Hình thức, phong cách và
1. Dẫn nhập: hình thức, phong cách và thể loại văn chương
Tôi xin bắt đầu bằng việc kể
cho các bạn nghe một câu chuyện. Câu chuyện về người lính ở nhà hát kịch
Baltimore. Stendhal kể câu chuyện này trong Racine và Shakespeare vào
năm 1823, như là mới xảy ra gần đây thôi. Tôi xin dẫn lại Stendhal:
Năm
ngoái (tháng tám 1822), một người lính đứng gác trong nhà hát kịch Baltimore,
nhìn thấy Othello, trong hồi thứ năm của vở kịch cùng tên, sắp sửa giết chết
Desdemona, anh ta đã thốt lên: “Có tôi đây thì đừng hòng thằng mọi đen nào dám
giết một người phụ nữ da trắng”. Cùng lúc đó, anh lính giương súng bắn gãy cánh
tay của diễn viên đóng vai Othello.
Câu
chuyện rất hay này đã làm cho Roland Barthes rất thích thú khi tôi kể cho ông
ta nghe. Nhưng tôi chỉ mới tìm thấy nguồn gốc của câu chuyện mới đây thôi. Nó
làm cho Stendhal chú ý trong khuôn khổ suy nghĩ về ảo giác và theo ông thì nó
minh họa cho cái “ảo giác hoàn hảo”. Đối với Barthes, câu chuyện cho thấy điều
mà chủ nghĩa hiện thực phải như thế nào thì mới là thực sự là hiện thực chủ
nghĩa. Suy ra từ phản ứng đó của anh lính gác nhà hát kịch Baltimore, thì cách
hành xử của độc giả - hay của nữ độc giả say mê nhất: lần này các bạn hãy nghĩ tới
kiểu mẫu của Bà Bovary - có vẻ như rụt rè thận trọng rất nhiều.
Ở đây,
điều mà người lính nhà hát kịch Baltimore đưa ra, đó là tư tưởng về quy ước văn
chương. Văn chương cũng như mọi diễn ngôn đều giả định những quy ước, và quy ước
đầu tiên trong số đó, đó chính là quy ước văn chương. Người lính nhà hát kịch
Baltimore chưa bao giờ bước vào nhà hát kịch, chưa bao giờ xem một vở kịch, anh
ta không biết mong đợi vào cái gì. Văn chương là một mong đợi.
Đi vào văn chương, với tư cách là độc giả hay khán giả, mà cũng với tư cách là
tác giả, đó là nhập vào một hệ thống mong đợi. Sự mong đợi đầu tiên, theo nghĩa
được gợi ra thường xuyên từ tác phẩm văn chương, đó là mong đợi hư cấu,
là willing suspension of disbelief, cố ý treo lại sự hoài nghi như
Coleridge đã gọi như thế. Nhưng nó không mang tính phổ quát: trong Hồi ức, nhật
ký hay tự truyện, độc giả mong đợi đọc được điều đã xảy ra chẳng hạn, theo thoả
ước xác thực. Và sự mong đợi đó không phải là sự mong đợi duy nhất: đi xa hơn,
khi đọc một bài thơ nhan đề là “thơ sonnet” tôi mong đợi tìm thấy ở đó mười bốn
câu thơ, hai khổ bốn câu theo sau là hai khổ ba câu, hay là mười hai câu, tiếp
theo là khổ thơ hai câu.
Tôi muốn
nói, sự mong đợi là có tính thể loại. Tôi đề cập đến một cuốn sách, một vở
kịch với niềm mong đợi thể loại: đó là một bi kịch, một bài thơ sonnet, một tiểu
thuyết trinh thám, một tự truyện, một luận án, một bài thuyết trình, một hồi ký
bậc thầy… Tôi cố ý chọn những thể loại hỗn hợp, để nhấn mạnh rằng các quy ước
thể loại về bản chất là rất khác nhau: hình thức, chủ đề, phong cách… Người
lính gác nhà hát kịch Baltimore đã không biết đến một trong những nét định
nghĩa của thể loại kịch, một trong những thể loại hiện đại tầm cỡ.
Thể loại
là một quy ước diễn ngôn. Ít ra dưới cái nghĩa đó - tôi xin thông báo ngay - mà
thể loại được phục quyền trong những nghiên cứu văn chương sau một thời kỳ dài
nó ít có mặt, ít được xem xét, trong thời kỳ đó, giữa tác phẩm hay văn bản với
văn chương, có thể nói là không có những trung gian nào. Đối với vấn đề: thể loại
là gì? tôi đã đề nghị một câu trả lời, câu trả lời này sẽ nằm trong phạm vi của
giáo trình này. Ngay từ đầu, chúng ta nói rằng nếu khái niệm thể loại có tính hợp
thức ở bên kia những vụ kiện mà nó phải chịu, thì đó là bên kia sự đọc, bên kia
hiện tượng luận về sự đọc.
Trong khi đọc, tôi tạo ra một giả thuyết về thể loại; giả thuyết này hướng dẫn sự đọc của tôi: tôi sửa chữa nó nếu văn bản phản bác nó; không, đó không phải là bài thơ sonnet Pháp, không, đó không phải là bi kịch cổ điển; không, đó không phải là tiểu thuyết đen; kết cục lại, tác phẩm này không thuộc về thể loại nào đã được định nghĩa, nhưng để đi đến cái kết luận ấy, tôi phải đọc nó bằng cách tạo ra những giả thuyết đối với cái vẻ bề ngoài thể loại của nó, và bằng cách kiểm tra lại những giả thuyết ấy dần dần theo sự đọc của tôi.
Trong khi đọc, tôi tạo ra một giả thuyết về thể loại; giả thuyết này hướng dẫn sự đọc của tôi: tôi sửa chữa nó nếu văn bản phản bác nó; không, đó không phải là bài thơ sonnet Pháp, không, đó không phải là bi kịch cổ điển; không, đó không phải là tiểu thuyết đen; kết cục lại, tác phẩm này không thuộc về thể loại nào đã được định nghĩa, nhưng để đi đến cái kết luận ấy, tôi phải đọc nó bằng cách tạo ra những giả thuyết đối với cái vẻ bề ngoài thể loại của nó, và bằng cách kiểm tra lại những giả thuyết ấy dần dần theo sự đọc của tôi.
Các bạn
hãy đi ra khỏi giáo trình để nói về phong cách baroque. Người ta có thể miêu tả
baroque tương tự như trên: về phương diện độc giả hay khán giả, như là một hệ
thống sự mong đợi. Những nét khu biệt mà [Wolfflin] đã xác định có thể hiểu
theo cách đó. Nhưng phải chăng baroque là một thể loại? Không, có lẽ đó là
phong cách. Nhưng giữa thể loại và phong cách, có những điểm gặp gỡ rất bền vững,
và cả hai từ này đều xuất phát từ cùng một khái niệm của tiếng La Tinh. Có một
thi pháp học baroque nếu có một hệ thống các nét nhận biết một tác phẩm
baroque. Một phong cách, dù cá nhân hay tập thể, là cái chữ ký cho phép sự nhận
biết.
Hình
thức, thể loại, phong cách: tôi đã đặt nhan đề bài học thứ nhất này như thế.
Các bạn sẽ nhận thấy rằng chúng ta đang ở trong câu chuyện, in medias res.
Và bằng cách nào đó, tôi đã nói với các bạn gần như là cái bản chất của điều mà
tôi sẽ nói lại trong mười ba bài học của học kỳ này. Nhưng trước khi tiếp tục,
dù sao thì cũng phải có và lời dẫn nhập như trên.
2. Thể loại và lý thuyết
Nhan đề
của giáo trình này là: Lý thuyết văn chương: khái niệm thể loại. Trước
khái niệm thể loại, tôi đã dành giáo trình này cho những khái niệm cơ bản của
văn chương, những khái niệm văn chương chung và việc lý thuyết hóa chúng, nghĩa
là theo cách mà chúng đã được lý thuyết văn chương phê bình suy nghĩ lại, chế
tác ra. Như vậy ở đây, tôi hiểu lý thuyết theo nghĩa lý thuyết phê
bình, nghĩa phản tư siêu phê bình về văn chương, nghĩa nhận thức luận và bản thể
luận của các nghiên cứu văn chương, hay đơn giản theo nghĩa cảnh giác phê bình:
mục đích của lý thuyết, theo tôi, là biết điều mình làm khi mình thực hiện điều
đó. Các bạn nhận thấy rằng tôi không hiểu lý thuyết theo nghĩa thực chúng của một
hệ thống nào đó. Tôi sẽ không trình bày cho các bạn thấy một hệ thống rồi đòi hỏi
các bạn phải tin vào nó, phải đóng vai “anh lính gác nhà hát Baltimore”. Trái lại,
đối với tôi, lý thuyết là phê bình mọi hệ thống: hệ vấn đề của chúng, sự hoài
nghi chúng. Lý thuyết bao giờ cũng chống lại mọi học thuyết. Tôi muốn biến các
bạn thành những người phản đối lý thuyết, những con quỷ của lý thuyết,
theo nhan đề đã gán cho một cuốn sách là kết quả của những năm đầu theo đuổi
giáo trình này. Điều khiến tôi quan tâm là chứng minh, là dựng lại những xung đột
giữa quan niệm thông thường với lý thuyết, sự kháng cự lại lẽ thường, những
thái quá của lý thuyết. Trước khi nói về thể loại, những khái niệm mà chúng tôi
đã miêu tả những đối kháng đối với chúng là những khái niệm sau đây: tác giả,
thế giới, độc giả, lịch sử, giá trị và hẳn là văn chương. Bao giờ cũng từ quan
điểm hoài nghi, mỉa mai, tỉnh ngộ, nhưng không lọc lừa.
Năm
nay, tôi mong muốn cùng với các bạn rèn luyện sự mỉa mai lý thuyết đó đối với
khái niệm thể loại văn chương.
Nhưng
vì sao cho đến giờ các bạn vẫn chưa biết đến khái niệm thể loại? Tại sao không
tích hợp nó vào một vài khái niệm cơ bản nêu trên? Khi nghĩ đến văn chương, đến
tác phẩm văn chương, tự nhiên người ta tự động nghĩ đến một tác giả viết nên
tác phẩm ấy, nghĩ đến một người đọc đọc nó, đến cái thế giới mà nó nói đến, đến
phong cách mà theo đó, nó được viết ra. Nhưng tự nhiên người ta không tự động
nghĩ đến cái thể loại mà tác phẩm ấy thuộc về: đó là một tiểu thuyết, một vở kịch,
một bi kịch, một anh hùng ca, một tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết khoa học
giả tưởng, một tiểu luận. Thật vậy, tôi cũng tin rằng giữa quan niệm thông thường
và lý thuyết văn chương, sự chống lại vấn đề thể loại cũng cùng một loại với sự
thù địch của chúng đối với tác giả, thế giới, phong cách, v.v. Và có thể cùng một
phương pháp tiến hành. Đối với quan niệm thông thường về văn chương thì thể loại
tồn tại; văn chương được tạo nên bởi thể loại; tác phẩm được xếp vào trong các
thể loại, như ở FNAC [1]. Còn đối với lý thuyết văn chương thì trái lại, tức là
đối với những nhà hình thức chủ nghĩa thống trị thế kỷ XX, từ chủ nghĩa hình thức
Nga đến cấu trúc luận, các thể loại văn chương không có tính quan yếu, mà chỉ
có văn bản và tính văn chương mới là quan yếu. Theo định nghĩa đó, tác phẩm hiện
đại thoát ra khỏi thể loại. Các nhà tiền phong văn chương mà lý thuyết của họ
nói chung là liên kết với nhau, đã từ chối thể loại như là những câu thúc lỗi
thời: hãy nhìn Illuminations, Chants de Maldoror, Nadja thử
xem. Các nhà siêu thực chủ nghĩa lên án tiểu thuyết là võ đoán, vô phép tắc (lawless -
tiếng Anh trong nguyên bản). Trong Những kẻ làm bạc giả, Gide tìm cách tạo
ra một tiểu thuyết thuần nhất loại bỏ ra khỏi tiểu thuyết mọi thứ không thuộc về
nó. Nhưng sẽ còn lại gì? Người ta biết rằng nhà tiểu thuyết hư cấu Édouard đã
thất bại vì đi theo cái tham vọng siêu nhân ấy, nhưng Gide đã khôn khéo thoát
khỏi cái cảnh khó xử ấy bằng cách đi đường vòng cùng với những câu thúc mà ông
áp đặt cho nhân vật của mình. Thế giới không tưởng của nhà tiền phong thế kỷ XX
mặc định cái lý tưởng triệt tiêu thể loại. Thế nhưng, Michaux trong Thời của
những kẻ cuồng tưởng (L’Époque des illuminés) lại viết: “Thể loại văn
chương là kẻ thù không bắn hụt bạn”. Nói cách khác, thể loại vẫn mạnh nhất. Đối
với lý thuyết, thể loại, cũng như những khái niệm khác đã dẫn trên đây, là một
khái niệm tiền - lý thuyết, mang tính lịch sử, ý thức hệ, bản thể luận, kinh điển.
Nhưng
thể loại lại trở về trên sân khấu của nghiên cứu văn chương, theo nhiều cách
gián tiếp. Một mặt, cùng với sự phục hồi tu từ học chống lại lịch sử văn
chương. Hơn nữa thể loại, như ta sẽ thấy trong bài học sắp đến, lại thuộc về tu
từ học chỉ vì cái tên của nó: genera dicendi, thể loại diễn ngôn. Và các
nhà lý thuyết như Gérard Genette hay Tzvetan Todorov đã tái dẫn nhập một sự phản
tư về thể loại, thậm chí về hệ thống các thể loại (xem thư mục). Mặt khác, mỹ học
tiếp nhận đã chuyển vị trí trọng âm lý thuyết từ văn bản sang sự đọc, và, như
tôi đã gợi ý lúc đầu, với tư cách là phạm trù đọc, chắc chắn thể loại ít bị phản
đối nhất, nếu không muốn nói là điều hiển nhiên. Nó giống như điều mà Hans
Jauss gọi là tầm mong đợi: một tiền nhận thức mà cùng với nó độc giả đến với
sách vở. Nói cách khác, thể loại - sau vụ kiện lý thuyết của nó - có lẽ một lần
nữa được củng cố do chính vụ kiện ấy, hai lần hợp pháp - quyền công dân [2] trong
nghiên cứu văn chương, không chỉ theo lẽ thường, theo nghĩa mà sách vở được sắp
xếp trong những thư viện theo thể loại văn chương, theo mạng lưới rất đơn giản
được thừa hưởng từ hệ thống các thể loại cổ điển - tiểu thuyết, thơ, kịch, tiểu
luận - mà còn theo nghĩa lý thuyết về chính các thể loại. Suy nghĩ về thể loại
ngày nay hoàn toàn là hợp pháp.
3. Lịch sử và lý thuyết thể loại
Chúng
ta sẽ vạch ra điều đó như thế nào? Đây là một kế hoạch, tuy không bảo đảm nhưng
nói chung, chúng ta sẽ theo đuổi nó theo dòng lịch sử và dòng lý thuyết. Chúng
ta sẽ thử thách lịch sử đồng thời cả lý thuyết về khái niệm hay về hệ thống các
thể loại, một hệ thống chắc chắn là tốt nhất, bởi vì thể loại chỉ có nghĩa khi
nằm trong một hệ thống những đối lập. Nhưng, dù khái niệm hay hệ thống thì thể
loại liên quan đến chúng ta như là cái hòa giải giữa tác phẩm và văn chương,
như là cấp độ trung gian. Và, như ta sẽ nhận thấy, phần lớn cuộc tranh luận dù
là rộng lớn nhất trong nhiều thế kỷ vẫn hướng đến bản chất của cái
trung gian hòa giải ấy, hướng đến cái âm thanh bản thể luận của cái cấp độ văn
chương ấy (điển chế, miêu tả, giải thích…). Người ta gắn vào đó một biến thể của
cuộc cãi vã về những phổ quát, hay cuộc tranh luận về chủ nghĩa duy danh và chủ
nghĩa hiện thực, về sự tồn tại của các chủng loại: tôi biết những cá thể này,
Paul hay Pierre nhưng tôi chưa bao giờ gặp con người của họ. Các nhà duy danh
luận nói, chỉ có cá thể mới tồn tại; còn chủng loại thì không, đó chẳng qua là
những cái tên dùng để phân loại. Vấn đề tương tự cũng đặt ra đối với các thể loại
văn chương: chỉ các các tác phẩm cá thể như Tu viện thành Parme và Giáo
dục tình cảm mới tồn tại, còn tiểu thuyết giáo dục thì không tồn tại, như
thể người ta nhận ra ai là anh, ai là chị, cho dù người ta không biết tại sao
mình nhận ra được như vậy. Còn bi kịch thì đó là chuyện khác. Ít ra có ba hướng
thể loại và tồn tại của nó: bài sonnet, bi kịch, tiểu thuyết giáo dục. Nhưng đó
cũng là những câu hỏi mà bạn cần phải đặt ra cho mình khi nói về phong cách
baroque là phong cách không có cái tiên nghiệm như là chủ nghĩa cổ điển, nhưng
vẫn cứ tồn tại theo một cách thức nào đó.
Còn đối
với thời gian biểu. Về thư mục, một số văn bản cơ bản có mặt ở đó, cần phải được
nhận ra ngay từ đầu, như là Thi pháp học của Aristote, khởi thủy của
vấn đề thế loại với Nước Cộng hòa của Platon, hay Mỹ học của
Hegel. Cũng có những văn bản hiện đại mà tôi gọi là sự trở về của các thể loại:
Gérard Genette, Tzvetan Todorov, Jean-Marie Schaeffer. Cũng cần nhấn mạnh đối với
những văn bản có nét đặc trung của chủ nghĩa lãng mạn, như văn bản của Peter
Szondi bởi vì chúng ta vẫn còn phụ thuộc vào cái học thuyết về thể loại ấy.
(Lược bỏ không dịch mục thứ 4. Le genre de l’examen, chỉ nói
về thể loại thi cử của bài học thứ nhất này).
Chú thích:
[1] FNAC: có thể là “Federation nationale d’achats des
cadres”, một chuỗi cửa hàng của Pháp chuyên phân phối các sản phẩm văn hóa (âm
nhạc, văn chương, phim ảnh, video) và điện tử (hi-fi, tin học, truyền hình)
[2] Nguyên tác: droit de cité, “quyền công dân thành phố/ quyền
được kể đến”.
6/6/2016
Antoine Compagnon
Lý Thơ Phúc dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét