Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Mưa hai mặt - "Nơi sấp ngửa những trò chơi"

Mưa hai mặt 
"Nơi sấp ngửa những trò chơi"
Vốn liếng mà Nguyễn Khắc Thạch bỏ ra để đến với thơ không nhiều. Chỉ vẻn vẹn 3 tập thơ với khoảng cách thời gian khá dài: Dòng sông một bờ (1989), Nơi ta sẽ về (1993), Mưa hai mặt (2002) nhưng ông đã tạo được giá trị thặng dư cho thơ mình khi khảm vào thơ thủ pháp song hành, đồng đẳng đầy mê hoặc. Mưa hai mặt là tập thơ thể hiện rõ bút lực của Nguyễn Khắc Thạch. Một tập thơ đi về trong cái bản thể phức tạp của đời sống, tạo sinh một thế giới hiện thực mới.
1. Ấn tượng đầu tiên khi đến với Mưa hai mặt là tính đối lập. Roman Jakobson đã nói: "sự chồng nguyên tắc tương đương lên chuỗi tiếp nối của các từ... tất yếu tạo ra cảm giác tính nhị nguyên, tính đa diện" (1). Tính khác biệt, đối lập tôn vẻ đẹp câu thơ và ý nghĩa bài thơ. Sự đối lập trong thơ Nguyễn Khắc Thạch thể hiện rõ ngay từ nhan đề: Mưa hai mặt. Đây cũng là tên của một bài nằm trong tập thơ ấy. Mưa trong thơ ông trở nên có linh hồn, có sự sống mang tính nhị nguyên: mưa tăm tối - mưa sáng ngời. Nó không chỉ là nền tảng của sự tái sinh mà còn làm nhiệm vụ thuỷ táng đất trời: “những cơn mưa tái sinh màu đất/ những cơn mưa thuỷ táng khung trời/ để em thấy mưa là hai mặt” (Mưa hai mặt). Nhan đề tập thơ như một sự phản ứng dây chuyền, lây lan toàn bộ tập thơ, làm nền cho thi ảnh nước đôi toả sáng. Sự đối lập diễn ra từ cấp độ câu thơ, khổ thơ và đến cả toàn bài thơ. Có thể thấy dạng thức ấy qua các hệ thống từ ngữ tương phản: bây giờ - mai sau; tăm tối - sáng ngời; buồn - vui; say - tỉnh; khi cài - khi mở; dại khờ - khôn ngoan; không - có; thiên đàng - địa ngục; hữu hình - hư vô; phía sau - phía trước; đầy - vơi; đói - nghèo...
Hiện thực trong thơ Nguyễn Khắc Thạch đầy chông chênh. Chông chênh từ Dòng sông một bờ: "Có một dòng sông chỉ có một bờ/ phía bờ kia quay mặt/ dòng sông anh không qua được bao giờ", từ Nơi ta sẽ về: "phấn son nhạt nhoà hạnh phúc khổ đau/ thời thượng văn minh máu người như nước lả" đến Mưa hai mặt. Thực tại được nhìn bằng con mắt của người thơ sẵn sàng "bị chém bằng lưỡi rìu ngôn ngữ", phô trần thực chất sự hỗn loạn. Hỗn loạn từ vật chất cơm áo, từ lời ăn tiếng nói đến đức tin, đến sự thờ phụng... Cuộc sống bị thống lĩnh và chi phối bởi đồng tiền:
Khi đồng tiền lên ngôi mục đích
thì bàn thờ chỉ là phương tiện
(Trả giá)
Đồng tiền ngự trị. Tình cảm giữa người với người chỉ là sự giả tạo. Lời chào không còn cao hơn mâm cỗ. Những cái bắt tay thiếu sự thành tâm. Món nợ tình cảm được quy bằng đồng tiền cỏ rác. Tất cả là những mưu tính, sắp đặt:
phía lời chào không cao như mâm cỗ
phía con người bắt tay trong mặc cả
(Cố hương)
Cánh nhà thơ xưa nay vốn nghèo. Cái họ có được chỉ là một thứ tài sản tinh thần về lòng trung thực. Lòng trung thực giúp họ đứng vững trước bão tố cuộc đời và giữ được nàng thơ tránh khỏi " "sóng đời mình". Vì thế, họ chịu hệ luỵ đầu tiên cho việc "gieo thẳng thơ trên giấy kẻ dòng": "có nỗi đau ngoài tầm nước mắt/ cánh chim cô đơn khi vượt trước bầy đàn". Nguyễn Khắc Thạch cũng lâm vào cảnh cơ cực áo cơm, không đất không nhà khi vận vào mình cái duyên của người thơ: "áo cơm bờm xơm vỗ mặt/ hư danh cầm cố thi ca.../ cơn mơ đấu cờ thực tại/ nước đi không đất không nhà.../ vợ con đánh đòn vỡ nợ/ vỡ lòng... bong bóng bay qua". Một "tự khúc" rất thi sĩ. Không che đậy. Không nói quá. Nguyễn Khắc Thạch dấn thân vào sự thực cuộc đời, chấp nhận tất cả trớ trêu của thế giới thực: "Ta ngồi hóa dại đôi khi/ thèm đau lần nữa những gì đã đau".
Trong thế giới nhập nhằng ấy, nhà thơ tìm được cái đẹp tình người còn sót lại. Cái đẹp thẳm sâu, rưng rưng khi gói bánh chưng, bánh tét ngày tết. Cái đẹp khi trở về với cố hương. Cố hương vẫn còn nguyên vẹn những cánh đồng bát ngát, những cánh cò bay lả và cả những cái nắm tay cũng đầy trìu mến: "Cố hương tôi vẫn cánh cò bay lả/ hương đồng quê thơm nắm tay người". Đối lập giữa hai chốn, phố thị và đồng quê, Nguyễn Khắc Thạch hướng đến một cố hương mãi mãi là kí ức xanh: “Trên cánh cò ca dao/ kí ức xanh luỹ tre làng Gióng/ cố hương tôi thăm thẳm/ sau chiều”.
Hai cực của thực tại song tuyến tạo nên cơn khát vô tận của Mưa hai mặt: "Ngày về hoa cỏ khác hơn/ ngày về tôi vẫn là cơn khát lầm" (Gửi Nhật Lệ). Một cơn khát nhân bản trong thế giới "những sấp ngửa đồng tiền đè lên ngực/ những khoảng trống lương tri đến dối lừa". Đó là cái đẹp còn lại trong thế giới "hiện thực cục cằn như kẻ đói yêu".
Bài thơ chứa đựng trong nó một hoặc nhiều hình tượng. Dưới bàn tay tài ba của nhà thơ, các hình tượng ấy không đứng yên mà luôn lan toả với nhiều dạng vẻ khác nhau. Trên nền tảng sự tương phản, hình ảnh thơ của Nguyễn Khắc Thạch trở nên đa diện. Chiều là em, là tình yêu, là nỗi nhớ, là sức sống vô tận...: "ai gọi chiều/ mà chiều nghe lòng chiều thắc thỏm/ chiều gọi ai/ mà chiều rơi lõm bõm lời chiều/ gió cũng e chừng nẻo nhớ dua theo/ trơ lối mòn lá đổ.../ ơi những buổi chiều những buổi chiều thậm nhớ/ muốn ôm chặt lấy chiều chiều lại ngả vào đêm" (Chiều). Ngày là biểu tượng thời gian, là trò chơi số phận: "ngày là lưỡi hái lường chơi/ mỗi ngày liếm một mảng đời như không/ ngày đi ngày đến lòng vòng/ đất trời còn mánh đường cong... huống người..." (Ngày). Đêm cũng đầy những mê hoặc: đêm của những linh hồn, đêm của sự hủy diệt, đêm của sự sống...: "Đêm dâng nỗi thầm đau thân ngọc/ Dưới chân người vàng đá phôi pha.../ Đêm thắp nến hàn trăng lữ thứ/ Đêm thẩm khát màu son trinh nữ/ Để tái sinh cho hủy diệt sau cùng..." (Đêm). Mưa vừa ẩn dụ cho kiếp người, vừa là hiện thân cho tình yêu: "Hạt mưa tan vỡ vì nhau/ Hình như mưa cũng đổi màu buồn vui/ Mưa tăm tối, mưa sáng ngời/ Vẫn là đất khát dựng trời mà lên!" (Mưa). Trăng là hoá thân của nhà thơ, là cái cân cân trọng lượng tình cảm: "Ta ngồi hoá rượu thành trăng/ Khoả thân cái bóng cân bằng ghét yêu" (Gửi trăng)...
Mỗi bài thơ trong Mưa hai mặt hầu hết đều ẩn hai hoặc nhiều hơn hai mặt. Nhờ thế, ở Mưa hai mặt "bao giờ con người cũng là một thực tại kép/ ước vọng thì đầy nhớ tiếc thì vơi". Và một cái tôi kép. Một cái tôi luôn trắc ẩn, đầy mâu thuẫn, nửa muốn "vi vu thuở trót đặt điều chờ mong", nửa muốn "thèm đau lần nữa những gì đã đau". Một cái tôi thấu hiểu "nỗi đau ngoài tầm nước mắt" nhưng vẫn muốn đi đến kiệt cùng sự thật: "sự thật là thanh gươm lành trong vỏ/ nhưng rút ra rồi... nó đau đớn biết bao"  để di ngôn: "nhà hiền triết di ngôn/ tất thảy đều là không/ nhưng khốn nỗi/ ta thực chứng một đời rằng đến cái không cũng có" (Luận đề). Đúng như lời tâm sự của nhà thơ: "Mưa hai mặt ngoài nghĩa hai mặt của một vấn đề còn là nỗi ám ảnh về sinh tử, luân hồi, về sự chẻ đôi của thói thường theo cơ chế nhất niệm khởi, thiện ác phân" (2).
Hiện thực hai mặt trong thơ Nguyễn Khắc Thạch đối chọi nhưng lại giao thoa, chuyển lưu. Người ta tung đồng xu để thử vận may, Nguyễn Khắc Thạch lại tung vào thơ trò chơi sấp ngửa để kiếm tìm số phận của một thế giới chưa hoàn tất.
2. Nguyễn Khắc Thạch cho rằng: "Thiền thì ngộ mà thơ thì mê. Thiền là trở về với bản lai diện mục, còn thơ thì phiêu lưu vì những gì mới lạ... Bởi vậy, từ khi hành thiền, tôi không có hứng làm thơ nữa" (3). Thực ra, càng đến với cõi thiền, thơ ông càng tỏa sáng hơn. Ở Mưa hai mặt còn là cuộc gặp gỡ giữa thơ và tôn giáo. Đây cũng là một góc nhìn khác làm nên kết cấu Mưa hai mặt.
Nói đến thơ thiền, người ta thường nghĩ đến cái mỹ học của vô ngôn. Thơ Nguyễn Khắc Thạch đã chạm vào cái đẹp vô ngôn ấy. Mưa hai mặt sử dụng khá nhiều những từ ngữ mang hương vị thiền: hư vô, ngộ, thiền, Bồ Đề Đạt Ma, chùa, thầy tu, Tây Trúc... Có thể thấy trong một số câu thơ như: "Mót tuổi trời rụng phía hư vô", "nhục cảm cô đơn đánh tráo chân thiền", "tấm áo mượn chùa chân thật hóa thầy tu"... Bên cạnh đó, những hình ảnh quen thuộc của tư tưởng Phật như: ngọn nến, vầng trăng... cũng góp phần làm cho thơ Nguyễn Khắc Thạch tiến gần tư tưởng thiền.
Thiền mở ra những lối đi thanh cao, thoát tục, nhẹ nhàng, vắng lặng... Tĩnh nhưng không bất động mà đang chuyển biến, dịch hóa. Bài thơ Thiền nổi bật nhất âm hưởng thiền trong Mưa hai mặt:
bên thềm hoang
thiếu phụ
thoát y nằm
ngọn nến cháy
sau vầng trăng khuyết...
Nguyễn Khắc Thạch phác thảo nên bức tranh người thiếu phụ trong cảnh thoát y. Bức tranh vừa đối lập với thềm hoang vừa tương đồng, cùng nhau cộng hưởng gia tăng sự yên tĩnh. Cái yên tĩnh ấy càng yên tĩnh hơn khi nhà thơ dành một khoảng trống của không gian trên văn bản. Nhưng cái hiện hữu ấy chỉ là phù vân. Khổ 2 đã cắt đứt nghiệp chướng, chỉ còn lại “ngọn nến cháy/ sau vầng trăng khuyết”. Ngọn nến cháy, dù nhỏ nhoi nhưng nó là cái đang hiện tồn, tương động. Bởi, sau vầng trăng khuyết ấy là sự đốn ngộ.
Chất thiền còn được lồng trong sự tương phản: “đầu này một chiếc dép/ chỉ một chiếc dép đầu này/ mà đầu kia phải lệch/ mà đầu kia là cả… không gian”. Đầu này là đầu của chốn bụi trần. Đầu kia là đầu của không gian rộng lớn, vô lượng. Đầu của sự vận động, trôi chảy…
Bên cạnh những câu thơ mang hơi thở của thiền, chúng ta còn thấy một số hình ảnh về Thiên Chúa như: cây thánh giá, Chúa, đức tin... Hai nguồn tôn giáo trong Mưa hai mặt nhưng không hề gây sự áp đảo nào, ngược lại, chúng là nền tảng để nhà thơ trình bày những triết lý của mình và tạo nên trò chơi sấp ngửa cho tập thơ.
Đến với tôn giáo, con người trở nên thánh thiện hơn. Nhưng khi cái bản năng bị vực dậy thì tất cả chỉ là sự giả dối. Tôn giáo lúc này trở thành bình phong vững chắc để con người che phía gương mặt hoen rỉ. Bởi vậy, những ham muốn thường nhật có thể phá vỡ tôn giáo:
và đâu đó cơn khát thèm xác thịt
có thể cắn rách màng trinh tôn giáo
(Thông cảm)
Đức tin không trú ngụ ở cây thánh giá đóng đinh Chúa mà nó nằm trong lòng tin của mỗi người. Nguyễn Khắc Thạch rất thẳng thắn khi bàn về đức tin:
khi niềm tin ta đã đóng đinh
thì cây thánh giá kia
cần chi phơi hình Chúa
(Trả giá)
Và:
Thì đủ biết vì sao
đức tin có bảo hành
và chỗ dựa có đức tin
chỉ là những gì mong manh hư ảo...
(Ý tưởng)
Cuộc hội ngộ giữa hai luồng tôn giáo mở thêm cánh cửa mới để Nguyễn Khắc Thạch thấu suốt, chiếm lĩnh hiện thực. Đứng ở vị trí trung gian, lửng lơ trong hàng loạt khoảng trống của sự song hành là cách ông nhận thức ngoại biên và nội tại cuộc đời. Những cái phi lý đang dần dần ăn mòn lẽ sống của con người.
32 bài thơ trong Mưa hai mặt đều là những cuộc vật lộn không ngưng nghỉ của các con chữ. Lạ hoá cách đặt nhan đề, cách triển khai nhị nguyên, lạ hoá thơ trên nền tảng tôn giáo, Nguyễn Khắc Thạch cất dấu những cảm quan riêng về hiện thực cuộc sống. Đó cũng là cách nhà thơ gây ấn tượng khó quên trong lòng người đọc về một thực tại kép đầy tâm trạng, đầy triết lý: “cái chết nào sống đã lãng quên/ người sống nào chết rồi mới thấy lớn?”.
Chú thích:
1. Trịnh Bá Đĩnh, Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, NXB Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2002, tr 130.
2. Nguyễn Khắc Thạch, Đang tồn tại bằng một cuộc sống nháp (Tiểu luận), NXB Thuận Hóa, 2009, tr 99, 100.
3. Như (2), tr 95.
Đồng Hới, ngày 25/6/2010
Hoàng Thụy Anh
Theo https://vanchuongviet.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...