Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Nẻo đường quê

Nẻo đường quê
Nghiệp dĩ hay là tình yêu đã đưa tôi trở về đất này. Là “nghiệp” mà cũng là “tình”. Tình cũng là một thứ nghiệp. Mà nghiệp như vậy là rất cần thiết. Nghiệp lành!
Thứ nghiệp lành của tâm tình ươm mầm sức sống hội tụ về trên bàn tay người con, lớn lên biết yêu quê hương giống nòi mình mà không thấy khác biệt với vạn giống nòi khác. Duyên ấy, nghiệp ấy là bước chân trở về tĩnh lặng từ nơi thanh vắng nhưng đượm vẻ linh hoạt của một thế giới “động”.
Đã có bao người đi tìm cái tĩnh của núi đồi để dừng chân. Tôi chọn vùng làng quê và nghe trong xóm làng thứ âm thanh thật tĩnh, cái tĩnh của miền quê khác thật nhiều với núi đồi trầm mặc.
Thảnh thơi bước những bước chân thật ý thức trên đường giữa ruộng lúa để duy trì một cảm xúc trong lành đang có mặt trong tôi, hướng tầm mắt ngắm nhìn cánh đồng lúa bao la trĩu hạt đang khoác trên mình chiếc áo mang màu vàng của nắng, màu xanh của sự sống...!!. Tôi chợt nhận thấy lòng mình nhiều lắm những yêu thương đang có mặt.
Đó chính là tình yêu với làng quê, với mẹ cha, anh chị em… là tình yêu với mỗi giọng nói tiếng cười, mỗi một nhánh cây ngọn cỏ nơi đây. Đó cũng là tình yêu thương với từng bông lúa đang trổ vàng trên cánh đồng, những bông lúa đã góp phần mình để có tôi đứng đây ngày hôm nay.
Biết ơn đời mầu nhiệm, tôi hiểu mình không chỉ là sự nối tiếp từ mẹ từ cha, tôi còn là sự tiếp nối của Thầy, của anh chị em và của vạn vật trong trời đất này… Từ gió, từ mây, mỗi một sự vật đến đi do duyên mà tụ tán, mà chuyển hóa và biểu hiện những hình hài khác nhau. Tôi thấy hạnh phúc vì được có mặt giữa cuộc đời này, lại vui mừng thêm thật nhiều khi được lớn lên cùng những lời dạy của Đức Thế Tôn.
… Làng quê Thi, bên những bông lúa nặng hạt trĩu giọt mồ hôi, là bao nhiêu nỗi lo.
Tôi đi dọc theo bờ mương, thấy những con cá con nằm chết trên lớp bùn nơi rãnh nước đã cạn khô. Tôi nghĩ có thể do thuốc phun ruộng đã làm cá chết. Đi tiếp, tôi thấy ở một đoạn khác từng đàn cá con đang khiếp sợ chạy dưới làn nước ít ỏi còn lại trong mương. Thì ra, lúa chín nên không cần nước, người ta đã không cho nước vào mương nữa, và cá không còn môi trường để sống. Khi cấy lúa, là nước vào và theo đó loài cá sinh sôi nảy nở rất nhiều dưới mương nước tưới ruộng.
Lòng tôi chùng xuống một phút giây nhiếp tâm… thương những kiếp sống thụ động và ngắn ngủi! Bất chợt tôi liên tưởng, cuộc sống chúng ta đây, ta có chủ động hay đang thụ động cho môi trường sống cạn khô dần… Lời kinh mỗi chiều tôi đọc lại hiện về:
Như thiểu thủy ngư tư hữu hà lạc
(như cá ít nước nào có vui gì...)
Sống trong môi trường nào, ta đang có những điều kiện tốt của môi trường đó, để làm lớn lên những tâm niệm yêu thương, biết chia sẻ và hiến tặng… Ta trân quý để tung tăng trong đó hay thụ động cho ngày giờ trôi qua, đến khi dòng nước ít ỏi đe dọa đến chính mạng sống chúng ta?
Vẫn không hết cái cảm xúc nhận diện sự hiện hữu của mình giữa ruộng đồng, tôi chợt nhớ, ngày qua tôi nhận được nhiều tin là một người này hay một người kia tôi thân quen đang nhuốm bệnh, những căn bệnh quái ác. Và thế là, có khác gì như cá ít nước, ta như loài cá kia đang vẫy vùng trong bi quan, tuyệt vọng.
Kiếp sống vô thường, có thể rất dài, có thể chỉ trong gang tấc. Những gì mình có hôm nay sẽ không tồn tại mãi. Viết những dòng này, tôi muốn chia sẻ đến bạn và cho chính tôi, chúng ta cùng nhận diện sâu sắc hơn những thứ đang có mặt với chúng ta ngày hôm nay. Vô vàn những yếu tố màu nhiệm đang có mặt quanh chúng ta, và nhiều lắm những mảnh đời khốn khó đang cần tấm lòng chúng ta sẻ chia. Một chiếc áo đắt tiền có thể làm bạn tự hào nhưng không cho bạn sức mạnh của tình thương để dấn thân giúp người. Nhưng một ý nghĩ thiện lành biết cảm thông làm tăng trưởng khả năng sống lợi lạc cho đời của bạn.
Xa xa trên cánh đồng quê, dáng người gom lúa lom khom và lũ trẻ tung tăng thả diều tung bay chao lượn giữa trời xanh. Trong gió chiều lồng lộng của làng quê, giữa cánh đồng mênh mông, lũ trẻ tha hồ mặc cho gió tưng hứng cánh diều. Nơi đây hay nơi kia… sự sống chênh vênh vậy đó.
Cánh diều kia, dù bay cao đến đâu thì vẫn luôn được nối với mặt đất bằng một sợi dây. Sợi dây là cầu nối chúng ta đến thực trạng hiện tại ta đang sống. Bạn đang ở đâu trong ý nghĩ của sở hữu? Sở hữu một ngôi chùa lớn, một căn nhà sang trọng, một địa vị giữa đời với chức cao trong đạo hay ngoài đời. Chúng ta có bay cao đến đâu cũng xin đừng quên sợi dây cầu nối kia với cuộc đời này, với thực trạng xã hội ngoài kia đang biến động từng giờ.
Sợi dây này chính là ý niệm nhận thức thường trực về khổ đau trong người tu tập theo Phật giáo. Đường đến giác ngộ được nuôi dưỡng trên chính nhận thức về khổ để phát triển tâm yêu thương (tâm bồ đề) của người thực hành lời Bụt dạy.
Chính yêu thương, là điểm tựa. Đừng tưởng rằng gió lộng thế và bầu trời cao rộng thế thì diều có thể bay cao mà ko cần gì cả… Không có sợi dây của tình yêu, của duyên nghiệp ấy, của nhận thức ấy, diều sẽ rơi xuống.
Nguyện cầu đủ phước, vừa nghiệp để tự tại an nhiên như cánh diều, nương theo gió mà bay giữa khung trời cao rộng.
Tôi bước về, trời chiều trong tiếng chổi quét nhanh vun đống lúa cuối ngày của người dân nơi sân nhà. Xe máy chở đầy lúa chạy nhanh trên đường quê. Mấy đứa trẻ phụ với cha chất nhanh rơm thành đống. Những hôm vào mùa gặt là trời lại đổ mưa. Mẹ tôi bảo: Cơm sôi bớt lửa, được mùa trời mưa. Năm nay loại cây gì ở đây cũng được mùa và mùa lúa là mùa cuối cùng khép lại mùa xuân, mùa hoa trái để bước vào hè nóng cháy.
Nguyện cầu cho những kiếp sống bớt đi khó nghèo, cuộc đời bớt đi những khắc nghiệt, đua tranh. Nguyện cầu cho người sống trong cuộc đời mà như cánh diều gặp ngọn gió lành, để tự tại an nhiên bay lượn giữa bầu trời xanh.
Nghiệp dĩ hay là tình yêu đã đưa tôi trở về đất này. Là “nghiệp” mà cũng là “tình”. Tình cũng là một thứ nghiệp. Mà nghiệp như vậy là rất cần thiết. Nghiệp lành!
Thứ nghiệp lành của tâm tình ươm mầm sức sống hội tụ về trên bàn tay người con, lớn lên biết yêu quê hương giống nòi mình mà không thấy khác biệt với vạn giống nòi khác. Duyên ấy, nghiệp ấy là bước chân trở về tĩnh lặng từ nơi thanh vắng nhưng đượm vẻ linh hoạt của một thế giới “động”.
Đã có bao người đi tìm cái tĩnh của núi đồi để dừng chân. Tôi chọn vùng làng quê và nghe trong xóm làng thứ âm thanh thật tĩnh, cái tĩnh của miền quê khác thật nhiều với núi đồi trầm mặc.
Thảnh thơi bước những bước chân thật ý thức trên đường giữa ruộng lúa để duy trì một cảm xúc trong lành đang có mặt trong tôi, hướng tầm mắt ngắm nhìn cánh đồng lúa bao la trĩu hạt đang khoác trên mình chiếc áo mang màu vàng của nắng, màu xanh của sự sống...!! Tôi chợt nhận thấy lòng mình nhiều lắm những yêu thương đang có mặt.
Đó chính là tình yêu với làng quê, với mẹ cha, anh chị em… là tình yêu với mỗi giọng nói tiếng cười, mỗi một nhánh cây ngọn cỏ nơi đây. Đó cũng là tình yêu thương với từng bông lúa đang trổ vàng trên cánh đồng, những bông lúa đã góp phần mình để có tôi đứng đây ngày hôm nay.
Biết ơn đời mầu nhiệm, tôi hiểu mình không chỉ là sự nối tiếp từ mẹ từ cha, tôi còn là sự tiếp nối của Thầy, của anh chị em và của vạn vật trong trời đất này… Từ gió, từ mây, mỗi một sự vật đến đi do duyên mà tụ tán, mà chuyển hóa và biểu hiện những hình hài khác nhau. Tôi thấy hạnh phúc vì được có mặt giữa cuộc đời này, lại vui mừng thêm thật nhiều khi được lớn lên cùng những lời dạy của Đức Thế Tôn.
… Làng quê Thi, bên những bông lúa nặng hạt trĩu giọt mồ hôi, là bao nhiêu nỗi lo.
Tôi đi dọc theo bờ mương, thấy những con cá con nằm chết trên lớp bùn nơi rãnh nước đã cạn khô. Tôi nghĩ có thể do thuốc phun ruộng đã làm cá chết. Đi tiếp, tôi thấy ở một đoạn khác từng đàn cá con đang khiếp sợ chạy dưới làn nước ít ỏi còn lại trong mương. Thì ra, lúa chín nên không cần nước, người ta đã không cho nước vào mương nữa, và cá không còn môi trường để sống. Khi cấy lúa, là nước vào và theo đó loài cá sinh sôi nảy nở rất nhiều dưới mương nước tưới ruộng.
Lòng tôi chùng xuống một phút giây nhiếp tâm… thương những kiếp sống thụ động và ngắn ngủi! Bất chợt tôi liên tưởng, cuộc sống chúng ta đây, ta có chủ động hay đang thụ động cho môi trường sống cạn khô dần… Lời kinh mỗi chiều tôi đọc lại hiện về:
Như thiểu thủy ngư tư hữu hà lạc
(như cá ít nước nào có vui gì...)
Sống trong môi trường nào, ta đang có những điều kiện tốt của môi trường đó, để làm lớn lên những tâm niệm yêu thương, biết chia sẻ và hiến tặng… Ta trân quý để tung tăng trong đó hay thụ động cho ngày giờ trôi qua, đến khi dòng nước ít ỏi đe dọa đến chính mạng sống chúng ta?
Vẫn không hết cái cảm xúc nhận diện sự hiện hữu của mình giữa ruộng đồng, tôi chợt nhớ, ngày qua tôi nhận được nhiều tin là một người này hay một người kia tôi thân quen đang nhuốm bệnh, những căn bệnh quái ác. Và thế là, có khác gì như cá ít nước, ta như loài cá kia đang vẫy vùng trong bi quan, tuyệt vọng.
Kiếp sống vô thường, có thể rất dài, có thể chỉ trong gang tấc. Những gì mình có hôm nay sẽ không tồn tại mãi. Viết những dòng này, tôi muốn chia sẻ đến bạn và cho chính tôi, chúng ta cùng nhận diện sâu sắc hơn những thứ đang có mặt với chúng ta ngày hôm nay. Vô vàn những yếu tố màu nhiệm đang có mặt quanh chúng ta, và nhiều lắm những mảnh đời khốn khó đang cần tấm lòng chúng ta sẻ chia. Một chiếc áo đắt tiền có thể làm bạn tự hào nhưng không cho bạn sức mạnh của tình thương để dấn thân giúp người. Nhưng một ý nghĩ thiện lành biết cảm thông làm tăng trưởng khả năng sống lợi lạc cho đời của bạn.
Xa xa trên cánh đồng quê, dáng người gom lúa lom khom và lũ trẻ tung tăng thả diều tung bay chao lượn giữa trời xanh. Trong gió chiều lồng lộng của làng quê, giữa cánh đồng mênh mông, lũ trẻ tha hồ mặc cho gió tưng hứng cánh diều. Nơi đây hay nơi kia… sự sống chênh vênh vậy đó.
Cánh diều kia, dù bay cao đến đâu thì vẫn luôn được nối với mặt đất bằng một sợi dây. Sợi dây là cầu nối chúng ta đến thực trạng hiện tại ta đang sống. Bạn đang ở đâu trong ý nghĩ của sở hữu? Sở hữu một ngôi chùa lớn, một căn nhà sang trọng, một địa vị giữa đời với chức cao trong đạo hay ngoài đời. Chúng ta có bay cao đến đâu cũng xin đừng quên sợi dây cầu nối kia với cuộc đời này, với thực trạng xã hội ngoài kia đang biến động từng giờ.
Sợi dây này chính là ý niệm nhận thức thường trực về khổ đau trong người tu tập theo Phật giáo. Đường đến giác ngộ được nuôi dưỡng trên chính nhận thức về khổ để phát triển tâm yêu thương (tâm bồ đề) của người thực hành lời Bụt dạy.
Chính yêu thương, là điểm tựa. Đừng tưởng rằng gió lộng thế và bầu trời cao rộng thế thì diều có thể bay cao mà không cần gì cả… Không có sợi dây của tình yêu, của duyên nghiệp ấy, của nhận thức ấy, diều sẽ rơi xuống.
Nguyện cầu đủ phước, vừa nghiệp để tự tại an nhiên như cánh diều, nương theo gió mà bay giữa khung trời cao rộng.
Tôi bước về, trời chiều trong tiếng chổi quét nhanh vun đống lúa cuối ngày của người dân nơi sân nhà. Xe máy chở đầy lúa chạy nhanh trên đường quê. Mấy đứa trẻ phụ với cha chất nhanh rơm thành đống. Những hôm vào mùa gặt là trời lại đổ mưa. Mẹ tôi bảo: Cơm sôi bớt lửa, được mùa trời mưa. Năm nay loại cây gì ở đây cũng được mùa và mùa lúa là mùa cuối cùng khép lại mùa xuân, mùa hoa trái để bước vào hè nóng cháy.
Nguyện cầu cho những kiếp sống bớt đi khó nghèo, cuộc đời bớt đi những khắc nghiệt, đua tranh. Nguyện cầu cho người sống trong cuộc đời mà như cánh diều gặp ngọn gió lành, để tự tại an nhiên bay lượn giữa bầu trời xanh.
29/2/2020
Tâm Hiệp
Theo http://vanhienplus.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Văn Cao làm cách mạng thơ Văn Cao có những tuyên ngôn và thực hành thơ theo hướng cách mạng. Văn Cao đã có hành trình đi qua thơ định th...