Đây là cuốn sách xưa, nguyên bản tiếng Đức “Muzikgeschichte
der welt” của Kurt Pahlen, in tại Zurich năm 1947, bản dịch tiếng
Pháp “La grande aventure de la musique” của Annie Mesritz (Collection
Marabout) không ghi năm in nhưng ít nhất phải sau khoảng ba năm bản tiếng Đức,
tạm cho là năm 1950 thì đến nay cũng đã là 65 năm rồi. Có được cuốn sách cũng
là sự tình cờ: một ông cụ mua sách này ở Pháp năm 1955, sau đó để lại cho tôi
khi tôi còn là sinh viên năm cuối ở trường sư phạm. Tôi rất thích cuốn sách vì
là sách nghiên cứu âm nhạc, mà sách nhạc hồi đó rất hiếm, cho nên mặc dù học
ban Việt văn, tôi cũng cố gắng ngồi dịch từ đầu, mục đích chỉ là để học hỏi. Chỉ
dịch mấy chương đầu vì sau đó phải lo học cho kỳ thi tốt nghiệp ra trường cuối
năm. May mắn qua thời gian loạn lạc trước 1975 rồi lo kiếm sống sau 1975, mấy
chục năm sau tôi vẫn còn giữ được sách và bản dịch trên những tờ giấy vàng ố
năm xưa.
Về tác giả: Kurt Pahlen (1907-2003), người Áo, là tiến sĩ dân tộc
nhạc học và triết học của Trường đại học Vienna. Hồi trẻ ông là nhạc trưởng tại
Đài phát thanh Vienna, nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Vienna, từng điều khiển
nhiều buổi hòa nhạc ở Paris, Madrid, Milan, Genève, Amsterdam, Riga, Varsaw,
Prague… Năm 1939, ông di cư sang Argentina và trong sáu năm, ông điều khiển Dàn
nhạc Buenos-Aires. Đầu những năm 1970, ông trở về Thụy Sĩ. Là nhạc sĩ và nhà soạn
nhạc có ảnh hưởng trên thế giới, Kurt Pahlen còn là nhà văn nổi danh, là tác giả
40 cuốn sách quan trọng về âm nhạc như “Lịch sử âm nhạc thế giới” (1947), “Cuộc
phiêu lưu vĩ đại của âm nhạc” (1947), “Manuel de Falla và âm nhạc Tây Ban
Nha” (1953), “Từ vựng âm nhạc thế giới” (1956), “Tchaikovsky” (1959, “Dẫn
vào âm nhạc” (1965), “Các giai đoạn tuyệt vời của âm nhạc Tây phương” (1991),
Những điều kỳ diệu của âm nhạc dành cho trẻ con… được dịch ta nhiều thứ tiếng.
Về tác phẩm: Làm cho mọi người hiểu và yêu âm nhạc là mục đích cuốn
sách “Cuộc phiêu lưu vĩ đại của âm nhạc”. Ông dành cuốn sách, không phải
cho các nhạc sĩ chuyên nghiệp, mà dành cho mỗi một chúng ta đồng ý theo chân
ông trong cuộc du hành vào xứ sở của những điều kỳ diệu của âm nhạc. Cuộc du
hành thú vị vì ông Pahlen là nhà tổ chức tài ba và là hướng dẫn viên nhiệt
thành luôn có những bình luận sống động về các giai thoại âm nhạc lý thú. Cuốn
sách có 3 tập, mỗi tập nhiều chương. Tập 1 tác giả bàn đến âm nhạc từ thời cổ đại
đến thời trung cổ, âm nhạc trong các nền văn minh, sự khai sinh của nền nhạc kịch…
Tập 2 bàn đến các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Bach, Haendel, Haydn, Mozart,
Beethoven, Schubert, Richard Wagner…; trung tâm âm nhạc Vienne, vương quốc của
điệu luân vũ (valse), thắng lợi của chủ nghĩa lãng mạn, sự trưởng thành của nhạc
kịch… Tập 3 bàn đến chủ nghĩa ấn tượng với Claude Debussy, tân nhạc kịch, kỷ
nguyên của nghịch âm, nước Mỹ và âm nhạc máy móc… Ngoài ra sách còn có: thư tịch
đĩa hát cho người yêu nhạc, các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng hiện đại, tác
phẩm chính của các nhà soạn nhạc nổi tiếng và bộ từ vựng thuật ngữ âm nhạc.
CHƯƠNG I
ÂM NHẠC TRONG ĐỜI SỐNG NHÂN LOẠI
Mọi đời sống đều có sự vang dội của nó.
Một thế giới âm thanh và tiếng động bao quanh chúng ta - chứng
cớ của vũ trũ sinh động. Từ thời xa xưa, con người nói năng và ca hát; nhờ thính
giác thích ứng một cách kỳ diệu, có thể sánh với cây đàn harpe nhiều dây, nó nhận
biết những âm thanh và tiếng động xì xào ấy, tuy vậy đó cũng chỉ là thành phần
nhỏ bé trong toàn bộ mọi thứ âm vang khó mà nhận ra được.
Những đứa trẻ được cấu tạo một cách bình thường khi ra đời đều
thụ bẩm những khả năng về thính giác và âm nhạc, dù chúng ở đô thị hay đồng
quê, ở Bắc cực hay vùng nhiệt đới, ở vùng núi hay sa mạc, cũng không thành vấn
đề màu da của chúng là trắng, đen, vàng hay nâu. Âm nhạc là một tặng vật của tạo
hóa, mà chúng ta vun đắp thêm tùy theo tính khí, giáo dục, chủng tộc của chúng
ta và thời đại mà chúng ta sống.
Thiên nhiên, tự nó đã là một sự tràn đầy âm nhạc, xuất hiện từ
hàng triệu năm trước khi thính giác con người có thể nghe được âm nhạc đó.
Từ lúc tạo thiên lập địa đến giờ, loài người đã nghe được tiếng
thì thầm êm dịu của dòng nước, tiếng sấm rền như tiếng trống, tiếng rì rào của
lá cây trong gió và biết bao âm thanh tự nhiên khác. Có lẽ những tia nắng cũng
biết ca hát trong các hang động trên núi, cũng như đến nay chúng còn ca hát một
cách kỳ bí giữa những hàng cột trụ của đền Memnon (1) bên Ai Cập. Từ bao thế kỷ
qua, cây đàn harpe thiên nhiên của động Fingal (2) đã vang lên trước khi người
Celtes (3) đặt cho nó cái tên Llaimh binn, trước khi nhà soạn nhạc lãng mạn
Félix Mendelssohn chuyển thứ âm nhạc tự nhiên này vào dàn nhạc giao hưởng hiện
đại?
Cũng vậy thính giác kỳ lạ của thần Dionysos (4), ở Sicile, đã
khuếch đại tất cả những âm thanh đến tai ngài, thật lâu trước khi một bộ óc con
người có thể hiểu ra được sự huyền nhiệm này. Những phún xuất của tầng vỏ địa cầu,
sự xuất hiện của các dòng suối, các hỏa diệm sơn, các ngọn núi, sự cuồng nộ của
những dòng nước trong cơn Đại hồng thủy tạo thành một hòa tấu khúc kỳ quái mà
không một âm hưởng nào còn có thể vang đến được với chúng ta.
Con người được sinh ra trong thế giới âm thanh đó. Tiếng sấm
đã dìm con người trong sự kinh hãi và nó sẽ là biểu tượng cho sức mạnh siêu
nhiên. Trong những tiếng hú của cơn bão, con người nghe được tiếng nói của những
vị thần độc ác. Những người dân đi biển nhận rõ được lòng nhân từ hay cơn thịnh
nộ của những vị thần trong tiếng sóng vỗ mà nhịp điệu của chúng chi phối đời sống
của họ. Tiếng vọng sẽ trở thành một lời sấm truyền và những tiếng kêu của loài
vật trở thành một thứ sách khải huyền được tiết lộ. Tôn giáo và âm nhạc lẫn lộn
với nhau từ nguyên thủy của vũ trụ nhân loại.
Ngay từ đầu, âm nhạc gây một sức mạnh trên ý thức con người.
Con người cổ đại chỉ sử dụng một số từ ngữ hạn định, nó chỉ gọi tên được cái nó
nhìn thấy. Để phô diễn tình cảm, con người dùng những âm thanh được xếp đặt phù
hợp dần, đáng kể là việc diễn tả nỗi vui, niềm đau, ca ngợi tình yêu, phô bày bản
năng hiếu chiến, biểu lộ đức tin đối với những quyền lực thiêng liêng, hay say
sưa đắm đuối trong thú vui nhảy múa. Kể từ đó âm nhạc là một thành phần của đời
sống, từ bài hát ru em cho đến bài ca tang chế, từ điệu múa nghi lễ cho đến những
thần chú đầy âm điệu và tiết tấu nhịp nhàng có thể chữa lành bệnh cho con người.
Ảnh hưởng của âm nhạc đối với loài người giảm bớt trong hàng
triệu năm, dù người ta có thể kể tới những ví dụ đáng chú ý về tác dụng trị liệu
của nó từ thời cổ đại cho đến ngày hôm nay.
David không phải là kẻ duy nhất giải sầu cho vua Saul (5) nhờ
cây đàn harpe của chàng: Farinelli (6) còn chữa lành chứng suy nhược thần kinh
của vua Philippe V (7); Timothé khi hát có thể chọc giận được Alexandre Đại đế
(8) rồi khi đổi sang một điệu khác, ông làm nhà vua nguôi giận ngay. Các mục sư
dùng âm nhạc để dạy dỗ dân Celtes và làm cho phong tục man dã của họ được thuần
hậu thuần mỹ hơn. Người ta tin rằng ống sáo của Terpander (9) đã trấn áp được từ
trong trứng nước cuộc nổi loạn của dân Lacédémone (10). Thánh Augustin (11) nói
với một con chiên rằng dân tộc ngài chọn ngài làm người đứng đầu vì năng khiếu
ca hát của ngài. Truyện truyền kỳ Người bắt chuột ở thành phố Hamelin (12) là một
thí dụ nổi tiếng về ảnh hưởng của âm nhạc, đối với con người nhiều hơn là đối với
loài vật. Trong văn chương thời hiện đại, không một tác phẩm nghệ thuật nào, trừ
cuốn Werther (13), lại có thể gây ra cái dịch loạn thần kinh và tự tử như vở kịch
trữ tình Tristan và Isolde (14) của Wagner đã mang lại.
Âm nhạc tác động trên cá nhân và đám đông; người ta tìm thấy
âm nhạc trong lịch sử các cuộc cách mạng cũng như trong thứ tâm lý chiến tranh.
Tác động đó có thể thay đổi và có thể đi từ sự nẩy nở những tình cảm cao thượng
nhất cho đến sự lôi cuốn của những bản năng đê tiện nhất, từ những suy niệm
thâm trầm cho đến sự say sưa cuồng dại nhất, từ sự thành kính trong tôn giáo
cho đến sự dâm ô đầy thú tính.
Từ sự liệt kê giản lược này ta thấy âm nhạc là một bảo vật dưới
nhiều khía cạnh. Âm nhạc - đa dạng biết bao! - nào là âm nhạc của những vũ điệu
tân thời và của lời kinh đơn điệu của các tu sĩ trong cuộc sống cô độc, nào là
âm nhạc của lời ru con dịu dàng khẽ thì thầm bên tai, nào là âm nhạc của hành
khúc rót vào lòng chiến sĩ cái hào khí can trường. Những khúc tình ca trong đêm
hè rải rác những vì sao hay máy phóng thanh gào thét để khuyến khích thợ thuyền
sản xuất trong các nhà máy nhờ ở hơi nhạc vui tươi, ở nhịp điệu khoái hoạt mà
tính đa dạng của âm nhạc trở thành vô tận.
Thật cách biệt nhau hẳn giữa khúc ngâm dai dẳng của người Ấn
Độ, giản lược thành ba âm hiệu, với khúc giao hưởng của một nhà soạn nhạc vĩ đại;
thật khác nhau hẳn giữa những vũ điệu của một người Đông phương xa xôi và đại
nhạc kịch châu Âu; giữa ca điệu của giáo hoàng Gregoire và loại nhạc jazz! Tuy
nhiên những loại nhạc đó tồn tại đồng thời với nhau, ngay cả ngày hôm nay trên
hành tinh chúng ta, và để chỉ rõ những biểu lộ này, chúng ta chỉ dùng một từ ngữ
loại tính: âm nhạc!
Những sự khác biệt này càng rõ nét hơn khi chúng ta càng theo
dõi những dấu tích của âm nhạc trong nhiều thế kỷ qua, đó là mục đích của cuốn
sách này Những giai điệu từ các đền đài Ai Cập, của kịch nghệ Hy Lạp, của nhạc
đa âm nguyên thủy, của những khúc ca phường hội và của giới thủ công nghệ thời
Trung cổ, của sự thức tỉnh nghệ thuật thời Phục Hưng và từ đó cho đến nay, có
biết bao khác biệt giữa Palestrina và Haydn, giữa Bach và Chopin, Beethoven và
Stravinsky, Mozart và Debussy…
Chúng ta đã nói tất cả cái gì sống thực đều có mầm mống gây
ra chấn động, bởi vì đời sống chính là cái nhịp điệu tạo ra những âm thanh. Những
định luật âm học phân biệt hai loại chấn động: âm thanh và tiếng động, tùy theo
những dao động rung chuyển đều đặn hay không. Âm nhạc, theo lối dạy của người
xưa, chỉ thuộc về loại chấn động thứ nhất. Nhưng dựng lên ranh giới thật không
phải dễ. Biết bao nhạc cụ là thành phần trong dàn nhạc giao hưởng hiện đại chỉ
tạo ra được một tiếng động thay vì những âm thanh: trống lớn, tam giác thanh
(triangle), xập xõa, chiêng, sênh (castagnette), trống con! Người nào đã nghe
dàn gamelan của Malaysia gồm nhiều chiếc cồng đều tin rằng có một ấn tượng về
âm nhạc khi nghe sự hòa hợp kỳ quái này, tuy vậy vật lý học thì phán đoán khác
đi. Sau đó chúng ta biết rằng hệ âm (15), nền tảng lâu đời của âm nhạc Tây
phương, phải chịu những cuộc tấn công mạnh mẽ như thế nào nhằm vào nhược điểm của
hệ âm hiện thời của chúng ta, bởi vì việc chuẩn hóa luật thang âm “điều hòa”
(16) đã kéo theo biết bao điều không chính xác, xét trên quan điểm toán học và
vật lý học, và tương quan giữa khoa học chính xác và âm nhạc không còn là chuyện
hư ảo nữa.
Nhưng ở đây chúng ta không bận tâm về vấn đề lý thuyết hoặc về
khoa học, chúng ta muốn lưu tâm đến những sản phẩm của hệ thống này, lưu tâm đến
chu kỳ hay hơn nữa là sự nối tiếp các chu kỳ vĩ đại diễn ra không ai thấy được,
đó là con đường kỳ diệu xuyên qua sự sống và cái chết, xuyên qua các xứ sở, các
lục địa, các nền văn minh và các thời đại.
Chỉ còn một phần bé nhỏ của những gì đến với thính quan và
trí khôn của chúng ta. Và một mảnh còn bé nhỏ hơn nữa đến với trái tim ta, ở đó
nó có thể gợi lên một tiếng vọng. Nhưng cái vô cùng bé nhỏ đó, chính là thế giới…
Âm nhạc là gì? Đó là một câu hỏi mà tôi đã đặt ra từ khi còn
thơ ấu. Tôi đã nói rằng nếu âm nhạc, đối với nhà văn, là một hiện tượng âm học,
đối với lý thuyết gia, là vấn đề giai điệu, hòa âm, tiết tấu thì đối với những
người thật sự yêu nhạc, âm nhạc là một sự bay bổng phiêu diêu của tâm hồn, là sự
đánh thức và thực hiện những giấc mơ và những ham muốn luôn ám ảnh chúng ta.
Tôi vẫn trung thành với định nghĩa này mà đối với tôi bao giờ
cũng đúng, ngay cả đến lúc viết cuốn sách này.
Chú thích của người dịch:
1. Theo thần thoại Hy Lạp, Memnon là tên vị vua của Ethiopia,
người chiến thắng trong trận đánh thành Trojan.
2. Động Fingal, một động ven biển ở một đảo hoang vắng ở
Scotland, có âm thanh tự nhiên do tiếng dội của sóng biển tạo nên như tiếng nhạc
trong nhà thờ.
3. Giống dân Celtes sống lâu đời từ thế kỷ thứ 8 trước Công
nguyên đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên trên phần lớn lục địa châu Âu và vùng
Tiểu Á, có một nền văn hóa rực rỡ vào thời kỳ đồ sắt.
4. Dionysos là vị thần nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp, vị
thần của mùa thu hoạch nho và rượu vang.
5. Theo kinh Do Thái, Saul là vị vua đầu tiên của Vương quốc
Do Thái trị vì khoảng thời gian cuối thế kỷ 11 trước Công nguyên. David là người
con được Thượng đế chọn kế vị.
6. Farinelli là ca sĩ Ý, nổi tiếng ở thế kỷ 18, một trong những
ca sĩ lớn nhất trong lịch sử nền nhạc kịch.
7. Philip V (1683-1746), vua Tây Ban Nha, trị vì từ năm 1700
đến năm 1724.
8. Alexandre Đại đế (356-323 trước Công nguyên), vua của
Vương quốc Hy Lạp cổ, lên ngôi ở tuổi 20. Vào khoảng 30 tuổi ông đã mở rộng
vương quốc từ Hy Lạp đến Ai Cập.
9. Terpander, nhà thơ Hy Lạp, sống vào tiền bán thế kỷ thứ 7
trước Công nguyên, là cha đẻ của nền âm nhạc Hy Lạp.
10. Lacedaemon, theo thần thoại Hy Lạp, là vua xứ Laconia.
11. Thánh Augustin (354-430) sinh ở Algeria, là nhà thần học
và triết học Thiên Chúa giáo. Tác phẩm của ngài có ảnh hưởng lớn đến triết học
Tây phương và nhà thờ Thiên Chúa giáo ở châu Âu.
12. Truyện truyền kỳ Đức kể lại năm 1280 một người thổi sáo
đã dùng tiếng sáo của mình dụ dỗ đàn chuột, vốn đầy rẫy trong thành phố khiến
nhiều người chết đói, ra đến bờ sông Weser và rồi chúng chết chìm tại đó.
13. “Nỗi buồn của chàng trai Werther”, tác phẩm của Goethe
(1749-1832) in lần đầu năm 1774. Đây là tự truyện của nhà văn khi ông mới 24 tuổi
và miệt mài viết xong trong vòng 6 tuần lễ. Đây là tác phẩm quan trọng của văn
chương Đức.
14. “Tristan und Isolde”, vở nhạc kịch nổi tiếng của nhạc sĩ
Đức Richard Wagner, được gợi hứng từ triết học của Arthur Schopenhauer, được diễn
lần đầu vào năm 1865 ở Munich.
15. Système tonal, Tống Ngọc Hạp (Danh từ âm nhạc, Paris,
1954) dịch là hệ thống nguyên thể. Khác với système modal (điệu thức).
16. Luật ở đây tức là bậc âm trong thang nhạc (không phải chữ
luật trong quy luật, luật pháp…). Thang âm điều hòa gồm 12 bán cung.
CHƯƠNG II
ÂM NHẠC THỜI CỔ ĐẠI
Âm nhạc, cùng với vũ điệu, là nguồn gốc của mọi nghệ thuật.
Tuy vậy phải nhận rằng con người nguyên thủy không thể có được một ý niệm thật
rõ rang về nghệ thuật (trong nghĩa đích thực của danh từ). Dù có từ xưa, lịch sử
âm nhạc cũng là lịch sử mới mẻ và ngắn ngủi nhất trong mọi thứ lịch sử. Chúng
ta có những đền đài bằng đá hoa cương hay cẩm thạch, chứng cứ của những nền văn
minh đã mất. Những thi phẩm, những thần thoại, những truyện truyền kỳ và những
triết học có từ hàng ngàn năm nay cho phép chúng ta tưởng tượng ra hình ảnh về
những thời đại xa xưa. Còn khi nói đến âm nhạc, chúng ta không có một bằng chứng
nào cả.
Những nền văn minh đã biến mất và không một tiếng vọng nào của
âm nhạc còn đến với chúng ta; những bản thảo đầu tiên mà chúng ta có thể đọc
ngay được một cách chắc chắn và có thể tái hiện bằng cách chép lại theo lối ký
âm hiện đại. Những bản thảo đó thì mới xuất hiện thời gian gần đây thôi. Tất cả
những gì hiện hữu trước đó thì chìm mất trong bóng tối thời gian.
Khi đọc một tác phẩm xuất bản ở bên Mỹ, tôi đã phát hiện, nếu
tôi không lầm, một sự so sánh thật khéo léo. Tác giả viết rằng: hãy thử giả định
rằng nếu Trái đất chỉ tồn tại trong một năm thôi, chẳng hạn từ ngày đầu tiên của
tháng giêng cho đến ngày cuối của tháng chạp. Nếu chúng ta muốn định lúc con
người xuất hiện trên Trái đất vào năm đó, nếu giữ đúng tỉ lệ, chúng ta phải đặt
sự kiện này vào đúng ngày 31 tháng chạp, khoảng mười tám giờ. Nhưng không phải
cùng với sự xuất hiện của con người thụ tạo này mà thời gian lịch sử được khởi
đầu. Còn nhiều giờ dài dằng dặc phải trôi qua. Sau cùng vào khoảng 5 phút thì tới
nửa đêm, lúc đó lịch sử mới bắt đầu.
Tôi muốn nới rộng sự so sánh này với việc nghiên cứu lịch sử
âm nhạc để các độc giả của tôi hiểu được sự ngắn ngủi khó tin này: tạm chấp nhận
rằng lịch sử đó bắt đầu 15 giây trước nửa đêm của ngày cuối cùng trong cái năm
dài và độc nhất của Trái đất này. Chúng tôi phải phán đoán về sự kiện này như
thế nào? Chúng ta cho là nó không đáng kể hay ngược lại, phải kiêu hãnh về 15
giây đẹp đẽ này?
Nếu chúng ta biết quá ít về âm nhạc thời cổ sơ, đó là sự thiếu
sót chính yếu của chúng ta: chỉ có âm nhạc tự nó vang lên thôi. Người ta có nói
đến âm nhạc trong những cuốn sách bác học xưa bàn về tôn giáo, triết học, toán
học, thiên văn học, phong tục học và trong đó âm nhạc thường chiếm vị trí ưu thế.
Những bài anh hùng ca xưa, những truyện truyền kỳ, những chuyện thần tiên của
nhiều dân tộc cũng đề cập đến âm nhạc. Thánh kinh, những bậc hiền triết Trung
Hoa, những truyền thống của Ấn Độ đều chứa đựng những lời nói bóng gió về âm nhạc,
về cái đẹp, ma thuật, sức mạnh của âm nhạc. Nhưng âm nhạc vang vọng lên như thế
nào? Đó là điều không ai có thể biết. Thời gian đã tách biệt âm nhạc đó với
chúng ta mất rồi, không ai có thể đem trả lại cho chúng ta được.
Duy chỉ có những chứng tích bằng đá có thể giúp chúng ta tiếp
cận để biết được âm nhạc: những đền đài, những bia đá, tượng đá, những hình chạm
trổ, những chiếc đĩa bằng đất nung, những bình cổ, những cốc bạch ngọc… Những đồ
đá này thường chạm các nhạc cụ hay khắc cả toàn ban nhạc. Người ta cố gắng cân
nhắc đo đạc những nhạc cụ này, người ta đếm các sợi dây của những chiếc đàn
lyre và harpe. Người ta ước định đường kính miệng kèn của những thứ vốn là nguồn
gốc của ống sáo, kèn hautbois và kèn trompette hiện nay. Người ta cũng khảo sát
hiệu lực âm thanh của những nhạc cụ bộ gõ.
Đây đó những mảnh vỡ của một vài thứ nhạc cụ này được tìm thấy
trong nhiều ngôi mộ cổ của những đô thị đã bị chôn vùi. Chúng ta có thể phục chế
những nhạc cụ đó, so sánh chúng với những nhạc cụ của chúng ta, nhưng làm để
chúng vang lên một cách chính xác? Đó là điều chúng ta không biết được. Thứ âm
nhạc đó dùng để làm gì? Để giải trí người nghe, mang lại cho họ niềm vui, sự
xúc động hay để phụng sự một lý tưởng hay một mục đích vật chất? Cùng lắm chúng
ta chỉ có thể tạo dựng lại các nhạc cụ có trong thời kỳ gần gũi với nghệ thuật
âm nhạc hiện đại của chúng ta thôi theo những truyền thuyết nên thơ. Nhưng ai
có thể nói với chúng ta rằng những mục sư thời đó hát lên trong nhà thờ như những
mục sư ngày nay không? Có phải những ông vua thắng trận lấy làm tự hào vì những
dàn nhạc kèn đồng vĩ đại (như ta thường thấy trên một vài hình chạm nổi của người
Assyrie) không? Có phải những nô lệ của xứ Ai Cập cổ đại cũng ca hát trong việc
xây dựng phi thường những kim tự tháp để làm nhẹ bớt công việc quá lao nhọc,
như ngày hôm nay những người kéo thuyền trên sông Volga giữ nhịp chèo trong khi
hát hò, như người da đen trên đảo Haiti chất những kiện hàng cà phê lên tàu dưới
cái nắng nhiệt đới? Âm nhạc phải làm tươi vui những cung điện tối tăm, buồn thảm,
làm cho những điệu múa có tiết tấu, làm hoạt náo những bữa tiệc, âm nhạc đó có
dùng vào cùng những mục đích như ngày hôm nay không?
Chúng ta phải xây dựng lại hết thảy; chúng ta biết rằng người
xưa đã từng ca hát, một giọng hay có nhiều bè, có hay không có nhạc cụ hòa
theo, cả loại thánh nhạc hay nhạc thế tục. Nhưng sự âm vang, không ai trong
chúng ta có thể tưởng tượng ra được.
Còn về lý thuyết âm nhạc thời cổ đại, chắc chắn chúng ta có
những điểm mốc thú vị. Một nhà bác học Trung Hoa có tên là Linh Luân vào khoảng
năm 2.500 trước Công nguyên đã phối trí 5 âm hiệu của âm nhạc Đông phương. Ông
ta đã tạo nên một hệ thống ngũ cung và thêm vào những âm hiệu những cái tên kỳ
lạ, bởi vì mỗi âm hiệu nhận lấy cái tên của một giai tầng xã hội, từ nhà vua
cho đến người dân dã.
Ta hiểu thế nào về 5 âm hiệu này? Thay vì 12 âm hiệu mà hệ thống
thang âm hiện thời tạo ra? Chúng ta tìm thấy hệ thống ngũ cung này, gọi theo
ngôn ngữ Hy Lạp (penta=năm), khắp mọi nơi trên địa cầu, ở Trung Hoa, Nhật Bản, ở
châu Mỹ, ở Groenland và ngay cả ở châu Âu. Năm âm hiệu này là đặc điểm của nhạc
Đông phương. Đối với các nước Đông phương, bốn ngàn rưỡi năm, nào ít ỏi gì? Biết
bao sự biến đổi của hệ thống thang âm Tây phương mà họ không hề chịu ảnh hưởng!
Có phải thứ âm nhạc ngũ cung này là bước đầu hay sự kéo dài của hệ thống tam
cung cổ xưa mà ngày nay chúng ta còn tìm thấy nới các giống dân sơ khai ở châu
Phi và châu Mỹ?
Từ trong tình trạng mờ mịt này làm thế nào mà chuỗi âm thanh
được rõ ra dần như chúng ta nhận biết? Có phải những âm hiệu được nới rộng
thêm, từ ba đến bốn rồi đến năm, và sau cùng ở Hy Lạp, từ sáu đến bảy? Vào thời
Trung cổ, việc nâng cao và hạ thấp những âm thanh kế tiếp để tăng thêm số lượng
một cách dễ cảm hơn, cuối cùng được tiết giảm thành 12 âm hiệu bởi điều mà ta gọi
là luật điều hòa. Nhưng người Ấn Độ, người Ả rập và chắc chắn cả người Trung
Hoa đều biết đến những hệ thống thang âm khác, biết đến một phần tư cung và một
phần ba cung, có thể như vậy chăng? Một dân tộc có thể có đồng thời hai thể loại
âm nhạc, một loại dùng cho sự thờ phụng, loại kia cho người thế tục chăng? Một
vài bằng chứng cho chúng ta tin như vậy. Có một sự khác biệt trong cảm nhận bằng
thính quan tùy theo chủng tộc và thời đại chăng? Sự phát triển luôn luôn ổn định
hay không chừng, lúc thăng lúc trầm chăng?
Và nhất là có thật chắc chắn rằng âm nhạc đa âm, nghĩa là âm
nhạc có nhiều giọng, chỉ được “phát minh” vào thời Trung cổ, đến nỗi rằng trong
hàng ngàn năm của những nền văn minh cao, người ta không biết được một giai điệu
nào khác ngoài cách hát đồng thanh chăng? Không có hòa âm, không có phụ họa? Vậy
thì bấy giờ những dàn nhạc lớn trong triều đình Ninive, Suse, Babylone, toàn bộ
các khí nhạc ở điện Jerusalem dùng để làm gì? Và những bi kịch Hy Lạp - dùng
làm kiểu mẫu cho mọi kịch nghệ của chúng ta, với sự đúng mực sâu sắc, sự kết hợp
hoàn mỹ với các nghệ thuật khác - những bi kịch có âm nhạc lồng vào đó, giả định
rằng chúng được kèm theo những bài hát thì hòa âm đã không có hay sao? Làm sao
chúng ta tin chắc rằng các thời đại khác thì nghèo nàn hơn thời đại chúng ta,
trên quan điểm (lĩnh vực ?) âm nhạc, trong khi trên nhiều quan điểm khác các thời
đại đó đều ngang tầm với chúng ta, khi các thời đại đó chưa vượt qua thời gian
chúng ta đang sống? Có ai bảo đảm với chúng ta rằng trong nhiều thế kỷ đã trôi
qua giữa thời kỳ đấy thế lực của nước Hy Lạp và lúc xuất hiện nhạc đa âm thời
Trung cổ người ta đã không loại bỏ những văn bản cổ về hòa âm mà người ta không
hiểu được?
Tôi không muốn đưa ra những giả thuyết; chỉ xin mạo muội phát
biểu ở đây những ý tưởng đến với tôi khi suy ngẫm về vấn đề này. Trong mọi lĩnh
vực, có biết bao kho tang “bị lãng quên” của những nền văn minh đã qua.
Trái ngược với nghệ thuật thi ca hay hội họa, âm nhạc không
còn để lại gì hết. Âm thanh cất lên rồi tan biến ngay, không thể làm sống lại
được.
Chính vì lẽ đó mà chương này được cắm lên những dấu hỏi…
Có hai cách thức để hiểu âm nhạc trong quá khứ. Cách thứ nhất
là do lối truyền khẩu, bởi nhiều dân tộc vẫn còn gìn giữ những bài ca của họ.
Chỉ có vài thế kỷ để sáng tạo những bài dân ca mà không ai lại được giao phó trực
tiếp để lưu truyền. Hai trường hợp đặc biệt đưa chúng ta đi sâu vào quá khứ:
các bài ca từ những đền đài Do Thái có thể không biến đổi trong thời gian 3.000
năm và các bài ca của những người Cơ Đốc giáo đầu tiên phỏng theo các bài ca
trên. Hai hình thức âm nhạc này cho chúng ta một cái nhìn bao quát về thời thượng
cổ, nhưng chỉ soi sáng một lĩnh vực duy nhất thôi, ngoài ra chúng ta không biết
gì khác. Hãy tưởng tượng rằng vào năm 4.000, thử phán đoán nền âm nhạc của
chúng ta qua những bài thánh ca trong nhà thờ Công giáo mà người ta hát hiện
nay, hay qua các kinh kệ ở các chùa chiền Phật giáo, cả hai loại nhạc đó đều
không phải là đặc điểm của thời đại chúng ta.
Cách thứ hai để thăm dò quá khứ là sự phân tích lối viết nhạc,
trông có vẻ hợp lý và đơn giản, tuy nhiên vẫn xuất hiện nhiều vấn đề. Không dễ
gì ghi lại âm thanh cũng như tiếng nói, bởi vì phải ấn định đồng thời cao độ,
trường độ, cường độ, sự diễn tả một âm thanh, một câu văn, một giai điệu. Chúng
ta thấy con đường dài dằng dặc qua nhiều thế kỷ trước khi đạt đến sự hoàn thiện
hệ thống ký âm của chúng ta ngày nay. Phải vượt qua không những mọi khó khăn kỹ
thuật mà còn những khó khăn về mặt tâm lý, bởi vì trong nhiều thời kỳ một vài
dân tộc từ chối việc ghi nhạc vì sự coi sóc được giao phó cho các mục sư, họ nhận
việc này vì thiên khải, để tán tụng, ca ngợi đấng thiêng liêng trong các thánh
đường. Vì vậy các mục sư này cho rằng âm nhạc đó là huyền nhiệm và chỉ lưu truyền
bằng lối truyền khẩu thôi.
Khi cảm thấy muốn viết nhạc, người ta khám phá hai phương tiện.
Lối thứ nhất nhờ những ký hiệu tựa như những chữ cái; lối thứ hai dùng đường
nét có hình tượng. Trong trường hợp thứ nhất, một vài chữ cái, chẳng hạn C, E,
G, có thể hình dung một giai điệu gồm ba âm hiệu, nhưng nó có gì cho ta biết được
âm hiệu nào cao hơn hoặc thấp hơn âm điệu đứng trước. Lại nữa, vấn đề trường độ
và cường độ vẫn còn đó và hệ thống ký âm này hoàn toàn thiếu sự rõ ràng về âm
hình.
Trường hợp thứ hai, dùng đường nét, điệu bộ cũng không mấy rõ
ràng hơn, dù qua nhiều thời gian, nó khai sinh cho lối ký âm hiện thời của
chúng ta. Lối này chắc chắn giúp cho các thầy nhạc ở giáo đường, theo đường nét
điều khiển của bàn tay để hướng dẫn các giọng ca và như vậy khắc ghi nét giai
điệu trong ký ức của họ. Còn mất một thời gian lâu dài nữa những nét giai điệu
này mới ghi được lên giấy. Hệ thống ký âm này chúng ta tìm thấy được trên bờ biển
Địa Trung Hải, là loại ký âm tượng hình hiếm có mang tên Neumes do những người
Hy Lạp xưa đặt cho, có nghịa là điệu bộ, dấu hiệu.
Phương tiện thứ ba để lưu truyền âm nhạc, có vẻ lý tưởng hơn,
không có trong chương này. Những phát minh kỹ thuật của thế kỷ XX, thu thanh
vào đĩa, vào băng, phim nói, làm cho âm nhạc không bao giờ mất đi, chỉ được bàn
đến trong phần cuối cuốn sách này.
Như đã nói, ta thấy ở Trung Hoa có lý thuyết gia đầu tiên về
âm nhạc là Linh Luân đã cho năm âm hiệu những tên sau đây: cung (kong=vua),
thương (chang=quan), giốc (kyo=người trưởng giả), chủy (tchi=viên chức), vũ
(yu=người dân dã), từ đó chứng tỏ âm nhạc đã bắt rễ từ đời sống cộng đồng như
thế nào rồi. Trong lối giáo dục của Khổng tử, vị trí ưu thế dành cho âm nhạc
như một phương tiện của khoa sư phạm và luân lý. Nhà hiền triết còn gán cho âm
nhạc một hiệu năng giáo hóa lớn. Khổng tử không tự hạn chế trong việc thu thập
một vài điệu cũ, ngài còn sáng tác them những điệu mới. Bài quốc ca xưa của
Trung Hoa, Khúc Ca Cổng Trời, có liên hệ với khuôn mặt trong truyện truyền kỳ của
Hoàng Đế đã trị vì khoảng 2.700 năm trước Công nguyên.
Chúng ta cũng tìm thấy những chứng cứ về kiến thức âm nhạc ở Ấn
Độ. Theo truyện truyền kỳ xưa, thánh thư Sama-Veda dạy ta rằng chính thần
Brahma đã cho dân tộc ngài cây đàn vina biến hóa khôn lường và trở thành nhạc cụ
được ưa thích của người Ấn Độ, với ngài âm nhạc cũng quan trọng như “sự hòa đồng
vĩ đại của vũ trụ”, và vì vậy cũng ngang hàng với tôn giáo.
Tuy nhiên nhạc cụ xưa nhất được biết đến có từ đảo Tích Lan
(Ceylan). Theo truyền thuyết, vua Ramana đã sáng chế nhạc cụ này từ khoảng
7.000 năm trước và đặt tên là Ravanastron. Đó là thủy tổ của mọi loại đàn dây của
chúng ta; trong số đó đáng kể là hai loại đàn khi chơi phải dung một dây kéo
(archet) theo hình cánh cung. Những bức chạm trổ của xứ Assyrie, của thành Babylone,
của xứ Ba Tư cho thấy những cảnh ca hát hoặc đánh đàn. Kiến thức âm nhạc của xứ
Sumer (người sumérien), bị chôn vùi trong những thời xa xưa, hình như ở một
trình độ khá cao. Trong những cuộc khảo cổ mới đây ở thủ đô Ur, gần vịnh Ba Tư,
người ta tìm thấy một cây đàn lyre cổ được chạm trổ một cách tuyệt diệu và ước
đoán là có trước đây khoảng chừng 5.000 năm.
Chắc chắn người Ai Cập thời cổ đại là những nhạc sĩ thành thạo,
có một đời sống âm nhạc như của chúng ta, biết cả nhạc tôn giáo cũng như nhạc thế
tục, những bài hát nghề nghiệp và cả những vũ điệu. Các ngôi mộ thường có những
phiên bản các nhạc cụ cho ta biết rằng dân tộc này vốn đã có những nhạc cụ khí
nhạc, đàn dây và bộ gõ.
Ở Ả Rập thì có nhiều loại đàn dây rất xưa nhưng còn mới hơn
cây đàn Ravanastron. Còn cây đàn Kemantché của họ chỉ là một trái dừa rỗng dùng
làm thùng đàn, dây kéo là một cái cung được căng ra. Cây đàn Rabad của người xứ
Mauritanie xưa được đem vào Tây Ban Nha vào năm 711 của kỷ nguyên này thì có
nguồn gốc mới mẻ hơn; người Tây Ban Nha đặt cho cái tên là viela. Biết đâu cây
đàn vĩ cầm (viole) thất truyền của chúng ta và con cháu của loại đàn này lại được
phát sinh từ cây đàn Rabad chăng?
Để kết thúc chúng ta hãy nhắc đến một dân tộc ở châu Á mà âm
nhạc của họ nở rộ: người Hébreux (Hy-bá-lai). Dân tộc này ít thiên về chạm trổ
và hội họa (mô tả Thượng đế bằng nghệ thuật tạo hình đều bị ngăn cấm theo luật
lệ của Moise), lại tập trung tất cả khả năng diễn cảm vào nghệ thuật thi ca và
âm nhạc để phụng sự tôn giáo. Hai trong số các vị vua đã trở thành biểu tượng
cho giống dân mê say âm nhạc này là David (+/- 1.000-960) luôn được miêu tả với
cây đàn harpe cầm tay, và Salomon - người kế vị - nổi tiếng khắp cả Đông phương
bởi những hiểu biết nghệ thuật của ngài đến nỗi những du khách, trong đó có
hoàng hậu Saba, từ một nơi rất xa đến để nghe những tác phẩm của ngài. Lịch sử
dân Do Thái cũng đề cập đến nhiều biến cố liên quan đến âm nhạc, từ những bức
tường của thành Jericho bị sụp đổ trước âm thanh của kèn trompette cho đến những
nghi lễ của vương điện Jerusalem. Khi vương điện này bị phá hủy không thể cứu
vãn được vào năm 70 và khi người Do Thái tràn khắp thế giới, ảnh hưởng rộng lớn
được thấy ở khắp nơi, âm nhạc Đông phương mở ra những chân trời mới và làm giàu
cho nghệ thuật Tây phương. Đó là trương hợp không chỉ thấy ở La Mã mà còn ở các
nước phương Bắc nữa: chúng ta tìm thấy những dấu vết của nhạc Đông phương trong
âm nhạc tôn giáo ở Nga, được thâm nhập qua ngả thành Byzance.
Cũng không có gì ngạc nhiên đối với chúng ta khi từ “Cổ đại”
đồng nghĩa với từ “Đông phương”, bởi vì thế giới xưa như ta biết có trước thế
giới chúng ta là thế giới của châu Á. Điều này không bao hàm sự việc là không
bao giờ có những nền văn minh có lợi ích lớn lao ở nơi khác, nhưng những nền
văn minh này đã bị lãng quên, bị mất đi. Tất cả những nền văn minh ấy chắc chắn
đã biết đến và đã gìn giữ, vun đắp cho âm nhạc. Tác giả cuốn sách này cảm thấy
sửng sốt trước Cổng Trời, ở Tiahuanacu, trên cao nguyên xứ Bolovie khi nhìn thấy
tận mắt những dấu tích cuối cùng của một nền văn minh bị hủy diệt từ hàng ngàn
năm trước. Trên những bức chạm nổi ở Cổng Trời có hình một đầu người da đỏ đang
thổi kèn; vì mọi biểu tượng được trình bày có liên quan với tôn giáo nên ở đây
ta cũng có thể chấp nhận rằng âm nhạc đã kết hợp với Đức Tin của dân tộc này để
tạo nên một nguồn gốc độc đáo của trí khôn, cái đẹp, lòng nhân từ và niềm an ủi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét