10 tướng quân nước Việt khiến
Lý Ông Trọng được Tần Thủy Hoàng dựng tượng. Quân Mông -
Nguyên không dám gọi tên Trần Quốc Tuấn. Lê Hoàn đánh Tống bình Chiêm. Nguyễn
Huệ chỉ tiến không lui trên chiến trường.
Lý Ông Trọng - thần tướng được dựng tượng tôn thờ: Khi
đi sứ Trung Quốc, ông từng giúp Tần Thủy Hoàng đánh tan quân Hung Nô quấy nhiếu.
Sau khi ông về nước, Hung Nô biết tin, lại mang quân đánh phá, Tần Thủy Hoàng
cho đúc pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng, đặt ở cửa Tư Mã, kinh đô Hàm
Dương. Mỗi khi thấy quân Hung Nô từ xa kéo đến, hàng chục binh lính Tần lại
dùng sức đẩy cho bức tượng cử động, quân Hung Nô lầm tưởng Lý Ông Trọng nên
không tấn công nước Tần nữa. Đến đời Đức Tông nhà Đường, 2 viên quan Triệu
Xương và Cao Biền rất sùng bái Lý Ông Trọng, cho sửa sang lại đền thờ, tạc tượng
gỗ, tôn xưng ông danh hiệu cao quý là Lý hiệu úy.
Lê Hoàn - đánh Tống bình Chiêm: Ngoài vai trò của quân
vương, Lê Hoàn là chiến tướng uy nghi dũng mãnh trên chiến trường. Ông từng trải
qua rất nhiều trận đánh nhưng chưa bao giờ thất bại. Lê Hoàn từng chém nhiều
viên tướng của kẻ thù ngay giữa trận tiền. Nhận xét về ông, sử gia Ngô Sĩ Liên
đã khái quát rằng: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục
phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của
vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy”.
Lý Thường Kiệt - “thần tướng” cao lớn, tuấn tú: Theo các
tư liệu lịch sử, ngoài tài năng bày binh bố trận, thái úy Lý Thường Kiệt còn là
“thần tướng” trên chiến trường. Ông có vóc dáng tuấn tú, cao lớn, giỏi võ nghệ,
thường xung trận bằng đại đao. Ngoài chiến công đánh tan quân Tống xâm lược vào
các năm 1075-1077, Lý Thường Kiệt từng nhiều lần đánh bại quân Chiêm Thành. Ông
thậm chí còn bắt sống vua Chiêm là Chế Củ.
Lê Phụng Hiểu - hổ tướng bạt sơn cửu đỉnh: Nổi tiếng là
đô vật nức tiếng trong vùng, thuộc hạng dũng sĩ “bạt sơn cửu đỉnh” như Hạng Vũ,
Phàn Khoán ở Trung Quốc, Lê Phụng Hiểu đánh đâu thắng đó, danh tiếng lẫy lừng.
Năm 1044, sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở về, ông được ban thưởng nhờ có nhiều
chiến công. Lê Phụng Hiểu không nhận chức tước, chỉ xin nhà vua cho lên núi
Băng Sơn, ném đao đi xa, rơi ở đâu thì xin lấy chỗ ấy làm mốc để khoanh đất ban
thưởng làm sản nghiệp. Tương truyền, ông đã ném đao bay xa tới 10 dặm, số ruộng
ấy gồm 100 mẫu và được miễn thuế.
Phạm Ngũ Lão - hổ tướng nhà Trần: Phạm Ngũ Lão gắn liền
câu chuyện bị giáo đâm thủng đùi không nhúc nhích. Trong 2 cuộc kháng chiến chống
quân Nguyên, ông đều lập công lớn. Ngoài ra, Phạm Ngũ Lão còn ba lần cất quân
đi trừng phạt quân Ai Lao, hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành. Theo
những tư liệu lịch sử còn lưu lại đến nay, suốt sự nghiệp cầm quân lừng lẫy của
mình, Phạm Ngũ Lão chưa hề thất bại.
Trần Hưng Đạo - kẻ thù nể sợ, không dám gọi tên: Trong lịch
sử quân sự nước ta và thế giới, không nhiều vị tướng được chính kẻ thù nể sợ
như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông từng 3 lần cùng quân dân nhà Trần đánh bại
quân Mông - Nguyên. Theo nhiều tài liệu lịch sử, quân Mông - Nguyên bấy giờ rất
sợ uy danh của ông, thậm chí không dám gọi thẳng tên húy. Mỗi khi nói về ông,
chúng chỉ dám dùng từ: An Nam Hưng Đạo Đại vương.
Trần Nguyên Hãn - khai quốc công thần Hậu Lê: Khi mới
vào Thanh Hóa, Lê Lợi biết tài lược của Trần Nguyên Hãn, đãi ngộ rất hậu. Trong
suốt 10 năm khởi nghĩa, ông trực tiếp chỉ huy những chiến dịch quân sự quan trọng,
lập được nhiều chiến công to lớn. Tiêu biểu như trong chiến dịch Chi Lăng -
Xương Giang vào tháng 9/1427, ông cùng Lê Sát phục binh ở Chi Lăng, góp công lớn
vào việc chém Liễu Thăng ở núi Mã Yên. Trong hội thề ở thành Đông Quan, Trần
Nguyên Hãn được đứng tên thứ hai, chỉ sau Lê Lợi.
Lê Khôi - chỉ nghe tên, quân địch cởi giáp quy
hàng: Tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ buổi đầu, trải qua hơn 10
năm kháng chiến gian khổ, ông lập nhiều công lao, đặc biệt trong các trận Khả
Lưu, Xương Giang, làm quân Minh bạt vía kinh hoàng. Chính ông bắt sống 2 đô đốc
của nhà Minh. Sau này, ông được lệnh dẫn quân tiên phong, “đem binh bản bộ tiến
trước, xông phá tan đồn quân ở trên, vượt Ly Giang, đến cửa biển Thi Nại, rồi
vượt biển đến đất giặc. Tướng giặc biết là quân của ông, gọi sang hỏi: ‘Có phải
ông Tư mã đấy chăng?’. Ông liền bỏ mũ trụ ra để cho chúng thấy mặt. Giặc đều xuống
ngựa sụp lạy, mang biếu sản vật, rồi không dám đánh lại ông nữa. Ông đến đâu,
giặc tan vỡ đến đấy”, theo sách Danh tướng Lam Sơn.
Nguyễn Huệ - kẻ thù sợ như cọp: Xứng đáng là một trong
những vị vua giỏi chiến trận nhất trong số các vua chúa nước Việt, trên chiến
trường, Quang Trung chỉ có tiến, không lùi. Với lối hành quân thần tốc, Quang
Trung - Nguyễn Huệ từng khiến thù trong giặc ngoài khiếp sợ. Chính sử nhà Nguyễn
du rất ghét, vẫn phải miêu tả ông thuộc hàng dũng tướng bậc nhất, quân Xiêm sau
trận thua Rạch Gầm - Xoài Mút thì sợ ông như cọp.
Võ Văn Dũng - tướng quân số 1 của nhà Tây Sơn: Võ Văn
Dũng chính là hổ tướng đứng đầu của nhà Tây Sơn, được cho là “quán quân/ bách
chiến khởi Tây thùy”. Nguyễn Nhạc từng ca ngợi ông: “Phá giặc ở trong núi thì dễ/ Thắng được cây đao của Võ Văn Dũng mới khó”. Ông theo vua Quang Trung lập nhiều
chiến công trên chiến trường: Vào Nam đánh quân Xiêm, ra Bắc đánh quân Thanh.
Trong lần đại phá quân Thanh xâm lược, Võ Văn Dũng là đại tướng quân, đánh đồn
Khương Thượng vào tết Kỷ Dậu năm 1789. Là cao thủ võ học, am hiểu đao pháp, ông
nổi tiếng với cây Lôi long đao tung hoành trên chiến trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét