bên này sông sao nuối tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”
Rồi cùng ánh chiều tà vào Thành cổ Quảng Trị, cối xay thịt của mùa hè đỏ lửa 1972. Thịt bên nào cũng bị xay… Bom đạn đổ xuống nơi đây, dấu tích Cổ Thành từ thời Chúa Nguyễn Hoàng tan tác, xác xơ. Những ngôi trường hàng vạn lỗ đạn, đám học trò trần trụi chạy hoang nghịch, ngôi trường vẫn còn nằm đó bơ vơ như tiếc thương cho dĩ vãng. Kinh khủng cho một thời chiến tranh.
Sau chiến tranh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trở về lại nền nhà thờ tổ, chỉ tìm lại được một mảnh gỗ có chữ Hoàng Phủ đem về thờ, còn tất cả đều tan tác. Toà soạn báo Cửa Việt cũng hoang vắng, chỉ còn tấm bảng hiệu nho nhỏ ở cột cửa. Cửa tòa báo bị đóng!.
Năm 1997
Nguyễn Tiến Toàn
Nguồn: Xứ sở nụ cười. Ký sự của Nguyễn Tiến Tòan. NXB Văn học 
sẽ phát hành 1-2009. Trước đó, in trong Văn Thơ chọn lọc, tập 1. 
Nhóm Văn chương Hồn Việt. NXB Văn học, 12-2008.
Theo https://trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Vụt sáng cùng con ngựa thơ bất kham của mình Thanh Thảo là một trong những nhà thơ xuất sắc dù xuất hiện hơi muộn so với các nhà thơ cùn...