Phụ nữ phương Đông thường bị chê là hẹp hòi, nông cạn: “Đàn
ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Nhưng thực tế cho
thấy những khi đại cuộc gặp cơn khốn quẫn hay gia đình gặp cảnh ba đào cần
đến sự hy sinh thì chính phụ nữ thường là người tiên phong tự nguyện.
Đền Huyền Trân công chúa
tại An Tây - Huế. Ảnh: Internet
“Chiêu Quân cống Hồ”
Lịch sử Trung Quốc có Chiêu Quân tự nguyện đi cống Hồ để giữ
hòa bình cho dân tộc. Lịch sử Việt Nam có Huyền Trân gá nghĩa với vua Chiêm để
mở cõi giang san.
Chiêu Quân tên thật là Vương Tường. Nàng thông minh,
xinh đẹp hơn người, lại giỏi đánh đàn tỳ bà và có tài thi, họa. Chiêu Quân được
tuyển vào nội cung vào khoảng sau năm 40 trước Công nguyên, đời Hán Nguyên Đế.
Vì số phi tần trong hậu cung quá đông, Hán Nguyên Đế ra lệnh cho Mao Diên Thọ vẽ
hình các cung nữ để hoàng đế chọn. Các cung nữ lo lót tiền cho Mao để có được
hình đẹp, riêng Chiêu Quân từ chối vì tự tin ở tài sắc của mình. Mao vẽ chân
dung nàng thật xấu nên Hán Nguyên Đế không để mắt tới.
Năm 33 trước Công nguyên, thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà đến
kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán, và có nguyện vọng được trở
thành con rể của vua. Hán Nguyên Đế tán thành vì muốn tạo hòa bình trong bang
giao. Nhưng không một công chúa nào chấp thuận. Nhà vua bèn hạ lệnh cho các
cung nữ hễ ai tình nguyện vì đất nước mà lấy thiền vu Hung Nô thì sẽ được xem
như công chúa. Các cung nữ đều ngần ngại, chỉ có Chiêu Quân tình nguyện lấy Hô
Hàn Tà.
Đến ngày hôn lễ giữa Hô Hàn Tà và Chiêu Quân, Nguyên Đế thấy
nàng xinh đẹp tuyệt trần nên rất hối tiếc. Ông bèn hạ lệnh mang bức tranh nàng
ra xem, thì thấy bức tranh do họa sĩ Mao Diên Thọ vẽ không giống chân dung thật,
bèn sai xử trảm Thọ.
Chiêu Quân trở thành sủng phi của Hô Hàn Tà, được phong là
Ninh Hồ Yên Chi. Nhờ cuộc hòa thân ấy mà nền hòa bình giữa nhà Hán và Hung Nô
đã kéo dài được hơn 60 năm.
Sự tích “Chiêu Quân cống Hồ” với hình ảnh người con gái dung
nhan tuyệt đại mặc áo choàng đỏ, ôm cây tỳ bà cưỡi con ngựa trắng giữa vùng thảo
dã mênh mông đã là đề tài cho thi nhân Trung Quốc rất nhiều thế hệ. Chiêu Quân
trở thành hình ảnh của kẻ tài hoa lỡ vận, với tâm sự ngậm ngùi nơi đất khách.
Cây đàn tỳ bà được các thi nhân Trung Quốc xem là người bạn tri kỷ của Chiêu
Quân.
Kim Thánh Thán, khi phê bình vở kịch Tây Sương Ký của Vương
Thực Phủ đã nói: Nếu bắt tả nào Chiêu Quân hăng hái xin đi, ôm cây tỳ bà bước ra
cửa ải thì tác giả sẽ tả được nước mắt của vô số những kẻ tài cao bị áp bức của
khắp thiên hạ trong muôn đời! Ta cứ đọc vở Mái Tây này thì biết! (Mái Tây,
tr.374 - 375, Nhượng Tống dịch, NXB Tân Việt, Sài Gòn).
Huyền Trân nước non ngàn dặm ra đi
Cung nữ Chiêu Quân Trung Quốc ôm tâm sự hận sầu cùng cây đàn
tỳ bà, ngược về phương bắc gá nghĩa với Hung Nô để đổi lấy nền hòa bình hơn nửa
thế kỷ, thì hơn một ngàn năm sau, công chúa Huyền Trân nước Việt lại âm thầm giọt
lệ, xuôi về phương nam ngàn dặm kết duyên với vua Chiêm để mở rộng cõi giang
sơn. Hai phương trời, hai tâm sự và cách biệt nhau hơn cả ngàn năm, nhưng sự hy
sinh cao cả đều không khác. Và cái chua xót, thương đau chỉ là một. Đâu phương
cố hương? Nào trời cố quận? Quay đầu nhìn lại chỉ thấy mịt mờ mây trắng, và ở
chốn xa xôi kia là quê hương vĩnh viễn không thể quay về. Mang tâm sự bi thương
ở chốn tha hương ngàn dặm, kẻ anh hùng còn có thể lấy rượu tạm đốt cháy nỗi sầu
cô lữ, nhưng lấy gì để an ủi khách má hồng?
Theo sử sách, năm 1306, Huyền Trân công chúa được gả cho vua
Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế
đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Một năm sau, Chế Mân chết, truyền thuyết cho
rằng Huyền Trân công chúa được Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung cướp về. Câu
chuyện đó về Huyền Trân công chúa được truyền tụng trong dân gian.
Thời đó người Việt vẫn coi người Chăm là dân tộc thấp kém hơn
mình nên đã có câu ca dao lan truyền trong dân gian: “Tiếc thay cây quế giữa rừng.
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”.
Tương truyền bài Nước non ngàn dặm, theo điệu Nam Bình, là do
chính công chúa Huyền Trân đã soạn ra trong lúc đi đường sang Chiêm:
Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?...
Lời hát nghe ngậm ngùi như tiếng lòng thổn thức. Đem tuổi
thanh xuân để gánh nợ giang san. Sự hy sinh âm thầm, nhưng cao cả biết bao. Thế
hệ chúng ta phải mang ơn nàng công chúa đời Trần kia nhiều lắm.
Nhạc sĩ Phạm Duy, trong ca khúc Nước non ngàn dặm ra đi, nói
về tâm sự của Huyền Trân:
Năm tê trong lúc sang Xuân,
Tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường.
Đường máu xương đã lắm oán thương,
Đổi sắc hương lấy cõi giang san.
Tôi đi theo bước ái tình,
Đi cho trăm họ được hòa bình ấm no,
Đèo núi cao nghe gió vi vu,
Thổi phấn son bay tới kinh đô...
Tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường.
Đường máu xương đã lắm oán thương,
Đổi sắc hương lấy cõi giang san.
Tôi đi theo bước ái tình,
Đi cho trăm họ được hòa bình ấm no,
Đèo núi cao nghe gió vi vu,
Thổi phấn son bay tới kinh đô...
Thi ca Trung Quốc qua bao nhiêu thế hệ không tiếc lời ca ngợi
Chiêu Quân, nhưng thi ca Việt Nam có được bao nhiêu bài nhắc đến Huyền Trân? Ta
thấy không khỏi có sự bất công.
Đọc đến đây, xin hãy cùng nhau nâng một ly rượu để tưởng nhớ
nàng Huyền Trân đất Việt. Nếu Chiêu Quân lấy tỳ bà làm tri kỷ thì xin Huyền
Trân lấy tấm lòng cả bọn ta làm tri kỷ vậy.
29/4/2018
LIÊU HÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét